Nghệ thuật quân sự việt nam qua chiến thắng trên sông bạch đẰng năM 1288



tải về 28.72 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu25.07.2016
Kích28.72 Kb.
#5849

powerpluswatermarkobject3


NGHỆ THUẬT QUÂN SỰ VIỆT NAM QUA CHIẾN THẮNG

TRÊN SÔNG BẠCH ĐẰNG NĂM 1288

Có một dòng sông đã khiến tâm hồn thơ của Nguyễn Trãi xao động, để viết lên những áng thơ bất hủ trong: " Bạch Đằng hải khẩu” (Cửa biển Bạch Đằng):



Biển rung gió bấc thế bừng bừng,

Nhẹ cất buồm thơ lướt Bạch Đằng

....  

(Nguyễn Đình Hồ dịch)

Đó chính là dòng sông của huyền thoại: sông Bạch Đằng hay còn gọi là sông Rừng chảy giữa thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) và huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng). Là chứng tích lịch sử hùng hồn bao thời đại vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Nơi đây năm 938, Ngô Quyền đã đánh bại quân Nam Hán, đưa nước ta thoát khỏi ách đô hộ hàng nghìn năm của phong kiến phương Bắc. Năm 981, Lê Hoàn đánh tan quân Tống. Chiến công vĩ đại của quân dân nhà Trần (1288) được xem là vang dội nhất, đã tạo được bước ngoặt quan trọng thời cuộc lúc bấy giờ. Chiến thắng diễn ra đã trên 700 năm (9-4-1288). Nhưng nó vẫn còn vẹn nguyên những bài học giá trị điển hình của nghệ thuật quân sự dưới sự chỉ đạo tài tình của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cùng Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông trong kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Sau khi quân dân Đại Việt giành chiến thắng qua 2 cuộc chiến tranh trước đó vào năm 1258 và 1285 nội bộ vua tôi nhà Trần trở thành một khối đoàn kết, vững chắc hơn uy thế của Đại Việt ngày một lớn mạnh trong khu vực. Nhưng đế quốc Nguyên Mông quyết xâm lược nước ta một lần nữa. Cuộc xâm lược Đại Việt lần thứ 3 của quân Nguyên có tính chất ác liệt, quy mô rộng lớn với số quân đông cùng nhiều tướng giỏi. Ngày 20 tháng 12 năm 1287, quân Nguyên kéo tới biên ải. Vua hỏi Hưng Đạo Vương: "Giặc tới, liệu tình hình thế nào?", Vương trả lời rằng: " Năm nay đánh giặc nhàn." Quả đúng như nhận định của Ngài. Quân ta dưới sự chỉ huy tài tình của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn không tung lực lượng chủ lực đối đầu ngay mà thay vào đó phát động chiến tranh nhân dân với các cuộc phục tập kích nhanh, quy mô nhỏ vào các đơn vị địch. Một khi buộc phải kéo dài cuộc chiến thì lương thực trở thành vấn đề cốt tử với địch. Quân dân nhà Trần đã thực hiện triệt để kế sách “vườn không, nhà trống”, cất giấu lương thực tại thành Thăng Long, nên khi địch vào chiếm thành thì không một bóng người, không có lương thực tại chỗ để lấy chiến tranh nuôi chiến tranh. Mặt khác, đoàn thuyền 70 vạn thạch lương giặc do tướng Trương Văn Hổ chỉ huy bị quân của phó tướng Trần Khánh Dư đánh chìm tại vùng biển Vân Đồn. Kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh của địch bị phá sản hoàn toàn. Không quen thủy thổ, quân lính đau ốm nhiều… Trong khi đó, quân và dân nhà Trần ngày đêm tập kích và phục kích đồn trại giặc; đột nhập, đốt phá các kho lương. .Để tránh bị tiêu diệt chúng tổ chức rút quân theo 2 hướng. Một đạo rút theo đường bộ, do Thoát Hoan chỉ huy. Một đạo rút theo đường thủy do Ô Mã Nhi chỉ huy.

Trần Quốc Tuấn đã tổ chức quân ta thành 2 mặt trận đón lõng đánh địch. Trên bộ, quân ta tổ chức các trận đánh phục kích, truy kích đạo quân do Thoát Hoan chỉ huy bằng nhiều trận đánh trên suốt dọc đường chúng rút qua, gây cho địch nhiều tổn thất và khiếp đảm, buộc chúng phải rút nhanh về nước. Mặt khác, ta thực hiện chiến thuật chia cắt triệt để giữa 2 đạo quân, làm cho chúng không có sự liên lạc và cơ hội chi viện lẫn nhau.

Quãng sông Bạch Đằng là nơi được Trần Quốc Tuấn chọn làm điểm quyết chiến chiến lược. Địa hình sông Bạch Đằng vốn hiểm trở với lòng sông sâu và rộng, có các dải đá ngầm ghềnh Cốc, nghềnh Chanh, tập trung nhiều nhánh sông đổ vào, nước triều lên xuống rất mạnh. Như vậy dựa theo địa hình lần này ông quyết định chọn thủy binh địch là đối tượng tác chiến chủ yếu. Việc phán đoán đúng tình hình cùng với điểm quyết chiến Bạch Đằng mà Trần Quốc Tuấn đã chọn là hoàn toàn chính xác, góp phần quan trọng vào thắng lợi của lần chống Nguyên Mông xâm lược lần 3. Để cô lập, buộc địch phải triển khai rút quân theo kế hoạch của ta, ông cho phá cầu đường, chia cắt giao thông và phục kích dọc 2 bên bờ sông, khiến 2 cánh quân kị binh của Trình Bằng Phi và Đạt Truật đi hộ tống Ô Mã Nhi phải quay lại hội quân với đạo quân của Thoát Hoan. Quân ta liên tục đánh để vừa kìm giữ địch, vừa buộc đạo thủy quân của Ô Mã Nhi phải rút lui đúng vào địa điểm mà ta đã lựa chọn sẵn, chuẩn bị và đúng vào thời điểm có lợi nhất cho ta. Lợi dụng sự thiên hiểm của địa hình và qui luật của thủy triều vùng sông Bạch Đằng. Trần Quốc Tuấn đã kế thừa truyền thống của Ngô Quyền và Lê Hoàn trong hai cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán (938) và quân Tống (981), ông cho quân chặt các cây gỗ lim, táu lớn ở vùng núi An Hưng, với đường kính thân cây từ 20-25cm, sau đó được vót nhọn, cắm xuống các cửa sông Chanh, sông Kênh và sông Rút. Chiều dài các khúc sông để dàn cọc lên tới hơn 1km, nên số lượng cây gỗ phải huy động khá lớn. Khi cắm cọc đòi hỏi kỹ thuật và sự dẻo dai của người cắm vì dòng nước chảy siết: "Cọc lớn được thả xuống sông, đầu gốc được nhấn chìm một phần xuống mặt bùn, phần ngọn buộc một sợi dây để giữ và điều chỉnh cọc. Thân cọc được dựng theo phương thẳng đứng với mặt nước, dây nháng tiền và hậu buộc ở thân trên giữ cho cọc không bị nghiêng ngả. Cũng tại phần trên này có que ngáng buộc ngang cọc để đỡ 1 hoặc 2 người đứng lên nhún nhảy và lắc ngang thân cọc, nhấn cọc chìm sâu dần. Khi cọc cắm xuống độ sâu ổn định, chỉ cần thả dây hậu nháng và ghì thân cọc vào dây tiền nháng, vừa kéo lên và vừa lắc ngang, thân cọc sẽ nghiêng về phía thượng nguồn theo ý muốn."1

Trận địa cọc là minh chứng cho nghệ thuật chủ động chọn chiến trường của Trần Quốc Tuấn. Việc chọn địa điểm để cắm các bãi cọc kết hợp với các ghềnh đá ngầm cùng với con nước triều đã phát huy hiệu quả tối đa, trở thành hệ thống phòng tuyến kiên cố, vững chắc bịt chặt họng sông, chặn đường rút lui của quân giặc.

Sáng 9-4-1288, đoàn thuyền của Ô Mã Nhi tiến vào sông Bạch Đằng. Trần Quốc Tuấn cho một đội thuyền ra "khiêu chiến rồi giả cách thua chạy"2, địch hăng hái đuổi theo. Khi các chiến thuyền của địch rơi vào trận địa mai phục, từ địa điểm cây Giêng (ở Điền Công), cây Quếch (ở bến đò Rừng) làm nơi phát hỏa hiệu lệnh quân ta bất ngờ tiến công từ 4 phía: chặn đầu, khóa đuôi, từ hai sườn áp sát và xé lẻ đội hình địch để tiêu diệt. Bị đánh bất ngờ và mãnh liệt, biết không cầm cự được, chúng hốt hoảng lao thuyền ra các cửa các sông Chanh, sông Rút và sông Kênh để tháo chạy. Nhưng đúng như tính toán tài tình của Trần Quốc Tuấn thì lúc này thủy triều rút mạnh, các bãi cọc bắt đầu nhô lên, cơ hội tiêu diệt giặc đã tới. Trận địa bãi cọc ngầm chỉ phát huy được tác dụng khi nước triều xuống, nên nó đòi hỏi người chỉ huy điều hành trận chiến phải biết lợi dụng chế độ thủy triều với cả 1 nghệ thuật dẫn dắt thuyền giặc vào trận địa đúng lúc, đúng chỗ để tận dụng chế độ thủy triều và phát huy được hết tác dụng của bãi cọc ngầm. Thuyền địch bị tắc nghẽn tại cửa sông, chiếc thì bị cọc đâm thủng, số khác lao xô vào nhau vỡ, gây ra cảnh hoảng loạn chưa từng có. Các thuyền bè của quân ta chứa đầy "cỏ xăng" (cỏ gianh), xuôi theo dòng nước liên tiếp lao vào đội hình tàu thuyền địch đang bị ùn tắc tạo thành một trận hỏa công. Lại được sự tiếp ứng của đoàn thuyền chiến do hai vua Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông " tung quân đánh lớn"3. Trận đánh đã làm cho địch tổn thất nặng nề "Quân Nguyên chết đuối nhiều không kể xiết, nước sông do vậy đỏ ngầu cả"4 400 chiến thuyền giặc bị đắm và đốt cháy, hơn 4 vạn binh sĩ thương vong, Phạm Nhan bị ta chém đầu, Phàn Tiếp và Ô Mã Nhi cùng nhiều tướng giặc bị bắt sống.




Di vật cọc gỗ tại khu Đồng Vạn Muối

(phường Nam Hòa, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh)
Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 là đỉnh cao tài năng quân sự của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Việc chủ động chọn sở trường cũng như tận dụng và phát huy tối đa kinh nghiệm về địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu… của ta để tiêu diệt sở đoản (quân Nguyên Mông chủ yếu mạnh về kỵ binh và bộ binh) của giặc đã cho chúng ta thấy nhãn quan quân sự đầy tinh tế và vô cùng chiến lược của Trần Quốc Tuấn. Tiêu diệt toàn bộ đạo thuỷ binh đã đem lại chiến thắng vang dội và đập tan ý đồ tái xâm lăng của đế quốc Nguyên Mông với Đại Việt cũng như với các nước khu vực Đông Nam Á khác.

Ngày nay tại thị xã Quảng Yên - tỉnh Quảng Ninh vẫn còn lưu giữ được khá nguyên vẹn những chứng tích lịch sử đã gắn liền với chiến thắng trên sông Bạch Đằng năm 1288 như: Bãi cọc Yên Giang, đồng Vạn Muối, đồng Má Ngựa, đền Trung Cốc, đền Trần Hưng Đạo, đình Trung Bản, đình Đền Công, đình Yên Giang, bến đò Rừng, miếu Vua Bà, miếu Cu Linh. Và những nhân vật trong truyền thuyết như Vua Bà, Tứ vị Thượng đẳng thần...đã hiển linh giúp vua cứu nước vẫn còn được lưu truyền mãi trong dân gian. Hằng năm, vào các ngày từ mùng 6 đến mùng 9 tháng 3 âm lịch người dân thị xã Quảng Yên lại nhộn nhịp tổ chức lễ hội Bạch Đằng hay gọi là ngày giỗ trận.




Dương Minh Đức, phòng TT - QB

1 Tác giả Vũ Xuân Xuê tại buổi sinh hoạt khoa học: “Tìm hiểu kỹ thuật cắm cọc gỗ trên sông Bạch Đằng chống giặc ngoại xâm” do Hội khoa học Lịch sử Hải Phòng tổ chức.

2 Đại Việt sử ký toàn thư - tập II, NXb KHXH Hà Nội, 1998, Tr.61.

3 Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, NXb KHXH Hà Nội, 1998, Tr.61.

4 Đại Việt sử ký toàn thư - tập II, NXb KHXH Hà Nội, 1998, Tr.61 - 62.




Каталог: vi-VN -> bannganh -> banquanlyDTTD -> Lists -> Danh%20sch%20cc%20bi%20vit%20tin%20tc%20v%20s%20kin -> Attachments
bannganh -> TỈnh uỷ quảng ninh ban tuyên giáO
bannganh -> Tên đơn vị kinh doanh: CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
bannganh -> Ban tuyên giáo số 06 hd/tg đẢng cộng sản việt nam
bannganh -> HỘi nông dân việt nam ban chấp hành trung ưƠNG
bannganh -> CỤc tuyên huấn cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> Di tích am mộc cảo thôn Trại Lốc, xã An Sinh, huyện Đông Triều
bannganh -> HỌc tập và LÀm theo tấm gưƠng đẠO ĐỨc hồ chí minh về trung thựC, trách nhiệM; GẮn bó VỚi nhân dâN; ĐOÀn kếT, XÂy dựNG
bannganh -> ĐỀ CƯƠng tuyên truyền kỷ niệM 50 NĂm ngày truyền thống đÁnh thắng trậN ĐẦu của hải quân nhân dân việt nam
bannganh -> Ban Tuyªn Gi¸o Sè 91 cv/tg đẢng cộng sản việt nam

tải về 28.72 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương