Môn học: triếT ẤN ĐỘ Chủng sinh: gb-mart Nguyễn Phạm Hoàng Hiệp Bài Luận Cuối kỳ



tải về 33.46 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu27.02.2022
Kích33.46 Kb.
#50996
triet an


ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE XUÂN LỘC

Lớp: Triết III – Khóa XV Môn học: TRIẾT ẤN ĐỘ

Chủng sinh: GB-Mart Nguyễn Phạm Hoàng Hiệp Bài Luận Cuối kỳ

Học kỳ I – Năm học 2021-2022



Điểm

Nhận xét của Đức Cha







ĐỀ BÀI: Sự khác biệt ba đẳng tính (gunas) trong sử thi Bhagavad Gita (Chí tôn ca).

Nếu như ở nơi Thiên Chúa giáo có Tam Thù (ma quỷ, thế gian, xác thịt), Phật giáo có Tam Độc (tham, sân, si) thì trong Ấn giáo cũng tồn tại ba khái niệm trú ngụ nơi mỗi con người. Ở đây ta gọi là ba đẳng tính (Gunas). Cụ thể, ba gunas này sẽ được tìm hiểu cách rõ ràng hơn nơi một trong những sử thi vô cùng quý giá trên thế giới của Ấn giáo: Bhagavad Gita (Chí tôn ca).

Nếu những ai đã từng đọc qua tác phẩm kinh điển “Nhà Giả Kim” của Paulo Coelho thì có lẽ sẽ còn nhớ một đoạn trích vô cùng nổi tiếng của ông: “Khi cậu quyết tâm muốn điều gì thì cả Vũ Trụ sẽ tác động để giúp cậu đạt được mục đích.” Nền khoa học ngày nay đang ngày đêm lao mình đi tìm hiểu về nguồn gốc của con người và vũ trụ. Và kết quả là vẫn chưa có một minh chứng cụ thể hay đáng tin cậy. Quả thật, ta vẫn thường nghe: gần ngay trước mắt mà xa tận chân trời hay mắt thấy mà tâm không thấy. Ta đối với vũ trụ như không là gì. Làm sao một hạt muối lại muốn đi tìm hiểu nguồn gốc của đại dương? Bất khả thi! Có chăng bây giờ việc ta có thể làm trong khả năng tưởng chừng như không của mình là lắng nghe và cảm nhận. Vũ trụ chẳng ở đâu xa. Vũ trụ ở ngay cạnh chúng ta. Trong mọi nơi, mọi lúc và mọi hoàn cảnh, mỗi khi ta cần sự giúp đỡ hãy tìm đến vũ trụ để tiếp nhận sức mạnh. Vũ trụ sẽ hướng dẫn ta đi trên con đường mà phía trước đầy hy vọng, phía sau đầy trải nghiệm và song hành đầy hạnh phúc. Nhưng việc hướng dẫn ấy sẽ là một chặng đường dài, một hành trình không dễ dàng. Chúng ta có thể tìm được hành

trình đó ở rất nhiều tác phẩm. Hành trình mang đến đầy tính triết lý này cũng được thể hiện ngay trong Chí Tôn Ca của tập sử thi Mahabharata của Ấn Độ.1

Bhagavad Gita, tức Chí Tôn Ca hay Bài ca về Đấng Chí Tôn chiếm một chỗ biệt lập. Nó chính là một trong những phần siêu hình tư biện của sử thi. Nhưng do cấu trúc và cảm hứng, nó đã làm thành một thực thể độc lập.2 Chí Tôn Ca kể về cuộc hội thoại thiêng liêng giữa Thầy và Trò (Krishna và Arjuna), trước khi trận chiến vĩ đại giữa các gia tộc diễn ra. Cung thủ tuyệt đỉnh Arjuna đã bị lung lay ý chí, trỗi dậy sợ hãi, mâu thuẫn, nghi ngờ trước khi trận chiến bắt đầu. Chính chàng lúc đó đã quy phục Đấng Krishna để đón nhận trí tuệ từ Người. Chàng đã được trí tuệ vô song ấy xua tan bức màn vô minh và run rẩy, để chàng đứng lên giao chiến không hề nao núng (và giành chiến thắng).3 Cũng có nhiều tài liệu nói về lai lịch của bài ca này (Gita). Điểm chung đều nêu lên Gita là một phần nhỏ trong tập sử thi Mahâbrârata, do đạo sĩ Vyâsa sáng tác. Thi phẩm gồm tất cả 700 câu thơ chia làm 18 chương (theo Lê Xuân Khoa thì có 19 chương). Nhưng về vị trí thì theo linh mục Thiện Cẩm OP 4 và Lê Xuân Khoa5, vị trí của Gita nằm ở chương XXIII đến chương XL. Còn trong tài liệu của Đại chủng viện Huế, thì Gita nằm từ chương XXII đến XL.6 Nếu mãi đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX nền triết học hiện sinh mới ra đời thì từ thời Veda (khoảng 1500 đến 1000 TCN) và thời kỳ sử thi hay thời đại “anh hùng” (khoảng 1000 đến 700 TCN) nền triết lý về con người đã được phản ánh tập trung trong các kinh Veda và sau đó trong các tập anh hùng ca cổ Ấn Độ như Râmâyana và Mahâbhârata.7 Lẽ dĩ nhiên cũng có trong chính thi phẩm Gita. Với hai đề tài chính nói về con người: thực tại tối hậu và phương tiện đạt tới thực tại tối hậu, hay là con đường giải thoát, Gita muốn cống hiến cho nhân loại một nhân sinh quan và một nền tảng luân lý đạo đức muôn đời vẫn được người Ấn Độ coi là hoàn hảo nhất.8

Như đã nêu ở trên, đạt được thực tại tối hậu ở đây chính là đạt được bản thể tinh thần. Bản thể bất tử của Đấng Chí Tôn. Khi còn tại thế, con người đang bị “giam hãm” trong chính bản thể vật chất của mình. Giống như một ngôi đền được canh giữ bởi các vị thần. Nói “các vị thần” là bởi ở đây có tới ba vị. Ta tôn thờ thần nào thì thần ấy dường như sẽ chiếm hữu tâm hồn ta. Điều này nói đến ba đẳng tính (gunas) được đề cập trong chương XIV của Chí Tôn Ca.

Ba đẳng tính này lần lượt là Sattva, Rajas và Tamas. Cả ba đều được sinh ra từ vật chất (Prakriti) trói buộc bản ngã hiện thân bất diệt trong thể xác (Chí Tôn Ca, câu 5).9 Hãy biết rằng Rajas (dục tính) là yếu tính của đam mê, cội nguồn của tham sinh, nhục lạc, trói buộc bản ngã hiện thân vào những khát khao hành động (Chí Tôn Ca, câu 7). Dục tính đưa con người về hành động (Chí Tôn Ca, câu 9). Khi dục tính thắng hai bản ngã kia, dục tính sẽ ngự trị trên tất cả (Chí Tôn Ca, câu 10). Khi đó, con người xuất hiện những bản tính gian tham, táo bạo, bạo động và lòng khao khát (Chí Tôn Ca, câu 12). Nếu khi chết, mà dục tính ngự trị trong tâm trí, con người sẽ tái sinh trong cảnh vực đắm mê hành động (Chí Tôn Ca, câu 15). Hậu quả của dục tính là khổ đau (Chí Tôn Ca, câu 16). Ai sinh để dục tính chế ngự ắt sẽ vất vả ở đời này (Chí Tôn Ca, câu 18). Còn Tamas (si tính) được sinh ra từ ngu lậu (vô minh), che mờ nhân vị (ảo tưởng), làm cho thế nhân thiếu tinh tấn (mất trí) và ưa lười biếng (Chí Tôn Ca, câu 8). Nói cách khác, si tính đưa con người về cõi ngu lậu, u minh (Chí Tôn Ca, câu 9). Khi si tính ngự trị trên tất cả, con người sẽ sinh ra những bản tính ngu tối, trì nệ, lười biếng và u mê (Chí Tôn Ca, câu 13). Nếu khi chết, bản ngã si tính ngự trị trong tâm trí, con người sẽ tái sinh trong những cảnh vực u mê (Chí Tôn Ca, câu 15). Hậu quả của si tính thì ắt hẳn là ngu lậu (Chí Tôn Ca, câu 16). Và ai chìm sâu trong si tính ở đời này sẽ chóng diệt vong (Chí Tôn Ca, câu 18). Nhưng trong khi Tam Thù của Thiên Chúa giáo cũng như Tam Độc của Phật giáo cả ba đều mang ý nghĩa tiêu cực, thì trong ba bản ngã gunas, có riêng bản ngã Sattva (hiền tính) là tinh tấn, thánh thiện và sáng ngời, ràng buộc chúng ta ước mơ về hạnh phúc và đức hiền tính (Chí Tôn Ca, câu 6). Hiền tính đưa con người đến hạnh phúc (Chí Tôn Ca, câu 9). Khi ánh sáng của đức hiền tính giác ngộ tất cả quan năng, khi đó ta biết rằng Sattva đang chế ngự thân xác mình (Chí Tôn Ca, câu 11). Nếu khi chết, bản ngã hiền tính ngự trị trong tâm trí, con người sẽ hoà vui trong thế giới tinh khiết của những bậc đại hiền vô thượng (Chí Tôn Ca, câu 14). Kết quả cho hành động chân chính thì tinh khiết (Chí Tôn Ca, câu 16). Ai sống trong hiền tính ở đời này, tâm hồn sẽ vươn lên cao cả (Chí Tôn Ca, câu 18). Nhưng khi một người đã vượt qua khỏi ba phẩm tính này, người đó thoát khỏi sinh, lão, bệnh, tử và trở thành bất tử (Chí Tôn Ca, câu 20). Mẹ Tự Nhiên (trong tiếng Sanskrit) – Prakriti giữ cho ba phẩm chất này được cân bằng, và trong đó thì Raj as và Tamas được hòa trộn vào Sattva. Và trong sự thể hiện, ba phẩm chất này khác nhau, với Sattva thì kích thích tâm trí, Rajas thì tạo nên sức sống, còn Tamas thì tạo nên hình khối và vật chất mà qua đó cơ thể vật lý được trở thành một con người.10

Bình diện của trái đất là lĩnh vực của sự không hoàn thiện. Từ định nghĩa này, sự hoàn thiện, sự thanh khiết không vết nhơ, đạt được khi thoát khỏi lĩnh vực hiển nhiên của gunas. Còn bổn phận và đời sống con người được sinh ra, đó là những thứ bám víu vào. “Nhiệm vụ và bổn phận của riêng người này, dù không có giá trị và không có phẩm chất vẫn tốt hơn bổn phận hoàn hảo của người khác. Ai thực hiện các hoat động được sai khiến với phẩm chất bẩm sinh không phải chịu vết nhơ” (Chí Tôn Ca 18, câu 47). Sự nhập thể được trình bày trong thần thoại Ấn Độ như nảy sinh phần tử nhỏ bé, bản chất siêu trần của Thượng đế. Con người được chấp nhận các quyền lực, hoạt động và quan hệ về hữu thể siêu phàm. Chúng ta không chịu giảm bớt mà còn mở rộng bản chất con người. Đối với Chúa của Thiên Chúa giáo cũng như thế, Chúa cũng đổ tràn lực Màyà sáng tạo. Bản thân tâm linh con người chúng ta cũng giảm bớt tỏa ra sức mạnh giác quan của cửa ngõ các cơ quan cung cấp, sao chép chúng chính xác theo bản chất tế vi của riêng nó. Do đó, về mặt này con người là bản sao vi mô, nguyên lý sáng tạo của vũ trụ bằng cách định hình biểu diễn qua hình thái nhất thời, biến cố gây hoang mang, và trong từng trường hợp đó nó không giảm bớt dù ít nhất. Vì thế vi mô – vĩ mô được mô tả trong Sàmkhya (phái đối lập Vedànta) dưới sự tương tác của ba thành phần phẩm chất của Prakriti11, gọi là gunas. Con sông vô minh mênh mông và xúc cảm đam mê là dòng sông nguy hiểm Đấng Chí Tôn có thể đưa mọi người vượt qua được.12 Vì vô minh, con người chỉ có ý thức thiết sót và mơ hồ, lầm tưởng thế giới hiện tượng là thực tại. Thiên nhiên, vạn vật làm cho nhận thức con người trở nên sai lạc (bởi các gunas). Như vậy, mục đích chính của đời người là làm thế nào đoạn trừ được vô minh để thực hiện được tự ngã chân thực, bất biến, hằng cửu, tức là trở về đồng nhất với Đấng Chí Tôn.13

Chắc hẳn để trừ được vô minh phải có con đường giải thoát. Nói đến vận vật và chúng sinh, có điều đáng chú ý là vấn đề giải thoát chỉ đặt ra với con người. Bởi lẽ chỉ có con người mới có lý trí, có tự do lựa chọn và quyết định khi hành động và vì thế phải chịu trách nhiệm về các hành động của mình.14 Có lẽ Gita không thành công trong việc hoàn thành một tổng hợp những tư tưởng liên quan đến thực tại tối hậu và thực tại thế giới. Nhưng lại thành công trong việc trình bày cách tổng hợp những con đường giải thoát, đó là: Karma-yoga (hành động), Bhakti-yoga (sùng tín) và Jnàna-yoga (tri thức).15 Trong ba con đường giải thoát này, Bhakti-yoga là con đường dung hoà được hai đường còn lại, nhất là Karma-yoga. Bởi vì nhờ lòng sủng ái, con người có thể không cần vứt bỏ trần thế hay từ bỏ hành động, trái lại vẫn có thể dấn thân hành động theo bổn phận mình, miễn là làm theo lòng sủng ái, vô vị lợi và phó thác mọi sự cho Đấng Chí Tôn.16

Việc giải thoát khỏi ba gunas cũng được Arjuna đề cập với Đấng Chí Tôn. Và điều đầu tiên cần là tâm thức phải bình thản. Không yêu, không ghét, không buồn, không khát khao dù những đẳng tính trên hiện ra hay biến mất. Tâm hồn định tĩnh và bất biến, ý thức rằng chỉ có những đẳng tính hoạt động mà thôi (Chí Tôn Ca 14, câu 22-23). Hãy để cho tâm trí luôn định tĩnh dù vui hay khổ. Hãy để cho tinh thần độc lập, vững mạnh: trước một nắm đất, một hòn đá, một thỏi vàng, trước lòng yêu thương, ghen ghét, lời khen ngợi hay chê bai cũng chẳng thấy gì cách biệt (Chí Tôn Ca 14, câu 24). Không phân biệt bạn và thù, hạnh phúc và đau buồn, khổ nhục, từ bỏ tất cả sở tại. Người như vậy sẽ vượt lên khỏi các đẳng tính (Chí Tôn Ca 14, câu 25). Và với tính thần sùng tín Yoga (Bhakti-yoga) ai tôn thờ Đấng Chí Tôn tuyệt đối, sẽ vượt khỏi các phẩm tính trên, để trở thành một bậc Sa Môn đại ngộ (Chí Tôn Ca 14, câu 26). Vì Đấng Chí Tôn là cảnh giới của các bậc Sa Môn. Vì Ngài là rượu thần vô nhiễm, bất tử của chánh pháp (Dharma) và cũng là vinh phúc vô tận (Chí Tôn Ca 14, câu 27).



Cho dù ta thích Gunas nào, thì những khía cạnh còn lại vẫn luôn ở trong ta. Những Gunas chiếm ưu thế sẽ thể hiện tính cách, phẩm chất, thói quen của người đó. Nhưng con người có thể thay đổi ưu thế của các Gunas bên trong mình. Việc đó xảy đến thế nào? Chúng ta có thể như Arjuna, được Đấng Chí Tôn cho con đường thực hành yoga: Giải thoát bản thân khỏi yêu và ghét, chế ngự các giác quan và bình thản thực hiện bổn phận không màng đến kết quả. Cụ thể qua việc thiền đinh. Không phải đè nén, kiểm soát tâm trí và tách biệt khỏi đời sống thường ngày nhưng một người chỉ có thể tĩnh lặng khi đã sống được một cuộc đời hữu ích tốt đẹp cho nhân gian.17 Đó cũng chính là con đường tìm đến chân ngã nội tâm là sự cao quý và thanh khiết của trí tuệ tâm linh.18 Một khi chế ngự được các gunas bên trong mình, tức kiểm soát được các thuộc tính vật chất, người đó không còn chịu những nỗi khổ đau gắn liền với sinh, lão, bệnh, tử và được hưởng tinh tuý phúc lạc tinh thần ở ngay kiếp này.19

1 Xem https://triethocduongpho.net/2019/09/30/bdt2019-chi-ton-ca-tat-ca-la-ta-ta-la-tat-ca/

2 https://kilopad.com/Ton-giao-Tu-tuong-c40/doc-sach-truc-tuyen-su-thi-an-do-vi-dai-mahabharata-va-chi-ton-b3449/chuong-3-bhagavad-gita-ca-khuc-ve-dang-chi-ton-ti3

3 https://triethocduongpho.net/2020/04/28/thdp-review-5-bai-hoc-rut-ra-tu-chi-ton-ca-sau-mot-nam-thuc-hanh-tam-linh/

4 Giáo trình Triết Ấn, Lm. Thiện Cẩm OP, Học viện Đa Minh, tr. 101.

5 Nhập môn triết học Ấn Độ, Lê Xuân Khoa, nxb Bộ giáo dục quốc gia, 1965.

6 Triết Ấn Độ, Đại chủng viện Huế, lưu hành nội bộ, 2010, tr. 147.

7 Lịch sử tư tưởng triết học Ấn Độ cổ đại, PGS. TS Doãn Chính, nxb Chính trị quốc gia, 2010, tr. 72

8 Giáo trình Triết Ấn, Lm. Thiện Cẩm OP, Học viện Đa Minh, tr. 104.

9 Chí Tôn Ca, Nguyễn Quỳnh dịch, nxb Cơ sở phát triển văn hoá Quảng Hoá, 1972, tr. 139.

10 https://sundariyogacenter.com/ba-gunas-va-ban-chat-cua-tinh-than.html

11 Ở đây chỉ Đấng Chí Tôn , Ngài là nguyên lý vật chất và tâm linh của vạn vật. Bên cạnh hình thức hiện thế còn lại là Purusa (nguyên lý tinh thần).

12 https://thsedessapientiae.net/chi-ton-ca/

13 Nhập môn triết học Ấn Độ, Lê Xuân Khoa, nxb Bộ giáo dục quốc gia, 1965, tr. 215-216.

14 Nhập môn triết học Ấn Độ, Lê Xuân Khoa, nxb Bộ giáo dục quốc gia, 1965, tr. 217.

15 Giáo trình Triết Ấn, Lm. Thiện Cẩm OP, Học viện Đa Minh, tr. 108.

16 Giáo trình Triết Ấn, Lm. Thiện Cẩm OP, Học viện Đa Minh, tr. 109.

17 https://triethocduongpho.net/2020/04/28/thdp-review-5-bai-hoc-rut-ra-tu-chi-ton-ca-sau-mot-nam-thuc-hanh-tam-linh/

18 https://triethocduongpho.net/2019/09/30/bdt2019-chi-ton-ca-tat-ca-la-ta-ta-la-tat-ca/

19 Chí Tôn Ca, Vyasa, Biên dịch Trần Kim Thư, nxb Tôn giáo, Chương 14, câu 20.

tải về 33.46 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương