Nghị ĐỊnh thư kyoto



tải về 177.39 Kb.
trang1/3
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích177.39 Kb.
#28733
  1   2   3
NGHỊ ĐỊNH THƯ KYOTO

CỦA CÔNG ƯỚC KHUNG CỦA LIÊN HỢP QUỐC VỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU



Kyoto protocol

to the united nations framework convention on climate change

Cùng bạn đọc

Các Điều của Nghị định thư Kyoto của Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu không có tiêu đề; các tiêu đề dưới đây chỉ nhằm mục đích giúp bạn đọc trong tra cứu.

Phần mở đầu

1. Các định nghĩa

2. Các chính sách và biện pháp

3. Các cam kết hạn chế và giảm phát thải theo định lượng

4. Việc cùng nhau hoàn thành các cam kết

5. Các vấn đề phương pháp

6. Việc chuyển giao và tiếp nhận các đơn vị giảm phát thải (cùng thực hiện)

7. Thông báo các thông tin

8. Duyệt lại thông tin

9. Duyệt lại Nghị định thư

10. Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các cam kết hiện có

11. Cơ chế tài chính

12. Cơ chế phát triển sạch

13. Hội nghị các Bên phục vụ như là cuộc họp của các Bên của Nghị định thư

14. Ban thư ký

15. Các cơ quan bổ trợ

16. Quá trình tư vấn đa phương

17. Mua bán quyền phát thải

18. Việc không tuân thủ

19. Dàn xếp bất đồng

20. Các sửa đổi

21. Chấp nhận và sửa đổi các phụ lục

22. Quyền bầu phiếu

23. Người lưu trữ

24. Ký và phê chuẩn, phê duyệt, chấp thuận hoặc gia nhập

25. Việc có hiệu lực

26. Các bảo lưu

27. Việc rút khỏi Nghị định thư

28. Các văn bản xác thực

Phụ lục A: Các khí nhà kính và phân loại lĩnh vực/nguồn

Phụ lục B: Các cam kết hạn chế hoặc giảm phát thải theo định lượng của các Bên

 

Nghị quyết của Cuộc họp các Bên không thuộc văn kiện Nghị định thư Kyoto nhưng được đưa vào để cung cấp những thông tin cần thiết cho việc chấp thuận và thi hành Nghị định thư

Nghị quyết 1/CP.3: Việc chấp thuận Nghị định thư Kyoto của Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu

Nghị quyết 2/CP.3: Các vấn đề phương pháp liên quan tới Nghị định thư Kyoto

Nghị quyết 3/CP.3: Việc thi hành Điều 4, mục 8 và 9 của Công ước

Bảng về tổng lượng các phát thải carbon dioxide của các Bên thuộc Phụ lục I năm 1990, nhằm các mục đích của Điều 5 của Nghị định thư Kyoto.

 

NGHỊ ĐỊNH THƯ KYOTO

CỦA CÔNG ƯỚC KHUNG LIÊN HỢP QUỐC VỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

(Dịch từ nguyên bản tiếng Anh)

Các bên của Nghị định thư này,

Là các Bên của Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC), dưới đây gọi tắt là “Công ước“,

Theo đuổi mục tiêu cuối cùng của Công ước như đã nêu ở Điều 2,

Nhắc lại những điều khoản của Công ước,

Được định hướng theo Điều 3 của Công ước,

Tuân thủ Cam kết Berlin được thông qua bởi nghị quyết 1/CP.1 của Hội nghị các Bên của Công ước tại khoá họp thứ nhất,

Đã thoả thuận như sau:

Điều 1

Để phục vụ các mục đích của Nghị định thư này, sẽ áp dụng những định nghĩa trong Điều 1 của Công ước. Ngoài ra:

1. “Hội nghị các Bên“ là cuộc họp các Bên của Công ước.

2. “Công ước“ là Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu, được thông qua ở New York ngày 9 tháng 5 năm 1992.

3. “Ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu“ (IPCC) là Ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu được thành lập năm 1988 bởi Tổ chức Khí tượng Thế giới và Chương trình Môi trường Liên hợp quốc.

4. "Nghị định thư Montreal“ là Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ôzôn, được thông qua ở Montreal ngày 16 tháng 9 năm 1987 và đã được sửa đổi và bổ sung sau đó.

5. “Các Bên có mặt và bỏ phiếu“ là các Bên có mặt và bỏ phiếu khẳng định hay phủ định.

6. Trừ phi có chỉ định khác trong ngữ cảnh, “Bên“ có nghĩa là một Bên của Nghị định thư này.

7. “Bên thuộc Phụ lục I” là một Bên thuộc Phụ lục I của Công ước, có thể được sửa đổi, hoặc một Bên đã thông báo theo Điều 4, khoản 2(g) của Công ước.

Điều 2

1. Mỗi Bên thuộc Phụ lục I, trong quá trình đạt tới những cam kết hạn chế và giảm phát thải định lượng theo Điều 3, nhằm đẩy mạnh sự phát triển bền vững, sẽ:

a) Thực hiện và/hoặc tiếp tục hoàn thiện các chính sách và biện pháp phù hợp với tình hình trong nước mình như:

i) Nâng cao hiệu suất năng lượng trong các lĩnh vực liên quan đến kinh tế quốc dân;

ii) Bảo vệ và tăng cường các bể chứa và bể hấp thụ các khí nhà kính không

bị kiểm soát bởi Nghị định thư Montreal, có tính đến những cam kết theo các hiệp định môi trường quốc tế liên quan; đẩy mạnh các công tác quản lý rừng bền vững, trồng rừng và khôi phục rừng;

iii) Đẩy mạnh các phương thức canh tác nông nghiệp bền vững xét về mặt biến đổi khí hậu;

iv) Nghiên cứu và đẩy mạnh, phát triển và tăng cường sử dụng các dạng năng lượng mới và tái tạo được, các công nghệ thu hồi carbon dioxide và các công nghệ tiên tiến và sáng tạo lành mạnh cho môi trường;

v) Giảm dần hoặc loại trừ dần những sai lệch của thị trường, những khuyến khích về tài chính, miễn trừ thuế và các trợ giá trong mọi lĩnh vực phát thải khí nhà kính đi ngược lại mục tiêu của Công ước và việc áp dụng các công cụ thị trường;

vi) Khuyến khích các cải cách phù hợp trong các lĩnh vực thích hợp nhằm tăng cường các chính sách và biện pháp hạn chế hoặc giảm phát thải các khí nhà kính không bị kiểm soát bởi Nghị định thư Montreal;

vii)Các biện pháp hạn chế và/hoặc giảm phát thải các khí nhà kính không bị kiểm soát bởi Nghị định thư Montreal trong lĩnh vực vận tải;

viii)Hạn chế và/ hoặc giảm phát thải mêtan thông qua thu hồi và sử dụng trong quản lý chất thải, cũng như trong sản xuất, truyền tải và phân phối năng lượng;

b) Hợp tác với các Bên khác nhằm tăng cường tính hiệu quả đơn lẻ và hỗn hợp của các chính sách và biện pháp của mình được thông qua theo Điều này, căn cứ vào Điều 4, mục 2(e)(i), của Công ước. ở đây, các Bên này sẽ tiến hành các bước để trao đổi kinh nghiệm và thông tin về các chính sách và biện pháp đó, bao gồm việc triển khai các cách nhằm nâng cao khả năng so sánh, tính minh bạch và hiệu quả. Hội nghị các Bên tức là cuộc họp của các Bên Nghị định thư này, tại khoá họp đầu tiên hoặc ngay khi có thể thực hiện sau đó, sẽ xem xét các phương thức để tạo điều kiện cho sự hợp tác như vậy, có tính đến mọi thông tin liên quan.

2. Các Bên thuộc Phụ lục I sẽ tiến hành việc hạn chế hoặc giảm phát thải các khí nhà kính không bị kiểm soát bởi Nghị định thư Montreal, từ các bể chứa nhiên liệu của ngành hàng không và trên các tàu biển, hoạt động thông qua Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế và Tổ chức Hàng hải Quốc tế tương ứng.

3. Các Bên thuộc Phụ lục I sẽ phấn đấu thực hiện các chính sách và biện pháp thuộc Điều này theo phương thức nhằm giảm tối thiểu các tác động có hại, bao gồm các ảnh hưởng có hại của biến đổi khí hậu, các ảnh hưởng đến thương mại quốc tế, và các tác động về xã hội, môi trường và kinh tế đối với các Bên khác, đặc biệt các Bên là nước đang phát triển và nhất là các Bên được xác định trong Điều 4, mục 8 và 9 của Công ước, có tính đến Điều 3 của Công ước. Hội nghị các Bên tức là cuộc họp của các Bên Nghị định thư này có thể có hành động tiếp, thích hợp nhằm đẩy mạnh việc thực hiện các khoản của mục này.

4. Hội nghị các Bên tức là cuộc họp của các Bên Nghị định thư này, nếu quyết định rằng sẽ có lợi khi điều phối bất kỳ chính sách và biện pháp trong mục 1(a) nói trên, có tính đến các tình trạng khác nhau của các quốc gia và các ảnh hưởng tiềm tàng, sẽ xem xét các đường lối và biện pháp để hoàn thiện việc điều phối các chính sách và biện pháp như vậy.



Điều 3

1. Các Bên thuộc Phụ lục I, đơn phương hoặc phối hợp, sẽ bảo đảm rằng toàn bộ các phát thải khí nhà kính tương đương carbon dioxide do con người gây ra, được liệt kê trong Phụ lục A không vượt quá lượng đã định của mình, được tính theo các cam kết hạn chế và giảm phát thải định lượng đã ghi trong Phụ lục B và phù hợp với các khoản của Điều này, với mục đích giảm tổng lượng phát thải của các khí đó ít nhất 5 phần trăm dưới mức năm 1990 trong thời kỳ cam kết từ 2008 đến 2012.

2. Mỗi Bên thuộc Phụ lục I vào năm 2005 phải có những tiến bộ rõ ràng trong việc đạt được những cam kết theo Nghị định thư này.

3. Những thay đổi cuối cùng về sự phát thải khí nhà kính từ các nguồn và sự thủ tiêu bởi các bể hấp thụ do kết quả của thay đổi sử dụng đất do con người trực tiếp gây ra và các hoạt động về lâm nghiệp, chỉ tính tới việc trồng rừng, khôi phục rừng và phá rừng từ năm 1990, được tính như những thay đổi có thể xác minh được về tổng lượng carbon trong mỗi thời kỳ cam kết, sẽ được sử dụng để đáp ứng những cam kết theo Điều này của mỗi Bên thuộc Phụ lục I. Sự phát thải khí nhà kính từ các nguồn và sự thủ tiêu bởi các bể hấp thụ đi đôi với những hoạt động đó sẽ được báo cáo một cách minh bạch, xác minh được và được duyệt lại phù hợp với Điều 7 và 8.

4. Trước khoá họp đầu tiên của hội nghị các Bên tức là cuộc họp của các Bên Nghị định thư này, mỗi Bên thuộc Phụ lục I sẽ cung cấp cho Ban Bổ trợ về Tư vấn Khoa học và Công nghệ xem xét các số liệu nhằm thiết lập mức tổng lượng carbon của mình trong năm 1990 và để tạo điều kiện đánh giá về những thay đổi của mình về tổng lượng carbon trong những năm tiếp theo. Hội nghị các Bên tức là cuộc họp của các Bên Nghị định thư này, tại khoá họp đầu tiên hoặc ngay khi có thể thực hiện được sau đó, sẽ quyết định về các phương thức, qui tắc và các hướng dẫn về việc các hoạt động do con người gây ra thêm, liên quan tới những thay đổi về sự phát thải khí nhà kính từ các nguồn và sự thủ tiêu bởi các bể hấp thụ trong đất nông nghiệp và thay đổi sử dụng đất và các thể loại lâm nghiệp, sẽ được tính thêm vào hoặc trừ đi ra sao từ tổng lượng đã chỉ định cho các Bên thuộc Phụ lục I, có tính đến những sự không chắc chắn, sự minh bạch trong báo cáo, kiểm chứng, Công tác về phương pháp của Ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu, tư vấn của Ban Bổ trợ về Tư vấn Khoa học và Công nghệ theo Điều 5 và những nghị quyết của Hội nghị các Bên. Một nghị quyết như vậy sẽ áp dụng trong các thời kỳ cam kết thứ hai và tiếp theo đó. Một Bên có thể chọn áp dụng một nghị quyết như vậy đối với những hoạt động do con người gây ra thêm cho thời kỳ cam kết đầu tiên của mình, miễn là những hoạt động đó diễn ra từ năm 1990.

5. Các Bên thuộc Phụ lục I đang trải qua quá trình chuyển tiếp sang nền kinh tế thị trường mà năm hoặc thời kỳ cơ sở đã được thiết lập theo nghị quyết 9/CP.2 của Hội nghị các Bên khoá hai sẽ sử dụng năm hoặc thời kỳ cơ sở đó cho việc thực hiện các cam kết của mình theo Điều này. Bất kỳ Bên nào khác thuộc Phụ lục I, đang trải qua quá trình chuyển tiếp sang nền kinh tế thị trường, chưa nộp thông báo quốc gia đầu tiên của mình theo Điều 12 của Công ước cũng có thể thông báo cho Hội nghị các Bên tức là cuộc họp của các Bên Nghị định thư này của mình dự định sử dụng một năm hoặc thời kỳ cơ sở lịch sử khác với năm 1990 để thực hiện các cam kết của mình theo Điều này. Hội nghị các Bên tức là cuộc họp của các Bên Nghị định thư này sẽ quyết định về việc chấp thuận thông báo như vậy.

6. Khi xem xét Điều 4, mục 6 của Công ước, về việc thực hiện các cam kết của mình theo Nghị định thư này ngoài những cam kết theo Điều này, Hội nghị các Bên tức là cuộc họp của các Bên Nghị định thư này sẽ cho phép một mức độ mềm dẻo nhất định đối với các Bên thuộc Phụ lục I đang trải qua quá trình chuyển tiếp sang nền kinh tế thị trường.

7. Trong thời kỳ cam kết hạn chế và giảm phát thải định lượng đầu tiên, từ năm 2008 đến 2012, lượng chỉ định cho mỗi Bên thuộc Phụ lục I sẽ bằng số phần trăm quy cho Bên đó trong Phụ lục B về tổng lượng phát thải tích luỹ tương đương carbon dioxide do con người gây ra của các khí nhà kính liệt kê trong Phụ lục A năm 1990, hoặc năm hay thời kỳ cơ sở được xác định theo mục 5 trên, nhân với năm. Những Bên thuộc Phụ lục I mà sự thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp tạo thành nguồn phát thải khí nhà kính thuần trong năm 1990 sẽ đưa vào trong năm hoặc thời kỳ cơ sở phát thải năm 1990 của mình tổng lượng phát thải tương đương carbon dioxide do con người gây ra bởi các nguồn trừ đi sự thủ tiêu bởi các bể hấp thụ trong năm 1990 vào thay đổi sử dụng đất nhằm những mục đích tính toán lượng chỉ định của mình.

8. Bất kỳ Bên nào thuộc Phụ lục I có thể sử dụng năm 1995 làm năm cơ sở cho các hydro fluorocarbon, perfluorocarbon and sulphur hexafluoride cho các mục đích tính toán nói đến ở mục 7 trên.

9. Những cam kết cho các thời kỳ tiếp theo đối với các Bên thuộc Phụ lục I sẽ được thiết lập trong các sửa đổi của Phụ lục B của Nghị định thư này, sẽ được thông qua phù hợp với các điều khoản của Điều 21, mục 7. Hội nghị các Bên tức là cuộc họp của các Bên Nghị định thư này sẽ bắt đầu xem xét các cam kết như vậy ít nhất bẩy năm trước khi kết thúc thời kỳ cam kết đầu tiên đề cập tại mục 1 ở trên.

10. Bất kỳ các đơn vị giảm phát thải nào, hoặc bất kỳ phần nào của lượng chỉ định mà một Bên tiếp nhận từ một Bên khác, phù hợp với các khoản của Điều 6 hoặc Điều 17 sẽ được cộng vào lượng chỉ định cho Bên tiếp nhận.

11. Bất kỳ các đơn vị giảm phát thải nào, hoặc bất kỳ phần nào của lượng chỉ định mà một Bên chuyển giao cho một Bên khác, phù hợp với các khoản của Điều 6 hoặc Điều 17 sẽ được trừ khỏi lượng chỉ định cho Bên chuyển giao.

12. Bất kỳ sự giảm phát thải được xác nhận nào mà một Bên tiếp nhận từ một Bên khác phù hợp với các khoản của Điều 12 sẽ được cộng thêm vào lượng chỉ định cho Bên tiếp nhận.

13. Nếu những phát thải của một Bên thuộc Phụ lục I trong một thời kỳ cam kết ít hơn lượng chỉ định của mình theo Điều này, sự chênh lệch đó, theo yêu cầu của Bên đó, được cộng thêm vào lượng chỉ định cho Bên đó trong các thời kỳ cam kết tiếp theo.

14. Mỗi Bên thuộc Phụ lục I sẽ nỗ lực thực hiện các cam kết nêu trong mục 1 nói trên để giảm thiểu các tác động có hại về mặt xã hội, môi trường và kinh tế đối với các Bên nước đang phát triển, đặc biệt các Bên được xác định trong Điều 4, mục 8 và 9 của Công ước. Tuỳ theo các nghị quyết liên quan của Hội nghị các Bên về việc thực hiện các mục đó, Hội nghị các Bên tức là cuộc họp của các Bên Nghị định thư này, tại khoá đầu tiên, sẽ xem xét những hành động cần thiết để giảm thiểu những tác động có hại của biến đổi khí hậu và/hoặc các tác động của các biện pháp ứng phó đối với các Bên nói tới trong các mục này. Trong các vấn đề được xem xét sẽ có việc thiết lập quĩ, việc bảo hiểm và chuyển giao công nghệ.

Điều 4

1. Bất kỳ Bên nào thuộc Phụ lục I đã đạt được một thoả thuận hoàn thành các cam kết của mình theo Điều 3 trên cơ sở phối hợp sẽ được coi như đã đáp ứng các cam kết đó miễn là tổng lượng phối hợp phát thải tích luỹ tương đương carbon dioxide do con người gây ra của các khí nhà kính liệt kê trong Phụ lục A không vượt quá các lượng chỉ định, tính theo các cam kết giảm và hạn chế phát thải định lượng của mình, được ghi trong Phụ lục B và phù hợp với các khoản của Điều 3. Mức phát thải tương ứng được qui cho mỗi Bên của thoả thuận sẽ được nêu trong thoả thuận đó.

2. Các Bên của bất kỳ thoả thuận nào như vậy sẽ thông báo cho Ban thư ký về các khoản thoả thuận vào ngày lưu chiểu các văn bản phê chuẩn, chấp thuận hay tán thành hoặc gia nhập Nghị định thư này. Về phần mình, Ban thư ký sẽ thông báo cho các Bên và những người ký Công ước về các điều khoản của thoả thuận đó.

3. Bất kỳ thoả thuận nào như vậy sẽ vẫn có tác dụng trong thời kỳ cam kết nêu trong Điều 3, mục 7.

4. Nếu các Bên hành động phối hợp thực hiện như vậy trong khuôn khổ và cùng một tổ chức liên kết kinh tế khu vực, bất kỳ sự thay đổi nào trong thành phần của tổ chức sau khi tán thành Nghị định thư này sẽ không ảnh hưởng đến các cam kết đã có theo Nghị định thư. Bất kỳ sự thay đổi nào trong thành phần của tổ chức sẽ chỉ áp dụng cho các mục đích của các cam kết theo Điều 3 được thông qua sau sự thay đổi đó.

5. Trong trường hợp các Bên của thoả thuận đó không đạt được tổng mức giảm phát thải kết hợp, mỗi Bên của thoả thuận đó sẽ chịu trách nhiệm về mức phát thải của mình được xác định trong thoả thuận.

6. Nếu các Bên cùng thực hiện như vậy trong khuôn khổ, của và cùng với, một tổ chức liên kết kinh tế khu vực là một Bên của Nghị định này, mỗi nước thành viên của tổ chức liên kết kinh tế khu vực đó hành động riêng rẽ và cùng với tổ chức liên kết kinh tế khu vực đó, phù hợp với Điều 24, trong trường hợp không đạt được tổng mức giảm phát thải kết hợp, sẽ chịu trách nhiệm nhiệm về mức phát thải của mình như được thông báo theo Điều này.

Điều 5

1. Mỗi Bên thuộc Phụ lục I, không muộn hơn một năm trước khi bắt đầu thời kỳ cam kết đầu tiên, sẽ phải có một hệ thống quốc gia để đánh giá sự phát thải do con người gây ra từ các nguồn và sự thủ tiêu bởi các bể hấp thụ tất cả các khí nhà kính không bị kiểm soát bởi Nghị định thư Montreal. Các hướng dẫn về các hệ thống quốc gia đó, bao gồm những phương pháp được định rõ trong mục 2 dưới đây, sẽ được quyết định bởi Hội nghị các Bên tức là cuộc họp của các Bên Nghị định thư này tại khoá họp đầu tiên.

2. Các phương pháp nhằm đánh giá sự phát thải do con người gây ra từ các nguồn và sự thủ tiêu bởi các bể hấp thụ tất cả các khí nhà kính không do Nghị định thư Montreal kiểm soát sẽ được Ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu tán thành và được Hội nghị các Bên tại khoá họp thứ ba đồng ý. ở nơi nào không sử dụng các phương pháp như vậy, sẽ áp dụng những điều chỉnh thích hợp theo các phương pháp được nhất trí bởi Hội nghị các Bên phục vụ như là cuộc họp của các Bên Nghị định thư này tại khoá họp đầu tiên. Ngoài những vấn đề khác, dựa trên công tác của Ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu và tư vấn của Ban Bổ trợ về Tư vấn Khoa học và Công nghệ, Hội nghị các Bên tức là cuộc họp của các Bên Nghị định thư sẽ thường xuyên duyệt lại, và khi thấy thích hợp, sẽ sửa đổi các phương pháp và điều chỉnh đó, có xem xét đầy đủ bất kỳ các nghị quyết liên quan của Hội nghị các Bên. Bất kỳ sửa đổi nào đối với các phương pháp hoặc điều chỉnh nào sẽ chỉ được sử dụng cho các mục đích nhằm đạt được sự tuân thủ các cam kết theo Điều 3 đối với bất kỳ thời kỳ cam kết nào được duyệt tiếp theo sau sửa đổi đó.

3. Các tiềm năng nóng lên toàn cầu, được sử dụng để tính mức tương đương carbon dioxide của những phát thải do con người gây ra từ các nguồn và sự thủ tiêu bởi các bể hấp thụ các khí nhà kính liệt kê trong Phụ lục A, sẽ là những điều được tán thành bởi Ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu và đồng ý bởi Hội nghị các Bên tại khoá họp thứ ba. Ngoài những vấn đề khác, dựa trên Công tác của Ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu và tư vấn của Ban Bổ trợ về tư vấn Khoa học và Công nghệ, Hội nghị các Bên tức là cuộc họp của các Bên Nghị định thư sẽ thường xuyên duyệt lại, và khi thấy thích hợp, sẽ sửa đổi các tiềm năng nóng lên toàn cầu của từng khí nhà kính như vậy, có xem xét đầy đủ bất kỳ các nghị quyết liên quan của Hội nghị các Bên. Bất kỳ sửa đổi nào đối với tiềm năng nóng lên toàn cầu nào sẽ chỉ áp dụng cho các cam kết theo Điều 3 đối với bất kỳ thời kỳ cam kết nào được duyệt sau sửa đổi đó.



Điều 6

1. Nhằm mục đích đáp ứng các cam kết theo Điều 3, bất kỳ Bên nào thuộc Phụ lục I có thể chuyển giao cho, hoặc tiếp nhận từ bất kỳ một Bên khác như vậy, các đơn vị giảm phát thải do kết quả của các dự án nhằm giảm các phát thải do con người gây ra từ các nguồn hoặc tăng cường sự thủ tiêu do con người gây ra bởi các bể hấp thụ các khí nhà kính trong bất kỳ lĩnh vực kinh tế nào, miễn là:

a) Bất kỳ dự án nào như vậy có sự tán thành của các Bên tham dự;

b) Bất kỳ dự án tương tự nào làm giảm các phát thải bởi các nguồn, hoặc tăng cường sự thủ tiêu bởi các bể hấp thụ mà bổ sung cho bất cứ dự án nào không có tác động ngược lại;

c) Bên đó không tiếp nhận được bất kỳ các đơn vị giảm phát thải nào nếu không tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo Điều 5 và 7; và

d) Việc tiếp nhận các đơn vị giảm phát thải sẽ bổ sung cho các hành động trong nước nhằm mục đích đáp ứng các cam kết theo Điều 3.

2. Hội nghị các Bên tức là cuộc họp của các Bên Nghị định thư này có thể, tại khoá họp đầu tiên hoặc ngay khi có thể thực hiện được sau đó, tiếp tục hoàn thiện các hướng dẫn cho việc thực hiện Điều này, bao gồm việc kiểm chứng và báo cáo.

3. Một Bên thuộc Phụ lục I có thể uỷ nhiệm cho các thực thể hợp pháp tham gia, theo các trách nhiệm của mình, vào những hành động dẫn tới việc phát sinh, chuyển giao hoặc tiếp nhận các đơn vị giảm phát thải theo Điều này.

4. Nếu nhận thấy có vấn đề về việc một Bên thuộc Phụ lục I thực hiện các yêu cầu nêu trong Điều này theo các khoản liên quan của Điều 8, việc chuyển giao và tiếp nhận các đơn vị giảm phát thải có thể tiếp tục được tiến hành sau khi vấn đề đã được xác định, miễn là các đơn vị như vậy không được dùng bởi một Bên để đáp ứng các cam kết theo Điều 3 cho tới khi mọi vấn đề về tuân thủ được giải quyết.

Điều 7

1. Mỗi Bên thuộc Phụ lục I sẽ đưa vào kiểm kê hàng năm của mình sự phát thải do con người gây ra từ các nguồn và sự thủ tiêu bởi các bể hấp thụ tất cả các khí nhà kính không được kiểm soát bởi Nghị định thư Montreal, nộp theo các nghị quyết liên quan của Hội nghị các Bên, thông tin bổ sung cần thiết cho các mục đích bảo đảm sự tuân thủ Điều 3, được xác định phù hợp mục 4 dưới đây.

2. Mỗi Bên thuộc Phụ lục I sẽ đưa vào thông báo quốc gia của mình, để nộp theo Điều 12 của Công ước, thông tin bổ sung cần thiết cho việc chứng minh sự tuân thủ cam kết theo Nghị định thư này, được xác định theo mục 4 dưới đây.

3. Hàng năm, mỗi Bên thuộc Phụ lục I sẽ nộp thông tin theo yêu cầu mục 1 nói trên, bắt đầu bằng kiểm kê đầu tiên đúng theo Công ước cho năm đầu tiên của thời kỳ cam kết sau khi Nghị định thư này có hiệu lực đối với Bên đó. Mỗi Bên như vậy sẽ nộp thông tin theo yêu cầu của mục 2 nói trên như là một phần của thông báo quốc gia đầu tiên đúng theo Công ước sau khi Nghị định thư này có hiệu lực cho Bên đó và sau khi thông qua các hướng dẫn qui định tại mục 4 dưới đây. Khoảng cách giữa các lần nộp thông tin tiếp, theo yêu cầu của Điều này, sẽ được xác định bởi Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này, có tính đến bất kỳ thời gian biểu nào cho việc nộp các thông báo quốc gia đã được quyết định bởi Hội nghị các Bên.

4. Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này sẽ thông qua tại khoá họp đầu tiên, và duyệt lại thường kỳ sau đó, các hướng dẫn cho việc chuẩn bị thông tin theo yêu cầu Điều này, có tính đến các hướng dẫn cho việc chuẩn bị các thông báo quốc gia của các Bên thuộc Phụ lục I, được thông qua bởi Hội nghị các Bên. Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư cũng sẽ quyết định trước thời kỳ cam kết đầu tiên, các phương thức thanh toán các lượng chỉ định.

Điều 8

1. Thông tin nộp theo Điều 7 của mỗi Bên thuộc Phụ lục I sẽ được duyệt lại bởi các nhóm chuyên viên duyệt, theo các nghị quyết liên quan của Hội nghị các Bên và phù hợp với các chỉ dẫn được thông qua cho mục đích này bởi Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này theo mục 4 dưới đây. Thông tin do mỗi Bên thuộc Phụ lục I nộp theo Điều 7, mục 1, sẽ được duyệt lại như là một phần tổng hợp hàng năm và tính toán về kiểm kê phát thải và các lượng chỉ định. Ngoài ra, thông tin do mỗi Bên thuộc Phụ lục I nộp theo Điều 7, mục 2 sẽ được duyệt như là một phần của đợt kiểm duyệt các thông báo quốc gia.

2. Các nhóm chuyên viên duyệt sẽ được điều phối bởi Ban thư ký và sẽ bao gồm các chuyên viên được lựa chọn từ những người được các Bên của Công ước chỉ định và, khi cần thiết, bởi các tổ chức liên chính phủ, phù hợp với hướng dẫn do Hội nghị các Bên đưa ra nhằm mục đích này.

3. Quá trình duyệt sẽ cung cấp một đánh giá kỹ thuật toàn diện và triệt để về mọi mặt việc thực hiện của một Bên Nghị định thư này. Các nhóm chuyên viên duyệt sẽ chuẩn bị một báo cáo cho Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này, đánh giá việc thực hiện các cam kết của Bên đó và xác định bất kỳ các vấn đề tiềm tàng bên trong, và các nhân tố ảnh hưởng đến việc hoàn thành các cam kết. Những báo cáo như vậy sẽ được Ban thư ký gửi đến tất cả các Bên của Công ước. Ban thư ký sẽ liệt kê những vấn đề về việc thực hiện nêu trong các báo cáo đó để tiếp tục xem xét tại Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này.

4. Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư sẽ thông qua tại khoá họp đầu tiên, và xem xét lại thường kỳ sau đó, các hướng dẫn do các nhóm chuyên viên duyệt về việc kiểm điểm việc thực hiện Nghị định thư này, có tính đến các nghị quyết liên quan của Hội nghị các Bên.

5. Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư này, với sự giúp đỡ của Ban Bổ trợ về việc thực hiện, và của Ban Bổ trợ về tư vấn Khoa học và Công nghệ, khi thích hợp, sẽ xem xét:

a) Thông tin do các Bên nộp theo Điều 7 và các báo cáo của các cuộc duyệt của chuyên viên ngay sau đó, tiến hành theo Điều này; và

b) Những vấn đề về thực hiện được Ban thư ký liệt kê theo mục 3 nói trên, cũng như bất kỳ các vấn đề nào do các Bên nêu ra.

6. Thể theo sự xem xét thông tin đề cập tại mục 5 nói trên, Hội nghị các Bên tức là cuộc họp các Bên của Nghị định thư sẽ đưa ra các nghị quyết về mọi vấn đề cần thiết cho việc thực hiện Nghị định thư này.



tải về 177.39 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương