MỤc lục chương một: CÁc khái niệm chung về sinh thái họC


Sự tự điều chỉnh của các hệ sinh thái (tự học)



tải về 3.98 Mb.
trang13/24
Chuyển đổi dữ liệu01.06.2018
Kích3.98 Mb.
#39208
1   ...   9   10   11   12   13   14   15   16   ...   24

4.2.2. Sự tự điều chỉnh của các hệ sinh thái (tự học)


Các hệ sinh thái tự nhiên đều có khả năng tự điều chỉnh riêng. Theo nghĩa rộng đó là khả năng tự lập lại cân bằng - Cân bằng giữa các chủng quần sinh vật trong các hệ sinh thái (vật ăn thịt- vật làm mồi; vật kí sinh- vật chủ…), cân bằng các dòng tuần hoàn vật chất và dòng năng lượng giữa các thành phần của hệ sinh thái (E, P, C và D). Sự cân bằng này gọi là cân bằng sinh học. Nhờ có sự điều chỉnh này mà các hệ sinh thái trong tự nhiên luôn giữ được sự ổn định mỗi khi có những tác động của các nhân tố ngoại cảnh.

Tuy vậy, sự điều chỉnh của các hệ sinh thái chỉ có giới hạn nhất định, nếu sự thay đổi vượt quá giới hạn này thì các hệ sinh thái mất khả năng tự điều chỉnh và chúng sẽ bị phá hủy do mất cân bằng. Sự cân bằng trong hệ sinh thái lúc đầu chỉ xảy ra ở một vài thành phần, sau đó lan dần ra các thành phần khác và có thể đi từ hệ sinh thái này sang hệ sinh thái khác.

Sự tự điều chỉnh của các hệ sinh thái là kết quả của sự điều chỉnh của từng cá thể, từng quần thể trong quần xã mỗi khi có một nhân tố sinh thái nào đó thay đổi. Người ta thường chia các nhân tố sinh thái ra làm hai nhóm:

Nhân tố sinh thái giới hạn: Là những nhân tố sinh thái mà khi có sự thay đổi từ thấp đến cao người ta tìm được giới hạn thích hợp cho cơ thể hay cả quần thể. Ngoài giới hạn đó cơ thể hay cả quần thể không tồn tại được, giới hạn này còn được gọi là giới hạn sinh thái hay giới hạn cho phép của cơ thể.

Ví dụ: Nhiệt độ, nồng độ muối, thức ăn,… là những nhân tố sinh thái giới hạn



Nhân tố sinh thái không giới hạn: Là những nhân tố sinh thái mà khi có sự thay đổi từ thấp đến cao ít hoặc không có ảnh hưởng đến sự sống của sinh vật.

Ví dụ: Ánh sáng, địa hình đối với động vật là nhân tố sinh thái không có giới hạn.

Mỗi cơ thể, mỗi quần thể có một giới hạn sinh thái nhất định với từng nhân tố sinh thái cụ thể, giới hạn này phụ thuộc vào vị trí tiến hóa (còn gọi là khả năng thích nghi) của cơ thể và cũng phụ thuộc vào các nhân tố sinh thái khác nhau.

Ô nhiễm do các hoạt động của con người dẫn đến sự thay đổi các nhân tố sinh thái vượt ra ngoài giới hạn sinh thái của cơ thể, của quẩn thể và các quần xã,… Con người đã gây nên rất nhiều loại ô nhiễm như: Ô nhiễm vật lý, hóa học, sinh học,… cho các loài sinh vật và cả con người. Muốn kiểm soát ô nhiễm môi trường cần phải biết được giới hạn sinh thái của cơ thể, của quần thể và quần xã,… đối với từng nhân tố sinh thái. Xử lý được ô nhiễm có nghĩa là đưa các nhân tố sinh thái trở về giới hạn sinh thái của cơ thể, quần thể, quần xã. Muốn xử lý ô nhiễm cần phải biết được cấu trúc, chức năng của từng hệ sinh thái và nguyên nhân làm cho các nhân tố sinh thái vượt ra ngoài giới hạn thích ứng. Đây là nguyên lý sinh thái cơ bản được vận dụng vào việc sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.


4.3. CÁC DẠNG HỆ SINH THÁI (thảo luận nhóm)


Các hệ sinh thái trong sinh quyển có thể chia thành các hệ sinh thái trên cạn, các hệ sinh thái nước (gồm có HST nước mặn và các hệ sinh thái nước ngọt).

Các hệ sinh thái trên cạn được đặc trưng bởi các quần xã thực vật vì thảm thực vật ở đây chiếm sinh khối rất lớn và gắn liền với khí hậu địa phương. Do đó tên của quần xã cảnh quan vùng địa lý thường là tên quần thể thực vật ở đấy.

Hệ sinh thái nước ít phụ thuộc vào khí hậu hơn hệ sinh thái trên cạn. Tính đặc trưng của hệ sinh thái nước thể hiện ở sự phân bố sinh vật theo chiều sâu, đặc biệt là hệ sinh thái nước mặn, sự quang hợp của sinh vật nước mặn chỉ có thể thực hiện được ở tầng sản xuất hay tầng xanh, nơi nhận được ánh sáng mặt trời. Các hệ sinh thái nước ngọt thường không sâu, người ta còn phân ra hệ sinh thái môi trường nước chảy và hệ sinh thái môi trường nước tĩnh (ao, hồ, đầm...).

4.3.1. Hệ sinh thái cạn


Nhìn chung trên cạn bao gồm một số hệ sinh thái chính sau:

+ Rừng nhiệt đới: Hệ sinh thái này quanh năm xanh tốt, nhiều tầng tán. Trong rừng ít khi có ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp xuống mặt đất nên thường ẩm độ không khí cao, tạo điều kiện cho nhiều loài sâu bệnh phát triển, song tính đa dạng của hệ cao hơn nhiều.

+ Savane hay rừng cỏ nhiệt đới: Ở vùng này thường có mưa ít và mùa mưa ngắn, mùa khô kéo dài làm phần lớn cây bị rụng lá do thiếu nước. Ở đây thường là cỏ tranh và một số loài cỏ thân cao cùng với một số động vật ăn cỏ cỡ lớn như: Linh dương, hươu cao cổ, ngựa vằn,voi, tê giác…ngoài ra còn một số loài thú chạy nhanh như Sư tử, Báo và loài chim Đà điểu. Sâu bọ ưu thế là Kiến, Mối, Cào cào, Châu chấu, ở châu Úc có những loài đặc biệt như Thú mỏ vịt và thú có túi. Thường động vật sống ở Savane di cư theo mùa, đồng thời số loài ít hơn. Ở Việt Nam có 3 kiểu Savane cây to, cây bụi cao, cây bụi thấp; savane cỏ và Savane nguyên sinh chỉ tồn tại ở vùng khô hạn giữa Nha Trang và Phan Thiết hoặc Mường Xen (Nghệ An), An Châu (Bắc Giang), Cò Nòi (Sơn La). Nhìn chung là Savane thứ sinh do rừng thưa hay rừng rậm bị tàn phá. Ở nhiều nơi savane bị con người biển đổi thành đồng ruộng canh tác do sức ép của dân số.

+ Hoang mạc: Có ở cả vùng khí hậu nhiệt đới và ôn đới (mùa hè nóng gần bằng vùng nhiệt đới nhưng mùa đông rất lạnh, mưa ít và không đều, thường < 200mm). Nhìn chung thực vật vùng hoang mạc rất nghèo chỉ có một số cây thấp, nhỏ (chiều cao cây <20cm), bộ rễ ăn sâu (7-8cm), lá nhỏ và gần như biến thành gai nhọn. Một số ít động vật có xương sống lớn là Lạc đà một bướu, Linh dương, Báo, Sư tử, tuy nhiên các loài gặm nhấm sống trong đất khá phong phú. Những loài này khá quen với đời sống nơi hoang mạc như giảm sự tiết mồ hôi và nước tiểu, hoạt động chủ yếu về đêm. Chúng cũng di cư theo mùa, ngủ hè, ngủ đông và sinh sản đồng loạt vào thời kỳ có ẩm độ cao.

+ Thảo nguyên: Phía bắc miền hoang mạc là thảo ngyuên vùng ôn đới có mùa hạ nóng và kéo dài, mùa đông đỡ lạnh hơn và ít tuyết, lượng mưa 350-500mm/năm. Thảm thực vật chủ yếu là cỏ thấp, đất khá tốt, màu đen hoặc nâu, giầu mùn và khoáng. Vì vậy, vùng thảo nguyên dễ được thay thế cỏ bằng cây ngũ cốc song cần lưu ý đến vấn đề xói mòn đất.

+ Rừng lá rộng ôn đới: Chủ yếu nằm ở phía đông Bắc Mỹ, Châu Á và tây Âu, có lượng mưa vừa, ấm về mùa hè nhưng mùa đông khí hậu khắc nghiệt làm cây rụng lá nhiều tạo thành lớp thảm khô dày. Loại rừng này cũng có nhiều tầng, động vật sống dưới tán rừng, gốc cây hay ẩn vào thân cây. Số loài hoạt động ngày nhiều hơn hẳn ban đêm, nhiều loài có tập tính di cư xa.

+ Rừng thông phương bắc (rừng taiga): Chủ yếu là các loài cây lá nhọn (thông, linh sam, vân sam…). Ở đây khí hậu lạnh, mùa đông kéo dài, mưa ít (300-500mm/năm), nghèo về số loài, có những loài thú có lông dày.

+ Đài nguyên: Nằm ở vùng cực, khí hậu lạnh, băng đóng quanh năm. Mùa hè ngày rất dài, có khi hàng tháng liền mặt trời không lặn, ngược lại mùa đông đêm kéo dài cả tháng, vì vậy có ít loài thực vật chủ yếu là loài rêu và cây có rễ mọc lông. Cây lớn có Phong lùn và Liễu miền cực cũng chỉ cao bằng ngón tay. Động vật nghèo và không định cư. Thú lớn có Tuần lộc, Bò xạ, chuột lemnut, báo cực. Chim có chim sẻ định cư, gà, ngỗng tuyết và cú lông trắng.

Trước khi nghiên cứu về các hệ sinh thái trên cạn chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về một số khái niệm thường dùng khi mô tả hay nghiên cứu các hệ sinh thái. Thành phần của một hệ sinh thái tự nhiên trên cạn bao gồm hai nhóm chính: Nhóm nhân tố vô sinh và nhóm nhân tố hữu sinh:

- Nhóm nhân tố vô sinh được gọi là sinh thái cảnh, nó bao gồm 2 thành phần cơ bản là khí quyển và thổ nhưỡng quyển.

- Nhân tố hữu sinh còn gọi là sinh vật cảnh hay là các thành phần sinh vật: Bao gồm quần xã thực vật, quần xã động vật và quần xã vi sinh vật

4.3.1.1.Nhóm nhân tố vô sinh (sinh thái cảnh)


Khí quyển

Chỉ có ở tấng thấp của khí quyển - tầng đối lưu tham gia vào thành phần trao đổi vật chất và năng lượng trong hệ sinh thái (trong khoảng không dưới độ cao bình hằng, xấp xỉ 12 km so với mặt đất).

Những thay đổi về các điều kiện sinh thái như: Nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng,… phụ thuộc vào tính chất cụ thể của mỗi hệ sinh thái, trước hết là nó phụ thuộc vào độ che phủ và chiều cao của thảm thực vật. Các nhân tố chủ yếu của khí quyển tham gia vào thành phần của hệ sinh thái, tác động lên các thành phần khác nhau bao gồm thành phần các chất khí, ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm không khí, gió, mưa,… Các nhân tố này đều trực tiếp hay gián tiếp tham gia vào các quá trình chu chuyển vật chất và năng lượng xảy ra trong hệ sinh thái.

Trong thành phần các chất khí của khí quyển thì CO2 và O2 là hai thành phần quan trọng nhất đối với hệ sinh thái. CO2 là nhân tố chủ yếu xây dựng nên các hợp chất hữu cơ nuôi cơ thể sinh vật. Trong khí quyển CO2 chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ (khoảng 0,03- 0,04%) khối lượng không khí, song nó có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với các hệ sinh thái. Nó được cây xanh hấp thu trong quá trình quang hợp, tổng hợp nên các chất hữu cơ sơ cấp, nuôi sống các thành phần khác của hệ sinh thái. Đối với O2, trừ vi sinh kị khí, còn lại hầu hết các thành phần của hệ sinh thái đều hấp thu O2 trong quá trình hô hấp. O2 thường xuyên tham gia vào các quá trình biến đổi của hợp chất hữu cơ, xác định các phản ứng hóa học thường xảy ra trong đất, trong nước và di chuyển phần lớn các nguyên tố hóa học. Hầu hết các thành phần của hệ sinh thái đều sử dụng CO2 của khí quyển cho phản ứng oxy hóa.

Nhiệt độ không khí là nhân tố có tác động ảnh hưởng rất lớn và rõ trong các hệ sinh thái, nhất là hệ sinh thái nông nghiệp. Các loại cây trồng và gia súc khác nhau có yêu cầu nhiệt độ rất khác nhau. Xuất phát từ khả năng thích ứng về yếu tố nhiệt độ của sinh vật nói chung mà con người đã bố trí cơ cấu cây trồng , cơ cấu mùa vụ hợp lý nhằm không chỉ tăng năng suất, sản lượng mà còn cho hiệu quả kinh tế cao nhất.

- Nước trong khí quyển đi vào hệ sinh thái có nhiều dạng (các dạng chính là: Hơi nước, băng, sương mù và mưa) và có ảnh hưởng lớn trên nhiều mặt đến tất cả các tổ chức và chức năng của hệ sinh thái. Trước hết nước tham gia vào các quá trình đồng hóa của hệ sinh thái, xác định năng suất của thực vật, đặc trưng các dạng sống và cấu trúc quần xã thực vật, quá trình hình thành đất và nhiều phương diện khác của hệ sinh thái. Nước là dung môi hòa tan tổng hợp và là điều kiện duy nhất đối với các phản ứng hóa học xảy ra trong đất, trong sinh vật. Nước là thành phần chủ yếu trong cơ thể sinh vật (bình quân chiếm tới 90% khối lượng cơ thể). Nước còn tạo cho cơ thể có một sức chương, một hình dáng, tạo sự cân bằng nhiệt trong cơ thể (nhờ có sự thoát hơi nước của cơ thể động, thực vật).

- Năng lượng bức xạ mặt trời: Tất cả các hiện tượng như nhiệt độ, độ chiếu sáng, chuyển động của không khí, độ ẩm không khí, các quá trình vận chuyển vật lý, các phản ứng hóa học đều trực tiếp hay gián tiếp phụ thuộc vào nguồn năng lượng bức xạ mặt trời. Bức xạ mặt trời có nhiều phổ bước sóng và có vai trò tác động khác nhau. Đối với thực vật trên cạn phổ ánh sáng có bước sóng thích hợp trong phạm vi từ 380 - 700 µm.

Độ che phủ của thực vật cũng có ảnh hưởng đến bức xạ mặt trời. Cường độ và thành phần của quang phổ bức xạ mặt trời đi qua hệ sinh thái phụ thuộc vào thành phần loài và cấu trúc của thảm thực vật. Để đảm bảo cho sự cân bằng sinh thái thì thảm thực vật cần có độ che phủ bình quân tối thiểu bằng 1/3 diện tích tự nhiên. Phần năng lượng chủ yếu trong hệ sinh thái được sử dụng cho quá trình bay hơi nước, trao đổi nhiệt, chỉ có một phần nhỏ dùng cho quá trình trao đổi nhiệt trong thực vật và đốt nóng đất.

- Gió: Đối với các hệ sinh thái, sự chuyển động của không khí giữ vai trò quan trọng trong việc điều hòa thành phần không khí, thay đổi nhiệt độ, truyền hạt phấn, bào tử, vi sinh vật, côn trùng…từ hệ sinh thái này sang hệ sinh thái khác. Gió còn ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình bay hơi nước, thoát hơi nước ở thực vật, phát triển rễ cây và tán cây, ngoài ra gió còn gây nên sự xói mòn trên các vùng đất trống đồi núi trọc.

Tóm lại: Khí quyển là thành phần phức tạp của hệ sinh thái. Nghiên cứu khí quyển rất cần thiết cho sự hiểu biết về đánh giá các mối quan hệ của các thành phần khác với môi trường không khí.

Thổ nhưỡng quyển (đất)

Đất là thành phần quan trọng của hệ sinh thái, là kho dự trữ nguyên liệu cần thiết cho các thành phần sinh vật trong hệ sinh thái. Tài nguyên đất bao gồm: Nước trong đất, các chất khoáng hữu cơ, chất khí và năng lượng tham gia vào các quá trình tác động tương hỗ nhau trong hệ sinh thái, với thảm thực vật, vi sinh vật và khí quyển, chúng tuân theo những sự thay đổi khác nhau. Một phần tài nguyên đất trao đổi với khí quyển (bụi, CO2, nhiệt độ, nước…), một phần chuyển vào cơ thể thực vật, động vật, vi sinh vật, một số bị rửa trôi xuống sâu, vào dòng nước ngầm, ra sông, suối và đổ ra biển.

Đất đóng vai trò quan trọng như một tác nhân tiếp nhận và tích lũy các tài nguyên từ các thành phần khác của hệ sinh thái. Đất hấp thụ từ khí quyển các yếu tố O2, nhiệt độ, nước, bụi và một loạt các chất hóa học (kể cả chất phóng xạ). Các sản phẩm sinh vật chết mang vào trong đất một khối lượng lớn năng lượng và các nguyên tố hóa học, khí CO2 từ các quá trình hô hấp của rễ cây, các axit hữu cơ, vitamin…

Nhờ có mối tác động tương hỗ giữa đất và tài nguyên, vật chất, năng lượng từ các thành phần khác nhau của hệ sinh thái làm xuất hiện các quá trình hình thành các chất mới, mùn, các axit vô cơ và hữu cơ cùng một số hợp chất khoáng khác… đồng thời hình thành cấu trúc vật lý, phân tầng của đất. Có thể nói rằng, đất là vật thể tự nhiên đặc biệt phản ánh các quá trình xảy ra trong hệ sinh thái.

Nhiệm vụ nghiên cứu đất trong hệ sinh thái là phân tích và đánh giá số lượng tất cả các quá trình vận chuyển và biến đổi vật chất năng lượng xảy ra trong đất dưới ảnh hưởng của các chất có nguồn gốc vô sinh và hữu sinh, chính xác là các nhân tố xác định độ màu mỡ của đất và quá trình hình thành các mối liên kết giữa đất với các thành phần khác của hệ sinh thái.


4.3.1.2.Nhóm nhân tố hữu sinh (sinh vật cảnh)


Quần xã thực vật (sinh vật sản xuất)

Trong hệ sinh thái, thực vật đóng vai trò quan trọng, chúng hấp thu năng lượng ánh sáng mặt trời và các nguyên liệu khác tổng hợp nên các hợp chất hữu cơ giầu năng lượng xây dựng cơ thể, thải ra các sản phẩm chứa năng lượng trong quá trình hô hấp, quang hợp, thoát hơi nước…trả lại cho đất một phần năng lượng và vật chất tích lũy trong các sản phẩm chết.

Nguồn năng lượng chủ yếu trong các hệ sinh thái là do thảm thực vật tạo nên. Năng lượng đó là cơ sở cho phần lớn các quá trình vận chuyển hóa học, tất cả các hiện tượng sinh học và mối liên kết ổn định các thành phần khác nhau trong hệ sinh thái. Thảm thực vật còn giữ vai trò to lớn trong quá trình trao đổi nước của hệ sinh thái, là vật cản chủ yếu làm giảm cường độ nước mưa và giữ lại một phần nước trên tán lá. Rễ thực vật hấp thu một lượng nước rất lớn và thải ra trong quá trình thoát hơi nước qua lá.

Thảm thực vật ảnh hưởng đến tất cả các thành phần khí quyển trong hệ sinh thái. Ẩm độ không khí, chế độ nhiệt, chế độ chiếu sáng, chuyển động của không khí và thành phần không khí, điều hòa khí hậu. Thảm thực vật cũng làm biến đổi các tính chất của đất, chế độ nhiệt trong đất, ẩm độ đất, pH, cấu trúc đất và tính chất các chất hữu cơ, đặc biệt là các tầng đất mặt vùng rễ. Thực vật khai thác dinh dưỡng khoáng và nước đồng thời bù đắp vào đó các sản phẩm chết và chất thải.

Sản phẩm thực vật chết trong các hệ sinh thái có vai trò không kém phần quan trọng so với thực vật sống. Một mặt chúng là tác nhân trao đổi giữa các quần xã thực vật với đất và khí quyển. Mặt khác dưới tác động của các động vật, vi sinh vật phân hủy, nó giải phóng và bổ sung dinh dưỡng cho đất.

Mức độ và đặc trưng biến đổi đất của thảm thực vật phụ thuộc vào thành phần loài, cấu trúc, trạng thái và sản phẩm hóa học thải ra của hệ thống rễ cây. Chất hữu cơ của thực vật làm thức ăn trong nhiều chuỗi dinh dưỡng của mạng lưới thức ăn phức tạp trong thiên nhiên.

Quần xã động vật (sinh vật tiêu thụ)

Thành phần các động vật trong hệ sinh thái thường rất đa dạng, rất phức tạp về các mối liên hệ bên trong và bên ngoài, mặc dù trong tất cả các hệ sinh thái chúng chiếm một khối lượng không lớn lắm và là nhân tố luôn biến động (do có sự di chuyển của các loài).

Các động vật thuộc nhóm sinh vật dị dưỡng, chúng tiêu thụ các chất hữu cơ có sẵn trong tự nhiên. Trong quá trình hô hấp, động vật sử dụng O2 và thải khí CO2 tham gia vào quá trình trao đổi khí của hệ sinh thái. Một số động vật tham gia vào quá trình thụ phấn, phát tán quả và hạt đã làm thay đổi thành phần của thảm thực vật. Một số động vật tham gia vào quá trình hình thành đất làm biến đổi cấu trúc và tính chất lý hóa học của đất. Một số động vật do di chuyển nhiều nên có khả năng trao đổi tài nguyên vật chất và năng lượng từ hệ sinh thái này sang hệ sinh thái khác. Chúng còn tham gia vào quá trình “chế biến thô” các sản phẩm hữu cơ làm tăng các quá trình phân hủy của vi sinh vật.

Đối với động vật có xương sống (trước hết là động vật ăn cỏ có kiểu dinh dưỡng hỗn tạp). Ngoài tác động ăn hại trực tiếp, chúng còn dẫm đạp, đào hang, làm tổ, làm thay đổi chế độ thông thoáng, chế độ nước của đất, ảnh hưởng đến động vật và vi sinh vật đất (nhất là các động vật lớn). Các sản phẩm chất thải, xác chết của động vật, phân và các chất bài tiết làm cho chế độ dinh dưỡng của đất bị thay đổi.



Động vật không có xương sống cũng không kém phần quan trọng trong hệ sinh thái. Trước hết phải kể đến côn trùng, đặc biệt là các loài ăn lá. Trong thời kỳ nở rộ, với một số lượng cá thể rất lớn nên chúng có thể tiêu thụ tới 40% sản phẩm xanh, có trường hợp cả 100%, đình chỉ hoàn toàn khả năng quang hợp của thực vật.

Ví dụ: Ở huyện Cam Lộ, Tỉnh Quảng Trị trong vụ mùa năm 1998 đã xảy ra nạn dịch cào cào, chúng tàn phá 100% sản lượng, 50 ha vụ mùa và lan tràn sang các vùng lân cận gây thiệt hại lớn về năng suất.

Tuy vậy, trong điều kiện bình thường chúng không làm phá vỡ cấu trúc của hệ sinh thái, mà ngược lại rất cần thiết cho các hệ sinh thái (là cầu nồi của các chuỗi thức ăn). Côn trùng ăn lá trao đối với đất qua phân, xác chết và các phần thức ăn dư thừa, đồng thời chúng làm mồi cho nhiều loài chim thú.

Trong hệ sinh thái, sự điều chỉnh mối quan hệ tương hỗ giữa thảm thực vật và động vật ăn cỏ, ngoài số lượng và khả năng tận dụng thức ăn còn có ý nghĩa đối với các động vật ăn thịt khác dùng chúng làm thức ăn và tạo thành xích thức ăn. Việc giải thích và đánh giá số lượng về tất cả mối quan hệ này là rất khó, nhưng đó là nhiệm vụ quan trọng trong việc nghiên cứu các hệ sinh thái tự nhiên.



Quần xã sinh vật phân hủy

Là thành phần quan trọng có mặt trên tất cả các thành phần của hệ sinh thái (trong đất, trong nước, trong không khí và ngay cả trên các động thực vật). Quần xã vi sinh vật có vai trò to lớn không chỉ trong việc chu chuyển các hợp chất chứa cacbon mà còn hầu hết với các nguyên tố quan trọng khác đối với sinh vật như: Nitơ, photpho, kali, lưu huỳnh, sắt,… Đặc biệt là vi sinh vật sống cộng sinh với thực vật bậc cao có khả năng cố định nitơ, amon hóa, nitrit hóa và đóng vai trò quan trọng trong sự vận chuyển các hợp chất hữu cơ phức tạp chứa nitơ.

Các sinh vật đất tồn tại với nhiều kiểu trao đổi chất khác nhau và bản thân chúng cũng rất đa dạng: Tự dưỡng, dị dưỡng, hiếu khí, yếm khí, ưa nhiệt, ưa ẩm… vi khuẩn, virut, xạ khuẩn, nấm, tảo,… Mặc dù với kích thước vô cùng nhỏ bé nhưng chúng sống trong đất với một số lượng lớn nên chúng có sinh khối khá lớn, đồng thời giữ vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi vật chất và năng lượng. Trong môi trường đất, các sinh vật hoại sinh thực hiện những giai đoạn quan trọng của quá trình phân hủy các chất hữu cơ và các chất khoáng phức tạp thành các chất đơn giản.

Ví dụ: Giun đất, chúng có số lượng rất lớn trong đất (hàng chục vạn cá thể/ha). Chúng tiêu thụ sản phẩm thực vật chết qua hệ thống tiêu hóa của chúng và thải ra một khối lượng phân lẫn đất tới hàng tấn/ha/năm.

Các sản phẩm thực vật nhờ các sinh vật hoại sinh “chế biến thô” tạo thành nguyên liệu thuận lợi hơn nhiều so với nguyên liệu thực vật tươi đối với sự phân hủy của vi sinh vật. Ngoài ra, các sinh vật đất như giun, ấu trùng và côn trùng còn có tác dụng cải thiện tính chất của đất, làm sâu thêm tầng đất mùn, tạo nên cấu trúc, làm đất thấm nước và thoáng khí.

Trong các nhóm vi sinh vật, nhóm vi khuẩn có khả năng cố định đạm từ khí trời nhờ sống cộng sinh với các thực vật tự dưỡng. Một số vi sinh vật làm nhiệm vụ phá hủy các sản phẩm độc hại trong quá trình trao đổi ở thực vật bậc cao, động vật và chính vi sinh vật, đồng thời sản xuất ra hàng loạt các chất kích thích sinh trưởng, vitamin, chất kháng sinh cần thiết cho động vật và thực vật.



* Như vậy: Trong thành phần của hệ sinh thái, khí quyển, đất, nước, ánh sáng là những nguyên liệu sơ cấp; động vật, thực vật, vi sinh vật là những tác nhân vận chuyển, là những bộ máy trao đổi chất và năng lượng của hệ sinh thái. Chúng được đặc trưng bằng mối quan hệ có lợi và có hại, mối quan hệ dinh dưỡng giữa sinh vật tự dưỡng, sinh vật dị dưỡng và sinh vật phân hủy.



Hình 4.2. Mối quan hệ tương hỗ giữa các thành phần trong hệ sinh thái cạn


tải về 3.98 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   9   10   11   12   13   14   15   16   ...   24




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương