Ảnh hưỞng của chủ nghĩa hiệN ĐẠI ĐẾn văn học nghệ thuật trên thế giới và việt nam



tải về 2.58 Mb.
trang1/4
Chuyển đổi dữ liệu20.04.2018
Kích2.58 Mb.
#36986
  1   2   3   4


ẢNH HƯỞNG CỦA CHỦ NGHĨA HIỆN ĐẠI

ĐẾN VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TRÊN THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM

NGUYỄN VĂN DÂN (*)

1. Trên bình diện thế giới

Lịch sử thế giới cho thấy các trào lưu hiện đại chủ nghĩa đã có vai trò không nhỏ cho sự phát triển của văn học nghệ thuật nhân loại. Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, văn học nghệ thuật thế giới đã phát triển rất phong phú và đa dạng, chính là nhờ có công đóng góp của các chủ nghĩa hiện đại. Ở nhiều nước, thơ ca và tiểu thuyết đương đại đã mang một bộ mặt mới. Thơ tự do phát triển mạnh hơn bao giờ hết. Tiểu thuyết không còn quay lại với mô hình của tiểu thuyết hiện thực cổ điển. Trong nghệ thuật tạo hình, không ít người cho đến nay vẫn say mê sáng tác theo phong cách của chủ nghĩa biểu hiện, siêu thực, vị lai và lập thể... Còn Phong cách quốc tế trong kiến trúc thì vẫn đang lan rộng ra toàn thế giới. Có thể nói, di sản của các chủ nghĩa hiện đại vẫn không mất đi chỗ đứng của chúng và đang được phát huy giá trị một cách tối đa.

Lĩnh vực âm nhạc cũng có sự biến đổi bởi tác động của phong trào tiên phong. Trong lĩnh vực nhạc nhẹ, tốc độ và nhịp điệu mạnh đang trở thành đặc trưng của các bài ca, làm xuất hiện những loại hình nhạc nhẹ mới như nhạc pop, nhạc rock... Còn trong lĩnh vực khí nhạc, trường phái âm nhạc phi điệu thức [tiếng Anh: “atonality”], xuất hiện từ đầu thế kỷ XX với tư cách là một trường phái âm nhạc trong phong trào tiên phong, với đại diện là Arnold Schoenberg, Anton von Webern và Alban Berg, Igor Stravinsky, Bela Bartok, Iannis Xenakis... vẫn tiếp tục có ảnh hưởng trong âm nhạc của nhiều nước.

Nhưng, đặc biệt là chúng ta phải nói đến sự ảnh hưởng của chủ nghĩa siêu thực đối với chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Mỹ Latin.



Chúng ta biết rằng từ khoảng giữa thế kỷ XX, ở các nước Mỹ Latin đã xuất hiện một hiện tượng được gọi là sự bùng nổ của tiểu thuyết hiện thực huyền ảo. Đây là một hiện tượng văn học độc đáo trên bình diện thế giới và đã đem lại ba giải Nobel Văn học cho khu vực Mỹ Latin trong số năm giải Nobel Văn học của khu vực này, với tên tuổi của Asturias (Guatemala), Garcia Marquez (Columbia) và Llosa (Peru). Các tiểu thuyết gia Mỹ Latin đã biết khai thác các yếu tố dân gian địa phương và tiếp thu các thành tựu của chủ nghĩa hiện đại thuộc phong trào tiên phong để làm nên nét độc đáo Mỹ Latin trong tiểu thuyết. Trong số các thành tựu của chủ nghĩa hiện đại, các tiểu thuyết gia Mỹ Latin đã quan tâm đặc biệt đến chủ nghĩa siêu thực. Kết hợp với các yếu tố dân gian địa phương, thi pháp siêu thực đã giúp các nhà văn Mỹ Latin sáng tạo ra những tác phẩm làm cho châu Âu và cả thế giới phải kinh ngạc. Trong tinh thần này, các nhà nghiên cứu đã nói đến sự ảnh hưởng của chủ nghĩa siêu thực đối với toàn bộ tiểu thuyết Mỹ Latin hiện đại. Nhà nghiên cứu A. Ocampo (Mexico) khẳng định: “M. Asturias là người đầu tiên biến đổi những nguyên tắc của trường phái siêu thực thành chủ nghĩa hiện thực huyền ảo.”1 Còn nhà nghiên cứu G. Langoski (Hoa Kỳ) thì cho rằng chủ nghĩa siêu thực đã ảnh hưởng đến toàn bộ tiểu thuyết Mỹ Latin hiện đại. Ông liệt kê các đặc điểm của chủ nghĩa siêu thực được biểu hiện trong tiểu thuyết Mỹ Latin như sau: 1. Tinh thần nổi loạn chống lại những quy tắc của tiểu thuyết truyền thống; 2. Sự tìm kiếm cái kỳ diệu do việc đi sâu vào lĩnh vực của cái vô thức; 3. Tính ẩn dụ nổi bật và tính hình tượng đi kèm theo sự rối rắm về cú pháp; 4. Sự sùng bái tính phi lý và hài hước cay độc, tính biểu tượng, tính phi logic; 5. Lối tự sự biến hiện thực thành phi hiện thực; 6. Những thủ pháp tu từ đặc biệt, như hồi cố, lối dựng cảnh của điện ảnh...; 7. Việc sử dụng thời gian phi tuyến...2 Mặc dù có người, như J. Joyce và P. Trigo, không công nhận sự ảnh hưởng của chủ nghĩa siêu thực và cho rằng chủ nghĩa hiện thực huyền ảo là thuộc tính riêng của tiểu thuyết Mỹ Latin chứ hoàn toàn không phải là sự vay mượn từ chủ nghĩa hiện đại, nhưng chúng tôi cho rằng khả năng ảnh hưởng của chủ nghĩa siêu thực, và thậm chí của cả những thủ pháp khác trong lịch sử tiểu thuyết, như thủ pháp nghịch dị, thủ pháp khai thác cái xa lạ của chủ nghĩa lãng mạn, đều có thể xảy ra đối với tiểu thuyết Mỹ Latin. Nhưng những yếu tố đó đã được các tiểu thuyết gia Mỹ Latin kết hợp tài tình với cái “hiện thực kỳ diệu” của mảnh đất Mỹ Latin đặc biệt của họ. Sự kết hợp đó đã làm nên chủ nghĩa hiện thực huyền ảo có sức hấp dẫn toàn thế giới. Có thể nói, sự ảnh hưởng của chủ nghĩa siêu thực là điều hiển nhiên, về điều này, chính bản thân các nhà văn Mỹ Latin cũng đã thừa nhận. Đây là lời tuyên bố của nhà văn Cuba A. Carpentier: “Chủ nghĩa siêu thực đã mài sắc cái nhìn của tôi vào thực tại Mỹ Latin, nó giúp tôi phát hiện ra cái thực tại kỳ diệu của cuộc sống.”3 Nhà văn được giải Nobel Garcia Marquez cũng khẳng định: “Tại Mexico, chủ nghĩa siêu thực tràn ngập đường phố. Chủ nghĩa siêu thực bắt nguồn trực tiếp từ hiện thực của châu Mỹ Latin.”4 Và có một điều chúng ta cần nhấn mạnh là: ở đây, sự ảnh hưởng của chủ nghĩa siêu thực nói riêng và của chủ nghĩa hiện đại nói chung diễn ra không phải theo chiều hướng tiếp nhận thụ động của các nhà văn Mỹ Latin, mà các nhà văn này đã đến với chủ nghĩa hiện đại một cách chủ động và tự tin. Chính vì thế mà, trước câu hỏi “Nếu như có điều kiện để viết lại những tác phẩm ấy thì ông cần viết lại với những cách thức cũ?”, Carpentier đã trả lời một cách dứt khoát và rành rọt: “Nếu cần phải viết lại các cuốn Vương quốc trần gian, Những dấu ấn đã mất, Thế kỷ ánh sáng, có nghĩa là toàn bộ tác phẩm của tôi kể từ Cuộc du lịch trở về hạt giống, tôi sẽ viết với chính cách viết cũ mà không thêm hoặc bớt một dấu phẩy.”5

Những ví dụ trên đây về tiểu thuyết Mỹ Latin cho thấy chủ nghĩa hiện đại đã có tầm ảnh hưởng vượt xa như thế nào.



Ngoài ra, chúng ta cũng không thể không nói đến sức hấp dẫn của văn học phi lý. Mặc dù chúng tôi nói rằng văn học phi lý là hiện tượng văn học khó có thể lặp lại, nhưng không phải vì thế mà nó không có ảnh hưởng trên văn đàn thế giới. Người ta đã nói tới một thế hệ các nhà văn phi lý “hậu duệ”, là những người chỉ dễ dàng tiếp nhận một số sơ đồ cấu trúc và những khuôn sáo tu từ dễ bắt chước. Cái tầng lớp hậu duệ ấy không phải là những nhà văn phi lý đích thực, bởi lẽ họ không xuất phát từ những cảm nhận thực tế khách quan, từ những thôi thúc nội tâm; nói ngắn gọn, họ không sáng tác dưới sự quy định của điều kiện lịch sử - xã hội, không chịu sự quy định của cuộc khủng hoảng xã hội như các nhà văn phi lý đích thực kia. Nói như thế là vì chúng tôi cho rằng văn học phi lý gắn liền với sự khủng hoảng xã hội của nửa đầu thế kỷ XX. Còn thế hệ hậu duệ, cho dù có tiếp thu các thủ pháp của văn học phi lý thì cũng không thể gọi họ là các nhà văn phi lý, bởi lẽ họ không phải chịu sự quy định của hoàn cảnh xã hội như hoàn cảnh xã hội đầu thế kỷ XX. Cho nên, những gì họ tiếp thu từ văn học phi lý chỉ có thể được gọi là những dư âm của loại hình văn học này. Điều này có thể nhận thấy được ở hầu hết các nước châu Âu và ở một số nước châu Á. Ở đây nữa, với việc văn học phi lý ảnh hưởng đến châu Á, chúng ta lại thấy văn học hiện đại có tầm ảnh hưởng xa đến mức nào.

Ví dụ ở Trung Quốc, ảnh hưởng của các loại văn học hiện đại chủ nghĩa đã diễn ra khá sớm ngay từ những năm 1950 với sự xuất hiện của loại tiểu thuyết “dòng chảy ý thức” của Vương Mông [Wang Meng]. Tất nhiên hồi đó Vương Mông đã bị phê phán kịch liệt và bị xếp vào hàng ngũ các phần tử cánh hữu. Đến năm 1979 ông được phục hồi và tác phẩm của ông đã dọn đường cho sự “đa dạng hóa” văn học sau này ở giai đoạn văn học thời kỳ mới của Trung Quốc.

Từ năm 1978, văn học hiện sinh chủ nghĩa và “tiểu thuyết mới” của Pháp bắt đầu được giới thiệu ở Trung Quốc. Tiếp theo đó là một loạt các bài báo của các tác giả thuộc các trường phái văn học hiện đại chủ nghĩa phương Tây bắt đầu được dịch và đăng trên các tạp chí và trên các bản tin khoa học của các trường đại học ở Trung Quốc, dẫn đến kết quả là từ những năm 1980, giới văn học Trung Quốc bắt đầu hiểu rõ hơn về văn học hiện đại chủ nghĩa, qua đó làm thay đổi môi trường văn hóa Trung Quốc và làm xuất hiện một thế hệ nhà văn mới theo xu hướng hiện đại chủ nghĩa. Đại diện cho thế hệ này là các tiểu thuyết gia Liu Suola, Can Xue và Xu Xing.

Ở thế hệ các nhà văn này, ta có thể thấy dư âm của các thủ pháp của kịch phi lý và của “tiểu thuyết mới” thể hiện khá rõ. Nhân vật chính của Liu Suola và Can Xue là những người cảm nhận được những điều dối trá của thực tại, họ sống trong những xó xỉnh của xã hội, chế nhạo những ý tưởng, những giá trị và những lối sống đang thịnh hành. Còn hiện thực trong tác phẩm của Xu Xing thì đầy những điều phi lý, xấu xa và hiểm độc. Thói độc ác xấu xa trần trụi được mô tả bằng những hình tượng rối loạn và bằng những biến cố phi logic.

Ảnh hưởng của văn học phi lý còn thể hiện ở một trào lưu hiện đại chủ nghĩa khác nữa của văn học Trung Quốc là trào lưu được gọi là “văn học tiên phong”, hay còn gọi là “văn học thực nghiệm”, xuất hiện vào nửa cuối những năm 1980. Đại diện cho trào lưu này là Song Ganglu, Ma Yuan [Mã Nguyên], Su Tong [Tô Đồng], Yu Hua [Dư Hoa] và Ge Fei [Cách Phi]. Trào lưu này chối bỏ bối cảnh của hiện thực lịch sử, mục tiêu cuối cùng của họ là mô tả sự việc hoàn toàn không có quan hệ gì đến lịch sử. Nhà văn Song Ganglu đã tuyên bố: “Ngôn ngữ phải phục tùng cấu trúc chứ không phục tùng ngữ nghĩa.”6 Tuy nhiên, những trào lưu bắt chước theo các mô hình hiện đại và siêu hiện đại chủ nghĩa như vậy đã không có được một công chúng rộng rãi, bởi vì tầm đón nhận của công chúng Trung Quốc chưa đạt tới trình độ ngang bằng với tầm đón nhận của các nhà văn nói trên, giữa họ không có sự cộng hưởng về cảm quan nghệ thuật, cho nên cuối cùng nhiều người trong số các nhà văn nói trên đã phải từ bỏ chủ nghĩa hiện đại để gia nhập một trào lưu mới là văn học hiện thực mới.7

Văn học phi lý cũng in dấu ấn ở các nhà văn thuộc loại hiện đại nhất cuối thế kỷ XX. Trong cuốn tiểu thuyết Linh Sơn (“Núi Hồn”, bắt đầu viết từ năm 1982 tại Bắc Kinh, hoàn thành năm 1989 tại Paris) của Cao Hành Kiện, nhà văn Pháp gốc Trung Quốc - giải Nobel Văn học năm 2000 -, chúng ta có thể thấy bóng dáng của Kafka, Beckett, Ionesco. Các nhân vật chính trong Linh Sơn không hề có tên, họ chỉ được xác định bằng các đại từ nhân xưng: “mi”, “ta”, “nàng”, “hắn”. Nhân vật chính đi tìm Linh Sơn mà không hề biết Linh Sơn ở đâu, thậm chí cũng không biết liệu có tồn tại một Linh Sơn thật hay không, chẳng khác gì anh nhân viên trắc địa K. của Kafka đi tìm tòa “lâu đài” bí ẩn, chẳng khác gì các nhân vật của Beckett đi tìm Godot mà không biết liệu có tồn tại một ông Godot thật hay không. Giống như trong văn học phi lý, nhân vật của Cao Hành Kiện cũng là những kẻ cô đơn, tha hóa, xa lạ, trở thành như một đồ vật.

Cao Hành Kiện cũng tiếp thu cả các thủ pháp của trào lưu tiểu thuyết mới. Nhân vật của ông được gọi giống như của Michel Butor - một nhà văn đại diện cho tiểu thuyết mới. Trong cuốn tiểu thuyết Bỏ lại ý đồ [“La Modification”] của Butor, nhân vật chính của Butor cũng được gọi là mi [“toi”]. Và giống như trong Bỏ lại ý đồ, các đoạn văn trong Linh Sơn đôi chỗ cũng xuống dòng sau dấu phảy và không viết hoa. Nhưng có một điều mới là ở đây Cao Hành Kiện còn tiếp thu cả kỹ thuật dòng chảy ý thức của Proust để mô tả các diễn biến trong tâm lý, tâm linh. Có thể gọi tiểu thuyết của Cao Hành Kiện là “tiểu thuyết tâm linh”, với cuộc kiếm tìm vô vọng của hai nhân vật chính: “mi” đi tìm cội nguồn tâm linh - hiện thân bởi “Linh Sơn” - và “ta” đi tìm cội nguồn dân gian. Cũng có thể nói, một mặt Cao Hành Kiện đã làm một cuộc hành trình ngược trở về với cội nguồn dân gian để đi tìm tâm linh, và mặt khác ông đi tìm cội nguồn dân gian để mô tả diễn biến của cái tâm linh hiện tại. Sự đan xen giữa hiện tại và hồi ức quá khứ như thế làm cho tác phẩm của nhà văn có thể được xếp vào một trào lưu “siêu hiện đại” mà ngày nay nhiều người đang muốn gán cho nó một cái nhãn thời thượng là “chủ nghĩa hậu hiện đại”. Thủ pháp đan xen hồi ức ấy ta có thể bắt gặp ở nhà văn Pháp gốc Tiệp [Séc] Milan Kundera với tiểu thuyết Sự bất tử, ở nhà văn Pháp gốc Marốc Ben Jelloun với Đứa trẻ cát. Nhưng Cao Hành Kiện muốn đề xuất một khía cạnh mới, đó là “sự phân thân của nhân vật chính”: các nhân vật “mi”, “ta”, “hắn” thực ra chỉ là một. Điều này thực ra vẫn tuân thủ nguyên tắc phân mảnh nhân vật của chủ nghĩa siêu hiện đại. Nhưng ở Cao Hành Kiện đó là sự phân mảnh bằng thủ pháp “nhân bản tâm linh con người”. Tức là tác giả gửi gắm tâm linh vào những nhân vật khác nhau. Nỗ lực cách tân của Cao Hành Kiện chính là muốn sáng tạo Linh Sơn thành một cuốn tiểu thuyết “nhân bản tâm linh” để mô tả một tâm trạng bất ổn của tác giả. Loại tiểu thuyết này rất hợp với tâm trạng đang còn bất ổn của người dân Trung Quốc vừa thoát ra khỏi cuộc Cách mạng văn hóa đầy sôi động, với những dư chấn không dễ gì dập tắt, để bước vào công cuộc hiện đại hóa đất nước cũng không kém phần sôi động và mâu thuẫn. Và đó cũng là đóng góp mới mẻ của Cao Hành Kiện cho nghệ thuật viết tiểu thuyết trong bối cảnh của công cuộc giao lưu văn hóa Đông - Tây.

Tuy nhiên, đọc Linh Sơn, ta vẫn có cảm giác như đã gặp các nhân vật ở đâu rồi. Cái kết cục của Linh Sơn cũng giống như cái kết cục của phần lớn văn học phi lý: nhân vật không đi đến một kết quả nào! Cuộc kiếm tìm của nhân vật chỉ là một cuộc kiếm tìm vô vọng.

Rõ ràng dấu ấn của văn học phi lý ở đây thật đậm nét. Bên cạnh đó, nỗ lực cách tân bằng thủ pháp “nhân bản tâm linh” của Cao Hành Kiện cũng rất đáng ghi nhận. Nhưng chính cái thủ pháp nhân bản tâm linh dàn trải ấy dường như đã làm tan loãng ý nghĩa khả dĩ của câu chuyện. Và đến một lúc nào đó ta vẫn thấy hiện lên một câu hỏi là không biết loại tiểu thuyết này có khả năng tồn tại được bao lâu. Đây là một câu hỏi chưa dễ gì trả lời được.

Tóm lại, bất chấp một số khuynh hướng cực đoan, chủ nghĩa hiện đại đã chứng tỏ một sức sống bền bỉ trong lịch sử văn học nghệ thuật thế giới. Sự tồn tại tiếp nối của nó trong văn học nghệ thuật đương đại cho thấy chúng ta cần có cái nhìn khách quan về ý nghĩa và vai trò của nó, cho dù ngày nay nhiều người đang muốn gọi cái giai đoạn tiếp nối của nó bằng một cái tên thời thượng: “hậu hiện đại”.



2. Trên bình diện Việt Nam

Có một câu hỏi đặt ra: những kiểu chủ nghĩa hiện đại cách xa Việt Nam và đã tồn tại cách đây hàng thế kỷ như thế thì liệu có ảnh hưởng gì đến văn học nghệ thuật đương đại của chúng ta không? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta sẽ phải làm một cuộc khảo sát kỹ lưỡng. Nhưng, dựa trên thực tế của hơn một thế kỷ giao lưu văn hóa giữa Việt Nam với phương Tây, chúng tôi cũng có thể khẳng định ngay rằng sự ảnh hưởng đó không thể không diễn ra, dù ít hay nhiều.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng lại phải nói ngay rằng, trong quá trình tiếp xúc với một đối tượng văn hóa nghệ thuật mới mẻ như của phương Tây, thì một nền văn hóa nghệ thuật dân tộc như văn hóa nghệ thuật Việt Nam sẽ phải tiếp thu cùng một lúc cả một lịch sử văn hóa của đối tượng mới đó chứ không chỉ tiếp thu một giai đoạn hay một hiện tượng văn hóa nghệ thuật nào đó. Chủ nghĩa hiện đại, vì thế, sẽ có ảnh hưởng đến văn hóa nghệ thuật Việt Nam như là một nguồn tác động trong vô số nguồn tác động khác của văn hóa nghệ thuật phương Tây. Chủ nghĩa hiện đại chỉ là một trong các yếu tố ngoại sinh của nền văn nghệ dân tộc Việt Nam. Cho nên, nghiên cứu sự ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện đại đối với văn học nghệ thuật Việt Nam đương đại, ít nhất cần phải được đặt trong bối cảnh của một thế kỷ giao lưu văn hóa văn nghệ giữa Việt Nam với phương Tây.

Chúng ta biết rằng, từ đầu thế kỷ XX, khi thực dân Pháp chính thức thiết lập nền cai trị tại Đông Dương, thì nền văn hóa Pháp cũng bắt đầu được chính thức truyền bá cho ba miền Việt Nam. Văn hóa Pháp bắt đầu thay thế văn hóa Trung Hoa và chiếm lĩnh diễn đàn văn nghệ. Theo tinh thần đó, chính quyền Pháp muốn truyền bá những thành tựu tiên tiến của cả một nền văn nghệ Pháp chứ không chỉ phổ biến những thành tựu văn nghệ đương thời. Giới trí thức Việt Nam bắt đầu được tiếp cận với một loạt hiện tượng văn nghệ thuộc đủ các trào lưu, từ thời đại Phục hưng cho đến các trào lưu hiện đại. Vì thế, ảnh hưởng của các trào lưu hiện đại, nếu có, chỉ chiếm một phần nhỏ trong sự tiếp nhận của văn nghệ Việt Nam lúc bấy giờ.

Công cuộc thuộc địa hóa của thực dân Pháp ở Việt Nam được tiến hành trước hết ở lĩnh vực hạ tầng cơ sở. Sự ảnh hưởng của nghệ thuật cũng được thể hiện trước hết ở lĩnh vực này. Ở đây nổi lên sự áp đặt của nghệ thuật kiến trúc mới, khác hẳn với nghệ thuật kiến trúc truyền thống phương Đông. Cho nên, nói đến sự ảnh hưởng của nghệ thuật phương Tây ở Việt Nam, trước hết phải nói đến lĩnh vực kiến trúc.

Quả thực, cho đến tận cuối thế kỷ XIX, kiến trúc Việt Nam vẫn giữ truyền thống phương Đông. Trong những năm 1860, các hoàng đế nhà Nguyễn ở Huế bắt đầu xây dựng các công trình lăng tẩm, và ở Hà Nội người ta cũng bắt đầu xây đền Ngọc Sơn với cầu Thê Húc thơ mộng. Đây là những công trình vẫn mang nét kiến trúc truyền thống Á Đông, với chất liệu gỗ được coi trọng. Cho đến tận năm 1898, quần thể nhà thờ Phát Diệm ở Ninh Bình được hoàn thành sau 23 năm xây dựng, một trong những nhà thờ đầu tiên ở Việt Nam, vẫn là một công trình kiến trúc phương Đông. Đây là nhà thờ Công giáo theo giáo luật của phương Tây, nhưng lại xây theo phong cách đình chùa Á Đông, khác hẳn với phong cách gotic là phong cách truyền thống của nhà thờ Công giáo phương Tây. Tòa nhà chính của nó được xây dựng với chất liệu chủ đạo là gỗ. Trong khi đó ở Hà Nội, chính quyền Pháp cũng cho xây dựng Nhà thờ Lớn từ năm 1882 đến 1886, đánh dấu sự xâm nhập của kiến trúc phương Tây. Nhưng, như chúng tôi đã nói, sự xâm nhập của văn hóa nghệ thuật phương Tây được thực hiện với cả một chiều dài lịch sử của nó chứ không chỉ hạn chế ở nghệ thuật đương đại. Vì thế, ở Nhà thờ Lớn này, một phiên bản thu nhỏ và đơn giản hóa của Nhà thờ Đức mẹ Paris, kiến trúc phương Tây đặc trưng cho nó là kiến trúc gotic chứ không phải kiến trúc hiện đại.



Đến đầu thế kỷ XX, chính quyền thực dân Pháp bắt đầu xây dựng các khu đô thị mới tại Hà Nội và Sài Gòn. Phong cách kiến trúc mới được áp dụng cho các công trình lớn chủ yếu là phong cách Baroc mới, hay còn gọi là phong cách thời Đế chế thứ hai của kiến trúc Pháp, được áp dụng theo kiểu đơn giản hóa. Tiêu biểu cho phong cách này là các công trình Dinh Thống đốc Sài Gòn (1885-1890, nay là Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh), Dinh Xã Tây (hay Dinh Đốc lý, Sài Gòn, 1898-1909, nay là Trụ sở UBND Tp. Hồ Chí Minh), Nhà hát lớn (Hà Nội, 1901-1911), Phủ Toàn quyền (Hà Nội, 1901-1906, nay là Phủ Chủ tịch),... Về việc áp dụng đơn giản hóa phong cách Baroc mới, chúng ta có thể lấy công trình Nhà hát Lớn của Hà Nội làm một ví dụ: Đó là một phiên bản thu nhỏ của nhà hát Opera Paris (hay Cung điện/Nhà hát Garnier, 1862-1875), hay một nhà hát lớn Paris thu nhỏ và đơn giản hóa: Những bức phù điêu và nhóm tượng trang trí cầu kỳ trên các mặt tiền của tòa Cung điện Garnier đã không còn xuất hiện trên mặt tiền Nhà hát Lớn Hà Nội; hàng cột đôi trên mặt tiền Cung điện Garnier cũng được đơn giản hóa thành một hàng cột đơn... Chính sự đơn giản hóa đó đã làm cho các nhà phê bình nghệ thuật Việt Nam cho rằng đó là một phong cách Phục hưng hay cổ điển.8 Thực tế thì phong cách Baroc chính là sự tiếp nối của phong cách Phục hưng được cách điệu và cầu kỳ hóa. Còn phong cách Baroc mới ở Pháp vào thời kỳ Đế chế thứ hai được coi là sự sống lại của phong cách Baroc. Cho nên chúng tôi cho rằng, đối với những công trình Baroc mới được đơn giản hóa như thế ở Việt Nam, chúng ta có thể gọi đó là phong cách Baroc-cổ điển.

Trong suốt một thời gian dài của nửa đầu thế kỷ XX, kiến trúc Baroc-cổ điển chi phối hầu như toàn bộ kiến trúc đô thị Việt Nam. Ngoài ra, trong kiến trúc cầu cống, vật liệu sắt bắt đầu được chú ý, điển hình là cây cầu Doumer (cầu Long Biên ngày nay), cũng được xây dựng trong thời gian này (1899-1903) và cũng mang phong cách Baroc mới, một điểm nhấn của Hà Nội giống như tháp Eiffel của Paris.


Carlos Zapata, Tòa nhà Búp Sen


“Bitexco Financial Tower”
, 2007-2010
Đến thời kỳ chống Mỹ, trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt diễn ra trên cả hai miền Nam Bắc, kiến trúc đô thị ở cả hai miền không có điều kiện để phát triển. Ở miền Bắc, không kể các tòa nhà chung cư thời bao cấp, được gọi bằng cái tên mang đậm tính “bao cấp” là “nhà tập thể” và là một kiểu kiến trúc phi cá tính, thì chúng ta có rất hiếm các công trình kiến trúc đáng được kể ra, có chăng chỉ có tòa nhà Hội trường Ba Đình ở Hà Nội. Ở Miền Nam dưới thời Mỹ - Ngụy cũng có được một số công trình đáng ghi nhận, trong đó nổi bật là Dinh Độc lập (1962-1966), nay là Hội trường Thống nhất.

Ngay từ năm 1970, Đảng và chính phủ Việt Nam đã thông qua dự án xây dựng quần thể Lăng Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình mới tại thủ đô Hà Nội theo phong cách hiện đại, công trình do Liên Xô tài trợ. Đến ngày 2-9-1973, sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh Việt Nam đã ký kết được 6 tháng, quần thể Lăng Hồ Chí Minh chính thức được khởi công, và đến ngày 29-8-1975 thì khánh thành. Đây có thể được coi là công trình kiến trúc hiện đại đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất.




Carlos Zapata, Keangnam Hanoi Landmark Tower, 2007-2011
Sau 1975, khi chiến tranh kết thúc, nghệ thuật kiến trúc Việt Nam bắt đầu thực sự tiếp nhận ảnh hưởng của kiến trúc hiện đại phương Tây theo phong cách của trào lưu “phong cách quốc tế”. Ngày 1-1-1978, tòa nhà Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, do Liên Xô giúp đỡ với thiết kế của G. G. Isakovich (Liên Xô), được khởi công xây dựng và đến 1-9-1985 thì hoàn thành. Rồi sau khi công cuộc Đổi mới được phát động (1986), với việc đất nước bắt đầu chuyển sang nền kinh tế thị trường, kiến trúc Việt Nam thực sự đã hội nhập với kiến trúc hiện đại thế giới với phong cách quốc tế được lấy làm nét chủ đạo. Giờ đây, kiến trúc Việt Nam cũng chạy theo xu hướng nhà chọc trời. Các tòa nhà cao tầng đua nhau mọc lên và tranh đua nhau giành kỷ lục về chiều cao. Chất liệu bê tông cốt thép và kính vượt lên chiếm vị trí số một. Mặc dù vẫn có những công trình tìm kiếm sự cách điệu và một chút phong cách cổ điển, nhưng nhìn chung, tính tiện lợi và tiết kiệm của phong cách quốc tế, một phong cách phù hợp với thời đại kinh tế thị trường, vẫn làm cho phong cách này chiếm vị trí chủ đạo trong kiến trúc hiện đại Việt Nam. Có thể thấy, kiến trúc là lĩnh vực đầu tiên thể hiện sự ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện đại trong nghệ thuật Việt Nam đương đại. Các khu đô thị mọc lên ở khắp nơi, đặc biệt là ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Sau ngày 31-10-2010, khi Tp. Hồ Chí Minh khánh thành tòa nhà Bitexco Financial Tower cao 262m với 68 tầng sau 3 năm xây dựng, chiếm kỷ lục về độ cao lúc bấy giờ, thì đến cuối năm 2011, tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark Tower ở Hà Nội, sau 4 năm xây dựng, đã đạt chiều cao 346m với 72 tầng. Trong tương lai, theo các dự án đã được phê duyệt, thì sẽ còn có nhiều tòa nhà cao hơn thế mọc lên ở Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu. Có thể nói, bất chấp xu hướng của một phong cách kiến trúc được gọi là “hậu hiện đại” xuất hiện từ cuối thế kỷ XX trên thế giới, “phong cách quốc tế” của kiến trúc hiện đại vẫn đang thắng thế ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam, một phong cách mà tính tiện lợi đã làm cho nó không dễ gì bị từ bỏ.



tải về 2.58 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương