NHỮng đIỂm mới của bộ luật hình sự 2015



tải về 274.98 Kb.
trang1/3
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích274.98 Kb.
#16905
  1   2   3
NHỮNG ĐIỂM  MỚI CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ 2015

 


 




 

 
 I. GIỚI THIỆU SƠ BỘ VỀ BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015
1. Sự cần thiết phải ban hành Bộ luật hình sự năm 2015

Bộ luật hình sự (BLHS) hiện hành được Quốc hội khóa X thông qua ngày 21/12/1999 trên cơ sở kế thừa truyền thống của pháp luật hình sự Việt Nam, phát huy thành tựu của BLHS năm 1985 (đã được sửa đổi, bổ sung vào các năm 1989, 1991, 1992 và 1997).

Sau hơn 14 năm thi hành, BLHS năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) đã có những tác động tích cực đối với công tác phòng, chống tội phạm, bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân.

Tuy nhiên, kể từ sau khi BLHS năm 1999 được ban hành, tình hình đất nước ta đã có những thay đổi lớn về mọi mặt. Việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN mà nội dung cơ bản là ghi nhận và bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền cơ bản của công dân; chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật, chiến lược cải cách tư pháp và chủ động hội nhập quốc tế của Việt Nam đã mang lại những chuyển biến lớn, tích cực về kinh tế - xã hội và đối ngoại của đất nước. Bên cạnh đó, tình hình tội phạm nhìn chung vẫn diễn biến hết sức phức tạp với những phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Số lượng tội phạm luôn có xu hướng gia tăng, nghiêm trọng hơn cả về quy mô và tính chất, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, môi trường. Điều này đã làm cho BLHS hiện hành trở nên bất cập không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Mặc dù, năm 2009, Quốc hội khoá XII đã sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS, nhưng do phạm vi sửa đổi chỉ giới hạn trong một số điều, nên chưa thể khắc phục được đầy đủ, toàn diện những bất cập của BLHS trong thực tiễn.

Ngoài ra, BLHS hiện hành cũng còn nhiều bất cập về mặt kỹ thuật lập pháp liên quan đến sự thống nhất giữa Phần chung và Phần các tội phạm; các dấu hiệu định tội, định khung của nhiều tội danh; các tội ghép; cách thiết kế khung hình phạt cũng như khoảng cách khung hình phạt của một số tội danh; chưa có sự nhất quán trong cách phân chia các chương tội phạm... Những bất cập này cũng ảnh hưởng lớn đến việc hướng dẫn thi hành và áp dụng các quy định của BLHS trên thực tế.

Theo Bộ Tư pháp, những hạn chế, bất cập nêu trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu lực và hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; chưa thực sự tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước cũng như cho việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền của người dân. Do đó, việc xây dựng BLHS năm 2015 là hết sức cần thiết.



2. Giới thiệu khái quát về Bộ luật hình sự năm 2015

Bộ luật hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (viết tắt là BLHS năm 2015) được Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27/11/2015, được Chủ tịch nước công bố vào ngày 18/12/2015 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2016. BLHS năm 2015 ra đời đánh dấu một bước tiến mới trong kỹ thuật lập pháp, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập cũng như phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước sau Hiến pháp năm 2013. Đồng thời, phát huy hơn nữa vai trò của BLHS với tư cách là công cụ pháp lý sắc bén, hữu hiệu trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ và thúc đẩy nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa phát triển đúng hướng, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường xã hội và môi trường sinh thái an toàn, lành mạnh cho mọi người dân, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của nước ta. Phạm vi sửa đổi, bổ sung BLHS lần này được xác định là cơ bản và toàn diện. Trên cơ sở phạm vi sửa đổi như vậy, BLHS năm 2015 có 26 chương và được thiết kế thành 03 phần trên cơ sở kế thừa hai phần của BLHS năm 1999 và bổ sung thêm Phần thứ ba quy định về điều khoản thi hành. So với BLHS năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 (viết tắt là BLHS năm 1999) đã thêm 82 điều, 1 phần điều khoản thi hành và 2 chương (đó là chương IV: Những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự; chương XI: Những quy định đối với pháp nhân phạm tội); giữ nguyên 17 điều, bổ sung mới 49 điều, sửa đổi 362 điều và bãi bỏ 08 điều.


3. Những điểm mới của Bộ luật hình sự năm 2015
PHẦN I - NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG:

1. Bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm các tội trong lĩnh vực kinh tế, môi trường.

BLHS năm 1999 chỉ quy định trách nhiệm hình sự đối với cá nhân mà không quy định trách nhiệm hình sự của các pháp nhân. Nay BLHS năm 2015 quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm các tội trong lĩnh vực kinh tế, môi trường. Cụ thể là BLHS năm 2015 đã bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của các pháp nhân thương mại tại các điều: Điều 2, Điều 6, Điều 8, Điều 33 và các điều từ Điều 74 đến Điều 89; đồng thời xác định pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về 31 tội phạm trong lĩnh vực kinh tế và môi trường được quy định cụ thể tại Điều 76 của BLHS năm 2015 như sau:

“Điều 76. Phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội phạm sau đây:

1. Điều 188 (tội buôn lậu); Điều 189 (tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới); Điều 190 (tội sản xuất, buôn bán hàng cấm); Điều 191 (tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm); Điều 192 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả); Điều 193 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm); Điều 194 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh); Điều 195 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi); Điều 196 (tội đầu cơ); Điều 200 (tội trốn thuế); Điều 203 (tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ); Điều 209 (tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán); Điều 210 (tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán); Điều 211 (tội thao túng thị trường chứng khoán); Điều 213 (tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm); Điều 216 (tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động); Điều 217 (tội vi phạm quy định về cạnh tranh); Điều 225 (tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan); Điều 226 (tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp); Điều 227 (tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên); Điều 232 (tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng); Điều 234 (Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã);

2. Điều 235 (tội gây ô nhiễm môi trường); Điều 237 (tội vi phạm phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường); Điều 238 (tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông); Điều 239 (tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam); Điều 242 (tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản); Điều 243 (tội huỷ hoại rừng); Điều 244 (tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm); Điều 245 (tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên); Điều 246 (tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại).

Cũng cần lưu ý là đối với trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội, điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại là:

“Điều 75. Điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

1. Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại;

b) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại;

c) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại;

d) Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Bộ luật này”

Cũng cần lưu ý là việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân (Khoản 2 Điều 75) và pháp nhân thương mại chỉ có thể bị áp dụng một hình phạt chính nhưng có thể bị áp dụng cùng lúc nhiều hình phạt bổ sung được quy định tại Điều 33 của BLHS năm 2015.

“Điều 33. Các hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội

1. Hình phạt chính bao gồm:

a) Phạt tiền;

b) Đình chỉ hoạt động có thời hạn;

c) Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

2. Hình phạt bổ sung bao gồm:

a) Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định;

b) Cấm huy động vốn;

c) Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính.

3. Đối với mỗi tội phạm, pháp nhân thương mại phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung”

2. Hoàn thiện chính sách xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi.

Bổ sung nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội (Điều 91) ( Đã thay đổi cụm từ “người chưa thành niên” trong BLHS năm 1999 thành người “dưới 18 tuổi”).

Sửa đổi nguyên tắc quy định tại khoản 4 Điều 69 BLHS năm 1999 “Khi xét xử, nếu thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, thì tòa án áp dụng một trong các biện pháp tư pháp được quy định tại Điều 70 của Bộ luật này”. Theo đó tại khoản 4, Điều 91 BLHS năm 2015 quy định: “Khi xét xử, tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 hoặc việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng quy định tại Mục 3 Chương này không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa”.

Nhằm tăng cường tính minh bạch của BLHS, qua đó nâng cao hiệu quả việc phòng ngừa tội phạm đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi, BLHS năm 2015 sửa đổi theo hướng xác định rõ hơn trách nhiệm hình sự người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, cụ thể:

- Tại khoản 2, Điều 12 BLHS năm 2015 quy định người từ đủ 14 trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội giết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản và tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng (bao gồm 22 tội).

- Về nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, BLHS năm 2015 quy định: “Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm”.

- Tại khoản 2, khoản 3, Điều 91 BLHS năm 2015 quy định:

“2. Người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp quy định tại mục 2 Chương này:

a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ trường hợp quy định tại Điều 134 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác); Điều 141 (tội hiếp dâm); Điều 171 (tội cướp giật tài sản); Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy) của Bộ luật này;

b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật này, trừ trường hợp quy định tại Điều 123 (tội giết người); Điều 134, các khoản 4, 5 và khoản 6 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác); Điều 141 (tội hiếp dâm), Điều 142 (tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi); Điều 144 (tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi); Điều 150 (tội mua bán người); Điều 151 (tội mua bán người dưới 16 tuổi); Điều 168 (tội cướp tài sản); Điều 171 (tội cướp giật tài sản); Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy) của Bộ luật này;

c) Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể trong vụ án”.

BLHS năm 2015 đã bổ sung thêm 02 biện pháp có tính chất giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội khi họ thực hiện tội phạm mà cơ quan có thẩm quyền xét thấy không cần thiết phải áp dụng trách nhiệm hình sự đối với họ gồm: khiển trách (Điều 93), hòa giải tại cộng đồng (Điều 94), ngoài các biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (Điều 95) và đưa vào giáo dục tại trường giáo dưỡng (Điều 96) như BLHS năm 1999. 

Như vậy, theo tinh thần của BLHS năm 2015, Tòa án cần hạn chế đến mức thấp nhất việc áp dụng hình phạt tù đối người người chưa thành niên phạm tội như hiện nay, tăng cường áp dụng các biện pháp tư pháp nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.

3. Mở rộng đối tượng không bị áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình:

Bổ sung đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình là người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn (Điều 40).

4. Bổ sung quy định đối với trường hợp Đồng phạm:

Bổ sung quy định rõ đối với trường hợp đồng phạm thì người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành. (Khoản 4 Điều 17).

5. Cụ thể hóa các trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự:

BLHS năm 2015 đã cụ thể hóa các trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự theo hướng: Phân biệt rõ các trường hợp đương nhiên được miễn trách nhiệm hình sự và những trường hợp có thể được miễn trách nhiệm hình sự; sửa đổi và bổ sung một số trường hợp có thể được miễn trách nhiệm hình sự nhằm khắc phục những bất cập khi áp dụng biện pháp này trong thời gian vừa qua. Cụ thể như sau:

“Điều 29. Căn cứ miễn trách nhiệm hình sự

1. Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây:

a) Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;

b) Khi có quyết định đại xá.

2. Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;

b) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa;

c) Người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.

3. Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”.

BLHS năm 2015 đã bổ sung một chương riêng (chương IV) với 07 điều quy định về những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự, trong đó, tiếp tục duy trì và cụ thể hóa 04 trường hợp như Bộ luật hiện hành (sự kiện bất ngờ, phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết và tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự), đồng thời, bổ sung thêm 03 trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự là: gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm pháp; rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ; thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên (các điều 24, 25, 26) nhằm tạo hành lanh pháp lý an toàn để khuyến khích người dân an tâm, tích cực tham gia phòng chống tội phạm; tham gia các hoạt động sản xuất, nghiên cứu khoa học có tính chất “đột phá” vì lợi ích chung.

6. Sửa đổi, bổ sung về quyết định hình phạt; các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự; quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng; về chuẩn bị phạm tội; miễn, giảm hình phạt:

BLHS năm 2015 đã bổ sung quy định căn cứ quyết định hình phạt (Điều 50): Khi quyết định áp dụng hình phạt tiền, ngoài căn cứ đã quy định, Tòa án căn cứ vào tình hình tài sản, khả năng thi hành của người phạm tội.

 

BLHS năm 2015 đã bổ sung các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự sau (Khoản 1 Điều 51):



+  Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;

+  Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra;

+ Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên;

+ Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;

+  Người phạm tội là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ, người có công với cách mạng.

- Quy định rõ “Đầu thú” có thể được Tòa án coi là tình tiết giảm nhẹ (khoản 2).

 

BLHS năm 2015 đã làm rõ các tình tiết tăng nặng sau (Điều 52)



+ Trường hợp phạm tội đối với trẻ em, phụ nữ có thai và người già được quy định lại: “Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai, người đủ 70 tuổi trở lên”.

+ Trường hợp phạm tội đối với trẻ em, phụ nữ có thai, người già, người ở trong tình trạng không thể tự vệ được hoặc đối với người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác được quy định lại: “Phạm tội đối với người ở trong tình trạng không thể tự vệ được, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, người bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác”.

BLHS năm 2015 đã quy định lại nội dung về quyết định hình phạt nhẹ hơn thành “quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng” (Được quy định cụ thể tại Điều 54); đã làm rõ các trường hợp quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng.

+ Theo Điều 54 BLHS năm 2015, Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật HS 2015.

+ Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.

+ Nhưng nếu điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất, thì Tòa án có thể quyết định chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn.

Như vậy, theo quy định mới thì Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng mà không bị ràng buộc điều kiện phải trong khung liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.

Theo hướng thu hẹp phạm vi trách nhiệm hình sự đối với hành vi chuẩn bị phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc một tội đặc biệt nghiêm trọng. Theo đó, chỉ xử lý hình sự đối với hành vi chuẩn bị phạm 21 tội danh được liệt kê cụ thể trong Bộ luật; không xử lý hình sự đối với trẻ em từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có hành vi chuẩn bị phạm tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng quy định tại điểm a, d khoản 2 Điều 14. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định của Bộ luật hình sự 1999 về che giấu tội phạm theo hướng người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác được Bộ luật này quy định (khoản 2 Điều 18).

Bên cạnh đó, BLHS 2015 cũng sửa đổi, bổ sung quy định về án treo theo hướng quy định rõ các nghĩa vụ mà người được hưởng án treo phải thực hiện trong thời gian thử thách cũng như hậu quả của việc vi phạm các nghĩa vụ này (Điều 65). Đối với hình phạt tù, BLHS 2015 khẳng định nguyên tắc không áp dụng hình phạt tù đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng do vô ý (khoản 2 Điều 38). BLHS mới cũng bổ sung quy định về tha tù trước hạn có điều kiện với những điều kiện chặt chẽ nhằm một mặt tạo điều kiện cho phạm nhân chấp hành án tốt được sớm trở về với gia đình, mặt khác bảo đảm trật tự trị an xã hội (Điều 66).

7. Sửa đổi, bổ sung các quy định về điều kiện và thủ tục xóa án tích:

BLHS năm 2015 quy định về xóa án tích theo hướng thay đổi căn bản quy định về xóa án tích đương nhiên nhằm đề cao trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho người bị kết án sớm ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng (các Điều 69 - 73). Tại Điều 69 BLHS năm 2015 ghi như sau:

“Điều 69. Xóa án tích

1. Người bị kết án được xóa án tích theo quy định tại các điều từ Điều 70 đến Điều 73 của Bộ luật này. Người được xóa án tích coi như chưa bị kết án.

2. Người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt không bị coi là có án tích”.

Như vậy những người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt không bị coi là có án tích. Đây là điểm mới có lợi cho người phạm tội cần được áp dụng ngay.

Đồng thời Bộ luật mới đã bãi bỏ quy định cấp Giấy chứng nhận khi được Tòa án xóa án tích; bổ sung quy định: “Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp phiếu lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích, nếu có đủ điều kiện quy định đương nhiên được xóa án tích” (Khoản 4 Điều 70); sửa đổi quy định về thời hạn xóa án tích trong trường hợp chưa được xóa án tích mà phạm tội mới: “Người bị kết án chưa được xóa án tích mà thực hiện hành vi phạm tội mới và bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật thì thời hạn để xóa án tích cũ được tính lại kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách án treo của bản án mới hoặc từ ngày bản án mới hết thời hiệu thi hành” (Khoản 2 Điều 73); bổ sung quy định sau: “Người bị kết án trong trường hợp phạm nhiều tội mà có tội thuộc trường hợp đương nhiên được xóa án tích, có tội thuộc trường hợp xóa án tích theo quyết định của Tòa án thì căn cứ vào thời hạn quy định tại Điều 71 của Bộ luật này Tòa án quyết định việc xóa án tích đối với người đó” (Khoản 3 Điều 73).


PHẦN II - CÁC TỘI PHẠM

A. Sơ lược về nội dung thay đổi, bổ sung:

1. Bãi bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội danh:

Để thể chế hóa các quan điểm của Đảng về hạn chế áp dụng hình phạt tử hình được thể hiện trong Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, cũng như quán triệt tinh thần Hiến pháp năm 2013 trong việc ghi nhận và bảo vệ quyền sống của con người, trên cơ sở nghiên cứu, tổng kết thực tiễn áp dụng hình phạt tử hình và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong thời gian tới, BLHS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung quy định về hình phạt tử hình theo hướng hạn chế áp dụng hình phạt tử hình đối với những tội danh còn giữ lại hình phạt tử hình theo hướng quy định rõ ràng, chặt chẽ, cụ thể các điều kiện áp dụng để tòa án cân nhắc, áp dụng trong từng trường hợp cụ thể; mở rộng diện đối tượng không bị áp dụng hình phạt tử hình; mở rộng các trường hợp không thi hành án tử hình và chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân nhằm hạn chế việc thi hành án tử hình trên thực tế.

Cụ thể như sau:

- BLHS năm 2015 đã bãi bỏ hình phạt tử hình đối với 07 tội gồm: Tội cướp tài sản (Điều 168); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193); Tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249); Tội chiếm đoạt chất ma túy (Điều 252); Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 303); Tội chống mệnh lệnh (Điều 394); Tội đầu hàng địch (Điều 399).

2. Những nội dung sửa đổi, bổ sung BLHS nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.

- Những tội phạm mới:

Những tội phạm mới được quy định trong BLHS 2015 bao gồm: Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147); tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người (Điều 154); tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân (Điều 167); tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại (Điều 187); tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán (Điều 212); tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm (Điều 213); tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp (Điều 214); tội gian lận bảo hiểm y tế (Điều 215); tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (Điều 216); tội vi phạm quy định về cạnh tranh (Điều 217); tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản (Điều 218); Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí (Điều 219); tội vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 220); tội vi phạm quy định của Nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 221); tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 222); tội thông đồng, bao che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 223); tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 224); tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (Điều 230); tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã (Điều 234); tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông (Điều 238); tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng, cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật (Điều 285); Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng (Điều 291); tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 292); tội sử dụng trái phép tần số vô tuyến điện dành riêng cho mục đích cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh (Điều 293); tội cố ý gây nhiễu có hại (Điều 294); tội cưỡng bức lao động (Điều 297); tội bắt cóc con tin (Điều 301); tội cướp biển (Điều 302); tội đăng ký hộ tịch trái pháp luật (Điều 336); tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép (Điều 348); tội vi phạm quy định về giam giữ (Điều 388); tội gây rối trật tự phiên tòa (Điều 391); tội ra mệnh lệnh trái pháp luật (Điều 393) và tội chiếm đoạt hoặc huỷ hoại di vật của tử sỹ (Điều 418).

- Những hành vi được coi là tội phạm nay đã được bãi bỏ:

BLHS năm 2015 đã bãi bỏ bảy tội danh được quy định trong BLHS năm 1999 gồm: (1) tảo hôn; (2) kinh doanh trái phép; (3) báo cáo sai trong quản lý kinh tế; (4) vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; (5) sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; (6) không chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính; (7) tội hoạt động phỉ.

- Cụ thể hóa các tình tiết có tính chất định tính:

BLHS năm 2015 đã cụ thể hóa các tình tiết có tính chất định tính, vốn là một trong những bất cập của BLHS năm 1999 như: “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”; “số lượng lớn”, “số lượng rất lớn”, “số lượng đặc biệt lớn”; “thu lợi bất chính lớn”, “thu lợi bất chính rất lớn”, “thu lợi bất chính đặc biệt lớn”; “đất có diện tích lớn”, “đất có diện tích rất lớn”, “đất có diện tích đặc biệt lớn”; “giá trị lớn”, “giá trị rất lớn”, “giá trị đặc biệt lớn”; “quy mô lớn” là các tình tiết định tội, định khung tăng nặng hình phạt của các điều luật có quy định các tình tiết này, nhằm đảm bảo tính minh bạch. Điều này làm cho BLHS năm 2015 có thể áp dụng được ngay mà không phải chờ văn bản hướng dẫn như chúng ta đã từng làm trước đây.

3. Nội luật hóa các quy định có liên quan của điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên, góp phần tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung quy định về chuẩn bị phạm tội theo hướng bên cạnh các hành vi chuẩn bị phạm tội đã được quy định trước đây (như: tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm), còn bổ sung thêm hành vi thành lập, tham gia nhóm tội phạm để thực hiện một tội phạm cụ thể (Điều 14). Quy định này tạo cơ sở pháp lý để chủ động ngăn chặn sớm tội phạm xảy ra, góp phần nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm, đồng thời phù hợp với tinh thần của Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.

Thứ hai, sửa đổi, bổ sung cơ bản cấu thành của tội mua bán người và tội mua bán người dưới 16 tuổi trên tinh thần Nghị định thư về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (Điều 150 và Điều 151).

Thứ ba, bổ sung tội bắt cóc con tin (Điều 301) và tội cướp biển (Điều 302) trên tinh thần các quy định của Công ước chống bắt cóc con tin năm 1979 và Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982.

Thứ tư, bổ sung tội cưỡng bức lao động (Điều 297) trên tinh thần Công ước số 29 của ILO về lao động cưỡng bức (năm 1930).

Thứ năm, sửa đổi, bổ sung tội rửa tiền nhằm đáp ứng đầy đủ yêu cầu của các khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về phòng, chống rửa tiền (Điều 324).

Thứ sáu, sửa đổi, bổ sung các tội: bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật; dùng nhục hình và bức cung (các điều 157, 373, 374) trên tinh thần Công ước chống tra tấn và các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục.

Thứ bảy, sửa đổi, bổ sung vào cấu thành của một số tội phạm về chức vụ hành vi tham nhũng trong khu vực tư nhằm xử lý hành vi tham nhũng trong khu vực này; bổ sung hành vi đưa hối lộ cho công chức nước ngoài hoặc công chức đang làm việc trong các tố chức quốc tế công nhằm đáp ứng yêu cầu thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng.



Каталог: images -> documents
documents -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc
documents -> CỤC ĐĂng kiểm việt nam
documents -> QuyếT ĐỊnh của thủ TƯỚng chính phủ SỐ 276/2006/QĐ-ttg ngàY 4 tháng 12 NĂM 2006 VỀ giá BÁN ĐIỆn thủ TƯỚng chính phủ
documents -> Nghị ĐỊnh số 47/2010/NĐ-cp ngàY 06 tháng 05 NĂM 2010 CỦa chính phủ quy đỊnh xử phạt hành chính về HÀNH VI VI phạm pháp luật lao đỘNG
documents -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc BÁo cáo hoạT ĐỘng y tế CƠ SỞ
documents -> Số hồ sơ: /vslđ HỒ SƠ VỆ sinh lao đỘNG
documents -> Mẫu (Form) nc13 Ban hành kèm theo Thông tư số 31/2015/tt-bca
documents -> THÔng tư CỦa bộ CÔng thưƠng số 10/2008/tt-bct ngàY 25 tháng 7 NĂM 2008
documents -> BỘ lao đỘng-thưƠng binh và XÃ HỘI
documents -> NghÞ ®Þnh cña ChÝnh phñ Sè 67/2001/N§-cp ngµy 01 th¸ng 10 n¨m 2001 Ban hµnh c¸c danh môc chÊt ma tuý vµ tiÒn chÊt

tải về 274.98 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương