Ảnh hưỞng của dinh dưỠng và chế ĐỘ ĂN ĐẾn năng suất sinh sản của lợn cái hậu bị giống cao sản phạm Tất Thắng1*, Trần Vân Khánh1, Trần Văn Hào1



tải về 200.5 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu09.09.2017
Kích200.5 Kb.
#33010
ẢNH HƯỞNG CỦA DINH DƯỠNG VÀ CHẾ ĐỘ ĂN ĐẾN NĂNG SUẤT SINH SẢN CỦA LỢN CÁI HẬU BỊ GIỐNG CAO SẢN

Phạm Tất Thắng1*, Trần Vân Khánh1, Trần Văn Hào1
TÓM TẮT
Với sự phát triển mạnh của ngành chăn nuôi nước ta trong những năm gần đây, đặc biệt là chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp sản xuất hàng hóa, nhu cầu con giống tốt có năng suất và chất lượng cao ngày càng tăng. Tuy nhiên với cơ cấu giống cả nước hiện nay chưa đáp ứng đủ con giống tốt cho thị trường vì năng suất sinh sản của lợn tại các trại giống còn rất thấp. Trong phạm vi đề tài này chúng tôi tiến hành nghiên cứu ảnh hưởng của dinh dưỡng và chế độ ăn đến năng suất sinh sản của lợn cái hậu bị giống cao sản tại Trung tâm Nghiên cứu và Huấn luyện Chăn nuôi Bình Thắng. Đề tài bao gồm 3 thí nghiệm: “Nghiên cứu ảnh hưởng của khẩu phần và chế độ ăn đến khả năng sinh trưởng, phát dục và tỷ lệ phối giống đậu thai lần đầu”; “Nghiên cứu ảnh hưởng của khẩu phần và chế độ ăn ở giai đoạn mang thai lứa thứ nhất”; “Nghiên cứu ảnh hưởng của khẩu phần và chế độ ăn ở giai đoạn nuôi con lứa thứ nhất” của lợn nái Yorkshire, Landrace, Duroc và Pietrain. Kết quả nghiên cứu cho thấy lợn cái hậu bị giai đoạn 20 – 50 kg nên cho ăn ở chế độ tự do với thức ăn có 3.200 kcal ME và 18% protein, lợn cái hậu bị giai đoạn 50 – 100 kg nên cho ăn mức bình quân 2,2 kg/con/ngày với thức ăn có 3.100 kcal ME và 15% protein, lợn nái mang thai lứa thứ nhất nên cho ăn 2,2 kg/con/ngày (308 gam protein và 6.160 kcal ME) từ khi phối giống đến hết ngày mang thai thứ 70, từ ngày mang thai thứ 71 trở đi nên cho ăn mức 2,8 kg/con/ngày (392 gam protein và 7.840 kcal ME), lợn nái nuôi con lứa thứ nhất nên cho ăn 2,5 kg + 0,25 kg x số con theo mẹ với thức ăn có 3.000 kcal ME và 16% protein.

Từ khóa: Lợn cái hậu bị, thức ăn

1

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Những năm qua, việc nhập và nuôi thích nghi các giống lợn cao sản ở nước ta đã mang lại những hiệu quả nhất định, tạo ra những con giống thuần thích nghi hay những con lai phù hợp với điều kiện chăn nuôi ở nước ta, đáp ứng được phần nào thực phẩm cho nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên với sự phát triển mạnh của ngành chăn nuôi trong những năm gần đây, số lượng con giống tốt có năng suất và chất lượng cao vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Năng suất sinh sản của đàn lợn giống ngoại nhập còn rất thấp. Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi (2006) thì năng suất sinh sản của lợn nái giống cao sản nuôi trong nước chỉ đạt 80% - 85% so với con giống nuôi tại chính quốc. Ngoài các yếu tố ảnh hưởng đến năng suất sinh sản của lợn nái như giống, quản lý chăm sóc thì dinh dưỡng có ảnh hưởng rất lớn đến năng suất sinh sản của lợn. Việc cung cấp đầy đủ và hợp lý các chất dinh dưỡng cho lợn bắt đầu từ giai đoạn hậu bị cho đến suốt quá trình nuôi con sẽ quyết định đến năng suất sinh sản của lợn nái.

Ngoài công tác chọn giống thì 3 lĩnh vực được tập trung nghiên cứu nhiều là sử dụng hormon sinh trưởng giai đọan mang thai, xác định các mức protein, năng lượng thích hợp trong khẩu phần ở giai đọan mang thai và nuôi con, và xác định chế độ dinh dưỡng hợp lý giai đọan hậu bị. Đối với giai đọan hậu bị, Park và đồng tác giả (1987) cho rằng áp dụng chế độ cho ăn hạn chế theo giai đọan để kìm hãm bớt tốc độ tăng trọng của lợn hậu bị sẽ làm tăng sản lượng sữa lứa đẻ 1 của lợn nái. Crenshaw (1990) cũng cho thấy sản lượng sữa lứa 1 của lợn nái tăng 36% khi hạn chế lượng thức ăn ăn vào ở giai đọan trước khi thành thục và mang thai bằng cách bổ sung 30% xơ vào trong khẩu phần. Nghiên cứu của Sorensen và đồng tác giả (1993) khi cho lợn hậu bị giai đọan 42 ngày tuổi tới thời điểm phối giống ăn 3 khẩu phần: đối chứng (thỏa mãn nhu cầu duy trì và sinh trưởng), 75% so với đối chứng và cho ăn tự do đã cho thấy không sai khác thống kê về sản lượng sữa, số con sinh ra, trọng lượng khi cai sữa và thời gian lên giống lại sau khi cai sữa. Tuy nhiên ở khẩu phần 75% so với đối chứng có xu hướng là giảm số con sinh ra. Klind và đồng tác giả (1998) cho biết ở lợn hậu bị giai đọan 13-25 tuần tuổi khi cho ăn hạn chế ở mức 75% và 90% so với ăn tự do đã cải thiện số bào thai sống ở thời điểm 30 ngày mang thai.

Trung tâm Nghiên cứu và Huấn luyện Chăn nuôi Bình Thắng là một trong các cơ sở nuôi giữ giống gốc của quốc gia. Các giống lợn cao sản có năng suất và chất lượng cao như Yorkshire, Landrace, Duroc, Pietrain đã được nhập từ Úc, Mỹ, Đan Mạch, Bỉ về nuôi từ năm 2000 và đã được thuần hóa và thích nghi tốt với điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng ở nước ta. Trải qua nhiều thế hệ, đàn lợn nái giống gốc của Trung tâm đã cung cấp cho thị trường cả nước hàng ngàn lợn giống có năng suất và chất lượng cao. Đến nay con giống của Trung tâm đã được thị trường chấp nhận. Tuy nhiên năng suất sinh sản của đàn lợn nái giống cao sản tại Trung tâm vẫn chỉ đạt trên 8 lợn con cai sữa/nái/lứa tùy giống. Chính vì vậy trong phạm vi đề tài này, chúng tôi chỉ tập trung nghiên cứu tác động về dinh dưỡng nhằm nâng cao năng suất sinh sản cho lợn nái giống cao sản hiện đang nuôi tại Trung tâm Nghiên cứu và Huấn luyện Chăn nuôi Bình thắng. Mục tiêu của nghiên cứu là “Nâng cao năng suất sinh sản của đàn lợn nái giống cao sản thông qua nghiên cứu khẩu phần và chế độ ăn thích hợp trong giai đoạn hậu bị, mang thai và nuôi con lứa thứ nhất“.


2. VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1 Vật liệu

- Đối tượng nghiên cứu: Lợn nái giống Yorkshire, Landrace, Duroc, Pietrain từ giai đoạn hậu bị - mang thai – nuôi con.

- Thức ăn thí nghiệm bao gồm bắp, cám gạo, bột khoai mỳ, khô đậu nành, premix ...

- Địa điểm nghiên cứu: Trại lợn giống Bình Minh và Trại lợn giống Bình Thắng thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Huấn luyện Chăn nuôi Bình Thắng

- Thời gian nghiên cứu: Từ tháng 01 năm 2008 đến tháng 12 năm 2009

2.2 Phương pháp nghiên cứu

2.2.1 Nghiên cứu ảnh hưởng của khẩu phần và chế độ ăn đến khả năng sinh trưởng, phát dục và tỷ lệ phối giống đậu thai lần đầu của lợn cái hậu bị giống cao sản

Thí nghiệm tiến hành trên tổng số 120 con lợn cái hậu bị của 4 giống lợn là Yorkshire, Landrace, Duroc, Pietrain. Thí nghiệm gồm 4 lô với 3 lần lặp lại, mỗi lần lặp lại 10 con. Thí nghiệm bắt đầu khi lợn 2 tháng tuổi (trọng lượng trung bình khoảng 20 kg).

- Giai đoạn 1: Từ 2 tháng tuổi đến 4 tháng tuổi (trọng lượng từ 20 – 50 kg). Ở giai đoạn này cho lợn ăn theo chế độ tự do với thức ăn có giá trị dinh dưỡng là 3.200 kcal, 18% protein, 1,1% lysine.

- Giai đoạn 2: Từ 4 tháng tuổi cho đến khi động dục lần đầu (trọng lượng 50 – 100 kg). Ở giai đoạn này cho lợn ăn theo 3 mức: tự do, 85% và 75% định mức với thức ăn có giá trị dinh dưỡng là 3.100 kcal, 15% protein, 1,0% lysine (các mức ăn trên đây dựa theo tiêu chuẩn NRC 1998 – mức tự do theo NRC đối với heo ở giai đoạn 50 – 100 kg là 2,58 kg/con/ngày với hàm lượng dinh dưỡng cần trong 1 ngày là 8.410 kcal ME và 399 gam protein. Mức 85% là 2.2 kg/con/ngày với hàm lượng dinh dưỡng là 6.820 kcal ME và 330 gam protein. Mức 75% là 1,94 kg/con/ngày với hàm lượng dinh dưỡng là 6.014 kcal ME và 291 gam protein)

Các chỉ tiêu theo dõi: Trọng lượng và tăng trọng theo từng giai đoạn, lượng thức ăn tiêu thụ hàng ngày, tiêu tốn thức ăn, tuổi lên giống lần đầu, độ dày mỡ lưng khi lên giống, tình trạng bệnh tật và các quan sát khác.
2.2.2 Nghiên cứu ảnh hưởng của khẩu phần và chế độ ăn ở giai đoạn mang thai lứa thứ nhất đến năng suất sinh sản của lợn nái hậu bị giống cao sản

Tổng số 80 lợn cái mang thai lứa thứ nhất của 4 giống lợn là Yorkshire, Landrace, Duroc, Pietrain được dùng trong thí nghiệm, mỗi giống được phân thành 2 lô, mỗi lô 10 con. Thời gian thí nghiệm bắt đầu từ khi lợn cái hậu bị phối giống đậu thai cho đến khi đẻ con.

Sau khi phối giống đậu thai thì lợn được chuyển đến chuồng cá thể và phân vào các lô thí nghiệm, dựa theo tiêu chuẩn của NRC để tính toán khẩu phần ăn và mức độ cho ăn theo từng lô: Lô 1 - Cho ăn mức trung bình đáp ứng cho nhu cầu tăng trưởng và nuôi thai (2,2 kg thức ăn/con/ngày – 6.160 kcal ME và 308 gam protein) trong suốt giai đoạn mang thai; Lô 2- Cho ăn theo mức trung bình như trên từ khi đậu thai đến ngày mang thai thứ 70, từ ngày thứ 71 đến khi đẻ cho ăn mức 2,8 kg thức ăn/con/ngày – 7.840 kcal ME và 392 gam protein. Thức ăn có thành phần dinh dưỡng như nhau ở các lô với 14% protein và 2.800 kcal ME. (Theo NRC 1998 thì nhu cầu hàng ngày của nái mang thai trung bình cần 6.395 kcal ME và 260 gam protein)

Các chỉ tiêu theo dõi: Lượng thức ăn ăn vào trong suốt giai đoạn mang thai, độ dày mỡ lưng khi bắt đầu mang thai và trước khi đẻ, số con đẻ ra, số con đẻ ra còn sống, trọng lượng sơ sinh, tình trạng bệnh tật và các quan sát khác.


2.2.3 Nghiên cứu ảnh hưởng của khẩu phần và chế độ ăn ở giai đoạn nuôi con lứa thứ nhất đến năng suất sinh sản của lợn nái hậu bị giống cao sản

Tiếp tục từ thí nghiệm trên từ khi lợn nái hậu bị đẻ con cho đến khi cai sữa lợn con và phối giống trở lại. 80 lợn nái được phân thành 2 lô với 2 lần lặp lại, mỗi lần lặp lại 10 con - Lô đối chứng cho ăn tự do - Lô thí nghiệm cho ăn dựa theo định mức 2,5 kg thức ăn/nái + 0,25 kg thức ăn cho mỗi đầu lợn con theo mẹ. Thức ăn hỗn hợp cho lợn nái nuôi con có 3.000 kcal ME và 16% protein.

Các chỉ tiêu theo dõi: Số con sơ sinh, trọng lượng sơ sinh, số con cai sữa, trọng lượng cai sữa, tỷ lệ hao hụt lợn con, độ dày mỡ lưng lợn mẹ, thời gian động dục lại sau cai sữa.
3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

3.1 Nghiên cứu ảnh hưởng của khẩu phần và chế độ ăn đến khả năng sinh trưởng, phát dục và tỷ lệ phối giống đậu thai lần đầu của lợn cái hậu bị giống cao sản tại Trung tâm Bình Thắng

Kết quả theo dõi trên số lợn cái hậu bị ở giai đoạn sinh trưởng (bảng 3.1.1) cho thấy trọng lượng đầu kỳ và cuối kỳ cũng như lượng thức ăn bình quân/ngày, hệ số chuyển hóa thức ăn không có sự khác biệt giữa các giống lợn. Tính trung bình giai đoạn này mỗi ngày một lợn cái hậu bị ăn 1,42 kg thức ăn (255 gam protein thô và 4.536 kcal ME). Lợn giống của Trung tâm được nuôi theo quy trình chăm sóc nuôi dưỡng và vệ sinh thú y rất chặt chẽ, chích đầy đủ các loại vaccin, chính vì vậy không phát hiện dịch bệnh xảy ra đối với đàn lợn giống, đàn lợn phát triển bình thường. Mặc dù lợn được ăn tự do song qua ghi nhận của chúng tôi thì lượng chất dinh dưỡng mà lợn ăn vào bình quân trong giai đoạn 20 – 50 kg thấp hơn nhiều so với khuyến cáo của NRC (1,85 kg thức ăn – 6.050 kcal ME và 333 gam protein). Có thể do điều kiện khí hậu hoặc chất lượng thức ăn mà lượng thức ăn ăn vào của lợn trong thí nghiệm thấp hơn so với khuyến cáo của NRC.


Bảng 3.1.1 Kết quả các chỉ tiêu theo dõi ở giai đoạn 1

Chỉ tiêu

Yorkshire

Landrace

Duroc

Pietrain

Trọng lượng đầu kỳ (kg/con)

22,2 ± 1,5

22,0 ± 1,2

21,9 ± 1,3

21,7 ± 1,3

Trọng lượng cuối kỳ (kg/con)

55,8 ± 1,9

55,6 ± 2,1

55,2 ± 2,0

54,2 ± 1,9

Tăng trọng (g/ngày)

559 ± 41,2

560 ± 40,9

554 ± 38,6

542 ± 36,8

Lượng thức ăn /ngày (kg/con)

1,39

1,42

1,44

1,42

FCR (kg)

2,49

2,52

2,69

2,53

Năng lượng (kcal ME/con)

4.448

4.544

4.608

4.544

Protein (gam/con)

250

256

259

256

Tăng trọng bình quân ngày của lợn cái Yorkshire, Landrace và Duroc cao hơn so với Pietrain, tuy nhiên không có sự khác biệt thống kê giữa các giống.

Đến giai đoạn 2, chúng tôi tiến hành chuyển lợn vào các ô cá thể và phân lô với 3 mức ăn khác nhau cho mỗi loại giống. Mức ăn cao nhất là dựa theo khối lượng khuyến cáo của NRC là bình quân 2,58 kg/con/ngày. Trên cơ sở đó chúng tôi tiến hành định mức thức ăn cho các lô còn lại là 2,2 kg và 1,9 kg/con/ngày.
Bảng 3.1.2 Các chỉ tiêu theo dõi ở giai đoạn 50 – 100 kg của lợn Yorkshire

Chỉ tiêu

Lô 1 (2,58 kg)

Lô 2 (2,2 kg)

Lô 3 (1,9 kg)

Trọng lượng 180 ngày tuổi (kg/con)

99,9 ± 2,9a

97,3 ± 1,0b

94,6 ± 1,5c

Tăng trọng (g/ngày)

731,7 ± 57,9a

680,0 ± 37,5ab

661,7 ± 32,4b

Lượng thức ăn BQ/ngày (kg)

2,54

2,21

1,97

FCR (kg)

3,38

3,18

3,15

Năng lượng ăn vào (kcal ME)

7.874

6.851

6.107

Protein ăn vào (gam)

381

332

295

Dày mỡ lưng ở 180 ngày (mm)

11,7 ± 0,8a

11,2 ± 0,5ab

10,6 ± 0,6b

Tuổi lên giống lần đầu (ngày tuổi)

204,7 ± 1,8

201,8 ± 2,4

201,2 ± 2,7

* Các chữ khác nhau trong cùng một hàng biểu thị sự khác biệt thông kê P < 0,05

Đối với lợn cái giống Yorkshire ở mức ăn tự do (bảng 3.1.2), cho thấy lợn phát triển rất tốt, trọng lượng cuối kỳ của lô này cao hơn có ý nghĩa thống kê (P<0,05) so với lô 2 và lô 3, đồng thời trọng lượng cuối kỳ của lợn ở lô 3 cũng thấp hơn có ý nghĩa thống kê so với lô 2. Tương tự như sự khác biệt về trọng lượng của lợn giữa các mức ăn khác nhau, tăng trọng của lợn cũng có sự khác biệt giữa lô 1 và lô 3, tuy nhiên tăng trọng của lợn ở lô 2 không khác biệt thông kê so với lô 1 và lô 3. Tính bình quân cả giai đoạn này thì lợn ở lô 1 mỗi ngày thu nhận 7.874 kcal ME và 381 gam protein, lợn ở lô 2 thu nhận 6.851 kcal ME, 332 gam protein và lợn ở lô 3 thu nhận 6.107 kcal ME, 295 gam protein. Mặc dù lượng thức ăn khác nhau giữa các lô nhưng tiêu tốn thức ăn cho mỗi kg tăng trọng không có sự khác biệt thống kê.

Kết quả thí nghiệm cho thấy đối với lợn cái giống Yorkshire thì lượng thức ăn ăn vào có ảnh hưởng rõ rệt tới độ dày mỡ lưng. Dày mỡ lưng của lợn đo tại vị trí P2 ở thời điểm 180 ngày tuổi ở lô 1 cao hơn có ý nghĩa thống kê so với lô 3. Như vậy lượng dinh dưỡng trong thức ăn ngoài việc cung cấp đủ cho nhu cầu sinh trưởng thì lượng còn lại sẽ được tích lũy dưới dạng mỡ lưng. Độ dày mỡ lưng của lợn trong thí nghiệm này khác so với các kết quả của các tác giả khác như đối với lợn Yorkshire của Phùng Thị Vân và đồng tác giả (2006) là 7,6 – 10 mm, của Tăng Văn Lĩnh và đồng tác giả (2006) là 13,37 mm, của Nguyễn Thị Viễn và đồng tác giả (2006) là 10,37 mm, của Lê Phạm Đại và đồng tác giả (2006) là 10,8 – 11,2 mm. Có thể lượng dinh dưỡng cung cấp cho lợn khác nhau dẫn đến kết quả khác nhau về độ dày mỡ lưng của lợn giữa các nghiên cứu trong điều kiện khác nhau. Đồng thời việc cung cấp các mức dinh dưỡng khác nhau trong giai đoạn nuôi hậu bị đã có ảnh hưởng đến thời điểm lên giống lần đầu của lợn cái, kết quả theo dõi cho thấy lợn cái hậu bị giống Yorkshire cho ăn mức 2,54 kg thức ăn (7.874 kcal ME và 381 gam protein) có tuổi lên giống lần đầu ở 204,7 ngày nhưng khi cho ăn mức ăn thấp hơn như ở lô 2 (2,21 kg thức ăn – 6.851 kcal ME, 332 gam protein) và lô 3 (1,97 kg thức ăn – 6.107 kcal ME, 295 gam protein) thì tuổi lên giống lần đầu của lợn rút ngắn hơn khoảng 3 ngày. Kết quả theo dõi trên giống lợn Yorkshire tại Bình Thắng tương đương với các kết quả nghiên cứu trước đây của Phùng Thị Vân và đồng tác giả (2006) cho rằng tuổi lên giống lần đầu của lợn Yorkshire là từ 200 – 203 ngày. Tuy nhiên nếu so sánh ba mức ăn khác nhau của lợn cái hậu bị giống Yorkshire thì lô 2 với mức ăn 2,21 kg thức ăn – 6.851 kcal ME, 332 gam protein có thể trạng ở mức tốt nhất, không bị mập quá hay gầy quá, đồng thời tuổi lên giống lần đầu thấp hơn so với lô cho ăn tự do.

Đối với lợn giống Landrace (bảng 3.1.3), trọng lượng cuối kỳ ở lô ăn tự do cao hơn có ý nghĩa thống kê so với lô 2 và lô 3, tuy nhiên tính theo tăng trọng bình quân hàng ngày thì lô 2 (mức ăn 2,2 kg – 6.820 kcal ME và 330 gam protein) không khác biệt so với lô 1 và lô 3. Lượng dinh dưỡng thu nhận hàng ngày của lợn cái hậu bị giống Landrace ở các lô tương đương như đối với lợn Yorkshire.



Tuy nhiên khác với Yorkshire, hàm lượng dinh dưỡng thu nhận khác nhau của lợn cái Landrace trong thí nghiệm này không ảnh hưởng nhiều đến khả năng tích lũy mỡ dưới da biểu hiện qua độ dày mỡ lưng tại vị trí P2 ở thời điểm 180 ngày tuổi cho thấy không có sự khác biệt thống kê giữa ba lô từ 11,2 – 11,9 mm. Độ dày mỡ lưng của lợn cái hậu bị giống Landrace trong thí nghiệm này cũng khác so với kết quả nghiên cứu của Phùng Thị Vân và đồng tác giả (2006) là 8 – 9,4 mm, của Tăng Văng Lĩnh và đồng tác giả (2006) là 12,35 mm, của Nguyễn Thị Viễn và đồng tác giả (2006) là 10,66 mm và của Lê Phạm Đại và đồng tác giả (2006) là 10,8 – 11,1 mm. Một lần nữa có thể khẳng định rằng điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng khác nhau thì độ dày mỡ lưng của lợn khác nhau.
Bảng 3.1.3 Các chỉ tiêu theo dõi ở giai đoạn 50 – 100 kg của lợn Landrace

Chỉ tiêu

Lô 1 (2,58 kg)

Lô 2 (2,2 kg)

Lô 3 (1,9 kg)

Trọng lượng 180 ngày tuổi (kg/con)

100,1 ± 3,5a

96,6 ± 1,2b

94,5 ± 1,8b

Tăng trọng (g/ngày)

738,3 ± 80,1a

686,7 ± 59,7ab

650,0 ± 47,8b

Lượng thức ăn BQ/ngày (kg)

2,55

2,20

1,98

FCR (kg)

3,45

3,11

3,17

Năng lượng ăn vào (Kcal ME)

7.905

6.820

6.138

Protein ăn vào (gam)

383

330

297

Dày mỡ lưng ở 180 ngày (mm)

11,9 ± 0,7

11,7 ± 0,5

11,2 ± 0,5

Tuổi lên giống lần đầu (ngày tuổi)

212,3 ± 2,3

210,7 ± 4,1

210,6 ± 3,4

* Các chữ khác nhau trong cùng một hàng biểu thị sự khác biệt thông kê P < 0,05

Tương tự như lợn cái hậu bị giống Yorkshire, tuổi lên giống lần đầu ở lợn Landrace ở các lô cho ăn hạn chế đều thấp hơn so với lô cho ăn tự do gần 2 ngày (212,3 ngày so với 210,6 ngày). Kết quả theo dõi về tuổi lên giống lần đầu của lợn cái Landrace của chúng tôi thấp hơn so với nghiên cứu của Phùng Thị Vân và đồng tác giả (2006) cho rằng tuổi lên giống lần đầu của lợn Landrace từ 214 – 217 ngày. Giữa ba lô thí nghiệm này thì chúng tôi thấy lợn cái hậu bị ở lô 2 cho ăn mức 2,2 kg thức ăn (6.820 kcal ME và 330 gam protein) là đồng đều nhất. Phần lớn lợn cái ở lô này có thân hình khỏe, chân đứng thẳng, vững chắc.

Các kết quả theo dõi trên lợn giống Duroc (bảng 3.1.4) cho thấy trọng lượng và tăng trọng của lợn ở lô cho ăn tự do cao hơn có ý nghĩa thống kê so với các lô cho ăn hạn chế.
Bảng 3.1.4 Các chỉ tiêu theo dõi ở giai đoạn 50 – 100 kg của lợn Duroc

Chỉ tiêu

Lô 1 (2,58 kg)

Lô 2 (2,2 kg)

Lô 3 (1,9 kg)

Trọng lượng cuối kỳ (kg/con)

99,1 ± 2,3a

95,8 ± 1,2b

94,2 ± 0,9b

Tăng trọng (g/ngày)

738,3 ± 69,4a

670,0 ± 41,4b

650,0 ± 27,2b

Lượng thức ăn BQ/ngày (kg)

2,56

2,21

2,01

FCR (kg)

3,52

3,27

3,00

Năng lượng (Kcal ME/con)

7.933

6.851

6.231

Protein (gam/con)

384

332

301

Dày mỡ lưng ở 180 ngày (mm)

11,4 ± 0,4

11,2 ± 0,3

11,0 ± 0,5

Tuổi lên giống lần đầu (ngày)

205,8 ± 2,4

203,2 ± 2,8

202,9 ± 2,4

* Các chữ khác nhau trong cùng một hàng biểu thị sự khác biệt thông kê P < 0,05

Tương tự như kết quả trên lợn Landrace, hàm lượng dinh dưỡng ăn vào khác nhau ở lợn Duroc không có ảnh hưởng nhiều đến độ dày mỡ lưng của lợn, mặc dù độ dày mỡ lưng tại vị trí P2 của lợn ở các lô 2 và 3 thấp hơn so với lô 1, nhưng sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê. Tuổi lên giống lần đầu của lợn cái hậu bị giống Duroc cũng thấp hơn ở các lô cho ăn hạn chế so với lô ăn tự do. Như vậy hàm lượng dinh dưỡng thu nhận hàng ngày của lợn ở mức cao đã có tác động ảnh hưởng làm kéo dài tuổi lên giống lần đầu của lợn cái hậu bị.

Trọng lượng và tăng trọng của lợn cái hậu bị giống Pietrain (bảng 3.1.5) cũng có sự biến động tương tự như các giống Yorkshire, Landrace và Duroc, trọng lượng và tăng trọng của lợn ở các lô 2 và 3 đều thấp hơn có ý nghĩa thống kê so với lô cho ăn tự do, tuy nhiên độ dày mỡ lưng ở 180 ngày tuổi lại không có sự khác biệt giữa các lô.
Bảng 3.1.5 Các chỉ tiêu theo dõi ở giai đoạn 50 – 100 kg của lợn Pietrain

Chỉ tiêu

Lô 1 (2,58 kg)

Lô 2 (2,2 kg)

Lô 3 (1,9 kg)

Trọng lượng cuối kỳ (kg/con)

98,2 ± 1,6a

95,4 ± 1,2b

94,3 ± 1,8b

Tăng trọng (g/ngày)

738,3 ± 43,1a

686,7 ± 39,9b

661,7 ± 38,5b

Lượng thức ăn BQ/ngày (kg)

2,51

2,18

1,92

FCR (kg)

3,50

3,09

2,78

Năng lượng (Kcal ME/con)

7.781

6.758

5.952

Protein (gam/con)

377

327

288

Dày mỡ lưng ở 180 ngày (mm)

9,6 ± 0,4

9,3 ± 0,5

9,2 ± 0,7

Tuổi lên giống lần đầu (ngày)

196,9 ± 1,9

194,9 ± 3,1

194,6 ± 2,6

* Các chữ khác nhau trong cùng một hàng biểu thị sự khác biệt thông kê P < 0,05

Tuổi lên giống lần đầu ở các lô 2 và 3 đều thấp hơn so với lô 1, kết quả nghiên cứu này tương tự như kết luận của Lê Phạm Đại và đồng tác giả (2006) cho rằng tuổi lên giống lần đầu của lợn Pietrain từ 190 – 200 ngày.



Nhận xét

- Đối với lợn cái hậu bị ở giai đoạn sinh trưởng 20 – 50 kg nên cho lợn ăn ở chế độ ăn tự do để đáp ứng đủ dinh dưỡng cho nhu cầu sinh trưởng với thức ăn có giá trị dinh dưỡng là 3.200 kcal ME và 18% protein.

- Đối với lợn cái hậu bị giai đoạn 50 – 100 kg nên cho lợn ăn mức bình quân 2,2 kg/con/ngày cho tất cả các giống Yorkshire, Landrace, Duroc và Pietrain với thức ăn có giá trị dinh dưỡng là 3.100 kcal ME và 15% protein
3.2 Nghiên cứu ảnh hưởng của khẩu phần và chế độ ăn đến năng suất sinh sản của lợn nái hậu bị giống cao sản giai đoạn mang thai lứa thứ nhất

Sau khi phối giống đậu thai thì lợn được chuyển đến chuồng cá thể và phân vào các lô thí nghiệm. Kết quả theo dõi ở lô 1 (bảng 3.2.1) cho ăn bình quân 2,2 kg/con/ngày (308 gam prtein và 6.160 kcal ME) cho thấy do đặc điểm của từng giống khác nhau mà độ dày mỡ lưng cũng khác nhau, lợn giống Pietrain có độ dày mỡ lưng thấp nhất cả trước khi phối giống và trước khi sinh.


Bảng 3.2.1 Các chỉ tiêu theo dõi trên lô 1

Chỉ tiêu

Yorkshire

Landrace

Duroc

Pietrain

Dày mỡ lưng khi phối (mm)

11,7 ± 0,5

11,9 ± 0,5

11,9 ± 0,6

10,2 ± 0,5

Dày mỡ lưng trước khi sinh (mm)

18,1 ± 0,7

18,4 ± 0,7

17,2 ± 0,6

16,0 ± 0,8

Số con sơ sinh (con)

10,7 ± 1,2

10,4 ± 1,6

9,6 ± 1,2

8,9 ± 1,1

Số con sơ sinh còn sống (con)

10,3 ± 0,9

10,1 ± 1,3

9,2 ± 0,6

8,7 ± 0,8

Trọng lượng sơ sinh (kg)

1,66 ± 0,1

1,69 ± 0,1

1,75 ± 0,5

1,6 ± 0,7

Số con sơ sinh, số con sơ sinh còn sống và trọng lượng sơ sinh tương đương các kết quả nghiên cứu trước đây của Nguyễn Thị Viễn và đồng tác giả (2006), Lê Phạm Đại và đồng tác giả (2006), Phùng Thị Vân và đồng tác giả (2006). Hầu hết các nghiên cứu trước đây đều khẳng định rằng sự tăng trưởng của thai diễn ra trong nửa cuối của kỳ mang thai, nhưng các nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Mỹ cho thấy, việc tích luỹ protein chỉ tăng tốc sau khoảng 70 ngày mang thai. Như vậy nếu nuôi dưỡng bằng khẩu phần có mức protein "trung bình" trong suốt kỳ mang thai sẽ tạo ra dư thừa protein trong thời kỳ đầu và mất cân bằng protein trong kỳ cuối mang thai.

Chính vì vậy ở lô thí nghiệm 2, chúng tôi đã tăng mức dinh dưỡng cho lợn bắt đầu từ ngày mang thai thứ 71 trở đi cho đến khi sinh với mức thức ăn là 2,8 kg/con/ngày, hàm lượng dinh dưỡng cung cấp cho lợn là 392 gam protein và 7.840 kcal ME.

Kết quả ghi nhận được (bảng 3.2.2) cho thấy khi tăng mức ăn cho lợn ở giai đoạn cuối nhưng vẫn không ảnh hưởng đến khả năng tích lũy mỡ, tức là độ dày mỡ lưng không khác nhiều so với mức ăn trung bình suốt thời kỳ mang thai, số con sơ sinh và số con còn sống cũng không bị ảnh hưởng bởi hàm lượng dinh dưỡng nhưng trọng lượng sơ sinh của lợn đã có sự cải thiện đáng kể.


Bảng 3.2.2 Các chỉ tiêu theo dõi trên lô 2

Chỉ tiêu

Yorkshire

Landrace

Duroc

Pietrain

Số con theo dõi (con)

10

10

10

10

Dày mỡ lưng khi phối (mm)

11,8 ± 0,4

11,8 ± 0,4

11,6 ± 0,3

103 ± 0,3

Dày mỡ lưng trước khi sinh (mm)

18,7 ± 0,5

18,8 ± 0,5

17,7 ± 0,4

16,7 ± 0,6

Số con sơ sinh (con)

10,8 ± 1,0

10,6 ± 1,2

9,4 ± 0,8

8,8 ± 0,8

Số con sơ sinh còn sống (con)

10,3 ± 0,8

10,2 ± 1,0

9,1 ± 0,9

8,7 ± 0,7

Trọng lượng sơ sinh (kg)

1,71 ± 0,04

1,72 ± 0,03

1,76 ± 0,04

1,68 ±0,04

Như vậy có thể nhận xét rằng tăng hàm lượng dinh dưỡng cho lợn nái mang thai lứa thứ nhất từ ngày thứ 71 trở đi đã có tác dụng tốt cho việc tăng khả năng tích lũy protein ở lợn con. Lợn con sinh ra khỏe mạnh và chắc chắn sẽ có lợi trong quá trình tăng trưởng sau này.


3.3 Nghiên cứu ảnh hưởng của khẩu phần và chế độ ăn đến năng suất sinh sản của lợn nái hậu bị giống cao sản giai đoạn nuôi con lứa thứ nhất

Tiếp theo thí nghiệm 2, chúng tôi tiến hành sử dụng tiếp số lợn của thí nghiệm 2 vào thí nghiệm 3. Thí nghiệm gồm 2 lô cho cả 4 giống, mỗi lô 10 nái nuôi con. Tổng số 80 lợn nái sinh sản được sử dụng trong thí nghiệm này. Ở lô thí nghiệm 1 với mục đích cho lợn mẹ ăn thỏa mãn nhu cầu vừa cho tăng trưởng vừa cho tạo sữa, mặc dù chế độ cho ăn tự do nhưng lượng thức ăn thu nhận được của lợn mẹ cũng không khác nhiều so với cho ăn theo định mức, tuy nhiên lượng thức ăn ăn vào có sự khác biệt nhau giữa các giống, lợn nái giống Yorkshire và Landrace có số con theo mẹ nhiều hơn do đó lượng thức ăn ăn vào cao hơn so với lợn nái Duroc và Pietrain.


Bảng 3.3.1 Các chỉ tiêu theo dõi trên lô 1

Chỉ tiêu

Yorkshire

Landrace

Duroc

Pietrain

Số con sơ sinh (con)

10,3 ± 0,9

10,1 ± 1,3

9,2 ± 0,6

8,7 ± 0,8

Trọng lượng sơ sinh (kg)

1,66 ± 0,1

1,69 ± 0,1

1,75 ± 0,5

1,6 ± 0,7

Thức ăn bình quân (kg)

5,2 ± 0,4

5,1 ± 0,4

4,9 ± 0,3

4,6 ± 0,3

Số con cai sữa (con)

10,0 ± 0,7

9,7 ± 0,8

9,0 ± 0,5

8,5 ± 0,5

Trọng lượng cai sữa (kg)

7,1 ± 0,3

7,2 ± 0,3

7,4 ± 0,2

6,8 ± 0,2

Dày mỡ lưng khi cai sữa (mm)

12,1 ± 0,4

12,4 ± 0,4

12,2 ± 0,5

10,6 ± 0,6

Thời gian động dục lại (ngày)

5,8 ± 1,2

6,1 ± 1,5

5,6 ± 1,5

5,5 ± 1,4

Mặc dù lượng thức ăn cung cấp cho lợn nái là không khống chế nhưng lợn mẹ vẫn phải huy động một lượng lớn năng lượng từ mỡ lưng, chính vì vậy mà độ dày mỡ lưng của lợn mẹ giảm đáng kể so với trước khi sinh. Kết quả này cũng phù hợp với nhiều nghiên cứu trước đây cho rằng trong giai đoạn nuôi con thì dày mỡ lưng của lợn mẹ giảm khoảng 7 mm là tốt nhất. Thời gian động dục lại không có sự khác nhau nhiều giữa các giống.

Kết quả theo dõi các chỉ tiêu trên lô 2 (bảng 3.3.2) được cho ăn với định mức 2,5 kg cho lợn mẹ + 0,25 kg x số con theo mẹ. Tuy nhiên kết quả ghi nhận được thì không có sự khác biệt giữa chế độ cho ăn tự do và chế độ cho ăn theo định mức.

Các chỉ tiêu về số con cai sữa, trọng lượng cai sữa, dày mỡ lưng khi cai sữa và thời gian động dục lại sau khi cai sữa cũng không có sự khác biệt giữa lô cho ăn tự do và cho ăn theo định mức. Như vậy, khi cung cấp đầy đủ và hợp lý chất dinh dưỡng cho lợn nái đã có ảnh hưởng tốt đến trọng lượng sơ sinh của lợn con, từ đó lợn con sinh ra khỏe mạnh, thích ứng nhanh chóng với môi trường mới, đồng thời lượng dinh dưỡng từ nguồn sữa mẹ đầy đủ giúp cho lợn con theo mẹ sinh trưởng phát triển tốt, chính vì vậy lợn ít bị bệnh tật, dẫn đến số con cai sữa và trọng lượng cai sữa của lợn được nâng cao.


Bảng 3.3.2 Các chỉ tiêu theo dõi trên lô 2

Chỉ tiêu

Yorkshire

Landrace

Duroc

Pietrain

Số con sơ sinh (con)

10,3 ± 0,8

10,2 ± 1,0

9,1 ± 0,9

8,7 ± 0,7

Trọng lượng sơ sinh (kg)

1,71 ± 0,04

1,72 ± 0,03

1,76 ± 0,04

1,68 ±0,04

Thức ăn bình quân (kg)

5,2 ± 0,4

5,1 ± 0,3

4,9 ± 0,2

4,5 ± 0,2

Số con cai sữa (con)

9,9 ± 0,7

9,8 ± 0,6

8,8 ± 0,6

8,4 ± 0,4

Trọng lượng cai sữa (kg)

7,2 ± 0,3

7,2 ± 0,2

7,3 ± 0,2

6,8 ± 0,2

Dày mỡ lưng khi cai sữa (mm)

12,5 ± 0,5

12,6 ± 0,5

12,4 ± 0,6

11,0 ± 0,8

Thời gian động dục lại (ngày)

5,6 ± 1,2

5,8 ± 1,1

6,3 ± 1,2

6,0 ± 0,8

Đối với lợn nái giống cao sản nuôi con lứa thứ nhất có thể áp dụng chế độ cho ăn tự do hoặc để tránh hao hụt thức ăn do rơi vãi ở chế độ ăn tự do thì chúng ta nên căn cứ theo số lợn con theo mẹ mà tính định mức cho ăn 2,5 kg cho mẹ + 0,25 kg x số con theo mẹ. Tức là bình quân mỗi ngày trong giai đoạn nuôi con thì lợn nái nuôi con lứa thứ nhất có thể cho ăn mức từ 4,6 kg cho lợn nái giống Pietrain (12.880 kcal ME và 644 gam protein) đến 5,2 kg cho lợn nái giống Yorkshire (14.560 kcal ME và 728 gam protein). Kết quả nghiên cứu này cho thấy lượng dinh dưỡng mà lợn nái ăn vào thấp hơn so với khuyến cáo của NRC 1998 là từ 14.060 – 20.895 kcal ME và 702,5 – 1.178 gam protein thô



4. KẾT LUẬN VÀ ĐỀ NGHỊ

4.1 Kết luận

1 - Lợn cái hậu bị giống cao sản ở giai đoạn sinh trưởng 20 – 50 kg nên cho ăn ở chế độ ăn tự do để đáp ứng đủ dinh dưỡng cho nhu cầu sinh trưởng với thức ăn có giá trị dinh dưỡng là 3.200 kcal ME và 18% protein.

2 - Lợn cái hậu bị giống cao sản ở giai đoạn 50 – 100 kg nên cho ăn mức bình quân 2,2 kg/con/ngày với thức ăn có giá trị dinh dưỡng là 3.100 kcal ME và 15% protein

3 - Lợn cái hậu bị giống cao sản mang thai lứa thứ nhất nên cho ăn 2,2 kg thức ăn/ngày từ khi phối giống đậu thai đến hết ngày mang thai thứ 70 (308 gam prtein và 6.160 kcal ME), từ ngày mang thai thứ 71 trở đi nên cho ăn mức 2,8 kg thức ăn/ngày (392 gam protein và 7.840 kcal ME).

4 - Lợn nái giống cao sản nuôi con lứa thứ nhất nên căn cứ theo số lợn con theo mẹ mà tính định mức cho ăn 2,5 kg cho mẹ + 0,25 kg x số con theo mẹ. Tức là bình quân mỗi ngày trong giai đoạn nuôi con thì lợn nái nuôi con lứa thứ nhất có thể cho ăn mức từ 4,6 kg cho lợn nái giống Pietrain (12.880 kcal ME và 644 gam protein) đến 5,2 kg cho lợn nái giống Yorkshire (14.560 kcal ME và 728 gam protein).
4.2 Đề nghị

- Áp dụng các kết quả nghiên cứu cho các cơ sở chăn nuôi lợn nái thuần giống cao sản

- Cần tiếp tục được đầu tư nghiên cứu trên đối tượng là lợn giống bố mẹ chuyên sản xuất lợn con nuôi thương phẩm


EFFECTS OF NUTRITION AND DIETS ON REPRODUCTIVE OF HIGH PERFORMANCE GILTS

Pham Tat Thang, Tran Van Khanh, Tran Van Hao

SUMMARY

This study aims to determine the effect of nutrition and diets on reproductive of high performance gilts at Binh Thang Training and Reseach Center. The research include 3 experiments: (1) “Effects of nutrition and diets on growth and maturity of high performance gilts”. Total 120 young gilts Yorkshire, Landrace, Duroc, Pietrain at 60 day old with an average of 20 kg body weight were used in this experiment; (2) “Effects of nutrition and diets on the first pregnant”. Total 80 first pregnant Yorkshire, Landrace, Duroc, Pietrain were used in this experiment; (3) “Effects of nutrition and diets on the first lactation”. Total 80 first lactation Yorkshire, Landrace, Duroc, Pietrain were used in this experiment. Results showed that, the young gilts in first period (20 – 50 kg) would be best to feed ad libitum with 3200 kcal ME and 18% crud protein per 1 kg feed, in second period (50 – 100 kg) would be best to feed average 2.2 kg feed/pig/day with 3100 kcal ME and 15% crud protein per 1 kg feed. The first pregnant would be best to feed average 2.2 kg feed/pig/day (308 gr crud protein and 6160 kcal ME) since breeding to 70th pregnant, since 71th pregnant to farrowing would be best to feed average 2.8 kg feed/pig/day (392 gr crud protein and 7840 kcl ME). The first lactation would be best to feed 2.5 kg + (0.25 kg x number piglets) with 3000 kcal ME and 16% crud protein per 1 kg feed



Key words: Gilts, feed
TÀI LIỆU THAM KHẢO

Crenshaw, J.D., 1990. Feeding gilts to enhance lactational performance. In: North central swine conference, March 14 Fargo, North Dakata State University, pp. 33-40.

Lê Phạm Đại, Nguyễn Ngọc Hùng, Vũ Thị Lan Phương, Lê Hải Kỳ và Trần Văn Hào, 2006. Khả năng thích nghi của một số giống lợn nhập nội nuôi tại Trung Tâm Bình Thắng. Báo cáo Hội nghị Khoa Học Viện KHKTNN Miền Nam, tp HCM, 5/2006.

Klindt, J., Yen, J.T., and R.K. Christenson., 1998. Effect of pattern of prepubertal feed level on reproductive development of gilts. J. Anim. Sci., 76 (Suppl 1.2): 51.

Tăng Văn Lĩnh, Đặng Đình Tháp, Nguyễn Văn Bung, Nguyễn Thị Hường, Trần Thị Nhung. (2006), Chọn lọc tạo dòng lợn nái Yorkshire và Landrace thuần cao sản và nhóm lai (LY, YL) cho khả năng sản xuất cao tại Công ty Lợn giống miền Bắc”. Báo cáo tổng kết đề tài “Nghiên cứu chọn tạo nhóm lợn cao sản và xác định các tổ hợp lai thích hợp trong hệ thống giống” – Thuộc Chương trình nghiên cứu chọn lọc tạo giống cây trồng nông lâm nghiệp và giống vật nuôi. Trang 56-64.

Park, C.S., Erickson, G.M., Choi, Y.J., Marx, G.D., 1987. Effect of compensatory growth on regulation of growth and lactation: Response of dõietary heifers to a stair –step growth pattern. J. Anim. Sci. 64, 1751-1758.

Sorensen, M.T., Jorgenson, B., and Danielsen. V., 1993. Dõifferent feedõing intensity of young gilts: effect on growth, milk yield, reproduction, leg soundness, and longevity. Report No. 14/1993, National institute of Animal Science, Denmark.

Phùng Thị Vân, Phạm Thị Kim Dung, Lê Thị Kim Ngọc, Hoàng Thị Nghệ, Phạm Duy Phẩm, Phạm Thị Thúy. (2006), Nghiên cứu chọn lọc nhóm huyết thống cao sản Landrace và Yorkshire. Báo cáo tổng kết đề tài “Nghiên cứu chọn tạo nhóm lợn cao sản và xác định các tổ hợp lai thích hợp trong hệ thống giống” – Thuộc Chương trình nghiên cứu chọn lọc tạo giống cây trồng nông lâm nghiệp và giống vật nuôi. Tr. 48-55



Nguyễn Thị Viễn, Nguyễn Hồng Nguyên, Lê Thị Tố Nga, Vũ Thị Lan Phương, Đoàn Văn Giải, Võ Đình Đạt (2006), Năng suất sinh sản của nái tổng hợp giữa hai nhóm giống Yorkshire và Landrace. Báo cáo tổng kết đề tài “Nghiên cứu chọn tạo nhóm lợn cao sản và xác định các tổ hợp lai thích hợp trong hệ thống giống” – Thuộc Chương trình nghiên cứu chọn lọc tạo giống cây trồng nông lâm nghiệp và giống vật nuôi. Trang 129-138.



1 Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi Heo Bình Thắng (Phân Viện Chăn nuôi Nam Bộ)

Tác giả để liên hệ: TS. Phạm Tất Thắng, Giám đốc Trung tâm. Địa chỉ: phường Bình Thắng, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Điện thoại: 0650-3749269 / 0903127781. Email: phamtatthangias@yahoo.com






tải về 200.5 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương