MỤc lục chương một: CÁc khái niệm chung về sinh thái họC


KHÁI NIỆM VỀ TÀI NGUYÊN MÔI TRƯỜNG



tải về 3.98 Mb.
trang20/24
Chuyển đổi dữ liệu01.06.2018
Kích3.98 Mb.
#39208
1   ...   16   17   18   19   20   21   22   23   24

5.1. KHÁI NIỆM VỀ TÀI NGUYÊN MÔI TRƯỜNG

5.1.1. Khái niệm về tài nguyên

5.1.1.1. Khái niệm


Tài nguyên là bao gồm tất cả các nguồn nguyên liệu, năng lượng, thông tin có trên trái đất và trong không gian vũ trụ liên quan mà con người có thể sử dụng để phục vụ cuộc sống và sự phát triển của mình.

5.1.1.2. Phân loại


- Tài nguyên có thể được phân thành 2 loại: tài nguyên thiên nhiên (gắn liền với các yếu tố thiên nhiên) và tài nguyên con người (gắn với nhân tố con người và xã hội).

- Trong sử dụng cụ thể, tài nguyên được phân loại theo các dạng của nó như: TN đất, TN nước, TN khí hậu, TN sinh vật, TN lao động.

- Theo khả năng tái tạo có thể phân thành tài nguyên tái tạo được và tài nguyên không tái tạo:

+ Tài nguyên tái tạo được (renewable) là những tài nguyên có thể tự duy trì hoặc tự bổ sung một cách liên tục, nếu được con người quản lý một cách khôn ngoan (Jorgensen S.E., 1981).

Ví dụ: Những tài nguyên tái tạo được như: năng lượng như mặt trời, nước, gió, đất, các sinh vật và con người…, đây là những tài nguyên dựa vào nguồn năng lượng được cung cấp hầu như là liên tục và vô tận từ vũ trụ vào trái đất, dựa vào trật tự thiên nhiên, nguồn thông tin vật lý và sinh học đã hình thành và tiếp tục tồn tại, sinh sôi nảy nở và chỉ mất đi khi không còn nguồn năng lượng và thông tin nói trên.

+ Tài nguyên không tái tạo được (non-renewable) đó là những tài nguyên được tồn tại hữu hạn, nó sẽ mất đi hoặc hoàn toàn bị biến đổi không giữ được tính chất ban đầu sau quá trình sử dụng.

Ví dụ: Các loại khoáng sản, chất khí, dầu mỏ, các mỏ vàng, bạc, sắt… Về mặt lý thuyết thì những loại tài nguyên này có khả năng tái tạo lại được một cách tự nhiên qua thời gian dài hàng trăm triệu năm, nhưng xét một cách thực tế theo yêu cầu sử dụng của đời sống con người hiện tại thì chúng chỉ được xem như là tài nguyên không tái tạo được.

5.1.2. Khái niệm về môi trường


Môi trường là tổng hợp các điều kiện, hiện tượng bên ngoài có ảnh hưởng tới một vật thể hoặc một sự kiện. Bất kỳ một vật thể, một sự kiện nào cũng tồn tại và diễn biến trong một môi trường. Khái niệm chung về môi trường như vậy được cụ thể hóa đối với từng đối tượng và mục đích nghiên cứu.

- Đối với các cơ thể sống: Môi trường sống là tập hợp tất cả các điều kiện và hiện tượng bên ngoài có ảnh hưởng tới đời sống và sự phát triển của cơ thể. Khí quyển, thủy quyển, thạch quyển tồn tại trước khi sự sống xuất hiện trên hành tinh, nhưng chỉ khi có các cơ thể sống xuất hiện chúng mới trở thành môi trường. Có nghĩa là chỉ có các cơ thể sống mới có môi trường.

Môi trường không chỉ gồm các điều kiện vật lý mà bao gồm cả các sinh vật cùng chung sống. Môi trường chứa các cơ thể sống làm thành sinh thái quyển của trái đất. Các nhân tố môi trường tác động lên cơ thể sống không như nhau. Một số nhân tố không ảnh hưởng rõ rệt đến đời sống sinh vật như khí trơ trong vũ trụ. Ngược lại, có nhiều nhân tố ảnh hưởng lớn và quyết định đến sinh vật như: ánh sáng, nhiệt độ, nước, chất khoáng, phóng xạ, chuyển động của không khí. Tập hợp nhân tố tác động cần thiết cho sinh vật mà thiếu nó thì các sinh vật không thể tồn tại được gọi là các điều kiện sinh tồn của sinh vật như ánh sáng, nhiệt độ, đất, không khí.

- Đối với con người thì: “môi trường sống” là tổng hợp các điều kiện vật lý, hóa học, kinh tế, xã hội bao quanh sự sống, nó có ảnh hưởng tới sự sống, sự phát triển của từng cá nhân và của cộng đồng con người.

Môi trường sống của con người là cả một vũ trụ bao la trong đó có hệ mặt trời và hệ trái đất là bộ phận ảnh hưởng trực tiếp và rõ nhất. Theo cách nhìn của khoa học môi trường hiện đại thì trái đất có thể xem như là một con tàu vũ trụ lớn, mà loài người là những hành khách. Về mặt vật lý, trái đất gồm có thạch quyển, thủy quyển và khí quyển. Thạch quyển chỉ phần rắn của trái đất từ mặt đất đến độ sâu khoảng 60 km; thủy quyển được tạo nên bởi các đại dương, biển cả, ao hồ, băng tuyết và các vùng nước khác; khí quyển với không khí và các loại khí khác bao quanh mặt đất. Về mặt sinh học, trên trái đất có sinh quyển bao gồm các cơ thể sống, thủy quyển và khí quyển tạo thành môi trường sống của các cơ thể sống đó.

Hiểu theo nghĩa rộng, môi trường sống của con người bao gồm tất cả các tài nguyên thiên nhiên và các nhân tố thuộc về chất lượng của môi trường đối với sức khỏe và tiện nghi sinh sống của con người. Theo nghĩa hẹp thì môi trường gồm các nhân tố thuộc về chất lượng của môi trường đối với sức khỏe và phạm vi sinh sống của con người-gọi tắt là chất lượng môi trường (các nhân tố: không khí, ánh sáng, nước, âm thanh, bức xạ, cảnh quan thẩm mỹ, đạo đức, quan hệ chính trị, xã hội của con người).



Nói cụ thể hơn, ví dụ như trong trường phổ thông cơ sở nào đó mà các thế hệ trẻ đang học tập, vườn trường có rất nhiều cây xanh, hoa tươi, không khí trong lành, ít tiếng ồn rất phù hợp với điều kiện học bài của lớp trẻ, lúc đó chúng ta có thể nói rằng môi trường học tập của học sinh là rất tốt. Cũng như vậy, đối với những người công nhân ở nhà máy, bà con nông dân ở vùng nông thôn, bà con dân phố ở thành thị, các chiến sĩ ở trong quân đội… đều có môi trường riêng của họ.

Nói tóm lại, môi trường là một trung tâm cụ thể với những nhân tố xung quanh trung tâm đó, vì vậy những trung tâm khác nhau có môi trường lớn nhỏ khác nhau. Đối với học sinh và công nhân thì vườn trường và nhà máy là môi trường của họ - đó là những môi trường nhỏ. Đối với toàn nhân loại thì cả trái đất, bầu khí quyển, biển, lục địa đều thuộc phạm vi môi trường của loài người - đó là môi trường lớn. Hàng ngày chúng ta nói bảo vệ môi trường tức là vừa nói tới những môi trường nhỏ như trường học, nhà máy, cánh đồng, đường phố… vừa nói tới môi trường lớn như một vùng, một quốc gia hoặc cả trái đất.



Cụm từ “môi trường” được sử dụng trong các văn kiện, báo chí, đài phát thanh là thể hiện “môi trường lớn” gồm môi trường tự nhiên và môi trường nhân tạo.

+ Môi trường tự nhiên là tổng thể những nhân tố tự nhiên xung quanh chúng ta như: bầu khí quyển, nước, động vật, thực vật, đất, khoáng sản, bức xạ mặt trời, v.v..

+ Môi trường nhân tạo là hệ thống môi trường được tạo ra do con người lợi dụng tự nhiên, cải tạo tự nhiên. Vì môi trường nhân tạo được sáng tạo và phát triển trên cơ sở môi trường tự nhiên, bởi vậy môi trường nhân tạo bị môi trương tự nhiên chi phối và ngược lại nó cũng ảnh hưởng nhiều tới môi trường tự nhiên.

Đối với sinh vật trên bề mặt trái đất tồn tại bốn kiểu môi trường: Môi trường đất, nước, không khí và môi trường các sinh vật khác (đối với các sinh vật kí sinh).


5.1.3. Lịch sử phát triển của con người tác động đến tài nguyên và môi trường (tự học)


Ngay từ buổi xuất hiện, con người luôn tác động vào môi trường xung quanh để sống. Trong cả thời gian lịch sử lâu dài (hơn 1 triệu năm) tuy những tác động của con người chẳng đáng kể gì song họ đã chiếm đoạt được nguồn lương thực, tài nguyên có thể khai thác được. Cuộc cách mạng đầu tiên trong lịch sử là cách mạng nông nghiệp thời đại đồ đá là mốc đánh dấu một loạt thành tựu về sáng tạo văn hóa, đưa dần loài người vào nền văn minh hiện đại. Kết quả là toàn bộ các hệ sinh thái tự nhiên dần dần chuyển thành hệ sinh thái nhân tạo, vì các hệ sinh thái không bào giờ tồn tại cô lập mà nó luôn luôn liên hệ với các hệ sinh thái khác. Như vậy, thực tế không một hệ sinh thái nào lại không chịu ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp, ít hay nhiều của con người. Sự chuyển biến từ hệ sinh thái tự nhiên sang hệ sinh thái nhân tạo đã trải qua một quá trình phát triển, tiến hóa lâu dài dưới sự tác động của con người. Sự can thiệp của con người vào tự nhiên được mô tả qua các giai đoạn sau đây:

5.1.3.1. Giai đoạn hái lượm


Đó là một ngành kinh tế nguyên thủy nhất, chuyên khai thác thức ăn thực vật sẵn có trong tự nhiên (củ, hạt, trái cây, măng …). Ngoài ra còn có thể thu lượm nguồn thức ăn động vật (côn trùng, trai, ốc, mật ong, trứng chim…). Con người sống hoàn toàn dựa vào ơn huệ của thiên nhiên. Với công cụ sử dụng rất thô sơ như dìu tay bằng đá, cuốc và công cụ để đào bới bằng xương thú, sừng thú. Trong giai đoạn này do con người chỉ dùng những công cụ giản đơn tác động vào tự nhiên nên năng suất rất thấp, cùng với dân số lúc này còn thưa thớt nên hầu như chưa ảnh hưởng đến tài nguyên môi trường.

5.1.3.2. Giai đoạn săn bắt, đánh cá


Ở buổi đầu hái lượm con người cũng săn bắt những chim thú nhỏ. Đến trung kỳ thời đại đồ đá cũ bắt đầu có các hình thức săn bắt thú lớn (trâu, bò rừng, gấu, voi, ngựa, hoẵng, sơn dương …). Với phương thức chung là dùng số đông người săn đuổi thú xuống hố đã bố trí sẵn. Săn bắt và hái lượm lúc này đã có hiệu quả và đảm bảo đời sống của bầy người nguyên thủy, đồng thời còn cung cấp những nguyên liệu như da, xương thú để dựng lều, làm chăn, làm đồ mặc và làm công cụ khai thác thức ăn trong tự nhiên.

Đến thời đồ đá giữa, nghề đánh cá bắt đầu xuất hiện và phát triển cao ở thời đại đồ đá mới. Mới đầu là dùng lao có ngạnh và móc sau đó con người đã biết dùng lưới để bắt cá. Mặc dù hiệu quả khai thác tự nhiên ở giai đoạn này có tăng nhiều so với giai đoạn trước, song sự can thiệp của con người vào tự nhiên vẫn chưa gây biến động lớn, cân bằng sinh thái vẫn được bảo toàn.


5.1.3.3. Giai đoạn chăn thả


Thuần dưỡng và chăn nuôi gia súc (cùng với trồng trọt) là thành tựu lớn của thời đại đồ đá mới. Những dấu tích phát hiện trong các di chỉ khảo cổ học ở miền Tây Nam Á (Palextin) vào thiên niên kỷ VIII-VII trước công nguyên, ở một số nơi trong điều kiện thuận lợi ngay từ cuối thời đại đồ đá giữa đã biết đến nghề nông nguyên thủy. Sang thời đại đồ đá mới, nghề chăn nuôi gia súc và một số gia cầm đã phổ biến, một số thú lớn thuần dưỡng đầu tiên là chó, dê, cừu, lợn, bò, lừa, ngựa trong bộ lạc chăn nuôi hình thành lối sống du mục. Do thuần dưỡng và chăn nuôi phát triển đã cung cấp cho con người nguồn thực phẩm và nguyên liệu cần thiết góp phần cải thiện dần chất lượng cuộc sống của con người ở thời đại này.

Với sự kết hợp giữa trồng trọt và thuần dưỡng động vật, phát triển chăn nuôi, giai đoạn này bắt đầu có những biểu hiện rõ sự can thiệp của con người vào cân bằng sinh thái. Nông nghiệp phát triển, sự phá rừng bừa bãi làm mất đi điều kiện đảm bảo sự sống của giới động vật. Song sự hủy diệt khủng khiếp nhất chỉ diễn ra vào giai đoạn công nghiệp hóa.


5.1.3.4. Giai đoạn nông nghiệp


Nông nghiệp phát triển rộng khắp hành tinh vào thời đại đồ đá mới. Trải qua cuộc sống hái lượm, con người đã tích lũy dần những hiểu biết về cây cối hoang dại và tập trồng cây gieo hạt. Nền nông nghiệp sơ thủy bao gồm công việc tương tự như đốt nương, làm rẫy, phát quang, đốt, dọn sạch, chọc lỗ, bỏ hạt. Khi cần cũng đã biết trữ nước và khơi lạch cho nước vào ruộng. Theo di chỉ khảo cổ học thì thời đại này con người đã gieo trồng hầu hết các loại cây ngũ cốc chủ yếu như: lúa, ngô, lúa mì … Ngoài ngũ cốc họ còn trồng đỗ, lạc, vừng, các loại rau ăn lá, rau ăn củ, quả, một số cây ăn quả và cây lấy dầu, lấy sợi … Những vùng có sông lớn nền nông nghiệp tưới nước đã phát triển. Đến thời đồ đồng con người đã biết đắp đê, đào mương, trâu, bò và ngựa đã dùng để làm đất. Nền kinh tế nông nghiệp lan tràn khắp hành tinh, để lại mọi nơi dấu ấn của tính phong phú và sự cân bằng.

5.1.3.5. Giai đoạn công nghiệp hóa


Thời đại công nghiệp hóa bắt đầu muộn hơn song chỉ một thời gian ngắn nó đã làm cho bộ mặt của giới tự nhiên bị biến đổi sâu sắc. Thế kỷ 18 được coi là điểm mốc của thời đại công nghiệp hóa, khởi đầu từ những thực nghiệm về máy hơi nước của nhà vật lý người Pháp Denis Papin. Tiếp đó là việc chế tạo ra hàng loạt các máy móc đưa vào sản xuất và giao thông vận tải. Hệ thống kỹ thuật mới được hình thành tạo điều kiện chuyển thủ công nghiệp và công trường thủ công sang nền đại sản xuất tư bản chủ nghĩa. Cách mạng kỹ thuật lần thứ 2 nổ ra vào cuối thế kỷ 18 ở Anh và đầu thế kỷ 19 ở các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản thực chất là chuyển chức năng lao động cơ bắp (lao động thủ công) sang máy móc. Cuối thế kỷ 19 máy phát điện và động cơ điện đầu tiên ra đời, từ đó máy móc đã đi vào nhiều ngành sản xuất tạo ra năng suất lớn, tác động mạnh đến môi trường sống. Nền nông nghiệp cơ giới hóa đã đem lại những vùng trồng trọt lớn bằng cách phát quang và phá rừng với cường độ ngày càng tăng.

Công nghiệp hóa liên quan đến việc tiêu thụ năng lượng lớn như: than đá, dầu mỏ, khí đốt, củi, gỗ… Công nghệ khai thác mỏ lại có ảnh hưởng lớn đến địa tầng của đất, phá hủy từng vùng sinh thái bao gồm rừng và tài nguyên động, thực vật. Nhu cầu năng lượng ngày càng tăng mà nguồn năng lượng không phải là vô tận, một số có nguy cơ cạn kiệt (than > 200 năm, khí 30 năm, dầu từ 30-35 năm), ô nhiễm môi trường ngày càng nặng nề.


5.1.3.6. Giai đoạn đô thị hóa


Nông nghiệp và công nghiệp phát triển đã tạo nên sự dư thừa sản phẩm, đồng thời thủ công nghiệp cũng phát triển đã tạo tiền đề cho đô thị hóa ra đời và phát triển. Một bộ phận dân cư được giải phóng hoàn toàn khỏi công việc đồng áng đã hình thành nên các thị trấn, thị xã dần dần phát triển lên các thành phố.

Trào lưu đô thị hóa ở thế giới bắt đầu vào thế kỷ 19, một mạng lưới cấu trúc bao quanh các thành phố lớn bao gồm thị trấn, trang trại, làng mạc và hệ thống đường giao thông nối chúng với nhau. Dân số tăng nhanh (do sinh đẻ và nhập cư) là hiện tượng phổ biến xảy ra ở đô thị, từ đó phải mở rộng thị trấn, thành phố … tiêu thụ thêm của cải và nhiều hệ quả phát triển kèm theo khó kiểm soát nổi. Nghiêm trọng nhất là nạn ô nhiễm, đặc biệt là môi trường không khí, đất và nước. Ở những thành phố công nghiệp, trên 50% yếu tố gây ô nhiễm không khí là do các nhà máy thải ra. Ngoài ra, do dân số đông nên tần suất ô nhiễm phần lớn do sinh hoạt gia đình như thiết bị sưởi ấm, đun nấu, chất thải sinh hoạt…



Một điều đáng lo ngại là hiện tượng gia tăng nhanh trên toàn thế giới. Theo đánh giá của Liên Hiệp Quốc từ 1996-1999 dân số các khu vực đô thị đã thêm khoảng 200 triệu người. Năm 1999 có 2,8 tỷ người sống ở đô thị, gấp 4 lần năm 1950. Dân số đô thị tăng nhanh hơn dân số nông thôn gấp 3 lần do nông dân di dời ra thành phố và một số nơi vốn là làng quê nay trở thành đô thị. Trong số 6 tỷ dân thế giới vào năm 1999 thì xấp xỉ 47% sống ở thành thị. Theo Liên Hiệp Quốc năm 2006 một nửa thế giới sống ở thành thị, hiện nay trên 1/2 dân số sống ở đô thị và tới 2030 con số này sẽ tới 3/5 (60%). Những thách thức về môi trường toàn cầu như sự thay đổi khí hậu hay nạn phá rừng một phần được bắt nguồn từ đô thị.

Chính các thành phố đã sản sinh ra 3/4 lượng CO2 trên toàn cầu vì sử dụng nhiên liệu hóa thạch và đã tiêu thụ tới 3/4 lượng gỗ công nghiệp của thế giới. Các nước công nghiệp đã đô thị hóa nhiều hơn các nước đang phát triển, họ đang sử dụng một phần rất lớn tài nguyên của trái đất. Hơn 70% dân số các nước Hoa Kỳ, Canada, Tây Âu và Nhật Bản… đang sống ở đô thị và đang hưởng thụ các nguồn tài nguyên phân bố rộng khắp thế giới. Người ta ước tính riêng thành phố Luân Đôn phải cần đến một vùng đất rộng gấp 58 lần diện tích của nó mới đủ cung cấp lương thực và gỗ cho nó. Thế giới lại mọc lên nhiều “Luân Đôn” mới. Năm 1990, thế giới có 10 thành phố lớn thì có tới 9 thành phố thuộc châu Âu và Hoa Kỳ, đến năm 2000 chỉ còn Tokyo, New York và LosAngeles trong thế giới công nghiệp được nằm trong “top ten” bên cạnh Mexico city, Bombay, XaoPaolo, Lagos, Calcuta, Buenos Aires và Thượng Hải. Ước tính dân số đô thị của các nước đang phát triển trên thế giới từ 1995 tới 2030 sẽ tăng thêm 2,7 tỷ người, như vậy sẽ còn nhiều điều nan giải kéo theo cần phải cân nhắc thật kỹ lưỡng.

Hiện nay, châu Mỹ La Tinh đã đô thị ngang châu Âu và Bắc Mỹ. Người ta dự tính sự bùng nổ dân số đô thị trong tương lai sẽ xảy ra ở châu Á và châu Phi, nơi hiện mới có 34% dân số sống ở thành thị. Vì đô thị hóa nhanh, những vấn đề môi trường như ô nhiễm không khí và nước đã và đang trở nên tồi tệ ở những nơi mà chính phủ không đủ năng lực xây dựng và quản lý cơ sở hạ tầng về giao thông, nước và rác thải. Hiện nay, ít nhất là 220 triệu người trong các thành phố thuộc thế giới đang phát triển thiếu nước sạch để ăn uống và 1,1 tỷ người đang sống ngột ngạt trong bầu không khí bị ô nhiễm.

Dân số đô thị của Việt Nam năm 1986 có khoảng 11,87 triệu người (19%); năm 1990 là trên 13 triệu người (20%); năm 1995 là 20,75%, năm 2000 là 23,97%. Đến nay dân số đô thị lên tới 26 triệu người chiếm 30%, trong đó tập trung nhiều nhất ở 4 thành phố lớn như: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Đà Nẵng (chiếm 38,2% tổng số dân đô thị /toàn quốc). Cứ theo tốc độ hiện nay, nhiều chuyên gia dự báo đến năm 2020 là 45%, tốc độ đô thi hóa ở Việt Nam năm 2040 sẽ đạt mức 50%, tổng diện tích đô thị sẽ tăng gấp 10 lần hiện nay và số dân đô thị sẽ tăng thêm 20 triệu người.



tải về 3.98 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   16   17   18   19   20   21   22   23   24




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương