Nghiên cứu dịch tễ BỆnh lý sa sút trí tuệ TẠi thành phố HỒ chí minh



tải về 117.33 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu01.10.2016
Kích117.33 Kb.
#32517
NGHIÊN CỨU DỊCH TỄ BỆNH LÝ SA SÚT TRÍ TUỆ

TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

PGS.TS.Vũ Anh Nhị, TS.Trần Công Thắng,

ThS. Nguyễn Kinh Quốc và CS*

*Bộ môn Thần Kinh, Đại học Y Dược TP HCM.


Mục tiêu: (1) Xác định tỉ lệ hiện mắc bệnh lý sa sút trí tuệ (SSTT) tại TP Hồ Chí Minh của dân số người cao tuổi. (2) Xác định mối liên quan giữa SSTT và các yếu tố nguy cơ.

Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Đối tượng nghiên cứu: người cao tuổi (≥60) thuộc 24 quận huyện của TP Hồ Chí Minh. Phương pháp nghiên cứu: mô tả cắt ngang. Phương pháp chọn mẫu cụm (PPS). Nghiên cứu qua 2 giai đoạn: Giai đoạn 1: tầm soát bằng bảng câu hỏi, thang điểm MMSE và ADL để chọn lọc người cao tuổi có khả năng SSTT (khi có bất thường trí nhớ và nhận thức + MMSE ≤24 + ADL ≤5). GĐ2: xác định chẩn đoán SSTT bằng khám lâm sàng, thang điểm IADL. Chẩn đoán SSTT theo tiêu chuẩn DSM-IV với bảng thu thập số liệu đã in sẵn.

Kết quả: 2080 người cao tuổi chọn từ 30 phường xã thuộc 17 quận huyện TP HCM được khảo sát, 99 trường hợp có SSTT, tỉ lệ 4,8% (3,8% – 5,7%, CI =95%). Tỉ lệ hiện mắc ở nữ là 5,2%, nam là 3,8%. Các thể lâm sàng SSTT và tỉ lệ hiện mắc theo thứ tự là bệnh Alzheimer-2,1%, SSTT hỗn hợp-1,5%, SSTT mạch máu-1,1% và các thể khác rất hiếm gặp 0,1%. Tỷ lệ hiện mắc SSTT tăng dần theo tuổi từ 0,4% (60-64) lên 33,3% (90+). Có mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa SSTT với trình độ học vấn thấp (10,8% và 3,4%, P < 0,01), tiền căn đái tháo đường (7,8% và 4,3%, P = 0,016 < 0,05), tiền căn bị đột quỵ não (15,8% và 3,9%, P < 0,001). Các yếu tố về giới, hút thuốc lá, nghiện rượu, tiền căn tăng huyết áp, và chấn thương đầu không khác biệt có ý nghĩa thống kê.

Kết luận:

(1) Tỷ lệ hiện mắc SSTT của người cao tuổi tại TP HCM là 4,8%.

(2) Tỉ lệ hiện mắc bệnh Alzheimer chiếm tỉ lệ cao nhất 2,1%, SSTT hỗn hợp 1,5%, và SSTT mạch máu 1,1% và các thể khác 0,1%. Các yếu tố liên quan của SSTT là tuổi cao, trình độ học vấn thấp, tiền căn ĐTĐ và tiền căn đột quỵ não.

Từ khóa: Tỉ lệ hiện mắc, Sa sút trí tuệ (SSTT), Bệnh Alzheimer, SSTT mạch máu, SSTT hỗn hợp.
Epidemiological study on dementia in HCMC
Objectives: (1) To estimate prevalence of dementia in the elderly living at Ho Chi Minh city; (2) To identify the relations between dementia and risk factors.

Method: 2080 older persons (≥ 60) at 30 wards of 17 districts in Ho Chi Minh city were enrolled in this study. This cross-sectionalstudy included screening phase: elderly was evaluated by MMSE and ADL; and phase 2: they were measured by comprehensive neuropsychological tests, diagnostic by DSM-IV criteria.

Results: Prevalence of dementia in this study was 4.8%. This prevalence increased by age. A significant relation between this prevalence of dementia and age, level of education, hisory of diabetes, and history of stroke was observed.

Conclusion: (1) Prevalence of dementia in this study was 4.8%, increased by age. Subtypes of dementia: Alzheimer’s disease (2,1%), mixed dementia (1,5%), Vascular dementia (1,1%) anh others (0,1%). (2) There were relations between dementia and factors as age, female, level of education, history of diabetes and history of stroke.



Key words: Prevalence, Dementia, Alzheimer’s disease, Vascular dementia, Mixed dementia.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ VÀ MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU

Sa sút trí tuệ (SSTT) là một rối loạn của não bộ và là một bệnh lý thường gặp nhất ở người lớn tuổi. SSTT được đặc trưng bởi sự suy giảm nhận thức nhưng tình trạng ý thức vẫn bình thường và không có những rối loạn cấp tính hay bán cấp có thể gây ra suy giảm nhận thức. Đặc trưng lâm sàng của SSTT là một tình trạng rối loạn các lĩnh vực trí tuệ, bao gồm: trí nhớ, học tập, định hướng, ngôn ngữ, sự thông hiểu và sự đánh giá phán xét.

Trong báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2012, tỉ lệ SSTT của người trên 60 tuổi thay đổi từ 2,1% đến 8,5% tùy theo thống kê của từng khu vực. Và ghi nhận bốn thể hay phân nhóm của SSTT theo thứ tự lần lượt từ cao nhất đến thấp nhất là bệnh Alzheimer, SSTT mạch máu, SSTT thể Lewy và SSTT trán thái dương.[9] Hiện Việt Nam ta chỉ có một số rất ít các nghiên cứu về dịch tễ bệnh lý SSTT.[1][2]

MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU


  1. Xác định tỉ lệ hiện mắc bệnh lý SSTT tại TP Hồ Chí Minh của dân số nghiên cứu.

  2. Mô tả đặc điểm của bệnh lý SSTT: dịch tễ, các thể lâm sàng SSTT (bệnh Alzheimer, SSTT mạch máu, SSTT hỗn hợp, SSTT các thể khác) của dân số nghiên cứu, và các đặc điểm của từng thể lâm sàng, hình ảnh MRI não, các xét nghiệm máu.


2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1 Đối tượng nghiên cứu

Dân số từ 60 tuổi trở lên của thành phố Hồ Chí Minh thỏa tiêu chuẩn lựa chọn và tiêu chuẩn loại trừ.



2.2 Thiết kế nghiên cứu:

Nghiên cứu cắt ngang mô tả.



2.3 Cỡ mẫu:

Công thức tính cỡ mẫu n = t2 ð (1- ð)/ d2

Với: t = 1,96 (độ tin cậy 95%)

ð = tỉ lệ bệnh trong dân số ước lượng # 5%

d = độ chênh lệch tỉ lệ = 1%

Do đó n = (1,96)2. 0,05 (1- 0,05)/ (0.01)2 = 1825 người từ 60 tuổi trở lên.



2.4 Phương pháp chọn mẫu:

Phương pháp chọn mẫu cụm 2 bậc, với xác suất tỉ lệ với độ lớn của cụm (sampling with probability proportional to size - PPS).



2.5 Phương pháp xử lý số liệu

  • Quản lý dữ liệu: trong file hồ sơ và nhập vào máy tính.

  • Xử lý bằng phần mềm thống kê SPSS 19.0.


3. KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN

3.1. KẾT QUẢ GIAI ĐOẠN 1

TP. Hồ Chí Minh có 19 Quận và 5 Huyện với tổng cộng 319 Phường xã và thị trấn. Tổng số người cao tuổi của TP Hồ Chí Minh đến thời điểm nghiên cứu năm 2011 khoảng 426.576 người. Kết quả chúng tôi đã khảo sát 2080 người cao tuổi thỏa tiêu chuẩn.



3.1.1. ĐẶC ĐIỂM VỀ DỊCH TỄ CỦA MẪU NGHIÊN CỨU

Tuổi: Độ tuổi của dân số nghiên cứu từ 60 – 101 tuổi, độ tuổi 60 – 64 chiếm 25,4%, từ 65 trở lên chiếm 74,6%.

Giới: Giới nữ là 1418 người (68,2%) và nam 662 người (31,8%).

Trình độ học vấn: Hơn 50% học vấn dưới tiểu học, đặc biệt 18,2% người cao tuổi không biết đọc, viết.

Nghề nghiệp: Lao động trí óc 13,2%, Lao động tay chân 40,1%, Nội trợ 21,6%, Không làm gì 16% và khác 9,1%

Nơi cư trú: Thành thị 81,3%, nông thôn 18,7%.

Thói quen: Uống rượu bia 3,1%, hút thuốc lá 9,2%, luyện tập thể dục thể thao 54,7% (chủ yếu đi bộ).

Tiền căn bệnh tật: 9,7% có tiền căn chấn thương đầu (không và có phẫu thuật), tiền căn tăng huyết áp 51,7%, tiền căn đái tháo đường 12,8%, tiền căn đã bị TBMMN một hoặc nhiều lần 7,2%, một số bệnh lý khác chủ yếu là các bệnh cột sống, đau khớp…39,1%. Tiền căn gia đình có người mắc bệnh giảm trí nhớ: 2,5%.

3.1.2 ĐÁNH GIÁ LÂM SÀNG THÔNG QUA CÁC THANG ĐIỂM

Đánh giá thang điểm MMSE

Những đánh giá về lâm sàng thông qua các câu hỏi về lĩnh vực trí nhớ và nhận thức chủ yếu dựa trên những câu trả lời chủ quan của người cao tuổi, do đó giá trị tin cậy sẽ không cao như khi đánh giá có tính chất khách quan. Thang điểm đánh giá trạng thái tâm thần kinh thu nhỏ - MMSE là phương tiện tầm soát cho các rối loạn về trí nhớ và nhận thức hay SSTT.

Kết quả đánh giá thang điểm MMSE: 0 – 24 : 20,9%, và 25 – 30 : 79,1%. Điều này cho thấy trình độ học vấn thấp của người cao tuổi trong mẫu nghiên cứu đã ảnh hưởng đến điểm số của thang điểm này.
Đánh giá thang điểm hoạt động sống hàng ngày - ADL

Thang điểm ADL (Activity of Daily Living Scale) đánh giá chủ yếu về các hoạt động sống cơ bản của một cá nhân như: ăn uống, đi vệ sinh, mặc quần áo, chăm sóc bản thân, đi lại và tắm rửa. Kết quả 90% đạt 6 điểm hay hoạt động sống hàng ngày không bị ảnh hưởng, 10% có điểm số từ 0-5 điểm hay hoạt động sống hàng ngày có bị ảnh hưởng.

Thang điểm ADL này còn được gọi là thang ADL quốc tế (International Scale). Không có nghiên cứu đánh giá độ nhạy và độ chuyên biệt vì đây là thang điểm dùng hỗ trợ chẩn đoán. Giá trị thang này được đánh giá thông qua hệ số tương quan với cách hỏi chi tiết, với hệ số tương quan R từ 0,87 đến 0,94. Do đó, việc dùng thang ADL trong nghiên cứu tầm soát dịch tễ SSTT có giá trị cao.

3.1.3 ĐÁNH GIÁ KHẢ NĂNG SSTT QUA BẢNG CÂU HỎI GIAI ĐOẠN 1

Kết quả từ số liệu của giai đoạn 1 qua phân tích và lựa chọn những người cao tuổi phù hợp tiêu chuẩn chẩn đoán SSTT trên lâm sàng theo tiêu chuẩn DSM-IV: gồm có suy giảm trí nhớ và mất ít nhất một chức năng (ngôn ngữ, mất thực dụng, mất nhận thức và mất chức năng thực hiện), từ đó gây ra sự suy giảm đáng kể chức năng xã hội và nghề nghiệp.

Vì vậy người cao tuổi có khả năng mắc SSTT trên lâm sàng thông qua tiêu chí khi có cả 3: có bất thường về trí nhớ và nhận thức, điểm số MMSE từ 24 trở xuống và hoạt động sống hàng ngày bị ảnh hưởng với điểm số ADL ≤ 5.

Kết quả có 133 người cao tuổi trong tổng số 2080 người được khảo sát phù hợp với tiêu chí này, chiếm 6,39%.



3.2 KẾT QUẢ GIAI ĐOẠN 2

Qua thăm khám lâm sàng đánh giá các triệu chứng thần kinh như ý thức tri giác, dấu hiệu thần kinh định vị, đánh giá hoạt động sống hàng ngày lần nữa thông qua thang điểm đánh giá hoạt động sống hàng ngày bằng phương tiện dụng cụ của tác giả Lawton (IADLs)). Và người cao tuổi được chọn vào giai đoạn 2 đã được thực hiện các cận lâm sàng về huyết học, sinh hóa máu, và hình ảnh học não.

6 người cao tuổi trong số 133 người cao tuổi đã tử vong, với 3 trường hợp có biểu hiện lâm sàng trước lúc chết ở giai đoạn nặng của SSTT (ghi nhận từ người thân). Có 2 người cao tuổi đã đi khỏi nơi cư trú và không thể liên lạc được với gia đình họ để thăm khám đánh giá cho giai đoạn 2.

Còn lại 125 người cao tuổi được đánh giá theo mẫu thu thập số liệu của giai đoạn 2.



Đánh giá thang điểm IADL

Thang điểm này đánh giá các khía cạnh trong hoạt động sống hàng ngày như khả năng sử dụng điện thoại, mua bán, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo, sử dụng phương tiện giao thông, sử dụng thuốc và khả năng quản lý chi tiêu. Kết quả 100% người cao tuổi được lựa chọn trong khảo sát giai đoạn 2 đều có bất thường về điểm số IADL, điểm số dao động từ 0 – 4 điểm ở nam giới và 0 – 7 điểm ở nữ giới. Điều này cho thấy 125 người cao tuổi có biểu hiện lâm sàng SSTT qua tầm soát giai đoạn 1 là khá chính xác.



Các kết quả cận lâm sàng

Những người cao tuổi nào thỏa tiêu chuẩn chẩn đoán lâm sàng đã được chỉ định thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng gồm xét nghiệm máu (Công thức máu, đường huyết, BUN, creatinine, SGOT, SGPT, ion đồ máu, TPHA, fT3, fT4, TSH) và hình ảnh học não bằng chụp cộng hưởng từ - MRI. Một số ít trường hợp chỉ có chụp cắt lớp (CT) sọ não cũng được thu thập số liệu thay thế hình ảnh MRI não.

Kết quả đã thực hiện xét nghiệm máu là 75 người: trong giới hạn bình thường là chủ yếu, 5 trường hợp giảm nhẹ chức năng thận, một số trường hợp tăng nhẹ men gan, 9 trường hợp tăng đường huyết không quá 250mg%. Không có trường hợp giảm Natri máu, suy giảm chức năng tuyến giáp, hay kết quả TPHA dương tính. Vì vậy không có trường hợp người cao tuổi có SSTT do các nguyên nhân về chuyển hóa như tăng hay hạ đường huyết, rối loạn điện giải, rối loạn chức năng gan thận, suy giáp, hoặc giang mai thần kinh.

Kết quả MRI não 50 người cao tuổi, CT não là 22 người: hầu hết trường hợp đều có bất thường trên hình ảnh học não bộ: teo vùng hồi hải mã và teo não lan tỏa, hình ảnh tổn thương cũ của TBMMN, các thay đổi chất trắng dưới vỏ của bệnh lý mạch máu não, các ổ nhồi máu lỗ khuyết hay xuất huyết cũ nhỏ ở hạch nền, đồi thị 2 bên, các ổ tổn thương mạch máu nhỏ mạn tính… không có trường hợp phát hiện khối choán chỗ trong sọ.



Chẩn đoán và xếp loại SSTT

Tổng kết các kết quả thăm khám lâm sàng tại nhà người cao tuổi, dựa trên tiêu chuẩn chẩn đoán SSTT của Hội tâm thần Hoa kỳ DSM-IV, và phối hợp với các kết quả cận lâm sàng về xét nghiệm máu và hình ảnh học não, ghi nhận có 99 trường hợp có SSTT thực sự, với các đặc điểm sau:



Đặc điểm chung về dịch tễ của người cao tuổi có SSTT (Bảng 1)

Bảng 1: Đặc điểm chung về dịch tễ của người cao tuổi có SSTT

Biến

Đặc điểm

Tuổi

Trung bình: 79,9±8 (nhỏ nhất: 62- lớn nhất 101)

Giới

Nam: 25,3% (25 trường hợp)

Nữ: 74,7% (74 trường hợp)



Học vấn

Trung bình: lớp 3 (41,4%: không đi học; 83,8% dưới lớp 5)

Nghề nghiệp

Lao động trí óc: 6%

Lao động tay chân/ nội trợ: 59%

Không làm gì: 35%


Nơi sống

Nông thôn: 27,3%

Thành thị: 72,7%



Thể dục thể thao

Thường xuyên: 26,3%

Thỉnh thoảng: 4%

Không tập: 69,7%


Thói quen về rượu

Không/thỉnh thoảng: 92,9%

Thường xuyên/Nghiện: 7,1% (Nam 71,4%)



Thói quen về thuốc lá

Không: 90,9%

Có: 9,1% (Nam 88,9%)



Tiền căn

Tăng huyết áp: 60,6%

Đái tháo đường: 21,2%

TBMMN: 24,2%

Chấn thương đầu: 11,1%




Tỉ lệ hiện mắc SSTT của dân số nghiên cứu

99 người cao tuổi mắc SSTT thực sự, tỉ lệ 4,8% (3,8% - 5,7%), nam giới tỉ lệ hiện mắc 3,8% và nữ giới tỉ lệ hiện mắc 5,2%. Nếu tính tỉ lệ hiện mắc của nhóm người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên là 6,2%.



Xếp loại thể lâm sàng SSTT

Khi có chẩn đoán 99 người cao tuổi có SSTT trên lâm sàng dựa theo tiêu chuẩn chẩn đoán SSTT DSM-IV, phối hợp các yếu tố về đặc điểm lâm sàng, các kết quả cận lâm sàng hỗ trợ loại trừ các nguyên nhân gây SSTT do các rối loạn của bệnh lý nội khoa, và kết quả hình ảnh học não của người cao tuổi để phân loại các thể lâm sàng SSTT.

Kết quả có 44 trường hợp bệnh Alzheimer, 23 SSTT mạch máu, 30 SSTT hỗn hợp, 1 SSTT trên bệnh nhân liệt hành tủy tiến triển và 1 SSTT trên bệnh nhân bệnh Parkinson.(Hình 1)



Hình 1: Tỉ lệ hiện mắc các thể SSTT

Những trường hợp SSTT hỗn hợp: trên lâm sàng có thể biểu hiện bằng bệnh cảnh bệnh Alzheimer, nhưng khi kết hợp kết quả hình ảnh học não nhận thấy có những tổn thương não yên lặng của bệnh lý mạch máu não ở các vùng chiến lược trong SSTT mạch máu và cả hình ảnh teo não hồi hải mã của bệnh Alzheimer. Một số trường hợp bệnh cảnh lâm sàng của SSTT mạch máu nhưng hình ảnh học não còn cho thấy teo nhiều ở vùng hồi hải mã và thái dương đặc trưng của bệnh Alzheimer. Vì vậy chúng tôi xếp loại các trường hợp này vào nhóm SSTT hỗn hợp.

Nhìn chung kết quả tỉ lệ các thể lâm sàng của chúng tôi cũng tương đồng với các kết quả nghiên cứu của các nước trong khu vực Châu Á, nhất là các nước có điều kiện địa lý, kinh tế xã hội, mức sống và nền văn hóa tương tự Việt Nam qua các nghiên cứu ở Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản[3][6][8], và các nước khác ngoài châu Á như Cu Ba[5], Mỹ[7], Úc[4]…

3.3 PHÂN TÍCH MỐI LIÊN QUAN GIỮA CÁC YẾU TỐ DỊCH TỄ VÀ TỈ LỆ HIỆN MẮC SSTT

Tỉ lệ hiện mắc gia tăng theo tuổi, tuổi càng cao tỉ lệ hiện mắc SSTT càng lớn dần, gần gấp đôi mỗi 5 năm tuổi, tăng từ 4,8% ở nhóm tuổi ≥ 60 lên tới 33,3% ở nhóm người nhiều tuổi ≥ 90 (Bảng 2). Nếu xét độ tuổi ≥ 85 thì tỉ lệ hiện mắc SSTT là 21,1%, cao hơn không nhiều so với kết quả của tác giả Phạm Thắng là 17,6%.[1][2]

Kết quả tỉ lệ hiện mắc SSTT và tỉ lệ hiện mắc theo độ tuổi trong nghiên cứu chúng tôi cao hơn so với nghiên cứu của tác giả Phạm Thắng có thể giải thích được do trong nghiên cứu của tác giả Phạm Thắng đã loại bỏ những người cao tuổi không biết đọc và viết ra khỏi nghiên cứu, đây là yếu tố nguy cơ đã được chứng minh làm gia tăng mắc bệnh SSTT, còn trong nghiên cứu chúng tôi đã khảo sát tất cả người cao tuổi phù hợp tiêu chuẩn lựa chọn, bao gồm cả người không biết đọc và viết (tỉ lệ 18,2%).[1][2]

Tỉ lệ hiện mắc SSTT trong giới nữ là 5,2% và trong giới nam 3,8%. Sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê (χ2= 2,07, P = 0,153)



Bảng 2: Phân bố tỉ lệ hiện mắc SSTT theo độ tuổi và giới của mẫu nghiên cứu

Độ tuổi

Nữ

Nam

Cộng chung

n

SSTT

%

n

SSTT

%

n

SSTT

%

60-64

385

1

0,3

143

1

0,7

528

2

0,4

65-69

264

7

2,6

114

2

1,8

378

9

2,4

70-74

291

11

3,8

140

4

2,9

431

15

3,5

75-79

242

20

8,3

124

5

4,0

366

25

6,8

80-84

149

17

11,4

100

4

4,0

249

21

8,4

85-89

62

11

17,7

27

3

11,1

89

14

15,7

≥ 90

25

7

25,0

14

6

42,9

39

13

33,3

Tổng

1418

74

5,2

662

25

3,8

2080

99

4,8

Trình độ học vấn có liên quan có ý nghĩa thống kê với tỉ lệ hiện mắc SSTT. Trình độ học vấn càng cao tỉ lệ hiện mắc SSTT càng giảm và ngược lại (Bảng 3). Tiền căn tăng huyết áp (Bảng 4), đái tháo đường (Bảng 5) và tiền căn tai biến mạch máu não (Bảng 6) cũng có mối liên quan có ý nghĩa thống kê với tỉ lệ mắc SSTT



Bảng 3: Mối liên quan giữa tỉ lệ hiện mắc SSTT và học vấn




Không SSTT (%)

Có SSTT (%)

Học vấn = 0 năm

89,2

10,8

Học vấn ≥ 1 năm

96,6

3,4

(χ2 = 54,9, P < 0,01)

Bảng 4: Mối liên quan giữa tỉ lệ hiện mắc SSTT và tiền căn tăng huyết áp




Không SSTT (%)

Có SSTT (%)

Có tiền căn THA

94,4

5,6

Không tiền căn THA

96,1

3,9

(χ2 = 3,26, p=0,08)

Bảng 5: Mối liên quan tỉ lệ hiện mắc SSTT và tiền căn đái tháo đường




Không SSTT (%)

Có SSTT (%)

Có tiền căn ĐTĐ

92,2

7,8

Không tiền căn ĐTĐ

95,7

4,3

(χ2 = 6,42 với P = 0,016 < 0,05, OR = 1,89, CI 95% = 1,14-3,11)

Bảng 6: Mối liên quan tỉ lệ hiện mắc SSTT và tiền căn tai biến mạch máu não




Không SSTT (%)

Có SSTT (%)

Có tiền căn TBMMN

84,2

15,8

Không tiền căn TBMMN

96,1

3,9

(χ2 = 44, P < 0,001, và OR = 4,633, CI 95% = 2,54 – 7,4).

Không ghi nhận mối liên quan giữa tỉ lệ hiện mắc SSTT với nơi ở nông thôn -6,8% và thành thị -4,3% (P=0,38)

Tiền căn uống rượu bia và tiền căn hút thuốc lá giữa hai nhóm có và không có SSTT cũng không khác biệt có ý nghĩa thống kê. Đây là hai yếu tố liên quan có thể điều chỉnh được nếu chứng minh được là có liên quan có ý nghĩa thống kê làm gia tăng tỉ lệ hiện mắc SSTT.

Về yếu tố tập thể dục, chúng tôi ghi nhận có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa hai nhóm không tập và có tập thể dục. Trong đó nhóm người cao tuổi không tập thể dục có tỉ lệ hiện mắc SSTT cao hơn nhóm tập thể dục thường xuyên hay thỉnh thoảng. Nhưng yếu tố này có thể chứa sai lầm khi phân tích số liệu vì người cao tuổi mắc SSTT chắc chắn sẽ không thể tập thể dục để rèn luyện sức khỏe như nhóm người cao tuổi khỏe mạnh được.

Tiền căn chấn thương đầu, có hay không có phẫu thuật, giữa 2 nhóm có và không SSTT không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê.

Tiền căn gia đình có người bị mất trí nhớ hay SSTT không cho thấy sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, với tỉ lệ giữa nhóm có và không là 5,7% và 4,7%.



Tóm lại: Những yếu tố liên quan SSTT trong nghiên cứu của chúng tôi gồm có: tuổi cao, trình độ học vấn thấp, tiền căn đái tháo đường, tiền căn đột quỵ hay tai biến mạch máu não. Các yếu tố này gần tương tự các nghiên cứu của tác giả Phạm Thắng và các tác giả khác trên thế giới.[1][2][3].

3.4 PHÂN TÍCH MỐI LIÊN QUAN GIỮA CÁC YẾU TỐ DỊCH TỄ VÀ CÁC THỂ SSTT

Có 4 yếu tố ghi nhận làm gia tăng tỉ lệ hiện mắc chung cho SSTT là tuổi tác, trình độ học vấn, tiền căn đái tháo đường và tiền căn đột quỵ hay tai biến mạch máu não.

Khi phân tích riêng rẽ mối tương quan giữa các yếu tố này với từng thể SSTT chúng tôi nhận thấy kết quả sau:



  • Bệnh Alzheimer: yếu tố tuổi tác và trình độ học vấn là có ý nghĩa thống kê.

  • SSTT hỗn hợp: yếu tố tuổi tác, tiền căn đái tháo đường và tiền căn đột quỵ là có ý nghĩa thống kê, còn yếu tố trình độ học vấn thì không.

  • SSTT mạch máu: cả 4 yếu tố cho SSTT chung đều có ý nghĩa thống kê.


4. KẾT LUẬN

  1. Tỉ lệ hiện mắc SSTT trong mẫu nghiên cứu người cao tuổi tại thành phố Hồ Chí Minh là 4,8% (3,8% - 5,7%, CI = 95%). Tỉ lệ hiện mắc ở giới nữ là 5,2% và giới nam là 3,8%.

  2. Các thể lâm sàng hay nguyên nhân SSTT và tỉ lệ hiện mắc theo từng thể: bệnh Alzheimer có tỉ lệ hiện mắc cao nhất – 2,1% (chiếm 44,5%), SSTT hỗn hợp – 1,4% (chiếm 30,3%) và SSTT mạch máu – 1,1% (chiếm 23,2%), các thể lâm sàng khác hiếm gặp.

Các yếu tố làm gia tăng tỉ lệ hiện mắc SSTT: đã được ghi nhận trong nghiên cứu là lớn tuổi, trình độ học vấn thấp, tiền căn đái tháo đường và tiền căn đột quỵ não.

Các yếu tố liên quan cho riêng từng thể lâm sàng:

  • Bệnh Alzheimer: tuổi cao và trình độ học vấn thấp.

  • SSTT hỗn hợp: tuổi cao, tiền căn đái tháo đường và tiền căn đột quỵ não.

  • SSTT mạch máu: tuổi cao, trình độ học vấn thấp, tiền căn đái tháo đường và tiền căn đột quỵ não.


Tài liệu tham khảo

  1. Phạm Thắng, Điều tra dịch tễ học về tình hình bệnh tật, nhu cầu chăm sóc y tế và xã hội của người cao tuổi Việt Nam, Trong: Tạp chí DS&PT, 2007, số 4.

  2. Phạm Thắng, Lương Chí Thành, Nghiên cứu dịch tễ về SSTT ở người cao tuổi tại cộng đồng, Trong: Y học thực hành (715), 2010, số 5.

  3. Alzheimer’s Disease International, The prevalence of dementia worldwide, In: Alzheimer’s disease international factsheet, 2008.

  4. Collins P, Allbon P, Dementia in Australia: National data analysis and development, Australian Institute of Health and Welfare, 2007.

  5. de Jesús Llibre J, Fernández Y, Marcheco B, et al, Prevalence of Dementia and Alzheimer’s Diseasein a Havana Municipality:A Community-Based Study among Elderly Residents, MEDICC Review, 2009, Vol 11, No 2, 29-35.

  6. Prince M, et al, The global prevalence of dementia: A systematic review and metaanalysis, In: Alzheimer’s & Dementia 9, 2013, 63–75.

  7. Report of The Special Committee On Aging United States Senate, Alzheimer’s Disease and Dementia: A Comparison of International Approaches, S. RES. 81, SEC. 17(d), 2011.

  8. Rodriguez JJL, Ferri CP, Acosta D, et al, For the 10/66 Dementia Research Group. Prevalence of dementia in Latin America, India, and China: a populationbased cross-sectional survey, The Lancet, Aug 9 2008, 372(9637): 464-474.

  9. World Health Organization, Dementia: A Public Health Priority, WHO Library, UK, 2012.



tải về 117.33 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương