MỘt số danh lam, thắng cảnh tỉnh quảng trị I. CÁC di tích lịch sử VĂn hóa xếp hạng đẶc biệt quan trọng của quốc gia



tải về 326.98 Kb.
trang1/6
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích326.98 Kb.
#13360
  1   2   3   4   5   6


MỘT SỐ DANH LAM, THẮNG CẢNH TỈNH QUẢNG TRỊ
I. CÁC DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA XẾP HẠNG ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG CỦA QUỐC GIA

1. Các di tích thuộc đường Hồ Chí Minh trên đất Quảng Trị

a. Cầu treo Bến Tắt: Cầu bắc qua thượng nguồn sông Bến Hải, nằm trên trục đường 15, thuộc địa phận của xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh; cách Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn hơn 40m về phía Tây Bắc; cách thị trấn huyện lỵ Gio Linh theo tỉnh lộ 75 và Quốc lộ 14 chừng 16km về phía Tây Bắc.

b. Các điểm vượt đường 9 của đường dây 559: Đó là tên gọi của một cụm di tích nằm trong hệ thống di tích Đường Hồ Chí Minh (đường Trường Sơn). Các điểm này bao gồm những cầu/cống với các tên gọi: Cầu Khe Xom, Cầu Xom Rò, Cầu Du Tiên nằm trên Quốc lộ 9 từ km 41 đến km 47, ở phía tây thành phố Đông Hà, thuộc địa phận xã Đakrông, huyện Đakrông.

Ngày 09/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2383/QĐ-TTg xếp hạng di tích lịch sử Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Trị là di tích quốc gia đặc biệt.

2. Khu vực đôi bờ Hiền Lương: Đôi bờ Hiền Lương là tên gọi cho một cụm di tích ở hai bên bờ sông Bến Hải tại khu vực cầu Hiền Lương - nơi chứng kiến nỗi đau chia cắt đất nước hơn 20 năm, nơi ghi dấu cuộc đấu tranh bền bỉ, bi hùng của cả dân tộc ta trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà. Cụm di tích này nằm ở điểm giao nhau giữa Quốc lộ 1A và sông Bến Hải; phía Bắc thuộc thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh; phía Nam thuộc thôn Xuân Hòa, xã Trung Hải, huyện Gio Linh, cách thị trấn Hồ Xá 7km về phía Nam và cách thành phố Đông Hà 22km về phía Bắc.

Bến Hải/ Hiền Lương là một trong những con sông lớn của tỉnh Quảng Trị, nằm dọc trên vĩ tuyến 17 từ Tây sang Đông trên bản đồ Việt Nam. Sông Bến Hải nguyên là sông Minh Lương, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn chảy về phía Đông, đổ ra biển bằng cửa Tùng Luật (Cửa Tùng). Tên Hiền Lương là lấy theo tên gọi của một làng quê ở ven bờ Bắc, nơi con sông được hợp lưu bởi sông Sa Lung và sông Bến Hải.

Ngày 09/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2383/QĐ-TTg xếp hạng di tích lịch sử Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải (huyện Vĩnh Linh và huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) là di tích quốc gia đặc biệt.

3. Thành Cổ Quảng Trị và các di tích ghi dấu 81 ngày đêm

a. Thành Cổ Quảng Trị: Nằm ngay trung tâm thị xã Quảng Trị thuộc khu phố 4, phường 2; cách Quốc lộ 1A chừng 2km về phía Đông, Thành Cổ Quảng Trị là một công trình thành lũy quân sự và là lỵ sở cai trị của Nhà Nguyễn trên địa hạt Quảng Trị. Đây cũng là trung tâm tỉnh lỵ Quảng Trị thuộc thời Pháp và thời ngụy quyền miền Nam. Trong cuộc tổng tấn công giải phóng Quảng Trị năm 1972 của quân giải phóng, Thành Cổ là nơi được cả thế giới biết đến bởi những chiến công hiển hách, những tấm gương hy sinh anh dũng trong cuộc chiến đấu bảo vệ thị xã Quảng Trị 81 ngày đêm lịch sử. Di tích đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng quốc gia theo Quyết định số 235/QĐ-VH ngày 12/12/1986.

b. Bến sông Thạch Hãn: Bến sông này nằm ở phía bờ Nam sông Thạch Hãn thuộc địa phận phường 2, thị xã Quảng Trị. Địa điểm này đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích quốc gia theo Quyết định số 235/QĐ-VH ngày 12/12/1986 nằm trong cụm di tích liên quan đến sự kiện 81 ngày đêm của Thành Cổ Quảng Trị năm 1972.

Di tích nguyên là một bến sông của các chuyến đò ngang qua lại trên sông Thạch Hãn nối thị xã Quảng Trị bền bờ Nam với xóm làng vùng Triệu Thượng, huyện Triệu Phong ở bên bờ Bắc. Đây là tuyến giao thông thủy có ý nghĩa quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hóa của dân cư hai bên bờ từ rất lâu đời.

c. Chốt thép Long Quang: Đây là tên gọi để chỉ một địa điểm từng là nơi ghi dấu của một tuyến trận địa chốt kiên cường Long Quang-Linh Yên của các đơn vị bộ đội chủ lực quân giải phóng thuộc trung đoàn 64, sư đoàn 390 cùng lực lượng dân quân du kích địa phương trong cuộc chiến đấu oanh liệt với quân ngụy Sài Gòn trong và sau thời gian diễn ra chiến dịch chống phản kích tái chiếm thị xã Quảng Trị 81 ngày đêm năm 1972. Chốt được xây dựng trên hệ thống đê chắn cát, chắn nước biển xâm nhập của dân địa phương. Địa điểm này nằm ở bìa làng Long Quang về phía Đông, trên một vùng cát giáp với thôn Linh Yên, thuộc xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong; cách tỉnh lộ 64 (đường từ thị xã Quảng Trị về Cửa Việt) chừng 4km về hướng Bắc; cách thị xã Quảng Trị chừng hơn 12km về phía Đông Bắc. Di tích đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng quốc gia theo Quyết định số 235/QĐ-VH ngày 12/12/1986 nằm trong cụm di tích liên quan đến sự kiện 81 ngày đêm của Thành Cổ Quảng Trị năm 1972.

d. Ngã ba cầu Ga: Ngã ba cầu Ga là tên gọi để chỉ một khu vực nằm ở bờ Bắc sông Thạch Hãn, tại điểm đầu mối của con đường liên xã nối từ Quốc lộ 1A ở đoạn đầu cầu Ga (cầu Thạch Hãn) với vùng dân cư phía Tây của xã Triệu Thượng, ở vào địa phận làng An Đôn, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong. Địa điểm này gắn với một sự kiện lịch sử liên quan đến cuộc cuộc tổng tiến công của quân giải phóng trong chiến dịch giải phóng Quảng Trị tháng 4/1972. Đó là cuộc chiến đấu oanh liệt và sự hy sinh dũng cảm của trung đoàn 9, sư đoàn 304 do Mai Quốc Ca chỉ huy chốt giữ đầu cầu Quảng Trị trong khi làm nhiệm vụ đánh thọc sâu để chặn đường rút chạy của tàn quân Ngụy từ Đông Hà, Ái Tử qua cầu Thạch Hãn sang thị xã Quảng Trị. Di tích đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng quốc gia theo Quyết định số 235/QĐ-VH ngày 12/12/1986 nằm trong cụm di tích liên quan đến sự kiện 81 ngày đêm của Thành Cổ Quảng Trị năm 1972.

Ngã ba cầu Ga nằm trên trục Quốc lộ 1A, ở đầu cầu Thạch Hãn, cách trung tâm thị xã Quảng Trị chừng 1km nên là một vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng. Qua các giai đoạn từ thời Pháp đến thời Mỹ, để bảo vệ cầu Thạch Hãn, án ngữ trực Quốc lộ 1A, chính quyền ngụy đã cho xây dựng ở đây thành một cứ điểm với nhiều lô cốt kiên cố, đài quan sát xung quanh và một lực lượng lính canh phòng để nhằm ngăn chặn các cuộc tiến công của quân giải phóng tư hướng Bắc vào phía Tây xuống, nhất là kiểm soát sự thâm nhập của du kích từ vùng phía Tây Triệu Phong vào thị xã.

e. Ngã ba Long Hưng: Là tên gọi để chỉ một địa điểm ở đoạn tiếp nối giữa Quốc lộ 1A với con đường chạy ven vùng ngoại vi phía Nam dẫn vào trung tâm thị xã nằm trên địa phận làng Long Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng; cách trung tâm thị xã Quảng Trị chừng hơn 1km về phía Tây Nam. Điểm tiếp nối này tạo ra một ngã ba đường nên có tên là Ngã ba Long Hưng. Địa điểm này gắn với sự kiện lịch sử về cuộc chiến đấu oanh liệt của lực lượng bộ đội chủ lực quân giải phóng với quân ngụy Sài Gòn trong chiến dịch phản kích tái chiếm thị xã Quảng Trị 81 ngày đêm năm 1972. Di tích đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Quốc gia theo Quyết định số 235/QĐ-VH ngày 12/12/1986 nằm trong cụm di tích liên quan đến sự kiện 81 ngày đêm của Thành Cổ Quảng Trị năm 1972.

Ngã ba Long Hưng nằm trên trục Quốc lộ 1A, ngoại vi của thị xã Quảng Trị về phía Nam nên là một vị trí rất lợi hại án ngữ trên trục đường Quốc lộ và trên trục đường đi vào thị xã và Thành Cổ. Chính vì thế, địa điểm này như là một tiền đồn hội đủ các điều kiện để có thể xây dựng một trận địa chốt bảo vệ Tây Nam thị xã Quảng Trị.

f. Nhà thờ Long Hưng: Nhà thờ Long Hưng ở làng Long Hưng, xã Hải Phú, nằm cạnh trục đường Quốc lộ 1A về phía Đông. Cách Cầu Trắng (bắc qua kênh N1 thuộc công trình thủy nông Nam Thạch Hãn) trên trục Quốc lộ 1A chừng 200m về phía Nam. Di tích đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Quốc gia theo Quyết định số 235/QĐ-VH ngày 12/12/1986 nằm trong cụm di tích liên quan đến sự kiện 81 ngày đêm của Thành Cổ Quảng Trị năm 1972.

Di tích nguyên là nhà thờ đạo Thiên chúa của giáo dân thôn Long Hưng. Công trình này xây dựng từ 1955 - 1956. Kiến trúc bằng bê tông, cốt thép với một thánh đường nằm theo chiều dọc như vẫn thường thấy ở nhiều nhà thờ khác. Toàn bộ có tổng diện tích là 1.220m2. Phía trước là một ngôi nhà bát giác phía trên có gắn thánh giá, phía sau là giáo đường rộng có hành lang hai bên. Toàn bộ trông như hình một cây thánh giá.

g. Nhà thờ Tri Bưu: Nhà thờ Tri Bưu nằm trên địa phận làng Tri Bưu (Cổ Vưu), một làng phía Đông Nam thị xã Quảng Trị (nay thuộc phường I); cách đường liên xã nối Thành Cổ với vùng đồng bằng Hải Lăng chừng 100m về phía Đông Bắc. Di tích đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Quốc gia theo Quyết định số 235/QĐ-VH ngày 12/12/1986 nằm trong cụm di tích liên quan đến sự kiện 81 ngày đêm của Thành Cổ Quảng Trị năm 1972.

Di tích nguyên là một nhà thờ của giáo dân đạo Thiên chúa thuộc giáo xứ Tri Bưu được hình thành từ khoảng giữa thế kỷ XVII và được xây dựng quy mô từ cuối thế kỷ XIX, đầu XX. Khu vực nhà thờ khá rộng bao gồm một thánh đường và một số công trình phụ trợ khác nằm sâu vào bên trong. Năm 1953, nhà thờ được dựng lại tương đối kiên cố. Sau đó bị hư hại, mãi đến năm 1971 mới được tu sửa khang trang.

h. Trường Bồ Đề: Nằm trên con đường chính của thị xã Quảng Trị: đường Trần Hưng Đạo; cách Quốc lộ 1A chưa đầy 1km về phía Đông (nay thuộc địa phận phường 2). Di tích đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Quốc gia theo Quyết định số 235/QĐ-VH ngày 12/12/1986 nằm trong cụm di tích liên quan đến sự kiện 81 ngày đêm của Thành Cổ Quảng Trị năm 1972.

Trường được xây vào năm 1959 do Tỉnh hội Phật giáo Quảng Trị phát tâm quyên góp trong phong trào tiết kiệm gạo Bồ Đề từ trong dân chúng. Đó là một trường dân lập đặt dưới bảo trợ của Giáo hội Phật giáo. Ngôi trường xây dựng khá kiên cố bằng bê tông cốt thép, gồm 2 tầng, mỗi tầng từ 2-3 phòng, có khu nhà giành cho giáo viên. Trong nhiều năm, trường đã giảng dạy cho hàng ngàn học sinh ở bậc tiểu học. Chỉ riêng năm 1969-1970 có 1.400 học sinh. Đặc biệt với các trẻ mồ côi, nhà trường đã chăm sóc dạy dỗ một cách chu đáo, tận tình.

Ngày 09/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2383/QĐ-TTg xếp hạng di tích lịch sử Thành Cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972 (thị xã Quảng Trị, huyện Hải Lăng và huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) là di tích quốc gia đặc biệt.

4. Địa đạo Vịnh Mốc: Là tên gọi của một di tích lịch sử và cũng là tên gọi của một làng quê miền biển Vĩnh Linh-làng chài Vịnh Mốc. Tên địa danh này được dân địa phương phép lại từ hai chữ Vịnh (vùng biển được tạo thành do 2 mũi đất là mũi Lay và mũi Si ăn sâu ra biển tạo thành một đường vòng cung) và Mốc (cột mốc dựng từ xưa để phân định ranh giới đất đai giữa hai thôn Vĩnh Ân và Thừa Luật).

Địa đạo Vịnh Mốc là một trong số hàng chục địa đạo có cấu trúc tương đối quy mô thuộc hệ thống làng hầm Vĩnh Linh được thiết lập trong những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt còn khá nguyên vẹn và đang được quản lý, sử dụng và khai thác tốt trong tham quan du lịch.

Địa đạo Vịnh Mốc nằm trong lòng một quả đồi đất đỏ bazan chạy sát mép biển có độ cao so với mực nước biển là 28m; thuộc địa phận xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh; cách thị trấn Hồ Xá (trung tâm huyện lỵ) khoảng 18km về phía Đông Nam; cách thị xã Đông Hà hơn 40km về phía Đông Bắc. Ngoài khơi cách bờ biển Vịnh Mốc gần 30km là đảo nhỏ tiền tiêu Cồn Cỏ anh hùng. Di tích đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng quốc gia theo Quyết định số 09/VH-QĐ ngày 21/5/1975.

Ngày 31/12/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2408/QĐ-TTg xếp hạng di tích “Địa đạo Vịnh Mốc và Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh” là di tích cấp Quốc gia đặc biệt.

II. CÁC DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA XẾP HẠNG QUỐC GIA

1. Bến đò Tùng Luật: Đó là tên của bến đò ngang trên sông Bến Hải thuộc thôn Tùng Luật, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh; cách cầu Hiền Lương lịch sử 7km về phía Đông và cách Cửa Tùng 2km về phía Tây. Bến đò Tùng Luật còn có tên là Bến đò B-một mật danh xuất phát từ yêu cầu phục vụ chiến trường miền Nam trong giai đoạn chống Mỹ. Cách gọi tên này có ý nghĩa để phân biệt với một loạt bến đò khác cùng chung một nhiệm vụ trong tuyến vận tải phục vụ chiến trường miền Nam như: bến đò A (xã Vĩnh Sơn), bến đò C (thôn Cổ Mỹ, xã Vĩnh Giang). Di tích đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng quốc gia theo Quyết định số 2410/QĐ-VH ngày 02/9/1996.

Bến đò Tùng Luật có từ hàng trăm năm trước là điểm quan trọng trên tuyến đường giao thông huyết mạch phục vụ đắc lực cho việc giao lưu kinh tế và nhu cầu đi lại của các khu dân cư vùng Đông Bắc Gio Linh và Đông Nam Vĩnh Linh ở hai bên bờ sông Bến Hải. Đây còn là một bộ phận không thể tách rời của thương cảng Tùng Luật-một thương cảng cổ có từ thời Chăm và liên tục phát triển trong các thế kỷ XVI-XVIII.

2. Cảng quân sự Đông Hà: Cảng quân sự Đông Hà nằm ở bờ Nam sông Hiếu, cạnh Quốc lộ 1A và cầu Đông Hà trên địa phận thôn Điếu Ngao thuộc phường II, thành phố Đông Hà; cách cảng biển Cửa Việt chừng 13km về phía Tây. Di tích đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng quốc gia theo Quyết định số 236/QĐ-VH ngày 12/12/1986.

3. Chiến khu Ba Lòng: Là tên gọi chung cho một khu vực nằm trên một thung lũng dọc theo tả, hữu ngạn của thượng nguồn sông Thạch Hãn, ở vào địa phận 3 xã: Hải Phúc, Ba Lòng và Triệu Nguyên, thuộc vùng đồi núi phía Nam huyện Đakrông hiện nay. Phía Tây Bắc của Ba Lòng giáp Động Mài, phía Đông Nam giáp xã Hải Lệ (huyện Hải Lăng), phía Tây Nam giáp dãy Động Chè (ranh giới của 2 xã Ba Lòng và Tà Long), phía Đông Bắc lấy đỉnh Động Ho làm ranh giới với vùng Cùa (xã Cam Chính, huyện Cam Lộ). Thung lũng Ba Lòng có chiều dài 30km, chiều rộng 2km; cách thị xã Quảng Trị chừng 10km về phía Tây theo đường sông Thạch Hãn; cách thành phố Đông Hà khoảng 45km về phía Tây Bắc theo Quốc lộ 9. Chiến khu Ba Lòng đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng quốc gia theo Quyết định số 01-1999/QĐ-BT ngày 04/01/1999.

4. Chùa Bảo Đông và bia, môn Trần Đình Ân: Khu di tích này bao gồm phế tích của một khu đền tháp Chăm và một nhà bia ghi dấu lưu niệm về một nhân vật có tên tuổi dưới thời các chúa Nguyễn là Trần Đình Ân (1625-1706), người làng Hà Trung, huyện Gio Linh. Ngoài ra, trong khu vực này hiện có một số vườn nhà dân cùng với một ngôi chùa của khuông hội Phật giáo làng Hà Trung mang tên Bình Trung Tự (xây dựng năm 1995). Di tích nằm cạnh Quốc lộ 1A về phía Tây, cách ga xe lửa Hà Trung 100m về phía Bắc, thuộc địa phận làng Hà Trung, xã Gio Châu, huyện Gio Linh. Di tích đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng quốc gia theo Quyết định số 2009/QĐ-VH ngày 15/11/1991.

5. Chùa Sắc Tứ: Chùa Sắc Tứ tọa lạc trên một vùng đồi phía Tây Nam làng Ái Tử, thuộc địa phận của thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong; cách Quốc lộ 1A chưa đầy 1km về phía Tây. Ngôi chùa đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích quốc gia theo Quyết định số 2009/QĐ-VH ngày 15/11/1991.

Từ rất lâu, tên chùa Sắc Tứ đã trở thành tên gọi rất đỗi thân quen của dân chúng Quảng Trị. Những bần tăng, bổn đạo, thiện nam, tín nữ thì coi chùa là đất tổ của mình, còn dân bách tính trong thiên hạ thì ngưỡng vọng ngôi chùa như là một trung tâm từ thiện.

6. Căn cứ Tân Sở: Tân Sở (vùng đất mới) nằm giữa một bình nguyên đất đỏ ba zan có tên gọi là Cùa. Tân Sở nằm trong địa bàn Mai Đàn, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ; cách trung tâm huyện lỵ Cam Lộ 10km về phía Tây Nam.

Di tích Căn cứ Tân Sở đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng quốc gia theo Quyết định số 65/QĐ-BVHTT ngày 16/01/1995. Đây không chỉ là một di tích thành lũy quân sự cuối cùng của triều đại phong kiến nhà Nguyễn, một địa điểm lịch sử ghi dấu những sự kiện quan trọng của phong trào Cần Vương chống Pháp đầu thế kỷ XX mà còn là một di tích khảo cổ học có ý nghĩa đối với khu vực miền Trung.

7. Căn cứ Dốc Miếu - Cồn Tiên: Đây là tên của hai cứ điểm quân sự mạnh trong tuyến phòng thủ chiến lược mang tên Hàng rào điện tử Mc.Namara hay còn được gọi là Phòng tuyến Magénot Phương Đông - một hệ thống phòng ngự hỗn hợp bao gồm nhiều phương tiện chiến tranh và thiết bị điện tử hiện đại nhất, được mang chính tên của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Mc.Namara (1961-1967), nằm trong kế hoạch thử nghiệm chiến trường tự động hóa, điện tử hóa của Mỹ ở Việt Nam. Trên toàn bộ tuyến hàng rào điện tử, hệ thống các cứ điểm là một trong những yếu tố được cho là cực kỳ quan trọng. Có tất cả 17 cứ điểm mạnh nằm rải rác từ bờ biển lên đến biên giới Việt-Lào; trong đó giữ vai trò xương sống chủ chốt là hai căn cứ mạnh nhất là Dốc Miếu và Cồn Tiên. Vì vậy gọi căn cứ Dốc Miếu-Cồn Tiên là chỉ để một di tích từng nổi tiếng một thời chống Mỹ: Hàng rào điện tử Mc.Namara. Di tích đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng quốc gia theo Quyết định số 236/QĐ-VH ngày 12/12/1986.

Căn cứ Dốc Miếu được xây dựng trên điểm dốc thứ 3 của một ngọn đồi đất đỏ bazan, ở vị trí án ngữ trục Quốc lộ 1A, thuộc địa phận thôn Gia Môn, xã Gio Phong, huyện Gio Linh; cách thị trấn Gio Linh gần 3km về phía Bắc.

Căn cứ Cồn Tiên nằm trên một ngọn đồi bazan to và rộng nhất vùng Gio Linh. Trung tâm căn cứ cách tỉnh lộ 75 hơn 1km về phía Bắc; cách Quốc lộ 14 (Đường Trường Sơn) 1km về phía Đông; ở vào địa phận làng Trung An, xã Gio An, huyện Gio Linh.

8. Đình làng Câu Nhi và danh nhân Bùi Dục Tài: Đây là cụm từ dùng để chỉ những di tích tiêu biểu, có giá trị về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật thuộc làng Câu Nhi, xã Hải Tân, huyện Hải Lăng bao gồm: Đình làng Câu Nhi, chùa Quan Khố-nơi gắn với danh nhân Bùi Dục Tài. Hai địa điểm này nằm gần kề nhau trong một khu vực đầu làng Câu Nhi, trên con đường liên xã nối Quốc lộ 1A với các xã Hải Tân, Hải Hòa; ở về phía hữu ngạn của sông Ô Lâu (sông phân giới Quảng Trị và Thừa Thiên Huế) và được hai nhánh của con sông này bao bọc về cả ba phía: mặt Nam, mặt Tây và mặt Bắc; cách Quốc lộ 1A chừng 4km về phía Đông. Di tích đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng quốc gia theo Quyết định số 08/2001/QĐ-BVHTT ngày 13/3/2001.

Đình làng Câu Nhi thuộc xã Hải Tân xưa có tên là Câu Lãm-một làng có tiếng văn vật. Mảnh đất này đã sản sinh ra nhiều nhân vật vang bóng một thời như: Hoàng Bôi, Hoàng Phúc, Trần Hữu Mậu, Bùi Văn Tú, Hoàng Trinh… trong đó nổi danh là Bùi Dục Tài. Các tài liệu hiện còn cho biết làng được thành lập từ đầu thế kỷ XV nhờ công lao của 12 họ (Bùi, Hoàng, Nguyễn, Phạm, Trần, Lê, Đào, Đỗ, Trương, Phan, Đặng, Đề) trong đó đứng đầu là vị tiền khai khẩn Bùi Trành.

Trong số rất nhiều những nhân vật có tên tuổi ở làng Câu Nhi, Bùi Dục Tài nổi lên như một ngôi sao của đất Ô Lâu-người được coi là tiến sĩ khai khoa của xứ Đàng Trong, nhân vật làm rạng danh truyền thống học hành, khoa cử của làng Câu Nhi và của Quảng Trị.

Bùi Dục Tài có hiệu là Minh Triết, sinh năm Đinh Dậu (1477), con của Bùi Sĩ Phường cháu đời thứ 5 của ngài thủy tổ Bùi Trành. Từ nhỏ, do ý thức bất đồng về thái độ làm việc của các quan lại địa phương, Bùi Dục Tài đã nuôi chí học hành với mong muốn đỗ đạt, ra làm quan để giúp dân. Bằng ý chí vượt khó, tư chất thông minh, chỉ trong vòng 12 năm (1490-1501), Bùi Dục Tài đã tỏ tường Tứ Thư, Ngũ Kinh, Ngọc đường văn phạm, Văn hiến thông khảo…

9. Đình làng Nghĩa An và hệ thống giếng Chăm: Đình làng Nghĩa An và hệ thống giếng Chăm nằm bên bờ Bắc sông Hiếu thuộc địa phận làng Nghĩa An, phường Đông Thanh, thành phố Đông Hà; cách trung tâm tỉnh lỵ Quảng Trị về phía Bắc trên dưới 2km theo trục giao thông bộ. Di tích đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng quốc gia theo Quyết định số 2997/QĐ-VH ngày 05/01/1996.

Lịch sử xây dựng Đình làng gắn với lịch sử xây dựng và phát triển cùng những biến động về chính trị-xã hội từng diễn ra trên vùng đất làng Nghĩa An. Qua ký ức của nhiều thế hệ dân làng thì lúc đầu, ngôi đình chỉ là một ngôi nhà gỗ lợp tranh được xây dựng trên cơ sở một nền đình lộ thiên. Kiến trúc theo kiểu một ngôi nhà rường 3 gian 2 chái nhưng kết cấu đơn giản, xung quanh không có tường che và được bố trí theo chiều dọc. Sự hiện diện của quy cách ngôi đình như vậy cho chúng ta cảm nhận đó mới chỉ là một bước phát triển cao hơn từ một kiểu đình lộ thiên mà ngày nay vẫn còn tồn tại khá nhiều nơi ở vùng đồng bằng Quảng Trị; mặt khác nó cũng là cơ sở để có thể đoán định được thời gian tạo lập buổi đầu là trong khoảng thời gian từ cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII.

Hệ thống Giếng Chăm: Đây là các giếng đơn có cấu trúc theo kiểu giếng khơi, đào sâu trong lòng đất để khai thác mạch nước ngầm, có hình dạng vuông hoặc tròn. Kỹ thuật xây dựng là sử dụng phương thức xếp, kè đá-loại đá phiến thạch lấy từ các vùng đồi trung sinh hay đá cuội bazan, khác hoàn toàn với kỹ thuật xếp kè đá của người Việt. Dưới đáy mỗi giếng bao giờ cũng được lát một khung gỗ với một tấm gỗ lim (hoặc gỗ trai to bản). Những giếng này chỉ đơn thuần một chức năng là lấy nước cho sinh hoạt.

10. Đình làng Hà Thượng: Ngôi đình nằm về phía Đông của làng Hà Thượng, thị trấn Gio Linh, huyện GIo Linh; cách Quốc lộ 1A chưa đầy 1km về phía Đông và cách đường 75B khoảng 800m về phía Bắc. Di tích đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng quốc gia theo Quyết định số 154/QĐ-BVHTT ngày 25/01/1991.

Đình tọa lạc trên một khu đất rộng với tổng diện tích là 8.450m2. Toàn bộ khuôn viên bao gồm một tòa đại đình và 4 ngôi miếu thờ 4 vị thần: miếu thờ Thành Hoàng, Miếu thờ ông Lê Hiếu (người có công lớn trong việc bảo vệ sổ bộ của làng) và hai miếu thờ hai vị khai khẩn họ Lê, họ Nguyễn. Trước đình là khu đất nguyên trước đây là chợ Cầu, được lập vào năm Canh Tỵ dưới thời chúa Nguyễn Phúc Tần (1667). Nay chợ đã chuyển sang vị trí khác.

12. Hệ thống công trình khai thác nước cổ Gio An: Nằm rải rác phía Bắc và Nam đường 75 trên địa phận các làng An Nha, An Hướng, Hảo Sơn, Long Sơn, Thanh Khê, Tân Văn thuộc xã Gio An, phía Tây huyện Gio Linh là một hệ thống công trình khai thác nước cổ sử dụng chất liệu đá xếp có trên 30 giếng (vũng) với nhiều kiểu cấu trúc độc đáo, mang tính chất đa chức năng, phục vụ đắc lực cho đời sống sản xuất và sinh hoạt của con người trải bao đời nay. Nhằm bảo vệ những công trình khai thác nước cổ có một không hai này, ngày 13/3/2001, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ra Quyết định số 08-2001/QĐ-BVHTT công nhận 14 giếng tiêu biểu trong toàn bộ hệ thống này vào hạng di tích quốc gia.

Hệ thống này mang những tên gọi thuần Việt, do chính những người dân Việt vùng này đặt tên và phân bố khá đều trên từng khu vực của các làng. Đó là các giếng Ông, giếng Bà, giếng Tép, giếng Gai của làng Hảo Sơn; giếng Máng của làng Long Sơn; giếng Họng, giếng Đìa, giếng Cây Bàng, giếng Trằm, giếng Tranh, giếng Pheo, giếng Bộng, giếng Đàng của làng Tân Văn; giếng Trạng, giếng Đào, giếng Phường, giếng Lợi, giếng Búng của làng An Nha; giếng Côi, giếng Dưới, giếng Nậy, giếng Dù, giếng Mít, giếng Trọng, giếng Phường, giếng Sợi, giếng Kính của làng An Hướng; giếng Gái, giếng Nậy của làng Thanh Khê…

13. Nhà tù Lao Bảo: Hay còn gọi là nhà đày Lao Bảo nằm ở phía Tây Nam Quốc lộ 9, trên địa bàn thôn Duy Tân, thị trấn Lao Bảo. Di tích đã được xếp hạng quốc gia theo Quyết định số 154/QĐ-BVHTT ngày 25/01/1991.

Trên một vùng đất nguyên là rừng núi chập chùng, hiểm trở, xa dân cư, nhà tù Lao Bảo nằm gần biên giới của hai quốc gia Lào-Việt và bị kẹp giữa hai con sông Hiếu Giang ở phía thượng nguồn, chảy về phía Việt Nam ra biển Đông và sông Xê Băng Hiêng chảy về phía Lào ra sông Mê Kông. Trước khi Quốc lộ 9 được người Pháp mở mang để giao lưu buôn bán và thực hiện ý đồ thực dân trên toàn cõi Đông Dương thì đất này còn rất hoang vu, đường sá khó khăn, hiểm trở.


tải về 326.98 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương