NIỀm vui yêu thưƠng (amoris laetitia)



trang9/17
Chuyển đổi dữ liệu28.07.2016
Kích1 Mb.
#8621
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   ...   17

190. Tuy nhiên, còn mặt kia của đồng tiền. Như lời Chúa nói với chúng ta: “người đàn ông rời bỏ cha mẹ mình” (St 2,24). Điều này không luôn luôn xảy ra, và cuộc hôn nhân bị vướng mắc bởi người ta không thực hiện được sự hy sinh và từ bỏ cần thiết này. Cha mẹ không thể bị bỏ bê hay thờ ơ, nhưng hôn nhân trong bản chất của nó đòi hỏi rằng cha mẹ phải bị “rời bỏ”, để gia đình mới sẽ thực sự là một tổ ấm, một nơi của sự an toàn, của hy vọng và của các kế hoạch tương lai, và đôi bạn có thể thực sự trở thành “một xương một thịt” (ibid.). Trong một số cuộc hôn nhân, một người phối ngẫu giữ những bí mật không tiết lộ cho người kia, nhưng lại giãi bày cho cha mẹ mình. Kết quả là, quan điểm của cha mẹ trở thành quan trọng hơn những cảm xúc và suy nghĩ của vợ hay chồng mình. Tình trạng này không thể tiếp tục dài lâu được, và ngay cả dù cần nhiều thời gian, cả hai vợ chồng cần cố gắng tăng cường sự tin tưởng và liên lạc với nhau. Hôn nhân thách đố những người chồng và vợ tìm ra các cách thức mới mẻ để làm con của cha mẹ mình.

Những người cao tuổi
191. “Xin chớ vứt tôi đi, lúc tuổi già,khi sức lực đã tàn, xin chớ bỏ tôi!” (Tv 71,9). Đây là lời cầu xin của người già, họ sợ bị quên lãng và loại bỏ. Cũng như Thiên Chúa yêu cầu chúng ta trở thành phương tiện của Ngài để lắng nghe tiếng kêu của người nghèo, thì Ngài cũng muốn chúng ta nghe tiếng kêu của những người già.211 Đây là một thách đố cho các gia đình và các cộng đồng, vì “Giáo Hội không thể và không muốn nhượng bộ một tâm thức bất nhẫn, chưa nói là dửng dưng hay khinh miệt, đối với người già. Chúng ta phải đánh thức lại cái ý thức tập thể về lòng biết ơn, về sự trân trọng, lòng tử tế, làm cho người già cảm thấy mình là một thành viên sống động của cộng đồng. Những người cao tuổi của chúng ta là những con người nam và nữ, những người cha và những người mẹ, họ đến trước chúng ta trên con đường ta đi, trong ngôi nhà ta ở, trong cuộc chiến đấu hằng ngày của chúng ta để có được một đời sống xứng đáng hơn”.212 Thật vậy, “tôi mong muốn một Giáo Hội thách thức nền văn hóa vứt bỏ bằng niềm vui tràn ngập của một sự đón nhận mới mẻ giữa người trẻ và người già!”213
192. Thánh Gioan Phaolô II mời gọi chúng ta lưu ý đến vai trò của những người già trong các gia đình, vì có những nền văn hóa mà – “nhất là theo sau sự phát triển đô thị và công nghiệp lộn xộn – cả trong quá khứ và trong hiện tại, đều đặt người già qua một bên bằng những cách không thể chấp nhận được”.214 Người già giúp chúng ta trân trọng “tính nối tiếp của các thế hệ”, nhờ “đặc sủng làm cầu nối của họ”.215 Rất thường, chính các bậc ông bà là người bảo đảm rằng những giá trị quan trọng được chuyển thông cho các cháu của mình, và “nhiều người có thể làm chứng rằng chính nhờ ông bà mình mà mình đã bước những bước khai tâm vào đời sống Kitô giáo”.216 Lời nói, tình thương yêu, hay đơn thuần sự hiện diện của người già giúp con cái nhận ra rằng lịch sử không bắt đầu với mình, rằng mình hôm nay chỉ tham dự vào một cuộc hành hương từ muôn thuở trước, và rằng mình cần tôn kính tất cả những ai đã đến trước mình. Những ai phá vỡ mọi mối dây ràng buộc với quá khứ chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong việc xây dựng những mối tương quan ổn định, và sẽ nhận ra rằng thực tại thì lớn hơn chính mình. “Sự lưu tâm đến người già sẽ làm cho xã hội nên khác biệt. Một xã hội (cụ thể nào đó) có dành quan tâm đến người già không? Nó có dành chỗ cho người già không? Một xã hội như thế sẽ tiến lên nếu nó tôn trọng sự khôn ngoan của những người già”.217
193. Thiếu ký ức lịch sử là một khuyết điểm nghiêm trọng trong xã hội chúng ta. Một não trạng mà chỉ có thể nói “Hồi trước là chuyện hồi trước, còn bây giờ là chuyện bây giờ” thì - nói cho cùng - là một não trạng ấu trĩ. Hiểu biết và thẩm xét những biến cố quá khứ là cách duy nhất để xây dựng một tương lai có ý nghĩa. Ký ức cần để lớn lên: “Hãy nhớ lại những thời xưa cũ” (Dt 10,32). Lắng nghe người già kể chuyện là điều rất tốt cho con cái và những người trẻ; nhờ đó người trẻ cảm thấy mình được nối kết với lịch sử sống động của gia đình mình, làng xóm và đất nước mình. Một gia đình mà không tôn kính và quí yêu ông bà của mình, là ký ức sống động của gia đình, thì gia đình ấy đang suy bại; còn một gia đình biết trân trọng quá khứ thì sẽ có tương lai. “Một xã hội nếu không có chỗ cho người già hoặc loại bỏ họ vì họ tạo ra những vấn đề, thì xã hội ấy đã nhiễm một vi rút chết người”;218 “nó bị xé nát từ gốc rễ”.219 Kinh nghiệm thời nay của chúng ta về tình trạng mồ côi như hệ quả của sự gián đoạn văn hóa, sự nhổ rễ và sự sụp đổ của những điều chắc chắn vốn định hình đời sống chúng ta, kinh nghiệm đó thách đố chúng ta làm cho gia đình mình trở thành nơi chốn mà con cái có thể cắm rễ trong mảnh đất màu mỡ của một lịch sử chung.
Là anh chị em
194. Những mối tương quan giữa anh chị em được đào sâu theo với thời gian, và “mối ràng buộc huynh đệ hình thành trong gia đình giữa các con cái, nếu được củng cố bởi một bầu khí có tính giáo dục thúc đẩy cởi mở với người khác, thì đó là một trường học quan trọng để học biết về tự do và hòa bình. Trong gia đình, chúng ta học cách sống hợp nhất. Có lẽ chúng ta không luôn luôn ý thức điều này, nhưng chính gia đình giới thiệu tình huynh đệ cho thế giới. Từ kinh nghiệm ban đầu này về tình huynh đệ, được nuôi dưỡng bởi tình cảm và sự giáo dục dưới mái nhà, phong cách của tình huynh đệ sẽ phát tỏa như một triển vọng cho toàn xã hội”.220
195. Việc lớn lên với anh chị em đem lại cho người ta một kinh nghiệm rất đẹp về sự quan tâm và giúp đỡ lẫn nhau. Vì “tình huynh đệ trong gia đình sẽ tỏa sáng đặc biệt khi chúng ta nhìn thấy sự săn sóc, sự nhẫn nại, tình thương mến bao quanh người em trai hay em gái nhỏ đang ốm bệnh hay bị khuyết tật”.221 Phải nhận ra rằng “có một người anh em hay chị em yêu thương bạn, đó là một kinh nghiệm thâm sâu, quí giá và độc đáo”.222 Con cái cần được kiên nhẫn dạy cho biết cư xử với nhau như anh chị em. Việc dạy dỗ này, có những lúc rất vất vả, là một trường học thực sự giúp hòa nhập xã hội. Tại một số nước, nơi mà đã trở thành xu hướng chung việc chỉ có một con, thì kinh nghiệm về anh chị em ngày càng hiếm hoi hơn. Khi thực tế gia đình chỉ có một con, thì phải tìm những cách thế để bảo đảm rằng đứa con ấy không lớn lên lẻ loi hay bị cô lập.
Một trái tim lớn
196. Bên cạnh không gian nhỏ của đôi vợ chồng và con cái của mình, có tồn tại gia đình rộng lớn hơn mà ta không thể bỏ qua. Thật vậy, “tình yêu giữa vợ và chồng và, khái quát hơn, tình yêu giữa các thành viên trong gia đình – giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em, bà con, và những người cùng sống dưới mái nhà – được trao cho sự sống và sự nâng đỡ nhờ một năng động liên lỉ bên trong dẫn gia đình tới mối hiệp thông không ngừng đào sâu hơn và mãnh liệt hơn, đó là nền tảng và linh hồn của cộng đồng hôn nhân và gia đình”.223 Các bạn hữu và những gia đình khác là một phần của gia đình rộng lớn này, cũng như các nhóm gia đình nâng đỡ nhau trong các hoàn cảnh khó khăn, trong những dấn thân xã hội, và trong đức tin.
197. Gia đình rộng lớn này cần cung ứng tình yêu và sự hỗ trợ cho các người mẹ còn non tuổi, các trẻ em không cha mẹ, các bà mẹ đơn thân phải nuôi con, những người khuyết tật cần tình thương và sự gần gũi đặc biệt, những người trẻ vật lộn với chứng nghiện ngập, những người độc thân, ly thân hay góa bụa neo đơn, và những người già yếu thiếu sự nâng đỡ của con cái mình. Cũng cần bao hàm “cả những người đã sụp đổ trong cuộc đời mình”.224 Gia đình rộng lớn này có thể giúp bù đắp những thiếu sót của cha mẹ, phát hiện và cho biết những hoàn cảnh trong đó con cái có nguy cơ chịu bạo lực và thậm chí bị lạm dụng, và cung ứng tình yêu thương lành mạnh cũng như sự ổn định của gia đình trong những trường hợp mà cha mẹ được thấy là không có khả năng cung ứng.
198. Cuối cùng, chúng ta không được quên rằng gia đình lớn này bao gồm bố vợ, bố chồng, mẹ vợ, mẹ chồng, và tất cả những người bà con của hai vợ chồng. Một khía cạnh tế nhị cách riêng của tình yêu, đó là học biết để không nhìn những người thân này như thể là những đối thủ cạnh tranh, những mối đe dọa hay những vật cản của mình. Mối kết hợp vợ chồng đòi sự tôn trọng các truyền thống và các tập tục của những người đó, một cố gắng để hiểu ngôn ngữ của họ và biết kiềm chế để không phê bình, biết chăm sóc và trân trọng họ trong khi vẫn giữ tính riêng tư và sự độc lập chính đáng của hai vợ chồng. Việc sẵn lòng như vậy cũng là một diễn tả tinh tế tình yêu quảng đại của mình đối với vợ hay chồng mình.


CHƯƠNG SÁU:


MỘT SỐ NHÃN GIỚI MỤC VỤ

199. Cuộc đối thoại diễn ra tại Thượng Hội Đồng đã nêu nhu cầu phải có những phương pháp mục vụ mới. Tôi sẽ cố gắng đề cập một số phương pháp như vậy một cách rất khái quát. Các cộng đoàn khác nhau sẽ phải nghĩ ra những sáng kiến hữu hiệu và thực tiễn hơn, vừa tôn trọng giáo huấn của Giáo Hội vừa tính đến những vấn đề và những nhu cầu địa phương. Không có ý trình bày một kế hoạch mục vụ cho gia đình, giờ đây tôi muốn suy tư về một số thách đố mục vụ có tầm quan trọng hơn.
LOAN BÁO TIN MỪNG VỀ GIA ĐÌNH HÔM NAY
200. Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng nhấn mạnh rằng các gia đình Kitô hữu, nhờ ân sủng của Bí tích Hôn Phối, là những tác nhân chính của công cuộc tông đồ gia đình, trước hết xuyên qua “chứng tá đầy niềm vui của họ trong tư cách là những Giáo Hội tại gia”.225 Như vậy, “thật quan trọng việc người ta kinh nghiệm Tin Mừng về gia đình như một niềm vui ‘đong đầy trái tim và đời sống’, bởi vì trong Đức Kitô, chúng ta đã được ‘giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, trống rỗng nội tâm và cô đơn’ (Evangelii Gaudium, 1). Như trong dụ ngôn về người gieo giống (x. Mt 13,3-9), chúng ta được gọi để giúp gieo vãi các hạt giống; phần còn lại là công việc của Thiên Chúa. Chúng ta cũng không được quên rằng, trong giáo huấn của mình về gia đình, thì Giáo Hội là một dấu mâu thuẫn”.226 Các đôi vợ chồng vui mừng biết ơn vì các mục tử của mình gìn giữ lý tưởng cao cả về một tình yêu mạnh mẽ, chắc chắn, bền vững và có thể nâng đỡ họ vượt qua bất cứ thử thách nào mà họ có thể phải đối mặt. Giáo Hội ao ước, trong khiêm nhường và thương cảm, hướng đến các gia đình và “giúp mỗi gia đình khám phá ra cách tốt nhất để vượt qua bất cứ trở ngại nào gặp phải”.227 Sẽ là bất cập việc bày tỏ sự quan tâm chung chung đối với các gia đình trong kế hoạch mục vụ. Việc giúp các gia đình có khả năng đảm nhận vai trò của mình như những tác nhân chủ động của công cuộc tông đồ gia đình là một việc đòi hỏi “nỗ lực Phúc Âm hóa và dạy giáo lý bên trong gia đình”.228
201. “Nỗ lực này yêu cầu mọi người trong Giáo Hội phải có sự hoán cải trong sứ mạng, nghĩa là, không còn hài lòng với việc rao giảng một sứ điệp duy chỉ có tính lý thuyết mà không nối kết gì với các vấn đề thực của người ta”.229 Việc săn sóc mục vụ cho các gia đình “cần cho thấy sáng tỏ rằng Tin Mừng về gia đình đáp ứng những kỳ vọng sâu xa nhất của nhân vị: một sự đáp trả cho phẩm giá và sự hoàn thành của mỗi người trong sự tương nhượng, hiệp thông, và sinh hoa trái. Điều này hệ tại không chỉ ở việc trình bày một bộ qui tắc, nhưng là ở việc nêu ra những giá trị rõ ràng cần thiết hôm nay, ngay cả tại những quốc gia thế tục hóa nhiều nhất”.230 Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng cũng “nêu bật rằng việc Phúc Âm hóa dứt khoát cần tố giác những yếu tố văn hóa, xã hội, chính trị và kinh tế – chẳng hạn tầm quan trọng thái quá được gán cho qui luật thị trường – vốn ngăn trở đời sống gia đình đích thực và dẫn tới sự phân biệt đối xử, tình trạng nghèo đói, sự loại trừ và bạo lực. Do đó, cần thúc đẩy sự đối thoại và hợp tác, với những cơ cấu xã hội và sự khích lệ phải được trao cho những người giáo dân vốn dấn thân - trong tư cách là Kitô hữu - vào các lãnh vực văn hóa và chính trị xã hội”.231
202. Sự đóng góp chủ yếu cho việc săn sóc mục vụ các gia đình được cung ứng bởi giáo xứ, là gia đình của các gia đình, nơi mà những cộng đoàn nhỏ, những phong trào Giáo Hội và các hiệp hội sống hòa điệu với nhau”.232 Cùng với việc mục vụ vươn ra nhắm đặc biệt đến các gia đình, điều nói trên cho thấy nhu cầu phải có “một nền đào tạo thích hợp hơn cho các … linh mục, phó tế, nam nữ tu sĩ, giảng viên giáo lý và các nhân viên mục vụ khác”.233 Trong các câu trả lời cho cuộc tham vấn trên toàn thế giới, người ta thấy rõ rằng các thừa tác viên chức thánh thường thiếu sự đào tạo cần thiết để xử lý những vấn đề phức tạp mà ngày nay các gia đình đang đối mặt. Kinh nghiệm của truyền thống Đông phương phổ quát về một hàng giáo sĩ kết hôn cũng có thể được tham khảo.
203. Các chủng sinh cần nhận được một nền đào tạo liên ngành bao quát hơn, chứ không chỉ về giáo thuyết, trong các lãnh vực tiền hôn nhân và hôn nhân. Việc đào tạo của họ không luôn luôn giúp họ khám phá bối cảnh cũng như những kinh nghiệm tâm lý và tâm cảm của chính mình. Một số đến từ những gia đình lộn xộn, vắng mặt cha mẹ và thiếu sự ổn định tâm cảm. Cần phải bảo đảm sao cho tiến trình huấn luyện có thể giúp họ đạt được sự trưởng thành và quân bình tâm lý cần thiết cho sứ vụ của họ trong tương lai. Những mối ràng buộc gia đình thật thiết yếu cho việc củng cố lòng tự trọng lành mạnh. Thật quan trọng việc các gia đình có giữ vai trò trong tiến trình chủng viện và đời sống linh mục, vì các gia đình giúp xác nhận lại những điều này và giữ cho chúng cắm rễ trong thực tế. Sẽ hữu ích việc các chủng sinh kết hợp thời gian trong chủng viện và thời gian ở giáo xứ. Ở đó họ có thể có sự tiếp xúc tốt hơn với các thực tế cụ thể của đời sống gia đình, vì trong sứ vụ tương lai, nói chung, họ sẽ làm việc với các gia đình. “Sự hiện diện của những người giáo dân, các gia đình, và nhất là sự hiện diện của các phụ nữ trong việc đào tạo linh mục sẽ thúc đẩy một sự trân trọng đối với tính đa dạng và tính bổ sung của các ơn gọi khác nhau trong Giáo Hội”.234
204. Những phúc đáp cho cuộc tham vấn cũng nhấn mạnh nhu cầu đào tạo các cán bộ giáo dân có thể hỗ trợ trong việc săn sóc mục vụ các gia đình, với sự giúp đỡ của các giảng viên và các nhà tư vấn, các ý sĩ của gia đình và của cộng đồng, các nhân viên xã hội, các luật sư của thanh thiếu niên và gia đình, và việc vận dụng những đóng góp của tâm lý học, xã hội học, trị liệu và tư vấn hôn nhân. Các chuyên gia, đặc biệt những người có kinh nghiệm thực tiễn, giúp cho những sáng kiến mục vụ được cắm rễ trong các hoàn cảnh thực và các mối quan tâm cụ thể của gia đình. “Các khóa học và các chương trình, được hoạch định đặc biệt cho những người làm công tác mục vụ, có thể hỗ trợ bằng cách hội nhập chương trình chuẩn bị hôn nhân vào trong động lực rộng lớn hơn của đời sống Giáo Hội”.235 Việc đào tạo mục vụ tốt có tầm quan trọng “đặc biệt đối với những hoàn cảnh khẩn trương cách riêng do những vụ bạo lực gia đình và làm dụng tình dục”.236 Tất cả những điều này không hề làm suy giảm, nhưng sẽ củng cố giá trị nền tảng của việc linh hướng, của các kho tàng thiêng liêng của Giáo Hội, và Bí tích Hòa Giải.
CHUẨN BỊ HÔN NHÂN

CHO CÁC ĐÔI BẠN ĐÍNH HÔN


205. Bằng nhiều cách khác nhau, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng tuyên bố rằng chúng ta cần giúp các bạn trẻ khám phá phẩm giá và vẻ đẹp của hôn nhân.237 Các bạn trẻ cần được giúp đỡ để nhận thức được sự hấp dẫn của một mối kết hợp trọn vẹn có sức thăng hoa và làm hoàn thiện chiều kích xã hội của hiện sinh, trao cho tính dục ý nghĩa sâu xa nhất, và đem lại ích lợi cho con cái qua việc cung cấp bối cảnh tốt nhất để chúng lớn lên và phát triển.
206. “Tính phức tạp của xã hội hôm nay và những thách đố mà các gia đình đối mặt đòi hỏi một nỗ lực lớn hơn nơi toàn thể cộng đoàn Kitô hữu trong việc chuẩn bị cho những người sắp kết hôn. Tầm quan trọng của các nhân đức cần phải được bao gồm. Trong số đó, đức khiết tịnh là vô giá, giúp cho sự trưởng thành đích thực của tình yêu giữa hai người. Về phương diện này, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng nhất trí về nhu cầu huy động toàn thể cộng đoàn một cách rộng rãi hơn, bằng cách nhấn mạnh chứng tá của chính các gia đình, và bằng việc đặt nền cho việc chuẩn bị hôn nhân dựa trên tiến trình khai tâm Kitô giáo, qua việc nêu bật mối nối kết giữa Hôn Phối, Phép Rửa và các bí tích khác. Các Nghị Phụ cũng nói về sự cần thiết phải có những chương trình chuyên biệt chuẩn bị hôn nhân nhắm đến việc giúp cho các đôi bạn kinh nghiệm thực sự về việc tham dự vào đời sống Giáo Hội, và một sự giới thiệu đầy đủ về những khía cạnh đa dạng của đời sống gia đình”.238
207. Tôi khích lệ các cộng đoàn Kitô hữu nhận biết ích lợi lớn lao mà chính họ nhận được từ việc nâng đỡ các đôi bạn đính hôn khi các đôi bạn ấy lớn lên trong tình yêu. Như các giám mục Ý ghi nhận, những đôi bạn này là “một nguồn vô giá, vì khi họ chân thành dấn thân lớn lên trong tình yêu và sự tự hiến, họ có thể giúp canh tân toàn bộ cơ cấu Giáo Hội. Hình thức tình bạn đặc biệt của họ có thể có sức lan tỏa và thúc đẩy sự triển nở của tình bạn và tình huynh đệ trong cộng đoàn Kitô hữu”.239 Có nhiều cách thích đáng để kết cấu các chương trình chuẩn bị hôn nhân, và mỗi Giáo Hội địa phương sẽ cân nhắc xem cách nào tốt nhất để cung cấp một sự đào tạo phù hợp mà không làm cho người trẻ xa lạ với bí tích ấy. Họ không cần phải được dạy toàn bộ giáo lý hoặc được nhồi nhét quá nhiều thông tin. Ở đây cũng vậy, “không phải nhiều kiến thức, mà chính là khả năng cảm thụ sự vật trong sâu xa mới làm cho linh hồn vui thỏa”.240 Phẩm tính quan trọng hơn lượng tính, và cùng với việc công bố lại lời rao giảng tiên khởi, mối ưu tiên nên dành cho việc trình bày hữu hiệu và hấp dẫn những thông tin có thể giúp các đôi bạn sống trọn đời với nhau “với tất cả can đảm và quảng đại”.241 Chuẩn bị hôn nhân phải là một loại “khai tâm” vào Bí tích Hôn Phối, cung cấp cho các đôi bạn sự giúp đỡ họ cần để nhận lãnh bí tích này cách xứng đáng, và để có một sự khởi đầu vững chắc trong việc xây dựng đời sống gia đình.
208. Với sự giúp đỡ của các gia đình thừa sai, các gia đình riêng của đôi bạn, và những nhân sự mục vụ khác nhau, cũng phải tìm ra cách thế để cung ứng một sự chuẩn bị từ xa, bằng gương sáng và lời khuyên lành mạnh, để giúp tình yêu của đôi bạn triển nở và trưởng thành. Các nhóm thảo luận và những buổi nói chuyện với giới trẻ về các chuyên đề được thực sự quan tâm cũng có thể rất hữu ích. Cũng vậy, một số cuộc gặp gỡ cá nhân vẫn là điều thiết yếu, vì mục tiêu hàng đầu là giúp mỗi người biết cách yêu thương con người rất cụ thể này mà mình có dự định chia sẻ đời sống suốt đời. Việc học biết yêu thương một người nào đó không xảy ra cách tự động, nó cũng không thể được dạy trong một cuộc hội thảo chỉ diễn ra ngay trước việc cử hành hôn lễ. Đối với mỗi đôi bạn, việc chuẩn bị hôn nhân bắt đầu từ lúc chào đời. Những gì họ nhận được từ gia đình mình cần phải chuẩn bị để họ biết chính mình, và để thực hiện một cam kết trọn vẹn và dứt khoát. Những người được chuẩn bị tốt nhất cho hôn nhân hầu chắc là những người học biết về hôn nhân Kitô giáo từ chính cha mẹ mình, nơi việc cha mẹ họ chọn nhau một cách vô điều kiện và vẫn làm mới lại quyết định này hằng ngày. Theo nghĩa này, những sáng kiến mục vụ được nhắm giúp các đôi bạn lớn lên trong tình yêu và trong Tin Mừng về gia đình cũng giúp cả con cái họ nữa, bằng việc chuẩn bị chúng cho đời sống hôn nhân trong tương lai. Chúng ta cũng không được đánh giá thấp giá trị mục vụ của các thực hành đạo đức truyền thống. Chỉ cần lấy một ví dụ: tôi nghĩ đến Ngày Saint Valentine; tại một số nước, những quan tâm thương mại tỏ ra nhanh nhạy hơn Giáo Hội trong khả năng nhìn thấy những tiềm năng của lễ mừng này.
209. Việc cộng đoàn giáo xứ chuẩn bị kịp thời cho các đôi bạn đính hôn cũng cần phải giúp họ nhận ra những vấn đề và những nguy cơ có thể xảy ra. Nhờ đó, họ có thể hiểu được lẽ khôn của việc cắt đứt một mối quan hệ mà sự thất bại và hậu quả nhức nhối của nó có thể được thấy trước. Trong giai đoạn say mê nhau lúc ban đầu, các đôi bạn có thể cố che giấu hay tương đối hóa một số điều, và họ cố tránh những bất đồng; chỉ về sau thì các vấn đề mới nổi lên. Vì thế, họ phải được khích lệ mạnh mẽ để thảo luận về những gì mà mỗi người trong họ kỳ vọng từ hôn nhân, về cách họ hiểu tình yêu và cam kết như thế nào, về những gì mà người này muốn ở người kia, và về đời sống mà họ muốn cùng nhau xây dựng. Những thảo luận như thế sẽ giúp họ nhận ra phải chăng trong thực tế họ không có mấy điểm chung, và nhận ra rằng chỉ sự hấp dẫn lẫn nhau mà thôi thì không đủ để giữ họ với nhau. Không có gì hời hợt, mong manh và bất quyết cho bằng sự khao khát. Đừng bao giờ khích lệ quyết định kết hôn trừ phi đôi bạn đã phân định những lý do sâu xa có thể bảo đảm cho một sự dấn thân đích thực và ổn định.
210. Trong bất luận tình huống nào, nếu người này nhận thấy những điểm yếu của người kia, thì cần phải có một sự tin tưởng thực tiễn vào khả năng giúp phát triển những điểm mạnh để tạo cân bằng, và bằng cách này giúp thúc đẩy sự trưởng thành nhân bản. Điều này đòi hỏi một thái độ sẵn sàng chấp nhận những hy sinh, những vấn đề và những tình huống xung đột có thể xảy ra; cần có một quyết tâm mạnh mẽ để sẵn sàng như thế. Các đôi bạn cần có khả năng phát hiện những dấu hiệu nguy hiểm trong mối tương quan của mình và tìm ra, trước khi kết hôn, những cách thế hữu hiệu để ứng phó với các nguy hiểm ấy. Thật đáng tiếc là nhiều đôi bạn kết hôn mà không thực sự hiểu biết về nhau. Họ vui vẻ quấn quít nhau và làm các việc cùng với nhau, nhưng không đối mặt với sự thách đố bộc lộ chính mình và nhận hiểu người kia thực sự là ai.
211. Việc chuẩn bị hôn nhân, cả ngắn hạn lẫn dài hạn, đều cần phải bảo đảm sao cho đôi bạn không nhìn lễ cưới như kết thúc của con đường, mà trái lại đó là sự khởi đầu của hôn nhân như một tiếng gọi suốt đời, đặt nền trên một quyết định vững chắc và thực tiễn, sẵn sàng cùng với nhau đương đầu với mọi thử thách và mọi thời khắc khó khăn. Việc săn sóc mục vụ các đôi vợ chồng và các đôi bạn đính hôn phải tập trung vào mối dây hôn phối, giúp các đôi bạn không chỉ đào sâu tình yêu của họ mà còn vượt qua những vấn đề và những khó khăn. Điều nay bao gồm không chỉ việc giúp họ đón nhận giáo huấn của Giáo Hội và biết tìm đến những nguồn trợ giúp quí giá của Giáo Hội, mà còn bao gồm việc cung ứng những chương trình thiết thực, những lời khuyên phù hợp, những bài bản hữu hiệu và sự hướng dẫn về tâm lý. Tất cả những điều này cần đến một khoa sư phạm yêu thương, thích hợp với những cảm nghĩ và những nhu cầu của người trẻ và có khả năng giúp họ trưởng thành nội tâm. Việc chuẩn bị hôn nhân cũng phải cung cấp thông tin cho các đôi bạn về những nơi, những người, và những dịch vụ để họ có thể tìm sự giúp đỡ khi các vấn đề xuất hiện. Cũng quan trọng việc nhắc họ nhớ rằng Bí tích Hòa Giải luôn sẵn sàng cho họ, cho phép họ mang đến trước mặt Chúa những tội lỗi và các sai lầm trong quá khứ, và chính mối quan hệ của họ nữa, để nhận lãnh ơn tha thứ đầy lòng thương xót và sức mạnh chữa trị của Ngài.
Chuẩn bị cử hành hôn lễ
212. Những sự chuẩn bị ngắn hạn cho hôn nhân thường tập trung vào vấn đề thiệp mời, trang phục, tiệc mừng, và vô số những chi tiết dễ làm cạn kiệt không chỉ túi tiền mà cả sức lực và niềm vui nữa. Các đôi bạn đến với cuộc cử hành lễ cưới trong tình trạng kiệt sức và đầy ắp nỗi lo, thay vì lắng đọng và sẵn sàng cho bước quyết định mà họ sắp thực hiện. Cũng chính mối bận tâm về một hôn lễ hoành tráng đã dẫn đến một số cuộc kết hợp de facto; vì ngại những chi phí cao, đôi bạn thay vì tập trung trước hết vào tình yêu của mình và cử hành tình yêu ấy trong sự hiện diện của những người khác, lại quyết định không bao giờ cử hành hôn lễ. Cho phép tôi nói một lời ở đây với các đôi bạn chưa cưới. Các bạn hãy có can đảm để dám khác biệt. Đừng để mình bị nuốt chửng bởi một xã hội tiêu thụ và những phô trương rỗng tuếch. Điều quan trọng là tình yêu mà các bạn chia sẻ, được củng cố và được thánh hóa bởi ân sủng. Các bạn có thể chọn lựa tổ chức một đám cưới đơn sơ bình dị hơn, trong đó tình yêu được ưu tiên hơn bất cứ gì khác. Những người làm công tác mục vụ và toàn thể cộng đoàn có thể giúp làm cho mối ưu tiên này trở thành một tiêu chuẩn thay vì một ngoại lệ.


Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   ...   17




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương