Đánh giá việc thực hiện Chính sách thuốc quốc gia giai đoạn 1996 -2011, Chiến lược phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn 2002 -2011



tải về 1.54 Mb.
trang1/17
Chuyển đổi dữ liệu24.07.2016
Kích1.54 Mb.
#3204
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   17
PHẦN I: THỰC TRẠNG NGÀNH DƯỢC VIỆT NAM
CHƯƠNG I

Đánh giá việc thực hiện Chính sách thuốc quốc gia giai đoạn 1996 -2011, Chiến lược phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn 2002 -2011.

I. Quá trình triển khai Chính sách quốc gia về thuốc:

1. Việc ban hành và triển khai CSTQG tại TW:


Chính sách quốc gia về thuốc (CSTQG) của Việt Nam được ban hành theo Quyết định số 37/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 20/6/1996 đánh dấu mốc quan trọng trong công tác dược. Sự ra đời của chính sách thuốc quốc gia đã thể hiện sự quan tâm và cam kết của Chính phủ đối với việc đảm bảo nhu cầu về thuốc cho nhân dân, nêu các định hướng lớn và mục tiêu trọng tâm, đồng thời nêu rõ những giải pháp đồng bộ và dài hạn để thực hiện các mục tiêu được xác định. Việc ban hành CSTQG vừa phù hợp với định hướng của Tổ chức Y tế thế giới vừa đáp ứng yêu cầu về định hướng phát triển của ngành Dược nói riêng và công tác CSSK nói chung1. Chính sách quốc gia về thuốc có hai mục tiêu chung là: bảo đảm cung ứng thường xuyên và đủ thuốc có chất lượng cho nhân dân và bảo đảm sử dụng thuốc hợp lý, an toàn và hiệu quả. Hai mục tiêu này đã được cụ thể hóa thành 9 mục tiêu và tám nhóm chính sách cụ thể. Về cơ bản CSTQG về thuốc của Việt Nam phù hợp với hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (Bảng 4.1). Ngoài ra Việt Nam còn có thêm nội dung về thuốc cổ truyền và thông tin giáo dục thuốc. Điều này phù hợp với định hướng kế thừa và phát triển nền y dược học cổ truyền, xây dựng nền y học đông tây y kết hợp. Tuy nhiên, CSTQG về thuốc của Việt Nam lại không có nội dung về tính chi trả được của thuốc và tài chính thuốc. Vấn đề này liên quan chặt chẽ tới việc đảm bảo tiếp cận thuốc. Để người dân có thuốc dùng khi cần, ngoài việc cần sẵn có thuốc, giá thuốc còn phải phù hợp với khả năng chi trả của người dân. Chính vì lẽ đó, kiểm soát giá thuốc là một nội dung chính sách quan trọng được Tổ chức y tế thế giới khuyến cáo các nước thành viên nên đặc biệt quan tâm trong xây dựng CSTQG. Mặt khác, nội dung theo dõi đánh giá cũng không được đưa vào trong Chính sách quốc gia về thuốc của Việt Nam.

Bảng 1: So sánh nội dung CSTQG của Việt Nam so với khuyến cáo của WHO

Nội dung chính sách

WHO

Việt Nam

Lựa chọn thuốc thiết yếu

x

x

Sẵn có thuốc phù hợp với khả năng chi trả

x




Chính sách tài chính cho thuốc

x




Hệ thống cung ứng thuốc

x

x

Thực thi quy chế và đảm bảo chất lượng thuốc

x

x

Sử dụng thuốc hợp lý

x

x

Nghiên cứu trong lĩnh vực dược

x

x

Đào tạo nhân lực dược

x

x

Theo dõi và đánh giá

x

x

Sản xuất, xuất nhập khẩu thuốc




x

Quản lý nhà nước về Dược




x

Thông tin, truyền thông, giáo dục thuốc




x

Y học cổ truyền dân tộc




x

Ban chỉ đạo triển khai thực hiện Chính sách quốc gia về thuốc Việt Nam đã được thành lập do Bộ trưởng Bộ Y tế làm trưởng ban với 25 thành viên, trong đó ngoài đại diện từ các đơn vị thuộc Bộ Y tế, còn có đại diện các Bộ ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Công nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện các Hiệp Hội Y Dược và đại diện Hội Phụ nữ Việt Nam, Hội người tiêu dùng. Chính sách thuốc quốc gia liên quan tới nhiều ngành, tổ chức cũng như mỗi cá nhân trong cộng đồng. Do đó, vấn đề điều hành, phối hợp hoạt động trong quá trình tổ chức thực hiện đóng vai trò rất quan trọng. Ban chỉ đạo đã thực hiện khá tốt chức năng chính là xây dựng kế hoạch triển khai và chỉ đạo việc thực hiện các nội dung hoạt động có liên quan đến Chính sách quốc gia về thuốc tại các địa phương trên toàn quốc. Ban chỉ đạo TW đã hướng dẫn các Sở Y tế thành lập Ban chỉ đạo triển khai CSTQG cấp tỉnh/thành phố, hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch hành động, lựa chọn các địa phương tham gia thí điểm, xây dựng được kế hoạch triển khai tổng thể của cả nước, phê duyệt, thẩm định và giám sát việc triển khai ở các tỉnh thí điểm đồng thời xây dựng được bộ chỉ báo áp dụng cho các địa phương này. Ban chỉ đạo cũng đóng vai trò tích cực cùng Bộ Y tế trong việc xây dựng các văn bản có liên quan đến việc triển khai Chính sách quốc gia về thuốc. Tuy nhiên, hoạt động của Ban chỉ đạo TW cũng có hạn chế nhất định do các thành viên phần lớn kiêm nhiệm, nhân sự hay thay đổi nên trên thực tế công tác chỉ đạo phối hợp liên ngành chưa thực sự được phát huy, việc chỉ đạo điều hành các hoạt động chủ yếu vẫn do ngành y tế chịu trách nhiệm. Việc chỉ đạo mới được chú trọng chủ yếu tại các tỉnh/thành phố thí điểm chứ chưa quan tâm đúng mức đến các địa phương khác trên phạm vi toàn quốc. Đến tháng 12/2004, Ban điều hành thực hiện Chính sách quốc gia về thuốc được thành lập thay thế cho Ban Chỉ đạo do Bộ trưởng Bộ Y tế làm trưởng ban và số lượng thành viên giảm xuống chỉ còn 13 người trong nội bộ ngành y tế. Sự thay đổi này có thể làm cho công tác chỉ đạo điều hành thuận lợi và sâu sát hơn song lại làm hạn chế vai trò phối hợp liên ngành trong công tác chỉ đạo thực hiện một chính sách quốc gia rất cần huy động nguồn lực và tranh thủ sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể cũng như chính quyền các cấp. Việc thực hiện Chính sách quốc gia về thuốc chỉ còn được coi là nhiệm vụ của nội bộ ngành y tế. Ngoài Ban chỉ đạo, trong thời gian qua, Bộ Y tế cũng đã thành lập các Hội đồng, Uỷ ban tư vấn nhằm tham mưu, hỗ trợ cho Bộ trong việc xây dựng, soạn thảo các tài liệu văn bản chuyên môn.

CSTQG được chia thành 3 giai đoạn thực hiện: 1996-2000, 2001-2005 và 2006-2010. Một tháng sau khi Chính sách quốc gia về thuốc chính thức được ban hành, Bộ Y tế đã xây dựng ngay Kế hoạch triển khai thực hiện Chính sách quốc gia về thuốc2. Bản kế hoạch bao gồm các hoạt động cần thực hiện theo các nội dung của CSTQG bao gồm: (1) công tác tổ chức; (2) xây dựng quy chế và Luật Dược Việt Nam, (3) thuốc thiết yếu, sử dụng thuốc hợp lý an toàn; (4) bảo đảm chất lượng thuốc; (5) sản xuất, cung ứng, xuất nhập khẩu thuốc; (6) đào tạo, nghiên cứu, khoa học. Tuy nhiên, bản kế hoạch chưa xác định cụ thể nguồn lực bao gồm nhân lực và tài chính để thực hiện các hoạt động này cũng như các chỉ số để theo dõi, đánh giá trong quá trình triển khai thực hiện. Bản kế hoạch cũng chưa nêu rõ vai trò của các ban ngành đoàn thể và chính quyền địa phương các cấp trong việc huy động nguồn lực phục vụ cho việc triển khai chính sách quốc gia về thuốc. Ngoài kế hoạch hành động chung cho cả giai đoạn, chưa xây dựng được kế hoạch hoạt động cụ thể cho hàng năm với các mục tiêu cụ thể thuận tiện cho việc theo dõi đánh giá.

Trong giai đoạn đầu, CSTQG đã được tổ chức triển khai thí điểm tại 10 tỉnh/thành phố với sự giúp đỡ của SIDA. Giai đoạn 1 từ năm 1997-1999 là 7 tỉnh đại diện 7 vùng kinh tế xã hội bao gồm: Tuyên Quang, Hà Nội, Thanh Hóa, Thừa thiên- Huế, Lâm Đồng, Đồng Nai, Đồng Tháp. Giai đoạn 2 từ năm 1999 bổ sung thêm 3 tỉnh là Hà Giang, Lào Cai và Quảng Nam. Mỗi tỉnh đều xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo TW, theo đó định hướng các hoạt động trọng tâm theo từng nội dung của CSTQG cho các địa phương. Có thể thấy nhiều hoạt động này cho đến nay vẫn đang là những nhân tố quan trọng thúc đẩy công tác Dược theo mục tiêu đã đề ra như: tổ chức mạng lưới cung ứng thuốc thiết yếu, thực hiện theo các tiêu chuẩn thực hành tốt (GP’s), tập huấn về “chiến lược sử dụng kháng sinh”, thành lập Hội đồng thuốc và Điều trị tại các bệnh viện, điều trị theo phác đồ điều trị khung, báo cáo ADR. Kế hoạch hoạt động của các địa phương được Ban chỉ đạo rà soát và chỉ được phê duyệt khi đạt yêu cầu. Bản Kế hoạch này phải bao gồm đầy đủ các nội dung bao gồm: xác định vấn đề ưu tiên, mục tiêu, hoạt động cần triển khai để đạt được mục tiêu, hệ thống chỉ tiêu đánh giá cho từng mục tiêu, kết quả đầu ra dự kiến, thời gian và kinh phí thực hiện cho từng hoạt động. Ngay từ đầu, việc theo dõi, đánh giá thực hiện CSTQG rất được chú trọng. Các chỉ số theo dõi, đánh giá được đưa vào các kế hoạch hoạt động của từng tỉnh thí điểm. Sau mỗi giai đoạn, việc triển khai thí điểm CSTQG đều được tổng kết, đánh giá theo các mục tiêu và chỉ số đã xác định dựa trên báo cáo của từng tỉnh cũng như việc khảo sát đánh giá của chương trình. Như vậy có thể nói việc triển khai thí điểm CSTQG được thực hiện công phu, bài bản và đem lại kết quả khả quan tại các địa phương thí điểm. Năm 2007, từ kết quả triển khai thí điểm tại 10 tỉnh kết hợp các hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới, “Cẩm nang hướng dẫn thực hiện Chính sách quốc gia về thuốc của Việt Nam”3 đã được ban hành làm tài liệu cho các địa phương tiếp tục triển khai CSTQG trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, tài liệu này được ban hành dưới danh nghĩa của Chương trình hợp tác y tế Việt Nam – Thụy Điển chứ không phải là Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế nên chỉ được xem như một tài liệu tham khảo chứ không phải hướng dẫn chính thức từ cơ quan quản lý nhà nước. Từ đó đến nay, không còn kinh phí cấp riêng cho việc thực hiện CSTQG mà việc thực hiện chính sách này được coi là hoạt động thường quy của công tác Dược tại TW cũng như địa phương.

Quá trình xây dựng và triển khai thực hiện CSTQG thời gian đầu gắn liền với sự hỗ trợ của cơ quan phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA) thông qua chương trình hợp tác y tế Việt Nam – Thụy Điển. Cụ thể là từ năm 1995-2002 với tên gọi Lĩnh vực Chính sách thuốc (ADPC) và từ năm 2002-2008 với tên gọi Thành phần Quản lý thuốc (DMC). Quá trình chuẩn bị cho việc xây dựng CSTQG được khởi động từ năm 1992. Trong khuôn khổ chương trình hợp tác y tế Việt Nam- Thụy Điển nhiều hoạt động đã được thực hiện như: tổ chức các chuyến công tác tìm hiểu CSTQG ở một số nước, tham khảo hướng dẫn của WHO về xây dựng CSTQG, mời chuyên gia quốc tế tư vấn xây dựng chính sách…

Ngay từ khi ra đời, CSTQG đã được xem là kim chỉ nam cho việc hoạch định sự phát triển của Ngành Dược Việt Nam4. Ngày 15/8/2002, Chiến lược phát triển ngành Dược đến năm 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quyết định số 108/2002/QĐ-TTg. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là “ Phát triển ngành Dược thành một ngành kinh tế kỹ thuật mũi nhọn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động hội nhập khu vực và thế giới nhằm đảm bảo cung ứng đủ thuốc thường xuyên và có chất lượng, đảm bảo sử dụng thuốc hợp lý và an toàn, phục vụ sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân”5. Như vậy, nôi dung của Chiến lược phát triển ngành Dược giai đoạn này đã phù hợp với mục tiêu của CSTQG. Việc thực hiện CSTQG được coi là giải pháp quan trọng hàng đầu trong nhóm giải pháp về thuốc và trang thiết bị y tế được đề ra trong Chiến lược chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân giai đoạn 2001-2010, được phê duyệt theo quyết định số 35/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 19/3/20016. Trong Kế hoạch bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2006-2010 vẫn xác định việc tiếp tục thực hiện CSTQG là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Dược7. Đến nay, sau 15 năm thực hiện CSTQG, trước những thay đổi to lớn trong đời sống kinh tế xã hội, trong ngành y tế cũng như trong lĩnh vực dược nói riêng cùng những cơ hội và thách thức mới, cần xây dựng CSTQG mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Theo báo cáo của WHO, tại hầu hết các quốc gia, CSTQG thường được cập nhật sau 10 năm8.

Việc ban hành Chính sách quốc gia về thuốc của Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong định hướng chính sách cho hoạt động của toàn bộ lĩnh vực dược. Nội dung và mục tiêu của CSTQG của Việt Nam nhìn chung phù hợp với xu hướng quốc tế cũng như yêu cầu thực tế của đất nước. Sau 15 năm ban hành CSTQG cần xây dựng CSTQG cho giai đoạn mới.


2. Việc triển khai thực hiện ở các địa phương:


Có sự khác nhau khá rõ về công tác tổ chức thực hiện CSTQG giữa các tỉnh trong danh sách thí điểm và các tỉnh còn lại. Trong hai giai đoạn đầu từ 1996-2005, việc chỉ đạo các địa phương thành lập Ban chỉ đạo và xây dựng kế hoạch cũng chỉ mới áp dụng cho các tỉnh, thành phố thí điểm chứ chưa có một tài liệu hướng dẫn cụ thể việc triển khai thống nhất trên toàn quốc. Sau mỗi giai đoạn, Bộ Y tế cũng chưa tổ chức tổng kết, đánh giá đầy đủ việc thực hiện các mục tiêu để rút ra bài học kinh nghiệm nhằm xây dựng kế hoạch triển khai phù hợp cho giai đoạn tiếp theo. Các địa phương cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức triển khai cũng như đánh giá kết quả thực hiện Chính sách quốc gia về thuốc. Vấn đề này được phản ánh bởi hầu hết các địa phương không tham gia thí điểm Chính sách quốc gia về thuốc.

Trong số 6 tỉnh khảo sát có 3 tỉnh được triển khai thí điểm CSTQG trong khuôn khổ chương trình hợp tác y tế Việt Nam- Thụy Điển bao gồm Hà Nội, Lào Cai và Đồng Tháp, trong đó Hà Nội và Đồng Tháp nằm trong danh sách thí điểm ngay đợt đầu còn Lào Cai thuộc ba tỉnh thí điểm đợt 2. Tại các tỉnh này CSTQG được triển khai theo đúng hướng dẫn của Ban chỉ đạo TW: thành lập Ban chỉ đạo tuyến tỉnh, có kế hoạch hành động triển khai thí điểm CSTQG từng giai đoạn. Tuy nhiên, trong ba tỉnh chỉ ở Lào Cai thành phần Ban chỉ đạo có sự tham gia của các ban ngành khác ngoài ngành y tế và do Phó Chủ tịch tỉnh làm trưởng ban còn tại Hà Nội và Đồng Tháp trưởng Ban chỉ đạo là Giám đốc Sở Y tế với các thành viên là cán bộ thuộc Sở Y tế. Nhìn chung, hoạt động của các Ban chỉ đạo không thường xuyên, thường chỉ họp vào các dịp sơ kết, tổng kết. Với các tỉnh không thành lập ban chỉ đạo, Sở Y tế là đầu mối chính chỉ đạo việc thực hiện CSTQG mà cũng chính là triển khai công tác Dược nói chung. Theo báo cáo đánh giá do chương trình SIDA thực hiện năm 2006, tính đến thời điểm đánh giá có 40 trên 64 tỉnh thành đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chính sách quốc gia về thuốc9. Đối với những địa phương chưa thành lập được Ban chỉ đạo, việc tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Chính sách quốc gia về thuốc do Sở y tế, mà trực tiếp là Phòng quản lý dược chịu trách nhiệm chính. Trên thực tế, ngay ở các tỉnh có thành lập Ban chỉ đạo thì vai trò của Ban này cũng chưa phát huy được một cách hiệu quả, không có chương trình hoạt động cụ thể, thường xuyên. Việc triển khai các hoạt động liên quan CSTQG vẫn nằm trong phạm vi ngành y tế là chính chưa có sự tham gia, phối hợp liên ngành. Trong những năm gần đây tại một số địa phương, Ban chỉ đạo hầu như không còn tồn tại hoặc chỉ tồn tại trên danh nghĩa và hoạt động mang tính hình thức. Mặc dù vậy, cũng cần ghi nhận là các địa phương có thành lập được Ban chỉ đạo, đặc biệt là các địa phương tham gia thí điểm đã thu hút được sự quan tâm và hỗ trợ tích cực của chính quyền so với các địa phương chưa thành lập được Ban chỉ đạo.

Ngoài ba tỉnh thí điểm CSTQG được khảo sát, tại Bình Định Sở Y tế cũng đã xây dựng kế hoạch thực hiện CSTQG giai đoạn 2003-2005 trình UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2003. Chỉ đối với các tỉnh thí điểm kế hoạch hành động mới kèm theo kinh phí cũng như hệ thống chỉ số theo dõi đánh giá theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo TW còn đa phần các tỉnh còn lại kế hoạch thực hiện CSTQG thường là kế hoạch công tác hàng năm của ngành dược địa phương. Thực tế này cũng phù hợp với mục tiêu và ý nghĩa của CSTQG khi các nội dung chính sách được hiện thực hóa bằng các hoạt động cụ thể, mang tính thường quy. Và có như vậy thì công tác thực hiện CSQTQG mới mang tính bền vững, không phụ thuộc vào nguồn kinh phí hỗ trợ của chương trình. Tuy nhiên, nếu không có một kế hoạch tổng thể thực hiện CSTQG theo các giai đoạn nhất định làm cơ sở xây dựng cho kế hoạch hoạt động hàng năm của Ngành Dược sẽ làm hạn chế việc thực hiện CSTQG tại các tỉnh. Ngoài ra, kế hoạch công tác dược hàng năm của các địa phương thường lại không đi kèm kinh phí thực hiện dù là từ nguồn ngân sách cũng như hệ thống chỉ số theo dõi, đánh giá cụ thể gắn với mục tiêu CSTQG. Theo ước tính, mỗi tỉnh/năm cần kinh phí khoảng 100-200 triệu đồng để tiến hành các hoạt động đào tạo, giám sát, kiểm tra10. Thiếu kinh phí khó có thể đảm bảo triển khai tốt các hoạt động của CSTQG.

Tuy nhiên, ngoài những ghi nhận, đánh giá như trên thì còn một cách nhìn nhận nhưng ở một góc độ khác. Đó là, dù ở một số tỉnh/thành phố- dù không thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện CSTQG, thì mọi hoạt động liên quan đến phát triển công tác dược vẫn được triển khai bình thường nhằm cung ứng đủ thuốc chất lượng cho nhân dân và đảm bảo sử dụng thuốc hợp lý, an toàn và hiệu quả. Một số cán bộ phụ trách dược cấp tỉnh lại khá bối rối trong việc báo cáo đánh giá kết quả triển khai CSTQG, trong khi vẫn thường xuyên làm báo cáo tổng kết công tác dược hàng năm. Rõ ràng là, CSTQG là một văn bản định hướng cơ bản, hay nói cách khác, đó là ngọn đèn soi cho rõ hơn hướng đi để phát triển ngành dược. CSTQG vừa là khởi đầu, lại vừa là mục tiêu hướng tới của Ngành dược. Những thành tựu của Ngành dược trong thời gian qua chính là kết quả triển khai CSTQG, và ngược lại thành công của của CSTQG được thể hiện ở sự phát triển không ngừng của Ngành Dược trong những năm vừa qua.



II. Kết quả thực hiện chính sách thuốc quốc gia giai đọan 1996 -2010, Chiến lược phát triển ngành dược giai đoạn 2002 -2010 và thực trạng hệ thống lưu thông, cung ứng thuốc, thực trạng ngành công nghiệp dược Việt Nam:

1. Công tác quản lý nhà nước về dược:


tải về 1.54 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   17




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương