Ảnh hưởng của Ấn Độ đối với Văn Hóa Phật Giáo Nhật Bản Hikotaro Furuta



tải về 34.04 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích34.04 Kb.
#30665


Ảnh hưởng của Ấn Độ

đối với Văn Hóa Phật Giáo Nhật Bản

Hikotaro Furuta
Nguyên tác: Influence of India on Buddhist Culture in Japan

Hồ Đắc Túc dịch



Centre for Studies in International Relations and Development (CSIRD)

167-B, S. P. Mukherjee Road, Kolkata 700026, India


Phone: (9133) 24630884, Fax: (9133) 24630884
Email: csirdindia@yahoo.co.in, Website: www.csird.org.in

Ảnh hưởng của Ấn Độ đối với Văn Hóa Phật Giáo Nhật Bản

Hikotaro Furuta1




Tóm lược

Dù xa nhau về mặt địa lý, nhưng Ấn Độ và Nhật Bản lại có quan hệ văn hóa gần gũi trong thời gian dài. Sự gắn bó văn hóa giữa hai nước bắt đầu từ xa xưa. Nếu không có ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ thì chắc Nhật Bản đã có một nền văn hóa khác với nền văn hóa như chúng ta thấy ngày nay. Hầu hết người Nhật chịu ảnh hưởng lớn từ tư tưởng Ấn Độ thông qua Phật giáo. Phật giáo thâm nhập vào đời sống thường nhật của người Nhật ở nhiều khía cạnh. Tiểu luận này sẽ trình bày các lĩnh vực mà tư tưởng Ấn Độ đã ảnh hưởng lên văn hóa Phật giáo của Nhật Bản.

1. Giới Thiệu Phật Giáo Nhật Bản
Phật giáo du nhập vào Nhật vào thế kỷ thứ sáu sau công nguyên (năm 538). Shotoku (574-621), hoàng tử nhiếp chính của Nữ Hoàng Suiko và là một Phật tử thuần thành, là ông hoàng bảo hộ Phật giáo đầu tiên và khởi xướng công tác trao đổi văn hóa với Trung Hoa. Nước Nhật lúc ấy đã có những cuộc tiếp xúc văn hóa mạnh mẽ với Triều Tiên (Hàn Quốc ngày nay), Phật giáo và văn hóa Trung Hoa cũng đến Nhật qua ngả Triều Tiên. Trước khi có Phật giáo, người Nhật theo Thần đạo từ thời cổ đại. Danh xưng ‘Thần đạo’ nghĩa là ‘đạo trời’. Thần Đạo chủ yếu thờ tổ tiên thiên hoàng và ông bà trong gia đình, các vị thần trong thiên nhiên và xã hội. Thần đạo không có kinh điển chính thống, không có qui chuẩn luân lý hay một thiết lý cao siêu nào. Tuy vậy Thần đạo tin rằng các sinh vật nương nhau để sống hòa hợp như giữa người và thánh thần, thú vật và cây cỏ, đất đá và sông suối. Đó là sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên. Thời đó, người Nhật coi Thần đạo là tôn giáo của họ, hay là một cách thế sống. Tuy nhiên tín ngưỡng Thần đạo đặc biệt chú trọng sự thanh khiết trong các buổi lễ. Dân chúng tin Kami, tức chư vị thần linh, có mặt ở khắp nơi và có quyền năng đặc biệt nên cần được lễ bái cúng dường. Thần đạo vẫn còn ảnh hưởng ở Nhật Bản cho đến ngày nay.

Làn sóng văn hóa vĩ đại từ Trung Hoa, qua ngã Triều Tiên, để vào Nhật Bản không thể thay thế Thần đạo ngay. Thần đạo vẫn hiện hữu qua nhiều thế kỷ dù cấu trúc chính trị xã hội có thay đổi do ảnh hưởng to lớn của Khổng giáo. Người Nhật nhanh chóng chuyển qua quan niệm Chư Tổ của Thần đạo, một cách kiến giải địa phương về các thế tánh bất biến của đạo Phật. Hai tôn giáo từ ấy được thiết lập một cách hài hòa. Thần đạo chú trọng xây dựng đời sống con người phù hợp với thực tế, sao cho con người hòa hợp với thiên nhiên xung quanh. Trong khi đó Phật giáo giúp con người hiểu mối tương quan giữa tâm linh với vũ trụ, với kiếp sau, khuyến dạy con người con đường thoát khỏi khổ não luân hồi bằng trí huệ giải thoát. Như vậy người Nhật hiểu ba hệ tư tưởng như sau: Phật giáo quan tâm đến thế giới vô hình, Thần đạo chú trọng xây dựng sự hòa hợp giữa thiên nhiên và con người, còn Khổng giáo liên quan đến hệ thống chính trị và khái niệm đạo đức xã hội. Người Nhật cho rằng ba tôn giáo và triết lý này không hề mâu thuẫn nhau. Mỗi triết lý có một vị trí riêng và có tầm ảnh hưởng riêng trong đời sống của họ.

Phật giáo du nhập vào Nhật đã làm nên một cuộc thay đổi tâm linh lớn khi người Nhật tiếp nhận thêm một thông điệp mới về từ bi và giải thoát. Với cách nhìn như thế, một ý thức mới đã phát triển, và người Nhật đã hình thành một hình thức thờ phụng mới, sinh động hơn qua tôn tượng chư Phật được trình bày đẹp đẽ trong các lễ nghi và lễ hội đầy chất trí tuệ. Vào thế kỷ thứ sáu, hình ảnh Phật bắt đầu xuất hiện, nhiều tôn tượng và thánh vật Phật giáo được xây dựng cùng nhiều chùa chiền. Hiện tượng này xảy ra sau khi nhiều nhà sư, nghệ nhân và di dân từ Triều Tiên qua Nhật Bản.

Dù văn hóa Ấn Độ khởi thủy vào Nhật Bản gián tiếp, nhưng triết lý và tư tưởng Phật học đã tạo ảnh hưởng rất lớn lên văn hóa và đời sống của người Nhật.


2. Ảnh hưởng của Ấn Độ đối với văn hóa Nhật
Sau khi Phật giáo du nhập Nhật Bản, rất nhiều Phạn ngữ Phật giáo cũng được giới thiệu vào Nhật ngữ. Chúng ta có thể tìm các từ ngữ này với ngữ nguyên có gốc là Phạn ngữ. Nhiều danh từ riêng hoàn toàn mất ngữ nghĩa nguyên thủy của Phạn ngữ, chỉ còn giữ lại cách phát âm. Nhưng nhiều Phạn ngữ Phật giáo vẫn còn nguyên trạng trong Nhật ngữ, chiếm một vị trí lớn và có tầm ảnh hưởng trong tư duy và lối sống của văn hóa Nhật. Thí dụ, các Phạn ngữ còn nguyên nghĩa như: Butsuda hay Buddha (Phật tổ), Bosatsu hay Bodhisattve (Bồ Tát), Amida hay Amitabha (A Di Đà), Bonten hay Braman (Bà La Môn), Miroku hay Maitreya (Phật Di Lặc), Monju hay Manjusri (Văn Thù), Yasya hay Yaksa (Dạ Soa), Ashura hay Asura (A Tu La), Daruma hay Dharma (Pháp), Naraku hay Naraka (địa ngục), Namu hay Namas (Nam mô), Shaba hay Saha (Ta Bà thế giới), Danna hay Dana (Đàn na/Bố thí), Kesa hay Kasaya (Cà Sa), Sotobha hay Stupa (Tháp), vân vân. Theo ‘Nihonshoki’, tức sách sử xưa nhất của Nhật, không chỉ nhiều từ ngữ Phật học, mà nhiều từ ngữ thường dùng khác cùng du nhập vào kho từ vựng Nhật, thí dụ từ Kawara (ngói lợp nhà) hay kapala, hachi (cái ấm) hay patra, hata (lá cờ) hay pata, biwa hay vina (một loại đàn dây), vân vân.

Dù không biết tiếng Phạn (Sanskrit), người Nhật cũng nhận biết mẫu tự Siddham (mẫu tự để viết tiếng Phạn), ở Nhật gọi mẫu tự này là ‘sittan’. Ta có thể tìm thấy nhiều kinh văn viết bằng chữ Phạn trong nhiều chùa hay nghĩa trang ở Nhật.

Chữ viết Nhật, gồm hai hình thức Hiragana và Katakana, được hình thành dựa trên Hán tự, tuy nhiên chúng có nhiều điểm rất khác biệt. Chữ Tàu là lối viết tượng hình, trong khi chữ Nhật tượng thanh như chữ viết Ấn Độ. Chữ Nhật được sắp xếp theo trật tự như chữ Phạn vậy.

Các nhân vật thần thoại Ấn Độ cũng du nhập vào văn chương Nhật. Một trong các nhân vật này là thần Rsyasringa, rất nổi tiếng trong đại sử thi Mahabharata của Ấn và các tác phẩm văn chương khác, cùng với các tạng kinh Phật đã du nhập vào Nhật Bản. Một vị thần khác trong đại sử thi này là Ikkaku Sennin hay còn gọi là Ekasringa (độc sừng) cũng được mô phỏng và xuất hiện trong vở tuồng cổ lừng danh ‘Narukami’. Nhiều nhân vật thần thoại khác cũng xuất hiện trong tuyển tập truyện cổ Nhật Bản (Konjakumonogatari) dựa theo Kinh Bổn Sanh (chuyện tiền thân đức Phật Thích Ca) của tiếng Pali và Kinh Thí Dụ bằng Phạn ngữ.

Cùng với Phật giáo, nhiều vị thần Ấn Độ cũng du nhập vào Nhật. Các vị thần linh này dần dà cũng được thờ phụng trong các buổi lễ Phật giáo. Thí dụ Indra là vị thần quyền năng nhất trong thi tụng vệ đà khi đến Nhật đã thành thần Taishakuten (nghĩa đen là Hoàng Đế của chư Thần). Đại Trí Thần Ganesha, tức vị thần mà ta thường thấy qua biểu tượng mình người đầu voi, khi qua Nhật thì hóa thân thành thần Sho-ten (Linh Thần) chuyên ban phát an lạc, tài lộc và tình duyên. Ở Nhật thường thấy biểu tượng của thần Ganesha gồm nam và nữ thần Ganesha ôm choàng nhau. Người Nhật gọi rắn thần Naga, được các ngư phủ thờ phụng, là Ryujin. Thần Tài Bảo (Kubera, còn gọi là Thần Tài) khi du nhập qua Nhật đã hóa thân thành thần Bishamonten (Tỳ Sa Môn Thiên), vị thần may mắn và tài lộc. Ngay cả trong Thần đạo, chúng ta cũng thấy ảnh hưởng của Ấn Độ rất mạnh cho tới ngày nay. Các thần sau được thờ phụng trong Thần đạo:


  • Thần nước Suiten, theo cách gọi trong Thần đạo, được thờ chủ yếu ở thành phố Tokyo. Nguyên thủy đây là vị thần nước của Ấn Độ du nhập vào Mật tông, rồi được Thần đạo tiếp nhận.

  • Thần Benten (nghĩa là Thần Biện Tài/Biện Luận) chính là thần Sarasvati của Ấn Độ. Nhiều đền thờ Thần Biện Tài được xây cất ven biển hay gần các ao hồ. Trong đền có tượng là một nữ thần chơi đàn dây Biwa (Vina).

  • Thần Daikoku, thần may mắn (tức Đại Hắc Thiên Thần) là vị thần rất gần gũi dân chúng. Tên tiếng Phạn của thần là Mahakala, hoặc Shiva, là vị thần có nhiều quyền năng trong Ấn Độ giáo. Trong các đền thờ Đại Hắc Thiên của Nhật, thường thấy vị thần này mặc áo dài, cầm một cái búa gỗ, khuôn mặt hoan hỉ.

  • Nữ thần Kichijoten, vị thần tượng trưng cho sắc đẹp, cũng có biểu tượng như thần Lakshmi của Ấn Độ.

Vào thế kỷ thứ sáu, Phật giáo du nhập Triều Tiên cùng với phong cách hội họa mới và nhiều ngành mỹ thuật khác. Các đại họa phẩm điển hình trong thời kỳ Phật giáo mới du nhập vào Nhật vẫn còn trưng bày trong điện Tamamushi-no-Zushi, được vẽ vào thời đại của Nữ hoàng Suiko, và vẫn được bảo tồn trong chính điện chùa Horyuji gần Nara. Vào thế kỷ thứ tám, hội họa phát triển mạnh với kỹ thuật vẽ bóng chiaroscuro (phân biệt rõ cái gần với cái xa/tương phản) của Ấn Độ, lối vẽ bóng này đến Nhật qua ngả Trung Hóa vào thời đại nhà Đường. Có thể chiêm ngưỡng kỹ thuật vẽ bóng trên nhiều bức tranh tường ở chùa Horyuji. Kỹ thuật vẽ này rất gần với lối họa trong các chùa hang ở Ajanta thuộc bang Maharashtra ở Ấn.

Vũ nhạc cung đình (Nhật ngữ gọi là Bugaku va Gagaku) được một nhà sư Ấn tên là Bodhisena (Bồ Đề Thiên Na), và nhà sư Phật Triết (Fu-Ch’e) người Việt Nam đưa vào Nhật khoảng thế kỷ thứ bảy. Các điệu múa này được gìn giữ và lưu truyền cho đến ngày nay. Tuy nhiên hình thức biểu diễn nhạc nguyên thủy đã không còn nguyên vẹn ở Ấn và các nước Á châu khác. Hình thức biểu diễn nhạc của vũ khúc này là nét văn hóa riêng chỉ có ở Nhật. Từ lúc du nhập vào Nhật, vũ nhạc cung đình được Hoàng gia Nhật bảo hộ cẩn mật. Nghệ thuật này được dùng làm nghi lễ, truyền lưu qua nhiều thế kỷ và thường được biểu diễn trong các ngày quốc lễ hay khi tiếp sứ thần nước ngoài. Sân khấu trang trọng để trình diễn môn nghệ thuật này chỉ có trong Hoàng Cung.

Từ những trình bày và các thí dụ trên, có thể thấy là văn hóa độc đáo của Ấn Độ đã có ảnh hưởng lớn đối với tư tưởng và văn hóa Nhật mãi cho đến ngày nay.




Tham khảo
Charles, Eliot (1935). Japanese Buddhism, London.

Nakamura, Hajime (1961). Japan and Indian Asia: Their Cultural Relations in the Past and Present, Firma K.L.M, Kolkata.

Thakur Upendra (1992). India and Japan: A Study in Interaction during 5th Century – 14thCentury AD, New Delhi.

Giới thiệu tác giả

Hikotaro Furuta sinh ngày 14.1.1961 tại Ehime, Nhật. Ông tốt nghiệp đại học và sau đại học ngành khoa học nhân văn năm 1982 và 1985. Năm 1988, Furuta hoàn tất chương trình tiến sĩ tại đại học Bukkyo ở Tokyo. Ông là Học Giả Nghiên Cứu tại đại học Bukkyo từ năm 1988 đến 1993. Sau đó, ông nhận bằng Tiến sĩ văn chương của Khoa Ngôn Ngữ Pali, đại học Calcutta năm 1994. Hiện nay ông là giảng viên khoa Nhật Bản Học ở đại học Visva-Bharati. Ông xuất bản nhiều tiểu luận về Phật giáo và tư tưởng và văn hóa Nhật. Tác phẩn mới nhất là “Rabindrasamgita Pancashta” (Tuyển tập 50 thi ca của Tagore, Nguyên tác và Dịch phẩm, tháng 11.2002). Ông dịch nhiều thi ca của Tagore để hát bằng Nhật ngữ và tiếng Bengan.



1 Giảng viên, Khoa Nhật Bản Học, Đại Học Visva-Bharati, Birbhum, West Bengal. Ấn Độ. Ấn bản trước của tiểu luận này được trình bày ở Hội Nghị Quốc Tế lần 1 về chủ đề ‘Towards BIMSTEC – Japan Comprehensive Economic Cooperation: Vision and Tasks Ahead’, do Trung Tâm Nghiên Cứu Quan Hệ Quốc Tế và Phát Triển (CSIRD) tổ chức tại Taj Bengal, Kolkata vào ngày 16-17 tháng 12, 2005. Nội dung tiểu luận này hoàn toàn là quan điểm cá nhân.



Каталог: 2009
2009 -> Công ty cổ phần Xây dựng Điện vneco3
2009 -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam thành phố HỒ chí minh độc lập Tự do Hạnh phúc
2009 -> BỘ NÔng nghiệp và phát triển nông thôN
2009 -> Nghị ĐỊnh số 163/2004/NĐ-cp ngàY 07/9/2004 quy đỊnh chi tiết thi hành một số ĐIỀu của pháp lệNH
2009 -> BỘ CÔng thưƠng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
2009 -> Mẫu số: 01 (Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 31 /2009/ttlt-btc –BLĐtbxh ngày 09 tháng 09 năm 2009) CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
2009 -> BỘ y tế Số: 12/2006/QĐ-byt cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
2009 -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam sở TƯ pháP Độc lập Tự do Hạnh phúc
2009 -> CÔng ty cp đIỆn tử BÌnh hòa cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
2009 -> Ủy ban nhân dân thành phố HỒ chí minh

tải về 34.04 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương