Nghị ĐỊnh về quản lý vật liệu xây dựng



tải về 164.97 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu31.07.2016
Kích164.97 Kb.
#11484


CHÍNH PHỦ

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc




Số: /2015/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 17 tháng 8 năm 2015



DỰ THẢO


NGHỊ ĐỊNH

Về quản lý vật liệu xây dựng




Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 17 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Luật Thương mại ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng,

Chương I


QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này điều chỉnh các hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng bao gồm: quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng, quy hoạch khoáng sản để sản xuất vật liệu xây dựng; hoạt động đầu tư, sản xuất vật liệu xây dựng; quản lý chất lượng, kinh doanh vật liệu xây dựng.

Đối với vật liệu xây dựng kim loại và vật liệu xây dựng không có nguồn gốc từ khoáng sản, Nghị định này chỉ điều chỉnh về quản lý chất lượng và kinh doanh.
Điều 2. Đối tượng áp dụng

Đối tượng áp dụng của Nghị định này là các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam trong lĩnh vực vật liệu xây dựng.


Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Vật liệu xây dựng là sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ, vô cơ, kim loại được sử dụng để tạo nên công trình xây dựng, trừ các trang thiết bị điện và thiết bị công nghệ.

2. Sứ vệ sinh là sản phẩm có nguồn gốc từ gốm sứ dùng để lắp đặt trong các công trình vệ sinh, phòng thí nghiệm và các phòng chuyên dụng khác.

3. Vật liệu ốp lát là vật liệu xây dựng được sử dụng để ốp, lát các công trình xây dựng.

4. Cát xây dựng là cát tự nhiên ở mỏ, sông, suối có hàm lượng SiO2<85% (trừ cát trắng Silic, cát nhiễm mặn) và cát nghiền từ đá dùng trong xây dựng.

5. Đá xây dựng là các loại đá tự nhiên được đập, nghiền và phân loại theo kích thước dùng làm cốt liệu bê tông, kè bờ, xây móng, xây tường, làm đường.

6. Khoáng sản để sản xuất vật liệu xây dựng, bao gồm:

a) Khoáng sản làm xi măng, bao gồm: đá vôi xi măng; sét xi măng; phụ gia xi măng;

b) Khoáng sản làm vật liệu xây dựng, bao gồm: đá ốp lát; cát trắng; cao lanh; fenspat; đôlômít; đất sét chịu lửa; các loại khoáng sản khác không thuộc khoáng sản làm xi măng và khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

c) Khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, bao gồm: khoáng sản làm đá xây dựng; cát, sỏi xây dựng; đất sét làm gạch, ngói được quy định tại khoản 1 Điều 64 của Luật Khoáng sản ngày 17 tháng 11 năm 2010.
Điều 4. Chính sách khuyến khích của nhà nước về phát triển vật liệu xây dựng

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về các hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng.

2. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài:

a) Nghiên cứu, áp dụng khoa học và công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng mới, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu;

b) Đầu tư, sản xuất vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường;

c) Đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật bảo đảm đồng bộ và phù hợp với quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng.

3. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân đầu tư, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng sử dụng nguồn chất thải của các ngành công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt để làm nhiên liệu, nguyên liệu.

4. Dự án đầu tư thuộc lĩnh vực vật liệu xây dựng nằm trong địa bàn được ưu đãi đầu tư được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật.

5. Dự án chế tạo thiết bị sản xuất vật liệu xây không nung nhẹ và sản xuất gạch xi măng - cốt liệu công suất từ 7 triệu viên quy tiêu chuẩn/năm trở lên được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư.

6. Ưu tiên khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, khoáng sản làm vật liệu xây dựng đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường.


Điều 5. Các hành vi bị cấm

1. Sản xuất, kinh doanh, sử dụng sợi amiăng nhóm amfibole để sản xuất vật liệu xây dựng.

2. Sản xuất, kinh doanh hàng giả, giả mạo nhãn mác, dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy đối với sản phẩm vật liệu xây dựng.

3. Nhập khẩu, kinh doanh các vật liệu xây dựng nhập khẩu không có tiêu chuẩn chất lượng và xuất xứ không rõ ràng.


4. Cung cấp thông tin sai sự thật về chất lượng, xuất xứ sản phẩm vật liệu xây dựng, khoáng sản làm vật liệu xây dựng.


5. Đầu tư các công trình xây dựng kiên cố không nhằm mục đích khai thác khoáng sản trên diện tích khu mỏ khoáng sản đã được quy hoạch thăm dò, khai thác làm vật liệu xây dựng.

6. Lợi dụng hoạt động quản lý để cản trở bất hợp pháp hoạt động của tổ chức, cá nhân trong việc khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng.

7. Bộ Xây dựng ban hành Thông tư công bố danh mục và mã số HS vật liệu amiăng thuộc nhóm amfibole cấm nhập khẩu.
Điều 6. Tư vấn lập quy hoạch

1. Tổ chức tư vấn lập quy hoạch phải có tư cách pháp nhân, đủ điều kiện về năng lực chuyên môn phù hợp với công việc đảm nhận.

2. Cá nhân tham gia lập quy hoạch phải có năng lực, chuyên môn phù hợp với công việc đảm nhận.

3. Tổ chức tư vấn, cá nhân nước ngoài tham gia lập quy hoạch phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này còn phải được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam công nhận.

4. Việc lựa chọn tư vấn lập quy hoạch thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Điều 7. Kinh phí cho hoạt động quy hoạch

1. Kinh phí cho hoạt động quy hoạch bao gồm chi phí tổ chức lập quy hoạch, tổ chức thẩm định quy hoạch, phê duyệt quy hoạch, phổ biến quy hoạch, giám sát và đánh giá về quy hoạch.

2. Kinh phí cho hoạt động quy hoạch được bố trí từ ngân sách nhà nước trên cơ sở kế hoạch lập quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tài trợ kinh phí cho các hoạt động quy hoạch.



Chương II


ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN VẬT LIỆU XÂY DỰNG
Mục 1

QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN VẬT LIỆU XÂY DỰNG
Điều 8. Phân loại quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng

1. Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam.

2. Quy hoạch phát triển sản phẩm vật liệu xây dựng chủ yếu.

3. Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng của địa phương.


Điều 9. Thời kỳ lập, điều chỉnh quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng

1. Thời kỳ lập quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng là 10 năm, tầm nhìn là 20 năm.

2. Điều chỉnh quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng:

a) Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng phải được rà soát điều chỉnh theo định kỳ 05 năm một lần;

b) Hàng năm hoặc đột xuất xem xét điều chỉnh quy hoạch xi măng.
Điều 10. Căn cứ lập quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng

1. Căn cứ lập quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam:

a) Chiến lư­ợc, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của cả nước;

b) Tiềm năng về tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng của cả nước, kết quả điều tra cơ bản, thăm dò, khảo sát khoáng sản và các số liệu thu thập khác về tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng;

c) Khả năng đáp ứng về lao động, công nghệ;

d) Thị trường tiêu thụ và lợi thế cạnh tranh.

2. Căn cứ lập quy hoạch phát triển sản phẩm vật liệu xây dựng chủ yếu:

Các sản phẩm vật liệu xây dựng chủ yếu được lập quy hoạch gồm: xi măng vật liệu chịu lửa; vật liệu ốp lát; kính xây dựng; vật liệu ốp lát; sứ vệ sinh; vôi.

a) Chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của cả nước;

b) Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam;

c) Tiềm năng về tài nguyên khoáng sản;

d) Khả năng đáp ứng về lao động, công nghệ;

đ) Các tài liệu điều tra thị trư­ờng tiêu thụ và lợi thế cạnh tranh trong nước, khu vực, thế giới và các thông tin liên quan khác về các sản phẩm liên quan.

3. Căn cứ lập quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng của địa phư­ơng:

a) Chiến lư­ợc, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;

b) Các quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng;

c) Tiềm năng về tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng của địa phương;

d) Khả năng đáp ứng về lao động, công nghệ;

đ) Thị trường tiêu thụ và lợi thế cạnh tranh.
Điều 11. Trình tự lập quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng

1. Ghi danh mục, lập kế hoạch vốn, xây dựng đề c­ương trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Triển khai lập quy hoạch theo các b­ước:

a) Tổng hợp các kết quả điều tra, phân tích, đánh giá tài nguyên khoáng sản, các yếu tố, nguồn lực, điều kiện phát triển và tác động của chúng đến quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng;

b) Phân tích đánh giá hiện trạng sản xuất, tính toán cân đối cung - cầu;

c) Xây dựng báo cáo;

d) Lấy ý kiến các bộ các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan về quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng trước khi trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

đ) Trình cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt.


Điều 12. Nội dung chính quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng

1. Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam, gồm những nội dung chính sau đây:

a) Xác định vị trí, vai trò của ngành đối với nền kinh tế quốc dân và các mục tiêu phát triển của ngành;

b) Phân tích, dự báo nhu cầu các yếu tố phát triển ngành, các tiềm năng về tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng, các nguồn lực, thị trường, các yếu tố công nghệ và các yêu cầu về năng lực cạnh tranh của ngành;

c) Phân tích, đánh giá hiện trạng phát triển của ngành vật liệu xây dựng cả nước, hiện trạng thăm dò, khai thác, sử dụng tiềm năng tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng, các nguồn lực đầu tư cho phát triển, các cơ chế chính sách, giải pháp về quản lý và huy động nguồn lực, thực trạng phân bố ngành trên các vùng lãnh thổ, cơ cấu chủng loại, sản phẩm chủ yếu, đầu tư, công nghệ, lao động, tổ chức sản xuất và năng lực cạnh tranh;

d) Luận chứng các phương án khai thác sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tiềm năng tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng;

đ) Luận chứng các phương án phân bổ ngành trên các vùng lãnh thổ, phương án phát triển cơ cấu chủng loại, sản phẩm chủ yếu, đầu tư, công nghệ, lao động;

e) Xác định các giải pháp về cơ chế, chính sách và đề xuất các phương án thực hiện.

2. Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng chủ yếu, gồm những nội dung chính sau đây:

a) Mục tiêu, quan điểm, chiến l­ược phát triển sản phẩm vật liệu xây dựng chủ yếu;

b) Phân tích, đánh giá những thông tin, số liệu về tiềm năng tài nguyên khoáng sản để sản xuất vật liệu xây dựng của cả nước về các sản phẩm liên quan và các nguồn lực khác mà Việt Nam có thế mạnh để phát triển vật liệu xây dựng;

c) Dự báo thị trường tiêu thụ trong nước, khu vực, thế giới, dự báo xuất nhập khẩu về sản phẩm vật liệu xây dựng chủ yếu;

d) Xây dựng các phương pháp tính toán nhu cầu thị trường theo các mốc thời gian và lợi thế cạnh tranh;

đ) Đề xuất các nguyên tắc và các phư­ơng án cân đối cung - cầu đối với sản phẩm vật liệu xây dựng chủ yếu theo các mốc thời gian;

e) Lựa chọn các giải pháp công nghệ;

f) Dự kiến danh mục các dự án đầu tư, phương án phân bố đầu t­ư, quy mô đầu tư­ và tiến độ đầu t­ư, các giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu;

g) Tính toán nhu cầu vốn, lao động;

3. Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng của địa phư­ơng, gồm những nội dung chính sau đây:

a) Tiềm năng về tài nguyên khoáng sản để sản xuất vật liệu xây dựng của địa phương;

b) Dự báo nhu cầu vật liệu xây dựng của địa phương và thị trường một số chủng loại vật liệu xây dựng mà địa phương có thế mạnh;

c) Lựa chọn các giải pháp công nghệ;

d) Dự kiến danh mục các dự án đầu tư, phương án phân bố đầu t­ư, quy mô đầu tư­ và tiến độ đầu t­ư, các giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu của địa phương;

d) Tính toán nhu cầu vốn, lao động của địa phương.
Điều 13. Phân cấp lập quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng

1. Bộ Xây dựng tổ chức lập quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam; quy hoạch phát triển sản phẩm vật liệu xây dựng chủ yếu.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng của địa phương.

3. Cơ quan tổ chức lập quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch.


Điều 14. Thẩm định quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng

1. Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng phải được Hội đồng thẩm định có thẩm quyền thẩm định trước khi phê duyệt quy hoạch.

2. Hội đồng thẩm định:

a) Bộ Xây dựng tổ chức thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam; quy hoạch phát triển sản phẩm vật liệu xây dựng chủ yếu;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng của địa phương.
Điều 15. Thẩm quyền phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng

1. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam; quy hoạch phát triển xi măng.

2. Bộ tr­ưởng Bộ Xây dựng phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch phát triển sản phẩm vật liệu xây dựng chủ yếu (trừ quy hoạch phát triển xi măng).

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng của địa phương, sau khi được hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua.

Trước khi phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng của địa phương phải có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ Xây dựng.
Điều 16. Công bố quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng

1. Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm nhiệm công bố quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam; quy hoạch phát triển sản phẩm vật liệu xây dựng chủ yếu.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm nhiệm công bố quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng của địa phương.

3. Trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, cơ quan tổ chức lập quy hoạch có trách nhiệm công bố quy hoạch.


Mục 2

QUY HOẠCH KHOÁNG SẢN ĐỂ SẢN XUẤT VẬT LIỆU XÂY DỰNG
Điều 17. Phân loại quy hoạch khoáng sản để sản xuất vật liệu xây dựng

1. Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng.

2. Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng.

3. Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.


Điều 18. Căn cứ lập, điều chỉnh quy hoạch khoáng sản để sản xuất vật liệu xây dựng

1. Căn cứ lập quy hoạch theo quy định tại khoản 2 Điều 13 của Luật Khoáng sản ngày 17 tháng 11 năm 2010.

2. Điều chỉnh quy hoạch theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật Khoáng sản ngày 17 tháng 11 năm 2010.
Điều 19. Phân cấp lập quy hoạch khoáng sản để sản xuất vật liệu xây dựng

1. Bộ Xây dựng tổ chức lập quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng; quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của địa phương.

3. Cơ quan tổ chức lập quy hoạch khoáng sản để sản xuất vật liệu xây dựng lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch.


Điều 20. Thẩm định quy hoạch khoáng sản để sản xuất vật liệu xây dựng

1. Quy hoạch khoáng sản để sản xuất vật liệu xây dựng phải được Hội đồng thẩm định có thẩm quyền thẩm định trước khi phê duyệt quy hoạch.

2. Hội đồng thẩm định:

a) Bộ Xây dựng tổ chức thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng; quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng.

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của địa phương.
Điều 21. Thẩm quyền phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch khoáng sản để sản xuất vật liệu xây dựng

1. Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng; quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của địa phương, sau khi được hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua.

Trước khi phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của địa phương phải có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ Xây dựng.


Điều 22. Công bố quy hoạch khoáng sản để sản xuất vật liệu xây dựng

1. Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm nhiệm công bố quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng; quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm công bố quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của địa phương.

3. Trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày quy hoạch khoáng sản để sản xuất vật liệu xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, cơ quan tổ chức lập quy hoạch có trách nhiệm công bố quy hoạch.



Chương III


HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ, SẢN XUẤT VẬT LIỆU XÂY DỰNG
Điều 23. Yêu cầu về đầu tư trong sản xuất vật liệu xây dựng

1. Dự án đầu tư phải tuân thủ theo quy hoạch, các quy định của pháp luật trong đầu tư xây dựng và các quy định pháp luật khác có liên quan.

2. Chủ đầu tư các dự án phải lựa chọn công nghệ thiết bị tiên tiến, hiện đại để tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng và bảo vệ môi trường.

3. Dự án đầu tư xây dựng công trình sản xuất xi măng, vật liệu chịu lửa, vật liệu ốp lát, kính xây dựng, vật liệu ốp lát, sứ vệ sinh, vôi phải được Bộ Xây dựng là cơ quan tổ chức lập quy hoạch các sản phẩm vật liệu xây dựng chủ yếu thẩm định các nội dung theo quy định tại Điều 58 của Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014.

4. Đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình xi măng, vật liệu chịu lửa, vật liệu ốp lát, kính xây dựng, vật liệu ốp lát, sứ vệ sinh, vôi trước khi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư phải có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ Xây dựng.
Điều 24. Hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng

1. Khai thác khoáng sản phải có giấy phép khai thác hoặc khai thác tận thu khoáng sản được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp còn hiệu lực.

2. Dự án đầu tư khai thác khoáng sản hoặc thu hồi khoáng sản phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thiết kế khai thác mỏ phải được lập và phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

3. Yêu cầu về công nghệ đối với dự án khai thác khoáng sản:

a) Dự án đầu tư phải lựa chọn công nghệ, phương pháp khai thác tiên tiến tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường, sản xuất ra sản phẩm đảm bảo chất lượng;

b) Quy mô, công nghệ, thiết bị khai thác khoáng sản phải phù hợp với báo cáo đầu tư và quy hoạch đã được phê duyệt; phù hợp với đặc điểm của từng loại khoáng sản để nâng cao tối đa hệ số thu hồi khoáng sản chính, khoáng sản đi kèm;

4. Hoạt động khai thác phải tuân thủ các quy định của pháp luật về khoáng sản, bảo vệ môi trường và đảm an toàn và vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật về lao động.

5. Đối với các mỏ khoáng sản nằm trên ranh giới của các địa phương thì các phương án khai thác phải được chính quyền của các địa phương liên quan chấp thuận về công nghệ khai thác đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản; công suất, tiến độ; phân chia khu vực cho các đối tác cùng tham gia đầu tư khai thác và thực hiện các nghĩa vụ liên quan khác.


Điều 25. Hoạt động chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng

1. Phải tuân thủ các quy định của pháp luật về môi trường, pháp luật lao động và các pháp luật liên quan khác.

2. Có bộ máy nhân lực được đào tạo, đủ năng lực vận hành thiết bị công nghệ và kiểm soát chất lượng sản phẩm.

3. Sử dụng thiết bị, công nghệ chế biến tiên tiến, hiện đại để nâng cao tối đa hệ số thu hồi sản phẩm khoáng sản chế biến, có mức độ phát thải đạt tiêu chuẩn và quy chuẩn về môi trường.

4. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức thẩm định các dự án chế biến sâu khoáng sản làm vật liệu xây dựng theo thẩm quyền.

5. Bộ Xây dựng ban hành Thông tư hướng dẫn mức độ chế biến sâu và xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng.


Điều 26. Hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng

1. Yêu cầu đối với tổ chức, cá nhân:

a) Tuân thủ các quy định của pháp luật về môi trường, pháp luật lao động và các pháp luật liên quan khác.

b) Có bộ máy nhân lực được đào tạo, đủ năng lực vận hành thiết bị công nghệ và kiểm soát chất lượng sản phẩm.

c) Sử dụng thiết bị, công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại, có mức độ phát thải đạt tiêu chuẩn và quy chuẩn về môi trường.

d) Khi sử dụng chất thải làm nguyên liệu, nhiên liệu phải xử lý đáp ứng các chỉ tiêu kỹ thuật, đảm bảo an toàn, hiệu quả, tiết kiệm, thân thiện với môi trường trong sản xuất vật liệu xây dựng theo các quy định hiện hành.

đ) Việc sử dụng amiăng trắng thuộc nhóm Serpentine làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng phải đảm bảo điều kiện về an toàn, bảo vệ môi trường, bảo hộ cho người lao động trong sản xuất vật liệu xây dựng.

2. Quyền của tổ chức, cá nhân:

a) Lựa chọn, quyết định về công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng theo quy định của pháp luật;

b) Đối với chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng do mình sản xuất tuân theo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21 tháng 11 năm 2007.

c) Xác định giá và kinh doanh sản phẩm vật liệu xây dựng do mình sản xuất theo quy định của pháp luật về kinh doanh và thương mại.

3. Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân:

a) Thực hiện đúng và đầy đủ các nội dung của quyết định phê duyệt đầu tư; các nội dung nêu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, các yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và các quy định khác của pháp luật về bảo vệ môi trường;

b) Đối với chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng do mình sản xuất theo quy định Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21 tháng 11 năm 2007.

c) Ngừng sản xuất ngay và có biện pháp khắc phục hậu quả khi phát hiện sản phẩm vật liệu xây dựng không đạt tiêu chuẩn chất lượng và có nguy cơ gây thiệt hại cho người kinh doanh và người sử dụng;

d) Tuân thủ chế độ báo cáo theo định kỳ hoặc đột xuất cho các cơ các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

đ) Cung cấp thông tin về chất lượng sản phẩm, môi trường cho các cơ quan quản lý có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Chương IV


QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG, KINH DOANH VẬT LIỆU XÂY DỰNG
Điều 27. Yêu cầu về chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng

1. Chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng phải tuân thủ và phù hợp với các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

2. Sản phẩm vật liệu xây dựng sản xuất trong nước đưa ra thị trường phải đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Chứng nhận hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng thuộc đối tượng áp dụng của quy chuẩn kỹ thuật;

b) Sản phẩm vật liệu xây dựng phải đạt tiêu chuẩn đã công bố;

c) Những sản phẩm vật liệu xây dựng chưa có tiêu chuẩn quốc gia thì nhà sản xuất phải có trách nhiệm công bố tiêu chuẩn cơ sở hoặc tiêu chuẩn nước ngoài áp dụng và phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm do mình sản xuất theo tiêu chuẩn công bố;

d) Sản phẩm vật liệu xây dựng yêu cầu có nhãn hàng hóa thì nhãn hóa phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hoá.

3. Sản phẩm vật liệu xây dựng nhập khẩu phải công bố tiêu chuẩn áp dụng, đối với sản phẩm vật liệu xây dựng theo quy chuẩn phải có chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy.


Điều 28. Trách nhiệm quản lý chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng

1. Trách nhiệm của Bộ Xây dựng:

a) Quyết định, chỉ định các tổ chức, cá nhân đủ năng lực đánh giá sự phù hợp đối với các sản phẩm hàng hóa phải phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng;

b) Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng.

c) Quy định điều kiện đối với các loại vật liệu xây dựng được nhà nước khuyến khích hoặc hạn chế đầu tư, sản xuất, kinh doanh, sử dụng.

2. Trách nhiệm của các Bộ, ngành có liên quan:

Phối hợp với Bộ Xây dựng tiến hành kiểm tra công tác quản lý chất lượng, công tác đánh giá và công bố hợp quy sản phẩm vật liệu xây dựng.

3. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:

a) Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng theo quy định của pháp luật tại địa phương;

b) Hàng năm báo cáo Bộ Xây dựng công tác quản lý chất lượng trên địa bàn.

4. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân:

a) Phải chấp hành các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá và các quy định pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn;

b) Nguyên liệu, nhiên liệu đưa vào sản xuất phải đảm bảo theo yêu cầu sản xuất để đảm bảo chất lượng sản phẩm;

c) Sản phẩm vật liệu xây dựng phải đạt tiêu chuẩn đã công bố. Đối với sản phẩm thuộc danh mục phải hợp quy thì phải bảo đảm chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật;

d) Những sản phẩm vật liệu xây dựng chưa có tiêu chuẩn quốc gia thì nhà sản xuất phải có trách nhiệm công bố tiêu chuẩn áp dụng và phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm do mình sản xuất;

đ) Sản phẩm vật liệu xây dựng khi đưa ra thị trường phải đảm bảo chất lượng và ghi rõ nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chỉ tiêu về chất lượng, hướng dẫn sử dụng sản phẩm;

e) Các tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng phải chịu sự kiểm tra, thanh tra theo các quy định của pháp luật.
Điều 29. Yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh vật liệu xây dựng

1. Kinh doanh vật liệu xây dựng thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại.

2. Đối với cửa hàng, siêu thị kinh doanh vật liệu xây dựng phải có đủ diện tích kho, bãi chứa đựng đảm bảo cho việc bảo quản, xuất nhập các sản phẩm vật liệu xây dựng.

3. Phải có đủ phương tiện, thiết bị để chữa cháy, biển báo an toàn tại nơi kinh doanh vật liệu xây dựng đối với các loại vật liệu xây dựng dễ cháy, có mùi, hoá chất độc hại, bụi bẩn.

4. Các loại vật liệu xây dựng bị hư hỏng, kém phẩm chất trong quá trình vận chuyển, lưu chứa, kinh doanh thì tổ chức và cá nhân phải chịu trách nhiệm xử lý.

5. Kinh doanh các sản phẩm vật liệu xây dựng có chứa amiăng trắng thuộc nhóm Serpentine phải tuân thủ quy định về quy chuẩn kỹ thuật, bảo vệ môi trường, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển đảm bảo an toàn.


Điều 30. Quyền và nghĩa vụ về kinh doanh vật liệu xây dựng

1. Quyền của tổ chức, cá nhân:

a) Có các quyền của thương nhân kinh doanh hàng hoá theo quy định của pháp luật về thương mại;

b) Quyết định về việc tổ chức và các biện pháp kiểm soát nội bộ về chất lượng vật liệu xây dựng;

2. Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh vật liệu xây dựng:

a) Tuân thủ các yêu cầu kinh doanh vật liệu xây dựng theo quy định của pháp luật về thương mại;

b) Chịu trách nhiệm đối với sản phẩm vật liệu xây dựng do mình bán;

c) Tổ chức và kiểm soát quá trình vận chuyển, lưu giữ, bảo quản vật liệu xây dựng để duy trì chất lượng;

d) Cung cấp đầy đủ thông tin, các điều kiện phải thực hiện khi vận chuyển, cất giữ, bảo quản sản phẩm vật liệu xây dựng cho người mua;

đ) Khi nhận được thông tin về chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng không đạt tiêu chuẩn chất lượng quy định từ nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, phải kịp thời cung cấp đầy đủ thông tin này và biện pháp xử lý cho người mua;

e) Tuân thủ các quy định về thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Điều 31. Xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu xây dựng

1. Yêu cầu đối với tổ chức, cá nhân xuất khẩu vật liệu xây dựng:

a) Bảo đảm chất lượng vật liệu xây dựng phù hợp với hợp đồng thương mại;

b) Tuân thủ các yêu cầu về chất lượng vật liệu xây dựng xuất khẩu quy định trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam cam kết;

c) Trường hợp vật liệu xây dựng được tái nhập để sử dụng trong nước, nhà xuất khẩu phải thực hiện nghĩa vụ như nhà nhập khẩu quy định tại khoản 3 Điều này;

d) Chịu sự quản lý của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hàng năm và đột xuất phải báo cáo Bộ Xây dựng việc xuất khẩu các sản phẩm vật liệu xây dựng chủ yếu về số lượng, chủng loại, khối lượng, chất lượng, giá cả để Bộ Xây dựng tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

2. Yêu cầu đối với tổ chức, cá nhân nhập khẩu vật liệu xây dựng:

a) Chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng do mình nhập khẩu thuộc danh mục phải hợp quy thì phải chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy;

b) Tổ chức và kiểm soát quá trình vận chuyển, lưu giữ, bảo quản để duy trì chất lượng sản phẩm và yêu cầu về bảo vệ môi trường;

c) Chịu trách nhiệm việc tái xuất vật liệu xây dựng nhập khẩu không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật;

d) Vật liệu xây dựng nhập khẩu không đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật nhưng không tái xuất được và không tái chế được, nhà nhập khẩu phải tiêu huỷ trong thời hạn quy định và chịu toàn bộ chi phí cho việc tiêu huỷ;

đ) Cung cấp đầy đủ thông tin, các điều kiện phải thực hiện khi vận chuyển, lưu giữ, bảo quản sản phẩm vật liệu xây dựng cho người kinh doanh và người sử dụng;

e) Tuân thủ các quy định về thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Chương V


SỬ DỤNG CHẤT THẢI, TIẾT KIỆM NĂNG LƯỢNG

TRONG SẢN XUẤT VẬT LIỆU XÂY DỰNG

Điều 32. Yêu cầu về quản lý chất thải để sản xuất vật liệu xây dựng

1. Đầu tư các cơ sở xử lý, sử dụng chất thải phải tuân theo quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật về môi trường có liên quan.

2. Việc thu gom, vận chuyển chất thải phải đảm bảo không được làm rơi vãi, gây phát tán bụi, mùi hoặc nước rò rỉ và đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý theo quy định. Phải có kho, bãi chứa chất thải không để phát tán bụi và các các chất thải khác vào môi trường.

3. Xử lý chất thải phải phù hợp với địa bàn hoạt động, công suất, loại chất thải, hệ thống thiết bị xử lý chất thải đã được đầu tư xây dựng, lắp đặt và xác nhận đạt các quy định về môi trường đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định.

4. Chất thải khi sử dụng làm nguyên liệu, phụ gia, nhiên liệu phải đáp ứng các chỉ tiêu kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật đảm bảo cho sản xuất vật liệu xây dựng.

5. Hoạt động xử lý và sử dụng chất thải làm vật liệu xây dựng làm nhiên liệu trong sản xuất vật liệu xây dựng được hưởng chính sách ưu đãi theo các quy định của pháp luật.

6. Dự án đầu tư thiết bị, công nghệ để xử lý và sử dụng chất thải làm vật liệu xây dựng, làm nhiên liệu trong sản xuất vật liệu xây dựng được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật Đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014.
Điều 33. Sử dụng chất thải của các nhà máy nhiệt điện, phân bón hóa chất trong sản xuất vật liệu xây dựng

1. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng xử lý và sử dụng tro bay, xỉ, thạch cao được xử lý từ thải của nhà máy nhiệt điện, phân bón hóa chất để làm vật liệu xây dựng.

2. Các cơ sở xử lý và sử dụng tro, xỉ, thạch cao là chất thải của nhà máy phải có đủ thiết bị, công nghệ và phải được đánh giá tác động môi trường; sau khi xử lý phải đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật để sản xuất vật liệu xây dựng.

3. Bộ Xây dựng ban hành Thông tư hướng dẫn xử lý, sử dụng chất thải tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng.


Điều 34. Sử dụng phế thải, tiết kiệm tài nguyên trong sản xuất vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường

1. Nhà nước khuyến đầu tư và sản xuất các loại vật liệu mới, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường.

2. Ưu tiên phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung.

3. Tận dụng tối đa các nguồn phế thải các ngành công nghiệp, nông nghiệp khác để sản xuất vật liệu xây dựng.

4. Các tổ chức, cá nhân đầu tư, sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung được hưởng chính sách ưu đãi về thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi và hỗ trợ khác theo các quy định hiện hành.
Điều 35. Sử dụng năng lượng tái tạo để tiết kiệm năng lượng trong sản xuất vật liệu xây dựng

1. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng chất thải công nghiệp, nông nghiệp và rác thải sinh hoạt làm nhiên liệu trong sản xuất vật liệu xây dựng nhằm tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường; hỗ trợ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đầu tư thiết bị thu hồi tận dụng nhiệt tái sử dụng trong sản xuất hoặc sử dụng nhiệt khí thải trong sản xuất xi măng để phát điện.

2. Các dự án được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư, được vay vốn tín dụng đầu tư của nhà nước và các ưu đãi đầu tư theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật Đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014, gồm:

a) Dự án đầu tư thiết bị tận dụng nhiệt khí thải để phát điện trong sản xuất xi măng;

b) Dự án xử lý và sử dụng chất thải công nghiệp, nông nghiệp và rác thải sinh hoạt làm nhiên liệu trong sản xuất vật liệu xây dựng để tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.


Chương VI

KIỂM TRA, THANH TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 36. Hoạt động kiểm tra, thanh tra trong lĩnh vực vật liệu xây dựng

1. Nội dung kiểm tra, thanh tra:

a) Việc thực hiện quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng;

b) Hoạt động khoáng sản để sản xuất vật liệu xây dựng, sử dụng chất thải, năng lượng tái tạo trong sản xuất vật liệu xây dựng;

c) Sản xuất, chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng sản xuất trong nước, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu;

d) Sự đáp ứng tiêu chuẩn môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng;

đ) Điều kiện kinh doanh vật liệu xây dựng.

2. Hình thức kiểm tra:

a) Kiểm tra định kỳ;

b) Kiểm tra đột xuất khi có khiếu nại, tố cáo.

3. Hình thức thanh tra:

a) Thanh tra theo kế hoạch;

b) Thanh tra đột xuất: trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm hoặc có khiếu nại, tố cáo.

4. Cơ quan kiểm tra, thanh tra:

a) Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các nội dung về các hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng.

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh tổ chức thực hiện việc kiểm tra, thanh tra các hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng theo thẩm quyền trên phạm vi địa phương.


Điều 37. Xử lý vi phạm

1. Tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam có những hành vi vi phạm các quy định của Nghị định này tuỳ theo mức độ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

2. Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở các tổ chức, cá nhân hoạt động hợp pháp trong lĩnh vực vật liệu xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam hoặc trục lợi cá nhân sẽ bị xử lý kỷ luật, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.


Chương VII


TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 38. Trách nhiệm của Bộ Xây dựng

1. Chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng.

2. Xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước ban hành, tổ chức triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về các hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng.

3. Xây dựng và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khoáng sản để sản xuất vật liệu xây dựng và sản phẩm vật liệu xây dựng.

4. Thống nhất quản lý các hoạt động sản xuất, chất l­ượng sản phẩm khoáng sản để sản xuất vật liệu xây dựng và sản phẩm vật liệu xây dựng.

5. Các nhiệm vụ khác đã được quy định của pháp luật liên quan đến các hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng.


Điều 39. Trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan

Các bộ, ngành khác theo chức năng nhiệm vụ được phân công có trách nhiệm phối hợp với Bộ Xây dựng thực hiện quản lý nhà nước về các hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng.


Điều 40. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng của địa phương.

2. Tổ chức thực hiện theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý về các hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng.

3. Theo dõi, thống kê, tổng hợp tình hình về hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng tại địa phương.

4. Tuyên truyền, phổ biến và tổ chức hướng dẫn pháp luật, cung cấp thông tin về các hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng tại địa ph­ương.

5. Định kỳ hoặc đột xuất báo cáo Bộ Xây dựng về các hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng của địa phương.

6. Các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 41. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ...... tháng 12 năm 2015 và thay thế Nghị định số 124/2007/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2007 về quản lý vật liệu xây dựng.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.


Nơi nhận:

- Ban Bí thư Trung ương Đảng;

- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;

- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;

- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;

- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;

- Văn phòng Tổng Bí thư;

- Văn phòng Chủ tịch nước;

- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;

- Văn phòng Quốc hội;

- Tòa án nhân dân tối cao;

- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

- UB Giám sát tài chính QG;

- Kiểm toán Nhà nước;

- Ngân hàng Chính sách xã hội;

- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;

- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;

- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP,

Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;

- Lưu: Văn thư, KTN.



TM. CHÍNH PHỦ

THỦ TƯỚNG

Nguyễn Tấn Dũng





tải về 164.97 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương