Ngày 31-3, Hội Môi trường xây dựng Việt Nam đã có báo cáo nhận xét về Đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 gửi Quốc hội, Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên Môi trường



tải về 46.05 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu10.01.2018
Kích46.05 Kb.
#35960

BỘ TƯ PHÁP

VĂN PHÒNG

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc





Hà Nội, ngày 01 tháng 4 năm 2010


ĐIỂM TIN BÁO CHÍ SÁNG NGÀY 01/4/2010

Trong buổi sáng ngày 01/4/2010, một số báo chí đã có bài phản ánh những vấn đề lớn của đất nước và những vấn đề liên quan đến công tác tư pháp như sau:



I- THÔNG TIN VỀ NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT CỦA ĐẤT NƯỚC

1. Báo Sài Gòn giải phóng phản ánh: Ngày 31-3, Hội Môi trường xây dựng Việt Nam đã có báo cáo nhận xét về Đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 gửi Quốc hội, Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên - Môi trường; Chủ tịch UBND TP Hà Nội và các thành viên Hội đồng thẩm định quốc gia đối với Đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô. Cụ thể, báo cáo chỉ ra 11 thiếu sót của đồ án. Trong đó, Hội Môi trường xây dựng Việt Nam cho rằng việc chuyển trung tâm hành chính quốc gia lên Hòa Lạc (chân núi Ba Vì) là thiếu coi trọng giá trị ngàn năm lịch sử Thăng long - Hà Nội.

Hội cũng cho rằng quy hoạch TP hai bên bờ sông Hồng là mạo hiểm và nhiều rủi ro; quy hoạch tránh Hà Nội phát triển “lan tỏa” là đúng nhưng khó thực hiện được; đến năm 2030 di dời 400.000 dân ra khỏi nội thành Hà Nội là chưa thực tế. Xét cả về các mặt kinh tế, xã hội và khoa học kỹ thuật, báo cáo cho rằng quy hoạch thủ đô Hà Nội còn thiếu tính khả thi.



2. Báo Nhân dân phản ánh: Ngày 31-3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC) Trương Hòa Bình, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao (VKSNDTC) Trần Quốc Vượng đã ký Nghị quyết liên tịch về việc ban hành Quy chế phối hợp công tác giữa Chính phủ với TANDTC, VKSNDTC. Cùng dự có: các Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng, Hoàng Trung Hải, Phạm Gia Khiêm, Trương Vĩnh Trọng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo một số bộ, ngành.

Quan hệ phối hợp công tác giữa Chính phủ với TANDTC, VKSNDTC được thực hiện từ khi chính quyền nhân dân được thành lập, nhất là trong những năm qua. Sự phối hợp này ngày càng đồng bộ và chặt chẽ hơn, góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Vì vậy, việc ban hành văn bản trên là rất cần thiết, có ý nghĩa quan trọng về thực tiễn và pháp lý. Theo quy chế, nội dung phối hợp công tác bao gồm: xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng pháp luật; phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; trao đổi, cung cấp thông tin; đào tạo cán bộ; hợp tác quốc tế; bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, kinh phí hoạt động của Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân; giải quyết các vụ án hình sự; giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự và các việc khác theo quy định của pháp luật xử lý tố giác, tin báo về tội phạm. Nghị quyết liên tịch trên có hiệu lực thi hành từ ngày 1-6-2010.

Phát biểu ý kiến tại lễ ký, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Quyền lực Nhà nước ta là thống nhất, tất cả thuộc về nhân dân, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Phối hợp công tác vừa là quy định của pháp luật, vừa là truyền thống trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, giúp mỗi cơ quan hoàn thành nhiệm vụ của mình, đồng thời góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới đất nước. Việc phối hợp này phải dựa trên cơ sở quy định của pháp luật và chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan. Phối hợp công tác giữa Chính phủ với TANDTC, VKSNDTC chính là sự phối hợp giữa cơ quan hành pháp và tư pháp, có vai trò và vị trí rất quan trọng, góp phần giữ vững trật tự, kỷ cương, pháp luật của Nhà nước, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thủ tướng đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, UBND các cấp, trong phạm vi trách nhiệm của mình, phối hợp chặt chẽ với TANDTC, VKSNDTC cũng như ngành tòa án, kiểm sát nói chung thực hiện nghiêm quy chế này.

3. Báo điện tử Vietnamnet phản ánh: Bộ GTVT bác bỏ hoàn toàn ý kiến "kêu" lên Thủ tướng của Vietnam Airlines khi nhấn mạnh, pháp luật và chính sách hiện hành của Việt Nam không cho phép cơ quan quản lý nhà nước hạn chế nước ngoài đầu tư vào các hãng hàng không trong nước.

Tại văn bản 1754/BGTVT-VT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc việc hãng hàng không giá rẻ AirAsia mua lại 30% cổ phần của Công ty CP Hàng không Vietjet (VJA), Bộ GTVT cho rằng, việc bà Nguyễn Thị Phương Thảo (cổ đông phổ thông và nắm giữ 30% cổ phần phổ thông) tính đến tháng 1/2010 chuyển nhượng cổ phần cho AA International Ltd., (AirAsia) không tạo nên pháp nhân mới. Theo quy định, VJA phải thực hiện các thủ tục cần thiết với cơ quan quản lý nhà nước để thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không. Trên cơ sở hồ sơ, kết quả thẩm định của Cục Hàng không Việt Nam, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được Sở KH-ĐT Hà Nội cấp đăng ký thay đổi lần 6 ngày 25/1/2010, xác nhận việc đầu tư của AirAsia vào VJA và thực hiện đúng Luật Hàng không, Bộ GTVT đã triển khai sửa đổi Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho VJA. Cụ thể, thay tên bà Nguyễn Thị Phương Thảo thành AA International Ltd. Các nội dung khác như tên giao dịch, tên hãng, vốn điều lệ... được giữ nguyên.

Về việc kiểm soát hoạt động kinh doanh vận chuyển của các hãng, Bộ GTVT khẳng định, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và Luật Hàng không, Nghị định 76/2007/NĐ-CP cho phép nhà đầu tư nước ngoài không phân biệt là hãng hàng không hay doanh nghiệp đầu tư vốn vào hãng hàng không Việt Nam với các điều kiện cụ thể, rõ ràng. Đồng thời, nhằm mục tiêu kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm nguyên tắc không mua bán thương quyền vận chuyển, không cho phép hãng hàng không nước ngoài thông qua đầu tư vốn để khai thác quyền vận chuyển nội địa Việt Nam dưới thương hiệu của mình. Hơn nữa, việc cấp thương quyền nội địa phải được dựa trên các yếu tố về nhu cầu thị trường, khả năng của các hãng hàng không, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội.

Sự lo lắng về việc AirAsia là nguyên nhân chính dẫn tới sự thua lỗ của các hãng hàng không Malaysia Airlines và Thai AirAsia, theo Bộ GTVT, là không có cơ sở vì mô hình hàng không giá rẻ tuy có giá bán thấp hơn hãng hàng không truyền thống, nhưng vẫn phải đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về tiêu chuẩn an toàn và được giám sát chặt chẽ. Do vậy, theo Luật Hàng không (cho phép một nhà đầu tư nước ngoài được mua tối đa 30% cổ phần của hãng hàng không trong nước), Bộ GTVT cho rằng không có căn cứ pháp luật để không thông qua thương vụ bán cổ phần của VJA cho AA International.

Nguyên nhân khiến Bộ GTVT phải lên tiếng về việc AirAsia mua lại 30% cổ phần của VJA là do Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam mới đây có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không thông qua việc hợp tác đầu tư này dưới mọi hình thức để thành lập một hãng hàng không chi phí thấp khác tại Việt Nam. Đồng thời, hãng cũng đề xuất xem xét sửa đổi quy định tỷ lệ vốn "ngoại" góp vào hàng không Việt Nam, xác định giá trị thương quyền nội địa trong hợp tác liên doanh, bán cổ phần. Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã có ý kiến chỉ đạo Bộ GTVT xem xét và báo cáo về vấn đề này.

4. Báo Sài Gòn giải phóng có bài Tài sản Nhà nước thất thoát... hợp pháp. Bài báo phản ánh: Chỉ trong vòng vài năm, một hộ gia đình đã “xin” mua được 2 căn nhà sở hữu Nhà nước theo Nghị định 61/CP với giá cực kỳ ưu đãi. Đó là trường hợp 2 căn nhà số 46, đại lộ II và số 163, đại lộ III đều thuộc phường Phước Bình, quận 9 của vợ chồng ông Nguyễn Văn Thạnh, bà Nguyễn Thị Oanh.

Căn nhà số 46 đại lộ II, khu phố 3, phường Phước Bình thuộc diện nhà công sản và được giải quyết cho ông Nguyễn Văn Thạnh (thương binh 1/4) thuê sử dụng làm nhà ở. Năm 2003, sau khi được ký hợp đồng thuê nhà chính thức, ông Thạnh lập hồ sơ mua nhà theo Nghị định 61/CP. Do ông Thạnh là thương binh 1/4 nên phần giá trị đất được tính bằng không, chỉ tính giá trị nhà. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính cũng như trước bạ nhà, ông Thạnh được UBND quận 9 cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, quyền sở hữu nhà ở ngày 10-12-2003.

Tháng 6-2009, Công ty Quản lý và Phát triển đô thị quận 9 tiếp nhận 12 căn nhà do Sở LĐTB-XH TPHCM chuyển giao quản lý, trong đó có căn nhà số 163, đại lộ III phường Phước Bình. Thời điểm này, ông Thạnh cũng đã kịp cất nhà ở và có được hộ khẩu thường trú ngay tại địa chỉ 163 đại lộ III nói trên mà không gặp bất cứ trở ngại nào. Đến năm 2009, ông Thạnh và bà Oanh tiếp tục lập hồ sơ mua nhà theo Nghị định 61/CP kèm theo giấy cam kết chưa hưởng chính sách nhà ở, đất ở (lập tháng 7-2009) có kèm theo xác nhận chữ ký của UBND phường Phước Bình để xin mua hóa giá căn nhà nói trên! Trên cơ sở này, tháng 11-2009, UBND quận 9 tiếp tục ban hành quyết định bán căn nhà số 163 trên cho ông Thạnh. Tháng 12-2009, UBND quận 9 cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất căn nhà trên cho vợ chồng ông Thạnh! Chỉ trong vòng gần 6 năm, ngay trên địa bàn quản lý, UBND phường Phước Bình đã “hồn nhiên” đề xuất bán 2 căn nhà công sản cho một người. Điều này đã gây ra bức xúc trong người dân trên địa bàn phường thời gian qua bởi 2 căn nhà công sản được mua dễ như… mua rau!

Điều đáng nói là trong quá trình xét duyệt bán nhà theo Nghị định 61/CP, hồ sơ của ông Thạnh đã thể hiện nhiều bất cập, khuất tất nhưng dường như đều được các cơ quan có liên quan trên địa bàn quận 9 “lướt” qua một cách khó hiểu. Cụ thể, giấy chứng nhận thương binh khi lập hồ sơ mua căn nhà 46, đại lộ II, phường Phước Bình ghi năm sinh ông Thạnh là 1957, nguyên quán là TP Nha Trang, Khánh Hòa. Trong khi giấy chứng nhận thương binh cung cấp khi lập hồ sơ thuê căn nhà 163 đại lộ III phường Phước Bình lại ghi năm sinh của ông Thạnh là 1960, nguyên quán ở Quảng Nam – Đà Nẵng!

Điều đáng nói là để được ký hợp đồng thuê nhà sở hữu Nhà nước, cá nhân, người xin thuê phải nộp rất nhiều hồ sơ và làm nhiều thủ tục có liên quan. Trong đó hồ sơ phải có đủ hộ khẩu, nơi chuyển đến, nơi chuyển đi, CMND, giấy hôn thú, thẻ thương binh… Không hiểu sao, cán bộ phụ trách tiếp nhận hồ sơ vẫn bỏ lọt thông tin về sở hữu của ông Thạnh liên quan đến căn nhà số 46, đại lộ II, phường Phước Bình mà ông đã được mua hóa giá vào năm 2003. Chưa nói đến, chỉ trong một thời gian ngắn nhưng UBND phường Phước Bình đã ký xác nhận vào giấy cam kết chưa hưởng chính sách nhà ở, đất ở của ông Thạnh, bà Oanh trong bộ hồ sơ, góp phần giúp ông Thạnh mua trót lọt 2 căn nhà nói trên với giá rất ưu đãi. Ai chịu trách nhiệm về việc tài sản của Nhà nước thất thoát… hợp pháp?

5. Báo An ninh Thủ đô phản ánh: Hôm qua 31-3, Văn phòng Chính phủ đã Thông báo về kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội ngày 17-3 vừa qua. Theo đó, Thủ tướng cho phép Hà Nội áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư đàm phán đối với các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng và chuyển giao) gồm: Dự án xây dựng các tuyến đường đấu nối hạ tầng các khu đô thị, dân cư quận Hà Đông; tuyến đường nối từ đường Phạm Văn Đồng đến đường 69; tuyến đường 70 theo quy hoạch (đoạn Hà Đông-Văn Điển và đoạn từ Láng-Hòa Lạc đến Nhổn); nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 6; cải tạo môi trường các hồ.

TP cũng được phép thí điểm đầu tư một số dự án xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật lớn theo hình thức đầu tư mới Hợp tác Nhà nước-Tư nhân (PPP). Dự kiến, các dự án thí điểm gồm xây dựng tuyến đường vành đai 4; xây dựng một số tuyến đường bộ trên cao; cải tạo sông Tô Lịch và xây dựng tuyến giao thông Nhật Tân-Nội Bài. Thủ tướng cũng giao Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ xem xét hỗ trợ cho vay vốn đầu tư (khoảng 2.000-3.000 tỷ đồng) không lãi để thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp tập trung tại Hà Nội.

Về một số kiến nghị cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý để Hà Nội thành lập Sở Phòng cháy chữa cháy và tiếp tục triển khai dự án xây dựng Khu liên cơ quan hành chính thành phố. Thủ tướng cũng đồng ý tổ chức khai mạc 10 ngày Đại lễ, bắt đầu vào sáng 1-10 tại vườn hoa Lý Thái Tổ và kết thúc bằng Đêm hội văn hóa nghệ thuật chào mừng 1.000 năm Thăng Long vào tối 10-10 tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình.

II- NHỮNG THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC TƯ PHÁP

1. Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh có bài Gỡ vướng cho luật sư tập sự học nghề. Bài báo phản ánh: Trong buổi tọa đàm do Bộ Tư pháp cùng Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức hôm qua (31-3), ông Nguyễn Văn Bốn, Phó Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp, cho biết thêm Luật Luật sư chỉ quy định: “Người tập sự hành nghề luật sư được giúp luật sư hướng dẫn trong hoạt động nghề nghiệp; không được nhận và thực hiện dịch vụ pháp lý cho khách hàng”. Quy định chung chung như vậy nhưng lại chưa được hướng dẫn nên các văn phòng luật sư, công ty luật lúng túng, chẳng biết bố trí việc gì cho các bạn trẻ tập sự, học nghề. Cũng vì thế, người tập sự ít được trau dồi kỹ năng, kiến thức và chẳng mấy khi được va chạm với vụ việc cụ thể…

Xử lý những vướng mắc trên, Bộ Tư pháp phối hợp với Liên đoàn Luật sư đang dự thảo một thông tư về quy chế tập sự hành nghề luật sư. Theo đó, những công việc mà người tập sự được tham gia cụ thể hơn, gồm nghiên cứu hồ sơ vụ việc; thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến vụ việc; chuẩn bị luận cứ hoặc văn bản tư vấn… Đáng chú ý, người tập sự còn được đại diện ngoài tố tụng và thực hiện các dịch vụ pháp lý cho khách hàng; được tham dự phiên tòa và các buổi tư vấn. Tất cả công việc trên, người tập sự hành nghề luật sư đều thực hiện dưới hướng dẫn của văn phòng luật sư nơi họ tập sự.

Nhưng hướng dẫn “mở” như vậy liệu có trái với quy định cấm khắt khe trong Luật Luật sư là người tập sự không được nhận và thực hiện dịch vụ pháp lý cho khách hàng? Luật sư Nguyễn Huy Thiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho rằng cần hiểu quy định của luật là cấm người tập sự “tự nhận và thực hiện dịch vụ”. Còn những hoạt động nghề nghiệp dưới sự hướng dẫn của luật sư chính thức thì phải cho phép vì nếu không, người tập sự chẳng có việc gì để học nghề cả. Ngoài các nội dung trên, dự thảo thông tư nêu khá chi tiết, toàn diện việc tập sự hành nghề luật sư, kiểm tra kết quả tập sự, cũng như xử lý kỷ luật, giải quyết khiếu nại tố cáo liên quan. Bộ Tư pháp cùng Liên đoàn Luật sư đang khẩn trương hoàn tất để sớm ban hành văn bản này.

2. Báo Người lao động có bài Quy định “đá” nhau. Bài báo phản ánh: Như Báo Người Lao Động ngày 30-3 đã thông tin: Dù đã được góp ý và chỉnh sửa đến lần thứ 3, nhưng dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi vẫn còn quá nhiều bất cập, thiếu thực tế. Do vậy đòi hỏi phải bổ sung kịp thời để tránh tình trạng luật ban hành lại thiếu khả thi.

Dự thảo dành hẳn một điều 4 để giải thích các thuật ngữ. Điều này tạo sự hiểu thống nhất khi áp dụng. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu quá nhiều khái niệm. Chẳng hạn tại nhiều điều khoản trong dự thảo có đề cập về “bí mật kinh doanh” như: Người sử dụng lao động (NSDLĐ) phải cung cấp thông tin về bí mật kinh doanh (nếu có) cho người lao động (NLĐ) khi giao kết hợp đồng (điều 28); NSDLĐ và NLĐ thỏa thuận về việc giữ gìn bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh (điều 33); NSDLĐ phải cung cấp thông tin... trừ bí mật kinh doanh khi đại diện bên tập thể lao động yêu cầu khi thương lượng tập thể (điều 79)... NLĐ bị sa thải nếu tiết lộ bí mật công nghệ, kinh doanh (điều 140). Thế nhưng, trong dự thảo lại không giải thích “bí mật kinh doanh” là gì! Với kiểu bỏ ngỏ quy định như vậy, doanh nghiệp (DN) dễ dàng tùy tiện áp dụng để sa thải NLĐ. Hay như tại các điều 9, 77, 81 có đề cập “tổ chức của NSDLĐ”, nhưng không giải thích “tổ chức của NSDLĐ” là gì? Trong khi đó, dự thảo Luật CĐ sửa đổi quy định rất rõ đó là “tổ chức do những NSDLĐ lập ra theo quy định của pháp luật để đại diện, bảo vệ quyền lợi của những NSDLĐ”. Vì thế, việc bổ sung giải thích thuật ngữ “tổ chức của NSDLĐ” trong dự thảo Bộ Luật Lao động là cần thiết.

Tại điều 50 của dự thảo quy định NSDLĐ không được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ nuôi con nhỏ dưới 4 tháng tuổi theo Luật BHXH. Thế nhưng, theo quy định của Luật BHXH, NLĐ được quyền nghỉ thai sản 4 tháng, 5 tháng, hoặc 6 tháng tùy điều kiện làm việc hay số con trong một lần sinh. Đáng nói, ngay trong dự thảo, tại điều 164 lại quy định: “NSDLĐ không được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với NLĐ nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi”. Vậy khi xảy ra tranh chấp phải áp dụng điều khoản nào để phán xét hành vi đơn phương chấm dứt HĐLĐ là đúng hay sai?

Điều 114 của dự thảo quy định: “Trong trường hợp DN bị giải thể, phá sản thì tiền lương, trợ cấp thôi việc, BHXH và các quyền lợi khác của NLĐ theo thỏa ước lao động tập thể và HĐLĐ là khoản nợ trước hết trong thứ tự ưu tiên thanh toán”. Đây là một quy định rất có lợi cho NLĐ, nhưng lại mâu thuẫn với quy định của Luật Phá sản. Theo đó, khi DN phá sản thì các khoản nghĩa vụ với Nhà nước, các khoản nợ có bảo đảm, phí phá sản được ưu tiên thanh toán trước. Đây cũng là điều khó phân xử nếu DN bị phá sản.



Trên đây là điểm báo sáng ngày 01/4/2010, Văn phòng xin báo cáo Lãnh đạo Bộ./.


Nơi nhận:

- Bộ trưởng;

- Các Thứ trưởng;

- Lưu: TH.

VĂN PHÒNG BỘ





Каталог: cacchuyenmuc -> ttdh -> Lists -> DiemTinBaoChi -> Attachments -> 180
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
180 -> ĐIỂm tin báo chí ngàY 26/5 ĐẾn sáNG ngàY 27/5/2015

tải về 46.05 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương