MỘt số VẤN ĐỀ xung quanh khái niệM



tải về 43.68 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu12.09.2017
Kích43.68 Kb.
#33110

CSDL PICMS Thông tin Hỏi – đáp phục vụ ĐBQH của Phòng Thông tin, Trung tâm Thông tin – TV – NCKH, Văn phòng Quốc hội


MỘT SỐ VẤN ĐỀ XUNG QUANH KHÁI NIỆM

VÀ QUAN ĐIỂM CHỐNG LẠM PHÁT


Chống lạm phát là một trong những nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên đối với bất cứ một quốc gia nào; đặc biệt là Việt Nam - một đất nước bắt đầu quá trình hội nhập và phát triển.

Để có được các giải pháp phù hợp cho việc kiềm chế và đẩy lùi lạm phát, vấn đề đặt ra trước hết là cần nhận dạng được những nguyên nhân của nó, nhưng đó là việc không dễ khi khái niệm và quan điểm chống lạm phát không thống nhất. Vào những thời điểm khác nhau, khi lạm phát lên cao, trên diễn đàn kinh tế đã xuất hiện nhiều khái niệm, quan điểm không phù hợp với thực tiễn và lý thuyết. Có thể vấn đề nêu ra là kinh điển, không mới, nhưng trên thực tế từ những cách nhìn nhận khác nhau về lạm phát sẽ có các giải pháp khác nhau. Bài viết này luận bàn một số vấn đề xung quanh sự không thống nhất về khái niệm cũng như quan điểm về chống lạm phát.

Vào năm 2005 khi lạm phát có nguy cơ vượt qua 2 chữ số thì trên diễn đàn kinh tế Việt Nam đã xuất hiện khái niệm “lạm phát cơ bản”. Các chuyên gia theo khái niệm này tính toán lạm phát là 6,5% (Theo công bố của Tổng cục thống kê Việt Nam là 9,5%). Để có con số 6,5%, nhóm hàng lương thực, thực phẩm bị loại ra khỏi “rổ hàng hoá” được sử dụng để tính chỉ số lạm phát. Dựa vào ý kiến này, một số nhà kinh tế cho rằng mức độ lạm phát ở Việt Nam vào thời kỳ đó nằm trong tầm kiểm soát. Thực tế khái niệm về lạm phát cơ bản đã có trên diễn đàn kinh tế thế giới. Một số nước công nghiệp phát triển đã tính chỉ tiêu lạm phát theo nội dung này. Tuy nhiên, khi đặt vấn đề tính toán cơ bản như một số nước có nền kinh tế thị trường phát triển, chúng ta không thể bỏ qua đặc thù trong nền kinh tế của Việt Nam, một đất nước vừa chuyển đổi mô hình kinh tế theo thể chế thị trường. Đối với các nước công nghiệp phát triển thì cơ cấu hàng hoá - dịch vụ tiêu dùng của họ khác nhiều so với cơ cấu tiêu dùng của dân ta. Chính vì vậy, chúng ta không thể loại bỏ ra khỏi rổ hàng hoá và dịch vụ các mặt hàng có ý nghĩa sống còn đối với đời sống của người dân. Khi lạm phát, giá cả các mặt hàng đó biến động sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung và đời sống nhân dân lao động nói riêng. Một nghịch lý là khi đưa ra con số lạm phát 6,5%, không ai có ý kiến về các chỉ tiêu khác của nền kinh tế như lãi suất, tỷ giá của đồng Việt Nam. Như vậy, khái niệm về lạm phát cơ bản và theo đó tính toán tỷ lệ lạm phát như đề cập trên đây là không phù hợp với điều kiện thực tế của nền kinh tế Việt Nam.

Trong thời gian gần đây, đã xuất hiện quan điểm sử dụng lạm phát để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ý tưởng này không mới. Vào những năm 80, khi lạm phát ở Việt Nam đạt đến tốc độ phi mã, một số nhà kinh tế đã đưa ra ý tưởng như vậy. Tuy nhiên, trong thực tế, điều đó không thể thực hiện được vì không có cơ sở khoa học. Ở đây, có thể có sự nhầm lẫn về phương diện lý luận. Nghiên cứu lịch sử phát triển các học thuyết kinh tế, chúng ta thấy rõ sự nhầm lẫn đó. Các nhà kinh điển theo trường phái Keynes đã cho rằng tốc độ tăng trưởng từ từ, ban đầu không quá 2 – 3% năm và sau đó, có thể tăng tối đa đến trần 5 – 10% thì đươc xem là hiện tượng tất yếu trong quá trình phát triển bình thường của nền kinh tế thị trường, và trong những điều kiện nhất định, mức lạm phát như vậy có vai trò thúc đẩy sản xuất, nhưng khi lạm phát vượt ngưỡng cửa 10% thì kết quả sẽ ngược lại. Tuy nhiên, đó chỉ là luận điểm, giải thích cho một hệ quả tất yếu của quá trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng các chính sách lới lỏng tiền tệ, tín dụng, tăng chi phí đầu tư. Ở đây, lạm phát không phải là công cụ mà là hệ quả của một hành động. Chính vì vậy, ý tưởng này cần phải hiểu dưới giác độ logic giữa nguyên nhân và hệ quả, có ý nghĩa là hệ quả trong một phạm vi nào đó có thể chấp nhận thì nguyên nhân dẫn đến hệ quả là tích cực.

Cũng chính vào năm 2005, trên diễn đàn kinh tế xuất hiện thêm một khái niệm mới. Đó là “lạm phát giá cả”. Tư duy theo thực tế thì có thể suy luận rằng, giá cả một số mặt hàng, nguyên liệu dùng cho sản xuất tăng lên sẽ làm tăng giá hàng hoá. Tuy nhiên, xét về mặt lý luận thì khái niệm đó thiếu cơ sở khoa học. Phân tích những ý kiến xung quan học thuyết khối lượng tiền tệ của Fisher, chúng ta sẽ thấy rõ hơn bản chất của vấn đề. Đối với công thức khối lượng tiền tệ: MV = PQ, một số nhà kinh tế đã nghi ngờ về mối tương quan tỷ lệ thuận giữa khối lượng tiền tệ trong lưu thông và giá cả hàng hoá. Từ nghi ngờ này đã xuất hiện quan điểm cho rằng, mức tăng giá (lạm phát) có thể do nguyên nhân của quá trình sản xuất và lưu thông - những gì xảy ra bên phải của công thức và theo tư duy đó, học thuyết về giá cả đã xuất hiện. Nội dung học thuyết tập trung luận giải những yếu tố hình thành giá cả có liên quan trực tiếp đến: (a) quá trình hình thành và phát triển thị trường tiêu dùng; (b) cung hàng hoá và dịch vụ; (c) mối tương quan giữa cung cầu hàng hoá; (d) giá cả sản xuất. Tất cả các yếu tố hình thành giá cả được xem xét như là nguyên nhân tăng giá. Về cảm giác thì ai cũng có thể nhận thấy rằng giá cả năng lượng, nguyên liệu... có tác động đến lạm phát. Nhưng sự tác động này phải nằm trong mối quan hệ của 4 yếu tố nêu trên (thị trường tiêu dùng, cung, mối tương quan giữa cung cầu, giá cả sản xuất).

Trên nền tảng học thuyết về giá đã hình thành hai luận điểm về lạm phát: lạm phát chi phí đẩy và lạm phát cầu kéo. Nhận biết nguyên nhân nào thì người ta đề xuất các giải pháp thích hợp để chống lạm phát. Trong lạm phát cầu kéo, tiền tệ đồng thời có hai vai trò: vừa là nền tảng, vừa là nguyên nhân tích cực. Trong lạm phát chi phí đẩy, tiền tệ cũng là cơ sở của lạm phát nhưng đóng vai trò thụ động, có nghĩa là tiền tệ sẽ bị cuốn vào dòng xoáy của giá cả sản xuất. Tuy nhiên, hai nguyên nhân này có mối quan hệ mật thiết lẫn nhau, khó tách biệt riêng rẽ. Từ đây, chúng ta có thể luận giải một cách đầy đủ hơn về bản chất lạm phát do ảnh hưởng của giá cả. Lạm phát trong trường hợp do các yếu tố sản xuất và tiêu thụ hàng hoá gây ra gọi là “lạm phát chi phí đẩy”. Adam Smith đã khái quát 3 nguyên nhân cơ bản của lạm phát chi phí đẩy. Đó là: tiền lương, lợi nhuận và giá cả công cụ lao động nhập ngoại như năng lượng, nguyên liệu... Chi phí vật tư được loại ra khỏi các cấu thành ảnh hưởng đến lạm phát chi phí đẩy.

Chúng ta sẽ xem xét cơ chế lương, lợi nhuận và giá nguyên liệu, năng lượng vận hành và ảnh hưởng đến lạm phát như thế nào?:

1. Đối với cặp tiền lương – giá: Khi lương tăng, giá cả hàng hoá sẽ tăng. Quy trình này bị tác động bởi yếu tố hành chính, có nghĩa khi giá cả tăng lên, các doanh nghiệp phải tăng giá bán để đảm bảo lợi nhuận. Khi giá cả hàng hoá nói chung và tiêu dùng nói riêng tăng lên thì người lao động tìm mọi cách để tăng lương. Khi lương tăng, giá cả lại tăng. Đến lượt mình, các doanh nghiệp lại tăng giá để đảm bảo lợi nhuận. Adam Smith gọi sự vận hành của cơ chế này là đường xoáy ốc.

2. Đối với cặp lợi nhuận – giá cả: Quyết định tăng tỷ lệ lợi nhuận của các doanh nghiệp bằng biện pháp tăng giá bán hàng hoá sẽ làm cho giá cả tăng. Khác với những gì diễn ra trong sự vận động của lương – giá, việc tăng giá trong trường hợp này mang tính chất hành chính tích cực nhằm duy trì lợi nhuận ở mức mong muốn. Việc này thường xảy ra trong điều kiện độc quyền. Một số nước đã gọi đó là “lạm phát hành chính”.

3. Đối với nguyên liệu nhập ngoại – giá cả: Giá cả nguyên liệu nhập ngoại tác động đến giá cả trong nước do 2 nguyên nhân: một là, giá cả nguyên liệu ở nước xuất khẩu tăng; thứ đến là do tỷ giá giữa nước nhập khẩu thay đổi theo hướng đồng bản tệ nước nhập khẩu mất giá.

Từ phân tích trên có thể thấy rằng các yếu tố giá cả chỉ có thể ảnh hưỏng đến lạm phát theo cơ chế "lạm phát chi phí đẩy". Việc dùng khái niệm "lạm phát giá cả" không phản ảnh đầy đủ bản chất của quá trình dẫn đến lạm phát do những yếu tố giá cả. Cần nhận thức rằng, trong trường hợp giá cả công cụ lao động nhập ngoại tăng nhưng chúng ta có cơ chế quản lý tốt, tổ chức thị trường cung cầu tốt, chính sách tỷ giá thích hợp thì việc tác động của các yếu tố giá cả có thể sẽ không diễn ra một cách tự động mà biến động trong tầm kiểm soát của các nhà quản lý.

Để có thể đưa ra các giải pháp kiềm chế và đẩy lùi lạm phát có hiệu quả, việc xác định đúng nguyên nhân lạm phát bao giờ cũng đóng vai trò quan trọng bậc nhất. Nhận định này có cơ sở thực tế. Khi lạm phát ở Việt Nam lên cao vào thời điểm giá cả năng lượng, nguyên liệu trên thế giới tăng thì các nhà kinh tế "chụp mũ" cho nó, rằng lạm phát là do giá cả trên thế giới tăng. Với nhận định này, bản chất của tình trạng lạm phát tiền tệ của Việt Nam đã không được xác định một cách đầy đủ. Theo đó, những giải pháp đưa ra để kiềm chế và đẩy lùi lạm phát sẽ không có tính khả thi cao. Nếu cho rằng, nguyên nhân của tình trạng lạm phát ở Việt Nam bắt nguồn từ sự tăng lên của giá dầu thô và một số mặt hàng có tính chiến lược khác trên thị trường thế giới thì giải pháp cho nó có lẽ không gì khác là làm sao ổn định được giá nội địa của các loại hàng hoá đó. Biện pháp tốt nhất trong trường hợp này là Nhà nước cố định giá bán. Chẳng hạn chúng ta có thể không tăng giá xăng dầu trong nước theo mức tăng trên thị trường thế giới. Chúng ta không thể quên rằng, Việt Nam là một nước vừa nhập đồng thời vừa xuất khẩu dầu thô. Trong trường hợp này, giá cả xăng dầu trên thế giới tăng sẽ có tác dụng hai chiều đối với Việt Nam. Giá cả xăng dầu nhập tăng lên nhưng thu ngân sách cũng tăng lên do xuất khẩu và đây là nguồn cân đối để giữ cho giá nội địa bình ổn.

Một vấn đề không kém phần quan trọng là việc vận dụng cả lý thuyết cũng như áp dụng kinh nghiệm của thế giới nhưng không tính đến đặc thù của nền kinh tế và không có sự thống nhất cả về khái niệm cũng như quan điểm đối với vấn đề lạm phát thì chắc chắn sẽ không mang lại hiệu quả cao trong việc chống lạm phát. Các chính sách tiền tệ - tín dụng - ngân sách các nước kinh tế thị trường phát triển áp dụng nhằm kích cầu hoặc hạn chế cầu nhằm kích thích hoặc hạn chế tăng trưởng có thể sẽ không hiệu quả đối với nền kinh tế Việt Nam, một đất nước vừa mới đến với kinh tế thị trường. Điểm giống nhau giữa nền kinh tế thị trường của Việt Nam hiện nay và nền kinh tế thị trường của các nước phát triển vào những năm đầu của thế kỷ 19 là kinh tế tư nhân không có khả năng tự điều chỉnh mạnh, vì vậy, khi khó khăn phát sinh, dễ rơi vào khủng hoảng. Bên cạnh đó, điểm khác nhau giữa Việt Nam và một số nước là ở chỗ: tỷ trọng kinh tế nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế của Việt Nam cao, nông dân chiếm tỷ lệ lớn trong dân số, thu nhập của người dân thấp vì vậy họ không có khả năng tiếp cận một cách đầy đủ và nhanh chóng các nhu cầu được tạo ra bằng các chính sách của Nhà nước. Thực trạng này đã hình thành tính đặc thù trong quan hệ cung - cầu trên thị trường Việt Nam so với quan hệ cung - cầu của các nước có nền kinh tế thị trường phát triển cao. Đây là yếu tố hạn chế khả năng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng chính sách kích cầu thông qua việc nới lỏng tiền tệ.

Tương tự, vào thời kỳ thiên tai, dịch bệnh, giá cả lương thực thực phẩm tăng do mất cân đối trong cung cầu. Khi cung không đủ cầu, giá tiêu dùng có thể tăng. Trong trường hợp này, chúng ta không thể hạn chế tăng giá bằng cách thắt chặt tiền tệ hoặc hạn chế đầu tư. Về phương diện lý thuyết, để bình ổn giá khi cầu vượt cung thì chỉ có hai cách: một là, hạn chế cầu những mặt hàng tạo ra mất cân bằng giữa cung - cầu (nhưng điều đó là không thể được vì chúng ta không thể hạn chế tiêu dùng của nhân dân đối với những mặt hàng thiết yếu), hoặc tăng cung những mặt hàng có thể bù đắp cho những mặt hàng khác. Khi đó, chúng ta không những chỉ có hạn chế hoặc mở rộng tiền tệ mà còn có các biện pháp định hướng tiền tệ: hạn chế đầu tư vào ngành, lĩnh vực này là mở rộng luồng tiền vào các lĩnh vực ngành, ngành khác đang cần, nhằm tăng khối lượng hàng hoá bảo đảm cân bằng cung cầu trên thị trường.

Từ lý luận kết hợp với thực tiễn Việt Nam (ngoài những yếu tố giá cả thế giới, tiền lương, đầu tư phát triển...), chúng ta có thể khái quát những nguyên nhân không thể tổ hợp vào loại lạm phát chi phí đẩy hay lạm phát cầu kéo. Đó là:

- Tiền phát hành ra lưu thông bằng con đường tín dụng không phát huy được hiệu quả như mong muốn;

- Ngân sách thường xuyên bị thâm hụt, nguồn bù đắp là tiền vay (trong nước và nước ngoài);

- Nhiều dự án đầu tư không mang lại hiệu quả, gây lãng phí;

- Tình trạng tham nhũng;

- Bộ máy quản lý cồng kềnh, năng suất lao động thấp, trong khi đó tiền lương thường xuyên điều chỉnh tăng;

- Sự yếu kém trong quản lý tài chính – ngân hàng gây thất thoát lớn tài sản của quốc gia.

Bàn đến các giải pháp chống lạm phát mà không tính đến các yếu tố nêu trên thì không có giải pháp nào hữu hiệu cả. Tuy nhiên, các yếu tố đó tồn tại kinh niên trong nền kinh tế Việt Nam, ít nhất là đến giai đoạn này. Bằng các chính sách và công cụ theo nguyên tắc thị trường đơn thuần sẽ không kiềm chế được lạm phát triệt để.

Tại Việt Nam, trong nhiều năm qua, đặc biệt là từ khi thực hiện việc chuyển đổi phương thức quản lý kinh tế theo hướng thị trường đến nay, nợ xấu vẫn thường xuyên ở mức cao. Bình quân nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng có khi lên tới 15%. Cần nhớ rằng, tỷ lệ nợ xấu luôn luôn ở mức độ cao là một trong những nguyên nhân gây ra lạm phát tiền tệ. Tuy nhiên, nợ xấu không tác động một cách tức thì vào sức mua của tiền tệ, nhưng chính nó lại tạo ra các cơ sở để tăng tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu.

Tuy nhiên nền kinh tế Việt Nam đã chuyển đổi theo mô hình thị trường, nhưng tồn tại những yếu tố chứng tỏ rằng kinh tế thị trường ở Việt Nam là kinh tế thị trường chưa đầy đủ. Nếu ngộ nhận về một nền kinh tế thị trường đầy đủ tại Việt Nam có thể phạm phải những sai lầm không đáng có khi xây dựng chính sách phát triển. Trong thực tiễn, đã có những ý kiến đề xuất các chính sách "vượt cả thời đại". Ví dụ, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, đã có ý kiến cho rằng, cần phải thực hiện việc tự do hoá hoàn toàn tỷ giá hối đoái, tự do kiểm soát ngoại hối (hay là xoá bỏ việc kiểm soát ngoại hối như một số nước công nghiệp hàng đầu thế giới). Xuất phát từ quan điểm này, mà có ý kiến đề xuất Chính phủ phá giá VND (năm 1994, đã từng xuất hiện ý kiến đề nghị phá giá VND so với USD với tỷ giá hối đoái là 1 USD đổi được 20.000 VND). Tương tự, có ý kiến cho rằng lãi suất huy động vốn và cho vay của các tổ chức tín dụng hoàn toàn phụ thuộc vào tín hiệu từ thị trường. Nên nhớ rằng, lãi suất là công cụ điều tiết nền kinh tế. Đành rằng giá cả hình thành theo quy luật cung cầu, nhưng Ngân hàng Trung ương là một tổ chức có chức năng và theo đó, có những công cụ đặc thù để điều chỉnh nhằm cân bằng cung cầu với mục tiêu đào tạo ra một mức giá hợp lý trong khuôn khổ chính sách phát triển kinh tế quốc gia.

Có thể dựa vào quan điểm cho rằng, đã là kinh tế thị trường thì mọi diễn biến của giá cả trên thị trường là do cung - cầu quyết định, nên trong thời gian qua, kiểm soát giá trên thị trường đã chưa được đặt ra một cách đúng mức. Trong những năm gần đây, diễn biến giá cả trên thị trường là vô cùng phức tạp, nhưng hầu như chưa có một sự kiểm soát nào từ phía Nhà nước tỏ ra có hiệu quả, nên cứ mỗi lần có quyết định cho các nhà kinh doanh xăng tăng giá bán lẻ (thậm chí các nhà kinh doanh có thể dự báo xu hướng tăng giá trên thị trường qua các động thái từ phía Nhà nước như dự kiến tăng lương cơ bản...) là lập tức giá của hàng tiêu dùng và dịch vụ rầm rộ tăng lên làm cho sức mua của tiền tệ đột nhiên bị giảm sút mà không có cách nào để có thể ngăn cản được.

Như vậy, việc xác định được nguyên nhân gây ra lạm phát tiền ở Việt Nam trong thời gian vừa qua và hiện nay có ý nghĩa rất lớn trong việc đưa ra các giải pháp kiềm chế và đẩy lùi lạm phát. Từ những phân tích trên đây, có thể thấy:

- Cần có sự đồng thuận của các nhà hoạch định chính sách với giới chuyên gia nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến quan niệm về lạm phát trong nền kinh tế thị trường; đặc biệt lưu ý đến điều kiện cụ thể của Việt Nam;

- Xác định đúng nguyên nhân gây ra lạm phát tiền tệ của Việt Nam trong thời gian vừa qua; đề ra các giải pháp đồng bộ (kết hợp giữa các công cụ thị trường và hành chính), xây dựng các mô hình chống lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng phù hợp với từng giai đoạn phát triển đất nước.


TS. Phan Văn Tính

Viện trưởng Viện nghiên cứu hỗ trợ doanh nghiệp


Nguồn: Tạp chí Ngân hàng số 23 tháng 12/2006.




Каталог: uploaded -> 2011
2011 -> Nghị quyết số 49-nq/tw ngàY 02 tháng 6 NĂM 2005 CỦa bộ chính trị VỀ chiến lưỢc cải cách tư pháP ĐẾn năM 2020
2011 -> BỘ giáo dục và ĐÀo tạo viện nghiên cứu phát triểN giáo dụC
2011 -> TÌnh hình và xu thế phát triển giáo dụC ĐẠi họC Ở MỘt số NƯỚc thuộc khu vực châU Á thái bình dưƠNG
2011 -> LUẬt pháp về biển và VÙNG biểN
2011 -> VĂn phòng quốc hộI
2011 -> Nghị quyết số 9-nq/tw ngàY 02 tháng năM 2005
2011 -> MỘt số quy đỊnh của bộ luật tố TỤng hình sự VỀ hoạT ĐỘng đIỀu tra và truy tố ĐỐi với ngưỜi chưa thành niên phạm tộI
2011 -> Nguyên tắc lập luận hợp lý VÀ nguyên tắc VI phạm mặc nhiên trong pháp luật cạnh tranh giới thiệu chung

tải về 43.68 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương