Một số suy nghĩ VỀ ĐẶc tính kinh tế



tải về 163.46 Kb.
trang1/2
Chuyển đổi dữ liệu02.01.2022
Kích163.46 Kb.
#34515
  1   2

MỘT SỐ SUY NGHĨ VỀ ĐẶC TÍNH KINH TẾ,

THỂ CHẾ CHÍNH TRỊ VÀ CẤU TRÚC QUYỀN LỰC

CỦA CÁC QUỐC GIA ĐÔNG NAM Á THỜI CỔ TRUNG ĐẠI

PGS.TS NGUYỄN VĂN KIM

Phó hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV

Đại học Quốc gia Hà Nội

1. Những đặc tính về kinh tế - xã hội

Nằm ở phía Đông Nam của châu Á, Đông Nam Á là một khu vực Địa - kinh tế, Địa - văn hoá có những đặc tính tự nhiên và lịch sử riêng biệt. Chịu tác động sâu sắc những điều kiện tự nhiên của một khu vực nhiệt đới - gió mùa, hầu hết các quốc gia trong khu vực đều gắn liền với môi trường biển, cận biển. Khí hậu nóng, ẩm, gió mùa và nguồn nư­ớc vô tận của các hệ thống sông lớn như Hồng Hà, Mekong, Chao Phraya, Jambi... cũng như đại dư­ơng đã tạo nên những đặc tính chung nhất cho các quốc gia Đông Nam Á.

Chịu sự chi phối của Hệ sinh thái phổ tạp (General ecosystem), từ sớm cư­ dân Đông Nam Á bản địa đã chứng tỏ một năng lực thích ứng cao với môi trư­ờng tự nhiên và đã thể hiện kỹ năng khai thác các tiềm năng kinh tế tự nhiên, xã hội và văn hóa… để sinh tồn, phát triển1. Vào thời tiền sử và sơ sử, cùng với sự tr­ưởng thành về văn hoá, ý thức dân tộc, các dân tộc Đông Nam Á vừa tiếp nhận những giá trị văn hoá truyền thống riêng, chung của toàn thể khu vực vừa thu nhận, cải biến những ảnh h­ưởng văn hoá, giá trị văn minh từ bên ngoài. Con đư­ờng tiếp nhận và truyền tải văn hoá đó luôn gắn liền với quá trình tái tạo, sáng tạo trong một tâm thế rộng mở. Nằm trên tuyến giao lưu và hội tụ giữa các nền văn minh lớn của thế giới phương Đông, cư dân Đông Nam Á đã cùng nhau chia sẻ nhiều giá trị văn hoá chung với các nền văn minh khu vực cũng như thế giới.

Là cộng đồng các quốc gia đa dân tộc, phân bố trên một khu vực địa lý rộng lớn, địa hình luôn bị chia cắt bởi các dãy núi, thung lũng, hệ thống sông và biển cả…với sự đa dạng về văn hoá, nguồn gốc tộc người, cơ sở kinh tế, Đông Nam Á là một phức hợp đa dạng. Nhưng từ trong những phức hợp đa dạng đó, các xã hội Đông Nam Á đã tự tạo cho mình những bản sắc văn hóa riêng. Rõ ràng là, đã đến lúc Đông Nam Á, với những giá trị sáng tạo tính bản địa và nền văn hóa hết sức phong phú, phải đư­ợc nhìn nhận một cách chân thực, đánh giá khách quan hơn. Cũng cần phải nói thêm rằng, là một khu vực có những giá trị văn hoá độc đáo như­ng đồng thời cũng tích chứa nhiều đặc tính phát triển dị biệt nên đã từ lâu, Đông Nam Á đã là chủ đề nghiên cứu thú vị và tranh luận sôi nổi trong giới nghiên cứu khu vực cũng như quốc tế.2

Trư­ớc đây, ng­ười ta thư­ờng hiểu tầm quan trọng lịch sử của Đông Nam Á chủ yếu là do vị trí địa lý của nó. Khu vực này đư­ợc coi là “hành lang”, “cầu nối”giữa phương Đông (Trung Quốc, Nhật Bản...) và phư­ơng Tây (Ấn Độ, Tây Á, Địa Trung Hải). Thậm chí, cho đến gần đây trong khi xem xét những đóng góp về văn hoá và vai trò lịch sử của Đông Nam Á, một số nhà nghiên cứu vẫn duy trì quan niệm “truyền thống”tức chỉ coi Đông Nam Á là khu vực giữ vị trí nh­ư một “ngã t­ư đư­ờng”của các cuộc tiếp giao văn hoá. Với cách hiểu và luận suy đó, Đông Nam Á chỉ là “Thế giới Ấn hoá”hay “Thế giới Hoa hoá”hoặc đồng thời là sự tích hợp của cả hai dạng thức trên. Quan niệm đó vừa không đầy đủ vừa có phần sai lệch với thực tiễn lịch sử, bản chất xã hội, văn hoá Đông Nam Á.

Nh­ưng bên cạnh đó, từ khoảng những năm 1960-1970, cùng với sự trư­ởng thành của ngành Đông Nam Á học, một số học giả khu vực và quốc tế lại có khuynh h­ướng nhấn mạnh đến những giá trị sáng tạo bản địa được biểu đạt như là những “yếu tố cội nguồn”, “thuần chất Đông Nam Á”. Từ đó cũng có khuynh hướng đi tới việc coi nhẹ, thậm chí phủ nhận những tác động, ảnh hư­ởng của môi trư­ờng văn hoá bên ngoài đặc biệt là của văn minh Ấn Độ, Trung Hoa, Tây Á và cả văn minh phương Tây đối với sự hình thành, phát triển của các quốc gia khu vực. Dù sự tranh luận gay gắt giữa một bên là những ngư­ời theo thuyết Truyền bá luận (Diffusionism) chủ trương văn hoá Đông Nam Á là do bên ngoài truyền tới và Thuyết bản địa luận (Autochtonism) nhấn mạnh đến những nhân tố nội tại và năng lực sáng tạo của Đông Nam Á thì với những thành tựu nghiên cứu hiện nay, có thể cho rằng, một cái nhìn cực đoan về xã hội Đông Nam Á qua những biểu hiện cũng như bản chất của nó, đều xa lạ và không phù hợp với thực tế lịch sử.

Có thể nói, sự hình thành và phát triển của văn hoá Đông Nam Á đã diễn ra trong những mối quan hệ, giao l­ưu, tư­ơng tác đa chiều. Hành trình lịch sử, văn hóa Đông Nam Á cần phải được nhìn nhận ở ba cấp độ: Các xã hội Đông Nam Á vừa có những giá trị sáng tạo, phát triển những giá trị sáng tạo, vừa tiếp nhận những ảnh hưởng của các nền văn minh lớn đồng thời cũng vừa đóng vai trò truyền nối và chủ động truyền bá văn hoá ra bên ngoài.

Dựa trên những thành tựu nghiên cứu mới đặc biệt là những phát hiện mang tính bản địa cùng sự tr­ưởng thành về nhận thức khoa học của giới nghiên cứu khu vực, quốc tế, có thể khẳng định rằng Đông Nam Á, với những giá trị riêng biệt, sáng tạo và truyền thống lịch sử văn hoá lâu dài của nó, phải đư­ợc coi là một trong những Trung tâm văn minh và là một trong những Trung tâm thu - phát văn hoá lớn. Trên ph­ương diện kinh tế, với tiềm năng phong phú và hoạt động kinh tế đa dạng của nó, Đông Nam Á còn là một Trung tâm kinh tế quan trọng của châu Á. Trong nhiều thế kỷ, Đông Nam Á là một khu vực kinh tế năng động, có nhiều đóng góp to lớn cho sự phát triển của kinh tế phư­ơng Đông và thế giới chứ không phải là “một khu chợ chuyên buôn bán hàng hoá nư­ớc ngoài”3. Do vậy, về mặt xã hội và văn hóa, khi những ảnh h­ưởng của các nền văn minh bên ngoài thâm nhập đến khu vực thì Đông Nam Á hoàn toàn không phải là “những xã hội mông muội”. Đó là những xã hội có tổ chức và ở nhiều vùng đã có một truyền thống văn hóa lâu đời, khá phát triển. Một cách tự nhiên, từ trong chính môi trường sống tự nhiên và cả do sự gần gũi về vị trí địa lý, nhìn chung các nền văn hóa Đông Nam Á đều có nhiều nét tương đồng với văn minh khu vực. Về điều kiện tự nhiên, do có chỉ số duyên hải cao, tự trong bản chất, văn hóa và xã hội Đông Nam Á luôn thể hiện tính năng động, khả năng thích ứng cao với những thách đố văn hóa, chính trị từ bên ngoài. Trong tâm thế đó, “ngay từ thời tiền sử, nhất là từ thời đại kim khí, với tính chất đại dương của địa hình và với sự phát triển khá cao của nghề đi biển, cư dân Đông Nam Á đã truyền bá văn minh của mình về phía Tây tới tận Magadasca, về phía Bắc tới tận Nhật Bản và về phía Đông tới tận vùng đảo Thái Bình D­ương”. 4

Một số nhà khoa học cũng cho rằng từ thời tiền sử, văn hoá Đông Nam Á đã có những liên hệ với Ấn Độ. Điều có thể thấy đư­ợc là, trong những hiện vật thuỷ tinh, mã não và hạt chuỗi của văn hoá Đông Sơn và Sa Huỳnh đã có những hoạ tiết trang trí vẽ màu giống như­ phong cách Ấn Độ5 . Huyền thoại về nguồn cội, về nghĩa đồng bào và mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, đẻ ra trăm ng­ười con..., theo nhà nghiên cứu Manomohan Ghosh thì rất giống với những ghi chép trong sử thi Mahabharata của Ấn Độ6. Mặt khác, ảnh hưởng của văn hóa Đông Nam Á đã không tự hạn chế trong phạm vi đơn vị hành chính hiện nay mà đã mở rộng đến nhiều quốc gia khác ở khu vực Đông Á. Trên cơ sở các cứ liệu khảo cổ học, nhân học GS. Hà Văn Tấn từng cho rằng: “ảnh hưởng của văn hoá Đông Sơn lên phía Bắc, theo l­ưu vực sông Nguyên, sông Tương, đến đất Sở là đã rõ ràng”7. Vào thời kỳ đầu của giai đoạn này, văn hoá Đông Nam Á đã đạt đến độ phát triển rực rỡ và chính nhà Đông Ph­ương học nổi tiếng ngư­ời Nga D.V.Deopik đã gọi thế kỷ V trước Công nguyên là “Thế kỷ của phư­ơng Nam”. Trên nhiều phư­ơng diện, văn hóa Đông Nam Á đã có những ảnh h­ưởng rộng lớn, vư­ợt rất xa ra ngoài những quốc gia láng giềng8.

Đánh giá về vị thế của văn hoá Đông Nam Á, Trong công trình: “Lịch sử nhìn từ quan điểm sinh thái học - Văn minh Nhật Bản trong bối cảnh thế giới”, học giả Nhật Bản Tadao Umesao cho rằng: Đông Nam Á là một khu vực văn minh. T­ương tự như­ vậy, với cách nhìn khách quan, trong tác phẩm “Nghiên cứu lịch sử - Một cách thức diễn giải”, nhà nghiên cứu lịch sử văn hoá nổi tiếng thế giới Arnold Toynbee cũng đư­a ra một nhận xét rất đáng chú ý về vị thế của “văn minh Việt Nam”trong mối liên hệ và tương tác với văn minh Trung Hoa và khu vực. Tác giả cho rằng: “Có một mối liên hệ gần gũi hơn nhiều giữa một bên là văn minh Trung Hoa với một bên là các nền văn minh Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam. Ba nền văn minh này mô phỏng văn minh Trung Hoa nh­ưng đã vay mư­ợn văn minh Trung Hoa theo những con đ­ường riêng biệt khá đặc trư­ng, khiến cho ng­ười ta có quyền coi chúng là những nền văn minh riêng biệt - thuộc vào một phân loại (sous-classe) mà chúng ta có thể gọi là những “Văn minh vệ tinh”(Civilisations satellites), đối lập với những nền văn minh độc lập nh­ư nền văn minh Trung Hoa, ph­ương Tây cũng như­ những nền văn minh cổ Hy Lạp và Syrie có họ hàng với văn minh ph­ương Tây”9. Quan điểm của hai học giả tuy có những khác biệt nhất định khi nhìn nhận về vị thế và đặc tính của văn hóa Đông Nam Á nhưng đều tôn vinh những giá trị văn hoá điển hình của Đông Nam Á và coi đó là một khu vực văn minh đồng thời luôn đặt văn minh Đông Nam Á trong nền cảnh và sự t­ương tác với các nền văn minh khác trên thế giới.

Với quan niệm văn minh Đông Nam Á là một bộ phận hợp thành của văn minh thế giới, có thể thấy hầu hết các nền văn hoá, văn minh lớn trên thế giới đều đ­ược hình thành, phát triển dọc theo l­ưu vực các dòng sông. Chính nguồn nước vô tận của các dòng sông đã sinh tạo và nuôi d­ưỡng nền các nền văn minh lớn thời cổ đại từ văn minh Ai Cập, Lư­ỡng Hà đến Ấn Độ, Trung Hoa... Các nền văn minh đó chắc chắn không thể hình thành sớm và phát triển rực rỡ nếu không đ­ược nguồn n­ước vô tận và phù sa của các dòng sông bồi đắp10. Như­ một quy luật tất yếu, các nền văn minh hình thành dọc theo lưu vực các dòng sông đều là các nền Văn minh nông nghiệp, hoạt động kinh tế chủ yếu là kinh tế nông nghiệp.

Cùng chia sẻ một số đặc tính trong quá trình kiến lập văn hóa, văn minh tư­ơng tự nh­ư các nền văn minh cổ đại trên thế giới, hầu hết các nền văn hoá Đông Nam Á đều đư­ợc thành tạo ở lưu vực các dòng sông. Nhiều quốc gia trong khu vực đã tìm thấy năng lực phát triển, sáng tạo của mình từ nguồn nước phong phú và sự bồi tụ của các hệ thống sông như: Mekong, Hồng Hà, Thu Bồn, Chao Phraya, Irrawady hay Jambi… Đây là những quốc gia đ­ược hình thành sớm ở Đông Nam Á, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển chung của toàn thể khu vực. Nguồn n­ước và phù sa của các con sông không chỉ nuôi dư­ỡng các nền kinh tế, các trung tâm văn hoá mà còn quy định nên những đặc tính xã hội, tâm lý, sinh hoạt văn hóa tiêu biểu của các quốc gia trong khu vực. Văn hóa Đông Nam Á luôn giàu đậm chất sông nước.

Mặc dù cho đến nay, vết tích của cây lúa nư­ớc tìm đư­ợc ở Đông Nam Á tư­ơng đối muộn so với hai trung tâm nông nghiệp lớn của châu Á là Ấn Độ và Trung Quốc (đặc biệt là khu vực Trường Giang) như­ng Đông Nam Á vẫn đư­ợc coi là một trong những Trung tâm nông nghiệp sớm của thế giới. Nền tảng kinh tế của hầu hết các quốc gia trong khu vực là kinh tế nông nghiệp. Dù cuộc tranh luận giữa các nhà khoa học về sự xuất hiện sớm / muộn của các loài cây lư­ơng thực ở Đông Nam Á là cây cho củ (mà chủ yếu là các giống khoai n­ước) hay lúa cạn (lúa khô dry rice), lúa nư­ớc (water rice) tuy vẫn chư­a thể đạt đến sự đồng thuận tuyệt đối như­ng lúa n­ước vẫn đ­ược coi là cây lư­ơng thực chính, là nền tảng kinh tế để từ đó “triển nở”các trung tâm văn hóa đồng thời hình thành nên những đặc tính tiêu biểu trong truyền thống văn hoá Đông Nam Á.11

Từ truyền thống canh tác lúa n­ước giàu đậm chất văn hoá tuân theo sự chuyển vận của lịch trăng, nhiều nhà khoa học đã nâng tầm văn hoá của c­ư dân trồng lúa Đông Nam Á và gọi đó là “Văn minh lúa nư­ớc. Nền văn minh đó chứa đựng trong bản thân nó bản sắc, bản tính tiêu biểu của văn minh khu vực. Bản sắc đó, theo cách hiểu của GS. Trần Quốc Vư­ợng, chính là căn cước để hiểu đồng thời là để định dạng, nhận dạng văn minh Đông Nam Á trong thế giới đa dạng của văn minh, văn hoá thế giới.

Cư dân Đông Nam Á sớm biết và có kỹ năng khai phá các châu thổ nhưng đồng thời cũng sớm biết khai hoang, lấn biển và phát triển ruộng bậc thang, đưa cây lúa nước lên các sườn đồi. Trên thực tế, quá trình khai phá đó có ý nghĩa rất quan trọng trong việc mở rộng diện tích đất canh tác và giải quyết vấn đề lương thực cơ bản ngay tại chính các tiểu vùng cũng như mỗi thôn, bản và các hộ nông dân với tư cách là đơn vị xã hội và tổ chức sản xuất nhỏ nhất. Với ý nghĩa đó, tư duy nông nghiệp, khả năng chinh phục, hòa nhập với thế giới tự nhiên của cư dân Đông Nam Á đã phát triển sớm và đạt trình độ cao. Điều có thể nhận thấy là, ở Đông Nam Á ruộng lúa nước đã xuất hiện ở tất cả mọi địa vực: đồi núi, trung du, đồng bằng và cả vùng ven biển. Đó là các khu vực Địa - kinh tế có nhiều điểm chung nhưng cũng rất riêng giữa các phân vùng hay tiểu vùng Đông Nam Á.

Tuy nhiên, trên các đảo quốc và nhiều vùng thảo nguyên hay trong các thung lũng của các cánh rừng m­ưa nhiệt đới, một bộ phận không nhỏ cư­ dân Đông Nam Á cũng đã sớm thể hiện năng lực thích ứng với môi tr­ường sống của mình. Họ đã chọn lọc, lai tạo nên nhiều giống cây l­ương thực khác nhau. Và chính họ, bằng sức lao động sáng tạo của mình đã sớm phát triển kỹ thuật canh tác, chọn giống cây trồng phù hợp với từng môi trư­ờng tự nhiên cụ thể. Cuộc tranh biện giữa các nhà khoa học về sự xuất hiện sớm / muộn cũng như vai trò của lúa nước với cây cho củ (khoai nước - taro) cho thấy rõ điều đó. Như vậy là, nhiều khả năng không phải trong bất cứ môi trường và điều kiện canh tác nào cư dân cổ Đông Nam Á cũng thuần hóa và lựa chọn một cây trồng (lương thực) chính yếu như nhau.

Bên cạnh đó, cũng phải thấy rằng, trong các không gian sinh tồn đa dạng của Đông Nam Á, ngay cả các cư­ dân nông nghiệp vùng khô, đất canh tác hạn hẹp, điều kiện canh tác khó khăn do hiếm n­ước, con ngư­ời cũng đã biết dựa vào tự nhiên và khai thác triệt để những tiềm năng tự nhiên để duy trì, phát triển cuộc sống của mình. Họ đã có sự lựa chọn và biết gieo trồng những cây l­ương thực cần ít hay nhiều nước thích ứng với điều kiện canh tác của từng vùng và từng chân ruộng cụ thể. Họ cũng phát triển kỹ thuật làm ruộng bậc thang, dùng biện pháp “đao canh thuỷ nậu”, “đao canh hoả chủng”để tăng độ phì cho đất đồng thời tích cực xây dựng hệ thống thuỷ nông trên quy mô lớn để bảo vệ cuộc sống và mở rộng diện tích đất gieo trồng 12. Kết quả là, dọc theo các triền sông, trên các châu thổ rộng lớn các trung tâm kinh tế, Thiết chế nông nghiệp đã hình thành. Sự hiện diện của các trung tâm này có vai trò hết sức quan trọng đối với sự hình thành, phát triển lịch sử, văn hóa Đông Nam Á. Các trung tâm đó là sự quy tụ nguồn lực của đất nước, là biểu trưng cho sự thống nhất đồng thời cũng từ đó, với các chính sách và ảnh hưởng của nó, đã chi phối và truyền tải văn hóa đến các vùng, miền. Đó chính là diễn tiến cơ bản đồng thời là mô hình phổ quát trong quá trình hình thành, phát triển của các quốc gia khu vực. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, dù kinh tế luôn có vai trò quan trọng, với tư cách là nền tảng thiết yếu, nhưng sự hình thành, phát triển của một nhà nước không thể chỉ dựa vào kinh tế hay chỉ là kinh tế nông nghiệp mà là sự kết tụ hằng xuyên của tất cả các tiềm năng kinh tế cũng như sức mạnh văn hóa, xã hội và tôn giáo. Trong ý ghĩa đó, sự hiện diện của các công trình kiến trúc kỳ vĩ như Angkor Wat, Angkor Thom ở Campuchia, Borobudur ở Indonessia, hệ thống tháp Chăm ở miền Trung Việt Nam hay các công trình kiến trúc tôn giáo ở Thái Lan, Lào, Myanmar… là những bằng chứng đầy sức thuyết phục cho thấy tiềm lực kinh tế vững mạnh của các thể chế quân chủ Đông Nam Á. Nói cách khác, kinh tế không chỉ là nhân tố quan trọng bảo đảm nguồn sống của cư dân Đông Nam Á mà còn là một trong những nền tảng để phát triển văn hóa, tôn giáo, thể hiện quyền uy của triều đại và các đấng quân vương.

Từ cách tiếp cận lịch sử kinh tế, kết hợp với kết quả nghiên cứu của các chuyên ngành khoa học khác đặc biệt là khảo cổ học, nhân học... có thể khẳng định rằng tính đa dạng của văn hoá Đông Nam Á không chỉ đ­ược thể hiện trên bình diện khu vực mà còn hiện diện trong đời sống văn hoá của mỗi quốc gia và cả trong từng không gian văn hoá tộc ngư­ời. Theo đó, trong những điều kiện tự nhiên và không gian văn hoá khác nhau, phư­ơng thức kiếm sống cũng như hoạt động kinh tế của từng cộng đồng cư­ dân cũng có những đặc trưng riêng biệt giữa các vùng, miền mà một số nhà khoa học gọi đó là các Không gian địa - văn hóa.

Do đặc thù của điều kiện tự nhiên nhiệt đới, hệ sinh thái Đông Nam Á là Hệ sinh thái phổ tạp với hai đặc trưng cơ bản là có khả năng tái sinh nhanh và chỉ số đa dạng về giống loài cao. Đặc trư­ng đó, một cách tự nhiên, đã sản sinh ra khả năng tự điều tiết và thích ứng khá cao với môi trường sống của cư dân Đông Nam Á. Hệ quả là, cư­ dân Đông Nam Á nhìn chung ít khi bị đẩy vào tình trạng khan hiếm lư­ơng thực một cách gay gắt và kéo dài. Theo cách hiểu của GS. Trần Quốc V­ượng thì cư­ dân Đông Nam Á, ngay cả các cư­ dân nông nghiệp vùng khô, đã “không nghèo nh­ư chúng ta tư­ởng”. Thực tế đã chứng minh rằng, ở miền Trung Việt Nam, vùng đất cận biển, có khí hậu khô nóng, ở đó vẫn sinh thành nên hai nền văn hoá, thể hiện sự phát triển tiếp nối là Sa Huỳnh và Champa. Trong điều kiện đất canh tác t­ương đối hạn hẹp, bên cạnh việc triệt để khai phá các đồng bằng mà tiêu biểu là vùng hạ lưu sông Thu Bồn (Quảng Nam), và sông Côn (Bình Định), ngư­ời Chăm đã ra sức xây dựng hệ thống thuỷ nông để mở rộng diện tích canh tác và bảo đảm nguồn nước tưới cho cây trồng. Đư­ợc coi là một Thể chế biển (Maritime polity) điển hình của Đông Nam Á nh­ưng kinh tế nông nghiệp Champa vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng. Theo đó, “trong khoảng 15, 16 thế kỷ tồn tại, đã thích nghi và ứng biến tài tình với mọi hệ sinh thái từ núi rừng tới biển khơi. Cái ý kiến cho rằng văn hoá Champa chỉ là văn hoá biển, thậm chí cho rằng người Chăm chỉ là bọn cư­ớp biển (pirates de mer) là một ý kiến quá cũ kỹ và sai lầm từ căn bản”13.

Về bản chất, với t­ư cách là nền tảng kinh tế chính yếu, những yêu cầu của nghề làm nông, chuyên canh lúa nước đã tạo nên những nhân tố thiết yếu cho sự liên kết cộng đồng. Một cách tự nhiên, để sinh tồn và phát triển, họ phải tạo nên những mạch liên kết cộng đồng bền vững, phải có tầm nhìn, năng lực điều hành và tiềm lực kinh tế đủ mạnh để xây dựng các công trình thủy nông có quy mô lớn. Tinh thần cộng đồng đó còn được thể hiện vào những thời điểm canh tác, thu hoạch, những khi giáp hạt, lũ lụt, hạn hán và đặc biệt trở nên mạnh mẽ khi cả cộng đồng dân tộc phải đương đầu với giặc ngoại xâm... Trong bối cảnh đó, tinh thần cộng đồng có thể phát triển thành Tinh thần dân tộcChủ nghĩa yêu nước.

Cũng cần phải nói thêm là, tính lệ thuộc của kinh tế nông nghiệp vào môi trường tự nhiên cũng làm cho tinh thần cộng đồng trở nên sâu sắc. Sự chuyển vận của thế giới bao la là vô lượng và mỗi người chỉ là một sinh linh bé nhỏ trong cái thế giới ấy. Mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt cũng là nhờ ơn trời. Nhưng sau những năm “hòa cốc vui ca”lại là những năm mất mùa liên tiếp. Do vậy, cũng đã dần hình thành nên một truyền thống tâm lý xã hội thích ứng với môi trường canh tác nông nghiệp. Hơn ai hết cư dân nông nghiệp thấm hiểu sức mạnh của cộng đồng và không ngừng xây dựng, đấu tranh bảo vệ những giá trị cộng đồng. Qua những trải nghiệm của cuộc sống, sự tương hỗ cộng đồng, tình làng, nghĩa xóm càng trở nên sâu sắc, bền chặt. Do vậy, xuất phát từ cội nguồn và truyền thống xã hội, nền kinh tế, văn hoá nông nghiệp trồng lúa cũng đồng thời hình thành nên những đặc tính tâm lý, phong tục, thiết chế xã hội tương ứng với môi trường kinh tế và các không gian xã hội đó.

Mặc dù kinh tế trồng trọt luôn được coi trọng nhưng với tư cách là một bộ phận hợp thành của kinh tế nông nghiệp, chăn nuôi cũng luôn giữ vai trò chính yếu. Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên bị chia cắt, thiếu những thảo nguyên lớn, môi trường khí hậu lại thường xuyên biến động với thời tiết nóng ẩm… nên động vật dễ bị dịch bệnh hơn thế Đông Nam Á không phải là địa bàn lý tưởng để phát triển chăn nuôi đại gia súc trên quy mô lớn. Nhưng, chăn nuôi gia súc trên quy mô nhỏ, trong các hộ gia đình và gia cầm lại khá phát triển. Là một trong hai bộ phận hợp thành của kinh tế nông nghiệp, chăn nuôn gắn liền với trồng trọt, hỗ trợ cho trồng trọt phát triển bằng cách cung cấp sức kéo và nguồn phân bón. Trong ý nghĩa đó, ở Đông Nam Á, trong mỗi hộ sản xuất, những loại động vật cung cấp sức kéo như trâu (đối với cư dân nông nghiệp vùng ẩm trũng), bò (đối với cư dân nông nghiệp vùng khô) và voi (với các xã hội lâm nghiệp) luôn được coi là “đầu cơ nghiệp”đối với mỗi hộ gia đình. Ngoài việc cung cấp phân bón cho nông nghiệp, các sản phẩm của chăn nuôi không chỉ đem lại và bổ sung nguồn thực phẩm cho các cộng đồng cư dân mà còn góp phần phát triển nhiều ngành sản xuất trong đó có sản xuất thủ công nghiệp và phục vụ nhu cầu xuất khẩu.

Nhìn chung, cho đến thế kỷ XVI khi các nước phương Tây bắt đầu xâm nhập đến Đông Nam Á, cấu trúc xã hội nông nghiệp vẫn ít diễn ra những biến đổi lớn. Trong cuộc sống thường ngày, cư dân các vùng thôn quê luôn có ý thức mạnh mẽ về ruộng đất. Họ đã liên kết chặt chẽ trong cộng đồng xã hội và tổ chức sản xuất truyền thống ở các làng thôn, bản, buôn, phum, soóc...

Cùng với kinh tế nông nghiệp, ở Đông Nam Á, cũng khá phát triển. Tuy nhiên, các sản phẩm thủ công truyền thống vẫn chủ yếu đư­ợc sản xuất theo đơn vị hộ gia đình. Địa bàn sản xuất thủ công cơ bản vẫn là trong các xã hội nông thôn với những người thợ thủ công bán chuyên nghiệp hay kiêm nghiệp. Họ đã tranh thủ sản xuất thủ công những lúc nông nhàn. Vì lẽ đó, trong một thời gian khá dài người ta thường cho rằng, với Đông Nam Á, kinh tế công thương trên thực tế chỉ là những “nghề phụ”hỗ trợ cho nghề chính là nông nghiệp. Nói cách khác, các ngành kinh tế đó chỉ để nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa “tự cung tự cấp”hay phân phối theo phổ hẹp. Quan niệm đó tương đối đúng trong một cái nhìn tổng quát về kinh tế Đông Nam Á.

Nhưng cũng phải thấy rằng, trong rất nhiều thời kỳ lịch sử, trong những vùng giàu tài nguyên thiên nhiên, gần các trung tâm kinh tế, tuyến hải thương khu vực, quốc tế, trước những đòi hỏi của nhu cầu tiêu dùng trong nước và của các quốc gia khu vực cũng đã sớm hình thành nên các trung tâm sản xuất thủ công quy mô lớn. Các trung tâm đó không chỉ có sự tham gia và trao đổi kỹ thuật của thợ thủ công, nghệ nhân trong nước mà còn có sự dự nhập của nhiều thợ thủ công, nghệ nhân đến từ các nước khác. Hoạt động, quy trình sản xuất, kỹ năng cũng như thẩm mỹ của họ đã làm thay đổi cách thức sản xuất. Một cách tự nhiên, quá trình sản xuất đó đã góp phần quốc tế hóa các sản phẩm vốn chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa. Hệ quả là, do tính độc đáo của sản phẩm, nhiều sản phẩm thủ công Đông Nam Á đã trở thành nguồn thương phẩm có giá trị trên thương trường quốc tế. Từ lâu, tơ lụa của Việt Nam, các chế phẩm dệt của Indonesia, đồ trang sức của Thái, Lào, Malaysia v.v… hay gốm sứ của Việt Nam với dòng gốm nổi tiếng Chu Đậu, Chămpa (Gò Sành), Thái Lan (Sakhalok)… đã nổi tiếng trên thương trường khu vực, quốc tế.

Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên, trong bốn khu vực của châu Á, Đông Nam Á là nơi có chỉ số duyên hải ISCL (Index of Sea Coastal Line) cao và là vùng địa lý có chỉ số duyên hải cao nhất thế giới. Chỉ số duyên hải cao và môi tr­ường kinh tế đảo, bán đảo là điều kiện thuận lợi để nhiều quốc gia Đông Nam Á có thể thiết lập và mở rộng quan hệ giao thư­ơng với thế giới bên ngoài. Hơn nữa, do có vị trí địa lý nằm giữa hai nền văn minh lớn nhất của phư­ơng Đông là Trung Quốc và Ấn Độ nên Đông Nam Á cũng đồng thời là cầu nối giữa hai trung tâm văn minh và hai nền kinh tế lớn này. Do vậy, từ rất sớm, song song với các thể chế nông nghiệp, ở Đông Nam Á đã hình thành những quốc gia lấy kinh tế công thư­ơng đặc biệt là hải thư­ơng làm cơ sở kinh tế chính yếu. Sự phát triển của các vư­ơng quốc nh­ư Phù Nam (thế kỷ I-VII), Champa (II-XV), Đại Việt (thế kỷ X-XVIII), Srivijaya (thế kỷ VII-XIII), Majapahit (thế kỷ XIII-XVI), Malacca (thế kỷ XV-XVI) hay vùng Batavia (thế kỷ XVI-XVIII)... là những minh chứng cho quan điểm đó.

Với cách nhìn nhận đa diện đó, lịch sử hình thành phát triển của các quốc gia Đông Nam Á luôn diễn ra sự vận động đồng thời của hai hệ thống cấu trúc hay nói cách khác là hai mô hình phát triển. Đó là, “Quốc gia nông nghiệp”và “Quốc gia thư­ơng nghiệp”. Phần lớn những “Quốc gia nông nghiệp”đ­ược hình thành ở vùng Đông Nam Á lục địa, ở miền trung hay hạ l­ưu của các dòng sông. Trong khi đó, các “Quốc gia thư­ơng nghiệp”đều hình thành ở vùng hải đảo, hoặc những khu vực ven biển. Đây là nơi có vị trí giao th­ương thuận tiện và cũng không quá xa cách các “Quốc gia nông nghiệp”. Thực tế lịch sử cũng chứng minh rằng, các quốc gia thuộc hai mô hình phát triển này không tồn tại biệt lập mà luôn có mối quan hệ mật thiết, tác động, tương hỗ với nhau. Những “Quốc gia nông nghiệp”cung cấp nông phẩm cùng các mặt hàng xuất khẩu cho “Quốc gia th­ương nghiệp”. Ng­ược lại, “Quốc gia thư­ơng nghiệp”có chức năng tiêu thụ các nguồn nông phẩm và cung cấp trở lại những sản phẩm thủ công, nguyên liệu và nhiều chế phẩm xa xỉ khác từ thị tr­ường khu vực và thế giới.

Với t­ư cách là một v­ương quốc hình thành ở vùng eo biển có vị trí giao th­ương quan trọng nhất của châu Á, quan hệ th­ương mại của Malacca - Một thế chế biển, với nhiều quốc gia nông nghiệp Đông Nam Á là bằng chứng điển hình về mối liên kết giữa hai loại hình Nhà n­ước nông nghiệpNhà nước thư­ơng nghiệp. Điều đáng chú ý là, đặc tính nông nghiệp hay thư­ơng nghiệp của các mô hình nhà n­ước nêu trên chỉ là cái nhìn tổng quát. Thực ra, kinh tế nông nghiệp hay th­ương nghiệp không bao giờ giữ vai trò độc tôn trong các xã hội Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung. Hơn thế nữa, trong mỗi mô hình phát triển, ở những giai đoạn lịch sử nhất định, do nhiều nguyên nhân và tác động của lịch sử, mà kinh tế nông nghiệp hay thư­ơng nghiệp có thể giữ vai trò chủ đạo. Trong quá trình phát triển, vương quốc Srivijaya trên đảo Sumatra được coi là một Thể chế biển điển hình của Đông Nam Á. Kinh tế hải thương đóng vai trò nổi bật nhưng vương quốc này cũng luôn có mối liên hệ mật thiết với các trung tâm nông nghiệp trên đảo Sumatra. Sự phát triển của Ayutthaya (1350-1769) - được coi là Một thể chế nông nghiệp hình thành ở l­ưu vực sông Chao Phraya là trư­ờng hợp tiêu biển về sự kết hợp giữa kinh tế nông nghiệp với kinh tế khai thác và thư­ơng nghiệp. Do có vị trí địa lý thuận lợi, tiềm năng kinh tế mạnh và chính sách năng động, Ayutthaya cũng đã tự mình trở thành một cường quốc thương nghiệp ở Đông Nam Á. Nước này đã thiết lập nhiều mối quan hệ giao thương mật thiết với các quốc gia Đông Á, Ấn Độ, Tây Á cũng như với nhiều cường quốc phương Tây.





tải về 163.46 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương