Một số vấn đề về quản trị trong lĩnh vực tài chính ngân hàng



tải về 31.84 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu04.04.2018
Kích31.84 Kb.
#36821
Một số vấn đề về quản trị trong lĩnh vực tài chính ngân hàng
T. Nguyen, PhD1
Thông tư 13 và Thông tư 19 của Ngân hàng Nhà nước và tiếp theo đây sẽ là hàng loạt những qui định khác theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế là những bước đi quan trọng nhằm thiết lập một khuôn khổ pháp lý để đưa các hoạt động trung gian tài chính đi vào khuôn khổ nề nếp và tiệm cận luật chơi chung trên thị trường quốc tế.
Chúng ta đang tiến đến giai đoạn mà một số người mô tả là “tư nhân hoá lợi nhuận và xã hội hoá thua lỗ”, trong đó, người dân đóng thuế phải gánh chịu sự thất bại hay sụp đổ của các tập đoàn lớn, còn các quan chức của các tập đoàn đó chỉ bị trừng phạt không lấy gì làm nặng lắm. Điển hình là trong cuộc điều trần trước Uỷ ban điều tra về khủng hoảng tài chính Hoa Kỳ, CEO của Lehman Brothers là Dick Fuld đã đổ lỗi cho nhà chức trách Hoa Kỳ về sự sụp đổ của tập đoàn này. Điều này giống như câu chuyện về thuyền trưởng của một con tàu cứ cố tình chất liên tục thuốc nổ lên con tàu đó, khi nó bị bốc cháy vì một mồi lửa nhỏ thì thuyền trưởng ngay lập tức phủ nhận trách nhiệm của mình và chuyển sang chỉ trích người khác. Câu chuyện này cũng đã xảy ra ở nước ta. Các phương tiện thông tin đại chúng thỉnh thoảng lại đưa tin về các khoản thưởng khổng lồ dành cho các nhà quản trị cao cấp các tập đoàn và các ngân hàng. Tuy nhiên, họ vẫn thường xuyên chỉ trích các cơ quan hoạch định chính sách khi có những biến động về thị trường như điều chỉnh tỷ giá hoặc lãi suất. Trong bài viết này, chúng tôi bàn về một số vấn đề về quản trị ngành tài chính.
Trở lại những vấn đề cốt lõi

Hệ thống tài chính thực hiện 2 chức năng cơ bản trong nền kinh tế: quản trị rủi ro và phân bổ nguồn vốn. Một hệ thống tài chính tốt là một hệ thống có thể thực hiện các chức năng cơ bản trên một cách hoàn hảo với chi phí thấp. Mặc dù trong thời gian qua, hệ thống tài chính của chúng ta đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, vẫn còn đó những bất cập trong việc thực hiện các chức năng quản trị rủi ro và phân bổ nguồn vốn, và chi phí giao dịch còn khá cao. Ngay cả trong giai đoạn khủng hoảng, các ngân hàng thương mại và công ty tài chính vẫn tiếp tục đạt được những khoản lợi nhuận khổng lồ, mà những khoản lợi nhuận này đến từ túi của các doanh nghiệp đang phải gánh chịu lãi suất và các loại phí dịch vụ ngân hàng rất cao.

Một số ngân hàng thương mại lớn như ngân hàng Á Châu, Sacombank... và các quỹ đầu tư như Mekong Capital, Dragon Capital,... đã và đang thực hiện tốt vai trò trung gian tài chính của mình qua việc góp phần tài trợ cho nhiều dự án có khả năng sinh lời cao và tạo ra công ăn việc làm, các tổ chức này đang đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng cao và vững chắc cho nền kinh tế. Tuy nhiên, các ngân hàng và quỹ đầu tư này vẫn chỉ là một phần nhỏ trong hệ thống tài chính ngày càng phát triển của chúng ta. Có nhiều vấn đề còn tồn tại cần giải quyết từ gốc rễ. Về phân bổ nguồn vốn, tình hình tăng trưởng tín dụng cho khu vực bất động sản vừa qua quả là đáng quan ngại# trong khi rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn tín dụng ngân hàng. Các nguồn lực tài chính cần được phân bổ đúng chỗ vào những khu vực trọng điểm có khả năng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm và góp phần đảm bảo an toàn tăng trưởng trong dài hạn thay vì vào những khu vực mang nặng tính đầu cơ. Trong khi các tiến bộ về khoa học kỹ thuật cho phép tạo ra các sản phẩm ngân hàng hiệu quả với chi phí thấp thì các doanh nghiệp vẫn đang phải trả rất nhiều loại phụ phí để được tiếp cận các dịch vụ ngân hàng.
Về cơ chế lương thưởng

Thị trường tài chính về cơ bản là phương tiện để huy động và phân bổ hiệu quả các nguồn lực tài chính. Nếu thị trường tài chính vận hành hiệu quả trong việc quản trị rủi ro và phân bổ nguồn vốn, thì nền kinh tế sẽ phát triển tốt, và không có gì đáng ngạc nhiên nếu các định chế trung gian tài chính chia sẻ bớt một phần miếng bánh lợi nhuận này. Tuy nhiên, vấn đề lại nảy sinh khi phần lợi nhuận của các trung gian tài chính không phù hợp với các lợi ích của toàn xã hội hay lợi nhuận dài hạn của khu vực tài chính.

Kinh tế thị trường sẽ chỉ mang lại hiệu quả kinh tế và tăng trưởng bền vững khi cân bằng được lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội. Chúng ta đều nhất trí là ngoài lương thì thưởng và các khoản khác như quyền mua cổ phiếu đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút và gìn giữ nhân tài và tạo động lực cho họ cống hiến thực hiện tốt mục tiêu tối đa hoá giá trị cho cổ đông (chủ sở hữu). Tuy nhiên, nếu ta nhìn vào cơ cấu lương thưởng và quyền mua cổ phiếu dành cho các cấp quản trị thì hầu hết các khoản này đều chủ yếu được tính dựa trên các tiêu chí về hiệu quả kinh tế ngắn hạn như chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận trong năm. Điều này dễ dẫn đến tình trạng các nhà quản lý tập trung quá mức vào việc hoàn thành các chỉ tiêu ngắn hạn mà quên đi lợi ích trung, dài hạn và chấp nhận rủi ro quá mức cần thiết để đạt được các chỉ tiêu này.

Trong khu vực tài chính nước ta, lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội nhiều khi vẫn chưa được hài hoà. Đã có nhiều câu hỏi đặt ra về mức lương thưởng khổng lồ của tổng giám đốc các ngân hàng thương mại cổ phần.# Nếu các ngân hàng thực sự làm ăn hiệu quả thì việc chi trả những khoản lương thưởng này là hoàn toàn xứng đáng. Vấn đề là làm thế nào để đo lường chính xác được hiệu quả kinh tế và phải đảm bảo hài hoà giữa lợi ích cá nhân và lợi ích cộng đồng vì như chúng ta thấy lợi nhuận của các ngân hàng phần lớn đến từ các doanh nghiệp. Các nhà quản lý cao cấp được thưởng nếu hoàn thành vượt mức kế hoạch bất kể là khoản lợi nhuận đó được mang lại nhờ chấp nhận rủi ro cao hơn hay thực sự là doanh nghiệp, ngân hàng đó thu được lợi nhuận cao hơn toàn thị trường nhờ hoạt động hiệu quả hơn nhờ những kỹ năng và kinh nghiệm vượt trội của các cấp quản lý. Hầu như định chế tài chính nào cũng có thể đạt được lợi nhuận cao bằng việc chấp nhận rủi ro cao hơn nhưng ít ai có thể thực sự thắng được thị trường. Vì vậy, các nhà tài chính của chúng ta thường chọn con đường dễ đi hơn. Các vấn đề liên quan đến lương thưởng dành cho cấp quản trị đã được nhận biết từ lâu. Nếu chúng ta không thực sự chú trọng đến vấn đề chất lượng thì những nhà quản trị được trả lương thưởng dựa trên các tiêu chí về số lượng sẽ chú trọng đến các con số hơn là chất lượng đằng sau các con số đó. Ngoài ra, cũng cần lưu ý là khu vực tài chính có nhiều chuyên gia kế toán hàng đầu có thể sử dụng các thủ thuật kế toán để đạt và vượt các chỉ tiêu lợi nhuận trước mắt và các khoản lỗ chỉ bị phát hiện sau này mà thôi.

Vì vậy, chúng tôi cho rằng cơ chế lương thưởng trong các định chế tài chính trung gian cần dựa vào các tiêu chí hiệu quả kinh tế được điều chỉnh theo mức độ rủi ro.
Về rủi ro đạo đức

Trong quá trình hoàn thiện các thể chế tài chính, các cơ quan quản lý nhà nước đã đưa ra áp dụng nhiều chính sách công về quản trị rủi ro từ luật công ty trách nhiệm hữu hạn đến cơ chế bảo hiểm tiền gửi. Rủi ro không hoàn toàn mất đi dù đã áp dụng các công cụ đảm bảo rủi ro, rủi ro chỉ chuyển đổi từ hình thức này sang hình thức khác, từ định chế này sang định chế khác mà thôi. Trong quá trình chuyển đổi này, rủi ro về đạo đức là khó tránh khỏi. Bất kỳ ai cho rằng mình đã được đảm bảo rủi ro, thì rất có khả năng là người đó sẽ trở nên liều lĩnh hơn. Lấy ví dụ khi ta đã mua bảo hiểm cho xe ô tô thì nhiều khi ta lái không được cẩn thận như lúc trước hoặc không quan tâm lắm về va quẹt vì nếu xảy ra vấn đề gì đã có công ty bảo hiểm chịu trách nhiệm. Đấy cũng là một hình thức rủi ro đạo đức.

Trong điều hành vĩ mô, các cơ quan quản lý nhà nước cần tính đến khả năng xảy ra rủi ro đạo đức. Ví dụ như với cơ chế bảo hiểm tiền gửi, các ngân hàng nhiều khi chấp nhận rủi ro cao hơn để hy vọng đạt được lợi nhuận cao hơn bù đắp chi phí phải trả bảo hiểm tiền gửi. Vì huy động tiền gửi thì phải đóng phí bảo hiểm, nên nhiều khi các ngân hàng không chú trọng đến chức năng cơ bản của mình là đi vay để cho vay, không chú trọng đúng mức đến quản trị rủi ro thanh khoản và bỏ qua thị trường huy động vốn bán lẻ mà lại phụ thuộc quá nhiều vào thị trường vốn bán buôn như thị trường liên ngân hàng hoặc phát hành các loại chứng chỉ tiền gửi. Hầu hết các ngân hàng thương mại đều thành lập Uỷ ban Quản lý tài sản Nợ - Có (ALCO), tuy nhiên, phần lớn các ủy ban này chưa phát huy hiệu quả thực sự trong quản trị thanh khoản.

Một ví dụ nữa là chúng ta thường thấy lãnh đạo các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp chỉ trích các cơ quan quản lý nhà nước là điều hành giật cục gây khó khăn cho doanh nghiệp.# Tuy nhiên, cần nhìn nhận công bằng hơn khi các ngân hàng và doanh nghiệp nên tự nhìn lại công tác dự báo và quản trị rủi ro của mình. Trước khi chỉ trích, chúng ta nên nhìn lại vấn đề cốt lõi trong vai trò trung gian tài chính của các ngân hàng, đó là quản trị và chuyển hoá rủi ro. Đây là chính là chức năng đặc biệt mà chỉ có các ngân hàng thương mại mới có thể thực hiện hiệu quả hơn ai hết. Ngân hàng thương mại được lập ra là để chấp nhận rủi ro và chuyển hoá các rủi ro đó, trong đó, có rủi ro chính sách.


Vai trò của nhà nước

Cuộc khủng hoảng vừa qua cũng đồng thời là cuộc khủng hoảng niềm tin vào vai trò bàn tay vô hình của thị trường. Ngay cả huyền thoại Alan Greenspan cũng phải thừa nhận đã sai lầm khi quá tin vào cái gọi là khả năng tự quản trị của thị trường. Ông đã từng cho rằng vì lợi ích của mình, các nhà quản trị ngân hàng sẽ quản trị rủi ro tốt hơn. Tuy nhiên, thực tế lại không như vậy và các ngân hàng đã không thực hiện tốt chức năng quản trị rủi ro của mình. Có vẻ như là cơ chế thị trường trong quản trị đã thất bại.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là tại sao cần có sự quản lý của nhà nước? Nếu tôi chơi bạc và thua lỗ thì chỉ mình tôi chịu thiệt, còn nếu các nhà quản trị ngân hàng cũng lao vào canh bạc của thị trường và thua lỗ, thì như đã nói ở phần trên, người phải gánh chịu những khoản thua lỗ này lại là chúng ta, những người dân đóng thuế, chứ không chỉ riêng cổ đông của các ngân hàng đó. Chúng ta cần vai trò quản lý của nhà nước là để tránh những chuyện như vậy xảy ra.

Chúng tôi cho rằng đã dấn thân ra biển lớn, chấp nhận cuộc chơi, thì các nhà quản trị, các cổ đông ngân hàng cần phải chấp nhận luật chơi chung do các cơ quan quản lý nhà nước đặt ra theo các thông lệ quốc tế. Đã đến lúc chúng ta cần phải dựa vào bàn tay hữu hình của nhà nước để lập lại những phẩm chất cần thiết trong ngành tài chính ngân hàng: tự chịu trách nhiệm, trung thực, cẩn trọng và khách quan.



1- Hoàng Lan, Ngân hàng rót hơn 210.000 tỷ đồng vào nhà đất, VnExpress 16/09/2010.

2- Vũ Quỳnh, Sẽ xét lại lương tổng giám đốc các ngân hàng cổ phần?, VnEconomy 20/08/2010.

3- Nguyễn Hoài, Điều chỉnh tỷ giá: “Cần lượng hóa và nhảy tuần tự”, VnEconomy 13/09/2010.

4- Hoàng Vũ, Rủi ro tỷ giá gây khó doanh nghiệp niêm yết, VnEconomy 01/09/2010.

5- M. Dung, Lợi nhuận giảm vì tỷ giá, Đất Việt 14/09/2010.


1 GS thỉnh giảng Trường Kinh doanh Rouen, CH Pháp

Каталог: webcenter -> contentattachfile

tải về 31.84 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương