ĂN quả nhớ Ông fraser?



tải về 40.51 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích40.51 Kb.
#28943
ĂN QUẢ NHỚ...ÔNG FRASER?
Sắp đến ngày 30/4, một lần nữa cộng đồng người Việt tự do trên khắp thế giới lại chuẩn bị những hoạt động tưởng niệm ngày Miền Nam tự do rơi vào tay cộng sản, khởi đầu cho một làn sóng người Việt bỏ nước ra đi vô tiền khoáng hậu trong lịch sử nhân loại.
37 năm qua, một nước Việt Nam tự do và dân chủ đã hình thành bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Người Việt trên khắp thế giới trong đó có cộng đồng người Việt tự do tại nước Úc đã trở thành những cộng đồng vững mạnh, hòa nhập vào đời sống của những quê hương thứ hai. Trong tinh thần “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, người Việt chúng ta luôn ghi nhớ công ơn chính phủ và dân chúng của những đất nước đã mở rộng vòng tay đón những thuyền nhân trong cơn hoạn nạn và tạo điều kiện cho chúng ta an cư lạc nghiệp và có cuộc sống tốt đẹp như ngày hôm nay.
Xưa này người Việt hầu như lúc nào cũng bỏ phiếu cho đảng Lao động. Phải chăng chính phủ Lao động đã đưa bàn tay ra cho những thuyền nhân Việt Nam trong những giai đoạn khó khăn nhất và xứng đáng được cộng đồng người Việt tự do chúng ta luôn biết ơn ? Xin mời quý vị quay về quá khứ để nhìn lại bối cảnh của nước Úc trong những thập niên sau khi cộng sản Hà nội dùng vũ lực cưỡng chiếm miền Nam tự do thân yêu của chúng ta.
Tự do-Chống Cộng
Sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, Úc trở thành một đồng minh thân cận của Hoa kỳ. Năm 1951 Úc, New Zealand và Hoa kỳ ký hiệp ước ANZUS. Năm 1954 Úc và Hoa kỳ cùng trở thành thành viên của hiệp ước SEATO. Cả hai hiệp ước nói trên đều cùng có một mục đích là chận đứng làn sóng cộng sản tràn xuống vùng Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Thủ tướng của Úc trong giai đoạn khởi đầu của cuộc chiến tranh Việt Nam là Robert Menzie thuộc đảng Tự Do. Ông là một nhân vật chống cộng nổi tiếng và vì thế không có gì ngạc nhiên khi Úc đã bắt đầu tham dự cuộc chiến Việt Nam từ những năm 1962, bắt đầu với những toán huấn luyện quân sự dành cho quân đội VNCH.
Ngày 29/4/1965 thủ tướng Menzie tuyên bố trước quốc hội rằng Úc sẽ chính thức gửi quân tham chiến tại Việt Nam. Đảng Lao động Úc chống đối quyết liệt chính sách động viên và việc gửi quân tham chiến tại Việt Nam. Tuy vậy do cử tri Úc ủng hộ chính sách tham chiến, đảng Tự Do tái đắc cử năm 1966 với người đứng đầu chính phủ là thủ tướng Harold Holt. Tháng Năm 1966 binh sĩ Úc bị động viên đầu tiên hy sinh ở Việt Nam, và từ đó phong trào chống chiến tranh lan rộng. Chính sách chống việc tham chiến tại Việt Nam của Đảng Lao động dần dần được sự ủng hộ của nhiều tổ chức tôn giáo và đảng Cộng sản Úc. Trong suốt giai đoạn ở vị trí đối lập đảng Lao động Úc liên tục kêu gọi chấm dứt việc ném bom miền Bắc Việt Nam và thúc giúc đối thoại với Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Tuy vậy mãi cho đến năm 1972, đảng Lao động mới có cơ may trở lại cầm quyền sau hơn 2 thập niên ở thế đối lập.



Lao Động- Phản chiến
Ngay sau khi lên cầm quyền thủ tướng Lao động là Gough Whitlam tuyên bố hũy bỏ chính sách quân dịch, ra lệnh tìm cách thiết lập quan hệ toàn diện với nước Trung Hoa Cộng sản. Tháng Hai 1973, chính phủ Lao động Gough Whitlam tuyên bố công nhận nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Có thể nói rằng nước Úc dưới quyền của Gough Whitlam là một trong những nước trong khối tự do công nhận chế độ cộng sản Hà nội sớm nhất. Khi miền Nam rơi vào tay cộng sản vào ngày 30/4/1975, chính phủ Lao động quyết định bỏ rơi 130 người Việt Nam trước là nhân viên của tòa đại sứ và lãnh sự Úc tại Nam Việt Nam, dù trước đó đã hứa sẽ di tản những người này. Gough Whitlam cũng tuyên bố sẽ không chấp nhận người Việt tị nạn cộng sản đến Úc vì sợ làm mất lòng chính quyền Hà nội. Gough Whitlam đã nói một câu mãi mãi đi vào lịch sử: “I’m not having hundreds of fucking Vietnamese Balts coming into this country with their religious and political hatreds against us”. Tạm dịch là: “Tôi không nhận đám mấy trăm tay tị nạn Việt nam chết tiệt đó mang đầy hận thù tôn giáo và chính trị đến đất nước này chống lại mình”.
Trong khi đó đảng Tự Do ở vị trí đối lập đã mạnh mẽ lên án thái độ bội bạc của chính phủ Lao động đối với một cựu đồng minh là chính phủ VNCH. Tháng Năm 1975 Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc tuyên bố rằng tất cả những người Việt Nam chạy khỏi đất nước để tránh cộng sản là những người tị nạn thật sự và cần phải được tái định cư càng sớm càng tốt. Vào thời điểm này làn sóng người Việt chạy trốn cộng sản càng ngày càng tăng lên với những con số ngoài sức tưởng tượng của cộng đồng quốc tế. Trong vùng Châu Á Thái Bình Dương có đến gần 200,000 lều bạt được dựng lên để làm nơi cư trú cho số người tị nạn này. Chính phủ Hoa kỳ bắt đầu gia tăng áp lực yêu cầu các nước hợp tác với Hoa kỳ tái định cư số người tị nạn này. Đồng thời trong nước Úc nhiều hội đoàn, tổ chức tôn giáo và các sinh viên miền Nam du học tại Úc đã vận động liên tục yêu cầu chính phủ Lao động nhận người tị nạn Việt Nam. Cuối cùng nhượng bộ áp lực của quốc tế cũng như những vận động bên trong nước Úc, Gough Whitlam đồng ý tiếp nhận số lượng nhỏ người tị nạn Việt Nam, trong khi vẫn kiên quyết từ chối nhận những người tị nạn Lào và Cam Bốt đang sống trong các trại tị nạn Thái Lan. Đối với gia đình của những sinh viên miền Nam du học tại Úc, còn kẹt lại ở Việt Nam, Gough Whitlam chọn thái độ làm ngơ để bảo đảm rằng chính quyền Hà nội tin rằng nước Úc đã quên đi quá khứ chống Cộng của mình.
Bất thình lình, ngày 11/11/1975 chính phủ Lao động của Gough Whitlam bị tổng toàn quyền Sir John Kerr bãi nhiệm căn cứ theo Hiến Pháp liên bang. Ngày 13/12/1975 diễn ra cuộc bầu cử liên bang và chính phủ Tự Do lại một lần nữa đắc cử với tân thủ tướng là Malcolm Fraser. Sau khi lên nắm chính quyền ông Fraser cho tái thành lập Bộ di trú liên bang mà trước đó đã bị Gough Whitlam sát nhập chung với Bộ Lao động.
Tự Do bắt đầu nhận thuyền nhân
Ngày 21/1/1976 tổng trưởng di trú liên bang là Michael McKellar tuyên bố nhận 800 người tị nạn Việt Nam tại Thái lan do những người này có thân nhân đang sống tại Úc. Đồng thời ông McKellar cũng tuyên bố bãi bỏ quy định trước đó của chính phủ Lao động là những người tị nạn Việt Nam nếu muốn định cư tại Úc phải cam kết rằng sẽ không hoạt động chính trị tại Úc. Đây là trường hợp của ông Trần Văn Lắm, cựu ngoại trưởng chính phủ VNCH, cựu đại sứ VNCH tại Úc. Trước đó Gough Whitlam đã buộc ông Lắm không được hoạt động chính trị tại Úc nếu muốn Úc cho định cư. Ông Trần Văn Lắm qua đời ngày 6/2/2001 tại Canberra thọ 88 tuổi.
Ngày 28/4/1976 một chiếc thuyền nhỏ chở 4 người Việt Nam cặp bến Darwin. Lập tức 4 người này được cấp chiếu khán tạm thời 2 năm, không bị giam giữ ngày nào. Cuối năm 1976 thêm hai thuyền nữa đến Úc từ Việt Nam và những người Việt tị nạn này được đưa về Brisban để khám sức khỏe và được cấp chiếu khán tạm thời 2 năm, sau đó định cư luôn.
Làn sóng người tị nạn Việt Nam đến các nước như Mã Lai, Thái Lan, Nam dương tiếp tục tăng lên không giảm trong năm 1977. Đã có nhiều báo cáo rằng lính biên phòng các nước Châu Á nổ súng đe dọa không cho các thuyền tị nạn cập bến và nhiều thuyền tị nạn đã bị hải tặc Thái Lan hãm hiếp, cướp và giết chết. Các nước trong khối ASEAN cho rằng nước Úc là một cựu đồng minh của Nam Việt Nam nên phải đứng ra nhận thêm nhiều người tị nạn Việt Nam nữa. Tuy nhiên cho đến lúc này, những người tị nạn Việt Nam được định cư tại Úc cũng chỉ nằm trong diện có thân nhân đã sống tại Úc hoặc có những mối quan hệ khác với nước Úc. Thực sự ông McKellar chỉ nhận cầm chừng người tị nạn Việt Nam để Hoa Kỳ và Cananda không than phiền là nước Úc nhận quá ít so với hai nước này, đồng thời lắng nghe dư luận trong nước.
Trong hai tháng Sáu và Bảy năm 1977, thêm bốn thuyền tị nạn nữa cập bến Bắc Úc. Hai tháng cuối của năm 1977 hầu như ngày nào cũng có thuyền tị nạn đến Úc, nâng tổng số người Việt tị nạn đến thẳng Úc lên đến 857 người so với tổng số người đến theo diện có phỏng vấn từ một nước thứ ba là 2107 người. Tổng trưởng di trú đối lập lúc đó là thượng nghị sĩ Lao động Mulvihill kêu gọi phải kéo thuyền tị nạn đến Úc ra lại ngoài khơi. Ông này cho rằng vấn đề thuyền nhân Việt là người tị nạn thật sự cần phải xét lại, ông ta cũng nêu lên liệu thuyền nhân Việt Nam có mang vi trùng bệnh hoạn đến nước Úc.
Ngày 29/11/1977 thuyền buôn Sông Bé 12 cập bến Darwin mang theo 183 người Việt tị nạn trên tàu, trong số đó có ba tay công an biên phòng Việt nam bị dân tị nạn khống chế bắt đi theo luôn. Lúc đó ông Bob Hawke thủ tướng Lao động sau này, còn là lãnh tụ công đoàn đã cho rằng những thuyền nhân đó không phải là người tị nạn, cần phải bị trục xuất về Việt Nam. Bob Hawke nổi tiếng là một người rất ưu ái chính quyền cộng sản Hà nội. Năm 1989 Bob Hawke trở thành thủ tướng của chính phủ Lao động và ông vẫn tiếp tục bảo vệ quan điểm về thuyền nhân Việt Nam của mình. Điều mĩa mai là trong khi đó ông Bob Hawke lại ban tư cách thường trú cho hơn 40,000 sinh viên Trung Cộng du học tại Úc, sau sự kiện Thiên An Môn, không cần biết trong số hơn 40,000 người đó có ai là muốn coi mình là người tị nạn hay không.
Chỉ là đối phó mà thôi
Giải pháp của chính phủ Lao động Úc trong giai đoạn 1990 là các thuyền nhân đến thẳng Úc phải bị giam giữ chặt chẽ trong trại tị nạn ở Port Hedland, một vùng xa xôi hẻo lánh thuộc Tây Úc. Trong giai đoạn từ 1975 đến 1980 có không tới 2000 người tị nạn đến thẳng Úc và được định cư ngay lập tức. Tuy nhiên trong vòng 7 năm từ 1989 đến 1996, dưới quyền của chính phủ Lao động, cũng khoảng 2000 người nữa đến Úc. Số này không may bị giam giữ cẩn thận. Chi phí cho việc giam giữ này khiến chính phủ liên bang tốn 60 triệu đô la. Từ năm 1999 đến 2000, chi phí giam giữ thuyền nhân lên đến hơn 97 triệu đô la.
Qua dòng sự kiện nêu trên quý vị có thể nhận ra rằng ân nhân của người tị nạn Việt Nam là các chính phủ Tự do qua nhiều thời kỳ, chứ không phải là các chính phủ Lao động. Xuất phát từ quan điểm chống chiến tranh Việt Nam và phát triển quan hệ với chính quyền cộng sản Hà nội, các chính phủ Lao động khi bị bắt buộc chỉ nhận chiếu lệ những người tị nạn Việt Nam. Tuy nhiên liệu các chính phủ Tự do đã xuất phát từ chính sách nhân đạo mà ra tay nhận một số lớn thuyền nhân Việt Nam hay không?
Nhiều báo chí tài liệu cho rằng các chính phủ Tự do thực sự là những chính phủ có chính sách rất nhân đạo dành cho thuyền nhân Việt Nam. Trong thực tế trong hơn 2 năm sau ngày Sài gòn thất thủ, mỗi tháng ít nhất có 5600 người Việt nam vượt biên đi tìm tự do. Trong thời gian này tổng cộng Úc chỉ nhận chưa đến 4000 người tị nạn. Chính thủ tướng Fraser và tổng trưởng di trú McKellar đã tuyên bố rằng trong số thuyền nhân Việt nam có nhiều người không phải là người tị nạn thật sự và phải bị trục xuất về Việt nam. Việc này xảy ra trong giai đoạn tranh cử liên bang vào năm 1977.
Sau khi được tái đắc cử, ông Fraser tăng việc nhận người tị nạn qua hình thức thanh lọc với mục đích là giảm bớt làn sóng thuyền nhân mạo hiểm lái tàu đến thẳng nước Úc từ Việt nam. Chính sách này có hiệu quả. Tuy nhiên chính phủ của ông Fraser làm điều này củng là do có áp lực từ phía Hoa kỳ và các nước đang cho người tị nạn Việt Nam trú ngụ chứ không phải vì chính phủ của ông có một chính sách “cánh cửa mở rộng” đầy nhân đạo cho người tị nạn Việt Nam. Việc này kéo dài không lâu.
Cuối mùa tị nạn
Đầu những năm 1980, dư luận Úc và một số chính khách của đảng Tự do bắt đầu tỏ ra nghi ngờ tư cách tị nạn của các thuyền nhân Việt Nam. Có những ý kiến rằng thời điểm này không còn người tị nạn chạy trốn cộng sản nữa,mà chỉ có những người vượt biển đi tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn, hay nói một cách khác là đa số thuyền nhân vào thời điểm này là tị nạn kinh tế và vì thế không thể đòi nước Úc cho định cư theo Công ước Quốc tế về Người Tị nạn. Chính phủ của ông Fraser rõ ràng rất đỗi ngỡ ngàng trước vấn nạn định cư người Việt tị nạn tại Úc, nhất là sau khi ông tuyên bố từ bỏ chính sách “một nước Úc da trắng”. Có thể nói rằng chính sách nhận người tị nạn Việt Nam là một chính sách đối phó hơn là một chính sách cốt lõi của đảng Tự do đối với vấn đề di dân. Đối phó với áp lực từ Hoa kỳ và các nước khác ở Châu Á, và đối phó với dư luận cũng như áp lực của đảng Lao động đối lập. Việc đối phó này thể hiện qua việc chính phủ Fraser ban hành đạo luật kết án những người tổ chức những vụ vượt biển đến Úc trái phép, nhưng đạo luật này chỉ được áp dụng có hơn một năm. Theo tổng trưởng McKellar thì chẳng qua là để làm dịu dư luận.
Tuy nhiên có thể nói rằng việc chính phủ của ông Fraser nhận người tị nạn Việt Nam với số lượng lớn thể hiện quyết tâm của ông Fraser đối với việc vĩnh biệt chính sách “một nước Úc da trắng”. Ông Fraser đã kiên trì chính sách của ông mặc dầu dư luận trong nước Úc có đến 60% đòi phải hạn chế tiếp nhận người tị nạn và 30% đòi phải chấm dứt nhận người tị nạn ngay lập tức. Điều mà người ta không thể phủ nhận là ông Fraser có một lập trường trước sau như một về nghĩa vụ của nước Úc đối với cựu đồng minh VNCH. Ông từng nói rằng : “Nếu quý vị có một cái nhìn tích cực và thán phục sự can đảm của những người sẳn sàng thử thách số phận để mưu tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn cho chính họ và gia đình, thì theo tôi nghĩ lúc đó những khác biệt về chính kiến sẽ không còn căng thẳng nữa”.
Đến đây chắc quý vị đã có được câu trả lời là ăn quả nhớ...ai? Mặc dầu các chính phủ Tự do sau này như của cựu thủ tướng John Howard không có được một chính sách thu nhận người tị nạn tốt đẹp hơn sau sự kiện 9/11 và trong cuộc chiến ở Afghanistan nhưng rõ ràng bối cảnh chính trị của thế giới khác xa với bối cảnh miền Nam rơi vào tay cộng sản năm 1975. Nhìn lại thân phận của những người tị nạn đến từ các nước Trung đông, Afghanistan đang bị giam giữ trong các trại tị nạn trong và ngoài nước Úc, chắc ai trong chúng ta cũng hãi hùng nhớ lại quãng đời tị nạn và cám ơn nước Úc đã cho chúng ta một quê hương mới để yêu thương và trân trọng.
Ls Lê Đức Minh
Tài liệu tham khảo

Wikipedia-Military history of Australia during Vietnam War

History of Australian Prime Ministers

Rachel Stevens-No, the Fraser era was not a golden age for asylum seekers 2/2/2012



Mike Steketee-Malcolm Fraser the unsung hero of humane refugee policy-The Australian 2/2/2012

Marion Lê- The 2001 Alfred Deakin Lecture- Migrants, Refugee and Multiculturalism-The Curious Ambivalance of Australia’s Immigration Policy
Каталог: 2012
2012 -> Những câu nói tiếng Anh hay dùng hằng ngày
2012 -> I. NỘi dung quy hoạch cao đỘ NỀn và thoát nưỚc mặt bản đồ hiện trạng cao độ nền và thoát nước mặt
2012 -> BÀI 1: KỸ NĂng thuyết trình tổng quan về thuyết trình 1 Khái niệm và các mục tiêu
2012 -> Người yêu lạ lùng nhất
2012 -> Thi thử ĐẠi họC ĐỀ thi 11 MÔN: tiếng anh
2012 -> SÔÛ giao thoâng coâng chính tp. Hcm khu quaûn lyù giao thoâng ñOÂ thò soá 2
2012 -> Commerce department international trade
2012 -> Những câu châm ngôn hay bằng tiếng Anh
2012 -> BỘ giáo dục và ĐÀo tạO ĐỀ thi tuyển sinh đẠi họC 2012 Môn Thi: anh văN – Khối D
2012 -> Tuyển tập 95 câu hỏi trắc nghiệm hay và khó Hoá học 9 Câu 1

tải về 40.51 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương