Một số sự kiện lịch sử về tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Lào năm 1948-1949



tải về 36.73 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích36.73 Kb.
#13090
Một số sự kiện lịch sử về tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt - Lào năm 1948-1949







(TCTG) - Tư liệu phục vụ Cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam”.
Ngày 16 tháng 5 năm 1948

Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập Ban Cán sự hải ngoại của Đảng giúp Lào xây dựng phong trào kháng chiến

Ngày 16 tháng 5 năm 1948, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập Ban Cán sự hải ngoại của Đảng với nhiệm vụ giúp nhân dân Lào xây dựng phong trào cách mạng, đẩy mạnh kháng chiến ở phía tây. Sau khi được thành lập, Ban Cán sự hải ngoại quyết định tách Đảng bộ Lào - Thái cũ thành ba Đặc uỷ là: Đặc uỷ Lào, Đặc uỷ Miên (tức Campuchia), Đặc uỷ Kiều bào và phân công cán bộ phụ trách từng vùng. Đặc uỷ Lào do đồng chí Nguyễn Văn Long làm bí thư. Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị cho Đặc uỷ Lào, Ban Cán sự hải ngoại của Đảng tiếp nhận số vũ khí viện trợ của Miến Điện (nay là Mianma) và phối hợp giúp Lào xây dựng Mặt trận Tây Bắc Lào.



Thành lập Ban Cán sự Đảng và Ban Xung phong Lào Bắc

Để giúp Lào xây dựng khu Bắc Lào, nhất là tỉnh Hủa Phăn thành căn cứ địa trung ương của cách mạng Lào, làm chỗ dựa cho các cơ quan trung ương, mặt trận, chính quyền và quân đội Lào, chỉ đạo công cuộc kháng chiến trong cả nước, ngày 16 tháng 5 năm 1948, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương và Bộ Tổng Chỉ huy Quân đội quốc gia và dân quân tự vệ Việt Nam quyết định thành lập Ban Cán sự Đảng Lào Bắc, do đồng chí Lý Thế Sơn làm bí thư; đồng thời quyết định thành lập Ban Xung phong Lào Bắc gồm các đồng chí:

1. Cayxỏn Phômvihản - Trưởng ban.

2. Thạo Răng - Phó ban.

3. Đông Tùng - Chính trị viên.

Nhiệm vụ của Ban Xung phong Lào Bắc là dùng vũ trang tuyên truyền gây dựng và phát triển lực lượng sang vùng Thượng Lào, từ dọc sông Mã qua Điện Biên Phủ, lên Phôngxalỳ.

Nhân dịp thành lập Ban Xung phong Lào Bắc, Chủ tịch
Hồ Chí Minh đã gửi thư căn dặn: Ban Xung phong Lào Bắc phải ra sức gây cơ sở quần chúng trong vùng địch kiểm soát. Trước khi Ban Xung phong Lào Bắc lên đường sang Lào, đồng chí Võ Nguyên Giáp, Tổng Chỉ huy Quân đội quốc gia và dân quân tự vệ Việt Nam đã gặp gỡ, trao đổi góp ý kiến về xây dựng và chiến đấu với đồng chí Cayxỏn Phômvihản. Lực lượng ban đầu của Ban Xung phong Lào Bắc có khoảng 10 cán bộ cả Lào và Việt Nam, cùng một trung đội vũ trang tuyên truyền, đứng chân ở một bản người Thái từ Mộc Châu (Sơn La, Việt Nam) chuyển lên vùng biên giới và ngày 20 tháng 5 năm 1948 sang tỉnh Hủa Phăn (Lào). Về hướng hoạt động của Ban Xung phong Lào Bắc, Bộ Tổng Chỉ huy Quân đội quốc gia và dân quân tự vệ Việt Nam đề ra một số quan điểm:

1. Phải xây dựng cơ sở chính trị. Muốn gây được cơ sở chính trị thì phải có cán bộ đi sâu vào vùng địch hoạt động tổ chức tiêu thổ bí mật, hoặc dùng vũ trang tuyên truyền do người địa phương có uy tín làm đội trưởng.

2. Khi cơ sở phát triển rộng và vững thì phát động du kích chiến tranh. Trong tác chiến phải trọng nguyên tắc bảo tồn lực lượng.

3. Phải chú ý giúp đỡ nhân dân vùng tạm bị chiếm và tìm mọi phương tiện nâng cao mức sinh hoạt cho nhân dân vùng tự do.

4. Chú trọng giúp Lào đào tạo cán bộ người địa phương. Đây sẽ là phương pháp giúp công cuộc giải phóng Lào có hiệu quả.

Từ ngày 14 đến 18 tháng 1 năm 1949

Hội nghị cán bộ lần thứ sáu Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương

Nhằm đẩy mạnh cuộc kháng chiến ở Việt Nam và Lào, từ ngày 14 đến 18 tháng 1 năm 1949, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương họp Hội nghị cán bộ lần thứ sáu tại Việt Nam. Hội nghị chủ trương: mạnh bạo đẩy mạnh vận động chiến và khi đủ điều kiện thì kịp thời nâng vận động chiến lên địa vị quan trọng để tiến sang giai đoạn phản công. Trọng tâm trong lúc này là tiếp tục xây dựng lực lượng bộ đội chủ lực, tập trung cán bộ, tập trung vũ khí và phương tiện thông tin liên lạc cho những đơn vị có nhiệm vụ đánh vận động chiến. Biên chế, huấn luyện, trang bị đều phải nhằm mục đích thực hiện vận động chiến mà tiến hành trên các chiến trường, kể cả Lào.

Hội nghị đã nghe đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh đọc báo cáo “Tích cực cầm cự và chuẩn bị tổng phản công”. Đối với Lào, báo cáo nêu rõ: cần phải tích cực mở rộng Mặt trận kháng chiến Lào, gấp rút kiện toàn các đơn vị hoạt động ở đó, điều động thêm cán bộ, đi tới thiết lập những căn cứ địa rộng lớn ngay trên đất Lào, xây dựng chỗ đứng chân vững chắc cho Chính phủ Lào độc lập; gây cơ sở cho du kích của nhân dân Lào, nối liền các chiến khu đó.

Hội nghị cũng đã nghe đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc báo cáo “Nhiệm vụ quân sự của chúng ta trong giai đoạn hiện tại” nêu rõ: “Ở mạn Trung Lào, Hạ Lào, quân đội Lào cũng hoạt động mạnh, buộc địch phải đối phó”. Về phương châm chiến lược căn bản của chúng ta (Việt Nam) trong giai đoạn mới: “lấy du kích chiến làm chính, vận động chiến làm phụ”. “Mở rộng mặt trận Lào, Miên, vì Lào, Miên là hậu phương rộng rãi của địch, chúng ta cần phân tán lực lượng của địch và giúp Lào, Miên giải phóng. Tất cả những phương châm nói trên nhằm mục đích đánh phá lực lượng dự trữ của địch, không cho chúng bổ sung và tăng cường, tiêu diệt một bộ phận sinh lực của địch, làm cho chúng càng suy yếu và ta càng lớn mạnh..., đi tới thu hẹp phạm vi kiểm soát của địch, thực hiện một thế cầm cự ngày càng thuận lợi cho ta”.

Về phối hợp tác chiến, trong năm 1948, Mặt trận Lào “chưa làm được nhiệm vụ, ấy là thiếu một kế hoạch giúp đỡ cụ thể, thiếu một kế hoạch phối hợp sự hoạt động dọc biên giới Lào - Việt với sự hoạt động dọc biên giới Lào - Thái Lan... Kiểm thảo lại các phương châm chiến lược, chiến thuật, chúng ta nhận thấy trong năm 1948 chúng ta đã thực hiện được một phần khá quan trọng các phương châm đó và kết quả là đã đạt được nhiều thắng lợi căn bản”.

Ngày 20 tháng 1 năm 1949

Thành lập đơn vị Látxavông và Quân đội Lào Ítxalạ

Trên cơ sở phong trào cách mạng quần chúng và lực lượng dân quân du kích phát triển, Hội nghị cán bộ của Lào họp ở căn cứ Lào Húng ngày 20 tháng 1 năm 1949, do đồng chí Cayxỏn Phômvihản chủ trì, đã quyết định thành lập một đơn vị Quân đội Lào Ítxalạ của khu Lào Bắc, mang tên đơn vị Látxavông. Lúc đầu, đơn vị Látxavông có 25 người được lựa chọn trong số du kích và thanh niên đã được thử thách trong đấu tranh ở địa phương, cùng một số cán bộ, chiến sĩ từ Trung Lào và Hạ Lào, tổ chức thành ba tiểu đội, do đồng chí Cayxỏn Phômvihản trực tiếp chỉ huy, đồng chí Xỉxávạt Kẹo Bunphăn phụ trách chính trị và đồng chí Khăm Mun làm chỉ huy phó. Để giúp Lào tổ chức, huấn luyện đơn vị Látxavông, Liên khu 10 (Việt Nam) cử một số cán bộ, do đồng chí Tắc Tịnh phụ trách quân sự, đồng chí Xámản phụ trách chính trị, cùng phía Lào sắp xếp lực lượng, tổ chức huấn luyện quân sự, chính trị cho bộ đội Lào.

Cùng ngày, được sự chỉ đạo của cơ quan Đảng Cộng sản Đông Dương trực tiếp ở Lào, Hội nghị đã lấy đơn vị Látxavông làm nơi tổ chức lễ tuyên bố chính thức thành lập Quân đội Lào Ítxalạ, do đồng chí Cayxỏn Phômvihản là chỉ huy tối cao. Đồng thời, các đơn vị độc lập khác của Lào như Xây Xếtthảthilạt (Trung Lào), Xaychắccaphắt, Chămpaxắc (Hạ Lào), Phạ Ngừm (Viêng Chăn), Xalynha Vôngxả ở Thượng Lào... cũng được chính thức tuyên bố ở trong hàng ngũ Quân đội Lào Ítxalạ. Ngày 20 tháng 1 năm 1949 trở thành ngày thành lập Quân đội nhân dân Lào.

Quân đội Lào Ítxalạ ra đời là sự kiện quan trọng, đánh dấu một thời kỳ phát triển mới của lịch sử đấu tranh cách mạng Lào, là nguồn gốc quyết định tạo nên sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của nhân dân Lào; đồng thời là nhân tố quan trọng tăng cường mối quan hệ đoàn kết chiến đấu giữa quân đội hai nước Lào - Việt trong những năm tiếp theo.

Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lược sử quân đội các nước Đông Nam Á, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2006

Ngày 25 tháng 10 năm 1949

Chính phủ độc lập Lào Ítxalạ kết thúc vai trò lịch sử

Sau mấy năm tạm thời lánh sang đóng trên lãnh thổ Thái Lan, Chính phủ độc lập Lào Ítxalạ dần dần bị phân hóa và tuyên bố tự giải tán. Đứng trước tình hình đó, Hoàng thân Xuphanuvông đại diện cho lực lượng kháng chiến Lào, họp báo lên án hành động phản bội của Khăm Mạo cùng đồng bọn và tuyên bố cuộc kháng chiến của nhân dân Lào chống thực dân Pháp vẫn được tiếp tục. Hoàng thân kêu gọi nhân dân cả nước đoàn kết kháng chiến, kiên quyết đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Như vậy, đến hết tháng 9 năm 1949, Chính phủ độc lập Lào Ítxalạ kết thúc vai trò lịch sử của mình.



Ngày 30 tháng 10 năm 1949

Ban Thường vụ Trung ư­ơng Đảng Cộng sản Đông Dương xác định các lực l­ượng quân đội Việt Nam hoạt động tại Lào mang danh nghĩa là “Quân tình nguyện”

Trước tình hình cách mạng Lào đã có bước phát triển mới, ngày 30 tháng 10 năm 1949, Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương họp, trong đó có bàn về vấn đề Lào. Hội nghị kiểm điểm tình hình và chủ trương công tác giúp Lào trong giai đoạn 1945-1949; đề ra những nhiệm vụ cần kíp của cách mạng Lào; đồng thời xác định rõ vấn đề tổ chức chỉ đạo và danh nghĩa của bộ đội Việt Nam hoạt động ở Lào. Về nhiệm vụ quân sự, tập trung vào những nội dung chủ yếu là:

1. Xây dựng căn cứ địa, mở rộng, phát triển nối liền các căn cứ địa.

2. Phát triển bộ đội, du kích, xây dựng và chấn chỉnh bộ đội chủ lực.

3. Phát triển chiến tranh du kích rộng rãi.

4. Đặt kế hoạch quân sự cho Lào, phối hợp kế hoạch quân sự chung trên toàn chiến trường Đông Dương trong giai đoạn chuẩn bị tổng phản công.

5. Tổng kết kinh nghiệm chiến tranh ở Lào để rút kinh nghiệm và sửa chữa những khuynh hướng sai lầm.

6. Tìm hiểu kỹ tình hình địch.

7. Chú trọng công tác địch vận.

Về tổ chức chỉ đạo, tổ chức Ban Lào Trung ương, Ban Cán sự Lào Bắc trực thuộc Trung ương. Ban Cán sự Trung Lào trực thuộc Liên khu ủy 4, Ban Cán sự Hạ Lào trực thuộc Liên khu ủy 5 và Ban Cán sự Tây Lào thuộc Ban Cán sự hải ngoại Trung ương.

Về tổ chức quân đội, các lực lượng quân sự Việt Nam hoạt động ở chiến trường Lào mang danh nghĩa quân tình nguyện Việt Nam tại Lào. Hội nghị chỉ rõ: “Từ đây, các lực lượng Quân đội Việt Nam hoạt động ở Lào tổ chức theo hệ thống riêng của Quân đội Việt Nam và mang danh nghĩa là quân tình nguyện”. Chỉ huy và tác chiến thì Việt Nam làm chỉ huy trưởng. Vũ trang tuyên truyền thì làm chung, phối hợp chỉ huy. Quân đội của Việt Nam ở riêng thì theo cấp bậc của Việt Nam. Ai vào bộ đội Lào thì theo cấp bậc Lào. Chính phủ Việt Nam sẽ định mối quan hệ tương đương với cấp bậc của Việt Nam.

Sự kiện này đánh dấu các lực lượng quân sự của Việt Nam giúp Lào đã có bước phát triển và trưởng thành; đồng thời thể hiện đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng và quân đội ta trong thực hiện nhiệm vụ quốc tế giúp Lào.



Từ 30/10 - 1/11 năm 1949

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương bàn về công tác giúp Lào

Trước tình hình mới, từ ngày 30 tháng 10 đến ngày 1 tháng 11 năm 1949, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã họp Hội nghị bàn về công tác giúp Lào. Hội nghị nhận định: Phong trào cách mạng Lào đã có những tiến bộ rõ rệt. Mặc dù trình độ giác ngộ của nhân dân còn hạn chế, nhưng phong trào Lào đã có bước nhảy vọt, có lực lượng vũ trang, có chiến khu và chính quyền. Có thể nói, đó là cuộc vận động cách mạng ở trong tình thế chính trị đặc biệt mới. Song phong trào có khuyết điểm chung là chưa nhận rõ tình trạng yếu kém của cách mạng Lào một cách đúng nhất, thiếu nhận thức đúng đắn là cách mạng Lào phải do bản thân nhân dân Lào quyết định. Sau khi nhận xét tình hình các mặt ưu điểm, khuyết điểm, Hội nghị xác định: Địch là kẻ địch chung, Đảng lãnh đạo giải phóng chung. Địch muốn biến Lào thành hậu phương của chúng (cả hiện tại và khi tổng phản công), Mỹ cũng chú ý đến Lào.



Trên cơ sở đó, Hội nghị nêu rõ: Cách mạng Lào là bộ phận của cách mạng Đông Dương và thế giới. Cách mạng Lào tiến tới cách mạng dân chủ nhân dân và tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa, không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào không thể tách rời nhau. Song cách mạng Lào phải do nhân dân Lào tiến hành và quyết định. Về tổ chức chính quyền, xây dựng chính quyền ở Lào phải theo nguyên tắc: hình thức chính phủ là quốc gia liên hiệp, chế độ quốc gia là quân chủ lập hiến, nội dung chính quyền là chính quyền dân chủ mới. Cuối cùng, Hội nghị đề ra những nội dung cụ thể trước mắt về các mặt quân sự, chính trị, kinh tế, tài chính, văn hoá, giáo dục, đào tạo cán bộ và xây dựng đảng giúp Lào.

(còn tiếp)

(Nguồn: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam (1930-2007), Biên niên sự kiện, tập 1 (1930-1975), Nxb. CTQG, H, 2011).

TG

tải về 36.73 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương