Nhân vật Từ Hải trong Chí khí anh hùng



tải về 16.93 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu27.02.2022
Kích16.93 Kb.
#50653
Nhân vật Từ Hải trong Chí khí anh hùng


Nhân vật Từ Hải trong Chí khí anh hùng

Truyện Kiều là kiệt tác trong sáng tác của Nguyễn Du, cũng là một trong những tác phẩm làm nên sự hưng thịnh văn học Việt Nam giai đoạn cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX. Qua Truyện Kiều, đại thi hào Nguyễn Du không chỉ thể hiện sự đồng cảm, xót xa với cuộc đời truân chuyên của nàng Kiều mà còn gửi gắm ước mơ về người anh hùng có thể cứu dân, dẹp loạn thông qua hình tượng Từ Hải. Trong đoạn trích “Chí khí anh hùng”, nhân vật Từ Hải xuất hiện nổi bật với những phẩm chất phi thường và khát vọng cao đẹp của người anh hùng “đầu đội trời, chân đạp đất”.



Trải qua bao biến cố của cuộc đời, những tưởng cuộc đời Thúy Kiều mãi bị vùi dập trong những đau đớn, ê chề thì Từ Hải đã xuất hiện, mang theo ánh sáng hi vọng cho cuộc đời nàng. Có thể nói gặp gỡ và nên duyên cùng với Từ Hải là hạnh phúc hiếm hoi trong cuộc đời của Thúy Kiều. Tuy nhiên, cuộc sống hạnh phúc với nàng Kiều cũng không thể làm nguôi đi chí lớn của người anh hùng:

“Nửa năm hương lửa đương nồng


Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương
Trông vời trời bể mênh mang
Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong”

Sau nửa năm chung sống hạnh phúc với nàng Kiều, Từ Hải đã quyết định ra đi  để thực hiện nghiệp lớn. Từ Hải vốn là người người anh hùng đầu đội trời, chân đạp đất với khát vọng tung hoành khắp muôn phương “nghênh ngang một cõi biên thùy”. Vì vậy dù đang sống trong những ngày hạnh phúc nhất cuộc đời cùng người mà mình yêu thương, trân trọng thì người anh hùng ấy cũng không thể quên đi chí lớn của người làm trai “Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương”.

Tư thế ra đi của Từ Hải được tác giả Nguyễn Du tái hiện qua một động từ “thoắt” thể hiện sự mau lẹ, dứt khoát của người trượng phu. “Trời bể mênh mang” không chỉ là hình ảnh ước lệ thể hiện sự rộng lớn trời đất, nơi người anh hùng thỏa sức tung hoành ngang dọc mà còn gợi ra tầm vóc lớn lao, phi thường của người anh hùng. Hình ảnh gươm ngựa “lên đường thẳng rong” góp phần làm nổi bật lên phong thái ung dung, tư thế đĩnh đạc, hiên ngang của Từ Hải.

Thấu hiểu khát vọng và quyết tâm của Từ Hải, Kiều không ngăn cản mà bày tỏ nguyện vọng muốn đi theo để tiện bề chăm sóc, nâng khăn sửa túi cho chồng:

“Nàng rằng: Phận gái chữ tòng


Chàng đi thiếp cũng quyết lòng xin đi”

Thúy Kiều muốn đi theo Từ Hải để cùng sẻ chia, gánh vác làm trọn đạo “tam tòng chữ đức” của một người vợ và làm trọn tình nghĩa với một người tri kỉ, một người ân nhân có công cứu mạng. Tuy cảm động trước tấm lòng của nàng Kiều nhưng Từ Hải đã quyết chí ra đi mà không muốn vướng bận bởi tình cảm nam nữ và cũng là muốn bảo vệ nàng Kiều khỏi những hiểm nguy nơi chiến trường nên đã từ chối:

“Từ rằng: Tâm phúc tương tri
Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình
Bao giờ mười vạn tinh binh
Tiếng chiêng dậy đất, bóng binh rợp đường
Làm cho rõ mặt phi thường
Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia”

Dù hiểu được tấm lòng của Thúy Kiều nhưng Từ Hải vẫn cố gắng khuyên nhủ Kiều và muốn nàng thoát khỏi thói “nữ nhi thường tình” và hứa hẹn về tương lai tươi sáng, khi nghiệp lớn thành công, cơ đồ được gây dựng sẽ “rước nàng nghi gia”. Qua những lời nói của Từ Hải với Thúy Kiều, ta có thể thấy được những phẩm chất tốt đẹp của người anh hùng, Từ Hải không để tình cảm chi phối mà vô cùng quyết đoán, dứt khoát với hành động của mình. Cũng cần phải hiểu rằng không phải sự dứt khoát của Từ Hải khi ra đi là vì vô tình hay trọng công danh hơn tình cảm. Chàng là người sống tình cảm hơn bất cứ ai, thay vì quyến luyến, động lòng thì Từ Hải muốn thể hiện bằng hành động, bằng quyết tâm chiến thắng để mang đến nàng Kiều không chỉ là danh phận mà còn là tình cảm.

“Bằng ngay bốn bể là nhà
Theo càng thêm bận, biết là đi đâu
Đành lòng chờ đó ít lâu
Chầy chăng là một năm sau vội gì”

Nếu ở những câu thơ trên Từ Hải có ý trách móc nàng Kiều vì sự yếu đuối của nữ nhi thường tình thì ngay câu thơ sau chàng đã kín đáo thể hiện sự quan tâm, động viên với nàng. Từ Hải mang tráng khí khắp bốn phương với toàn bộ quyết tâm và tự tin nhưng chàng cũng hiểu rằng con đường mình đang đi sẽ vô cùng chông gai, đó là cuộc sống màn trời chiếu đất, bốn bể không nhà. Từ Hải không muốn Thúy Kiều đi theo một là không muốn vướng bận, hai là muốn nàng phải xông pha vào chốn hiểm nguy cùng mình. Cuối cùng, để lại bao lưu luyến, Từ Hải dứt khoát lên đường:

“Quyết lời dứt áo ra đi
Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi”

Hành động dứt khoát, mạnh mẽ, không do dự của người anh hùng đã được thể hiện rõ qua những động từ “quyết”, “dứt áo”, “ra đi”. Bằng cảm hứng ngợi ca, khẳng định và lí tưởng hóa, tác giả đã tái hiện viễn cảnh không gian ra đi mang tầm vóc vĩ mô của người anh hùng. Giữa không gian “gió mây”, “dặm khơi” kì vĩ, rộng lớn, con người hiện lên với tư thế sánh ngang tầm vũ trụ. Hình ảnh “chim bằng” sải cánh trên bầu trời cao rộng, trong bao la “dặm khơi” cùng gió, cùng mây đã làm nổi bật tư thế của người anh hùng có bản lĩnh phi thường, quyết tâm ra đi vì nghiệp lớn. Đó là khát vọng vùng vẫy bốn bể trong khung trời tự do và thoát khỏi mọi khuôn khổ, bế tắc để làm nên sự nghiệp lẫy lừng.



Với bút pháp miêu tả độc đáo, sử dụng ngôn ngữ đối thoại trực tiếp cùng các thủ pháp ước lệ, lí tưởng hóa, Nguyễn Du đã khắc họa hình tượng nhân vật Từ Hải với những vẻ đẹp rất đáng ngưỡng mộ.

Qua đó, tác giả đã gửi gắm những mong ước về tự do, hạnh phúc, công lý cuộc đời. Hình tượng Từ Hải, dù đã cách chúng ta hàng trăm năm, nhưng vẫn luôn là hình tượng người anh hùng lí tưởng, dám nghĩ, dám làm và dám đấu tranh cho hạnh phúc của chính mình
tải về 16.93 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương