Đánh giá nhanh tác động khủng hoảng kinh tế tới hai làng nghề1



tải về 107.15 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích107.15 Kb.
#30779
Đánh giá nhanh tác động khủng hoảng

kinh tế tới hai làng nghề1



Làng nghề Việt Nam trong cơn khủng hoảng

Việt Nam có 2.790 làng nghề, trong đó có 240 làng nghề truyền thống. Các làng nghề giải quyết việc làm cho khoảng 11 triệu lao động, thường xuyên và không thường xuyên, gồm việc làm cho người già, trẻ em và người khuyết tật
Theo thống kê từ 38 tỉnh, thành, đã có chín làng nghề phá sản, 124 làng nghề đang cầm cự sản xuất. Đã có 2.166 hộ sản xuất khối làng nghề tuyên bố phá sản, 468 doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Trên 50 phần trăm lao động làng nghề (dưới 30 phần trăm lao động thời vụ và trên phần trăm thợ giỏi, chuyên), tương đương hơn năm triệu lao động, mất việc làm. Rất nhiều doanh nghiệp khó khăn về vốn.
Tổng số dư nợ của làng nghề, doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất tại 38/63 tỉnh là 2.169, 064 tỷ đồng, trong đó nợ quá hạn là 12,324 tỷ đồng. Rất nhiều doanh nghiệp đã quá hạn trả nợ, nhưng không có khả năng thanh toán. Tình hình hết sức bi đát, nhất là với các làng nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, sắt thép và giấy.
(Tổng hợp từ các nguồn truyền thông khác nhau xuất bản giữa tháng 2 năm 2009)



  1. Các phát hiện chính:

Nghiên cứu này đã làm sáng tỏ hai thông tin chưa rõ ràng do báo chí Việt Nam tạo ra trong những ngày gần đây. Nhân dịp công bố các số liệu thống kê nêu trên, rất nhiều nguồn truyền thông đồng thời tạo ra một cảm giác sai lệch là hầu hết các người dân làng nghề bị mất việc và rơi vào tình cảnh sản xuất và đời sống hết sức khó khăn, và chính cuộc khủng hoảng hiện nay chịu trách nhiệm hoàn toàn cho những khó khăn của các làng nghề Việt Nam. Trong khi cảm giác này có thể đúng ở đâu đó nhưng không hoàn toàn ở đúng tại hai làng nghề mà nhóm nghiên cứu tới điều tra.


Trên thực tế, từ những thông tin thực tế tại các cuộc thảo luận nhóm và phỏng vấn sâu với các nhóm kinh doanh và nhóm xã hội khác nhau, nhóm nghiên cứu rút ra được bốn phát hiện chính sau:


  1. Công nhân di cư đến các làng nghề này đang chịu những tác động đầu tiên của cuộc khủng hoảng kinh tế. Nguyên nhân rất rõ ràng: Do các giá trị châu Á coi trọng và thực hiện mạnh mẽ ở các làng quê miền bắc Việt Nam, các hộ sản xuất làng nghề tuân theo một nguyên tắc tuyển dụng bất thành văn: Tuyển người nhà trước, rồi đến họ hàng, người làng, và những đối tượng còn lại. Trong thời kỳ phải tinh giản lao động, thứ bậc ưu tiên này trở thành trình tự thất nghiệp, đi từ đối tượng còn lại đến các đối tượng lõi. Từ góc độ khác, công nhân nhập cư thường làm công đoạn đòi hỏi kỹ năng thấp hơn so với người nhà của hộ sản xuất và dân làng nghề nói chung. Trong thời buổi khó khăn, doanh nghiệp và hộ sản xuất chỉ cần giữ lao động tay nghề cao để sản xuất mẫu mới trưng bày tại cửa hàng hay các hội chợ. Do đó, những hậu quả trước mắt có thể nhận thấy rõ nhất ở các công nhân nhập cư.




  1. Cả hai làng nghề đều từng có nhiều năm tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt từ các hoạt động xuất khẩu. Nhờ các giá trị truyền thống của tính tiết kiệm khá phổ biến trong các cộng đồng nông thôn miền Bắc, nhiều doanh nghiệp và hộ sản xuất đã tích lũy được một số khoản tiết kiệm rất hữu ích giúp họ sinh tồn qua giai đoạn khó khăn ban đầu của cuộc khủng hoảng. Tính linh hoạt của các nhà sản xuất trong điều chỉnh qui mô sản xuất, vẫn còn khoản tiết kiệm từ trước và không bị lệ thuộc nhiều vào nguồn tín dụng chính thức khiến cho họ ít bị tổn thương hơn so với dự đoán trước sự sụt giảm mạnh về nhu cầu. Cơ sở nhỏ, qui mô hộ linh hoạt hơn, ít đọng vốn đầu tư thiết bị, phòng trưng bày và nhà xưởng, có khả năng đa dạng hóa nguồn thu nhập và nhanh chóng cải tiến mẫu mã phục vụ thị trường ngách trong nước. Do đó, nhóm nghiên cứu chưa thấy những dấu hiệu giả định về các điều kiện sống xuống cấp nghiêm trọng (đứt bữa, hoảng loạn tâm lý, con cái phải nghỉ học, hay thậm chí là bán tài sản để ăn).




  1. Khác với Bát Tràng và Giang Cao nơi hộ sản xuất huy động tất cả các nguồn lực để sản xuất và kinh doanh gốm sứ, nhiều hộ ở Hạ Thái vẫn duy trì đa dạng sinh kế, kết hợp giữa làm sơn mài, nghề nông, làm vàng mã và các nghề khác. Do đó, ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế hiện thời đối với hộ ở Hạ Thái kém rõ rệt hơn đối với hộ ở Bát Tràng và Giang Cao.




  1. Cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay không phải là nguyên nhân duy nhất của suy thoái kinh tế trong ba làng nghề. Đúng hơn, sự suy thoái của các làng nghề này được tạo ra bởi nhiều nguyên nhân tích lũy trong vài năm trở lại đây, đặc biệt là ‘bão giá’ từ đầu 2008 và ‘sốc nhu cầu’ hiện nay. Bởi vậy, cuộc khủng hoảng toàn cầu có thể được xem như hiện tượng “giọt nước làm tràn ly” trong việc suy thoái và khai tử sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp và hộ sản xuất.



II. Thông tin cơ sở về các khu vực nghiên cứu:
2.1. Làng Bát Tràng và Giang Cao:2
Xã Bát Tràng có hai làng là Bát Tràng và Giang Cao, chia thành 11 xóm dân cư. Xã có 1721 hộ với 7528 khẩu. Về cơ cấu việc làm, 84 phần trăm số dân trong độ tuổi lao động trực tiếp sản xuất gốm sứ mỹ nghệ; 15 phần trăm làm buôn bán và dịch vụ, gồm sản xuất và cung cấp đất và men; cung cấp dịch vụ cho du khách, gián tiếp thúc đẩy nghề truyền thống; và một phần trăm làm dịch vụ khác (cắt tóc, gội đầu...).
Tình hình làm ăn:
Xã có 60 doanh nghiệp nhỏ (từ 50 nhân công trở xuống), và hai doanh nghiệp quân đội tham gia sản xuất gốm sứ. Xã còn có một công ty cổ phần du lịch và thương mại3 làm ăn không tốt vì thế hiện đang cho các hộ sản xuất thuê mặt bằng. Khoảng 80 phần trăm hộ sản xuất có cửa hàng để tiêu thụ sản phẩm của chính mình. Số hộ sản xuất giảm từ 1200 trong năm 2004 xuống 970 trong năm 2007, và xuống 800 vào cuối năm 2008. Trong khi đó, tổng doanh thu của xã giảm từ 226 tỷ VND trong năm 2007 xuống 175 tỷ VND trong năm 2008. Thu nhập bình quân tính theo đầu người trong khoảng từ 8.5 triệu VND tới 10 triệu VND.
Hầu hết đất canh tác được thu hồi cho khu công nghiệp làng nghề tập trung. Không phải ai cũng có thể mua được đất trong khu công nghiệp làng nghề. Số 21 héc ta đất còn lại được dành cho trồng xà cừ và bạch đàn.
Sản xuất và nguồn cung cấp đầu vào:
Nguyên liệu đầu vào chính để sản xuất gốm sứ bao gồm đất, nhiên liệu, khuôn, giấy gói (hoặc pallet), gas, xăng dầu. Trong số này, len và chất tạo màu phải nhập khẩu tương ứng từ Trung Quốc và Nhật Bản. Nhiều đầu vào khác như đất, nhiên liệu, và giấy có thể mua chịu.
Định hướng xuất khẩu: Tới 70 phần trăm doanh thu của các doanh nghiệp và hộ gia đình có được từ hàng xuất khẩu. Hầu hết các hộ sản xuất làm hàng vệ tinh cho doanh nghiệp. Hàng được xuất đi Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, New Zealand, thành viên cộng đồng châu Âu, và Mỹ. Các nước chấu Á chiếm thị phần lớn do một số tương đồng văn hóa. Gần đây, một số khách hàng công ty nước ngoài, chẳng hạn như của Đài Loan và Hàn Quốc mua sản phẩm ngay tại lờ để giảm chi phí chung gian. Họ bán những sản phẩm này cho siêu thị hay các đại lý khác tại nước họ.
Quy mô giới: Công nhân nam thường được xem là có tay nghề cao hơn nên tham gia vào các công việc vẽ tinh vi và kiếm nhiều tiền hơn (cũng do tính chất độc hại của công việc phải tiếp xúc với mùi sơn). Tuy nhiên, thường phụ nữ ở độ tuổi từ 18 – 40 lại tham gia nhiều hơn vào các công việc nhẹ và đơn giản phù hợp với họ. Phụ nữ từ 40 trở lên thường không được thuê do họ quá chậm.
2.2. Làng Hạ Thái:4
Làng Hạ Thái có khoảng 780 hộ với 3.300 khẩu. Khoảng 85-87 phần trăm hộ trong làng tham gia sản xuất đồ sơn mài, số còn lại trồng lúa, bán lẻ hay làm các dịch vụ khác.
Tình hình làm ăn:
Hạ Thái có khoảng 20 công ty với số vốn trên năm tỷ VND và tuyển dụng khoảng 30-50 nhân công. Doanh thu bán hàng giảm khoảng 35-40 phần trăm trong năm 2008, so với năm 2007. Một số hộ sản xuất chủ yếu cung cấp các sản phẩm chất lượng trung bình và chất lượng cao cho thị trường trong nước.
Sản xuất và cung cấp đầu vào:

Nguyên liệu đầu vào sản xuất sơn mài gồm sơn, gỗ, cốt mây tre, bột giấy, giấy ráp, nguyên liệu composite, đất phù xa và một số phụ gia. Sơn bóng phải nhập từ Đài Loan, Nhật và Trung Quốc, trong khi giấy ráp nhập từ Đài Loan, Nhật, và Hàn Quốc.


Định hướng xuất khẩu:
Tới 70 phần trăm sản phẩm sơn mài của làng được xuất khẩu. Thị trường chính gồm Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Tây Âu, và Mỹ. Khách hàng Mỹ được xem là dễ tính nhất, đặt nhiều đơn hàng lớn, đặc biệt sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Mỹ là thị trường quan trọng với nhiều nhà phân phối lớn bán sản phẩm của làng không chỉ cho các siêu thị bán lẻ ở Mỹ, mà còn tới 40 quốc gia khác.
Các vấn đề về môi trường:
Nguồn nước từ ao và giếng được xem là đang bị ô nhiễm do chất thải từ sơn và dầu. Nước từ các hố xí hai ngăn và công việc sản xuất sơn mài được đổ thẳng xuống ao chung.

III. Các xu hướng đơn đặt hàng và sản xuất:


    1. Trước Tết:


Ngừng sản xuất: Làng Bát Tràng và Giang Cao từng có 1000 hộ sản xuất có cửa hàng riêng. Tuy nhiên, con số này giám xuống hơn 600 từ tháng 9 năm 2008. Số hộ còn lại chuyển sang làm các nghề khác. Ở Hạ Thái, khoảng 10 hộ sản xuất phải đóng cửa xưởng trong quý tư năm 2008.
Doanh số bán hàng tương đối chậm và thu thuế khó khăn: Thông thường, mấy tuần trước Tết là thời gian tiêu thụ hàng rất tốt. Tuy nhiên nhiều hộ sản xuất cho biết doanh số bán hàng trước Tết vừa qua của họ giảm đáng kể so với cùng kỳ các năm trước. Tuy nhiên, quãng thời gian 20 ngày trước Tết vừa qua được xem là cơ hội duy nhất trong suốt 12 tháng để các hộ sản xuất có thể tiêu thụ một lượng hàng khá. Ngay cả như vậy, nhiều hộ sản xuất vẫn tồn nhiều hàng do doanh số bán chậm. Việc thu thuế trở nên khó khăn trong tình trạng khủng hoảng tiêu thụ.
Ở Hạ Thái, doanh số bán hàng và doanh thu cuối năm 2008 và đầu 2009 giảm khoảng 30 – 40 phần trăm.5 Trong những năm trước, các hộ sản xuất thường có nhiều đơn hàng lớn cho quà Giáng sinh (thường vào tháng 11 và tháng 12) và phải làm việc cật lực tới ngày giao thừa. Mặc dù các đơn hàng có xu hướng giảm, đơn hàng xuất khẩu và hàng tiêu thụ trong nước chất lượng thấp vẫn có xu hướng giảm mạnh hơn.
Giãn thời gian giao hàng: Năm doanh nghiệp ở xã Bát Tràng có hợp đồng phải giãn thời gian giao hàng do khách hàng công ty cần nghiên cứu nhu cầu thị trường của họ (siêu thị, mạng lưới bán lẻ...) cẩn thận hơn. Ở Hạ Thái, các nhà phân phối bắt đầu thiếu thông tin chắc chắn về nhu cầu của họ. Thông thường, sản phẩm phải giao trong vòng từ 1.5 đến hai tháng sau khi ký hợp đồng, nhưng trong những tháng gần đây, việc giao hàng thường được tiến hành từ ba đến bốn tháng sau khi ký hợp đồng.
Hủy một phần hợp đồng: Ở Hạ Thái, khoảng 15 phần trăm số hợp đồng bị hủy một phần trong những tháng cuối năm 2008 mà không nêu rõ nguyên nhân, dù trước đây việc này chưa từng xảy ra. Do đó, một số hộ sản xuất còn tồn lại khá nhiều thành phẩm. Khi đơn hàng bị hủy, người sản xuất rất khó bán những sản phẩm với thiết kế của khách hàng nước ngoài. Tuy nhiên ở Bát Tràng và Giang Cao không thấy có thông tin về hủy đơn hàng, mặc dù đơn hàng có ít hơn.


    1. Sau Tết:


Không có đơn hàng mới: Ở Bát Tràng và Giang Cao, đơn hàng được đặt theo tháng. Từ Tết, nhiều doanh nghiệp chưa nhận được đơn hàng mới. Ở Hạ Thái, số lượng đơn hàng từ tất cả các nước nhập khẩu đều giảm. Nhu cầu tiêu thụ nội địa cũng giảm mạnh ở các làng nghề nói trên.
Chỉ còn khách hàng nhỏ lẻ: Hạ Thái còn lại một số khách hàng nhỏ (Tây ba lô tới làng, xuất hiện ý tưởng buôn một số sản phẩm để kiếm chút lời). Số khách hàng này đang trở thành cứu cánh cho một số doanh nghiệp đang cơn khủng hoảng dù họ chỉ mua vài triệu VND tiền hàng.
Không có hợp đồng từ hội chợ: Ở Hạ Thái, hộ sản xuất thường rất hy vọng vào các hợp đồng ký sau các hội chợ ở nước ngoài. Tuy nhiên, triển lãm sơn mài của họ tại Đức vào tháng 2 năm 2009 không có khách tới thăm. Hy vọng gần nhất vào một hội chợ nữa ở Thái Lan vào đầu tháng 3. Nếu không có hợp đồng được ký sau hội chợ này, năm 2009 chắc chắn sẽ là khoảng thời gian ảm đạm cho tình hình làm ăn của Hạ Thái.
3.3. Nhiều khó khăn trong nước có từ trước cuộc khủng hoảng toàn cầu:
Bát Tràng và Giang Cao: Từ tháng 4 hoặc tháng 5 năm 2008, một số khách hàng đã ngừng mua và hủy hợp đồng. Một số vẫn nhận các sản phẩm đã đặt nhưng giãn các đơn hàng mới do doanh số bán chậm. Một số doanh nghiệp, như Hợp Lực và Sông Cường, đã hấp hối từ trước cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện thời do không thể vượt qua được nhiều khó khăn chồng chất. Do tình trạng tiền khủng hoảng toàn cầu này, doanh số bán hàng tháng của Hợp Lực giảm đáng kể từ ba hay bốn công hàng một tháng (từ đầu 2008 trở về trước) xuống còn một hoặc thậm chí không còn công hàng nào. Số nhân công cũng giảm từ 100 xuống còn bảy.
Hạ Thái: Từ tháng 5 năm 2008, doanh nghiệp nhận được ngày càng ít đơn hàng, và mất một số khách hàng lâu dài do bán chậm. Các nhà phân phối nước ngoài lớn (chủ yếu đặt tại Mỹ) đã giảm số lượng đặt hàng.
Các khó khăn chồng chất từ trước cuộc khủng hoảng toàn cầu ở ba làng nghề bao gồm giá đầu vào tăng mạnh do lạm phát trong khi giá đầu ra không thể thay đổi hoặc chỉ có thể tăng chút ít, dẫn tới lợi nhuận giảm; khả năng kinh doanh hạn chế; nhu cầu bão hòa; cạnh tranh ngày càng khốc liệt (dân tới giá đầu ra và lợi nhuận của nhà sản xuất giảm); cơ giới hóa nhiều hơn; tỷ giá hối đoái biến động (đồng USD tăng giá so với đồng VND khiến việc nhập khẩu đầu vào đắt đỏ hơn); cơ sở hạ tầng cho du lịch và vận chuyển hàng hóa kém phát triển.


    1. Những khó khăn gia tăng trong cuộc khủng hoảng toàn cầu:




  • Các doanh nghiệp và hộ gia đình thoát ra được trận bão giá trong nước thì lại gặp phải những khó khăn dưới đây trong cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay:




  • Số lượng đơn hàng phụ thuộc nhiều vào số khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài. Từ cuối năm 2008, số khách tới thăm công ty Minh Hải giảm 20 phần trăm và doanh số bán hàng do đó cũng giảm từ 30 – 40 phần trăm;




  • Nhiều khách hàng trong nước phải thắt lưng buộc bụng để chuẩn bị cho chặng đường gian nan trước mắt;




  • Khách hàng trở nên khắt khe hơn (về mẫu mã, chất lượng và giá cả) so với ba hoặc bốn năm trước;




  • Các loại sản phẩm khác nhau có thể dẫn tới các dạng sốc nhu cầu khác nhau. Ví dụ, nhiều sản phẩm gốm sứ của Bát Tràng có thể sử dụng vừa để trưng bày, vừa để dùng, trong khi sản phẩm sơn mài của Hạ Thái chỉ để trưng bày. Bởi thế các sản phẩm chỉ để trưng bày sẽ bị cắt giảm trước tiên trong danh sách thắt lưng buộc bụng, trong khi một số sản phẩm Bát Tràng vẫn có thể tiêu thụ trong nước. Ngay cả như vậy, các sản phẩm gốm sứ cũng không phải là những mặt hàng thiết yếu trong tiêu dùng hàng ngày (như thức ăn hay quần áo).




    1. Các vấn đề liên quan tín dụng:


Tập quán truyền thống giúp người làng tránh tổn thương trong sản xuất và kinh doanh:
Nhiều hộ sản xuất ở Bát Tràng đã hoạt động được hàng chục năm nên có một số vốn tích lũy. Nhiều người hoạt động sản xuất bằng vốn tự có. Đặc biệt, từ lâu các hộ có thể mua chịu hầu hết nguyên liệu đầu vào dựa vào lòng tin với nhà cung cấp. Do đó, rất ít hộ gặp phải rắc rối với ngân hàng trong đợt lãi suất tăng đột biến năm 2008 và trong cuộc khủng hoảng tín dụng sau đó. Tương tự, ở Hạ Thái, nhiều hộ sản xuất cố gắng hoạt động trong nguồn vốn tự có.
Tuy nhiên, một số nhà cung cấp địa phương ở Bát Tràng về những khoản thua thiệt đáng kể do nợ xấu của nhà sản xuất. Một số khoản nợ kéo dài tới bảy hoặc tám năm không có lãi suất. Các nhà cung cấp bị lỗ nhiều hơn sau đợt lạm phát đột biến năm 2008. Một số nhà sản xuất cũng bán chịu sản phẩm cho khách hàng nước ngoài. Một doanh nghiệp còn bị phá sản sau khi bị một nhà nhập khẩu Hàn Quốc lừa.
Ít hộ sản xuất có rắc rối liên quan đến nợ:
Một số hộ sản xuất muốn nâng cấp phương tiện sản xuất đã vay ngân hàng. Mới đây chỉ có hai hoặc ba hộ sản xuất phá sản và phải dựa vào mạng lưới xã hội của mình (họ hàng và người thân). Ở xã Bát Tràng, người dân có thể tiếp cận một số nguồn tín dụng như Ngân hàng Chính sách Xã hội, và một số quỹ tín chấp của hội phụ nữ, đoàn thanh niên và hội cựu chiến binh. Ở xã Duyên Thái, một số nguồn tín dụng gồm Quỹ Người Nghèo, Quỹ Sinh viên, Ngân hàng Chính sách Xã hội và Ngân hàng Phát triển Nông thôn (AgriBank).
Ở Hạ Thái, một số hộ sản xuất vay tiền ngân hàng để đầu tư xưởng và cơ sở sản xuất tại trung tâm sản xuất và trưng bày sản phẩm của làng nhưng không trả được nợ do chịu lỗ kéo dài. Saccombank mới đây đã khoanh nợ bốn tỷ VND. Song chưa có hộ sản xuất nào bị hội làng nghề phạt đình chỉ hoạt động. Một vài hộ đã bán đất, số khác vay từ mạng lưới xã hội để trả nợ góp. Nhiều hộ sản xuất (khoảng 80 phần trăm tổng số) vay tiền về đầu tư xưởng tại trung tâm sản xuất và trưng bày sản phẩm rất lo lắng không biết làm gì khi nhận được ngày một ít và thậm chí không có hợp đồng.
Rào cản tiếp cận tín dụng nói chung và gói kích cầu của Chính phủ:


  • Cán bộ và hộ sản xuất địa phương có nghe qua hệ thống truyền thông về chương trình hỗ trợ lãi suất trong gói kích cầu của Chính phủ, nhưng thông tin chính thức vẫn chưa về đến xã;




  • Các hộ sản xuất biết rằng hỗ trợ này chỉ dành cho doanh nghiệp, chưa phải cho hộ sản xuất;




  • Các doanh nghiệp lo ngại các khoản vay có thể không hữu ích khi họ không có đơn hàng hay nơi tiêu thụ. Nếu có đơn hàng, hộ sản xuất không ngại vay, kể cả không có hỗ trợ lãi suất;




  • Các doanh nghiệp không thể chứng minh khả năng tài chính, do họ không có hóa đơn chứng từ giao dịch, bởi thế không đáp ứng yêu cầu của kế hoạch kích cầu;




  • Thông qua hiệp hội làng nghề, ngân hàng thương mại có thể cho vay (không ưu đãi đối với hộ sản xuất không nghèo) nhưng các điều kiện vay thường khó khăn đối với doanh nghiệp và hộ sản xuất địa phương (ví dụ, yêu cầu phải có kế hoạch sản xuất và kinh doanh tốt);




  • Một số hộ sản xuất ở Hạ Thái phải vay nặng lãi để có tiền trả cho nhà cung cấp nguyên liệu;




  • Hộ nghèo không dám vay do không biết cách đầu tư hiệu quả.

IV. Chiến lược thay đổi hình thức sản xuất và tiêu dùng để đối phó với sốc nhu cầu:
4.1. Hộ sản xuất gặp khó khăn nhiều nhất:


Bát Tràng và Giang Cao


Hạ Thái

  • Sản xuất lạc hậu;

  • Mẫu mã hạn chế;

  • Tay nghề kém;

  • Không có uy tín về chất lượng sản phẩm.




  • Mới thành lập;




  • Ít vốn;




  • Doanh nghiệp xuất khẩu.


4.2. Hộ sản xuất gặp khó khăn ít nhất:


Bát Tràng và Giang Cao


Hạ Thái

  • Doanh nghiệp lớn có nhiều vốn;

  • Có danh tiếng chất lượng sản phẩm cao;

  • Thiết kế và sản xuất sản phẩm độc đáo;

  • Kỹ thuật sản xuất tốt;

  • Quản lý tốt;

  • Chiến lược tiếp thị tốt hơn;

  • Thị trường tiêu thụ ổn định;

  • Khách hàng dài hạn có thể giới thiệu thêm khách hàng;

  • Có khả năng tiếp thị sản phẩm ở nước ngoài.




  • Danh tiếng tốt;

  • Khách hàng lâu dài, ổn định;

  • Mạng lưới phân phối toàn quốc;

  • Đa dạng hóa sinh kế;

  • Có thành viên gia đình học lên cao.


4.3. Chiến lược đối phó của doanh nghiệp và hộ gia đình trong sản xuất và tiêu dùng:
Phương thức chính để tồn tại trong cuộc khủng hoảng ở cả ba làng là lấy công làm lãi.


Chiến lược


Bát Tràng và Giang Cao

Hạ Thái

Tái cơ cấu lao động

  • Giảm nhân công;

  • Một số giữ lại công nhân có tay nghề để trách mất kỹ năng.

  • Một số gửi con em đi học nghề hay lao động nước ngoài;

  • Một số chuyển sang làm nghề khác;

  • Một số hộ sản xuất tham gia vào các công đoạn mà họ đưa ra ngoài làm trong thời kỳ phát triển tốt.




Chuyển đổi sinh kế

  • Nhiều hộ sản xuất đóng cửa hoặc cho thuê xưởng.







Tái cơ cấu sản xuất

  • Hủy bỏ kế hoạch mở xưởng và đầu tư trang thiết bị;

  • Dừng tìm kiếm đối tác mới để mở rộng sản xuất;

  • Thu hẹp quy mô sản xuất;

  • Giảm năng suất;

  • Không thay đổi cơ cấu lao động mà thay đổi điều kiện nhà xưởng để giảm số mẻ hàng.




  • Giảm tốc độ và quy mô sản xuất để chờ tăng trưởng trở lại.

Thay đổi kỹ thuật sản xuất




  • Sử dụng máy móc để tăng năng suất;

  • Thay đổi kỹ thuật sản xuất;

  • Một số bỏ bớt công đoạn sản xuất, giảm chất lượng sản phẩm và ảnh hưởng xấy đến uy tín làng nghề.




Cách tiếp thị mới

  • Sản phẩm mới và khách hàng mới.




  • Tiếp thị thêm mẫu mã mới ra nước ngoài;

  • Hướng sang các phân khúc khác của thị trường trong nước.




Định hướng chưa rõ

  • Chịu lỗ doanh thu để duy trì khách hàng và sản xuất;

  • Một số chờ hết quý một năm 2009 mới quyết định bước tiếp theo.

  • Tiếp tục cầm cự đến chừng nào có thể được;

  • Một số hộ chỉ nghĩ về phương án đối phó khi nghề sơn mài chết hẳn.





4.4. Sinh kế thay thế:
Bát Tràng và Giang Cao: Sau khi ngừng sản xuất, nhiều hộ phải chuyển sang các nghề khác như:


  • Làm thuê cho hộ khác;

  • Cung cấp dịch vụ giải trí cho du khách;

  • Dịch vụ bán lẻ;

  • Nấu và bán đặc sản địa phương;

  • Làm nông;

  • Sửa xe đạp;

  • Đi giúp việc; trông trẻ.


Hạ Thái: Hầu hết cán bộ và người dân cho biết khi sản xuất sơn mài đình trệ, chỉ một phần sinh kế của người làng bị ảnh hưởng, do đó chưa có hộ nào rớt xuống nghèo đói ngay lập tức, do vẫn còn nhiều cơ hội việc làm khác. Một số hộ chuyển sang trồng lúa và làm dịch vụ. Khí nghề sơn mài phát triển tốt, nhiều hộ sản xuất cho thuê hoặc cho đất ruộng của mình cho các nông hộ nghèo hơn, chủ yếu từ Thanh Hóa, canh tác.
Tuy nhiên, hầu hết đất ruộng sẽ bị thu hồi để xây dựng Khu Công nghiệp Bắc Thường Tín vào cuối năm 2009. Cán bộ và người dân địa phương rất lo lắng về việc mất đất ruộng vì ít nhất khoảng đất này có thể đảm bảo an ninh lương thực khi những dạng sinh kế khác thất bại.
Ngoài ra, một số người làng chuyển sang buôn vàng giấy cho các nhà bán buôn ở Hà Nội để suất khẩu sang Đài Loan và Ma Cao. Nhưng thường chỉ có người già và trẻ nhỏ làm vàng giấy, và cũng không kiếm được nhiều tiền trong khi các nhà bán buôn có thể kiếm được khá, đặc biệt trong hai năm qua, do lượng xuất khẩu tăng cao.
4.5. Hiệp hội làng nghề:
Một số thành viên không tin tưởng vai trò của hiệp hội do một số khiếm khuyết sau:


  • Chưa liên kết được tất cả hộ sản xuất và nhà cung cấp để có tiếng nói chung;

  • Chưa đề ra những chính sách, đường hướng tốt;

  • Chưa có ảnh hưởng tích cực tới sản xuất và kinh doanh của các thành viên;

  • Không có quyền hành hợp pháp.


4.6. Kế hoạch đầu tư mới:
Bát Tràng và Giang Cao: Khu công nghiệp làng nghề tập trung rộng 18 héc ta đang xây dựng, một phần tư xưởng được dành cho xưởng sản xuất. Toàn bộ khu đã được thuê hết. Tuy nhiên, xã chưa có kế hoạch phát triển cụ thể để tạo điều kiện cho sản xuất và kinh doanh của làng nghề.
Một số doanh nghiệp và hộ sản xuất tính chuyển sang làm du lịch nhưng Bát Tràng chưa có cơ sở hạ tầng thuận lợi để phát triển du lịch, ngoài chợ gốm sứ ở trung tâm. Trong khi đó, phải mất tới năm năm để đầu tư một cơ sở hạ tầng tốt. Một cảng du lịch trị giá 15 tỷ VND đang được xây dựng và dự kiến hoàn tất vào cuối năm 2009. Sau khi hoàn tất, cảng dự kiến tạo ra 20 việc làm dịch vụ nhưng sẽ thu hút thêm nhiều khách du lịch. Hiện nay, xã đón khoảng 20 du khách mỗi năm.

V. Ảnh hưởng phúc lợi hộ:
5.1. Công nhân di cư là nạn nhân đầu tiên:
Khi các hộ sản xuất giảm quy mô, công nhân di cư bị xa thải đầu tiên. Không có doanh nghiệp hay doanh nghiệp nào ở Bát Tràng, Giang Cao và Hạ Thái trả bảo hiểm, trợ cấp thôi việc hay thất nghiệp cho công nhân. Hợp đồng được ký không chính thức hàng năm, và lương được thanh toán dựa trên ngày công thực tế, hoặc khoán sản phẩm. Hầu hết công nhân di cư vẫn duy trì làm nông tại quê nên chỉ làm nghề thủ công trong mùa nông nhàn. Một số thành viên hộ của họ vẫn làm ruộng. Một số thông tin cho thấy công nhân nhập cư mất việc sẽ lại dựa vào ruộng đồng, mở cửa hàng buôn bán lẻ, hoặc chuyển sang làm xây dựng hay một số nghề phụ tại quê nhà.
Trong khi đó, một số nghề làng vẫn duy trì công việc cho hộ của mình hoặc của họ hàng mình. Nói chung, điều kiện sống của hầu hết người dân địa phương vẫn ổn định do vẫn còn những khoản tiết kiệm từ giai đoạn làm ăn được.
Bát Tràng và Giang Cao: Hộ gia đình thuê nhiều lao động di cư, chủ yếu từ các tỉnh láng giềng như Hưng Yên, Hà Tây, Hải Dương, Hà Bắc và Bắc Ninh. Công nhân từ Hưng Yên không ở lại qua đêm như công nhân ở các nơi khác. Trên 500 công nhân di cư thuê nhà trọ ở xã. Tại một số chợ lao động nhỏ trong xã, chủ lao động có thể chọn công nhân thời vụ. Vào lúc cao điểm trước năm 2008, hộ sản xuất địa phương thuê khoảng 10.000 lao động di cư (khoảng 60% là nữ), và con số này giảm khoảng 60 phần trăm sau Tết vừa qua.
Hạ Thái: Thông thường, hộ sản xuất thuê khoảng 400 lao động di cư, chủ yếu từ Phú Thọ, Hòa Bình, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình và Thanh Hóa. Một số hộ cho biết thuê lao động di cư tốn kém hơn. Mỗi lao động di cư kiếm khoảng một triệu VND một tháng, không phải trả chi phí ăn ở do họ ở với chủ lao động. Trong khi đó, công nhân địa phương cũng kiếm khoảng một triệu VND hay kém hơn một chút. Hầu hết lao động di cư chưa trở lại sau Tết dp các hộ sản xuất chưa nhận được đơn hàng mới.
5.2. Hỗ trợ chính thức và phi chính thức:
Hỗ trợ chính thức cho doanh nghiệp và hộ sản xuất:


  • Dự án tiết kiệm năng lượng của Quỹ Môi trường Việt Nam yêu cầu một số điều kiện không phù hợp hộ địa phương ở xã Bát Tràng. Một số hộ có mặt bằng hạn chế không đáp ứng mô hình đề ra;

  • Nhiều doanh nghiệp được giảm thuế thu nhập từ ba đến bốn triệu VND khi quyết toán;

  • Chính quyền xã không có trợ giúp đáng kể, trừ việc tạo điều kiện về giấy tờ để vay vốn.


Tương trợ lẫn nhau:
Nói chung, các hộ sản xuất cạnh tranh không giúp đỡ nhau mà cố gắng giữ thông tin về kỹ thuật sản xuất càng kín càng tốt. Bảo mật thông tin sản xuất và kinh doanh đặc biệt quan trọng khi chưa có một hệ thống bảo vệ tài sản trí tuệ hữu hiệu. Tuy nhiên, một số hộ sản xuất có quan hệ ruột thịt có thể hỗ trợ nhau. Họ có thể chia sẻ mẫu mã và kỹ thuật.
5.3. Thay đổi hình thức tiêu dùng trong hộ:
Nhóm nghiên cứu ghi nhận một số dấu hiệu thắt lưng buộc bụng bước đầu ở các làng nghề, mặc dù theo các cách khác nhau. Nhưng ảnh hưởng khủng hoảng tới phúc lợi hộ ở các làng nghề vẫn chưa nghiêm trọng tới mức phá sản, cho con nghỉ học hay bán đất. Một số người phải dựa vào vay mượn từ người làng. Người làng phải tái cơ cấu hình thức tiêu dùng bằng cách cắt giảm chi tiêu một số mặt hàng đắt tiền, chứ không dùng tới nguồn tiết kiệm cho vốn lưu động (khoảng 300 – 400 triệu VND). Cụ thể:


  • Tiêu ít hơn vào việc sửa hoặc xây nhà;

  • Tiêu ít hơn vào các đồ dùng lâu bền theo mốt;

  • Tiêu ít hơn vào du lịch;

  • Mua sắm Tết ít hơn;

  • Giảm lượng tiêu thụ thịt cá.

Trong khi đó ở Hạ Thái, nơi có mức tăng trưởng kém hơn Bát Tràng trong thời kỳ hoàng kim, một số người dân phải cắt giảm chi tiêu vào những đồ dùng thiết yếu hàng ngày, như thức ăn và quần áo, và không mua những đồ chưa thực sự cần thiết.


5.4. Hỗ trợ hộ nghèo và cận nghèo:
Tại các điểm nghiên cứu, hộ nghèo là những hộ chịu nghèo kinh niên, có người nhà ốm đau thường xuyên, tàn tật hay cô đơn.
Bát Tràng: Xã có 13 hộ nghèo theo chuẩn cũ. Cả huyện và xã đều có quỹ người nghèo.
Duyên Thái: Xã có 49 hộ nghèo với hơn 400 khẩu (theo chuẩn cũ) hay trên 80 hộ nghèo (theo chuẩn mới). Riêng làng Hạ Thái có 30 hộ nghèo (theo chuẩn cũ) hay khoảng 40 hộ nghèo (theo chuẩn mới). Ngoài quyền lợi cho hộ nghèo, họ có thể nhận một số trợ giúp không thường xuyên như quà Tết và một số nguyên liệu đầu vào cho sản xuất (ví dụ, nhận phân bón vào năm 2007). Nhưng các hộ cận nghèo chưa được trợ giúp gì cả. Chỉ có các hộ nghèo phải giảm đáng kể chất lượng dinh dưỡng trong bữa ăn do ảnh hưởng của sản xuất đình trệ.
5.5. Các biện pháp trợ giúp:
Một số biện pháp trợ giúp do hộ sản xuất địa phương đề xuất:


Bát Tràng và Giang Cao


Hạ Thái

  • Chính quyền xã đã yêu cầu phân bổ thêm quỹ cho hội phụ nữ, đoàn thanh niên và hội cựu chiến binh để giúp các thành viên gặp khó khăn;




  • Chính phủ nên chú ý tiếp thị sản phẩm Bát Tràng, thông qua hiệp hội làng nghề hoặc chính quyền địa phương;




  • Cần hỗ trợ tài chính cho các hộ sản xuất lò hộp nâng cấp phương tiện;




  • Các nhà khoa học cần nghiên cứu giảm lượng tiêu thụ gas cho các loại sản phẩm khác nhau.




  • Tham tán thương mại của Việt Nam ở nước ngoài cần giúp thăm dò nhu cầu thị trường nước ngoài (tuy nhiên việc này có thể dẫn tới cơ chế ban ơn trong kinh doanh);




  • Các hộ sản xuất địa phương cần được trang bị kiến thức thương mại căn bản.

Phụ lục 1: Phương pháp đánh giá

Đánh giá này được tiến hành ba tuần sau Tết, vốn là thời gian yên ắng hàng năm về hoạt động mua sắm và đơn hàng tại cả ba làng. Ngoài ra, các quan sát được tiến hành trong ngày thường trong tuần, cũng không phải thời gian bận rộn của các cửa hàng. Họ thường có nhiều khách hơn vào cuối tuần. Theo những người được phỏng vấn, khoảng 30-40 phần trăm các lò chưa nổi lửa sau Tết. Do đó, vẫn chưa rõ liệu các hộ này sẽ ngừng hẳn sản xuất hay chỉ dừng tạm thời một thời kỳ sau Tết.


Do có tính đến những sai lệch giả định này, các phát hiện trình bày trong báo cáo dựa trên tổng hợp của nhiều nguồn khác nhau (công nhân làm thuê, họ gia đình, doanh nghiệp, cán bộ lãnh đạo hiệp hội làng nghề và của làng, xã), so sánh các thời kỳ khác nhau (phát triển mạnh, khủng hoảng trong nước, và khủng hoảng toàn cầu, bao gồm cả giai đoàn trước và sau Tết vừa qua so với cùng kỳ các năm trước), và cố gắng tìm hiểu những nhân tố vô hình ẩn chứa đằng sau những hiện tượng hữu hình. Cách đối chiếu này nhằm đạt được tính trung thực cao nhất có thể được của thông tin cung cấp trong báo cáo này.
Trên thực tế, nhóm nghiên cứu đã phỏng vấn 29 chủ cơ sở làng nghề (gồm 12 doanh nghiệp và hợp tác xã, 17 cơ sở sản xuất qui mô hộ gia đình), 12 người lao động (trong đó có bốn nữ), sáu cán bộ xã, thôn và hiệp hội làng nghề.

Phụ lục 2: Ảnh minh họa

Ảnh 1: Nhân viên bán hàng tại Siêu thị Điện tử Điện máy ở Xã Bát Tràng cho biết doanh số bán hàng trước Tết giảm mạnh dù có nhiều chiêu khuyến mại, gi ảm giá.

Ảnh 2: Một số hộ sản xuất chuyển sang sử dụng nhà xưởng cho các dịch vụ giải trí du lịch. Đây là một phòng đập gốm giảm stress.


Ảnh 3: Đây là máy rút tiền tự động duy nhất tại Xã Bát Tràng, trước thường có nhiều doanh nhân và hộ sản xuất tới rút tiền từ các giao dịch bán hàng, nhưng giờ rất vắng khách sử dụng.

Ảnh 4: Song Cưng, một trong những hợp tác xã ít ỏi tại Xã Bát Tràng, giờ không có đơn hàng và khách thăm phòng trưng bày sản phẩm.


Ảnh 5: Một nhà sản xuất thua lỗ phải đi chở hàng thuê cho chủ sản xuất khác tại Bát Tràng.

Ảnh 6: Một xưởng gốm bị đóng cửa vào đầu năm 2009.









Ảnh 7: Lò hộp lạc hậu để sản xuất gốm bị bỏ hoang vào đầu năm 2009.







Ảnh 8: Đôi lọ này phải bán với giá 1.8 triệu VND để có lãi do giá đầu vào tăng đột biến. Nhưng đôi lọ đã lâu không có người mua, dù chỉ bán với giá 1.5 triệu VND.


Ảnh 9: Một lò gốm bị phá nhường chỗ bán hàng ăn sáng.

Ảnh 10: Cô bán hàng ngồi không cả ngày vào một trong những mùa du lịch tại Xã Bát Tràng.


Ảnh 11: Một hộ nghèo sản xuất đồ thờ cúng sơn mài để tiêu thụ nội địa. Sân này thường chật cứng hàng trong thời kỳ làm ăn tốt nhưng khá rộng rãi tại thời điểm nghiên cứu.


1 Nguyễn Tam Giang (tư vấn)

Báo cáo hợp phần này phản ánh kết quả khảo sát nhanh tại 2 làng nghề nổi tiếng gần Hà nội, là gốm sứ Bát Tràng (thực chất gồm 2 làng trong 1 xã là Bát Tràng và Giang Cao) và sơn mài Hạ Thái nhằm cung cấp một số thông tin về tác động của cuộc khủng hoảng tài chính – kinh tế đến khu vực làng nghề ở Việt Nam.



2 Thông tin trong phần này do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Xã Bát Tràng cung cấp.

3 Công ty cổ phần này thuộc Bộ Công Thương.

4 Thông tin trong phần này do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Xã Duyên Thái cung cấp.

5 Theo nhóm cán bộ chủ chốt làng Hạ Thái.





tải về 107.15 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương