Nghi ngờ bán độ trong các giải quần vợt quốc tế



tải về 22.49 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích22.49 Kb.
#29501

Nghi ngờ bán độ trong các giải quần vợt quốc tế


RFI - Lê Hải
Cây vợt Andy Murray của Anh (phải) chúc mừng Novak Djokovic (trái), Thượng Hải, Trung Quốc, 17/10/2015.REUTERS/Damir Sagolj

Ngay trước mùa giải tennis thế giới năm 2016, giới hâm mộ môn thể thao sang trọng này nhận được một tin tức gây chấn động, về khả năng nhiều trận đấu đỉnh cao đã bị dàn xếp tỉ số. Đài BBC ở Anh cùng hãng tin BuzzFeedNews đã chạy tin và phỏng vấn lãnh đạo hiệp hội quần vợt chuyên nghiệp thế giới ATP. Từ Luân Đôn, Lê Hải cho biết. 

Tâm điểm của vụ việc này là trận đấu giữa hai cây vợt nổi tiếng Nikolay Davydenko và Martin Vassallo Arguello, mà các cáo buộc nghi ngờ là họ đã dàn xếp kết quả trận đấu. Tuy nhiên, sau quá trình điều tra thì họ được kết luận là không hề vi phạm bất kỳ một qui định nào trong tennis chuyên nghiệp.

Mặc dù vậy, điều khiến giới chuyên môn lo ngại là quá trình điều tra đã phát hiện thấy một mạng lưới cá độ có liên quan đến một loạt các cây vợt hàng đầu thế giới. Một trong số những tài liệu trong quá trình điều tra được một nhóm người giấu tên chuyển cho BBC và đài này nói rằng mạng lưới cá độ nối từ Nga sang đảo Sicilia và miền bắc nước Ý.

Điều khiến người dân Anh quan tâm đặc biệt là trên danh sách, có ba trận đấu ở giải quần vợt sân cỏ nổi tiếng của Anh là Wimbledon. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này thì chưa có bằng chứng xác đáng nào để kết luận chuyện dàn xếp kết quả, ngoại trừ thông tin chính thức là có tổng cộng 16 vận động viên tennis trong top 50 trên thế giới bị triệu tập đến cơ quan chuyên trách kỷ luật của hiệp hội để điều tra về chuyện có liên quan hay không tới các cáo buộc dàn xếp kết quả thi đấu.

Theo những nội dung được trao đổi thì có vẻ như các vụ việc đó đã xảy ra từ năm 2007 và các liên đoàn quần vợt sau đó phải lập ra cơ quan điều tra gọi là TIU – Tennis Integrity Unit - nhằm bảo đảm kỷ luật trong làng nghề. Mặc dù vậy, tin tức này được đưa ra đúng thời điểm Hôm nay là ngày khai mạc giải Úc mở rộng Australian Open, cho nên đã khiến dư luận quan tâm đặc biệt.

Vào năm 2011 Daniel Koellerer bị cấm đấu trong các giải tennis nhà nghề, cũng liên quan đến các cáo buộc dàn xếp tỉ số, một điều mà anh luôn bác bỏ. Như vậy có thể đó là lý do khiến người ta nghi ngại rằng tình trạng này hiện vẫn đang tiếp diễn trong các giải tennis thế giới ?

Đúng là như vậy. Do có thời gian chuẩn bị trước mà chương trình thể thao của đài BBC đã phỏng vấn được khá nhiều nhân vật nổi tiếng trong làng quần vợt nhà nghề. Daniel Koellerer đã tâm sự về chuyện có những người gọi điện và đến gặp anh trực tiếp để đề nghị hãy thua trong giải đấu ở Paris với giá 30.000 USD.

Anh kể là với một cây vợt nhà nghề thì đánh một quả bóng ra ngoài để thua đối thủ là điều mà cả chục ngàn khán giả đang theo dõi trên sân cũng không thể nào ngờ, nói gì đến những người xem trận đấu qua truyền hình và cá độ ở những nơi nào khác. Daniel Koellerer nhận là có tiếp xúc với những người muốn anh bán độ, nhưng bác bỏ các cáo buộc cho rằng anh tham gia vào đường dây bán độ.

Tuy nhiên, truyền thông Anh hầu như tin chắc là nạn dàn xếp kết quả để cá độ vẫn đang tiếp diễn, một phần là qua cuộc phỏng vấn với các điều tra viên người Anh. Ông Mark Phillips cho biết đã tham gia cuộc điều tra kéo dài chín tháng liên quan đến các cáo buộc hồi năm 2007, nhưng sau đó đã chuyển hồ sơ cho cơ quan chuyên trách là TIU, và không hề có thêm diễn tiến gì mới, mặc dù là đã tìm được khá nhiều bằng chứng xác định mối liên quan giữa quần thủ và giới dàn xếp cá độ.

Phát ngôn nhân của cơ quan chuyên trách về điều tra cá độ (TIU) nói rằng trong số 28 vận động viên có liên quan trong các trận đấu bị nghi là dàn xếp tỷ số vào năm 2008 thì sau này không mở lại hồ sơ điều tra, mặc dù tiếp tục có những tin tức cáo buộc liên quan đến một phần ba số vận động viên đó.

Hôm nay, giải Úc mở rộng chính thức khai mạc, vậy thì phía quan chức ngành quần vợt trên thế giới có phản ứng gì?

Tin tức này hầu như mới chỉ xuất hiện trong ngày hôm nay và BBC là người nhận được toàn bộ hồ sơ vụ việc, cho nên hầu như chỉ có họ đang độc quyền về tin tức, và hứa hẹn sẽ cung cấp thêm vào ngày mai. Trong phóng sự trên mạng Internet, họ đã phỏng vấn lãnh đạo cao cấp nhất của Hiệp hội quần vợt nam ATP Chris Kermode. Ông này công nhận là có những chỉ dấu về dàn xếp bán độ ở mức độ thấp, nhưng chưa đủ để thành bằng chứng kết tội, chứ không phải là ATP cố tình bưng bít vụ việc hay là thiếu trách nhiệm trong việc điều tra.

Một trong số những cơ sở để ông Chris Kermode khẳng định về sự trong sạch của làng tennis chuyên nghiệp trên thế giới chính là cơ quan điều tra TIU mà các nghiệp đoàn đã thống nhất thành lập và phối hợp hoạt động để bảo đảm cho khán giả trên thế giới được thưởng thức những trận thi tài thực sự không bị dàn xếp kết quả.

Phóng viên của CNN trong phóng sự từ Melbourne nước Úc nói ATP, đã cùng Hiệp hội quần vợt nữ WTA và Liên đoàn quần vợt thế giới ITF ra một thông cáo chung hoàn toàn bác bỏ mọi cáo buộc cho rằng họ đã bưng bít tin tức về dàn xếp tỷ số. Phóng sự này phỏng vấn một loạt các cây vợt hàng đầu thế giới đang có mặt ở Úc trong giải đấu danh giá này. Cây vợt nam thuộc nhóm hàng đầu thế giới hiện nay Novak Djokovic nói, khi anh còn đấu ở giải thiếu niên, từng có người đến ngỏ lời nhưng anh đã từ chối, và cho rằng nội dung của hồ sơ mà BBC đang có chỉ mang tính suy đoán.

Cây vợt nữ hạng nhất thế giới Serena Williams thì nói cô chưa bao giờ biết đến chuyện dàn xếp kết quả trong các trận tennis. Huấn luyện viên từng làm nên tên tuổi cho Roger Federer và Pete Sampras là Paul Annacone thì nói các cầu thủ quần vợt đẳng cấp trên thế giới không cần đến dàn xếp tỳ số để kiếm tiền. Theo đó, thuộc hàng số một như Djokovic năm ngoái kiếm được 21 triệu USD, còn người đang xếp hạng 100 năm ngoái cũng bỏ túi 350.00 USD, không phải lo nghĩ gì đến chuyện vé máy bay hay khách sạn và người giúp việc trong quá trình tập luyện.



Với mức thu nhập như vậy thì họ không cần phải nghĩ nhiều đến những lời đề nghị dàn xếp tỉ số để kiếm vài chục ngàn USD như phóng sự của BBC. Tuy nhiên, trong một phóng sự mới nhất của nhật báo Guardian ở Anh, thì số tiền mà Novak Djokovic được đề nghị để dàn xếp tỷ số cách đây 8 năm là 200.000 USD cho một trận đấu.

Nếu báo chí tiếp tục theo đuổi câu chuyện này, trong những ngày tới, giải Úc mở rộng có nguy cơ bị biến thành giải đấu để khán giả xem trận nào sẽ bị dàn xếp tỷ số hơn là ai sẽ thắng.
tải về 22.49 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương