MỤc lục danh mục bảng V danh mục hình VII danh mục bảN ĐỒ VIII


Dự báo các mô hình sản xuất có thể phát triển trong tương lai



tải về 3.31 Mb.
trang21/40
Chuyển đổi dữ liệu18.08.2016
Kích3.31 Mb.
#21988
1   ...   17   18   19   20   21   22   23   24   ...   40

Dự báo các mô hình sản xuất có thể phát triển trong tương lai


Qua điều tra, phân tích hiệu quả kinh tế của một số mô hình nuôi cùng các điều kiện về tự nhiên, cơ sở hạ tầng, điệu kiện về kinh tế xã hội, nhận thấy các mô hình phát triển sản xuất có thể phát triển trong tương lai phù hợp:

  • Mô hình nuôi cá nước ngọt mương vườn: như thả cá rô đồng cho lợi nhuận khoảng 20tr.đ/ha, mô hình nuôi này giúp gia tăng thu nhập và cung cấp nguồn thực phẩm cho gia đình.

  • Đối với mô hình tôm – lúa luân canh: với những ưu thế về vốn đầu tư không nhiều, lợi nhuận cao, kỹ thuật nuôi tôm – trồng lúa đơn giản chỉ cần cán bộ kỹ thuật hướng dẫn lần đầu là người dân có thể tự làm cho những lần sau. Bên cạnh đó nhà nước có những chính sách khuyến khích cho vay vốn phát triển sản xuất và thường xuyên mở các lớp hướng dẫn kỹ thuật nuôi, hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình trình diễn để người dân học tập.

  • Đối với mô hình nuôi tôm QC - QCCT với đặc điểm là vốn đầu tư thấp, việc chăm sóc giản đơn và dễ quản lý, phù hợp với điều kiện của ngừơi dân ở các huyện ven biển, người dân có thể nuôi tôm QC xen trong các rừng phòng hộ, rừng ngập mặn góp phần cải thiện kinh tế gia đình.

  • Mô hình có mức độ thâm canh cao hơn đó là nuôi chuyên tôm BTC và TC đa phần các hộ nuôi bắt đầu từ các mô hình nuôi BTC và QCCT đã có các nền tảng kiến thức về nuôi tôm và có điều kiện về kinh tế. Hiện tại đã và đang có nhiều dự án đầu tư các dự án phục vụ cho nuôi thủy sản trên địa bàn vùng nghiên cứu sẽ là một điều thuận lợi khi cơ sở hạ tầng vùng nuôi được hòan chỉnh. Nếu các hộ nuôi đảm bảo được về vấn đề kỹ thuật nuôi và xử lý môi trường tốt sẽ hạn chế được rủi ro khi nuôi, hiệu quả kinh tế rất cao.

  • Các mô hình kết hợp tôm (Quảng canh) – cua – cá: đây là mô hình nuôi hiện đang rất có khả thi ở các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau chi phí đầu tư ít ít rủi ro, bền vững lại phù hợp với trình độ, phù hợp điều kiện của đa số người dân; Các đối tượng nuôi ghép hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình sinh trưởng và phát triển, thu được nhiều sản phẩm trên cùng diện tích, dễ tiêu thụ sản phẩm, hạn chế mức độ rủi ro. Mô hình nên được thử nghiệm và nhân rộng kết quả vào sản xuất nếu có hiệu quả ở các huyện nghiên cứu tại Bến Tre.
    1. Dự báo các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ trong phát triển NTTS


Các đối tượng nuôi trong tương lai sẽ ngày càng đa dạng và trở nên phù hợp, thích nghi với lợi thế từng vùng. Nuôi tôm sú thâm canh đang ngày càng phát triển nhân rộng ra trên địa bàn các huyện ven biển Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú. Những vùng nuôi tôm lúa không hiệu quả do ảnh hưởng của nước mặn ngày càng tiến sâu vào nội đồng thì mô hình nuôi tôm TC sẽ dần được thay thế. Công nghệ sinh học phát triển sẽ được áp dụng trong NTTS để thực hiện sản xuất giống có năng suất, chất lượng cao, nuôi sạch đáp ứng được nhu cầu NTTS của người dân.

Theo đó, các hướng nghiên cứu, ứng dụng chính gồm: Vấn đề di truyền chọn giống, tăng trưởng nhanh, kháng bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó ưu tiên chọn các giống mới, bản địa; Nghiên cứu công nghệ sản xuất giống có năng suất và sản lượng cao, an toàn sinh học. Đồng thời, nghiên cứu các phương pháp phòng trị bệnh cho tôm cá, trong đó chú trọng nghiên cứu vắcxin cho cá tra và chất kích thích miễn dịch cho tôm, thực hiện việc phòng trị bệnh cho thủy sản bằng thảo dược; Nghiên cứu về vấn đề môi trường trong NTTS, đảm bảo phát triển bền vững. Sản xuất các sản phẩm có giá trị cao, giúp cho người nông dân có lợi nhuận cao, hạn chế sản xuất thô; nghiên cứu đa dạng sinh học, bảo tồn gen và các loài thủy sản quý hiểm, đặc biệt loại thủy sản bản địa.



Một số công nghệ sản xuất giống, nuôi, chế biến, thuốc, xử lý môi trường đang tiếp tục được nghiên cứu:

+ Gia hóa tôm sú: sắp tới các Viện, Trung tâm nghiên cứu thủy sản sẽ tiếp tục hoàn thiện nghiên cứu gia hóa khép kín vòng đời tôm sú trong hệ thống nhà nuôi để cho ra các đàn tôm sú gia hóa thương mại đạt hiệu quả thành thục và sinh sản cao. Nhờ đó ta sẽ độc lập, chủ động hơn trong quy trình sản xuất, nuôi tôm sú thương phẩm mà không phải nhập nguồn giống từ nước ngoài về.

+ Công nghệ xây dựng hệ thống tuần hoàn cho ao cá tra nuôi thâm canh: đây là công nghệ nuôi thủy sản tiên tiến hiện nay nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước, tăng cường hiệu suất sử dụng nguồn nước, tạo sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm và an toàn sinh học cho hệ thống nuôi, giảm thiểu mầm bệnh. Công nghệ này đang được nghiên cứu và ứng dụng trên thế giới, nước ta đang thực hiện nghiên cứu đề tài này, với kết quả đạt được trong tương lai sẽ xây dựng hệ thống nuôi cá tra thương phẩm tuần hoàn nhân rộng ra các địa phương trong cả nước mang đến sản phẩm cá tra sạch và hiệu quả kinh tế, môi trường cao.

    1. Dự báo xu hướng biến đổi môi trường, nguồn lợi và đa dạng sinh học


(1) Dự báo thiên tai, sự cố môi trường

Theo dự báo của các chuyên gia môi trường, trong tương lai do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhiệt độ sẽ tiếp tục tăng ở mức 0,1-0,3oC/thập kỷ trong thế kỷ XXI (gấp 2-3 lần thế kỷ trước). Các hiện tượng cực đoan có xu hướng xảy ra nhiều và mạnh hơn. Đặc biệt xâm nhập mặn và hạn hán là vấn đề thời sự của tỉnh. Hiện tượng triều cường, nước biển dâng gây sạt lở bờ biển, bờ sông, ảnh hưởng của bão, lốc sẽ nhiều hơn.

Lượng mưa hàng năm biến động bất thường, tập trung nhiều vào mùa mưa. Trong mùa khô, lượng mưa tăng giảm không rõ rệt, có xu hướng giảm nhiều hơn. Cường độ mưa với những đợt mưa lớn sẽ nhiều hơn dẫn đến ngập lụt tăng, nhất là khu vực ven biển, khu đô thị. Các đợt không mưa kết hợp nắng nóng cũng xảy ra nhiều hơn do biến đổi khí hậu. Các đợt hạn trong mùa khô, thậm chí ngay cả trong mùa mưa có thể sẽ xuất hiện nhiều hơn.

Một số thiên tai khí tượng khác như giông, sét, lốc cũng sẽ có xu hướng tăng lên. Tất cả những tác động do biến đổi khí hậu nêu trên sẽ ảnh hưởng nặng nề đến nơi cư trú và sức khỏe con người, đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và thủy sản nói riêng.



+ Hạn hán:

Theo xu thế của biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay, vùng ĐBSCL vào mùa khô, nhiệt độ sẽ tăng cao, nắng nóng kéo dài, lượng mưa trái mùa sẽ ngày càng giảm đi rõ rệt.

Năm 2010, mực nước sông Mekong đã xuống đến mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua. Theo số liệu của Trung tâm dự báo khí tượng Nam Bộ, tại Tân Châu mực nước xuống dưới mức 1,2 m, mực nước tại Châu Đốc xuống dưới mức 1,0 m thấp hơn cùng kỳ năm 2009 từ 0,4 – 0,5 m.

Theo kết luận của Ủy Ban sông Mekong, giai đoạn mùa khô hiện nay, được gây ra bởi lượng mưa thấp nhất trong vùng trong 50 năm trở lại đây. Năm 2010, do El-Nino hoạt động mạnh sẽ làm nghiêm trọng và kéo dài hạn hán trong mùa khô hơn so với năm 2009. Tình trạng thiếu nước đang diễn ra trầm trọng, nước ngọt không đủ cung ứng rửa mặn trên ruộng đồng, ao hồ; không đảm bảo nguồn nước cho các vùng NTTS ngọt, các vùng canh tác kết hợp tôm – lúa, cá – lúa nước lợ,… Xâm nhập mặn với đường đẳng trị mặn sẽ tiến sâu vào nội đồng hơn cùng với sự hỗ trợ của nước triều dâng. Điều đó có nghĩa ô nhiễm mặn, ô nhiễm phèn trong nước sẽ gia tăng, phạm vi ảnh hưởng lan rộng. Trong khi đó các giống loài thủy sản nước ngọt, lợ sẽ không sống được nếu độ mặn tăng cao so với giới hạn chịu mặn của chúng.



+ Mưa lũ:

Mưa làm lượng nước trên các đồng ruộng, ao đầm, sông ngòi tăng nhanh, dẫn đến ngọt hóa các vùng NTTS mặn, lợ. Mặt khác, lũ lớn trên thượng nguồn sông Mekong tràn về mang theo ô nhiễm từ các nguồn thải xuống vùng hạ nguồn (bản chất của lũ), không những làm tăng ô nhiễm khu dân cư mà cả các vùng NTTS, mầm bệnh lưu dẫn trong môi trường nước dễ dàng phát tán lên các giống loài thủy sản và con người.

Lũ: do nước biển dâng sẽ làm tăng cường thời gian ngập lụt, các chất ô nhiễm lưu tồn trong vùng ngập lâu hơn. Lúc đó nồng độ các chất ô nhiễm đã giảm do được pha loãng, nhưng nước lũ tràn đồng cũng đã làm phát tán ô nhiễm đi rộng hơn. Thời gian ngập lâu làm các chất ô nhiễm có xu hướng lắng đọng và lưu lại trong đồng, không thoát theo nước lũ rút.

Lượng phù sa, vật liệu trầm tích bị xói lở do di chuyển của dòng lũ mang từ sông đổ dồn ra vùng ven biển, mưa lớn, cũng như các sạt lở ven bờ do bão, triều sẽ làm tăng hàm lượng vật chất lơ lửng, tăng độ đục, gây bồi lắng bùn trong các vùng nuôi ven bờ, các loài tôm cá, nhuyễn thể bị ngạt có thể dẫn đến chết hàng loạt, gây thất thu cho các hộ nuôi.



+ Sạt lở ven bờ:

Do diễn biến thời tiết bất thường trong những năm gần đây và sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp với cường độ ngày càng mạnh hơn và nguy hiểm hơn nên lũ lụt sẽ hoành hành và gây thiệt hại nghiêm trọng cho các tỉnh nằm ở hạ nguồn các sông lớn của vùng ĐBSCL. Trên địa bàn tỉnh Bến Tre, vào mùa lũ, nước sông dâng lên đột ngột làm xảy ra hiện tượng xói lở 2 bờ sông và hiện tượng này vẫn sẽ tiếp tục diễn ra tại : sông Chợ Lách khu vực thị trấn Chợ Lách, sông Mỏ Cày khu vực thị trấn Mỏ Cày, sông Bến Tre khu vực thị trấn Bến Tre, sông Bình Châu khu vực thị trấn Bình Thắng, sông Cổ Chiên khu vực Nhuận Phú Tân và cồn Phú Đa, sông Mỹ Tho khu vực thị trấn Phú Túc huyện Châu Thành với tốc độ nhanh hơn vì hầu hết đê bao ngăn sạt lở vẫn chưa hoàn chỉnh.

Việc nóng lên toàn cầu và nước biến dâng sẽ dẫn đến tăng nhanh quá trình xói lở bờ biển. Thông qua hiện tượng xói lở bờ biển tăng cùng với nước biển dâng sẽ tác động đến mọi hoạt động kinh tế và đời sống của khu vực gần đó. Với trên 65 km bờ biển, 3 cảng cá và khu dân cư cùng với rất nhiều công trình xây dựng, cơ sở hạ tầng giao thông nằm sát biển,… tỉnh Bến Tre sẽ chịu ảnh hưởng mạnh của các hiện tượng này.

Nếu hoạt động khai thác cát lòng sông tràn lan, không theo quy hoạch như hiện nay không sớm được khắc phục thì vấn đề gia tăng sạt lở trong tương lai sẽ ngày càng cao.



+ Sự cố tràn dầu:

Sự phát triển mạnh mẽ trong tương lai các hoạt động hàng hải nội địa và quốc tế ở vùng ven biển tỉnh Bến Tre, vùng biển Đông Nam Bộ là tất yếu, các cảng biển sẽ được mở rộng để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tàu thuyền công suất lớn neo đậu. Các tàu thuyền qua lại nhiều sẽ làm gia tăng nguy cơ các vụ tai nạn xảy ra trên biển, dẫn đến tình trạng dầu bị thất thoát, tràn dầu ra môi trường biển ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động NTTS vùng bãi bồi và môi trường sống của các loài thủy hải sản ven bờ và xa bờ.



(2) Dự báo ô nhiễm và suy thoái chất lượng môi trường

Theo Quy hoạch Tổng thể Thủy sản tỉnh Bến Tre đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 thì diện tích và sản lượng thủy sản của vùng sẽ tăng mạnh và diện tích mặt nước vùng ven biển được sử dụng cho mục đích NTTS sẽ tăng cao trong thời gian sắp tới (chủ yếu là nuôi tôm) nên chất lượng nước ven biển sẽ tiếp tục bị suy giảm đáng kể do việc xả thải từ các hoạt động NTTS.

Hiện nay, tại tỉnh Bến Tre có hàng chục cơ sở hoạt động sửa chữa cơ khí, đóng tàu thuyền ven biển. Các cơ sở sản xuất này tập trung tại khu vực cảng (chủ yếu là tại cảng Bình Thắng, An Thủy), các bãi neo đậu tàu thuyền khai thác thủy sản. Hàng ngày, các hoạt động này thải ra môi trường biển một lượng dầu mỡ hữu cơ và rác thải gây ô nhiễm môi trường nước tại đây. Theo chiến lược phát triển ngành thủy sản của tỉnh, tỉnh sẽ tiến hành quy hoạch, cải tạo và xây dựng các cảng cá, tại đây sẽ là nơi tập trung một số cơ sở công nghiệp chuyên chế biến thủy sản và các cơ sở sửa chữa đóng tàu thuyền, đặc biệt là cảng cá – làng cá An Thủy – An Hòa Tây với tổng diện tích 200 ha. Nếu nước thải của các nhà máy chế biến thủy sản, đóng tàu thuyền đưa vào môi trường mà không được xử lý sẽ góp phần làm giảm chất lượng nước biển ven bờ.

Tác động gián tiếp của BĐKH, nước biển dâng lên các vùng sinh thái NTTS bao gồm ô nhiễm các hệ đất; nước lũ tràn; xói lở trầm tích đường bờ, cồn bãi, ven biển,… là nguồn dẫn truyền làm ô nhiễm môi trường nước NTTS, ảnh hưởng đến sinh sản và phát triển của các giống loài.

Nguồn nước bị ô nhiễm là môi trường thuận lợi phát sinh dịch bệnh thủy sản, cùng với nước biển dâng dịch bệnh sẽ dễ dàng phát tán ra các vùng nuôi khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động NTTS, gây tổn thất kinh tế rất lớn.

Các tác động của BĐKH, nước biển dâng lên NTTS là rất phức tạp, nằm trong các mối tương quan với những thay đổi của môi trường. Do đó cần có nhiều nghiên cứu sâu hơn nữa về các mặt tác động của BĐKH, nước biển dâng để có định hướng lâu dài trong quy hoạch NTTS.



(3) Dự báo xu thế suy giảm nguồn lợi, đa dạng sinh học

Tình trạng khai thác thủy sản quá mức ở vùng nước ven bờ đã làm giảm tỷ lệ các loài có giá trị kinh tế cao như: cá Trích, cá Trỏng, cá Liệt, tôm He, tôm Vỗ, mực Nang, mực Ống, mực Lá, ghẹ,… Các ngư cụ khai thác tận thu và hủy diệt (như dùng ngư cụ có mắt lưới kích thước nhỏ, nghề te, xiệt, chất nổ,…) đã làm phá hoại nghiêm trọng nguồn lợi thủy sản cũng như môi trường sống của chúng.

Theo quy hoạch phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020, các huyện ven biển Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú tỉnh Bến Tre sẽ đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch biển, từ đó kéo theo sự phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Khi đó, diện tích đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp được chuyển sang mục đích phi nông nghiệp dẫn đến suy giảm diện tích rừng ngập mặn đáng kể, làm ảnh hưởng đến các nguồn lợi động vật trên cạn lẫn các loài động vật dưới nước do môi trường sống vừa bị thu hẹp vừa bị biến đổi.

Đến năm 2020, khu vực ven biển sẽ hình thành các cụm công nghiệp quy mô vừa và nhỏ. Việc phát triển các cụm công nghiệp sẽ có nguy cơ gia tăng ô nhiễm môi trường nước khu vực gần cửa sông. Nếu các chất ô nhiễm tại các cụm công nghiệp không được kiểm soát sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đa dạng sinh học khu vực cửa sông, rừng ngập mặn, đặc biệt là suy giảm nguồn lợi nghêu, sò của các hợp tác xã khu vực nuôi ven bờ.

Sự gia tăng dân số khu vực ven biển đã và đang là bài toán khó cho vấn đề đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt. Hiện nay, vấn đề xử lý nước thải chỉ mới dừng lại ở việc hoàn thiện hệ thống cống thoát nước thải tách biệt với nước mưa, do đó toàn bộ lượng nước thải sinh hoạt sẽ được thải vào các thủy vực ven bờ, ngoài ra còn các nguồn thải khác từ công nghiệp, du lịch,… Khả năng tiếp nhận chất thải của các thủy vực là có giới hạn, ô nhiễm môi trường nước là điều tất yếu, điều này sẽ làm hủy hoại hệ sinh thái thủy vực trong vùng.

Hoạt động của hệ thống cống đập Ba Lai có thể gây ra tác động bất lợi đối với hệ sinh thái phía dưới cống đập. Sự thay đổi đột ngột về độ mặn và tốc độ dòng chảy vào các đợt xả cống gây ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài nhuyễn thể như nghêu, sò huyết do bị sốc mặn. Do đó, cần hoàn thiện hệ thống cống đập, quy trình xả cống, quy hoạch vùng nuôi thủy sản để giảm thiếu thấp nhất những tác động do cống đập Ba Lai gây ra trong tương lai.



  • Biến đổi khí hậu và nước biển dâng

BDKH làm gia tăng tần suất và cường độ thiên tai như bão, lũ, hạn hán, mưa lớn, nắng nóng,… và có thể trở thành thảm họa, gây rủi ro lớn cho phát triển kinh tế, xã hội hoặc xóa đi những thành quả nhiều năm của sự phát triển.

Theo kịch bản B2 (kịch bản với mức phát thải trung bình Bộ TN&MT đã chọn làm định hướng ban đầu để đánh giá tác động của BDKH, NBD trong cả nước) diện tích ngập của ba huyện ven biển như sau:

Bảng 5.3. Diện tích và tỷ lệ ngập của ba huyện biển tỉnh Bến Tre theo kịch bản B2


Huyện

Mức nước dâng

12 cm
(Năm 2020)


17 cm
(Năm 2030)


30 cm
(Năm 2050)


S (ha)

%

S (ha)

%

S (ha)

%

Ba Tri

3.594

10,85

3.924

11,85

4.743

14,32

Bình Đại

3.135

8,44

3.769

10,15

6.027

16,23

Thạnh Phú

5.782

15,04

5.817

15,13

6.001

15,61

Tổng 3 huyện

12.511

11,51

13.510

12,43

16.771

15,43

Toàn tỉnh

27.209

12,24

29.045

13,07

34.208

15,39

(Nguồn: Đánh giá tác động, chi tiết kịch bản biến đổi khí hậu tỉnh Bến Tre và đề xuất giải pháp ứng phó)

Như vậy, đến năm 2020, tổng diện tích đất bị ngập của ba huyện biển là 12.511 ha, chiếm 11,51% tổng diện tích đất tự nhiên ba huyện. Huyện Thạnh Phú có diện tích ngập bị ảnh hưởng nhiều nhất (5.782 ha) so với hai huyện Bình Đại, Ba Tri và các huyện khác trong tỉnh.

Biến đổi khí hậu và nước biển dâng có ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái động thực vật khu vực biển ven bờ. Hậu quả của nước biển dâng là mặn xâm nhập sâu vào đất liền làm suy giảm hệ sinh thái rừng ngập mặn, thu hẹp môi trường sống các giống loài thủy sản mặn lợ phụ thuộc vào rừng ngập mặn.

Các điều kiện môi trường như nhiệt độ tăng, độ kiềm, độ mặn thay đổi sẽ dẫn đến chất lượng môi trường sống của nhiều loài sinh vật biển bị xấu đi. Quá trình khoáng hóa và phân hủy các chất hữu cơ nhanh hơn, ảnh hưởng đến nguồn thức ăn của sinh vật. Năng suất và chất lượng thương phẩm của thủy sản giảm do các sinh vật phải tiêu tốn nhiều năng lượng hơn cho các quá trình hô hấp cũng như các hoạt động sống khác trong môi trường mới. Bên cạnh đó, các loài NTHMV (nghêu, sò,…) có thể bị chết hàng loạt do không chống chịu nổi với nồng độ muối, nhiệt độ thay đổi bất thường. Các loài thực vật nổi, mắt xích đầu tiên của chuỗi thức ăn cho động vật nổi bị suy giảm, thậm chí có thể bị hủy diệt, làm giảm nguồn thức ăn chủ yếu của các động vật tầng giữa và tầng trên. Hậu quả là dẫn đến sự di cư các loài đến vùng biển khác (di cư thụ động), cấu trúc quần xã sinh vật bị phá vỡ, giảm đa dạng sinh học ở các vùng biển nông và ven bờ.




    1. tải về 3.31 Mb.

      Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   17   18   19   20   21   22   23   24   ...   40




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương