Nghề Đan lát bằng mây tre của ngưỜi bru Vân Kiều qua sưu tập hiện vật tại Bảo tàng Quảng Bình Trần Thị Diệu Hồng



tải về 34.73 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu04.01.2018
Kích34.73 Kb.
#35512
NGHỀ ĐAN LÁT BẰNG MÂY TRE CỦA NGƯỜI

Bru - Vân Kiều qua sưu tập hiện vật tại Bảo tàng Quảng Bình
Trần Thị Diệu Hồng

Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình


Người Bru - Vân Kiều (gồm có tộc Vân Kiều, Mang Coong, Trì, Khùa) sống ở một số xã của các huyện Quảng Ninh, Bố Trạch, Minh Hóa. Người Bru-Vân Kiều thuộc nhóm ngôn ngữ Mon-Khmer (ngữ hệ Nam Á) - Là một dân tộc có truyền thống văn hoá lâu đời, trong đời sống văn hóa cộng đồng ngày nay, người Bru-Vân Kiều vẫn còn lưu giữ được những giá trị nghệ thuật- tâm linh đặc sắc. Trong nhiều hình thái nghệ thuật truyền thống của người Bru -Vân Kiều thì hình thái nghệ thuật ứng dụng vẫn dường như còn nguyên vẹn sắc màu thời gian của nó, đó là việc đan lát tạo dáng và trang trí các đồ dùng, vật dụng cần thiết trong sinh hoạt hàng ngày bằng mây tre đan không nhiều về chủng loại, chức năng nhưng thật độc đáo, phong phú về tạo dáng, trang trí hoa văn. Là vật dụng  không thể thiếu khi người Bru - Vân Kiều lên rẫy, săn bắn, trồng trọt và cả trong nhiều sinh hoạt đời thường. Bảo tàng tỉnh đã và đang tiến hành sưu tầm và bảo quản tiến tới trưng bày sưu tập mây tre đan của đồng bào Bru - Vân kiều trong văn hóa cộng đồng các dân tộc ở Quảng Bình.

Hoạt động sản xuất chủ yếu của người Bru-Vân Kiều là canh tác rẫy, trồng lúa là chính. Nông cụ làm rẫy cũng chỉ vài thứ như rìu, dao quắm, gậy trỉa, cái nạo cỏ có lưỡi cong. Cách thức sản xuất có vẻ rất nguyên thủy bằng cách phát - cốt - đốt - tỉa. Đất rừng phát thành rẫy có thể đa canh, xen canh kéo dài trong năm. Ngoài việc trồng các giống lúa tẻ, lúa nếp, người Bru - Vân Kiều còn trồng khoai sắn, bầu bí, chuối, cà… Người Bru-Vân Kiều rất coi trọng các lễ cúng mùa vụ, tín ngưỡng của người Bru-Vân Kiều còn dấu vết của tô tem giáo, họ tin vào các linh thần huyền bí (Yang), thần lúa, thần bếp lửa, thần núi, thần đất, thần sông nước, thần rừng v.v...Trong đó Thần Lúa được coi là vị thần quan trọng nhất.

Cái đẹp trong nghệ thuật nói chung và cái đẹp trong chế tác, tạo dáng trang trí đồ vật nói riêng đều bắt nguồn từ nhu cầu cuộc sống. Đối với đồ dùng, vật dụng mây tre đan của người Bru-Vân Kiều ta thấy chính sự gắn bó mật thiết với đời sống thực dụng và tâm linh, độ bền và sự bình dị, phổ biến quen thuộc của vật liệu đã góp phần làm nên sự độc đáo và giá trị tạo hình của chúng, họ chọn được vật liệu là tre, mây để làm ra vật dụng. Thực ra từ ngàn xưa ông bà tổ tiên của họ cũng như nhiều cư dân khác đã biết đan lát. Đó là những vật liệu dễ kiếm nhưng rất dẻo dai, bền chắc, có những vật dụng bằng mây tre đan nhưng được sử dụng, truyền lại rất lâu năm mà vẫn  gần như nguyên vẹn. Các vật dụng bằng mây tre đan không nhiều nhưng chúng là những vật không thể thiếu trong đời sống của đồng bào Bru - Vân Kiều. Từ mây tre, người Bru- Vân Kiều chủ yếu đan, tạo dáng, trang trí  các vật dụng sau: A chói (gùi); A dăng (gùi đeo nhỏ); A đư (dụng cụ để đựng dao đi rừng); Tà ving (mẹt sàng sảy); Pa điền xang ( mâm đựng cơm); tấp (típ đựng cơm đi rừng); trùa (mợơng đơm cá); xàng (gùi đeo có lổ sưa để đựng củi)…

Trong tạo dáng đồ vật, qua nghiên cứu khảo sát ta thấy kiểu đan tạo dáng đồ vật của người Bru - Vân Kiều cũng không khác là mấy so với kiểu đan của người Kinh nhưng hoa văn thì có nhiều điểm khác biệt do phối hợp các cách đan và có sự nhấn nhá nhịp đan khác nhau. Qua sự so sánh, lý giải chúng ta nhận ra các dị biệt trong cấu trúc tạo hình là không lớn, chế tác, tạo hình trang trí thì khoảng cách của sự tương đồng và khác biệt cũng không quá xa. Cách thức đan, cài và phối lóng nan đan sau: Kiểu đan kết hợp lóng đơn với lóng đôi, lóng ba và đan lặp lại; Kiểu đan kết hợp lóng đơn với lóng đôi song song; Kiểu đan lóng đơn với lóng đơn, nhắc lại và xen kẽ; Kiểu đan kết hợp lóng đơn với lóng đôi, lóng ba, lóng bốn rồi  trở lại chu kỳ của nhịp đầu; Kiểu đan bóp hình tạo dáng bằng các lóng bản rộng xen kẽ với các lóng đơn, lóng đôi khác.

     Các kết hợp trong tạo tác, trang trí còn tuỳ theo vật dụng và chức năng của chúng. Hầu hết các kiểu đan tạo dáng, trang trí đều sử dụng phương pháp đan lặp lại. Tuy nhiên không phải bao giờ cũng là sự lặp lại nguyên vẹn, mà có khi lặp lại lệch nhịp, lặp lại đổi chiều, lặp lại cách quảng...Vì thế hoa văn cũng được tạo ra rất ngẫu hứng, phong phú và mới lạ. Hoa văn được tạo thành bằng các nan bằng tre, mây, đan vào nhau theo quy luật nhất định để tạo thành vật đan. Hoa văn cấu thành bởi các dây mây, tre đan vào nhau, dùng để giữ bền chặt, hay làm dây đeo cho các vật dụng. Các hoa văn luôn tạo thành tiết điệu lặp lại, xen kẽ. Thông thường có hai cách xếp nan đan là xếp nan đan ngang - dọc, xếp nan đan xiên chéo góc 300 đến 450 tuỳ theo từng vật dụng. Từ đó có các loại lóng đan kết hợp như lóng đơn, lóng hai, lóng ba, lóng bốn, lóng năm. Trong đó lóng bốn và lóng năm thường chỉ sử dụng khi bắt góc vuông hoặc thay đổi tiết điệu tạo dáng của vật, chuyển tiếp giữa cấu trúc hoa văn này sang cấu trúc hoa văn khác, ít sử dụng cho đan bình thường vì lóng dài làm cho vật dụng thiếu tính chắc chắn, các nan đan vào nhau thưa, xộc xệch.

     Các luân chuyển kết hợp của các hoa văn trên vật dụng được bố cục chặt chẽ, khoa học, phù hợp với chức năng sử dụng và  tạo nên sự hài hoà, cân đối cho vật dụng. Hoa văn trang trí có nhiều hình thức bố cục như bố cục ngang với các hoa văn chạy xếp ngang xuôi ngược trên các diện của vật làm cho có cảm giác ôm chặt lấy vật dụng, hoa văn chạy ngang tạo sự luân chuyển không ngừng. Các hoa văn có bố cục chạy dọc theo thân của vật dựng lại  tạo cảm giác chắc chắn cho vật, khi kết hợp với bố cục ngang hoặc xiên sẽ hình thành các mảng hoa văn rất chặt chẽ, đẹp mắt. Chính bố cục dạng này đã tạo ra đặc trưng riêng của từng vật dụng. Sự kết hợp các kiểu bố cục trong cùng một vật dụng, tạo nên tính thẩm mỹ cao, hơn nữa chúng cũng nhấn mạnh chức năng sử dụng của vật dụng. Có thể nêu một số dạng hoa văn phổ biến sau: Loại hoa văn sóng đuổi, bố cục chạy dọc trên A chói, Ta ving. Những vật dụng chịu lực nặng, dùng hoa văn sóng đuổi tạo cảm giác chịu lực và cân đối. Hoa văn chân rết dọc hoặc xiên chéo thường nằm ở phía trên của vật dụng, nhưng chủ yếu là ở các A đư đan theo bố cục ngang tạo cảm giác chắc chắn, với motif  hoa văn luôn thay đổi khiến sự chuyển động của nhịp khối mây tre đan rất động. Chính việc sử dụng lối đan lóng đôi tạo thành hai hoa văn chân rết chồng lên nhau với sự biểu cảm về chất, không gian nổi, chìm âm dương rất mới lạ và hấp dẫn. Kết cấu hoa văn tạo chân rết nối từ miệng vật dụng xuống phía đáy, vừa tạo đường viền nổi, vừa làm dây cộng lực, hay cuộn vào thân của vật dụng tạo thành vành đai trang trí. Điều này cho thấy hoa văn mây tre đan không phải có tính độc lập hoàn toàn trong làm đẹp vật dụng mà chúng còn hình thành từ sự thực hiện chức năng thực dụng của vật, tăng cường độ bền vững của vật dụng.

Hoa văn chữ V đơn tuyến nằm ngang và nằm dọc trên các A điền- típ dựng xôi.

Hoa văn chữ dây thừng lệch pha trên A chói, mẹt sàng gạo và A điền. Loại hoa văn này làm rõ phần kết cấu trọng lực chính của vật dụng, các mảng hình giới hạn bởi hoa văn đan dây thừng tạo nên các đường viền rất giàu tính trang trí.

Hoa văn  kết hợp giữa các loại hoa văn chân rết xuôi ngược và sóng đuổi trang trí cho các  A dàng, A điền tạo tính thẩm mỹ và độ bền cho vật. Dù có phối hợp nhiều hoa văn, nhưng loại hoa văn phối hợp này cũng dễ đan, không khó trong phối lóng đan hay bẻ khối tạo dáng trang trí. Các hoa văn tạo thành sự luân chuyển phong phú nhờ sự kết hợp khéo léo giữa chức năng, hiệu quả, yêu cầu của kỹ thuật đan và sự cần thiết phối hình hoa văn trang trí để hình ảnh như vận động không ngừng. Hoa văn đan được kết cấu chặt chẽ, linh hoạt, kết hợp nhiều kiểu hoa văn trên cùng một vật dụng, sự thay đổi linh hoạt giữa các vùng trên cùng một vật dụng tạo nên sự phong phú, đa dạng nhưng chặt chẽ, có bố cục hợp lí, tiện dụng và nhấn mạnh được chức năng của từng vật dụng khác nhau. Ngoài ra các vật dụng mây tre đan hầu hết có quai vải bện với hoa văn tinh nhã càng làm tăng thêm tính thẩm mỹ của vật dụng. Các dây quai, dây đeo thực hiện chức năng sử dụng của đồ vật, làm cho vật dụng chắc chắn, tiện dụng và bền vững hơn.

Một cụm hoa văn được trình bày, trang trí hợp lý, không chỉ có ý nghĩa thẩm mỹ - thực dụng mà còn mang dấu ấn tín ngưỡng nguyên sơ. Đó là sự thờ vạn vật hiển linh theo dạng tín ngưỡng Tô tem giáo, thờ thần linh và mong muốn các vị thần giúp cho con người yên ổn làm ăn sinh sống, cho vạn vật sinh sôi nảy nở, mùa màng tươi tốt, sự sống con người cũng được bảo vệ. Có thể thấy điều này qua kết cấu của các Típ dùng để đựng thức ăn. Cái đặc sắc của Típ là hoa văn kỹ hà trang trí trên đáy.Tại đây chúng ta nhìn thấy xuất hiện năm đường hoa văn chân rết kép, được nổi cao, chạy tới hết phần thân của Típ. Người Bru- Vân Kiều cho rằng đáy tượng trưng cho hiện thân của thần Mặt Trời. Đáy tượng trưng cho nguồn sống thiêng liêng, năm hoa văn của chân rết kép là ngọn lửa xua đuổi tà ma, thế lực “âm” và cũng là tượng trưng cho 5 vị thần cai quản, trông coi, bảo vệ cho sản phẩm được chế biến từ ngũ cốc không bị  tà ma làm hư hỏng.    

     Người Bru -Vân Kiều có cách nhuộm màu vật liệu mây tre rất độc đáo, họ sử dụng chủ yếu là màu tự nhiên và khoáng chất, những thành phần màu sắc rất dễ tìm kiếm trong rừng và có khắp mọi nơi. Nếu xét trên góc độ khai thác vật liệu thì màu sắc đã được định ra kể từ khi chọn vật liệu mây, tre. Người Bru - Vân Kiều rút ra kinh nghiệm là tránh khai thác mây tre vào mùa thu, mùa xuân bởi vì lúc này cây cối đang lên chồi non, thân yếu, nhiều nước nên dễ bị sâu mọt. Màu sắc đặc trưng của các vật dụng mây tre đan của người Bru - Vân Kiều là màu nâu cánh dán, nâu thổ hoàng. Rõ ràng đó là màu tự thân của mây tre vì vậy tạo cho cảm giác gần gũi, quen thuộc, chắc khỏe. Đó cũng là màu rất tương đồng với màu da của người Bru - Vân Kiều chịu nhiều nắng gió, gợi lên sự mộc mạc, đậm đà, chân chất, thân thiện. Các vật dụng mây tre đan sử dụng lâu ngày ngã sang màu nâu đen hay màu đồng hun, càng sử dụng càng lên nước óng mượt, bóng sáng có sức  hấp dẫn thị giác cao. Công việc đan lát là của đàn ông, bởi ngay từ khâu chọn vật liệu cũng cần sức đàn ông trong chặt tre, vào rừng tuốt mây đem về bản. Sau khi chặt được mây, tre già vừa đủ, người dân ngâm tẩm các vật liệu vào trong ao hồ, khe suối tạo cho mây tre săn chắc bền, không mối mọt vì sau khi ngấm bùn, đã thẩm thấu các khoáng chất tự nhiên. Sau đó các vật liệu được vớt lên, sấy khô và chế tác đan lát và có màu nâu cánh dán rát bình dị, đẹp mắt.

     Như vậy, kết cấu hoa văn, màu sắc của vật dụng, tạo cho vật dụng có giá trị sử dụng và hiệu quả thẩm mỹ. Chính các vật dụng với  kết cấu hoa văn theo những quy luật chặt chẽ, bố cục phong phú đã nâng cao tầm giá trị thẩm mỹ của các vật dụng trong đời sống của người Bru - Vân Kiều.

Với những đặc trưng địa lý, văn hóa và lịch sử lâu đời, người dân Bru - Vân Kiều đã tạo ra một bản sắc văn hóa vùng độc đáo trong dòng chảy văn hóa của các dân tộc Việt Nam. Qua nghiên cứu, phân tích đồ dùng vật dụng mây tre đan ta thấy chúng thực sự là nơi lưu giữ những giá trị nghệ thuật độc đáo, đặc sắc,  tự thân mỗi sản phẩm mây tre đan  đã có tiếng nói và sức mạnh biểu cảm riêng, mỗi vật thể do chính bàn tay người dân Bru -Vân Kiều làm ra là một thực thể phản ánh nhu cầu hiện thực và tâm linh của dân tộc Bru -Vân Kiều trong quá trình lịch sử. Với những giá trị văn hóa còn âm hưởng tinh thần nguyên thủy, nghề đan lát vật dụng bằng mây tre cần được nghiên cứu, đánh giá một cách trân trọng hơn nữa. Nghề truyền thống mây tre đan còn lưu lại của đồng bào Bru- Vân Kiều cần được nghiên cứu, sưu tầm, khảo sát để lưu giữ, làm tỏa sáng các giá trị đó trong đời sống thẩm mỹ ngày nay, từ đó góp phần quảng bá phát triển du lịch và hội nhập nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của bà con, đó là việc làm cần thiết của chúng ta ngày nay, việc nghiên cứu đặc trưng, kết cấu hoa văn, theo những quy luật tạo hình với những màu sắc chủ đạo của chất liệu trong quan hệ giữa tín ngưỡng với mỹ cảm cũng là một ý nghĩa mà nhằm giới thiệu được nét riêng của nghề mây tre đan với tư cách là một biểu hiện văn hóa sinh động, từ đó nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc lưu giữ, bảo tồn các giá trị  văn hoá đáng trân trọng của người Bru -Vân Kiều trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:

- Mạc Đường (1964). Các dân tộc thiểu số Bắc Trung bộ-NXBkhoa học- Hà Nội.

- Kiều Bình Định- Đinh Hồng Hải. Cái nhìn nhân học và văn hóa về người Bru-Vân kiều.

- Nguyễn Văn Huy (1997)- Bức tranh văn hóa các dân tộc Việt Nam-NXB Giáo dục.



- Nguyễn Trọng Báu (2007)- Truyện kể về phong tục truyền thống văn hóa các dân tộc Việt Nam- NXB Giáo dục.

- Nguyễn Quốc Lộc. Các dân tộc thiểu số ở Bình Trị Thiên.

tải về 34.73 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương