Nobel văn chương năm 1987 joseph brodsky



tải về 0.98 Mb.
trang5/8
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích0.98 Mb.
#1393
1   2   3   4   5   6   7   8

Người nghệ sĩ

 

Hắn tin vào đầu óc mình,



Hắn tin ở mình.

Người ta thét vào tai hắn:

“Đồ ngu.”

Nhưng những bức tường đổ xuống.

Hắn có cái sọ

cứng.


 

Hắn nghĩ có thể tìm thấy

sự trong sáng bên kia những bức tường,

bên kia những bức tường mọi thứ

đều đơn giản...

 

Những điếu thuốc hôi thối



đã cứu hắn khỏi tự sát.

Hắn lang thang qua các làng,

qua những con đường

màu vàng và vô tận,

trong các nhà thờ hắn vẽ

tranh Judas và Madeleine

và từ bàn tay hắn nghệ thuật ra đời.

Trong bụi đường

những kẻ bị dịch hạch tai xám

đã chôn hắn theo qui định

không đọc lời cầu nguyện

và ném trên xác hắn

mấy cục đất sét.

 Thế nhưng trên mặt đất

những Judas và những Madeleine mỉm cười.

***


Ngôn từ

 

Những ngôn từ vây quanh tôi trong im lặng



như gương mặt những người lạ,

                                                       những ngôn từ,

ngôn từ đói khát và ngôn từ trần truồng,

ngôn từ chủ yếu và ngôn từ âm ỉ,

ngôn từ không tên, ngôn từ có thế thôi,

những ngôn từ sống trong hầm,

nói trong hầm, sinh ra trong hầm,

dưới những tầng không định rõ

của chủ nghĩa lạc quan thế giới.

 

Họ ra đi làm việc mỗi sáng,



đổ xi măng, kéo đá,

xây dựng thành phố... Không! Họ dựng

một tượng đài cho sự cô đơn của chính họ.

Họ ra đi như nguời ta đi lạc trong ký ức

của người khác, bước chậm rãi dọc theo những chữ

và bằng ba nhịp hàng dọc của chúng

những ngôn từ đi lên đồi Golgotha.

 

Bầu trời lượn lờ phía trên họ



như một con kên kên lượn trên nghĩa địa,

và, như được dựng trước

một cánh cửa đóng kín,

một người đập, đóng sâu những cái đinh

vào quá khứ

vào hiện tại

vào tương lai.

 

Sẽ không bao giờ có ai đến làm chứng.



Những nhát búa đập vang vọng

theo nhịp chậm của vĩnh cửu.

Dưới ngôn từ nằm yên phép ngoa dụ của đất

và phép ẩn dụ của trời bồng bềnh trôi phía trên chúng.

***

Lửa run rẩy trong bóng đêm...

 

Lửa run rẩy trong bóng đêm,



những thanh củi đốt thành than chỉ còn sáng lờ mờ.

Quanh đống củi chen chúc nhau đông đảo lạ lùng

những ý nghĩ tôi trỗi dậy từ mùa đông vô tận

Nỗi buồn nào xâm chiếm chúng ta

khiến giữa công viên ở vành đai thành phố

chúng ta nhìn lại một cảnh vật mơ hồ

và hiểu ra rằng công viên ấy không còn nữa,

rằng mỗi sự vật đều có hồi kết thúc

ngót từ hai thế kỷ nay,

đi lạc trong mộng giữa những khu rừng đêm

vẫn không bao giờ còn nghe tiếng búa người tiều phu.

Những thân cây và bụi rậm thẳng mình trong bóng tối,

những đồi cỏ ở xa nằm yên trong bóng đêm ủ dột,

trăng rực lửa giống như lửa củi đốt

thắp sáng cả rừng cây một trận cháy âm thầm.

*** 

 

Anh sẽ rong ruổi trong hoàng hôn

 

Anh sẽ rong ruổi trong hoàng hôn qua những đồi giá lạnh,



        bất tận,

dọc theo những cánh rừng bu lô mất hút trong đêm

                về hướng những ngôi nhà ba cạnh,

dọc theo những rãnh suối vắng, trên cỏ đóng băng,

                qua những ruộng đất cát,

sáng rỡ dưới vầng trăng chói chang.

Tiếng giày gõ lộp cộp trên những ngọn đồi im lắng, không gì

so sánh được,

ở xa kia, dọc theo những rãnh suối sâu anh cuộn tròn dây,

trong bóng đêm con suối tách khỏi đường đi của anh,

và bóng anh thì thầm khi biến mất ở mặt sau những gạch ngói.

 

Nó cũng rong ruổi trên cỏ đóng băng và biến mất trong đêm,



hiện ra từ xa, sáng rỡ dưới vầng trăng, trên những ngọn đồi

bất tận, cạnh những bụi cây đen, dọc theo những rãnh suối vắng

                                ở đấy gió tạt lên mặt nó,

nó đối thoại một mình và tan đi trong khu rừng tối,

dọc theo những rãnh suối vắng, cạnh những bụi cây đen,

                                và dấu vết nó mất hút.

Cho dù anh gan dạ và cho dù ánh sáng cuộn mình dưới chân anh

anh sẽ không bao giờ có thể bắt kịp kẻ đang rong ruổi ở những

ngọn đồi đàng kia và là kẻ ta muốn biết,

 

kẻ đang rong ruổi đàng kia trong sương lạnh,



hướng mặt ta về phía chúa tể của những khu rừng,

                                ta lên tiếng,

ta khẩn cầu thiên nhiên nhân danh những ngôi nhà ba cạnh,

thế nhưng rong ruổi đàng kia là ai, mà lẻ loi, soi sáng bởi nữ hoàng

của những ngọn đồi?

những đồng thông nhấp nhô sóng gôtic nhận chìm

tiếng vọng, qua những khung cửa sổ mở vang tiếng dương cầm,

                                toả ánh sáng,

có người rong ruổi trên những ngọn đồi, dưới trăng, sát mặt

những khoảng trời, trên cỏ đóng băng, cạnh những bụi cây đen.

 

                                Khu rừng đến gần.



Giữa những cành lá thấp ánh lên màu lục bảo của một con ngựa,

co chân phi cạnh một bờ đê,

ngựa ngắm mình trong mặt nước màu đen,

và ngoái cổ về phía anh và phi nước đại về hướng đồi và đêm.

Đời không như một vòng tròn khép kín những truyền thuyết,

đó là những ngọn đồi chạy mất hút, cái mông những cô ngựa cái

        lộng lẫy

mà chúng ta cưỡi trong đêm, xa ánh trăng, dọc theo những rừng thưa

thiu ngủ để trong mơ ta ruổi rong về hướng nam dữ dội.

Ta khẩn cầu thiên nhiên: những kỵ sĩ xuyên qua bóng đêm

và xây dựng cái vũ trụ tàn bạo của họ giống hình ảnh của anh,

từ đê điều và lửa tắt ngấm trên những khoảng đất trống,

cho đến những đập ngăn và đám đèn đuốc câm lặng.

Mọi thứ trở lại, và một thứ nhiệt tình mơ hồ, một hồi cố buồn bã

còn cất tiếng hát trong nhịp điệu của những khúc ballades.

Cho dù đấng sáng tạo không sống, không ngủ trên những tranh thánh

của mình,

hình dáng một chiếc giày vẫn sẽ hiện ra trong rừng thông.

Còn mi, khu rừng của ta, sông suối bao quanh ta và len thấm vào mi,

như một làn hơi, nói dông dài với mi những lời ẩn ý,

mi kẻ lánh đi với những bàn tay đè nặng trên vai ta,

mi kẻ yên nghỉ trong bóng đêm, ngửa nhìn trời, giữa lòng suối.

Hãy nằm yên, không cần hiểu. Đấy không phải là đời sống,

đấy là một nỗi đau khác thấm vào mi

và không ai còn nghe được mùa xuân đến gần,

chỉ những đỉnh của đêm đen thì thầm mãi không thôi

         như tiếng đồng hồ trong giấc ngủ.

--------------

Dịch từ bản Pháp ngữ của Jean-Jacques Marie trong Joseph Brodsky, Collines et autres poèmes (Paris: Éditions du Seuil, 1966).

Một đêm mùa thu...

 

Một đêm mùa thu giữa quảng trường khiêm tốn



của một thị trấn hãnh diện được có tên trên bản đồ

(do cái điên của tên vẽ địa hình thiếu dí dỏm đáng thương,

không vì thế hắn đã có thể được cô con gái thị trưởng rồi).

 

Không gian như mệt mỏi bởi những kỳ công của chính mình



và vui sướng trút xuống ở đây cái gánh nặng của sự vĩ đại —

tự thu nhỏ theo kích thước của một Chính Lộ;

còn Thời gian, lạnh run thấu xương, thì nhìn vào mặt đồng hồ

ở cửa hàng tạp phẩm, với những ngăn kệ chật chội

chen chúc đủ các loại hàng thế gian này sản xuất,

từ kính thiên văn ngắm sao lạ lùng của kẻ chơi tài tử cho tới

những cây ghim thông thường dùng cho việc thông thường.

 

Một rạp chiếu bóng, mấy tiệm rượu,



ở khúc quanh là một tiệm cà phê cửa mành kéo thấp,

một nhà băng gạch đỏ trên cao có con đại bàng tung cánh,

một ngôi nhà thờ, với cái lưới — câu người[1] — khuấy động

vẫn trống vắng, và có vẻ không mấy gì được chăm chú,

trừ mỗi chuyện là nhà thờ nằm ngay cạnh bưu điện.

Và nếu các con chiên ngưng nuôi dưỡng

mục sư tất phải khởi sự rửa tội cho những chiếc xe hơi.

 

Những con châu chấu, giữa thinh lặng, chạy rối rít.



Khoảng 6 giờ chiều đường phố trống không

phố không người như sau một trận tấn công nguyên tử.

Trăng mới ló dạng, đã trôi vào trung tâm

một vuông cửa sổ màu đen, trông như trong kinh

Giảng viên,[2] cháy rực; trong khi trên xa lộ

quạnh quẽ, đôi khi ánh đèn pha trước một chiếc xe

Buick chiếu loà vào tượng người Chiến sĩ Vô danh.

 

Bạn mơ thường không mơ tới những thiếu nữ hở ngực



mà tới cái tên của bạn ghi trên thư gửi đến.

Người giao sữa buổi sáng, khi thấy sữa để lại đã chua,

sẽ là người đầu tiên đoán ra bạn đã chết ở đây.

Ở đây bạn có thể sống, mà chẳng cần biết đến tờ lịch,

nốc bromua vào bụng, không bao giờ ra khỏi nhà; chỉ đứng

nhìn cái bóng của mình trong gương, trong khi lũ đèn đường

nhìn vào bóng chúng trên những vũng mưa đang cạn nước.

1972

***

Ở Ý đại lợi

                                                   Tặng Roberto và Fleur Classo

 

Tôi cũng thế, từng sống trong một thành phố những mái đua ve vãn



mây trời với những tượng chạm khắc, nơi có một nhà tư tưởng

tại chỗ[3] gào “Hư hỏng đi! Hư hỏng đi!” và chòm râu mép run rẩy, ông

đi khắp đường phố, và một bến cảng vô tận đẩy cuộc đời mất hút.

 

Ngày ấy mặt trời chiều vẫn chói loà trên những chung cư đôminô.



Nhưng những kẻ yêu thương ta hơn cả chính mình giờ đây không

còn trên đời này. Những con chó săn to đùng lạc mất mồi,

ngấu nghiến trả thù trên những thức ăn bỏ đi – trông cực kỳ

 

giống như ký ức, giống như số phận mọi vật trên đời. Chiều đã



hoàng hôn. Những tiếng nói từ xa, tiếng thét kiểu “Đồ cặn bã!

Cút khỏi đây!” — ngôn ngữ xa lạ, nhưng lý lẽ nghe vững vàng.

Và hồ nước mặn đẹp nhất thế giới với cả một chuồng bồ câu

 

vàng óng[4] long lanh sắc nét đủ làm đẫm nước trong mắt ta.



Tới tuổi này khi không ai còn thương yêu ta được nữa;

con người bực bội phải lội ngược dòng và nhận rõ sức mạnh

của sông nước, bèn trốn mất khỏi cuộc đời.

1985

----------

* Dịch từ các bản tiếng Anh: "An autumn evening in the modest square" của George L. Kline, lần đầu tiên xuất hiện trên Confrontation 8, mùa Xuân 1974, về sau được đưa vào A Part Of Speech của Joseph Brodsky (Oxford: Oxford University Press, 1987) và Collected Poems in English, Joseph Brodsky (New York: Farrar, Straus and Giroux, 2000); "In Italy", do chính Joseph Brodsky chuyển ngữ, trong To Urania (New York: Farrar, Straus and Giroux, 1988).

--------------------



Chú thích của người dịch:

[1]Matthew 4:19 [“Follow me, and I will make you fishers of men.”] Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá — Hãy theo ta và ta sẽ cho các ngươi nên ngư phủ bắt người.

[2]Ecclesiastes 12:3 [“... those that look out of the windows be darkened.] [...they who look through the windows grow blind] ... các bà nhìn qua cửa sổ chỉ nhìn thấy lờ mờ.
Phụ chú: Ecclesiastes là một sách trong Thánh Kinh cựu ước. Chữ "ecclesiastes" là dạng Latin-hoá của chữ "qōhelet" (tiếng Hebrew), nghĩa là "người giảng đạo", "người thuyết pháp". Người ta thường cho rằng đại đế Solomon (sinh vào khoảng thế kỷ thứ 10 trước Thiên Chúa giáng sinh, và qua đời vào khoàng năm 922 trước Thiên Chúa giáng sinh) là tác giả của văn bản này, nhưng hiển nhiên nó được viết và khoảng năm 300 trước Thiên Chúa giáng sinh, tức là sau Solomon rất lâu.

[3]“Nhà tư tưởng địa phương” ở đây là Vasily Rozanov (1856-1919) ở St. Petersburg.
[4]Anna Akhmatova, Venice (1912).

***


 Những người giác đấu

 

Vĩnh biệt.



Lát nữa chúng ta sẽ lại gặp nhau

trong hố chôn chung.

Giờ của chúng ta rốt cuộc

đã điểm. Thế thì sao?

 

Chúng ta đã thua cuộc.



Chúng ta sẽ chết trên đấu trường.

Càng tốt.

Chúng ta sẽ không phải rụng tóc

vì đã quá yêu phụ nữ

                        và rượu nho.

 

Bầu trời trên hí trường Colisée



xanh như

bầu trời trên đất quê hương chúng ta

chỗ đất chúng ta đã bỏ đi

để biết sự thật

và cũng

vì của cải của dân La mã.



Vả lại

chúng ta không luyến tiếc gì.

Phải chăng đấy là vận số?

Đấy hẳn là do ngôi sao

                                    của ta đã

muốn


        vậy.

Giờ của chúng ta rốt cuộc đã

                                    điểm.

Mọi người đều ngồi vào chỗ của mình.

Chúng ta sẽ chết trên đấu trường.

 

Con người vẫn thích những màn diễn ngoạn mục.



***

Những câu thơ về một đề từ

 

                        Điều được phép với Jupiter không



                       phải là được phép với một con bò.

 

Mỗi người trước Thượng đế



                                        là trần truồng.

Đáng thương,

                 trần truồng

                 và nghèo khó.

Trong mọi âm nhạc

                            ta tìm thấy Bach,

Trong mỗi chúng ta,

                            ta tìm thấy Thượng đế.

Với các thần thánh

                 là vĩnh cửu.

Với những con bò

                 là phù du.

Hoàng hôn của thần thánh

                                    thần thánh hóa chúng ta.

Ta hãy thử nhảy vọt

                                    qua phía trên bầu trời,

và có lẽ

                chúng ta sẽ lại rơi xuống.

Chúng ta sẽ một ngàn lần nữa còn

                                    bị đóng đinh trên thập giá

và họ sẽ thét vào tai chúng ta

                        rằng chúng ta đang thối rữa.

Và những vết thương của chúng ta

                                    sẽ bắt chúng ta gào thét.

Và chúng ta sẽ khát thèm quà biếu.

Mỗi người có

                        đền thờ của mình.

Mỗi người chờ đợi

                phần mộ của mình.

Hãy pha trò đi,

                        hãy bay,

                                    hãy cầu nguyện!

Hãy cô đơn,

                        như một ngón tay!

Cũng như những con bò       

                                    với roi quất,

thập giá

            là vĩnh cửu của thần thánh.

***

 

NHỮNG LÁ THƯ TRIỀU MINH



I

 

«Thế là đã sắp mười ba năm con chim họa mi bỏ lồng



bay đi. Và để ngủ đêm hoàng đế phải nuốt

những dược hoàn với máu người thợ may bị hành hình,

rồi buông mình trên chăn gối, và, điệu nhạc giả tiếng chim vặn lên,

ngài chìm vào giấc ngủ với tiếng hót đều đều đu đưa.

Từ nay, ấy là tất cả những ngày kỷ niệm chu niên ở Thiên triều,

những ngày kỷ niệm lẻ buồn bã.

Chiếc gương đặc biệt xóa mờ những vết nhăn

mỗi năm một đắt hơn. Khu vườn nhỏ nơi đây chết dần.

Cả đến bầu trời cũng lấm chấm những kim châm như đôi vai

và gáy một bệnh nhân (chỉ thấy có tấm lưng).

Đôi khi em nhận việc giải thích cho hoàng tử

bản chất các vì sao, và ông thường diễu cợt.

Lá thư này, hỡi người yêu dấu, Hồng Nhạn của anh

viết bằng bút lông trên phiến giấy rơm rất mịn

hoàng hậu đã cho em.

Chung quanh, không biết vì đâu, ngày càng có nhiều giấy, ngày càng ít thóc gạo.»

 

II

 

«Đường thiên lý khởi từ bước đầu,

ngạn ngữ nói thế. Nhưng tiếc thay không tùy thuộc vào đấy

con đường trở về, con đường vượt xa hơn nhiều

ngàn lý. Nhất là khi mình khởi đi từ số không.

Một ngàn lý, hai ngàn lý,

con số ngàn có nghĩa là giờ đây mi đã ở thật xa

mái ấm quê hương, và sự phi lý của từ ngữ

nhuốm độc những con số; nhất là những số không.

 

Gió cuốn về hướng Tây, như những hạt chín vàng



của một vỏ đậu đã nứt, về nơi xa kia, phía Trường thành.

Trên tấm nền này con người thật quái gở, khủng khiếp, như một ẩn tự,

như mọi ký hiệu bí hiểm khác.

Chuyển động theo một chiều duy nhất biến tôi thành

một vật bị kéo dài ra, như đầu một con ngựa.

Sức mạnh, sống nơi thân xác, tiêu tan khi bóng tối cọ sát

trên những gié lúa mạch dại héo khô.»

(DC)

***

CHỈ CÓ TRO MỚI BIẾT...

 

Chỉ có tro mới biết thế nào là tàn lụi.



Song tôi vẫn nói ra điều ấy, sau khi phóng một cái nhìn cận thị về phía trước:

không phải tất cả đã bị gió cuốn đi, và ngọn chổi

cào quét rộng khắp sân không thu lượm được hết.

Chúng ta, mẩu thuốc nhăn nheo, đờm rãi, vẫn còn lại trong bóng tối

dưới băng ghế đá, nơi không một tia sáng nào lọt tới,

và, quyện chặt với bùn nhơ, đếm những tháng ngày,

chúng ta tạo thành đất mùn, cặn rác, lớp đất trồng cấy.

Trước cây xẻng lấm lem, nhà khảo cổ sẽ há hốc miệng

trong tiếng nấc cụt; thế nhưng điều phát hiện của ông sẽ vang rền

khắp vũ trụ, như một niềm đam mê bị chôn vùi dưới đất,

như những thứ Kim-tự-tháp lật ngược.

«Xác thối!» ông sẽ kêu lên, tay ôm bụng,

nhưng ông sẽ thật cách xa chúng ta hơn cả trái đất đối với lũ chim,

bởi lẽ là xác thối, chính là không còn bị ràng buộc với các tế bào của mình, là tự do đối với

hết thảy: vinh dự tột cùng của các phân tử.

(DC)

***

Những trận đánh không dứt

 

Những trận đánh không dứt,



hòa bình chỉ đến với chúng tôi trong giấc mộng.

Đừng để bất cứ cái gì

quấy rối những giấc mơ của chúng tôi.

Đêm trắng

những con chim say ngủ

đong đưa trong im lặng xanh.

 

Những trận đánh không dứt,



những trận xung kích buổi rạng đông,

những viên đạn

            không còn biết ca hát

và thét vào tai chúng tôi:

“sự bất tử

                         đang chờ các bạn”

Thế nhưng chúng tôi chỉ muốn

                                       sống sót trở về.

Xin lỗi.

Chúng tôi đã tiêu hao sức điên cuồng của mình,

chúng tôi đã tưởng thế giới

là một cái lan can.

Tim chúng tôi nhảy vọt,

bổ nhào tới, sùi cả bọt

như những con ngựa

bị bắn sát ngay mình

 

... Này đàng kia



đừng có đánh thức chúng tôi nữa.

Đừng để bất cứ gì

             quấy rối những giấc mơ của chúng tôi.

 

Có gì quan trọng



nếu chúng tôi đã không chiến thắng,

có gì quan trọng

nếu chúng tôi đã không bao giờ trở về?

***

Ở khu Hồ

 

Ngày ấy, ở một nơi mà nha sĩ phát đạt



(con gái họ đặt quần áo đắt tiền từ Luân Ðôn;

những cái kẹp vẽ trên bảng hiệu của họ giơ cao

một cái Răng Khôn thông thường và trừu tượng),

ở đó tôi—hàm răng chứa nhiều phế tích bất hạnh

hơn một đền Parthenon bất kỳ—điệp viên, mũi nhọn

cho đội quân thứ năm [*] nào của một nền văn hóa đang thối ruỗng

(vỏ ngoài tôi một chức giáo sư văn chương),

sống tại một đại học gần cái hồ nổi tiếng

nhất trong các hồ nước ngọt; công tác

tôi được đề bạt lên là bào mòn

kiên nhẫn của bọn trẻ thông minh trong vùng.

 

Cái gì tôi viết ra cũng dở dang:



những dòng tôi hết hạn bằng chuỗi dấu chấm. Kiệt sức,

tôi đổ xuống, vẫn mặc nguyên quần áo, trên giường.

Ban đêm tôi nhìn trừng lên trần nhà tối

cho tới khi thấy một ngôi sao xẹt, mà rồi,

tuân theo các luật lệ về tự thiêu,

sẽ lóe lên–trước khi tôi kịp ước ngay chỉ một điều—

ngang qua má tôi và xuống trên gối.

11/1972 - Ann Arbor

(Bản dịch của Lê Đình Nhất-Lang)

---------------



[*] "fifth column". Từ The Fifth Column bắt nguồn từ Cuộc nội chiến ở Tây ban nha (1936-1939), khi tướng Emilio Mola Vidal đưa bốn đội quân của ông tiến về Madrid, và gọi những người chiến đấu ủng hộ nằm sẵn bên trong thủ đô, hoạt động bí mật chống lại quân Chính phủ, là đội quân thứ năm của mình. Do đó từ này thường được dùng để chỉ lực lượng những người có thiện cảm ngầm, gián tiếp làm nội ứng. (Chú thích của HNB)

***

Giai điệu Belfast

Ðây đứa con gái của thành phố hiểm hung.

     Nàng cắt mái tóc sậm ngắn

cho bớt phần thân thể phải não nùng

     khi người nào bị bắn.

 

Nàng gập kỷ niệm lại như tấm vải dù.



     Rơi, nàng lượm lại hòn than

về nấu rau ở nhà: họ bắn nhau

     ngay đây, chỗ họ ăn.

 

A, trời ở đây nhiều hơn những chỗ, như,



     đất. Nên giọng nói nàng khản,

cái nhìn như bóng đèn xám lưu dư

     ảnh nơi võng mạc bạn

 

khi quay về, và cắt ngang gối váy kết



     bông để đỡ khi vấp té,

tôi mơ thấy nàng được yêu hay chết

     vì thành phố quá bé.

1986

( Bản dịch của Lê Đình Nhất-Lang)

----------

Dịch từ hai bài “In the Lake District” và “Belfast Tune” trong cuốn Collected Poems in English của Joseph Brodsky (New York: Farrar, Straus and Giroux, 2000).

***


Odysseus nói với Telemachus

Telemachus con yêu của ta,

                                                Cuộc chiến thành Troy

giờ đây đã kết thúc; ta không còn nhớ ai đã thắng trận.

Người Hy lạp, hẳn thế, bởi cho đến nay chỉ có họ mới có thể

đánh gục được nhiều người đến vậy khi xa quê hương mình.

Thế tuy nhiên, đường về quê ta ta quả thấy quá xa.

Trong khi chúng ta phí thì giờ ở đấy, thì gần như có vẻ

thần biển Poseidon đã căng dài và mở rộng không gian.

 

Ta không biết mình đang ở đâu cũng chẳng hay chỗ này



có thể là gì. Hình như ta nhìn thấy có hòn đảo nát bẩn,

những bụi cây, những tòa nhà, và cả những con lợn ủn ỉn.

Một khu vườn ngập tràn cỏ dại; một nữ hoàng gì đó.

Cỏ và đá tảng... Này Telemachus, con trai ta!

Đối với một kẻ tha phương thì mọi hòn đảo

dáng vẻ đều giống nhau. Và trí tuệ lạc bước,

vì mải đếm những ngọn sóng; nước mắt ứa ra vì mải nhìn

những chân trời; và những khối nước làm cho tai lùng bùng.

Ta không nhớ ra được cuộc chiến đã kết thúc như thế nào;

ngay cả con bao nhiêu tuổi – ta cũng không thể nhớ ra.

 

Vậy thì hãy lớn dậy, hỡi Telemachus con ta, hãy lớn mạnh.



Chỉ thần thánh mới biết được chúng ta sẽ còn gặp lại nhau

hay không. Từ lâu con đã thôi là thằng bé con ta vẫn

phải đứng trước mặt để chận những con bò kéo cày.

Nếu không có cái trò bịp của Palamedes

cha con ta đã vẫn còn sống bên nhau dưới một mái nhà.

Nhưng có lẽ ông vua kia có lý; sống xa ta

con lại an toàn khỏi lo mọi thứ đam mê kiểu Œdipus, và

những giấc mơ của con, Telemachus, sẽ không có gì tội lỗi.

---------------------

Dịch từ bản Anh ngữ "Odysseus to Telemachus" của George L. Kline, đăng lần đầu trên The New York Review of Books, số ra ngày 5 tháng Tư năm 1973. Số báo này nằm trong xấp báo cùng tên, lẫn lộn với những số The New Yorker anh DC để lại Saigon sau khi đã cắt đi những bài anh ấy muốn giữ có lẽ để đem theo qua Pháp. Bản dịch trên – một trong những bản dịch Brodsky “lâu đời” nhất vừa tìm thấy lại của tôi – vì thế, đã được gửi gắm cho t/c, để tặng và cám ơn nhà thơ DC, khi đi Pháp đã không quên để Brodsky lại Saigon cho người dịch này. Bài thơ trên cũng được chọn in trong Selected Poems, Joseph Brodsky, Harper & Row, Publishers, 1973, và Collected Poems in English, Joseph Brodsky, Farrar, Straus and Giroux, 2000. Như chúng ta biết, những bản dịch của G.L. Kline hầu hết đều được Joseph Brodsky xem lại.




tải về 0.98 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương