MỘt vài thông tin nhân sự kiện gs ngô BẢo châU ĐẠt giải thưỞng fields 2010 Huỳnh Tấn Châu Trường thpt chuyên Lương Văn Chánh



tải về 45.47 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu25.07.2016
Kích45.47 Kb.
#4996
MỘT VÀI THÔNG TIN NHÂN SỰ KIỆN GS NGÔ BẢO CHÂU

ĐẠT GIẢI THƯỞNG FIELDS 2010

Huỳnh Tấn Châu

Trường THPT Chuyên Lương Văn Chánh

1. Tại sao thường gọi giải thưởng Fields là giải thưởng Nobel toán học

Giải thưởng Nobel được trao lần đầu tiên từ năm 1901 cho 6 lĩnh vực: Vật lí, Hóa học, Y học, Văn học, Kinh tế và Hòa bình. Mỗi giải trị giá khoảng 1,4 triệu USD. Rất tiếc Giải Nobel không được trao cho Toán học.

Nhà Toán học nổi tiếng của Đức- Gau – xơ phát biểu: "Toán học là nữ hoàng của các môn khoa học". Thôi thì cứ cho là Gau- xơ có hơi ... thiên vị đi, nhưng chắc chắn ai cũng hiểu được tầm quan trọng của Toán học, Chỉ có một người không hiểu hoặc cố tình không hiểu: đó là nhà bác học Alfred Nobel.

Các nhà nghiên cứu nghi ngờ khi Noben lập chúc thư trong trạng thái tinh thần không minh mẫn ?. Nhưng Noben đã viết chúc thư trước khi ông qua đời khoảng 3 năm, trong khi sức khỏe tốt nên giả thiết trên không thuyết phục.

Khi nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Noben, các nhà nghiên cứu lại đưa ra một giả thiết khác có phần thuyết phục hơn:

Thật ra thì Alfred Nobel suốt đời sống độc thân, có một người bạn gái người Áo trẻ hơn ông đến 30 tuổi là Sophie Hess ở Wien. Cô này được Nobel chu cấp và để một phần gia tài. Một nhà Toán học Thụy Điển cùng thời với Nobel là Gösta Mittag-Leffler (1846-1927), là người đã quyến rũ người bạn gái của Nobel.

Giai thoại được biết đến nhiều nhất thì có liên quan đến thêm một nhà toán học khác nữa. Đó là cô Sofja Kowalewska, nữ toán gia người Nga. Theo đó thì Nobel rất ái mộ Kowalewska nhưng - cũng vì Mittag-Leffler! - mà không lọt vào mắt xanh của cô. Từ đó mà ông đâm hận tất cả các nhà toán học và dĩ nhiên không khi nào chịu lập một giải thưởng cho khoa này.

2. Giải thưởng Fields là gì?  

Giải thưởng Fields là giải thưởng mang tên nhà toán học Canada John Charles Fields được trao 4 năm một lần trong mỗi Đại hội Toán học thế giới và trao cho không quá 4 người, kể từ năm 1936 tại Canada cho những nhà toán học dưới 40 tuổi tính đến ngày 1 tháng 1 của năm nhận giải. Giải thưởng là một huy chương đi kèm với một khoản tiền thưởng là 15.000 đô-la Canada tương đương 14.400 USD. Giới toán học còn gọi đó là Huy chương Fields (Fields Medal), Huy chương Fields được xem là một vinh dự lớn nhất mà một nhà toán học có thể nhận được trong đời. Có vinh dự ngang với giải Noben trong các lĩnh vực khác.

Ra đời muộn hơn 35 năm, Giải thưởng Fields mới chỉ được trao cho tổng cộng 52 nhà toán học trẻ có quốc tịch từ 15 nước trên thế giới. Tuyệt đại đa số những người được Giải thưởng Fields sau đó đều trở thành các nhà lãnh đạo Toán học, tức là những người định hướng cho sự phát triển Toán (chứ không nhất thiết giữ chức vụ chính quyền).

Giải thưởng Fields năm 2010 được trao cho4 người Lindenstrauss (Israel), Ngô Bảo Châu (Việt Nam – Pháp), Smirnov (Nga) và Villani (Pháp).



Năm 2004: GS Ngô Bảo Châu được trao Giải thưởng Toán học Clay (cùng với GS G.Laumon). Ngay sau khi được trao giải thưởng này, thầy của Ngô Bảo Châu là GS G.Laumon đã được bầu làm Viện sĩ Viện hàn lâm Pháp.

Viện Toán học Clay được thành lập năm 1998 tại Cambridge, bang Massachusetts, Mỹ. Ngoài việc tài trợ các nhà toán học, mở các trường mùa hè, các hội nghị, hội thảo chuyên đề về toán học, viện còn đặt ra hai loại giải thưởng:

Giải thưởng hằng năm dành cho những thành tựu toán học đặc biệt xuất sắc, mỗi năm một hoặc hai giải. Giải thưởng đặc biệt, mỗi giải 1 triệu USD, dành cho việc giải quyết bảy bài toán thiên niên kỷ do viện lựa chọn.

Hội đồng xét giải thưởng bao gồm nhiều nhà toán học danh tiếng, trong đó có Andrew Wiles, người đã chứng minh thành công định lý cuối cùng của Fermat, một thách đố từng làm bối rối những bộ óc vĩ đại nhất của nhân loại suốt 358 năm! Chính Andrew Wiles đã tiến cử Ngô Bảo Châu và Gérard Laumon nhận giải thưởng về công trình bổ đề cơ bản cho các nhóm unita...



Năm 2009: Công trình “Bổ đề cơ bản cho đại số Lie” dày 169 trang của Ngô Bảo Châu đã được tạp chí Time bình chọn là một trong 10 phát minh khoa học tiêu biểu của năm 2009.

Năm 1979, nhà toán học người Mỹ gốc Canada Robert Langlands đã phát triển lý thuyết  “chương trình Langland” - một chương trình toán học đồ sộ nhằm thống nhất hình học và số học. Và "Bổ đề cơ bản" là cơ sở cho việc xây dựng một lý thuyết toán học theo chương trình Langland, nhưng nó đã tồn tại hơn 30 năm mà không có ai chứng minh được.

Đến năm 2008, giáo sư Ngô Bảo Châu (Việt Nam) đã chứng minh Bổ đề cơ bản một cách tổng quát và đến năm 2009 thì được các nhà toán học thế giới công nhận. 

Năm 2010: GS Ngô Bảo Châu được mời đọc báo cáo tại phiên toàn thể của Đại hội Toán học thế giới tại Ấn Độ.

Từ tháng 9/2010: sẽ chuyển sang làm GS của ĐH Chicago (Mỹ), Trường đã có 81 người nhận giải Noben và được xem là một trong các trường đại học danh tiếng hàng đầu thế giới, với mức lương của các GS cao cấp khoảng 300.000 USD/ năm

Tại ICM - 2010. Gây chú ý thứ nhất là việc lần thứ 6 liên tiếp (kể từ 1990) Nga có công dân của mình đạt Giải thưởng Fields, còn với Pháp là lần thứ 3 liên tiếp (kể từ 2002).

Gây chú ý thứ hai là trong số 4 nhà toán học được Fields, có 3 đã từng đạt giải tại Kì thi vô địch Toán quốc tế IMO. Ngoài Ngô Bảo Châu hai lần vô địch tại các năm 1988 (điểm tuyệt đối) và 1989 (40/42 điểm), có Smirnov năm 1987 và 1988 (cả 2 lần đều đạt điểm tuyệt đối) và Lindenstrauss (huy chương đồng 1988). Mối liên hệ chặt chẽ giữa việc đạt giải IMO và thành đạt sau này của các nhà toán học đã được nhiều lần kiểm chứng qua các đợt trao Giải thưởng Fields. Thành công lần này lại là một sự khẳng định hùng hồn. 



Thần đồng Toán học Terence Tao (Đào Triết Hiên) sinh năm 1975, là nhà toán học người Úc. Ông hiện là giáo sư toán tại trường đại học California, Los Angeles, Mỹ. Trong ba năm 1986, 1987 và 1988, Terence Tao là thí sinh trẻ tuổi nhất tại thời điểm đó tham dự kỳ thi IMO và lần lượt giành huy chương đồng, bạc, vàng. Ông giành huy chương vàng khi vừa mới bước qua tuổi 13 và hiện đang là người nhỏ tuổi nhất từng đoạt huy chương vàng trong lịch sử các kỳ thi. Terence Tao tham gia viện Khoa học nghiên cứu năm 14 tuổi. Ông có bằng cử nhân và thạc sĩ khi 17 tuổi, và nhận bằng tiến sĩ khi mới 20 tuổi tại trường đại học Princeton. Tháng 8.2006, ông được trao huy chương Fields cho những đóng góp về toán học. Terence Tao được Trưởng khoa toán đại học California gọi là “Mozart của toán học”.

Perelman sinh 1966 ở Leningrad, học tại trường chuyên toán 239.

Năm 16 tuổi, Perelman giành giải cao nhất tại cuộc thi Olympic Toán Quốc tế với số điểm tuyệt đối. Perelman hoàn tất bằng tiến sĩ toán học, chuyên về lĩnh vực hình học nghiên cứu hình dáng của các vật thể trong không gian. Sau đó ông giảng dạy tại các trường đại học Mỹ, trong đó có Học viện Công nghệ Massachusetts, rồi về Nga vào giữa thập kỷ 1990.

Grigory Perelman, nhà Toán học Nga khước từ giải "Nobel Toán học", năm 2006, thường tách mình khỏi thế giới bên ngoài và không đoái hoài đến danh tiếng. Ông không đến nhận giải này, và đã từ chối phần thưởng 1 triệu USD cho việc giải được Câu đố Thiên niên kỷ của viện toán học Clay vào tháng 7 vừa qua. Công trình này được đánh giá là có khả năng giúp các chuyên gia khám phá ra hình khối của vũ trụ.

Ông từ chối tất cả các giải thưởng cao quí của toán học dành cho mình, vì cho rằng ban giám khảo không đủ trình độ để chấm !. Nhà Toán học Nga Grigory Perelman, được Liên Minh Toán học Quốc tế đánh giá là một trong những nhà khoa học lỗi lạc nhất 100 năm nay.

Các học sinh chuyên Toán, nếu sau này theo đuổi cái nghiệp nghiên cứu Toán thì có rất nhiều cơ hội thành công. Một số học sinh chuyên Toán của Trường ta theo con đường làm Toán đã có những thành công nhất định. Em Nguyễn Văn Vinh, Đàm Khánh Hòa đã làm xong Tiến sĩ và hiện đang giảng dạy tại Úc. Em Trương Trung Tuyến – giảng viên Trường ĐHKHTN – ĐHQGTPHCM đã bảo vệ xong TS Toán tại Mỹ, Em Tuyến được đánh giá là một tài năng Toán học trẻ của ĐHQGTPHCM, Em Phan Thành Nam trở thành TS Toán học tại Đan Mạch khi mới 26 tuổi ...

Em Nguyễn Đình Thi học sinh chuyên toán khóa 2007 - 2010, đạt giải nhì Toán QG, được chọn vào đội dự tuyển thi Toán Quốc Tế 2010, em đỗ hai trường đại học : ĐHYDTPHCM và ĐHKHTN – ĐHQGTPHCM ngành Toán. Bản thân em phân vân không biết chọn trường nào để học, bố mẹ lại thích trường Y. Nhân sự kiện GS Ngô Bảo Châu đạt giải Fields 2010 em quyết định ngay là phải học ngành Toán mà em yêu thích. Em Thi được các GS khoa Toán ĐHKHTN – ĐHQGTPHCM rất khen ngợi, được chọn làm trợ giảng cho PGS. TS Đinh Đức Trọng, TS Trần Nam Dũng trong việc bồi dưỡng HSG.



3. Nền toán học nào mạnh nhất thế giới ?

Giành được nhiều Giải thưởng Fields là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá sức mạnh của nền Toán học một nước. Nhìn vào phân bố của 6 nước đứng đầu: Mỹ (13 giải), Pháp (11), Nga – Liên Xô cũ (9), Anh (6), Nhật (3), Bỉ (2) có thể thấy điều đó khá đúng, nhất là với 5 vị trí đầu. Chỉ có trường hợp của Đức, tuy mới chỉ có 1 Fields, nhưng được xem là nước có nền Toán học rất mạnh, chắc chắn là hơn Bỉ.

Tuy nhiên, đánh giá chỉ dựa vào giải thưởng Fields không thật chính xác vì ba lí do: Một là, việc liệt kê là  theo quốc tịch của người được giải, nên có thể chưa phản ánh đúng đóng góp của nền Toán học nước đó; Hai là: ít nước có người được giải, nên so sánh Toán học giữa các nước không được giải với các nước chỉ được 1-2 giải rất khó chính xác; Ba là: số người được giải không hẳn đã ở lại nước làm việc, và do đó chưa hẳn nước đó đã tận dụng được nhiều nhất cống hiến của họ. Thực tế cho thấy tuyệt đại đa số những người đạt Fields sau đó hoặc chuyển sang Mỹ làm việc hẳn, hoặc làm việc một thời gian dài.

Vì lí do trên, người ta rất chú ý tới phân bổ các báo cáo mời toàn thể và báo cáo mời tiểu ban theo địa chỉ đang làm việc của báo cáo viên. Một phần vì được mời làm báo cáo dù là ở tiểu ban là rất khó. Nếu kể cả Việt kiều, nước ta mới chỉ có 3 người có vinh dự này. Đó là GS F. Phạm, GS Dương Hồng Phong và GS Ngô Bảo Châu. Phần khác, số lượng nhà toán học có vinh sự này xấp xỉ 200 một kì đại hội, nên thống kê này phản ánh rõ hơn thực chất sức mạnh của một nền Toán học.

Tại Đại hội 2010, có tất cả 19 báo cáo mời toàn thể, thì Mỹ chiếm 11. Tiếp theo là Pháp: 2, Israel: 2. Còn lại là của Ấn Độ, Brasil, Nga và Trung Quốc: mỗi nước 1. Có tổng cộng 161 báo cáo mời tiểu ban từ 30 nước. Những nước có nhiều báo cáo nhất là: Mỹ: 55, Pháp: 18, Anh: 14, Đức: 8, Ấn Độ, Canađa, Israel, Thụy Sĩ:  6; Nhật, Trung Quốc: 5; Bỉ và Nga: 3. Sáu nước khác: mỗi nước 2, còn lại là 1.

Sử dụng số liệu trên, ta có thể thấy, tuy 3 kì đại hội liên tiếp gần đây, Mỹ không có ai được giải Fields, nhưng nền Toán học của họ là vô địch, vượt xa các nước khác. Nếu nói nền Toán học Mỹ gần bằng phần còn lại của thế giới cũng không quá sai. Vì vậy nước Mỹ là nơi phát minh ra máy tính, internet, mã khóa công khai, … cũng là điều không lạ.



4. Toán học Việt Nam đứng ở đâu? Đưa Việt Nam lên hàng 40 thế giới về toán học

Hiện nay, Toán học Việt Nam đang đứng ở vị trí từ 50 –55 thế giới; Chưa bao giờ có trường hay viện nghiên cứu nào của Việt Nam có nhà toán học của mình được mời làm báo cáo mời tiểu ban trở lên tại một kì đại hội.

Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010-2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng kinh phí đầu tư 651 tỷ đồng, với mục tiêu đến năm 2020 đưa Toán học Việt Nam lên vị trí thứ 40 và đến ICM - 2018 có được 1-2 báo cáo mời tiểu ban.

Trong các nước Đông Nam Á, chỉ mới có Singapore có vinh dự này. Tại Đại hội 2010 họ cũng có một báo cáo mời. Nước láng giềng chúng ta, Trung Quốc, đã nhiều lần có vinh dự đó. Lần này họ có 1 báo cáo mời toàn thể và 5 báo cáo mời tiểu ban. Nước có nền Toán học khởi điểm gần gần giống ta là Hàn Quốc, lần đầu tiên có báo cáo mời tiểu ban là ICM-2006 tại Madrid (2 báo cáo). Lần này họ có 1 báo cáo mời. Một số nước đang phát triển như: Chilê, Nam Phi, Uruguay, Uganda cũng có báo cáo mời tiểu ban.

Những con số nói trên, tuy không đưa ra một sự xếp hạng cụ thể, nhưng cũng có thể kết luận: Toán học nước ta còn quá khiêm tốn! Việc GS Ngô Bảo Châu được giải thưởng Fields không hề làm thay đổi thứ hạng của Toán học Việt Nam. Bởi lẽ, việc đào tạo chuyên nghiệp của Anh chủ yếu nhờ nước Pháp.

5. Bài học?

Việt Nam tham gia thi Toán Quốc Tế lần đầu tiên vào 1974 tại CHDC Đức, cùng với Mĩ. Trước ngày lên đường đoàn được Cố Thủ Tướng Phạm Văn Đồng tiếp, và căn dặn : bình tĩnh, tự tin và cố gắng đừng đứng chót bảng. Sau đó Đoàn đưa qua Nga học với các nhà Toán học của Nga: Các Thầy giáo bên Nga ra bài nào học sinh ta cũng làm được, do đó sau 2 buổi thì họ cho các học sinh của ta chơi, không học nữa. Có lẽ họ cũng sợ cạnh tranh!.

Kết quả các học sinh Việt Nam đã làm được nhiều hơn những gì Cố Thủ Tướng mong đợi : 1 HCV, 1HCB và 2HCĐ. Đoàn Mỹ không có HCV. (5HCB). Trong điều kiện chiến tranh, khó khăn về mọi mặt, nên thành tích của đoàn Việt Nam được bạn bè QT vô cùng khâm phục.

Hệ thống chuyên Toán ra đời đến nay được 37 năm, góp phần đưa GS Ngô Bảo Châu đạt đến đỉnh cao khoa học của Thế giới. Việc GS Ngô Bảo Châu được trao giải Fields lần này là một niềm tự hào chính đáng. Nó chứng minh hùng hồn khả năng trí tuệ của người Việt Nam. Nó chứng tỏ trong giáo dục phổ thông, mà cụ thể là hệ thống lớp chuyên Toán, đã có một cách đào tạo độc đáo để góp phần dẫn đến thành tựu đó.  Đó là lí do tại sao rất nhiều nhà Toán học nước ngoài đến chúc mừng đoàn Việt Nam.

Thành tựu đó không phải là một hiện tượng đơn lẻ, bởi vì ngoài Ngô Bảo Châu còn rất nhiều nhà toán học trưởng thành từ đó: GS Vũ Hà Văn, GS Lê Tự Quốc Thắng, GS Đinh Tiến Cường, GS Nguyễn Tiến Dũng, GS Ngô Việt Trung GS Phùng Hồ Hải …

Tuy giải thưởng Fields của Ngô Bảo Châu không làm thay đổi thứ hạng Toán học Việt Nam, nhưng nó tạo ra một thời cơ mới cho Toán học Việt Nam. Cuối cùng: Xin mượn lời của GS Ngô Bảo Châu để nói với các bạn rằng: ‘‘Cái gì ta cố gắng, cái đó có giá trị’’

Các em học sinh của Trường Chuyên Lương Văn Chánh là những “ hạt giống’’ ưu tú của giáo dục tại các Trường THCS trên Tỉnh Phú yên đã được gieo vào mảnh đất tốt - Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh. ‘‘ Hạt giống’’ đó tiếp tục được nuôi dưỡng và phát huy, đã và đang “đơm hoa, kết trái” với nhiều thành tích rất đáng tự hào.

Nhân sự kiện GS Ngô Bảo Châu đạt giải Fields 2010, Thầy xin tặng cho các em học sinh yêu thích môn Toán mấy câu thơ:



Toán trong Sách hay trong cuộc sống

Toán trong đầu hay ở trái tim

Bao bài Toán trong một bài lớn nhất

Đó phải chăng bài Toán của đời mình

Thầy Huỳnh Tấn Châu và các học sinh Chuyên toán của Trường Chuyên Lương Văn Chánh Phú Yên tại kì thi chọn đội tuyển Toán Quốc Tế 2010.







tải về 45.47 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương