NĂm tân mãO, chuyện phiếm về MÈo nhà Vy Kính I/Năm Tân Mão và họ nhà Mèo



tải về 66.31 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu26.07.2016
Kích66.31 Kb.
#6018
NĂM TÂN MÃO, CHUYỆN PHIẾM VỀ MÈO NHÀ

Vy Kính



I/Năm Tân Mão và họ nhà Mèo:

Lật quyễn lịch mới, nội dung thuộc loại lịch Tam Tông Miếu ở VN, có in hai chi tiết số liệu ngày tháng dương lịch và âm lịch kèm theo lời dặn dò những điều không nên và nên làm trong ngày, ta biết được năm mới 2011 là năm âm lịch Tân Mão. Cộng đồng người Việt ở hải ngoại vẫn còn giữ tập tục ăn Tết truyền thống gọi là Tết Ta. Những người lớn tuổi ở Việt Nam vẫn sử dụng hai loại lịch, vẫn ăn hai cái Tết: Tây và Ta. Tùy theo hoàn cảnh nơi cư trú, điều kiện sinh hoạt và mức độ công việc … người ta dùng hai loại lịch này. Dân Việt dùng âm lịch để coi ngày giờ sinh, ngày “quan,hôn,tang,tế”.coi bói, tử vi… và cũng căn cứ vào dương lịch khi làm việc, ký kết văn bản hợp đồng…

Âm lịch được xác lập theo chu kỳ di chuyễn đều đặn của mặt trăng trên quỷ đạo quanh trái đất. Từng năm và mỗi tháng trong năm, từng ngày trong tháng và cứ hai giờ trong ngày thì lần lượt ứng với một trong 12 con giáp [hay 12 địa chi] khác nhau:Tý, Sửu,, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi; còn có kèm theo một trong mười thiên can: Giáp-Ất-Bính-Đinh-Mậu-Kỷ- Canh-Tân-Nhâm-Quý. Ngày 3/2/20010 là ngày mồng một tháng giêng, năm âm lịch Tân Mão, tháng Canh Dần, ngày Kỷ Sửu. Người sinh vào năm con giáp nào thì cầm tinh con vật đó. Đây chính là nền tảng để đóan số mạng theo cung Hòang Đạo.Con mèo [Mão] đứng hàng thứ tư trong 12 con giáp của lịch VN, còn người Hoa không dùng con giáp Mèo mà thế vào đó là con Thỏ [ một con vật may mắn…theo quan niệm của họ]. Một số nhà nghiên cứu nổi tiếng phát hiện Việt Nam cổ có một văn hóa lâu đời, riêng nhà nghiên cứu về ngôn ngữ học GS Nguyễn Cung Thông tại Úc, vào đầu thập niên 1970, đưa ra những phân tích về ngữ âm và ngữ nghĩa để củng cố luận điểm: âm lịch do người Việt cổ đặt ra đầu tiên, chứ không phải do người Hán làm ra. Nhân năm mới Tân Mão 2011 chúng ta phiếm luận đôi điều về Mèo.

Theo Wikipedia thì Mèo hay đúng hơn là “Mèo nhà” là con vật sống chung đụng, gần gủi với loài người. Với tài bắt chuột, làm xiếc; với bộ dạng nhanh nhẹn, yễu điệu, gương mặt đáng yêu; nhờ tiếng kêu nhỏ nhẹ, nũng nịu “meo, meo” [hay miao-miao…] nên mèo nhà được con người cưng chìu. Con mèo tùy theo cách phát âm gọi tên của

từng địa phương mà mèo còn có tên: Mão, Mẹo, Miu…Dù tên gọi thế nào chăng nữa khi đọc

lên ai cũng biết đó là con Mèo, đứng hàng thứ 4 trong 12 con giáp, một con vật có vú thuộc họ Mèo [Felidae], danh pháp khoa học là Felis silvestris [nếu là mèo rừng] hay Felis caltus [nếu là mèo nhà thuần hóa] thuộc bộ ăn thịt [carnivores]. Các nghiên cứu di tích hóa thạch tạm thời xác định loài mèo xuất hiện cách đây trên 70 triệu năm.sau đó được thuần hóa. Nội dung tản mạn trong bài này chủ yếu nói về “Mèo nhà” Felis caltus, hậu duệ của Mèo rừng Châu Phi [ Felidae silvestis lybica] đã được thuần hóa. Bằng chứng thuần hóa của loài mèo là sự phát hiện xác chết của một con mèo con chôn chung trong mộ với chủ cách đây hơn 9000 năm tại đảo Crete-nước Hy lạp



II/ Những điểm đặc biệt của Mèo

Mèo là lọai động vật có vú, biết ăn thịt, sống từ 14 đến 20 năm tùy theo sức khỏe và sự chăm sóc tốt của con người, có lọai không đuôi và có đuôi; bộ lông một màu [nếu đen thì còn gọi là mèo mun] hay nhiều màu; nếu có ba màu thì gọi là mèo tam thể. ..Mèo cũng “sáng dạ” nhờ con người luyện tập mà mèo có thể làm các động tác làm xiếc đơn giản và giật nước nhà vệ sinh, mở tay nắm cửa…Trước đây mèo từng được C.I.A cấy chip thu âm vào đuôi nhưng lại không hòan thành nhiệm vụ của một “điệp viên nghe trộm” trong thời gian chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô.

Bộ xương sống của mèo có hơn 44 đốt xương nhỏ [ x. cổ 7, x. ngực 13, x.lưng 7, x.hông 3 và xương đuôi có 14 đến 28 đốt] nên mèo có thể cuộn tròn khi nằm. Dáng đi của Mèo cũng khá đặc biệt, nhờ xương nhỏ mãnh mai nên dáng đi uyển chuyển, nhẹ nhàng trên các đệm thịt của các ngón chân; cũng như có được “phản xạ tự thăng bằng” giảm sốc khi rơi từ độ cao xuống đất. Mèo nhấc chân khỏi mặt đất và đặt bàn chân sau đúng ngay vị trí của vết chân trước nên dáng đi duỗi dài theo chiều dài cơ thể, với hai xương mông “sàng qua sàng lại”. Bắt chước dáng đi của mèo, trên sàn biểu diễn thời trang, các người mẫu cũng nhún nhẩy thân mình, thanh thoát hai chân mà người ta gọi là “cat walk”. Các móng chân vuốt cong, rất bén nhọn được dấu trong các đệm thịt của ngón, trong lúc đi và ngồi im lặng rình mồi. Vừa thấy chuột thì mèo nhảy đến, các móng vuốt chân trước giương ra tóm vào gáy đối thủ, rồi dùng miệng cắn vào đầu con vật đến chết mới chịu nhả ra, sau đó mèo thu móng vuốt lại. Mèo thuộc loại “ăn vụng nhất hạng”, rất thích ăn cá , thịt mỡ, khiến các bà nội trợ phải kiêng dè. Người Việt mình thường nuôi mèo ăn cơm với cá. Tuy mang danh là tiểu hổ, nhưng mèo trông nhu mì, tiếng kêu nho nhỏ“meo,meo”hay “miao, miao”,trừ khi nổi giận gầm gừ và rít lên. Riêng trong thời gian động dục tiếng kêu của mèo nghe rất thảm thiết.

Mắt mèo có thêm mi mắt thứ ba là một loại màng mõng xuất hiện khi nào mèo mở mắt. Tầm nhìn của mèo rất rõ và đồng tử sáng về ban đêm nhờ mèo có màng trạch nên phản chiếu lại ánh sáng Nhờ màng trạch này. ánh sáng tương tác trong mắt phản chiếu đến võng mạc khiến mắt có nhiều màu và long lanh. Trong bệnh học Cường giáp Basedow người ta miêu tả mắt người bệnh sáng, to và long lanh như mắt mèo. Khác với mắt người có con ngươi tròn, con ngươi của mắt mèo có một dãi thị giác.

Tai mèo rất đặc biệt, dựng thẳng nhờ lớp lá sụn mỏng và vận động bởi 32 bó sợi cơ nhỏ, nên khi nghe tiếng động của con mồi, mèo có thể vểnh tai, mỗi vành tai vểnh theo hướng khác nhau trong khi đầu và mắt mèo nhìn về hướng khác. Thính giác mèo nghe được những âm thanh mức thấp, nhưng có thể nghe những âm độ cao hơn

Khứu giác của mèo cũng gấp 14 lần khứu giác của người , số lượng tế bào khứu giác ở mũi cũng gấp đôi nên mèo ngửi được những mùi mà người không cảm nhận được. Mèo còn có một cơ quan đánh hơi ở vòm miệng gọi là Vomero nasal Jacobson. Vị giác của mèo tuy nhạy bén nhưng giống như thỏ, mèo không cảm nhận được vị ngọt

Mèo ngủ cả ngày có trên 18 giờ /ngày nên người ta hay ví những người làm biếng, ngủ ngày là “làm biếng, uể oải như mèo”. Thật ra mèo rất năng động, bắt đầu chiều tối là thời gian săn mồi của mèo.Tuy không mặn mà với việc tắm, nhưng mèo lúc nào cũng giữ sạch sẻ, dùng lưỡi liếm nước bọt vào bàn chân và quẹt [bôi] lên mặt. Khi ăn xong thì liếm môi, chùi mép cho sạch. Khi mèo cái nặng từ 2 kg đến 3,2 kg hay tuổi trên 4…5 tháng thì mèo bắt đầu động dục và trong thời gian này mèo có bộ lông bóng mướt, có mùi phát dục hấp dẫn mèo đực. Mèo lúc đó bứt rứt, bồn chồn hơn mọi ngày, mèo cái bắt đầu “đi bụi” ra khỏi nhà để tìm đực với tiếng kêu rất là “thảm thiết” như tiếng trẻ con khóc. Trong đêm thanh vắng nghe tiếng mèo cái kêu gọi đực mà rợn người. Truyện xưa nhắc lại tích Nữ hoàng Võ Tắc Thiên rất sợ tiếng mèo kêu ban đêm, đến nỗi các nhà luận sử đời sau cho là bà bị ám ảnh tội giết con ?! Mèo đực cũng động dục và bỏ nhà lần theo tiếng kêu của mèo cái. Khi gặp nhau, hai con vật “quần nhau” dữ dội, có lúc lăn té từ trên mái nhà xuống đất nhưng chẳng thấy hề hấn gì. Nhà tôi trước ở trong xóm đông dân, có nuôi một chú mèo đực, đến mùa động dục nghe tiếng kêu của mấy cô mèo cái, chú ta bỏ đi hoang hơn hai ngày sau mới về, thân thể bệ rạc và ốm trông thấy. Thời gian động dục của mèo cái kéo dài khoảng một tuần. Thai kỳ của mèo kéo dài từ 50 đến 70 ngày, một lứa thường trên ba con và một năm mèo đẻ khoảng 4, 5 lứa. Đẻ xong, mèo tự cắn rốn cho mèo con và liếm con sạch sẻ. Mèo chăm sóc con kỷ lưỡng: cho bú, tự làm vệ sinh cho con; bảo vệ con . Khi phát hiện có người dòm ngó hay đụng chạm vào mèo con, thì mèo mẹ thường tha con đi chỗ khác. Một số mèo mẹ có phản ứng bảo vệ con quá mạnh bạo, sai lầm là ăn thịt luôn mèo con. Theo một số các bác sĩ thú y thì hành động ăn thịt con là biểu hiện của rối loạn thần kinh tâm lý và khuyên người nuôi mèo trong những lứa sau, cần đưa mèo đi khám thú y để nhỏ thuốc an thần vào lỗ tai mèo trước ngày sinh.

Động tác uống nước của mèo thí nghiệm tên Cutta Cutta cũng được giáo sư Roman Stocker [viện công nghệ Massachusetts] nghiên cứu, thấy mèo không sử dụng lưỡi để tát nước vào miệng như chó, mà mèo dùng đầu lưỡi kéo nước trở lên và đóng hàm lại trước khi khối nước rơi xuống. Theo ông dường như mèo biết chính xác liếm với tốc độ bao nhiêu trong một thời gian, tận dụng tối đa sự cân bằng giữa quán tính và trọng lực. Mỗi lần mèo liếm nước,lấy được 0,1 ml với tốc độ 4 lần/giây.



III/Mèo và cuộc sống:

1/ Sự hiền thiện và tội ác của con người đối với mèo: Trong số những con vật sống gần gủi với con người, có lẽ mèo và chó là hai loại thú cưng mà người nuôi thương yêu, lo lắng có khi còn hơn người thân của mình.Tuổi già sống cô đơn buồn tẻ, con cái ít thăm viếng, nên có chó mèo làm bạn thật là an ủi và vui biết bao. Người thương quý mèo ôm ấp, hôn hít, tỉ tê tâm sự, đưa đi khám bệnh và khi chết họ để lại di chúc cho mèo hưởng tài sản. Ở các nước văn minh, có các bệnh viện và khách sạn tiện nghi 5 sao[Luxury Cat Hotel] dành riêng cho khách hàng là những thú cưng như chó, mèo…. Cuộc sống của những con vật cưng còn quý và sung sướng hơn những người nghèo, thiếu thốn, bệnh tật.

Mèo còn được người Hoa gọi là tiểu hổ [cọp nhỏ] nhưng mèo không hung dữ mà lại hiền hòa, dễ thương, một phần cũng là nhờ không có cùng ngôn ngữ với

người nên mèo không có tranh cải, đôi co, phê bình người! Những đọan phim nhỏ trên Youtube cho thấy mèo còn sống chung đụng, hòa bình với những thú khác như chim, heo, gà và kể cả chuột. Mới đây có clip quay cảnh chuột Peanut và mèo Ranji đùa giởn, ôm ấp nhau như cặp tinh nhân, cũng như có cảnh chiếu một con mèo trắng cứu bạn mèo đen. Khi thấy bạn mèo đen bị tai nạn xe, nằm bất động; bạn mèo trắng cứ quấn quít bên cạnh. Thỉnh thoảng mèo trắng vùi đầu vào cổ bạn mèo, bước hai chân lên ngực bạn, làm những động tác mà mình tưởng như là xoa ngực, hô hấp nhân tạo. Hình ảnh đó làm cư dân trên mạng xôn xao, cảm động vì thấy loài vật này có nghĩa tình. Vậy mà ở một số nước lại nhẫn tâm ăn thịt mèo. Trong mấy năm gần đây trên bàn nhậu, nhất là ở miền Bắc VN, người ta chế biến món ăn từ mèo còn gọi là “món tiểu hổ”…Thậm chí ở tỉnh Thái Bình, tiệc cưới nào sang trọng là tiệc đãi ăn toàn các món làm từ mèo. Một dạo ở các tỉnh vùng biên giới, ngoài móng trâu, người dân còn thu mua “tiểu hổ” để xuất khẩu sang thị trường TQ, khiến đồng ruộng thiếu mèo nên chuột hoành hành, phá hại lúa làm mùa màng thất thu. Người dân ở đó lại phải mua mèo con về nuôi để diệt chuột hữu hiệu hơn là dùng hóa chất độc hại cho mội trường và con người.

2/Thuốc làm từ mèo: thịt mèo theo đông y có vị ngọt, mặn, chua: tính ấm, không độc có tác dụng trị tiêu thủng, chống lao lực. Mật mèo có vị đắng, tính hàn. Con người viện cớ là thịt mèo, xương cốt cũng bổ như hổ; hổ và khỉ thì cấm săn bắt nên con người xoay ra tìm nguồn từ tiểu hổ [mèo] và quảng cáo cao mèo không thua gì cao hổ, trị được nhiều bệnh..Ngày trước các cụ già miền Bắc thường chỉ phương thuốc nhau mèo ngâm rượu là thuốc bổ , giảm đau nhức khi trở trời. Có lẽ tác dụng của nó cũng như kích tố nhau người mà Tây Y vẫn dùng.

Trong liệu pháp điều trị những bệnh thần kinh tâm lý, vào những năm 60 của thế kỷ XX; ông Bovis Levinson một nhà tâm lý học người Mỹ đã đề ra phương pháp chữa trị những trẻ em mắc bệnh tự kỷ, bằng cách cho các bệnh nhi này chăm sóc và vui đùa với các thú cưng như chó và mèo. Ông nhận thấy bệnh thuyên giảm rõ. Từ đó thuật ngữ “động vật trị liệu” ra đời. Sau đó các chuyên gia nghiên cứu tại đại học Minnesota nhận thấy qua sác xuất thống kê ở những người già có chăm sóc và thương yêu thú cưng như chó,mèo thì tỷ lệ bệnh tim mạch giảm từ 30 % đến 40 % so với những người không có nuôi thú cưng.Tiếng kêu của mèo có tần số từ 4 đến 16 Hirtz có tác động tăng cường hệ miễn dịch của người già nuôi thú cưng. Mèo có khả năng nhận biết những đau đớn trong nội tạng của chủ nhân, giúp giải tỏa được tâm lý căng thẳng,đau đầu, mất ngủ,huyết áp cao. Nhận xét cho thấy một số loại mèo có hiệu quả chửa trị khác nhau, như mèo lông tơ của Iraq trị chứng mất ngủ; còn mèo lai giữa mèo lông dài và lông ngắn có tác dụng trị những bệnh gan, thận, ruột...

3/ Bệnh của loài mèo: ngoài những bệnh thông thường của các loài thú cưng khác như bệnh ngoài da, lông [bọ chét, ký sinh trùng, nấm] thì mèo là thú hay mắc những bệnh nguy hiểm và truyền nhiễm cho người như bệnh dại [rabies], bệnh mèo quào [do mèo bị nhiễm vi khuẫn Bartonella henselae làm sưng hạch và sốt], ung thư máu và ung thư vú, bệnh Chlamydia nhiễm trùng mắt gây mù, bệnh tiểu đường, bệnh bạch tạng, bệnh viêm phúc mạc, bệnh suy giảm miễn dịch do virus. Tuy là thú cưng nhưng việc sống chung đụng, ôm ấp, hôn hít chúng, người có thể bị lây bệnh.. ; do đó chúng ta nên thận trọng. Hội bão vệ súc vật ở các nước tiên tiến ngoài việc gắn chip theo dõi lý lịch, bệnh tật cho chúng, hội còn khuyên người nuôi nên mua thú từ các cơ sở chăn nuôi thú và nên triệt sản sớm cho mèo khi cần thiết để ngừa bệnh và kéo dài tuổi thọ của mèo.

4/ Mèo trong sinh hoạt dân gian và trong văn học nghệ thuật: cũng như chó cưng, Mèo là con vật dễ thương, gần gủi với con người nhờ dáng nhỏ nhắn và cử chỉ đáng yêu: rúc người vào lòng chủ nhân, miệng thì kêu nhỏ nhẹ, nũng nịu “meo meo”, nên con người cũng ví mèo như người phụ nữ đẹp dịu dàng, nũng nịu rúc đầu vào ngực người yêu, miệng thì nói nhỏ nhẹ “anh ơi, anh ơi”! Tâm lý đàn ông sau đó cũng thật mâu thuẩn, khi không còn yêu thương nữa thì “mèo nhà dịu dàng” trước đây sẽ được gọi là “cọp nhà” hay “sư tử Hà Đông”. Từ mèo còn được dùng để gán tiếng xấu như “suốt ngày lo đi mèo” “ông đó lăng nhăng, có mèo”, không đứng đắn “giở trò mèo chuột”… hay ông đó sổ sàng bị “mèo quào”. Mèo có lúc là biểu tượng của sự hung dữ , là phù thủy trong truyện cổ tích của các nước, mèo là điềm xấu như khi mèo lạ, mèo hoang đến nhà thì tai họa sẽ ập đến ?!

Truyện dân gian kể về sự khôn ngoan,khéo léo của họ nhà mèo khi dạy con cọp [hổ] các thế võ, lúc hổ chưa là chúa tể sơn lâm. Mèo dạy hổ rất nhiều thế: vồ, chụp, cách bắt mồi nhưng chừa thế võ: leo trèo cây cao…thì mèo không dạy vì đề phòng cọp phản thầy. Quả thật sau đó hổ vồ thầy định ăn thịt nhưng mèo thoát chết nhờ biết thế võ leo cây, và cọp chỉ biết gầm gừ dưới gốc cây. Tính ngụ ngôn của câu chuyện trên khuyên người đời khi truyền nghề cho học trò cũng đừng dạy hết các ngón nghề, chừa một thế để ngừa trò phản thầy về sau. Ở các nước tiên tiến, con người rất thương yêu súc vật, nhất là đối với thú cưng. Cựu tài tử nổi tiếng của Pháp là Brigitte Bardot về già cũng nổi tiếng bảo vệ loài vật, chống việc đối đãi tàn nhẫn với chúng. Chủ nhân nuôi thú cưng rất lo lắng thương yêu , không sợ tốn kém đưa đi khám bệnh định kỳ như người. Khi đi du lịch thì họ gửi thú cưng vào khách sạn mèo đầy đủ tiện nghi. Có người già khi chết để lại di chúc cho mèo hưởng một phần hay toàn bộ gia tài của mình. Ở Anh quốc có con mèo tên Missy nổi tiếng nhờ được BS thú y Noel Fitzpatrick không cắt cụt chân sau khi bị tai nạn mà ghép một cái nẹp để vẫn đi lại, chạy nhảy bình thường.

Tục ngữ và ca daoViệt Nam luôn có rất nhiều câu nói về mèo nhưng ẩn dụ sang người, ca ngợi cũng có mà chê bai cũng có. Ví du như ăn chậm, từ tốn thì tục ngữ có câu: “nam thực như hổ , nữ thực như miêu”,

- câu nói “chó giữ nhà, mèo bắt chuột” nhắc nhở mỗi người có một công việc riêng thích hợp cho từng người.

- “mèo già hóa cáo” chỉ một người sống lâu, nhiều kinh nghiệm, khôn ngoan.

- “không biết mèo nào cắn miêu nào” ý nói mỗi người có một tài , sở trường riêng chưa biết ai hơn ai.

- “chữ viết như mèo quào” chỉ chữ viết xấu, không đẹp, ngay hàng thẳng lối

-“chó treo, mèo đậy” ý khuyên người đời đề phòng kẻ gian

- “chó chê mèo lắm lông” ý nói người hay chê kẻ khác mà không nhìn thấy lỗi mình

- “buộc cổ mèo, treo đầu chó” đề cập đến người bủn xỉn, hà tiện

- “đá mèo quèo chó” chỉ sự tức giận dồn nén vào người khác một cách vô lối, giống như câu ‘giận cá chém thớt’

- “mèo mù vớ cá rán” nói đến sự may mắn chợt đến với người đang túng quẩn

- “không có chó bắt mèo ăn cứt” ý nói buộc lòng bắt người khác làm một công việc không đúng với sở trường của họ

- “mèo mã gà đồng’ chỉ người vô lại: trai ăn cướp, gái lăng nhăng

- “mèo khen mèo dài đuôi” nói đến người tự cao tự đại

- “mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang” có lẽ vì do tiếng mèo kêu “ngheo, ngheo” na ná như tiếng “nghèo, nghèo” nên khi có mèo hoang, mèo lạ đến nhà người ta sợ xui, mang cái nghèo đến theo nên xua đuổi mèo ra khỏi nhà.

- “mèo con bắt chuột cống” chỉ người tuổi trẻ tài cao, làm vượt khả năng mình

- đặc biệt câu nói của ông Đặng Tiểu Bình biện minh cho đường lối đổi mới của CSTQ

là “mèo đen hay trắng, mèo nào cũng được, miễn là bắt được chuột”

- Ngạn ngữ Pháp có câu: “acheter un chat en poche” ý nói mua hàng cần phải xem xét kỳ lưỡng hay Mỹ có câu “all cats are grey in the dark” tướng ứng với nghĩa câu của Việt Nam: “khi tăt đèn nhà ngói cũng như nhà tranh” hay “tối lữa tắt đèn, trắng cũng như đen”

Ca dao ta có những câu vịnh mèo rất ý nghĩa như:

“Mèo tha miếng thịt xôn xao

Hùm tha con lợn thì nào thấy chi”

Ý nói những người dưới cấp làm điều sai trái nhỏ nhặt thì bị phê bình gắt gao, còn những kẻ quyền hành làm những tội lỗi lớn lao thì không hề hấn gì.

Hoặc một đoạn trong bài ca dao so sánh mèo như người đàn bà đẹp được nuông chiều:

… Con cá đối nằm trong cối đá

Con mèo cụt đuôi nằm mụt đuôi kèo

Anh có thương em thì làm giấy giao kèo

Thò tay điểm chỉ, em là con mèo của anh”

Thời còn học tiểu học, chúng ta hẵn không quên bài thơ dí dỏm nói về con mèo và con chuột: … Con mèo mà trèo cây cau

Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà

Chú chuột đi chợ gần xa

Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo…

Văn học nghệ thuật cũng dành cho mèo nhiều trang giấy và thời gian sáng tác. Nhà văn Ernest Hemingway viết chuyện hấp dẫn “con mèo trong mưa”. Còn “con mèo của Schrodinger” viết về sự tranh luận của Schrodinger với Albert Einstein về cách hiểu của Copenhagen. Trong truyện ngụ ngôn của nhà văn Pháp Charles Perrault “con mèo đi hia”[Le chat botte’] giúp chủ giàu sang phú quý, hay chuyện phim nổi tiếng “la chatte sur le toit brulant” kể về chuyện tình lãng mạn của một người đàn bà đẹp. Văn hóa Nhật có hai con mèo nổi tiếng là Đôrêmôn và Kitty. Đôrêmôn là một con mèo ú, một nhân vật hoạt hình trong truyện tranh nhiều tập được tạp chí Times bình chọn là một trong 22 nhân vật nổi bật nhất của Châu Á. Tháng 3 năm 2008, mèo Đôrêmôn được chính phủ Nhật chọn làm đại sứ hoạt hình chính thức của Nhật. Mèo Đôrêmôn có thân hình béo tròn quá sức, lông màu xanh lam, không có hai tai vì có người nói là do chuột gặm mất, mồm thì lớn chiếm gần hết bề ngang khuôn mặt, trên ngực có đeo một túi thần kỳ màu trắng. Đặc biệt mèo D bị chứng ám ảnh sợ chuột [musophobia] nên mỗi khi gặp chuột, mèo Đôrêmôn đều bỏ trốn. Còn mèo “Hello Kitty” là một con mèo búp bê xinh xắn với chiếc nơ đỏ trên đầu. Người Nhật thường tặng cho nhau món quà búp bê mèo không có miệng nhưng có hai tai to và vểnh lên, ý muốn nói nghệ thuật sống là phải biết lắng nghe và hạn chế lời nói, vì “nói nhiều thì lỗi nhiều”. Dân Nhật rất thương và yêu thích mèo vì cho rằng mèo mang lại nhiều may mắn, hạnh phúc. Thành phố Tokyo được gọi là “thành phố mèo”. Khắp nơi có rất nhiều mèo được nuôi thả trên đường phố và đền chùa. Nhân vật mèo cũng được nhắc đến trong truyện dài nhiều tập Harry Porter của nữ văn sĩ nổi tiếng người Anh J.K Rowling. Phim ảnh cũng có bộ phim hoạt hình “Tom và Jerry” nhiều tập, được trẻ con toàn thế giới say mê câu chuyện giữa chuột và mèo

Một số mèo có khả năng đặc biệt linh cảm biết trước cái chết của người bệnh đã được kể chuyện bởi GS.BS David Dosa ở đại học Brown, thành phố Providence, bang Rhode Island ở Mỹ. Tại TT Y Tế Steere [trung tâm chăm sóc những những người già mất trí nhớ] có một trong 6 con mèo nuôi tại cơ sở biết trước bệnh nhân nào sắp chết. Khi thấy mèo nhảy lên giường bệnh của cụ già nào , mèo nằm trên gối người bệnh và đi vòng trên đầu thì không lâu sau đó người đó chết. Việc này được xãy ra nhiều lần và chính xác, có điều lạ là ngay sau khi cụ già chết, mèo cũng thoát ra khỏi giường lúc nào không ai để ý. Những nhân viên nơi đó nói dường như mèo đã đến để giúp người già được lên thiên đàng một cách nhẹ nhàng. Một câu chuyện khác về mèo với những chi tiết hấp dẫn hơn được chị Kim Thu kể lại trong trang Web gia đình Trần Đăng. Câu chuyện xảy ra tại khu điều trị, chi nhánh của Royal Berkshire Hospital gần thành phố Reading bên Anh quôc. Ở đây chưyên chăm sóc những người bệnh nan y, suy kiệt vào giai đọan cuối mà chị là một nhân viên y tế đã làm việc hơn 20 năm tại đây. Một ngày nọ có một con mèo hoang, màu đen không biết từ đâu đến và chọn một góc phòng nhận bệnh, “nằm lì” ở đó. Bên Anh rất thương súc vật nên BGĐ vẫn cho phép chăm sóc mèo hoang này. Mèo cũng rất hiền, không ăn vụng, không phá phách và chẳng làm phìền đến ai. Mỗi khi có bệnh nhân mới, được xe cứu thương đưa về, mèo cũng ra đón và đi theo brancard đưa về tận phòng, rồi sau đó trở về nằm lại chỗ củ trong phòng nhận bệnh. Nhân viên bệnh phòng đều theo dõi từng bước chân của mèo vì mỗi lần mèo đến nằm trước phòng bệnh nhân nào, thì sau đó người bệnh chết. Ở Vn cũng sợ “linh miêu” nên hiện nay vẫn còn tập tục để một cây dao lớn trên bụng người chết trước khi nhập quan và canh chừng không cho mèo đen nhảy qua xác vì sợ nếu đó là linh miêu thì người chết sẽ sống lại

Hôi họa vẫn chọn nhân vật mèo để vẽ, nhưng đặc biệt nhất là làng Đông Hồ thuộc tỉnh Bắc Ninh VN có nghệ thuật vẽ tranh dân gian nổi tiếng từ xưa đến nay gọi là “tranh Đông Hồ”. Chủ đề về chuột và mèo là chủ đề được mọi người ưa thích trong dịp xuân về. Trong các bức tranh loại này có bức tranh “đám cưới của họ hàng nhà chuột” rất là sâu sắc về ý nghĩa nhân sinh.



Tranh dân gian “đám cưới chuột” VN

Nhân vật mèo tượng trưng cho bọn quan lại, cường hào ác bá, còn họ hàng nhà chuột thì thấp cổ bé miệng, mong sự yên lành. Chuột thừa hiểu muốn tổ chức an toàn đám cưới đầy đủ lễ nghi rước kiệu,có kèn có nhạc, có “võng anh đi trước, kiệu nàng theo sau” thì phải vui vẻ tự nguyện mà làm [hưng tác] hối lộ cho mèo trên đường đi. Chữ Hán “hưng tác” viết trên đầu con chuột trong tranh thể hiện thái độ vui vẻ“hối lộ” cho mèo hai món mà mèo ưa thích là cá và chim . Chuột biết sự yên ổn của mình cần kèm theo sự vừa lòng, no đủ của mèo . Đó là tình trạng tham nhũng hối lộ,thời nào cũng có trong xã hội. Điểm đặc sắc của tranh này là thái độ lịch sự của mèo, ngồi nhận quà trong tư thế ôn hòa, đuôi quặp về phía trước dưới mông, vui vẻ đưa tay nhận “quà hối lộ ”từ chuột.





Tranh dân gian “đám cưới chuột”của Trung Hoa

Nếu so sánh với bức tranh của Trung Hoa cũng cùng chủ đề thì mèo TQ vẫn còn giữ tư thế quyết liệt, hung dữ tấn công chuột trong ngày vui đám cưới. Không khí ngày vui đám cưới không có, bức tranh cũng không còn ý nghĩa “dĩ hòa vi quý”, không cho thấy thái độ cao thượng chia vui của mèo trong ngày đám cưới chuột như trong bức tranh dân gian của làng Đông Hồ-Bắc Ninh.

Theo nhận xét của GS Ngô đức Thịnh-Viện nghiên cứu văn hóa V.N thì ý nghỉa triết lý của bức tranh dân gian Vn rất sâu sắc,biểu hiện thái độ sống ôn hòa, mang tính triết lý nhân sinh là tính cộng sinh với kẻ thù [cùng nhau tồn tại. sống nương tựa vào nhau]. Suy rộng ra, qua phân tích hai bức tranh này cho thấy người VN xử lý tình huống và các mâu thuẩn có tính ôn hòa, tình cảm hơn người TQ

IV/Thay lời kết :

Con người sinh ra trong cuộc đời này,kể cả nếu sinh cùng giờ, cùng ngày, cùng tháng, cùng năm cũng có số phận khác nhau. Số phận này được người đời tin là đã định trước bởi một đấng siêu nhiên hay bởi nhân quả nghiệp lực của chính mình trong kiếp trước cùng với những yếu tố duyên sinh khác. Thế mà vẫn có người cố chọn ngày lành tháng tốt và năm đẹp để mang thai hay bắt con, cháu chào đời bằng phương pháp mổ lấy thai.Họ thích có con mang tuổi Thìn [rồng], sợ có con mang tuổi Dần [cọp]...v…v…vì tin vào bói tóan và là số tử vi. Hiện nay tại VN, ngòai việc coi kỷ ngày giờ trong “quan, hôn, tang, tế” vẫn còn có một số người tin vào yếu tố “tứ hành xung” trong mối liên hệ gia đình và xã hội. Ví dụ người mang tuổi Mão chỉ hợp với những người tuổi Mùi [dê] và Hợi [heo], và kỵ những người tuổi Tý [chuột], Ngọ [ngựa] và Dậu [gà]. Một số lại chọn ngày giờ tốt để xuất hành ra khỏi nhà khi đi du lịch, đi họp, ký hợp đồng hay mở cửa tiệm buôn bán…Tuy là một nét văn hóa tập tục xã hội nhưng mang tính mê tín, dị đoan.



Năm nay nhiều người mang tuổi Mão [mèo] hẵn đã vui vì hầu hết các lá số bói đầu năm đều cho rằng người tuổi Mão thông minh, ôn hòa, giàu nhân ái và nên cẩn trọng trong cuộc sống. Các lời giải bói toán có điểm giống và khác nhau theo từng tuổi, nhưng tựu chung đều có sung sướng, có may mắn và cũng có rủi ro, xui xẻo để đề phòng; và rồi tất cả đều tai qua nạn khỏi nếu biết “ăn hiền ở lành”, vì rõ ràng là “đức năng thắng số”. Cầu chúc cho những bạn nào cầm tinh con Mèo năm nay được an khang và hạnh phúc.
Каталог: UploadDocs
UploadDocs -> Ubnd huyện yên châu phòng giáo dục và ĐÀo tạO
UploadDocs -> Số: 68/2000/NĐ-cp cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
UploadDocs -> Phân suất dự trữ lưu lượng động mạch vành
UploadDocs -> Ubnd tỉnh lạng sơn sở giáo dục và ĐÀo tạO
UploadDocs -> QuyếT ĐỊnh phê duyệt Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi giai đoạn 2010 2015 thủ TƯỚng chính phủ
UploadDocs -> Ubnd huyện mai sơn phòng giáo dục và ĐÀo tạO
UploadDocs -> Ubnd tỉnh hà TĨnh sở giáo dục và ĐÀo tạO
UploadDocs -> CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam phòng giáo dục và ĐÀo tạO
UploadDocs -> Ubnd huyện yên châu phòng gd&Đt số: 119
UploadDocs -> CHẾ ĐỘ dinh dưỠng “ĐỊa trung hảI”

tải về 66.31 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương