Năm 2014, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt khá, xuất khẩu tăng kỷ lục



tải về 0.84 Mb.
trang1/8
Chuyển đổi dữ liệu18.08.2016
Kích0.84 Mb.
#22662
  1   2   3   4   5   6   7   8
VẤN ĐỀ CHUNG

Năm 2014, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt khá, xuất khẩu tăng kỷ lục


Năm 2014, ngành nông nghiệp và PTNT triển khai kế hoạch trong điều kiện tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về thời tiết, dịch bệnh, thị trường, tuy nhiên, ngành nông nghiệp được đánh giá là một năm thành công với tốc độ tăng trưởng ngành đạt khá cao (đạt 3,3%), vượt mục tiêu Chính phủ đề ra và cao hơn nhiều so với năm ngoái. Đặc biệt là kết quả xuất khẩu tăng kỷ lục. đạt 30,86 tỷ USD, tăng trên 11% so với năm trước, đã có 10 mặt hàng đạt trên đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD.

Trong năm 2014, cơ cấu các ngành sản xuất tiếp tục được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương và cả nước, gắn với thị trường; việc ứng dụng khoa học kỹ thuật được đẩy mạnh; liên kết theo chuỗi được phát triển; công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm được chú trọng. Nhờ đó, sản lượng của hầu hết các loại nông sản có thị trường tiêu thụ tốt đều tăng mạnh, nhất là tôm, cà phê, hồ tiêu, lúa gạo, sắn, trái cây... Trong khi đó, do thị trường có nhiều khó khăn nên sản xuất cao su, cá tra duy trì ở mức tương đương năm 2013. Sự gia tăng sản lượng của nhiều loại cây trồng, vật nuôi trong điều kiện giá cao đã đem lại lợi ích to lớn cho nông dân.

Ngành trồng trọt, sản xuất lúa được mùa cả 3 vụ trên phạm vi cả nước, sản lượng đạt 45 triệu tấn, tăng gần 1 triệu tấn (2,3%); sản lượng ngô đạt 5,45 triệu tấn, tăng thêm được 250 nghìn tấn (4,8%) so với năm 2013; sản lượng sắn tăng 6,3%; cà phê tăng 5,2%; chè tăng 6,7%; hồ tiêu 2,5%; cam 7,2%; xoài 15%... so với năm 2013. Nhiều cây trồng đã đem lại cho các hộ nông dân giỏi thu nhập trên 1 tỷ đồng/ha/năm như: hồ tiêu, cam, thanh long...

Sản xuất chăn nuôi khởi sắc, sản lượng các sản phẩm chính đều tăng trong khi giá cả luôn ở mức khá cao. Xuất hiện ngày càng nhiều cơ sở, trang trại chăn nuôi kiểu công nghiệp, áp dụng công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến, hiệu quả cao.

Khai thác thủy sản có chuyển biến mới theo hướng đẩy mạnh khai thác xa bờ, áp dụng kỹ thuật và thiết bị tiên tiến để nâng cao giá trị, chất lượng và hiệu quả khai thác như đối với cá ngừ ở Bình Định. Tổng sản lượng khai thác thủy sản năm 2014 ước đạt 2,68 triệu tấn, tăng 3,9% năm 2013. Chương trình đóng tầu vỏ sắt, cải hóa nâng cấp tàu cá đánh bắt xa bờ đang được triển khai mạnh. Ngư dân tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đã khắc phục khá thành công khó khăn về dịch bệnh, có bước phát triển vượt bậc, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2014 đạt 3,62 triệu tấn, tăng 4%; trong đó riêng sản lượng tôm nuôi đạt 660 ngàn tấn, tăng 112 nghìn tấn (20,4%) so với năm 2013. Năm nay, tôm lại đặc biệt được giá, đem lại siêu lợi nhuận cho những người nuôi thành công.

Đối với ngành lâm nghiệp, công tác bảo vệ rừng tốt hơn, tiếp tục đẩy mạnh khoanh nuôi tái sinh và trồng rừng. Nhờ vậy độ che phủ rừng đạt 41,5%, giá trị sản lượng tăng 6,6%. Đồng thời, đã có bước chuyển động mới theo hướng phát triển rừng trồng cây gỗ lớn.

Sản xuất muối nhờ phát triển ứng dụng kỹ thuật tiến bộ kết hợp với thời tiết thuận lợi nên sản lượng đạt 1,2 triệu tấn, tăng 15,5% so với năm 2013.

Công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản tiếp tục phát triển, hầu hết các doanh nghiệp hiện có đã đứng vững, duy trì và mở rộng sản xuất; xuất hiện nhiều cơ sở mới, trong đó một số chế biến sâu nông lâm thủy sản, công nghệ cao.

Thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản cả trong nước và xuất khẩu được phát triển, mở rộng. Tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước ước đạt 30,86 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2013. Trong đó, nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh: cà phê tăng 32,2%, hạt điều tăng 21,1%, hồ tiêu tăng 34,1%, rau quả tăng 34,9%, thủy sản tăng 18%, lâm sản và đồ gỗ tăng 12,7%, gạo tăng 5,3% (không kể tiểu ngạch). Đã có 10 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD (gạo, cà phê, cao su, điều, tiêu, sắn, rau quả, tôm, cá tra, lâm sản). Xuất khẩu tăng mạnh tạo điều kiện thuận lợi duy trì giá trong nước có lợi cho nông dân. Thị trường trong nước đối với nhiều loại sản phẩm ít hoặc không xuất khẩu cũng được cải thiện, nhất là đối với các sản phẩm chăn nuôi.

Nhờ những nỗ lực và kết quả tích cực đó, giá trị sản xuất toàn ngành (theo giá so sánh 2010) tăng 3,6%, tốc độ tăng GDP ngành đạt 3,3%, vượt mục tiêu Chính phủ đề ra (là 3,27%) và cao hơn nhiều so với năm 2013 (tương ứng là 3,0% và 2,64%). Có thể nói, tổng thể năm 2014 là năm ngành nông nghiệp được mùa, được giá. Mặt khác, chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện, tỷ trọng giá trị gia tăng trong tổng giá trị sản xuất ngành đã tăng từ 57% năm 2010 lên 63,9% năm 2012, 64,7% năm 2013 và 67,8% năm 2014.

Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được các cấp, các ngành, địa phương chỉ đạo triển khai mạnh mẽ; được nhân dân nhiệt tình ủng hộ nên đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, đã có 97% số xã phê duyệt quy hoạch NTM, 87% số xã phê duyệt đề án, trên 9.000 mô hình được đưa vào sản xuất.

Dự kiến hết năm 2014, bình quân mỗi xã đạt 10 tiêu chí, tăng 5,38 tiêu chí/xã so với năm 2010 và tăng 2,13 tiêu chí so với năm 2013. Trong đó, có 785 xã đạt chuẩn (8,8%), 1.285 xã (14,5%) đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, 2.836 xã (32,1 %) đạt từ 10 đến 14 tiêu chí, 2.964 xã (33,6 %) đạt từ 5 đến 9 tiêu chí, 945 xã (11%) đạt dưới 5 tiêu chí và không còn xã trắng tiêu chí. Có 02 đơn vị cấp huyện (Long Khánh và Xuân Lộc - tỉnh Đồng Nai) đạt chuẩn nông thôn mới.

Các nhiệm vụ của ngành trong chương trình hỗ trợ huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, Chương trình MTQG về giảm nghèo, các Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, Chương trình tái định cư và Chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn được thực hiện theo mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.


Nhìn chung, năm 2014, ngành nông nghiệp và PTNT đã đạt được kết quả khá toàn diện. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp được tập trung triển khai thực hiện và đã có tác động tích cực. Sản xuất tăng trưởng với tốc độ cao hơn. Chương trình xây dựng nông thôn mới được người dân hưởng ứng tích cực và đã đạt được nhiều kết quả. Cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được tiếp tục quan tâm đầu tư. Chính sách phát triển thủy sản, kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia được chú trọng. Hầu hết các lĩnh vực hoạt động khác của ngành đều có sự chuyển biến tích cực, tiếp tục nâng cao đời sống của dân cư nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường sinh thái chung của cả nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nông nghiệp, nông thôn nước ta còn bộc lộ những tồn tại: Triển khai thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành chưa được đồng bộ, đồng đều ở các địa phương; tăng trưởng của ngành có cải thiện nhưng còn ở mức thấp hơn mức tăng trưởng của giai đoạn 2006 - 2010; Chất lượng nhiều loại nông sản còn thấp, một số lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ gặp khó khăn như cao su, cá tra, mía đường; Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất còn chậm; Công tác quản lý chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập; tình trạng buôn bán vật tư giả, chất lượng kém, lạm dụng thuốc trừ sâu, sử dụng chất cấm trong sản xuất vẫn diễn ra phức tạp; Thu nhập và đời sống của một bộ phận người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo còn cao; tình trạng phá rừng vẫn xảy ra, ô nhiễm môi trường gia tăng ở nhiều nơi.

Với mục tiêu đẩy mạnh xây dựng nền nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, hiệu quả và phát triển bền vững trên cơ sở thực hiện quyết liệt tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn mới góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cả nước, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường. Năm 2015, ngành nông nghiệp phấn đấu tăng trưởng GDP toàn ngành đạt từ 3,0 - 3,3%; giá trị sản xuất tăng từ 3,5 - 3,7% so với năm 2014 (trong đó trồng trọt 2,5 - 2,8%, chăn nuôi 2,8 - 3,2%, lâm nghiệp 6,0 - 6,5%, thủy sản 6,0 - 6,5%). Giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản đạt 32 tỷ USD. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%. Số xã trên cả nước đạt tiêu chí nông thôn mới là 20%. Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự tham gia của các cấp, các ngành; Tăng cường công tác tuyên truyền vận động đối với nhân dân; Bố trí ngân sách; thực thi các chính sách hỗ trợ minh bạch; Tạo sự chuyển biến rõ rệt hơn về phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập cho nông dân; cải thiện đời sống, văn hóa, đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ môi trường nông thôn; Phát triển theo chiều sâu, đưa “nông thôn mới” tới cấp hộ gia đình ở những nơi đã hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu cấp xã, thôn.

Năm 2015 là năm quan trọng để hoàn thành thực hiện các nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn do Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra. Mặc dù có nhiều khó khăn và thách thức, với quyết tâm cao toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nỗ lực phấn đấu tạo sự chuyển biến mới mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, đạt nhiều thành tựu góp phần nâng cao tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, ổn định xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường sinh thái cả nước.

T. Hiền
THƯƠNG MẠI NÔNG LÂM THỦY SẢN CHÍNH

CỦA VIỆT NAM NĂM 2014


Theo báo cáo của Trung tâm Tin học và Thống kê, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 12 ước đạt 2,88 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu của ngành năm 2014 lên 30,86 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2013. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 14,50 tỷ USD, tăng 11,1%; Giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 7,92 tỷ USD, tăng 18,4%; Giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 6,54 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm 2013.

XUẤT KHẨU

Thủy sản vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực với giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 12 ước đạt 706 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu năm 2014 đạt 7,92 tỷ USD, tăng 18,4% so với năm 2013. Hoa Kỳ vẫn duy trì được vị trí là thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 21,81% tổng giá trị xuất khẩu. Xuất khẩu thủy sản sang thị trường này 11 tháng đầu năm đạt 1,57 tỷ USD, tăng 18,78% so với cùng kỳ năm 2013. Trong 11 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản sang hầu hết các thị trường khác đều tăng như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc với mức tăng tương ứng đạt 9,03%, 34,59% và 12,46%.

Mặt hàng tiêu xuất khẩu tăng trưởng cao với khối lượng xuất khẩu tháng 12 ước đạt 8 nghìn tấn, với giá trị đạt 52 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu tiêu năm 2014 lên 158 nghìn tấn với giá trị 1,2 tỷ USD, tăng 19,3% về khối lượng và tăng 35,9% về giá trị so với năm 2013. Xuất khẩu tiêu sang thị trường Hòa Kỳ, Singapore, Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, Ấn Độ và Hà Lan - 5 thị trường lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2014 - chiếm 50,06% tổng xuất khẩu của mặt hàng này. Thị trường Hoa Kỳ tăng 21,76% về khối lượng và tăng 37,88% về giá trị; Singapo tăng 46,94% về khối lượng và 84,32% về giá trị, Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất tăng 32,96% về khối lượng và tăng 56,49% về giá trị. Thị trường Ấn Độ tăng 88,01% về khối lượng và 2,19 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.

Cà phê cũng là mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng mạnh, ước cả năm xuất khẩu đạt 1,73 triệu tấn với giá trị 3,62 tỷ USD, tăng 33,4% về khối lượng và tăng 33,2% về giá trị so với năm 2013. Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2014 với thị phần lần lượt là 13,65% và 10,02%. Thị trường Bỉ có tốc độ tăng mạnh nhất, gấp 2,57 lần về khối lượng và gấp 2,4 lần về giá trị so với 11 tháng đầu năm 2013.

Khối lượng hạt điều xuất khẩu tháng 12 ước đạt 26 nghìn tấn với giá trị 169 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu điều năm 2014 đạt 306 nghìn tấn với 2 tỷ USD, tăng 17,2% về khối lượng và tăng 21,9% về giá trị so với năm 2013. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hà Lan vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam chiếm lần lượt 32,5%, 14,99% và 11,23% tổng giá trị xuất khẩu.

Ước giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 12 đạt 655 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu năm 2014 đạt 6,21 tỷ USD, tăng 11,1% so với năm 2013. Xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ 11 tháng đầu năm sang hầu hết các thị trường chính đều tăng, ngoại trừ thị trường Trung Quốc giảm 13,35%; Hoa Kỳ và Nhật Bản có mức tăng trưởng lần lượt là 12,47% và 17,06% so với cùng kỳ năm 2013. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản - 3 thị trường nhập khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2014 - chiếm 66,21% tổng giá trị xuất khẩu của mặt hàng này.



Một số mặt hàng xuất khẩu chính như gạo, chè tiếp tục giảm về khối lượng nhưng lại tăng về giá trị; trong khi đó, xuất khẩu cao su và sắn lại tăng về khối lượng nhưng lại giảm về giá trị so với năm 2013.

Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 12 năm 2014 ước đạt 463 nghìn tấn với giá trị 239 triệu USD đưa khối lượng xuất khẩu gạo năm 2014 đạt 6,52 triệu tấn và 3,04 tỷ USD, giảm 0,9% về khối lượng, nhưng lại tăng 4,2% về giá trị so với năm 2013. Thị trường lớn nhất trong 11 tháng đầu năm 2014 là Trung Quốc với 30,3%. Đáng chú ý nhất là thị trường Philippin có sự tăng trưởng đột biến trong 11 tháng đầu năm với mức tăng gấp 3,68 lần về khối lượng và gấp 3,74 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Với mức tăng trưởng này, Philippin vươn lên vị trí đứng thứ 2 về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam, chiếm 21,38%, tiếp đến là Malaysia, Gana và Indonesia, chiếm thị phần lần lượt là 7,38%; 5,90% và 5,13%.

Khối lượng xuất khẩu chè tháng 12 năm 2014 ước đạt 13 nghìn tấn với giá trị đạt 23 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu chè năm 2014 ước đạt 134 nghìn tấn với giá trị đạt 229 triệu USD, giảm 5,3% về khối lượng và giảm 0,2% về giá trị so với năm 2013. Khối lượng chè xuất khẩu sang Pakistan - thị trường lớn nhất của Việt Nam với thị phần là 35,47%, tăng 61,25% về khối lượng và tăng 86,19% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Ngược lại, thị trường Inđônêxia có tốc độ giảm mạnh nhất, giảm 54,73% về khối lượng và giảm 56,34% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.

Ước tính khối lượng xuất khẩu cao su tháng 12 đạt 129 nghìn tấn với giá trị 190 triệu USD, với ước tính này năm 2014 xuất khẩu cao su đạt 1,07 triệu tấn với giá trị đạt 1,80 tỷ USD, tăng 0,2% về khối lượng nhưng lại giảm 27,7% về giá trị so với năm 2013. Mặc dù Trung Quốc và Malaysia vẫn duy trì là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2014 với thị phần lần lượt là 42,6% và 18,14%, nhưng lại có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2013, cụ thể: Trung Quốc giảm 5,02% về khối lượng và giảm 30,26% về giá trị; Malaysia giảm 7,85% về khối lượng và giảm 36,96% về giá trị.

Khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 12 ước đạt 301 nghìn tấn, với giá trị đạt 102 triệu USD đưa tổng khối lượng xuất khẩu mặt hàng này năm 2014 đạt 3,29 triệu tấn với giá trị đạt 1,12 tỷ USD, tăng 5,4% về khối lượng và tăng 2,6% về giá trị so cùng kỳ năm 2013. Trong 11 tháng đầu năm 2014, giá trị xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn sang hầu hết các thị trường lớn đều tăng, ngoại trừ thị trường Hàn Quốc và Đài Loan. Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu sắn và các sản phẩm sắn lớn nhất của Việt Nam với 84,65% thị phần.

NHẬP KHẨU

Giá trị nhập khẩu toàn ngành nông, lâm, thủy sản trong năm 2014 ước đạt 21,84 tỷ USD, tăng 15,3% so với năm 2013, trong đó, nhập khẩu một số mặt hàng chính ước đạt 16,45 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng năm 2013.

Ước giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tháng 12/2014 đạt 117 triệu USD, đưa giá trị nhập khẩu năm 2014 đạt gần 2,2 tỷ USD, tăng 34% so với năm 2013. Trong đó, nhập khẩu gỗ từ thị trường Lào chiếm 26,8%, Campuchia chiếm 11,6%, Hoa Kỳ chiếm 11,5%. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu gỗ lớn thứ 4 của Việt Nam, chiếm 10,5% tổng kim ngạch nhập khẩu, tổng kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ thị trường này trong 11 tháng đầu năm 2014 tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2013.

Thủy sản tiếp tục là mặt hàng có giá trị nhập khẩu tăng cao. Ước giá trị nhập khẩu mặt hàng thủy sản tháng 12/2014 đạt 93 triệu USD, đưa giá trị nhập khẩu năm 2014 đạt 1,05 tỷ USD, tăng 45,9% so với năm 2013. Hai thị trường nhập khẩu chính là Ấn Độ (33,5% thị phần) và Đài Loan (chiếm 7,2% thị phần). Trung Quốc là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 7 của Việt Nam, chiếm 3,8% tổng kim ngạch nhập khẩu. Tổng kim ngạch nhập khẩu thủy sản từ thị trường này trong 11 tháng đầu năm 2014 đã tăng mạnh (tăng 80,3%) so với cùng kỳ năm 2013.

Ước tính khối lượng ngô nhập khẩu trong tháng 12/2014 đạt 549 nghìn tấn với giá trị đạt 145 triệu USD, đưa khối lượng nhập khẩu mặt hàng này năm 2014 đạt 4,61 triệu tấn, giá trị nhập khẩu đạt gần 1,2 tỷ USD, tăng gấp 2,11 lần về lượng và 1,78 lần về giá trị so với năm 2013. Braxin, Ấn Độ và Achentina là các thị trường nhập khẩu chính của mặt hàng này, chiếm lần lượt 55,3%; 14,8% và 8,4% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này.

Trong khi đó, ước khối lượng đậu tương nhập khẩu trong tháng 12/2014 đạt 169 nghìn tấn với giá trị 89 triệu USD, đưa khối lượng nhập khẩu mặt hàng này năm 2014 đạt 1,56 triệu tấn, giá trị nhập khẩu đạt 913 triệu USD, tăng 20,5% về lượng và tăng 11,6% về giá trị so với năm 2013.

Giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu trong tháng 12/2014 ước đạt 257 triệu USD, đưa giá trị nhập khẩu năm 2014 đạt 3,23 tỷ USD, tăng 5,2% so với năm 2013. Thị trường nhập khẩu chính của nhóm mặt hàng này là Achentina (chiếm 39,8% thị phần), Hoa Kỳ (12,6%) và Trung Quốc (8,4%). Tổng kim ngạch nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu từ thị trường Trung Quốc trong 11 tháng đầu năm 2014 đã tăng gấp 2,02 lần so với cùng kỳ năm 2013.

Ngoài ra, nhập khẩu cao su trong tháng 12/2014 đạt 35 nghìn tấn với giá trị đạt 69 triệu USD, đưa khối lượng nhập khẩu mặt hàng này năm 2014 đạt 328 nghìn tấn, giá trị nhập khẩu đạt 658 triệu USD, tăng 4,9% về lượng nhưng giảm 2,4% về giá trị so với năm 2013. Ước tính khối lượng nhập khẩu phân bón các loại trong tháng 12/2014 đạt 393 nghìn tấn với giá trị 112 triệu USD, đưa khối lượng nhập khẩu phân bón năm 2014 đạt 3,93 triệu tấn, với giá trị nhập khẩu đạt 1,27 tỷ USD, giảm 15,8% về lượng và giảm 25,3% về giá trị so với năm 2013. Ngoài ra, khối lượng hạt điều nhập khẩu trong tháng 12/2014 ước đạt 35 nghìn tấn với giá trị đạt 55 triệu USD, đưa tổng khối lượng nhập khẩu mặt hàng này năm 2014 đạt 579 nghìn tấn, giá trị nhập khẩu đạt 656 triệu USD, giảm 9,6% về lượng nhưng lại tăng 9% về giá trị so với năm 2013.

Hướng tới mục tiêu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 31 tỷ USD, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ với mục tiêu chung là nâng cao chất lượng và uy tín thương mại nông lâm thuỷ sản Việt Nam trên thị trường. Đồng thời, phát hiện nhanh và giải quyết kịp thời những rào cản thương mại, rào cản về tiêu chuẩn kỹ thuật từ các nước nhập khẩu để mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.



Hồng Vân (Theo B.C Thống kê của CIS)

Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới


Xây dựng nông thôn mới là giải pháp chủ yếu, quan trọng và có tính chiến lược để thực hiện thành công Nghị quyết 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với lòng dân, được nhân dân cả nước đồng tình và hưởng ứng tích cực. Trong 03 năm qua, Chính phủ cùng các Bộ, ngành, các cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân đã chung sức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, và đạt được nhiều kết quả quan trọng, trong đó, có sự chuyển biến tích cực phát triển nông nghiệp, nông thôn, cải thiện đời sống của nông dân. Năm 2014, diện mạo nông thôn ở một số tỉnh trong cả nước đã có nhiều khởi sắc. Đặc biệt, đã có địa phương không chỉ hoàn thành tiêu chí nông thôn mới ở cấp xã mà xuất hiện huyện nông thôn mới như ở Đồng Nai được công nhận xét huyện nông thôn mới với huyện Xuân Lộc và thị xã Long Khánh.

  1. Đồng Nai dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh, cho biết, Hội đồng thẩm định nông thôn mới của tỉnh đã xét duyệt thêm 5/8 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đưa số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2014 lên 52 xã, trong tổng số 136 xã điểm tỉnh lựa chọn thực hiện.

Với kết quả này, hiện Đồng Nai đang dẫn đầu cả nước trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Trong đó, nổi bật là việc cải thiện chất lượng sống của người dân nông thôn, thể hiện qua mức tăng thu nhập bình quân đầu người một cách ấn tượng. Cụ thể, huyện Xuân Lộc đạt 37,6 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 3 lần so với năm 2008 và thị xã Long Khánh đạt 38,6 triệu đồng/người/năm, tăng gấp hai lần so với năm 2009.

Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận 2 đơn vị cấp huyện là huyện Xuân Lộc và thị xã Long Khánh đạt chuẩn nông thôn mới. Bí thư Thị ủy thị xã Long Khánh Nguyễn Văn Nải cũng cho biết, để có kết quả trên, địa phương đã khuyến khích và tạo điều kiện cho nông dân đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi và trồng trọt. Không chỉ những cây trồng đặc sản cho thu nhập cao, nhiều cánh đồng từng bị bỏ hoang vào vụ Đông Xuân vì thiếu nước tưới thì nay đã được phủ xanh bằng hàng trăm hécta cây ngô cao sản. Trước đây thu nhập nông dân chỉ ở mức từ 50 đến 60 triệu đồng thì nay đã nâng lên từ 200 đến 300 triệu đồng/năm/ha. Nhờ đó, hiện Long Khánh đã hết hộ nghèo, 80% hộ dân đạt khá và giàu.


  1. Quảng Nam đẩy mạnh công tác khuyến nông gắn với xây dựng nông thôn mới

Nhằm từng bước phát triển toàn diện ngành nông nghiệp, tạo thu nhập ổn định, nâng cao đời sống cho người dân khu vực nông thôn, tỉnh Quảng Nam đang đẩy mạnh công tác khuyến nông gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn như tập trung tuyên truyền, phổ biến kiến thức về nông nghiệp cho người dân theo chuyên đề (cây trồng, vật nuôi, thông tin thị trường…); đầu tư xây dựng “Cơ sở dữ liệu khuyến nông” từ tỉnh đến huyện và tích hợp vào Cổng thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh để cán bộ khuyến nông các cấp cũng như người nông dân có điều kiện khai thác, truy cập, phục vụ công tác xây dựng kế hoạch, chương trình khuyến nông dài hạn.

Cùng với việc đẩy mạnh xây dựng các mô hình, dự án khuyến nông đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng giống mới, công nghệ sinh học, sản xuất theo quy trình VietGAP và các quy trình ứng dụng công nghệ sản xuất nông sản an toàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, tỉnh còn tiến hành xây dựng các khu nông nghiệp nhỏ, khu nông nghiệp thu nhập cao và một số khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, xây dựng. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất theo quy mô “cánh đồng mẫu lớn”, mô hình nông nghiệp đô thị, ven đô như rau và hoa cây cảnh; mở rộng chăn nuôi ứng dụng khoa học kỹ thuật như chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học, nuôi cá lồng bè có giá trị kinh tế cao cho cả vùng nước ngọt, lợ, mặn.

Ông Lê Muộn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, cho biết, qua thực tiễn tại địa phương, công tác khuyến nông đã giúp người dân tăng dần giá trị trên cùng diện tích sản xuất. Trong đó, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, giống mới cũng như mở rộng "cánh đồng mẫu lớn" đã đem lại thành công bước đầu.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, lực lượng khuyến nông cần tham mưu cho các cơ quan chức năng nhằm tạo điều kiện thu hút những công nghệ mới trong nông nghiệp để sản xuất sạch hơn. Định hướng cho người dân cũng như doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp tuỳ theo tình hình thực tế tại các địa phương, gắn với xây dựng nông thôn mới. Vận động người dân tích cực tham gia vào sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh, nâng cao hiệu quả kinh tế, tránh tình trạng “ly nông” đã từng xảy ra. Đặc biệt, phải duy trì và phát triển đựơc những mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, từ đó nhân rộng ra nhiều địa bàn để người nông dân là đối tượng được hưởng lợi chính.

Trong thời gian qua, công tác khuyến nông trên địa bàn Quảng Nam đựơc đẩy mạnh, nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt đưa ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực hiện tại các địa phương như Điện Bàn, Duy Xuyên, Hội An, Nam Giang… đã đem lại hiệu quả kinh tế cao: mô hình “3 giảm 3 tăng kết hợp công cụ sạ hàng”; chế biến phụ phẩm làm thức ăn chăn nuôi; xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm bể biogas composite; nuôi cá điêu hồng theo phương thức bán thâm canh; mô hình nuôi cá chẽm, nuôi cua, nuôi cá lồng trên sông; mô hình trồng hoa lily và cúc Đà Lạt.



  1. tải về 0.84 Mb.

    Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương