MỤc lục phầN 1: ĐÁnh giá KẾt quả thực hiệN



tải về 2.4 Mb.
trang14/27
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích2.4 Mb.
#15399
1   ...   10   11   12   13   14   15   16   17   ...   27

Kết luận

Việt Nam có thể học gì từ kinh ngiệm Trung quốc? Thứ nhất, cần từng bước xây dựng một xã hội văn minh theo kiểu đặc khu Hồng Kông. Vậy thì đặc khu sẽ là nơi để những người có tài, sẵn sàng chịu mạo hiểm, để tìm cơ hội cho một cuộc sống mới, phù hợp hơn với năng lực và trí lập nghiệp của họ. Ở đó, những người dựa vào nhóm lợi ích để đầu cơ, trục lợi, sẽ phải bị rơi vào vòng pháp lý. Nhìn trước như vậy, thì họ sẽ ở lại mainland. Như vậy, thể chế tiến bộ về tổ chức theo kiểu Hồng Kông phải du nhập vào đặc khu ở Việt Nam, trước khi các nhà đầu cơ đất, xây sòng bạc, tìm đến để gom đất của những người dân sở tại, khao khát chiếm đất hoang để làm giầu trong nháy mắt. Thị trường bất động sản ở các nơi dự định làm đặc khu cần phải bị đóng băng. Hoặc sẽ lặp lại câu chuyện đầu cơ và vỡ bong bóng 2012.

Nhưng nước nào sẽ giống như Hồng Kông, Anh, Mỹ,vì sự tồn tại của chính mình, mà sẵn lòng du nhập các thiết chế tổ chức, luật pháp văn minh vào đặc khu tại Việt Nam? Có lẽ đó là Nhật Bản. Họ có cùng lợi ích với Việt nam, vì ở cùng khu vực, cùng đứng trước các cơ hội, cũng như các rủi ro địa chính trị và kinh tế, đang diễn ra tại vòng cung từ Biển Hoa Đông đến Ấn Độ Dương. Nhật Bản nên là đối tác hàng đầu. Nếu Mỹ và Ấn Độ, hay Nga, hay cả Trung Quốc, qua chi nhánh của họ ở Đài Loan, Singapore, hay Hồng Kông, tham dự vào cuộc chơi, thì có lợi hơn không? Vì đằng nào thì cũng là khu kinh tế mở, nên câu hỏi không thừa. Chúng ta cần nhận thức rằng, thế giới này đang chứng kiến các cường quốc hợp tác ở những lĩnh vực, mà họ có cùng chung lợi ích, nhằm tạo thế cân bằng với một mối đe dọa tiềm tàng từ bên thứ 3. Và cạnh tranh, thậm chí gây chiến tranh lạnh ở nơi mà lợi ích địa chính trị của họ xung đột nhau; gây ra chiến tranh nóng, tại chính cái điểm có tính chiến lược đó. Tránh đối đầu và tận dụng triệt để sự trùng hợp về lợi ích với các nước lớn là bài học mà Đặng để lại. Nó có giá trị bằng cả sự cường thịnh và trường tồn của một quốc gia. Dù Nga và Mỹ có đối đầu ở các điểm nóng khác trên bàn cờ thế giới. Họ có thể chia sẻ lợi ích ở điểm đang nóng lên ở Đông Nam Á. Phối hợp lợi ích, tạo thế cân bằng trong một thế giới đầy biến động, đòi hỏi phải chơi các quân bài chiến lược của mình một cách khéo léo. Điểm chiến lược hay đặc khu đó phải du nhập trước tiên thể chế luật pháp và tổ chức văn minh. Vì đấy là nền tảng tạo ra xã hội văn minh và thịnh vượng. Và đặt các bên của cuộc chơi vào lĩnh vực mà họ ở thế mạnh nhất; mà sự bổ trợ sức mạnh của họ với nhau tạo thành một Hồng Kông của Việt Nam. Chúng ta vẫn có đầy cơ hội để tiến lên thành một xã hội văn minh, cường thịnh; trong một thế giới mà láng giềng của chúng ta, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ chiếm tỷ trọng cao nhất Thế giới về GDP vào năm 2050, theo dự báo của rất nhiều tổ chức và chuyên gia có uy tín. Chúng ta là điểm nằm giữa vòng cung trên biển nối 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Nếu kể đến cả Nhật Bản và Nam Triều Tiên, thì Việt Nam đang ở một điểm vô cùng quan trọng về giao thương hàng hóa, vốn, và con người. Hãy nhìn thật xa về phía trước; và suy luận ngược trở lại xem, mình cần làm các bước đi chiến lược gì ở ngày hôm nay./.






TÁI CƠ CẤU DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC – TÍN HIỆU MỚI TỪ KẾT QUẢ THỰC HIỆN VÀ GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH CHO GIAI ĐOẠN 2014 - 2015
PGS.TS. Nguyễn Văn Trình

Phó hiệu trưởng trường cán bộ TP.Hồ Chí Minh
Từ khi chủ trương đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế (2011) của Đảng và Nhà nước chủ yếu tập trung trên các mặt: Tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng, mà trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống các ngân hàng thương mại; và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, mà trọng tâm là tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước. Thực chất, vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế đã được đề cập từ rất lâu, trong đó vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã nhiều lần được đề cập trong nhiều kỳ đại hội toàn quốc của Đảng và trong thời gian gần đây các quyết tâm đẩy mạnh tái cấu doanh nghiệp nhà nước đã được thể hiện ở tất cả các cấp quản lý. Để nhìn nhận quá trình tiến hành cải cách doanh nghiệp nhà nước một cách toàn diện và trên cơ sở đó đánh giá những mặt đạt và chưa đạt nhằm đẩy mạnh hơn quá trình này trong những năm trước mắt.

Tình hình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thời gian qua:

Chủ trương đổi mới doanh nghiệp nhà nước là xuyên suốt kể từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) đến nay. Có thể phân chia thành các giai đoạn như sau:



- Giai đoạn 1986 – 1990: Đây là giai đoạn thực hiện hạch toán kinh doanh, tính đúng, tính đủ chi phí giá thành sản phẩm trong các doanh nghiệp quốc doanh. Quyết định 217-HĐBT ngày 14/11/1987, Quyết định 50/HĐBT ngày 22/3/1988 và sau đó là Quyết định 195/HĐBT ngày 2/12/1988 bổ sung Quyết định 217-HĐBT đã ban hành và quy định quyền chủ động trong tổ chức sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp quốc doanh. Tuy nhiên, trong thực tế quyền tự chủ của doanh nghiệp quốc doanh vẫn bị hạn chế, cơ chế bao cấp, xin cho vẫn chi phối các hoạt động của doanh nghiệp quốc doanh. Đến cuối năm 1989 cả nước có khoảng trên 12.000 doanh nghiệp quốc doanh, với quy mô chủ yếu là vừa, nhỏ, vốn ít, công nghệ lạc hậu, hiệu quả hoạt động thấp.

- Giai đoạn 1990 - 2000: Đây là giai đoạn đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp quốc doanh theo hai hướng: Giao khoán, bán, cho thuê, cho phá sản và cổ phần hóa các doanh nghiệp quốc doanh làm ăn không hiệu quả, doanh nghiệp Nhà nước không cần giữ sở hữu 100% vốn và xây dựng, củng cố các doanh nghiệp nhà nước làm ăn hiệu quả, tạo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Quyết định 143/HĐBT ngày 10/3/1990 về việc thí điểm cổ phần hóa một vài doanh nghiệp quốc doanh, Quyết định 315/HĐBT ngày 1/9/1990, Nghị định 388/HĐBT ngày 10/11/1991 về quy chế thành lập và giải thể doanh nghiệp quốc doanh, Quyết định 90/TTg ngày 7/3/1994 và Quyết định 91/TTg ngày 7/3/1994 của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm thành lập các tập đoàn kinh doanh, Nghị định 28/1996/NĐ-CP ngày 7/5/1996 và Nghị định 44/1998/NĐ-CP ngày 29/6/1998 về chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần đã thể hiện quyết tâm đẩy mạnh đánh giá, tổ chức sắp xếp lại doanh nghiệp quốc doanh. Số lượng doanh nghiệp quốc doanh đã giảm mạnh từ 12.000 đơn vị (năm 1990) xuống còn khoảng 7.000 đơn vị vào năm 1995. Trong giai đoạn này đã có 548 doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa. Tuy nhiên, tỷ trọng GDP của doanh nghiệp quốc doanh đã tăng từ 32,5% năm 1990 lên 42,2% GDP vào năm 1995 đã thể hiện sự lấn át của doanh nghiệp nhà nước đối với các doanh nghiệp của các thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế ngày càng gia tăng.

- Giai đoạn 2000 – 2010: Đây là giai đoạn Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức lại và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Trong giai đoạn này Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định như: Nghị định 64/2002/NĐ-CP ngày 19/6/2002; Nghị định 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004; Nghị định 109/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 về việc chuyển doanh nghiệp nhà nước 100% vốn chủ sở hữu thành công ty cổ phần đã mở ra giai đoạn mới của cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước so với giai đoạn trước chỉ là giai đoạn làm thí điểm. Trong giai đoạn 2000 - 2010 đã tiến hành cổ phần hóa gần 3.300 doanh nghiệp nhà nước, gấp gần 6 lần so với giai đoạn 1990 - 2000. Do đó, tỷ trọng của khu vực kinh tế nhà nước trong GDP cũng đã giảm mạnh so với giai đoạn trước, năm 2010 kinh tế nhà nước chỉ còn chiếm tỷ trọng 33,74% GDP so với 42,2% GDP năm 1990.

- Giai đoạn 2011 đến nay: Với quyết tâm đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế với ba trụ cột là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ đã phê duyệt “Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 – 2015”, với ba mục tiêu: 1) Tái cơ cấu về tổ chức; 2) Tái cơ cấu về tài chính; 3) Tái cơ cấu về quản trị. Theo số liệu thống kê trong giai đoạn 2011 – 2013 cả nước đã tổ chức sắp xếp được 180 doanh nghiệp. Trong đó, đã tiến hành cổ phần hóa được 99 doanh nghiệp; tiến hành sắp xếp dưới các hình thức khác được 81 doanh nghiệp. Nhìn chung, việc thực hiện cổ phần hóa trong giai đoạn này đã diễn ra quá chậm. Trong hai năm 2014 – 2015 theo đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phải thực hiện cố phần hóa 432 doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong ba tháng đầu năm 2014 chỉ thành lập được Ban chỉ đạo cổ phần hóa ở 146 doanh nghiệp, 26 doanh nghiệp được phê duyệt giá trị doanh nghiệp, đã tiến hành IPO được 13 tổng công ty (9 doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông vận tải và 4 doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng).

Theo báo cáo của Khối các doanh nghiệp Trung ương, các doanh nghiệp nhà nước thuộc Khối có 32 đơn vị, trong đó, có 28 đơn vị thuộc đối tượng cần phải tái cơ cấu. Đến đầu năm 2014 tất cả 28 đơn vị đã hoàn thành đề án tái cơ cấu, trong đó, 24 đơn vị đã được phê duyệt đề án. Theo đó, tất cả 24 đơn vị đều được tổ chức theo mô hình công ty mẹ - công ty con; trong đó có 15 công ty mẹ thuộc sở hữu Nhà nước với 100% vốn đều lệ do Nhà nước nắm giữ và tiến hành cổ phần hóa 9 công ty mẹ. Hiện đã cổ phần hóa được 3 công ty mẹ là Công ty mẹ Tập đoàn Bảo Việt, Công ty mẹ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Công ty mẹ Tổng công ty Thép Việt Nam. Kế hoạch thực hiện cổ phần hóa các công ty mẹ trong năm 2014 là: Công ty mẹ Tập đoàn Dệt May, công ty mẹ Tổng công ty Hàng không Việt Nam; trong năm 2015 sẽ là: Công ty mẹ Tổng công ty Hàng hải, công ty mẹ Tổng công ty Sông Đà, công ty mẹ Tổng công ty Đầu tư nhà và đô thị Việt Nam, công ty mẹ Tổng công ty Công nghiệp Xi măng. Trong Khối có một số đơn vị công tác cổ phần hóa được triển khai rất chậm như: Tổng công ty Lương thực Miền Bắc và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Nguyên nhân quá trình tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước Trung ương còn chậm được xác định như sau: 1) Việc phê duyệt đề án tái cơ cấu còn chậm; 2) Cơ chế, chính sách chưa ban hành kịp thời; 3) Thị trường chứng khoán suy giảm sâu; 3) Tình hình kinh tế - xã hội khó khăn; 4) Các đơn vị doanh nghiệp nhà nước chưa tập trung cho cổ phần hóa doanh nghiệp mình; 5) Năng lực quản trị của đội ngũ cán bộ quản lý tại các doanh nghiệp còn yếu; 6) Thiếu nguồn tài chính để thực hiện tái cơ cấu; 7) Công tác sắp xếp lao động còn gặp nhiều vướng mắc, khó khăn….

Những tín hiệu mới và các giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới:

Từ đầu năm 2014 Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương đã thể hiện quyết tâm đẩy mạnh tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước. Chính phủ ban hành Nghị quyết 15/NQ-CP ngày 6/3/2014 về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước đã quy định kiên quyết truy xét trách nhiệm đối với các lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, đơn vị thực hiện không đúng tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp và đồng ý cho các doanh nghiệp nhà nước được thoái vốn với giá thấp hơn mệnh giá hoặc bán cổ phần dưới giá trị sổ sách.

Trên tinh thần triển khai Nghị quyết 15/NQ-CP của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp nhà nước đã thể hiện quyết tâm đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước trong các đơn vị thuộc mình quản lý. Đi đầu là Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hà Nội, Thành phố Đà Nẵng, Thành phố Cần Thơ….Từ đầu năm 2014, Bộ Giao thông vận tải đã liên tiếp tiến hành IPO các tổng công ty thuộc ngành, Bộ Xây dựng cũng đẩy mạnh IPO các doanh nghiệp thuộc bộ. TP.Hồ Chí Minh đã xây dựng kế hoạch cổ phần hóa 29 doanh nghiệp lớn thuộc quản lý của Thành phố và vào ngày 13/3/2014 lãnh đạo 29 doanh nghiệp này đã ký cam kết hoàn thành cổ phần hóa trước 12/2015. Thành phố Hà Nội cũng đã đặt mục tiêu sắp xếp, cổ phần hóa 27 doanh nghiệp thuộc Thành phố quản lý trong năm 2014. Trong đó, cổ phần hóa 11 doanh nghiệp, 9 bộ phận doanh nghiệp, bán 2 doanh nghiệp, sáp nhập 2 bộ phận doanh nghiệp và cho phá sản 2 doanh nghiệp.

Để đẩy mạnh tiến trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp một cách có hiệu quả, trong thời gian tới cần thiết giải quyết một số vấn đề sau:



Thứ nhất, Quốc hội cần thiết nhanh chóng ban hành lại Luật Doanh nghiệp Nhà nước (trước đây đã có luật riêng về doanh nghiệp quốc doanh, sau đó đã bỏ luật này khi xây dựng luật doanh nghiệp chung như hiện nay), nếu không ban hành một luật riêng để điều chỉnh các hoạt động của doanh nghiệp nhà nước thì nhất thiết phải sửa đổi Luật Doanh nghiệp, theo đó phải bổ sung các điều luật riêng quy định việc điều chỉnh hoạt động và quản lý các doanh nghiệp nhà nước cho phù hợp với tính chất đặc thù của chế độ sở hữu trong doanh nghiệp nhà nước, các mục tiêu, vị trí, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước.

Thứ hai, các bộ, ngành nhanh chóng ban hành các quyết định hướng dẫn triển khai Nghị quyết 15/ NQ-CP để làm cơ sở triển khai đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, Chính phủ cần sớm ban hành các cơ chế, chính sách làm cơ sở pháp lý cho việc quản lý doanh nghiệp nhà nước như: Quy chế quản trị công ty TNHH một thành viên sở hữu nhà nước, quy chế về nhà quản trị tại doanh nghiệp nhà nước 100% vốn sở hữu, doanh nghiệp nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, quy định về cổ phần hóa bộ phận các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa.

Thứ ba, Chính phủ ban hành quy định rõ nhiệm vụ của doanh nghiệp nhà nước: Nhiệm vụ kinh tế - xã hội và nhiệm vụ kinh doanh. Từ đó, xây dựng hai bộ tiêu chí để đánh giá kết quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Hiện nay, do chưa phân biệt rõ hai chức năng này nên trong hạch toán dễ dẫn đến các tiêu cực, làm méo mó thị trường.

Thứ tư, Chính phủ cần nhanh chóng thay đổi cơ chế quản lý quản lý, giám sát, kiểm tra đối với doanh nghiệp nhà nước. Xóa bỏ ngay cơ chế bộ chủ quản đối với doanh nghiệp nhà nước, nhanh chóng thành lập cơ quan ngang bộ, chuyên trách quản lý các doanh nghiệp nhà nước. Nên tái cấu trúc SCIC thành một cơ quan ngang bộ, đảm nhận việc quản lý các doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp và bổ nhiệm một Phó Thủ tướng phụ trách. Cơ sở cho đề xuất này xuất phát từ chỗ doanh nghiệp nhà nước, dù hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, hay công ty TNHH một thành viên thì vẫn là một mô hình công ty đặc biệt về chế độ sở hữu, khác với các công ty trong các thành phần kinh tế khác. Trong doanh nghiệp nhà nước, hội đồng quản trị (hoặc hội đồng thành viên) đều là viên chức nhà nước, là người lao động ăn lương Nhà nước nên dễ nảy sinh các tiêu cực và dẫn đến thông tin bất cân xứng. Để giải quyết vấn đề này, SCIC với tư cách một cơ quan thực hiện chức năng chủ sở hữu, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn ở doanh nghiệp và qua đó sẽ giám sát lại hoạt động của hội đồng quản trị (hội đồng thành viên) của các doanh nghiệp nhà nước này.

Thứ năm, Chính phủ cần ban hành chính sách cho phép các địa phương được tiếp nhận vốn thu hồi được từ việc tiến hành cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước thuộc địa phương quản lý và thành lập để địa phương tăng cường nguồn thu ngân sách địa phương phục vụ sự nghiệp đầu tư phát triển địa phương mình. Hiện nay, Chính phủ quy định các doanh nghiệp nhà nước ở địa phương khi cổ phần hóa đều phải chuyển phần vốn thu hồi do bán cổ phần cho SCIC quản lý, mặc dù vốn này trước đây do ngân sách địa phương đầu tư. Đây là một vướng mắc trong cơ chế quản lý vốn sau cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước địa phương mà các địa phương đều lấn cấn khi tiến hành cổ phần hóa. Do đó, thời gian qua, nhiều địa phương không mặn mà lắm với việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước do địa phương mình quản lý và đầu tư. Vả lại, hiện tổng vốn chủ sở hữu hiện nay của khu vực doanh nghiệp nhà nước cả nước hơn 1 triệu 100 ngàn tỷ đồng, nhưng trong đó, riêng 32 doanh nghiệp của khối doanh nghiệp trung ương quản lý đã chiếm đến 94% vốn chủ sở hữu, và chiếm đến 95% tổng doanh thu của cả khu vực doanh nghiệp nhà nước cả nước. Như vậy, vốn nhà nước ở các doanh nghiệp địa phương rất nhỏ. Do đó, trong thời gian tới, Chính phủ nên cho phép phần vốn thu hồi sau cổ phần hóa, thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước địa phương sẽ do địa phương quản lý. Các địa phương nên hình thành nên công ty đầu tư tài chính nhà nước giống như mô hình SCIC ở địa phương. Hiện nay, TP.Hồ Chí Minh đã có Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.Hồ Chí Minh (HIFIC) thực hiện chức năng gần giống như SCIC tại TP.Hồ Chí Minh. Đồng thời, HIFIC còn thực hiện chức năng đầu tư vốn nhà nước vào các doanh nghiệp và tài trợ vốn, cho các đơn vị, doanh nghiệp vay vốn ưu đãi phục vụ sự nghiệp đầu tư phát triển trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh./.


Tài liệu tham khảo

1) Báo cáo của Chính phủ số 490/BC-CP ngày 25/11/2013: Tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2012 của các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước.

2) Báo cáo của Đảng ủy khối Doanh nghiệp trung ương tại Hội nghị “Đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước khối doanh nghiệp trung ương đến năm 2015” tổ chức ngày 2/4/2014 tại Hà Nội.

3) Cổng thông tin điện tử UBND Hà Nội và UBND Thành phố Hồ Chí Minh.

4) Nghị quyết 15/NQ-CP ngày 6/3/2014 “Về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tai doanh nghiệp” của Chính phủ Việt Nam.

5) PGS.TS Lê Thị Lanh, Th.S Huỳnh Đức Trường (2014), Tái cấu trúc và cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam – Thực trạng qua 30 năm đổi mới, Tọa đàm khoa học, chủ đề: “Tổng kết một số vấn đề lý luận – thực tiễn qua 30 năm đổi mới”, Ban Kinh tế Trung ương và Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, 1/2014, tr.305 – 320.


TÁI CƠ CẤU ĐẦU TƯ CÔNG: VẤN ĐỀ VÀ GIẢI PHÁP

TS. Trần Du Lịch

Ủy viên Ủy ban kinh tế Quốc hội
1. Tái cơ cấu đầu tư công phải được đặt trong tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và phải gắn với mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế

Mặc dù trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn 2011 - 2015 tập trung vào 3 nội dung: đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và hệ thống ngân hàng, nhưng cần đặt 3 nội dung trên trong mục tiêu tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, theo tinh thần Nghị quyết số 10/2011/QH 13 của Quốc hội và được Chính phủ triển khai thực hiện bởi QĐ 339/TTg-QĐ ngày 19/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Bởi vì mục tiêu cuối cùng của việc tái cơ cấu 3 lĩnh vực ưu tiên là thúc đẩy việc tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Nghị quyết TW3 (Khóa XI) xác định: “…cần tập trung vào 3 lĩnh vực quan trọng nhất: Tái cơ cấu đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cơ cấu ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng; tái cơ cấu DNNN mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước”. Như vậy, ngay trong lĩnh vực đầu tư công cũng phải đặt trong nội dung tái cơ cấu đầu tư xã hội, chứ không chỉ ở khu vực công.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này chủ trương tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng chưa thực sự đi vào thực tiễn; chưa có chính sách và giải pháp cụ thể nào tác động để dẫn dắt doanh nghiệp tham gia quá trình tái cơ cấu như trong lĩnh vực nông nghiệp hay chuyển từ nền công nghiệp gia công sang sản xuất; thay đổi nhận thức về cơ cấu kinh tế địa phương…

Về tái cơ cấu đầu tư công cơ bản theo Chỉ thị 1792/CT-TTG ngày 15/10/2011 của Thủ tướng chỉ giải quyết phần ngọn của vấn đề chứ chưa giải quyết phần gốc. Cần chỉ rõ nguyên nhân sâu xa gây lãng phí và kém hiệu quả của đầu tư công là cơ chế phân cấp đầu tư “theo kiểu khoán trắng” cho địa phương; chính quyền TW không kiểm soát được phần ngân sách TW phân cấp cho địa phương (Bộ giáo dục chỉ kiểm soát được 2,8% tổng đầu tư cho ngành này là một điển hình). Cần lý giải do nguyên nhân nào, mà nhiều địa phương còn nghèo, ngân sách eo hẹp vẫn ưu tiên xây dựng cơ quan nhà nhà nước hoành tráng, trong khi không có tiền để đầu tư phúc lợi thiết yếu cho nhân dân.

Cần phải có chính sách đủ mạnh để thúc đẩy quá trình tái cơ cấu tồng thể nền kinh tế, đặc biệt 3 lãnh vực: tái cơ cấu nền nông nghiệp và chuyển nền công nghiệp gia công sang sản xuất và phát triển kinh tế vùng thay cho cơ cấu kinh tế địa phương. Đây là những vấn đề liên quan đến quy hoạch đất nống nghiệp, kể cả đất lúa; chính sách sử dụng đất nông trường, lâm trường; xây dựng cứ điểm sản xuất nông - công nghiệp; chính sách tài chính cho những địa phương duy trì đất lúa vì an ninh lương thực; chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ; chính sách nội địa hóa sản phẩm…
2. Làm rõ phạm vi đầu tư công và chức năng đầu tư công nhằm định hướng tái cơ cấu đầu tư công (đầu tư của DNNN mang bản chất của đầu tư công)

Theo luật quản lý nợ công, thì nợ công không bao gồm nợ của DNNN, trừ các khoản vay do Chính phủ bảo lãnh. Tuy nhiên, phạm vị của nợ công và phạm vi của đầu tư công có khác nhau. Đầu tư công là đầu tư của Nhà nước nhằm thực hiện chức năng kinh tế - xã hội của Nhà nước. Đầu tư của Nhà nước thông qua các nguồn vốn như: thuế và phí; tín dụng nhà nước; công trái… Thực hiện đầu tư thông qua các cơ quan trong bộ máy nhà nước; đơn vị sự nghiệp của nhà nước và DNNN. Một bộ phận lớn DNNN đầu tư nhằm thực hiện chức năng cung cấp hàng hóa dịch vụ công cộng; sự nghiệp phát triển kinh tế; đầu tư vào các lãnh vực thiết yếu của nền kinh tế mà khu vực tư nhân không làm hoặc chưa đủ sức làm. Như vậy đầu tư công có phạm vi rộng hơn nợ công theo quy định của pháp luật hiện hành.

Trong giai đoạn 2001 - 2005 đầu tư công chiếm 53% tổng đầu tư xã hội, trong đó phần đầu tư của DNNN chiếm 14,9%. Con số tương ứng của giai đoạn 2006 - 2010 lần lượt là: 42,7% và 10,1%; năm 2013 lần lượt là: 29,1% và 8,4%. Mặt tích cực của đầu tư công trong những năm qua là: đầu tư công kích thích tăng tổng đầu tư xã hội thể hiện qua số tuyệt đối đầu tư hằng năm đều tăng, nhưng tỷ trọng so với tổng đầu tư xã hội giảm dần. Đây là một trong những tiêu chí cần thiết để phân bố đầu tư và đánh giá hiệu quả đầu tư công.

3. Tái cơ cấu đầu tư công phải gắn với chủ trương chủ động bội chi ngân sách cho đầu tư (chính sách tài chính công tích cực)

Trong nhiều năm nữa, nước ta còn phải thực hiện chính sách chủ động bội chi ngân sách bằng con đường vay nợ để đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và xã hội, thúc đẩy nhanh quá trình Công nghiệp hóa đất nước. Đó là chính sách tài chính công tích cực trong điều kiện tích lũy của nền kinh tế còn thấp, tiết kiệm nội địa chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển bền vững. Nhưng chính sách này phải kèm theo các điều kiện rất nghiêm ngặt như: phải có chiến lược nợ của Chính phủ và nợ quốc gia rõ ràng; những điều kiện bảo đảm hiệu quả trong đầu tư; khả năng trả nợ hàng năm, cả về VND lẫn ngoại tệ; tuân thủ nguyên tắc "phí tổn cơ hội" và tính đồng bộ trong đầu tư; chi tiêu nhà nước thật sự tiết kiệm; cơ chế phân bố vốn đầu tư minh bạch; cớ chế giám sát dòng vốn đầu tư chặt chẽ... Tuy nhiên, thực tế trong các năm qua, việc bội chi ngân sách nhà nước chưa thật sự tuân thủ các điều kiện nêu trên và nhiều điều kiện khác nữa, nên chính sách “tài chính công tích cực” đã trở thành nhân tố tiêu cực, có nguy cơ gây bất ổn cho nền tài chính quốc gia.

Nếu tiếp tục đầu tư như cách làm trong những năm qua thì hệ quả không chỉ tăng rủi ro cho hệ thống tài chính, mất an toàn nợ công, mà còn góp phần gây bất ổn vĩ mô (lạm phát, nhập siêu…).

Trong nhiều năm qua, đặc biệt là từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa 12, đã liên tục tăng mức bội chi và phát hành trái phiếu Chính phủ (nhưng không tính vào bội chi) để phân bố cho các ngành và địa phương đầu tư vào các lĩnh vực mà Quốc hội cho phép. Tuy nhiên, chưa có sự đánh giá mang tính định lượng nào về hiệu quả của các dự án và công trình đã sử dụng nguồn vốn này, mặc dù Chính phủ có đưa ra tiêu chí để phân bổ, nhưng chưa thấy có sự đánh giá về kết quả thực hiện một cách cụ thể. Tình trạng các ngành và địa phương đưa ra quá nhiều dự án, trong khi đó nguồn vốn rất hạn chế (khi Chính phủ ban hành Chỉ thị 1792, thì chỉ có 38% số dự án mà các địa phương và bộ ngành đề nghị có khả năng cân đối nguồn vốn), nên nơi nào, ngành nào "chạy" thủ tục sớm thì được chấp thuận và giải ngân sớm, nơi nào chậm thì để lại. Cách làm này dẫn đến hệ quả là phá vỡ tính ưu tiên và tính đồng bộ của đầu tư, tình trạng "vốn nằm" khắp nơi; ngân sách phải trả lãi, nhưng dự án thì phơi sương phơi gió. Đất nước ta khó khăn mọi điều, lĩnh vực nào, địa bàn nào cũng cần phải đầu tư, chứ không chỉ ở địa bàn khó khăn hay ngành nào. Dĩ nhiên, phải có địa bàn và lĩnh vực cần phải ưu tiên, nhưng phải kèm theo điều kiện. Nếu chúng ta nhìn ở giác độ toàn cục, thì ở địa bàn khó khăn việc đầu tư là vì mục tiêu chính trị, xã hội; còn ngay địa bàn có lợi thế như Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thì cũng phải đầu tư để nuôi nguồn thu chung cho đất nước, chứ không chỉ vì nơi đó. Ví dụ, ưu tiên cho nông thôn, miền núi, biên giới thì nên thực hiện theo chương trình quốc gia, có sự hỗ trợ của TW trong quá trình thực hiện, kể cả giai đoạn thiết lập dự án, triển khai thực hiện, đánh giá kết quả, chứ không nên khoán trắng cho địa phương, theo cách phân cấp như hiện nay; đầu tư cho dạy nghề phải tính đến "phần mềm" tức là sự đồng bộ của việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên, đồi tượng tuyển sinh, sử dụng sau đào tạo, chứ không chỉ việc xây dựng trường lớp; ngành y tế cũng vậy... Do đó, không thể phân bố đầu tư với một cách nhìn khá đơn giản là ngành hay địa bàn, mà phải cụ thể đến từng dự án; thời điểm đầu tư, cách thực hiện... để cân đối nguồn vốn với phương châm: làm dự án nào phải dứt điểm đưa vào sử dụng; phải bảo đảm tính đồng bộ và tính lan tỏa của từng dự án. Chúng ta chưa có cơ chế trách nhiệm giải trình về đầu tư kém hiệu quả. Ngay cả Luật Đầu tư công vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khoá 13 cũng khó xác định trách nhiệm giải trình của những cơ quan quyết định chủ trương đầu tư kém hiệu quả; mới giải quyết phần ngọn chứ chưa giải quyết được phần gốc của vấn đề đầu tư công.



Каталог: Uploads -> Articles04
Uploads -> Kính gửi Qu‎ý doanh nghiệp
Uploads -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014
Uploads -> Như mọi quốc gia trên thế giới, bhxh việt Nam trong những năm qua được xem là một trong những chính sách rất lớn của Nhà nước, luôn được sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời của Đảng và Nhà nước
Uploads -> Tác giả phạm hồng thái bài giảng ngôn ngữ LẬp trình c/C++
Uploads -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
Uploads -> TRƯỜng đẠi học ngân hàng tp. Hcm markerting cơ BẢn lớP: mk001-1-111-T01
Uploads -> TIÊu chuẩn quốc gia tcvn 8108 : 2009 iso 11285 : 2004
Uploads -> ĐỀ thi học sinh giỏi tỉnh hải dưƠng môn Toán lớp 9 (2003 2004) (Thời gian : 150 phút) Bài 1
Articles04 -> Kinh tế việt nam năM 2014: TỔng quan vĩ MÔ
Articles04 -> BÁo cáo hsbc kết nối giao thưƠng việt nam

tải về 2.4 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   10   11   12   13   14   15   16   17   ...   27




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương