Nội dung số này



tải về 1.29 Mb.
trang1/12
Chuyển đổi dữ liệu19.08.2016
Kích1.29 Mb.
#24073
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   12

PHƯƠNG TRỜI CAO RỘNG




TẠP CHÍ VĂN HỌC PHẬT GIÁO ● SỐ 17 - THÁNG 10 NĂM 2007




Nội dung số này:


ĐÊM HUYỀN THOẠI | 2 –Thư người chủ trương, Vĩnh Hảo ● TIỄN BIỆT | 3 – thơ Không Quán ● BÁT CHÁNH ĐẠO, LỐI SỐNG MANG LẠI HẠNH PHÚC | 4 – Thích Hạnh Bình ● NGỤC TỐI, GIAO HƯỞNG BÓNG TỐI… | 18 – thơ Tuệ Sỹ ● TÂM THƯ của HỘI THÂN HỮU GIÀ LAM | 19 – Thích Nguyên Siêu ● BẢY MƯƠI NHỊP NHÂN SINH | 23 – Vũ Hán ● VẦNG TRĂNG LẠNH, TÌNH YÊU BẤT DIỆT | 24 – thơ Pháp Nguyện ● NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA CHIẾC ÁO CA-SA | 25 – Hoàng Phong ● TUYỆT CÚ – BÀI THƠ ĐẮC Ý | 32 – thơ Giả Đảo, Ái Cầm dịch ● MA KHÔNG CHỒNG | 33 – Võ Doãn Nhẫn ● TRONG NỖI NHỚ, NẮNG CHIỀU | 38 – thơ Lam Nguyên ● THỂ HIỆN TÌNH NGƯỜI | 39 – Thanh Trí Cao ● PHÙ THẾ, CHO EM HOÀN XANH BÓNG MƯỢT | 41 – thơ Hồng Khắc Kim Mai ● ĐỌC THƠ VŨ HOÀNG CHƯƠNG | 42 – Vĩnh Hảo ● BAN MAI KHÁC, TIẾNG NHẠC, XEM TRANH, NHỮNG GIẤC MƠ ĐI, BÓNG SÁNG, TÌM THẤY TÔI KHÔNG | 46 – thơ Nguyễn Thị Khánh Minh ● THƯỢNG TỌA TUỆ SỸ NHẮC NHỚ: NHỮNG NGÀY VẠN GIẢ | 47 – Nguyễn Đạt LÀM THƠ | 48 – thơ Mỹ Huyền ● KHÔNG CÓ GÌ LÀ RÁC | 49 – xã luận Diệu Trân ● THIÊN THẦN GÃY CÁNH | 51 – truyện ngắn Chiêu Hoàng ● CHỐN BÌNH AN, BỤI HỒNG | 52 – thơ T.K. Thiện Hữu & Lý Thừa Nghiệp ● GIỚI THIỆU THI TẬP ‘LUNG LINH HOA TẠNG’ CỦA T.K. THIỆN HỮU & LÝ THỪA NGHIỆP | 53 – Vĩnh Hảo ● TIẾNG NÓI TỰ TÌNH MÙA THU | 54 – tùy bút Cư sĩ Liên Hoa ● HẠT BỒ ĐỀ TÌM TRONG LÁ DÂU XANH | 55 – thơ Tâm Thường Định ● MÂY NON ÔM MẢNH TRĂNG THU | 55 – thơ Cư sĩ Liên Hoa ● QUÊ NHÀ THẬT XA | 56 – xã luận Trần Khải ● ĐIỆN PHẬT TRẦM MÔNG LUNG | 58 – đoản văn Uyên Nguyên ● TƯƠNG QUAN HAY CHẲNG LÀ GÌ | 59 – tùy bút Toại Khanh ● MƯA PHỔ ĐỘ, HƯƠNG CỔ ĐIỂN, THÁNG MƯỜI, Ý THU, MƯA | 60 – thơ Vũ Tiến Lập ● NHÂN CHỨNG | 61 – truyện ngắn Ngô Nguyên Dũng ● NÉT ĐƠN SƠ | 67 – thơ Đan Hà ● SẼ RA SAO NGÀY MAI? QUE SERA SERA… | 68 – tùy bút Mỹ Đức Phạm Kim Dung ● TRỞ VỀ, NGÀY HOANG VU, PHÔI PHA, CÒN GÌ CHO EM | 71 – thơ Thảo Nguyên ● Ý TỔ SƯ TRÊN ĐẦU NGỌN CỎ | 72 – tùy bút Chân Hiền Tâm ● PHỤ TRANG ĐẶC BIỆT: NGÀY VỀ NGUỒN | 76 – Tăng Ni Việt Nam Hải Ngoại ● ĐẾN VỚI NGÀY VỀ NGUỒN | 85 – tường thuật của Diệu Trang ● TU BỤI | 89 – truyện dài Trần Kiêm Đoàn ● TIN TỨC PHẬT GIÁO KHẮP NƠI | 95



Hình bìa: THÍCH THIỆN LONG



Chủ nhiệm / Chủ bút: VĨNH HẢO



Địa chỉ liên lạc: P.O. Box 374 - Midway City, CA 92655 – USA

Telephone: (714) 623-4285

E-mail: vinhhao@vinhhao.net hoặc phuongtroicaorong@vinhhao.net ● Website: www.vinhhao.net


Bài đăng trên Phương Trời Cao Rộng do văn thi hữu gửi đến bằng e-mail với attachments, đĩa (CD), hoặc viết tay trên một mặt giấy. Bài không đăng không gửi lại bản thảo. Tòa soạn nhuận sắc nếu cần. Bài có nhuận bút xin ghi rõ “yêu cầu nhuận bút.”

Phương Trời Cao Rộng là nơi tập đại thành những bài viết của Tăng Ni và văn thi sĩ Phật giáo khắp nơi, nhiều khuynh hướng, nhiều giáo hội, tông phái, do đó không nhất thiết phản ảnh quan điểm và chủ trương của tạp chí.

ĐÊM HUYỀN THOẠI
(THƯ SỐ 17 của NGƯỜI CHỦ TRƯƠNG)
Vĩnh Hảo


Chiều qua có gió lạnh và mây đen vần vũ báo hiệu sẽ có mưa buổi đầu thu.

Nửa đêm mưa bắt đầu rơi. Cơn mưa thật nhẹ nhưng kéo dài.

Nằm nghe mưa rơi trên lá phong trước sân, lòng chợt buồn.

Giấc ngủ ngắn, nhè nhẹ lướt qua đêm u tịch. Tỉnh giấc cũng nhè nhẹ, vì ngủ với thức không khác nhau chi mấy. Nhưng mộng thì thật dài.

Giấc mộng dài cùng trôi với cơn mưa nhẹ, đánh thức mình chong mắt giữa đêm sâu.

Nằm nghe mưa rơi trên đọt lá.

Có những giọt thì thầm như tiếng tình tôi.
Tình yêu ơi, tình bao nhiêu tuổi mà đi một đời chưa thấy cạn vơi?

Tình đưa tôi đi hay tôi đưa tình đi?

Đi qua những êm đềm và biến động của quê hương.

Đi qua một thời cặp sách ê a, bắn bi, tạt lon, trốn học xem phim và ngồi lặng trước biển.

Đi qua một thời bừng bừng nhiệt huyết, dấn mình vào nơi hiểm nạn, một thân nhỏ bé không ngại gánh sức nặng không cùng của khổ lụy nhân gian.

Đi qua những trại giam, những nhục hình, cảm nghe nỗi buồn quê hương đau rát trên da thịt và buốt thốn ở tận tâm can.

Đi qua những máu và nước mắt, khô theo nắng cháy hay trôi theo những cơn mưa lạnh nơi hiện trường khổ sai.

Đi qua những đêm mịt mờ ngủ vờ ngủ vật trong xà lim với những giấc mơ chỉ thấy trời cao biển rộng…


Tình yêu, ơi tình yêu!

Tình đưa tôi đi hay tôi đưa tình đi mà đường xa không thấy đâu là bến cùng, để rồi…

Đi qua những lãng mạn, mộng mơ, đam mê và khát vọng vô bờ của một cuồng tử quên ngày quên tháng.

Đi qua dáng ai mắt biếc, môi hồng, giọng nói và nụ cười ẩn hiện những tình sử thiên thu hay thoáng chốc.

Đi qua dáng ai tóc huyền dài ngắn, trải mộng sầu trên duyên kiếp mơ hồ mây khói tan bay.

Tình ơi, là tình! Chỉ từ một trái tim bé nhỏ này mà sao lại vẽ vời bao nhiêu là mộng ước, lý tưởng, hoài vọng, gần gũi hay cao xa…


Đêm nay, thức hay ngủ, thật mơ hồ.

Tiếng mưa hay tiếng tình rơi mà kéo theo chập chùng những ấn tượng, hư ảnh, ảo ảnh, trộn lẫn nhau, hoán chuyển nhau, ẩn ẩn hiện hiện…

Màu sắc vang lên thanh âm.

Thanh âm đọng thành màu sắc.

Ác quỷ mặc áo ca-sa lim dim lần chuỗi hạt.

Bồ-tát mặc áo thường dân, lặng lẽ đi vào hẻm tối.

Ngôn ngữ trần gian không còn tin được. Những mỹ từ trở thành áo khoác cho những gì xấu xa bẩn thỉu nhất. Tự do, dân chủ trở thành vũ khí tối hảo cho những kẻ độc tài, thiên kiến, là bẫy sập của nô lệ và tù hãm, bất công.

Thế giới đảo điên. Lòng người tráo trở khôn lường. Tấm lòng đơn sơ như cỏ mọc trên núi làm sao hiểu được những trí trá, ngoa ngôn!

Ai kia như đoàn lữ hành băng qua những đồng trống, sình lầy, sa mạc?

Tìm về đâu, đi về đâu hỡi những kẻ lên đường thầm lặng?

Đây nhà cửa, đây xóm làng, sao không trú ngụ mà tìm đường ra biển?

Có gì cuốn hút nơi biển lớn mà phải rời bỏ sông rạch hồ ao?

Có gì u trệ nơi sông rạch hồ ao mà phải tìm ra biển lớn?

Bầy chó tiếp tục tranh giành những mẩu xương nhỏ và giẻ rách trong căn nhà mà chúng đã phá hoại đến tàn xiêu dơ bẩn; hung hăng sủa rân những kẻ lên đường.

Sài lang, hổ báo cũng cao giọng phụ họa tru tréo gầm thét, xua đuổi những người ra khơi.

Cảnh sát mừng vui, hí hoáy lập biên bản vượt biển vượt biên. Hí hửng gạch tên, xóa sổ. Nhà này, hộ này sẽ bị tịch biên, không còn danh tánh những ai lên đường, dù ra biển lớn, vào rừng sâu hay lên chóp núi cao.

Ôi là tội nghiệp, một đời quẩn quanh những góc xó, hài lòng với những thành tựu và sở hữu bé nhỏ thảm thương, biết bao giờ mới chạm đến được hoài bão cao rộng của những kẻ đi xa.

Đại bàng tung cánh, vỗ nghiêng phương trời ảm đạm. Nỗi thinh lặng từ nơi cao thẳm hư không, có thể làm dậy những cơn sóng biển đông.

Chim quạ tan tác, hốt hoảng tìm chỗ ẩn thân. Tiếng kêu quang quác làm rộn ràng cù lao nhỏ trong một lúc, rồi trả về cho thinh lặng.

Bởi vì thinh lặng là cội nguồn, là chỗ khởi sinh, và cũng là chỗ trở về của mọi âm thanh.

Khi kẻ lữ hành im lặng ra đi thật xa, bầy chó dữ sẽ yên tâm khép mõm.

Âm thanh thịnh nộ là vũ khí của kẻ yếu trong khi im lặng là sức mạnh của bậc đại hùng.

Âm thanh lớn có thể lấn át tiêu diệt âm thanh nhỏ.

Nhưng không âm thanh nào có thể lấn át tiêu diệt sự im lặng.


Mùa xuân, mùa hạ, hoa bướm vườn ai nở rộ những sắc vàng sắc cam rực rỡ.

Mùa thu, mùa đông, nhụy hoa khô được trân trọng ép giữ để dành cho chu kỳ mới.

Những gì cao rộng chẳng qua cũng được triển khai từ hạt mầm bé xíu. Nhưng hạt mầm bé xíu không thể mở ra vườn hoa sặc sỡ khi tâm lượng co rút khép lại trong những cái vỏ cằn khô, chai cứng.

Tình yêu, tôi nhìn thấy trong những hạt mầm thật nhỏ từ em. Cũng có trong vết nứt của kẽ đá phủ rong và trên những phiến lá phong vàng rụng theo mưa thu. Tôi biết chúng được thai nghén nuôi dưỡng để ngày nào đó, trải rộng trên đồng hoa thắm sắc, hay phóng lộng âm hưởng cho một hướng trời mênh mông.

Những hạt mầm tình yêu, có thể sinh từ mùa này, khai nở ở mùa kia; hái từ đất này, gieo ở đất kia.

Không có đâu là nơi chốn hay thời gian vĩnh viễn.

Chỉ có những tấm chân tình. Trải rộng như mưa rơi.

Trải đến chỗ không tận cùng.


Đêm huyền thoại nhẹ trôi theo tiếng mưa rơi.

Nỗi đau và niềm hạnh phúc hơn nửa đời người có thể trải ra trong đêm ấy.

Có em và tôi, có sự tương ngộ và cách chia, có tình yêu và lý tưởng.

Bên ngoài mưa tạnh dần khi trăng lặn qua hồ thu tịnh. Nửa vầng trăng trên trời và nửa vầng trăng đáy nước, chẳng biết đâu là thực.

Sớm mai thức dậy, đất trời thật tinh khôi sau đêm mưa thu rả rích. Lá vàng ngập đầy lối đi, và sầu tôi hãy còn vương vất.

Nhưng khi mặt trời rực rỡ vụt khỏi mây đen, đêm huyền thoại cũng chợt tan theo sương sớm.


Phổ Đà Sơn Tự, Ottawa, Canada, 23 tháng 10, 2007.

KHÔNG QUÁN



Tiễn biệt



Chiều hôm nay,
Trời cao xanh trong lắm.
Nhưng sao nghe,
Trầm uất ở trong lòng.
Mắt đăm đăm,
Nhìn về phía xa xăm.
Chuyện thế sự,
Ta bà như mây nổi.

Tỉnh - Say, Say - Tỉnh,


Trở trăn, duyên mấy nỗi.
Thực - Hư, Hư - Thực,
Tình mơ, vẫn đơn côi.

Nhật dạ …,


Nhớ thương, tình một cõi
Khứ lai …,
Buồn riêng, chỉ mình thôi.

Thuyền sang ngang lỗi hẹn


Đời say chén ly bôi.
Hát lên câu tiễn biệt,
Đưa người vượt sóng Tần*.

Lòng nhủ thầm,


Đời, thôi chi nhỏ lệ
Tình, vương vấn mây trôi,
Mây bay đi…
Có khi nào trở lại…

Tình cho rồi…


Cố mấy cũng chia phôi.




__________________________
* Ngày xưa dũng sĩ Kinh Kha vượt sóng giòng sông Dịch qua đất Tần thích khách bạo chúa Tần Thủy Hoàng. Cao Tiệm Ly thổi sáo tiễn đưa người bạn dũng sĩ một đi thề không quay trở lại. Ôi, ngày nay tiễn bạn đi vượt sóng giòng sông Sinh Tử, đi thích khách bạo chúa Thường Tự Ngã, cuộc hành trình vượt sóng này có thập phần sóng gió hiểm nguy hơn chăng?




BÁT CHÁNH ĐẠO

Lối sống mang lại hạnh phúc
Thích Hạnh Bình


Khái niệm: ‘không nên chấp trước’, ‘không phân biệt’, ‘bình đẳng’, ‘không’, ‘giả’… là những khái niệm thường được dùng trong Phật giáo Đại thừa, ngay cả trong hệ thống giáo lý Phật giáo Nguyên thủy, và nhất là sau khi Phật giáo truyền đến Trung Quốc kết hợp với tư tưởng Lão Trang lại mang một ý nghĩa khác nhau. Một cách nghiêm túc mà nói, những khái niệm này, đều mang ý nghĩa khác nhau, rất đặc thù, và lẽ tất nhiên chúng đều có giá trị khác nhau ở mỗi giai đoạn lịch sử, chúng ta có thể mượn thành ngữ ‘Bình cũ đựng rượu mới’, để mô tả về ý nghĩa này. Do vậy, chúng ta cần cẩn thận khi sử dụng nó để giải thích hay giải quyết những vấn đề trong cuộc sống hiện tại, nếu chúng ta không nắm được ý nghĩa căn bản của đức Phật, cách vận dụng khác nhau qua các thời đại thì vấn đề trở nên nguy hiểm. Giống như mục đích chung của thuốc là để trị bịnh, nhưng không đồng nghĩa, hễ bịnh là uống bất kỳ thuốc gì. Cách làm như vậy, bịnh cũ không lành, lại thêm bịnh mới. Dù ý nghĩa nào đi nữa, Phật giáo đề cập quan điểm không chấp trước, nó không đồng nghĩa đất đá với thức ăn là một; Phật giáo đề cập khái niệm ‘không phân biệt’, nó không đồng nghĩa Phật giáo chủ trương loạn luân, mẹ là vợ, cha là chồng, thiện với ác giống nhau được; Phật giáo chủ trương ‘bình đẳng’, điều đó không đồng nghĩa tính trên đầu người chia đều lợi nhuận, mức lương giữa người chuyên gia và người lao động cơ bắp giống nhau; Phật giáo nói đến ‘không’ nói đến ‘giả’, điều đó không đồng nghĩa Phật giáo khuyên mọi người không bảo vệ sự sống, bảo vệ gia đình và đất nước. Nếu chúng ta không làm rõ được ý nghĩa chân chính của đức Từ Phụ, điều đó vô tình chúng ta lại làm ‘sư tử trùng’ để khoét đục ‘sư tử nhục’, chúng ta lại chính là người hủy báng Phật pháp, làm cho ý nghĩa Phật pháp càng ngày càng lu mờ, xa rời thực tế. Nội dung bài viết này không nhằm mục đích giải thích một số khái niệm vừa đề cập của hệ tư tưởng Phật giáo Đại thừa, cũng như triết học Lão Trang, chỉ trình bày một lối sống đưa đến an vui hạnh phúc theo nhà Phật. Đó là giáo lý ‘ Bát Chánh Đạo’.

Thật ra mục đích chung của con người là truy tìm hạnh phúc. Hạnh phúc đó được định nghĩa như thế nào đều tùy thuộc vào thói quen và sự hiểu biết của riêng mỗi cá nhân. Đó là lý do tại sao lại có sự khác biệt giữa quan điểm của từng người, từng nhóm trong xã hội, sự khác biệt này được biểu hiện qua phong cách sống, suy tư, tình cảm, quan điểm chính trị, niềm tin. Suy cho cùng, mục đích của việc lập gia đình là cách đi tìm hạnh phúc; đi làm kiếm tiền cũng là cách tìm hạnh phúc; em bé mua đồ chơi cũng là cách đi tìm hạnh phúc; đi chùa lễ Phật cũng là cách đi tìm hạnh phúc; thậm chí đảng phái, chiến tranh cũng là cách truy tìm hạnh phúc cho nhóm người, cho tổ quốc của mình… Tất nhiên, mỗi lối sống, mỗi quan điểm đều có ý nghĩa và hạnh phúc riêng của nó, thậm chí người ăn xin hay kẻ ăn trộm cũng có lý lẽ và hạnh phúc riêng của họ, sự khác biệt giữa lối sống này và lối sống khác chẳng qua đó là sự khác nhau về đạo đức, ít hay nhiều, ngắn hạn hay dài lâu mà thôi. Nguyên nhân của sự dị biệt được đó, được quyết định từ sự khác nhau về mặt nhận thức. Nếu sự nhận thức đúng thì nó cho chúng ta kết quả hạnh phúc hợp lý lâu dài; nếu như nhận thức đó bắt nguồn từ sự hiểu biết sai lầm, lẽ tất nhiên kết quả mang lại là một hạnh phúc phi nghĩa, ngắn ngủi.

Giáo lý nhà Phật nói chung có mục đích hướng dẫn mọi người có đời sống hạnh phúc, riêng về giáo lý ‘Bát chánh đạo’ được đức Phật trình bày cũng không ngoài ý nghĩa này, nhưng ở đây chúng ta cần chú ý điểm này, khuynh hướng giáo dục của nhà Phật đều có chung mục đích là giác ngộ và giải thoát. Giác ngộ là nói đến vai trò trí tuệ, tính chất hiểu biết; giải thoát là đề cập trạng thái không phiền não, an lạc, hạnh phúc. Đây là điểm đặc thù trong hệ thống giáo lý nhà Phật, cụ thể là giáo lý ‘Bát chánh đạo’. Nếu như chúng ta đồng ý rằng, do ngu si mà sinh phiền não, thì nội dung giáo lý Bát chánh đạo sẽ trình bày và giới thiệu một lối sống mang lại hạnh phúc.

Con người là một trong những sinh vật, nhưng sự khác biệt giữa con người với những loài sinh vật khác chính là sự hiểu biết, biết phân biệt giữa đúng và sai, giữa thiện và ác, nhờ vậy mà con người có đời sống cao hơn những loài vật khác. Giáo lý ‘Bát Chánh Đạo’ là giáo lý nói về ‘con đường chánh’ (right), từ chánh kiến cho đến chánh định, là giáo lý nói cho đối tượng là con người, dĩ nhiên là người bình thường có sự hiểu biết, không phải là người mất trí hay kẻ xem thường vai trò trí tuệ. Những ai muốn hiểu được giá trị của giáo lý này, điều cơ bản là lấy sự hiểu biết, tức tính năng của con người để tìm hiểu về giáo lý của Ngài.

Bát chánh đạo (Arya-stavgika-marga) là một trong ‘37 phẩm trợ đạo’1, là pháp môn tu tập căn bản của Phật giáo Nguyên thủy, bất cứ một vị xuất gia nào cũng phải hiểu rõ giáo lý này, nó là kim chỉ nam, là phương pháp tu tập cho người xuất gia, hay nói đúng hơn cho những ai muốn có được loại hạnh phúc ly dục, ly pháp bất thiện này. Giáo lý ‘Bát chánh đạo’, vốn tiếng Pali là Ariya a ha gika magga, Phạn văn là: Arya-stavgika-marga, Hoa dịch là ‘Bát chi thánh đạo’, ‘Bát thánh đạo phần’, vì Ariya (P) ‘Arya’ (S) có nghĩa là ‘thánh’ không phải là ‘chánh’; ahagika (P) hay stavgika (S) có nghĩa là chi, chi phần; và magga (P) hay marga (S) là đường, con đường. Nhưng chúng ta gọi giáo lý này là ‘Bát chánh đạo’ cũng không sai, vì nội dung được trình bày trong giáo lý này nhấn mạnh điểm chánh (samma), không phải Thánh (Ariya). Như vậy, từ này mang ý nghĩa là con đường dẫn đến bậc Thánh, hay con đường đi đến thánh thiện. Thế nhưng nội dung chính của giáo lý này chính là phương pháp để trở thành bậc Thánh, không phải mô tả trạng thái của bậc Thánh. Phương pháp được đề cập trong giáo lý này chính là samma (P) hay samyag, có nghĩa là ‘chánh’, nó đi theo với 8 chi nhánh là: Kiến (P. ditthati, S. drstih), tư duy (P. sankappa, S. samkalpah), ngữ (P. vaca, S. vak), nghiệp (P. kammanta, S. karmantah), mạng (P. Ajiva, S. ajivah), tinh tấn (P. vayama, S. vyayamah), niệm (P. sati, S. smrtih), định (P. sammdhiti, S. samadhih) cho nên được gọi là: 1. Chánh kiến, 2. Chánh tư duy, 3. Chánh ngữ, 4. Chánh nghiệp, 5. Chánh Mạng, 6. Chánh tinh tấn, 7. Chánh niệm, 8. Chánh định.

Trước khi tìm hiểu ý nghĩa 8 chi nhánh này, cần làm rõ ý nghĩa chữ chánh (P. samma, S. samyag) theo nhà Phật định nghĩa như thế nào. Thế nào gọi là chánh? Chánh là phản nghĩa của tà. Thông thường chúng ta định nghĩa: Giáo lý nhà Phật là chánh, cho nên gọi là chánh pháp, còn giáo lý của ngoại đạo là tà, cho nên gọi là ‘ngoại đạo tà giáo’. Thử hỏi cách định nghĩa như thế có khách quan chăng? Nếu có người hỏi, chúng ta dựa vào tiêu chuẩn nào cho cho Phật giáo là chánh còn ngoại đạo là tà ? Hay nếu như giáo lý nhà Phật là chánh thì tại sao trong nhà Phật có khá nhiều hiện tượng mê tín dị đoan, vả lại trong nhà Phật tự lại có nhiều quan điểm tư tưởng khác nhau, như vậy quan điểm nào trong đó là chánh? Để người khác chấp nhận định nghĩa này, thật sự không đơn giản tí nào, đôi khi cách giải thích tùy tiện và chủ quan của mình người nghe không chấp nhận, mình bèn cho là ‘tà kiến’.

Theo tôi, khái niệm chánh mà nhà Phật thường đề cập được nhìn dưới hai góc độ. Thứ nhất, xem giáo lý nhà Phật như là chánh pháp. Khi chúng ta gọi giáo lý nhà Phật là chánh pháp thì chúng ta phải nói đến giáo lý: Duyên khởi, vô thường và vô ngã. Duyên khởi và vô thường là qui luật tự nhiên hay bản chất của các pháp. Giáo lý ‘vô ngã’ là thái độ nhận thức của con người đối với thế giới tự nhiên.

Không một pháp nào lại không do nhân duyên kết hợp mà thành, cái gì do nhân duyên kết hợp mà thành, cái ấy không có tự tánh, không thể tồn tại độc lập. Như vậy, bản chất của các pháp là ‘vô thường’; cái gì vô thường chuyển biến, cái ấy con người cũng không làm chủ được nó, cho nên gọi là ‘vô ngã. Như vậy, duyên khởi vô thường và vô ngã là bản chất của cuộc sống, bất cứ ai dù là người của tôn giáo nào, đảng phái nào cũng phải tuân theo qui luật này, cũng phải nhận thức như vậy, không thể làm khác. Như vậy, 3 giáo lý này là chân lý, là hệ thống giáo lý cơ bản của nhà Phật, cho nên nó được gọi là ‘chánh pháp’ (samma-dhamma), 37 phẩm trợ đạo và các giáo lý khác cũng dựa vào đây lập thành.

Thế nhưng căn cơ trình độ của chúng sinh kẻ thấp người cao, cho nên đức Phật căn cứ vào đạo lý này, tùy theo căn cơ khác nhau mà hình thành giáo pháp khác nhau, đó là lý do tại sao trong nhà Phật có nhiều kinh điển, nhiều tông phái khác nhau. Sự khác nhau đó chỉ là sự khác nhau về hình thức, nhưng nội dung tư tưởng của nó tìm thấy trong bất cứ kinh điển nào, dù là Tiểu thừa hay Đại thừa, đều chứa đựng ý nghĩa giáo lý duyên khởi, vô thường và vô ngã. Kinh điển nào không mang ý nghĩa này, nó không phải là giáo lý nhà Phật. Thế thì, những hình thức giáo dục khác nhau; pháp môn tu tập khác nhau; đôi khi nó không là chân lý, không thể gọi là chánh pháp. Vì nó chỉ có giá trị với người này nhưng không có giá trị với người kia. Như vậy, khi chúng ta gọi giáo lý nhà Phật là chánh pháp điều đó muốn ám chỉ giáo lý duyên khởi, vô thường và vô ngã. Ý nghĩa này, đúng về mặt chân lý, cho nên gọi là chánh pháp.

Thứ hai, ngoài ý nghĩa này, trong Phật giáo định nghĩa chữ ‘chánh’ mang ý nghĩa phù hợp với thực tế. Có nghĩa là những gì con người suy tư, nó chính là đạo lý của đối tượng mà con người suy tư, ý thức và thực tế phù hợp nhau, khớp nhau gọi là chánh. Ý nghĩa này được đức Phật mô tả bằng từ: ‘yoniso manasikara’ được HT. Minh Châu dịch là ‘Như lý tác ý’. Có nghĩa là đạo lý của sự vật như thế nào thì chúng ta suy nghĩ như thế ấy, không được suy nghĩ khác đi, hoặc không được lấy đạo lý của cái khác mà suy nghĩ về nó. Cách suy nghĩ không phù hợp đó, trong “Kinh Kim Cang” gọi là ‘điên đảo mộng tưởng’ hoặc là ‘không như lý tác ý’ (ayoniso manasikara). Ví dụ khi khát nước, muốn giải quyết sự khác nước này, cần phải nghĩ đến những gì liên quan đến nước. Cách nghĩ như thế là ‘như lý tác ý’, nghĩ khác đi gọi là ‘không như lý tác ý’. Như vậy, ý nghĩa từ ‘như lý tác ý’, nó mang ý nghĩa, giữa cách suy tư của chúng ta phù hợp với đạo lý của đối tượng mà chúng ta muốn suy nghĩ, cho nên gọi là ‘chánh’. Khái niệm chánh này là sự liên hệ trực tiếp giữa chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức, nó không liên quan gì những ý nghĩa khác.Ví dụ vị xuất gia hay Phật tử nào đó bị bịnh cảm, liền nghĩ đến việc đi khám bệnh và mua thuốc cảm về uống, kết quả hết bịnh. Đây là cách giải quyết hợp lý, vì cách suy nghĩ đó phù hợp với thực tế, cho nên cách giải quyết này gọi là ‘chánh’, mặc dù nó không liên quan gì đến giáo lý duyên khởi, vô thường hay vô ngã. Nhưng nếu như có người bị uống nhầm độc dược, không chịu đi bịnh viện, tìm bác sĩ chuyên khoa trị liệu, lại cho rằng, nên ngồi thiền hay niệm Phật để giải độc dược, kết quả độc dược phát tán đi đến tử vong. Nguyên nhân của cái chết này là cách giải quyết không hợp lý, cho nên phương pháp ấy được gọi là tà hay tà kiến, dù đó là niệm Phật hay ngồi thiền.

Như vậy khái niệm chánh (samma) trong đạo Phật định nghĩa có hai ý nghĩa. Thứ nhất mang ý nghĩa là chân lý của cuộc sống, mang tính chất là nguyên lý, như giáo lý duyên khởi, vô thường; thứ hai, khái niệm chánh mang ý nghĩa: ‘như lý tác ý’, tức đạo lý của sự vật như thế nào nghĩ như thế ấy. Đây là ý nghĩa chữ ‘chánh’ trong giáo lý nhà Phật. Bây giờ, chúng ta thử tìm hiểu ý nghĩa về 8 chi phần trong giáo lý ‘Bát chánh đạo’.


  1. Chánh kiến

Chi thứ nhất trong Bát chánh đạo là chánh kiến, tiếng Pali là samma-ditthi. Samma có nghĩa là chánh; ditthi có nghĩa là sở kiến, kiến giải, ý kiến, quan điểm. Từ định nghĩa này, cho thấy khái niệm ‘kiến’ ở đây không phải là sự thấy đơn thuần như mắt nhìn thấy các sắc tướng, mà là một sự nhận thức hoàn chỉnh, có thể gọi là một quan điểm sống. Quan điểm này được đi cùng với khái niệm chánh (samma), cho nên nó được gọi là quan điểm sống hợp lý hay sống đúng. Ví như là con người lấy chức năng hiểu biết để phán đoán và quyết định mọi sự xảy ra chung quanh mình. Người có quan điểm như thế là người có quan điểm sống hợp lý hay đúng, từ trong Bát chánh đạo gọi là ‘chánh kiến’.

Ngoài ý nghĩa vừa đề cập, theo tôi, nếu như Bát chánh đạo được hiểu như là một quá trình tiếp thu nhận thức và biểu lội thái độ của mình đối với thế giới ngoại tại, thì khái niệm chánh kiến (samma-ditthi) này còn mang ý nghĩa, là những tư liệu trung thực được tiếp thu từ thế giới ngoại tại là sắc, thinh, hương, vị, xúc, ngang qua các căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, và thân, để làm đối tượng cho ý thức nhận thức hay làm cơ sở cho ý thức tư duy đúng cho nên gọi là ‘chánh tư duy’, là chi thứ 2 trong Bát chánh đạo. Sự tiếp thu này mang tính trung thực không phải là ngụy tạo, ảo giác, cho nên nó được gọi là chánh kiến. Trong quá trình nhận thức của con người đối với sự vật, tư liệu là phần rất quan trọng, mang tính quyết định cho sự nhận thức đúng hay sai, cho nên tiến trình nhận thức ‘chánh kiến’ được xếp vào chi đầu tiên trong 8 chi. Đây chính là lý do tại sao trong ‘Đại Kinh Bốn Mươi’ đức Phật giải thích:

Ở đây, này các Tỷ-kheo, chánh kiến đi hàng đầu. Và như thế nào là chánh kiến đi hàng đầu? Tuệ tri tà kiến là tà kiến, tuệ tri chánh kiến là chánh kiến… Tuệ tri tà tư duy là tà tư duy, tuệ tri chánh tư duy là chánh tư duy, như vậy là chánh kiến của các vị ấy…Tuệ tri tà ngữ là tà ngữ, tuệ tri chánh ngữ là chánh ngữ; như vậy là chánh kiến của vị ấy... Biết được tà nghiệp là tà nghiệp, biết được chánh nghiệp là chánh nghiệp; …Tuệ tri được tà mạng là tà mạng, tuệ tri được chánh mạng là chánh mạng;….Tuệ tri được tà tinh tấn là tà tinh tấn, tuệ tri được chánh tinh tấn là chánh tinh tấn;…. Tuệ tri được tà niệm là tà niệm, tuệ tri được chánh niệm là chánh niệm; …Tuệ tri tà định là tà định, tuệ tri được chánh định là chánh định...” 2

Qua nội dung đoạn kinh vừa trích dẫn, nó gợi ý cho chúng ta hiểu rõ vai trò của chánh kiến trong tiến trình truy tìm hạnh phúc. Chánh kiến có trách nhiệm phân biệt quan sát và kiểm soát các mặt hoạt động của thân và tâm như là: 2. Tư duy, 3. lời nói, 4. việc làm (nghiệp), 5. mạng sống, 6. sự nỗ lực (tinh tấn), 7. niệm và 8. định. Ba chi cuối cùng là tinh tấn, niệm và định là sự quyết tâm tu tập. Tuy rằng, tu tập là ý thức muốn sửa sai, nhưng ý thức đó bắt nguồn từ đâu, nếu như nó bắt nguồn từ vô minh thì sự tu tập đó trở thành vô dụng, không có lợi ích gì cho bản thân, không thành đạt mục đích giác ngộ giải thoát, cho nên chánh kiến có vai trò kiểm soát lại sự nỗ lực tu tập đó có chơn chánh hay không. Nếu như sự tu tập đó được xây dựng từ chánh kiến, chánh tư duy, thì ắt hẳn chúng ta sẽ có lời nói chân chánh không nói lời giả dối, không chân thật; việc làm chân chánh không thể là những việc làm thất đức sa đọa; có mạng sống thanh cao không hèn hạ luồn cúi; sự cố gắng hợp lý không phải là phi lý; từng niệm từng niệm hợp pháp không phi pháp và có thiền định phù hợp chánh pháp không phải phi pháp, như vậy cuộc sống của người ấy sẽ được hạnh phúc. Ngược lại, nếu như không có chánh kiến mà là tà kiến, sẽ dẫn đến tà tư duy… tất nhiên sẽ phải gặt lấy phiền não khổ đau. Sự khổ đau hay hạnh phúc đó chính con người là chủ nhân quyết định không ai xa lạ. Đó chính là lý do tại sao trong kinh này, đức Phật lấy chánh kiến làm chi cơ bản để hướng dẫn cho các chi khác.

Từ nguyên lý này, chúng ta có thể xem nó như là thước đo hay tấm gương để mọi người kiểm tra lại những việc làm vừa qua của mình, ngay cả việc mà chúng ta gọi là tu tập, được học hỏi từ vị thầy này hay sư kia. Dù là ai đi nữa, nếu phương pháp tu tập đó bắt nguồn từ chánh kiến, thì phương pháp ấy là phương pháp tu tập trong nhà Phật, chắc chắc nó sẽ dẫn chúng ta đến an lạc hạnh phúc; ngược lại nếu như phương pháp tu tập đó bắt nguồn từ tà kiến, phương pháp ấy không phải của đức Phật, nó không dẫn chúng ta đến giác ngộ giải thoát mà dẫn chúng ta đến cõi địa ngục là cảnh phiền não khổ đau. Đó là ý nghĩa và vai trò chánh kiến trong tiến trình hướng dẫn chúng ta đến cuộc sống an lạc và hạnh phúc.



  1. tải về 1.29 Mb.

    Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   12




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương