NỤ CƯỜi trong cung lòng thiên chúa radio Veritas NỤ CƯỜi trong cung lòng thiên chúA 100 Câu Chuyện Vui Gợi Ý Suy Tư Và Cầu Nguyện



tải về 1.01 Mb.
trang1/3
Chuyển đổi dữ liệu10.05.2018
Kích1.01 Mb.
#37975
  1   2   3

NỤ CƯỜI TRONG CUNG LÒNG

THIÊN CHÚA
Radio Veritas

NỤ CƯỜI

TRONG CUNG LÒNG THIÊN CHÚA
(100 Câu Chuyện Vui Gợi Ý Suy Tư Và Cầu Nguyện

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)




Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng,

công trình Ngài xiết bao kỳ diệu! (TV 139, 14)

Prepared for Internet



by Vietnamese Missionaries in Asia

MỤC LỤC

1. Nụ Cười Trong Cung Lòng Thiên Chúa

2. Thích Xem Dấu Lạ

3. Phát Minh Hay Nhất

4. Nỗi Thao Thức Của Một Tập Sinh

5. Buổi Trình Diễn Không Ðạt

6. Lời Cầu Hòa Bình

7. Tại Sao Cười

8. Vị Quốc Vương Liêm Chính

9. Môi-Sê Thụ Giáo

10. Cuộc Thử Thách Cam Go

11. Tự Mình Tạo Ra Phép Lạ

12. Tiến Bộ Ðích Thực

13. Pho Tượng Ðá

14. Chứng Từ Của Lòng Sám Hối

15. Cử Chỉ Ðẹp

16. Vị Ẩn Tu Gây Nhiều Gương Xấu

17. Ðược Trọng Thưởng

18. Món Nợ 40 Năm Phục Dịch

19. Chôn Người Sống

20. Biết Mình Ðược Yêu Thương

21. Bà Là Ai

22. Ba Ðiều Phải Chọn

23. Giỏ Trứng Gà

24. Ngồi Trên Ghế Ðức Vua

25. Người Vợ Phi Thường

26. Cách Chữa Cháy Kỳ Diệu

27. Cánh Hoa Hy Vọng

28. Vị Giáo Trưởng Và Người Thợ

29. Người Con Thông Minh Nhất

30. Dạy Ẩn Sĩ Ðọc Kinh

31. Muốn Gặp Chúa

32. Cây Ðàn Và Cối Xay Bột

33. Bầu Trời Nhỏ Bé

34. Ðức Thích Ca Và Tên Cướp

35. Chúa Giêsu, Một Tên Vô Thần

36. Món Trà Tuyệt Thơm Ngon

37. Ông Bố Phi Thương

38. Vị Thiên Thần Dễ Tính

39. Tình Yêu Ðã Gục Chết

40. Chỉ Có Mười Xu

41. Thấy Cha Mình Trong Gương

42. Vị Khổ Tu Thành Nhà Phú Hộ

43. Sợ Ma

44. Bầu Trời Và Thập Giá

45. Nữ Tu Lai-Xơ

46. Con Người, Vấn Ðề Của Niềm Tin

47. Chúa Không Có Tay

48. Ði Tìm Người Lý Tưởng

49. Chúa Muốn Làm Gì Thì Làm

50. Thùng Qùa Không Người Gửi

51. Con Chim Khôn Hiếm Có

52. Còn Muốn Sống

53. Cuộc Ðời Chứng Nhân

54. Hai Trái Tim Vàng

55. Một Giấc Mơ

56. Sống Cho Một Lời Thề

57. Hạnh Phúc Trong Tầm Tay

58. Linh Mục Giả

59. Làm Bể Ðèn

60. Vết Chân Sư Tử

61. Người Hành Khất Lạ Thường

62. Cô Gái Bên Ðường

63. Muốn Cãi Nhau

64. Tên Sát Nhân Trung Thành

65. Hai Người Lữ Hành

66. Dám Chết Cho Nhau

67. Tắm Rửa Cho Chúa Kitô

68. Người Thợ Giầy Thánh Thiện

69. Một Vở Bi Hài Kịch

70. Cầu Nguyện Với Bức Tường

71. Con Chim Chỉ Là Con Chim

72. Người Thợ Ðục Ðá

73. Viên Ngọc Quí

74. Suy Bụng Ta Ra Bụng Người

75. Cái Gối Rơm Của Người Tu Sĩ

76. Một Khám Phá Bất Ngờ

77. Gương Mặt Ðấng Cứu Thế

78. Biểu Diễn Trồng Táo

79. Cười Với Bất Cứ Ai

80. Viên Ðá Nóng Bên Bờ Biển

81. Ngồi Trên Ðống Vàng

82. Ðôi Cánh Phượng Hoàng

83. Chơi Trò Chơi Nào

84. Cầu Nguyện Trong Tiếng Ếch

85. Nhìn Thấy Chúa

86. Cô Gái Phi Thường

87. Giá Trị Cuộc Ðời

88. Lòng Tham Không Ðáy

89. Xua Ðuổi Bóng Tối

90. Con Phải Trả

91. Thắp Ðèn Cho Ai

92. Dám Chết Cho Ðức Kitô

93. Cầu Nguyện Dễ Lắm Sao

94. Vị Thiền Sư Nổi Tiếng

95. Làm Ðược Gì Cho Chúa Giêsu

96. Lạc Quan Vui Sống

97. Thiên Phóng Sự Ly Kỳ

98. Ðôi Nạng Của Ông Tù Trưởng

99. Pho Tượng Của Người Lạ Mặt

100. Ði Tìm Chén Thánh

CÂU CHUYỆN 01

Nụ Cười Trong Cung Lòng

Thiên Chúa
Theo lời yêu cầu của các đệ tử, một vị linh sư Ấn Ðộ đã kể lại kinh nghiệm về các giai đoạn đời tu của ông như sau:
- Giai đoạn đầu tiên của ta là được Thiên Chúa cầm tay dẫn đến xứ sở của hoạt động. Ta đã ở lại đây nhiều năm.
Tiếp đó Ngài đã trở lại và đưa ta đến xứ sở của niềm đau. Tại đây trái tim của ta đã được thanh tẩy khỏi mọi dính bén với của cải trần thế.
Sau đấy Ngài dẫn ta đến miền đất của cô đơn. Ở đấy mọi ti tiện nhỏ bé của bản thân ta đều bị thiêu hủy hết, và ta đã có thể đi vào xứ sở của thinh lặng. Trước mắt ta, mầu nhiệm của sự sống và của sự chết đều được tỏ bày.
Nghe thế các môn đệ bèn hỏi:
- Phải chăng thầy đã đạt tới giai đoạn cuối cùng trong cuộc tìm kiếm của thầy?
Vị linh sư bình thản trả lời:
- Chưa đâu. Một ngày nọ Thiên Chúa đã nói với ta như sau:
"Lần này Ta đưa con vào thăm cung của đền thánh để con được đi vào cung lòng của Ta".
Thế là ta đã đến xứ sở của nụ cười.

Người Tây Phương thường nói: "Một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn".


Niềm hoan lạc, sự vui tươi phải chăng không là nét cốt yếu trên khuôn mặt vị thánh?
Kinh Thánh đã nói: "Thiên Chúa là Đấng làm hoan lạc tuổi xuân con". Thiên Chúa làm cho con những hoan lạc bởi vì Ngài chính là niềm vui. Ði vào cung lòng Thiên Chúa là tìm được nụ cười muôn thủa của niềm hân hoan đó.
Nụ cười không chỉ là biểu hiệu của niềm vui. Nó còn là một thách thức trong một hoàn cảnh bi đát. Ðó là nụ cười của bà Sara, bật lên giữa cảnh già nua son sẻ. Thực tế, khi Thiên Chúa cho bà biết sẽ thụ thai mặc dầu đã già lão, thì bà Sara đã bật cười.
Thiên Chúa thường khơi dậy những nụ cười như thế. Tư tưởng của Ngài, hành động của Ngài đều là những nghịch lý đối với con người.
Là lời của Thiên Chúa, là sự khôn ngoan của Thiên Chúa, Chúa Giêsu cũng là sự nghịch lý nhập thể. Cả cuộc sống, lời rao giảng, nhất là cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu là một chuỗi những nghịch lý trước con mắt của người đời.
Người đời chạy theo tiền của, danh vọng quyền bính, thì Chúa Giêsu lại tuyên bố: "Phúc cho những ai nghèo khó".
Người đời thích gây bạo động và hận thù, Chúa Giêsu lại dậy: "Phúc cho những ai hiền lành và xây dựng hòa bình".
Người đời cho rằng cái chết là một bất hạnh tột cùng, là tận điểm của cuộc sống, là kết liễu của tất cả. Chúa Giêsu lại dậy: đó là khởi đầu của hạnh phúc, là cửa ngõ đưa tới sự sống lâu dài.
Thánh Phaolô đã diễn tả cái nghịch lý cao vời ấy của Thiên Chúa bằng lời khẳng định sau đây:
"Ðiều mà thế gian cho là yếu hèn, thì đó lại chính là sức mạnh của Thiên Chúa... Những gì người đời cho là điên dại, thì đó chính là lẽ khôn ngoan của Thiên Chúa".
Ðấy cũng phải là xác tín của chúng ta. Với niềm xác tín ấy chúng ta sẽ vượt qua được con đường đầy nghịch lý giữa cuộc sống trần gian này để đạt tới cung lòng của Thiên Chúa, ở đó chúng ta sẽ gặp được nụ cười muôn thủa diễn tả niềm hạnh phúc vô biên của Ngài dành sẵn cho chúng ta.

--------------------------------



CÂU CHUYỆN 02

Thích Xem Dấu Lạ

Như Thánh Phaolô xác nhận trong thư gửi tín hữu Côrintô đoạn 1 câu 22, dân Do thái xưa kia thích đòi xem dấu lạ. Ðây là một đặc tính của dân tộc này. Họ luôn thách thức những ai tự xưng là bậc thầy, nhất là những ai tự xưng là sứ giả của Thiên Chúa làm những dấu lạ để minh chứng cho sứ điệp mình rao giảng.


Trích các sách về những câu chuyện của các thầy Rabi, ông Ê-đơ-xên đã ghi lại một số giai thoại có vẻ hoang đường về những dấu lạ các thầy Rabi đã thực hiện. Một trong những giai thoại đó mang nội dung như sau:
Ðược các môn đệ hỏi về thời gian đấng Mes-si-a sẽ đến, một thầy Rabi trở lời:
- Tôi ngại là các bạn sẽ đòi tôi làm một dấu lạ để minh chứng lời tôi nói.
Khi các môn đệ hứa sẽ không xin thầy làm dấu lạ, thầy Rabi trả lời:
- Cửa thành Rôma sẽ bị sụp đổ, sẽ được tái thiết, và vẫn tiếp tục bị đổ vỡ rồi được trùng tu cho đến khi nào cửa thành này không được xây dựng lại nữa, lúc đó con vua Ðavít sẽ đến.
Nhưng sau câu trả lời này, quên lời đã hứa, các môn đệ nhất quyết ép buộc thày Rabi phải làm một dấu lạ để làm chứng về lời mình vừa tuyên bố.

Và dấu lạ được làm cho họ là nước chảy ra từ một hang núi ở vùng Ba-ni-as đã biến thành dòng máu đỏ.

*

* *


Trong thời kỳ Ðức Giêsu rao giảng Tin Mừng về Nước Thiên Chúa, Ngài cũng không thoát khỏi thông lệ bị người Do thái thách thức làm dấu lạ để minh chứng những lời Ngài rao giảng và nhất là làm chứng về con người của Ngài.
Khi đòi xem những dấu lạ, dân Do Thái xưa kia muốn nối kết những dấu lạ này với niềm tin tôn giáo. Nhưng cũng trên bình diện tôn giáo và niềm tin này, sở thích đòi xem dấu lạ của họ xây dựng trên một cơ sở hoàn toàn sai lầm. Vì họ quan niệm và chỉ muốn thấy sự hiện diện của Thiên Chúa và các công việc của Ngài xuất hiện trong những hoàn cảnh xa lạ, bất thường. Họ quên rằng Thiên Chúa đang ở bên cạnh chúng ta, và Ngài không ngừng tỏ mình ra trong những biến cố thông thường của cuộc sống hằng ngày. Nhất là sau khi Thiên Chúa sai Con Một nhập thể để sống cuộc sống nhân loại trong lòng xã hội loài người.
Kể từ khi Con Thiên Chúa nhập thể và giáng thế, chính Ðức Giêsu là dấu lạ của Thiên Chúa. Những dấu lạ khác Ngài làm chỉ có mục đích duy nhất là minh chứng về sự thật này: Ðức Giêsu là dấu lạ của Thiên Chúa. Hay nói rõ hơn: Ðức Giêsu là dấu lạ của tình yêu Thiên Chúa đối với con người, một tình yêu thôi thúc Ðức Giêsu kết liễu cuộc đời mình trên đồi Canvê, chết treo trên thập giá để mãi mãi thập giá Chúa Giêsu sẽ là dấu nhắc nhở và minh chứng độ dài và chiều sâu của mối tình Thiên Chúa yêu thương chúng ta.

-------------------------------



CÂU CHUYỆN 03

Phát Minh Hay Nhất
Nhân lúc rảnh rỗi công việc đồng áng, ba nông dân cùng vừa uống trà vừa bàn chuyện với nhau. Một người trong nhóm bỗng hỏi:
- Này các anh, theo ý các anh thì hiện nay phát minh nào hay nhất thế giới?

Không chút do dự, anh nông dân lớn tuổi nhất trả lời:


- Theo ý tôi, thì phát minh hay nhất thế giới là phát minh ra máy in cách đây nhiều trăm năm. Vì nhờ máy in mà con người khắp nơi trên mặt đất này có sách báo để đọc. Nhờ máy in mà trí thức con người từ thế hệ này có thể truyền thông qua thế hệ khác.
Anh nông dân này chưa hết lời khen ngợi những công tác bổ ích của chiếc máy in thì người thứ hai vội ngắt lời:
- Nhưng theo ý tôi thì phát minh hay nhất thế giới là phát minh ra điện lực. Vì nhờ điện lực mà con người có ánh sáng soi ban đêm. Có thể sử dụng điện lực để chạy các thứ máy, phát triển kỹ nghệ. Tất cả mọi máy móc kỹ thuật đều cần điện để hoạt động. Nếu không có điện thì mọi sự sẽ như chết tại chỗ.
Nhưng người thứ ba, kẻ đã có sáng kiến đặt ra câu hỏi, liền góp ý:
- Ðành rằng điện là nguồn năng lượng cần thiết cho tất cả mọi người, mọi máy thứ máy móc. Nhưng theo tôi nghĩ thì đó không phải là phát minh hay nhất. Phát minh hay nhất đối với tôi là cái bình thủy. Ðể đồ ăn nóng vào thì nó biết giữ lấy sức nóng. Mà hễ bỏ đồ lạnh vào thì nó cũng biết giữ lạnh hoài. Ðó không phải là phát minh hay nhất sao?

*

* *



Mỗi người chúng ta có thể tham dự vào cuộc trao đổi với ba nông dân trên. Mỗi người chúng ta có thể biện hộ cho một thứ phát minh nào đó hay nhất thế giới theo quan điểm của mình. Và cuộc bàn cãi có thể kéo dài vô tận.
Chúng ta cũng có thể dừng lại suy nghĩ thêm và cho rằng phát minh hay nhất thế giới và có thể nói được là cổ nhất thế giới chính là phát minh ra con người, chính là sự tạo dựng con người giống hình ảnh Thiên Chúa để con người được hiệp thông với Thiên Chúa, chia sẻ đời sống vĩnh cửu với Ngài.
Ðầu óc thông minh của con người đã phát minh ra tất cả mọi thứ máy móc, mọi kỹ thuật đang sử dụng, và sẽ còn phát minh ra nhiều kỹ thuật tối tân hơn nữa trong tương lai. Vậy thì việc tạo dựng con người không phải là một phát minh hay ho nhất sao? Và Ðấng Tạo Hóa, đấng đã ban cho con người một bộ óc thông minh như vậy, một bộ óc không ngừng sáng tạo ra những điều tốt đẹp để phục vụ đời sống con người, đấng đó lại không đáng chúng ta kính phục, tôn thờ sao?
Có bao giờ chúng ta dâng lời cảm tạ Ngài vì đã tạo dựng sự sống, vì đã tạo dựng con người, vì đã ban cho chúng ta được sống trên trần gian này không?
Hết lòng thán phục, biết ơn và yêu mến, chúng ta hãy cùng tác giả "Thánh Vịnh 138" thân thưa Ngài:
"Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng,
Công trình Ngài kỳ diệu xiết bao!"
(TV 138)
-------------------------

CÂU CHUYỆN 04

Nỗi Thao Thức Của Một Tập Sinh
Ngày kia, một tập sinh đến hỏi Ðức Viện Phụ cao niên của đan viện:
- Thưa cha, xin cha giúp con vài lời khuyên để con thực sự trở thành người của Chúa.
Vị Viện Phụ già trả lời:
- Con hãy vào phòng, đóng kín cửa lại và cầu nguyện. Lời cầu nguyện sẽ dạy con mọi sự.
Thầy tập sinh lại hỏi:
- Thưa cha, đâu là điều kiện chính giúp cầu nguyện đích thực?
- Ô, dĩ nhiên, đó là bầu khí yêu thương. Ai cầu nguyện với tội lỗi và tâm tình thù hận trong lòng thì cũng giống như một người dọn thức ăn thịnh soạn trên một cái dĩa bẩn hay như một người nói hay nhưng hơi thở hôi thối.
Thầy tập sinh lại hỏi tiếp:
- Thưa cha, con rất hay chia trí khi cầu nguyện. Làm sao để khỏi chia trí đây?
Ðức Viện Phụ đáp:
- Các chia trí cũng giống như chim sẻ bay ngang trên trời. Con không thể ngăn cản chúng bay qua mái nhà con ở. Nhưng con có thể ngăn cản không cho nó làm tổ trên mái nhà của con chứ? Riêng đối với những tư tưởng xấu xa thì chúng giống như bọn ong bầu. Nếu con ngồi yên, chúng sẽ bay đi nơi khác. Nhưng nếu con càng động đậy, chúng sẽ càng bổ nhào đến hành hạ con.
Thầy tập sinh lại hỏi thêm:
- Tại sao khi cầu nguyện con lại hay bị chán nản ngã lòng, thưa cha?
- Bởi vì con chưa thấy đích điểm đời mình là gương mặt tuyệt vời của Thiên Chúa.
- Thưa cha, cho con hỏi câu cuối cùng: Lời cầu nguyện có quan trọng thật không? Nó có quan trọng hơn hành động không?
- Quan trọng lắm chứ. Bằng chứng là ma quỉ hằng tìm mọi cách để quấy phá và khiến cho lời cầu nguyện trở nên nặng nề. Nó tìm mọi phương thế khiến cho chúng ta ươn lười không muốn cầu nguyện và làm cho chúng ta tin rằng cầu nguyện là vô ích.

*

* *



Ðược Thiên Chúa phái đến trong sứ vụ cứu thế cải tạo con người và đổi mới trần gian, Chúa Giêsu đã sống như con người của lời cầu nguyện. Ðối với Chúa Giêsu, cầu nguyện là cách thế sống mối liên hệ yêu thương thân tình với Thiên Chúa trong sứ mệnh cứu độ trần gian của Ngài. Gương mẫu của Chúa Giêsu khẳng định với chúng ta rằng: cầu nguyện là điều quan trọng bậc nhất cho sứ mệnh làm người. Muốn cách mạng cuộc đời, muốn thay đổi thế giới, hãy cầu nguyện, và hãy trở thành những con người biết cầu nguyện.
Ơn gọi của Kitô hữu là ơn gọi trở thành cây thu lôi. Khi sống trung thực ơn gọi làm người và làm con cái Chúa của mình bằng một đời sống kết hợp thân tình với Chúa, một đời sống cầu nguyện chân thành, chúng ta sẽ kéo ơn lành của Chúa xuống trên mọi người khác, và tránh cho thế giới khỏi những tai ương do chính cuộc sống tội lỗi gian ác của con người gây ra.
------------------------------------

CÂU CHUYỆN 05

Buổi Trình Diễn Không Ðạt
Một nghệ sĩ trẻ tuổi đang trình diễn đàn dương cầm trước cử tọa ngồi chật cả thính phòng. Tất cả đều im lặng như nín thở để theo dõi từng nốt nhạc.
Theo lời quảng cáo, thì đây là lần trình diễn đầu tiên để giới thiệu một tài năng mới. Những ngón tay đẹp của nghệ sĩ không ngừng di động trên các phím đàn, hòa điệu với những âm thanh trầm bổng của dòng nhạc.
Bản đàn vừa chấm dứt, tất cả mọi người đứng dậy vỗ tay hoan hô nồng nhiệt. Và nhiều giọng nói yêu cầu của cử tọa xin trình diễn tiếp thêm nữa. Phải, tất cả mọi người đều đứng dậy bày tỏ lòng hâm mộ. Nhưng chỉ trừ có một cụ già ngồi ở hàng ghế đầu có thái độ khác. Cụ không đứng dậy vỗ tay tán thưởng, mà vẻ mặt lại để lộ chút không vui.
Trong khi đó trên sân khấu chàng nghệ sĩ trẻ tuổi rời dương cầm, bước ra ngoài tấm màn lớn đang từ từ kéo lại, cúi sâu chào khán thính giả, rồi vội vàng ẩn mình vào trong.
Chàng đến nhanh bên ông giám đốc tổ chức cuộc trình diễn, nói nhỏ:
- Không, tôi trình diễn chẳng hay gì cả, nhưng tệ lắm.

Ông giám đốc trả lời:


- Anh lầm rồi, mọi người vỗ tay hoan hô anh lâu như thế, mà anh bảo trình diễn dở nghĩa là làm sao?
Chàng nghệ sĩ trẻ nói tiếp:
- Không, tôi trình diễn không đạt. Ông có biết cụ già ngồi ngay hàng ghế đầu đấy không? Cụ là thầy dậy của tôi đó. Cụ không đứng dậy hoan hô, mà vẻ mặt còn có chút buồn nữa. Ðó là dấu hiệu cho tôi biết chắc chắn là tôi chưa trình diễn hay đủ.

*

* *



Có thể so sánh cuộc đời mỗi người chúng ta với cuộc trình diễn của chàng nghệ sĩ này.
Thiên Chúa đã trao cho mỗi người chúng ta những tài năng khác nhau, và đã ban cho nhiều ơn, nhiều phương thế để huấn luyện ta sử dụng những tài năng ấy cho tốt đẹp, làm trổ sinh những hoa trái bổ ích. Cách này hay cách khác, mỗi người chúng ta đã sử dụng những tài năng đó phục vụ anh chị em chung quanh. Có thể anh chị em lên tiếng khen tặng ta, kính phục ta, hoan hô ta, như những khán thính giả từ ngoài nhìn vào.

Nhưng, như chàng nghệ sĩ kia chỉ nhìn vào thái độ của thầy mình để xem mình đã trình diễn đạt hay chưa, thì mỗi người người chúng ta cũng vậy, chúng ta cần nhìn lên Chúa để xem mình đã sống cuộc sống của mình một cách thành đạt chưa.


Chỉ có phán xét của Thiên Chúa là công bằng, không thiên tư. Ngài là vị Thiên Chúa ẩn khuất, nhưng Ngài thấu suốt mọi sự, mọi hành động của chúng ta. Chỉ mình Ngài mới đánh giá đúng từ bên trong. Chúng ta cần qui chiếu về Ngài, về những lời dậy của Ngài được ghi trong sách Phúc Âm, để có thể biết mình đã sử dụng những tài năng Chúa ban cách tốt đẹp nhất chưa.
Ước chi mỗi ngày, mỗi giây phút trong cuộc sống, chúng ta đặt mình trước nhan Ngài sống trong sự hiện diện của Ngài và dâng mọi hành động lớn nhỏ cho Ngài.
Mỗi người chúng ta hãy nhớ rằng, vào phút cuối đời, khi chúng ta xuất hiện trước nhan Ngài cách vĩnh viễn, thì lúc đó, như trong Phúc Âm Ngài đã kể, Ngài sẽ phán xét các hành động của ta theo mẫu mực lối sống yêu thương.
"Những gì chúng con làm cho một trong các anh em bé nhỏ của Ta đây, là chúng con đã làm cho chính Ta".

----------------------------



CÂU CHUYỆN 06

Lời Cầu Hòa Bình
Chuyện xảy ra tại Ben-phát bên Ai-lên như sau:

Một linh mục công giáo, một mục sư tin lành, và một giáo trưởng Do thái, đang tranh luận rất sôi nổi về vấn đề thần học. Thình lình một Thiên Thần hiện ra giữa họ và nói:


- Thiên Chúa chúc lành cho các ngươi. Các ngươi hãy nói lên một ước nguyện về hòa bình và Thiên Chúa toàn năng sẽ chấp nhận.
Thế là vị mục sư tin lành liền khẩn cầu.
- Xin Chúa cho tất cả mọi người công giáo biến khỏi mãnh đất Ai-lên thân yêu này thì hòa bình sẽ trở lại tức khắc.
Vị linh mục công giáo thì cầu nguyện:
- Xin đừng để cho một người tin lành nào còn có mặt trên mãnh đất Ai-lên thân yêu này, và hòa bình sẽ trở lại.
Vị giáo trưởng Do thái thì lại cúi đầu thinh lặng. Thấy thế Thiên Thần liền hỏi:
- Còn ngươi, hỡi giáo trưởng, ngươi không có ước nguyện nào ư?
Ông ta liền thưa:
- Vâng, tôi không có điều gì để xin nữa. Tôi chờ cho lời cầu của hai vị này được Chúa chấp nhận là tôi mãn nguyện rồi.

*

* *



Câu chuyện trên đây muốn nói lên một trong những thảm trạng đau thương của lịch sử nhân loại. Ðó là sự xâu xé do sự bất khoan dung tôn giáo gây nên.
Cuộc chiến đẫm máu giữa tin lành và công giáo tại Âu Châu vào thế kỷ 16, cuộc huynh đệ tương tàn giữa tin lành và công giáo tại Ai-lên hiện nay, cuộc nội chiến tại Nam Tư... cho thấy con người chém giết nhau chỉ vì niềm tin tôn giáo.
Ma-hat-ma Gan-đi, người đã giải phóng Ấn Ðộ khỏi ách nô lệ của người Anh bằng cuộc tranh đấu bất bạo động, đã bị một thanh niên Ấn Giáo hạ sát, chỉ vì anh ta không thể chấp nhận được sự kiện Gan-đi lại yêu thương và tha thứ cho người Hồi Giáo.
Con người luôn bị cám dỗ nhân danh niềm tin, nhân danh Thượng Ðế của mình để bách hại và loại trừ người khác.
Thời Chúa Giêsu, những người biệt phái cũng có thái độ tương tự. Nhân danh lề luật, nhân danh Thiên Chúa, họ đã kết án và loại trừ mọi người, nhất là những kẻ bé mọn, những người tội lỗi, những người dân ngoại.
Loan báo tình yêu Thiên Chúa cho mọi người, Chúa Giêsu đã không loại trừ một hạng người nào. Ðược sai đến trước tiên cho người Do thái, Chúa Giêsu cũng đi đến với cả nhân loại. Chúa Giêsu chính là hiện thân lòng khoan dung của Thiên Chúa, một Thiên Chúa là Cha yêu thương tất cả mọi người, và muốn qui tụ mọi người vào trong gia đình của Ngài.
Là con cái của Cha yêu thương và khoan dung, nguyên tắc sống của chúng ta cũng phải là yêu thương và khoan dung. Sống trong một xã hội đa diện, chúng ta được mời gọi tôn trọng và đón nhận những khác biệt của tha nhân. Nhất là không ngừng tha thứ cho những lầm lỗi của người anh em.
Sống như thế, chúng ta mới thực sự là chứng nhân của tình yêu, của một Thiên Chúa luôn luôn khoan dung và tha thứ cho mọi người.

---------------------------------------



CÂU CHUYỆN 07

Tại Sao Lại Cười

Vis-nu là một trong những vị thần rất được người theo Ấn Giáo thờ kính. Những người có một niềm tin sâu sắc đều nhận ra thần Vis-nu trong tất cả mọi sự.


Một tín đồ nọ sống rất siêu thoát. Nhưng ông lại bị những người khác coi như là một người khờ dại.
Ngày kia, sau khi đã khất thực trong một ngôi làng, người tín đồ thánh thiện này ra trước cổng làng và ngồi bên vệ đường để ăn những của thiên hạ bố thí.
Ðang lúc ông dùng bữa thì một con chó đói từ đâu chạy tới. Người tín đồ bèn dành phần lương thực của mình cho con chó. Không mấy chốc người và vật trở nên đôi bạn thân.
Thấy cảnh kỳ lạ, dân chúng trong làng đổ xô đến xem. Nhưng một người trong đám đông lên tiếng:
- Có gì lạ khiến chúng ta phải mất giờ đến xem. Người này chỉ là một tên khờ khạo. Bởi vì hắn không phân biệt được người với thú vật.
Nghe thế, nhiều kẻ phá lên cười chế diễu, còn người thánh thiện điềm tĩnh trả lời:
- Tại sao các ngươi lại cười? Các ngươi không thấy rằng Vis-nu đang ngồi bên cạnh Vis-nu sao? Các ngươi không thấy rằng Vis-nu đang cho ăn và Vis-nu đang được cho ăn sao? Tại sao các ngươi lại cười, hỡi các Vis-nu?

*

* *



Câu chuyện trên đây có thể là một bài học về đức tin. Thiên Chúa đến với con người trong những cái tầm thường và bất ngờ nhất của cuộc sống. Ðể nhận ra Chúa, con người cần phải vượt qua cái nhìn hẹp hòi, gò bó trong những ý niệm quen thuộc của mình.
Những người đồng hương Nazarét có lẽ đã nghe đồn thổi về tiếng tăm của Chúa Giêsu và họ lại càng ngạc nhiên hơn nữa khi nghe Ngài phát biểu trong hội đường của họ nhân một lần Ngài trở về thăm quê. Sự khôn ngoan của Ngài mà họ đã chứng kiến tận mắt, những phép lạ mà Ngài đã thực hiện tại một vài nơi, những thành tích này làm dấy lên trong đầu họ một câu hỏi: “Phải chăng Ngài không phải là đấng cứu tinh mà Thiên Chúa hứa gửi đến cho dân tộc?”
Và người ta bắt đầu tra cứu với một phương pháp rất khoa học. Họ dở Kinh Thánh ra và thấy nói rằng Ðấng cứu tinh xuất thân từ một nơi khác chứ không phải là người làng nghèo nàn tăm tối như Nazarét. Họ điều tra về nguồn gốc của Chúa Giêsu và thấy rằng cha mẹ Ngài, anh em, dòng họ, bà con của Ngài đều là những người nghèo hèn mà họ biết rõ ngọn nguồn.
Với cách suy nghĩ và lý luận rất khoa học ấy, những người đồng hương của Chúa Giêsu đã khước từ Ngài. Nguồn gốc tăm tối của Ngài đã là một màn chắn khiến những người Nazarét không tin nhận Chúa Giêsu.

*

* *



Xin Chúa ban thêm đức tin để chúng ta không ngừng ra khỏi cái nhìn gò bó hẹp hòi của chúng ta, và không ngừng nhận ra Ngài vẫn tiếp tục hiện diện trong cuộc sống của chúng ta.
Xin Ngài ban thêm đức tin để chúng ta biết đón nhận Ngài trong những biến cố bất ngờ và nghịch thường nhất.
Xin Ngài ban thêm đức tin để chúng ta biết đón nhận Ngài trong mọi người anh em, nhất là nơi những kẻ thấp hèn, những kẻ bất hạnh và ngay cả nơi những kẻ thù ghét chúng ta.


CÂU CHUYỆN 08

Vị Quốc Vương Liêm Chính
Vào khoảng giữa thế kỷ thứ 19, các dân tộc thuộc vùng núi Cô-ca-dơ ở phía nam nước Nga được cai trị bởi một vị quốc vương hồi giáo nổi tiếng là thanh liêm chính trực. Ưu tiên hàng đầu trong việc chấn hưng đất nước của ông là quét sạch mọi tham những, hối lộ.
Ông ban hành một sắc lệnh, theo đó thì tất cả những ai bị bắt quả tang phạm tội tham nhũng và hối lộ sẽ bị phạt đánh 50 roi trước mặt công chúng.
Ðiều không may xảy ra cho ông, đó là, người đầu tiên bị bắt quả tang phạm tội này lại chính là mẹ ông. Sự kiện này làm cho ông đau đớn vô cùng. Không có một luật trừ hay châm chước nào cho sắc lệnh mà chính ông đã ban hành.
Liên tiếp ba ngày liền mà nhà vua giam mình trong lều của ông. Sang ngày thứ tư ông xuất hiện trước công chúng cùng với thân mẫu. Ông ra lệnh cho hai binh sĩ trói tay mẹ ông và bắt đầu xử lý theo qui luật.
Thế nhưng khi chiếc roi đầu tiên vừa quất xuống trên người mẹ ông thì nhà vua liền chạy đến bên cạnh bà. Ông mở trói cho bà. Rồi ra lệnh cho hai binh sĩ trói tay ông, lột áo ông ra và bắt đầu cuộc đánh roi. Ðúng 50 roi đã quất xuống trên thân mình nhà vua.
Với thân thể rướm máu và khuôn mặt nhợt nhạt, nhà vua quay về phía dân chúng và nói:
- Bây giờ thì các ngươi có thể ra về. Luật đã được thi hành. Máu của vua các ngươi đã chảy ra để đền bù cho tội ác này.
Kể từ đó, trong vưong quốc này, người ta không còn bao giờ nghe nói đến tội tham nhũng, hối lộ nữa.

*

* *



Hình ảnh của ông vua trên đây có thể giúp chúng ta hiểu được phần nào điều mà Giáo hội gọi là mầu nhiệm nhập thể cứu độ.
Chúa Giêsu Kitô chính là Thiên Chúa hóa thân làm người để cứu độ con người. Cũng như vị quốc vương Hồi giáo trên đây đã chịu đòn thay cho mẹ và diệt trừ tham nhũng, hối lộ khỏi đất nước. Thiên Chúa đã mang lấy thân phận con người, trải qua tất cả những cảnh huống của con người, kể cả cái chết nhục nhã trên thập giá để cứu độ con người.
Thiên Chúa là đấng cứu độ. Ðó là tước hiệu quen thuộc nhất mà Thiên Chúa đã bày tỏ cho dân Do thái. Biến cố quan trọng nhất qua đó người Do thái nhận ra Thiên Chúa là đấng cứu độ của mình chính là cuộc giải phóng cha ông họ khỏi ách nô lệ bên Ai cập. Biến cố ấy cũng được người Do thái xem như là một hình ảnh tiên báo một cuộc giải phóng chung cục mà Thiên Chúa sẽ thực hiện.
Qua tiếng nói của không biết bao nhiêu trung gian thường gọi là ngôn sứ, Thiên Chúa luôn hướng niềm hy vọng của người Do thái đến cuộc giải phóng chung cục ấy. Và Chúa Giêsu đã đến thực hiện cuộc giải phóng đó, cuộc giải phóng không chỉ dành riêng cho người Do thái, mà còn cho toàn thể nhân loại nữa.
Tên Giêsu của Ngài trong tiếng Do thái có nghĩa là Thiên Chúa cứu độ. Duy chỉ một mình Ngài, đấng vừa là Thiên Chúa vừa là con người mới có thể cứu độ con người.
-------o0o-------

CÂU CHUYỆN 09

Môi-sê Thụ Giáo
Có người đã kể về Môi-sê như sau:
Trước khi được sai đi lãnh đạo cuộc giải phóng dân Do thái khỏi ách nô lệ bên Ai cập, Môi-sê đã đến thụ giáo với một vị thầy nổi tiếng tại vùng núi Ma-đi-an.
Qui luật tối thượng mà vị này buộc Môi-sê phải giữ trong suốt thời gian thụ huấn là tuyệt đối giữ thinh lặng.
Ngày ngày thầy trò cùng ngao du sơn thủy. Ðứng trước núi non hùng vĩ và bao vẻ đẹp của thiên nhiên, Môi-sê cảm thấy không gì dễ và thích thú cho bằng được ở thinh lặng.
Thế nhưng, một hôm, khi hai thầy trò đang đi dọc theo bờ biển, Môi-sê bỗng thấy một bé trai đang chới với trong nước, và người mẹ kêu la cầu cứu inh ỏi. Môi-sê không thể giữ im lặng được trước một cảnh tượng như thế. Ông cất tiếng hỏi thầy:
- Thưa thầy, thầy không làm gì để cứu đứa bé sao?
Nhưng vị thầy làm dấu bảo thinh lặng rồi tiếp tục đi.
Môi-sê bước theo thầy mà lòng không yên chút nào. Ông cứ suy nghĩ tại sao thầy mình lại nhẫn tâm như thế? Ði được một đoạn Môi-sê bỗng dừng lại giơ tay chỉ ra biển và nói với thầy:
- Thầy nhìn kìa, cả một chiếc thuyền chở đầy người đang đắm kìa!

Lại một lần nữa Môi-sê được thầy ra lệnh giữ thinh lặng và tiếp tục đi, như thế họ không cần phải quan tâm đến những gì đang xảy ra trước mắt.


Tâm hồn nhạy cảm của Môi-sê càng bối rối thêm nữa. Ông đưa chuyện ấy thưa với Chúa và muốn biết tại sao thầy mình đã cư xử như vậy. Chúa đã biện minh cho cử chỉ của thầy như sau:
- Thầy của con hoàn toàn có lý. Ðứa bé chới với bên bờ biển chỉ là một dàn cảnh để khai mào một cuộc chiến tranh khốc liệt giữa hai dân tộc. Còn chiếc thuyền đang đắm ngoài khơi là thuyền của một bọn cướp đang chuẩn bị tấn công một ngôi làng ven biển.
Thầy của con đã có lý, để giữ con đứng bên ngoài những hành động tội ác ấy.

*

* *



Tư tưởng và hành động của Thiên Chúa thường không giống với tư tưởng và hành động của con người.
Thánh Kinh kể lại rằng Môi-sê đã được nuôi dưỡng trong triều đình Ai cập, nhưng ông vẫn luôn ý thức được nguồn gốc Do thái của mình.
Một hôm chứng kiến cảnh một người Ai cập hành hạ một người Do thái. Nhìn chung quanh không thấy có ai, Môi-sê đã ra tay giết chết người Ai cập rồi vùi xác người đó dưới cát. Ngày hôm sau thấy hai người Do thái đang xâu xé nhau, Môi-sê đến can thiệp. Nhưng một trong hai người đã đe dọa tố cáo ông về tội giết người Ai cập hôm trước. Bị bại lộ, Môi-sê đành rời bỏ cung điện và trốn lên núi.

Môi-sê đã tưởng mình hành động đúng. Ông không biết rằng Chúa đang có một chương trình, một kế hoạch đòi hỏi ông phải suy nghĩ, chờ đợi và kiên nhẫn hơn.


Sống đức tin là một hành trình đi vào kế hoạch của Thiên Chúa. Qui luật tối thượng của cuộc hành trình ấy chính là thinh lặng.
Thinh lặng trước những ồn ào, dành dật của cuộc sống. Thinh lặng trước những đam mê sôi sục và những tính toán đê hèn.
Thinh lặng để không ngừng lắng nghe tiếng Chúa trong từng giây phút, từng biến cố của cuộc sống.
--------------------------------------------

CÂU CHUYỆN 10

Cuộc Thử Thách Cam Go
Một bà đạo đức kia rất có lòng quí mến và tôn trọng các vị tu hành. Bà đã nhận chu cấp cho một đệ tử có chí nguyện từ bỏ cuộc sống trần gian để dấn thân theo con đường tu thân tầm đạo.
Suốt hai mươi năm trường, bà không ngừng chăm lo và khuyến khích vị tu sĩ trẻ gắng công tu trì, tĩnh niệm, chuyên cần tìm hiểu Phật pháp. Trong một khu vườn thanh tịnh âm u, xa khuất mọi tiếng ồn ào cõi thế, bà dựng một tịnh xá để ngày đêm vị tu sĩ chuyên tâm tu luyện.
Hai mươi năm trôi qua, một ngày nọ người đàn bà đạo đức ấy muốn biết công trình tu thân luyện đức của nhà sư đã đạt tới mức độ nào, bà liền ra một cuộc thử thách thật cam go.
Bà nhờ một thiếu nữ xinh đẹp giúp bà trong cuộc thử thách này. Ðúng nửa đêm khi nhà sư đang trầm ngâm trong tĩnh niệm, thiếu nữ liền đẩy cửa tịnh xá tiến vào trước mặt nhà sư và bày cách cám dỗ ông. Ðôi mắt nhìn xuống, nét mặt thanh thản, nhà sư vẫn bất động.
Nhưng sau một hồi lâu, như không thể cầm được nữa, nhà sư liền nắm cây chổi quất lia lịa vào người thiếu nữ và xua đuổi nàng ra khỏi tịnh xá.
Khi nghe nàng kể lại sự kiện, người đàn bà đạo đức buồn rầu hỏi nàng:
- Thế ra hắn không nói với con được một lời cảm thông ư? Hắn không tỏ dấu gì là một tâm hồn đã siêu thoát và tự chủ ư?
Rồi bà thất vọng thốt lên:
- Ôi, hai mươi năm trường tu luyện, thật vô ích! Hai mươi năm ân cần săn sóc và mong đợi của ta, thật uổng phí!

*

* *



Thánh Kinh thường dùng từ "thử thách" theo một nghĩa chủ động. Thử thách có nghĩa là tìm cách để xem thực chất của một người như thế nào, vượt qua cái dáng vẻ bề ngoài của họ. Theo nghĩa chủ động này, Thánh Kinh kể lại nhiều trường hợp Thiên Chúa thử thách con người, để xem lòng dạ thật của con người đối với Ngài ra sao. Ngài cũng thử thách con người để thanh tẩy và ban cho con người sự sống.
Trong Thánh Kinh có hai trường hợp nổi bật về thử thách của Thiên Chúa. Trường hợp thứ nhất là việc Thiên Chúa thử thách ông A-bra-ham, khi ra lệnh cho ông đem con một mình là Isa-ac lên đỉnh núi sát tế cho Ngài.
Trước khi thực hiện lời hứa, Ngài muốn con người tin tưởng phó thác nơi Ngài, muốn con người huấn luyện ý chí của họ tùng phục thánh ý Ngài.
Trường hợp thứ hai được kể lại trong sách ông Gióp. Thiên Chúa đã dùng đau khổ hoạn nạn tột cùng để thử lòng tin của ông.
Thiên Chúa cho phép những đau khổ, hoạn nạn xảy ra để thanh tẩy lòng tin cậy mến của con người đối với Ngài.
Trong sách Giu-đích chương 8 câu 25 và tiếp theo, bà Giu-đích đã khuyến khích những bậc kỳ mục trong dân Israel hãy cảm tạ Thiên Chúa vì Ngài đã thử thách họ như đã thử thách cha ông của họ. Bà nói lên một nguyên tắc căn bản cho đời sống thiêng liêng của những ai tin tưởng vào Giavê Thiên Chúa, đó là Thiên Chúa càng gần gũi ai thì Ngài càng thử thách người ấy. Thử thách là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa nơi con người.
------------------------------------

CÂU CHUYỆN 11

Tự Mình Tạo Ra Phép Lạ
Một trong những cuốn phim của Pháp có doanh thu cao trong thập niên 70 là phim "Người mang mặt nạ vàng". Phim được dàn dựng theo một câu chuyện có thật tại Mê-hi-cô xẩy ra cách đây vài năm.
Tại đây thường tổ chức những cuộc đấu võ rất ác liệt. Ðó là một loại võ tự do, nên các võ sĩ có thể phục sức tùy sở thích và có thể đeo mặt nạ trong khi đấu võ.
Một linh mục ở nước này tên là Ga-ê-ta-nô đang lãnh đạo một nhóm các bạn trẻ làm công tác xã hội chuyên lo giúp các trẻ em nghèo. Ðể có thêm tiền cho mục đích trên, cha Ga-ê-ta-nô liền nghĩ đến chuyện ghi danh tham dự các trận đấu.
Với một thân hình to lớn, thông thạo võ nghệ và đầy lòng dũng cảm, mỗi khi lên võ đài cha Ga-ê-ta-nô mang một mặt nạ màu vàng để che dấu tung tích của mình. Ngài thường đấu với những địch thủ hung hãn nhất. Tất cả tiền thưởng hoặc thù lao lãnh được, cha đều dành cho quĩ cứu trợ của trẻ em nghèo.
Từ đó chiếc mặt nạ vàng đã trở thành biểu tượng cho tấm lòng vàng của cha Ga-ê-ta-nô.
Giăng Rê-nô người đóng vai linh mục Ga-ê-ta-nô trong cuốn phim nói trên, đã phải đọc kinh thánh và tạo cho mình những tâm tư của một linh mục để có thể diễn xuất cách nhuần nhuyễn. Anh đã thố lộ:
"Việc đọc Kinh Thánh làm cho tôi gặp gỡ được Thiên Chúa, và nói với Ngài những điều mà trước đây tôi chưa từng nói với ai".
Lần kia cậu con trai của Rê-nô hỏi anh:
- Bố ơi, bố có thể tạo nên phép lạ không?
Anh trả lời:
- Phép lạ chính là những gì con phải tự mình tạo nên.

*

* *



Phép lạ chính là những gì con người tạo nên. Hay đúng hơn, phép lạ chính là những gì Thiên Chúa tạo nên nhờ sự cộng tác và đóng góp của con người.
Trên vạn nẻo đường của con người Thiên Chúa không ngừng tìm kiếm và gặp gỡ họ. Phép lạ diễn ra kể từ lúc con người mở rộng tâm hồn đón nhận Ngài. Chỉ cần một chút quảng đại và đóng góp của con người là đủ để Thiên Chúa thực hiện những phép lạ.
Năm chiếc bánh và hai con cá của một em bé biểu trưng của một lòng quảng đại cần thiết để Chúa Giêsu làm phép lạ nuôi sống hơn năm ngàn người.
Cho dù chỉ là một chút quảng đại, thì sự quảng đại đích thực nào cũng đòi nơi con người hy sinh., mất mát. Cho là cho trọn vẹn, dù mình chỉ có rất ít để cho.
Câu chuyện của vị linh mục võ sĩ trên đây như muốn nói với chúng ta rằng cho đích thực là không tính toán, không so đo, không sợ bị thương tích.
Linh mục Ga-ê-ta-nô đã thực hiện trọn vẹn ơn gọi linh mục của mình. Linh mục là người phải sống hoàn toàn cho người khác.
Trong Ðức Kitô, mọi tín hữu đều tham dự vào chức linh mục, nghĩa là được mời gọi để sống cho tha nhân. Lòng quảng đại và sự đóng góp của họ là những xúc tác cần thiết để Thiên Chúa tiếp tục thực hiện các phép lạ.
-----------------------------------------------------


Каталог: wp-content -> uploads -> downloads -> 2011
2011 -> CÔng đỒng vatican II qua bốn thập niêN
2011 -> TÒa giám mục xã ĐOÀi chỉ nam giáo phận vinh lưỢC ĐỒ TỔng quáT
2011 -> 1. phép lạ thánh thể ĐẦu tiên khoảng năm 700 Tại làng Lanciano, nước Ý (italy)
2011 -> Thiên chúa giáo và tam giáO Đường Thi Trương Kỷ
2011 -> Tác giả Võ Long Tê chưƠng I bối cảnh lịch sử
2011 -> LỊch sử truyền giáo tại việt nam quyển II lm. Nguyễn hồng chưƠng I: MỘt cha dòng têN Ở việt nam tới rôMA
2011 -> Các mẫu thức MẠc khải lm. Lê Công Đức
2011 -> Một lời nói đầu không phải là nơi nhiều chỗđể tóm lược lập luận của một cuốn sách cũng như định vị hoặc phát biểu về sựquan trọng của nó. Đây quả thực là một cuốn sách rất quan trọng
2011 -> LỜi giới thiệu suy tư ban đẦu về MẦu nhiệm giêSU

tải về 1.01 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương