MỞ ĐẦu tính cấp thiết của đề tài


Vai trò của dịch vụ du lịch thể hiện trong việc hình thành cơ cấu kinh tế



tải về 0.69 Mb.
trang2/7
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích0.69 Mb.
#194
1   2   3   4   5   6   7

1.1.3. Vai trò của dịch vụ du lịch thể hiện trong việc hình thành cơ cấu kinh tế "Dịch vụ - Công nghiệp - Nông nghiệp” của thành phố Đà Nẵng

1.1.3.1. Dịch vụ du lịch phát triển kéo theo sự phát triển của nhiều ngành kinh tế trên địa bàn góp phần hình thành cơ cấu kinh tế: “Dịch vụ - Công nghiệp - Nông nghiệp

Ngành du lịch có tác động rất tích cực đến kinh tế thành phố và của từng vùng thông qua việc tiêu dùng của khách du lịch.

Thông qua tiêu dùng, du lịch tác động mạnh đến lĩnh vực lưu thông phân phối sản phẩm hàng hóa được sản xuất và lưu thông trong vùng, nhờ đó có tác động sâu sắc đến những lĩnh vực khác khác của quá trình tái sản xuất xã hội. Đồng thời, khách du lịch là người nước ngoài hay trong nước đến, với số lượng tiền tệ tiêu dùng đem theo tất yếu sẽ làm cho cán cân thanh toán tại địa phương có sự đổi thay. Và nhờ đó góp phần làm sống động kinh tế vùng du lịch.

Mặt khác, thông qua lĩnh vực lưu thông mà du lịch có ảnh hướng tích cực đến sự phát triển của những ngành kinh tế như công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Khách du lịch luôn đòi hỏi hàng hóa được phục vụ với chất lượng cao, chủng loại phong phú và hình thức, mẫu mã đẹp. Như vậy, chính du khách đã giúp phần định hướng cho sản phẩm được sản xuất ra không chỉ bảo đảm về chất lượng, chủng loại mà còn cả hình thức, bao bì, nhãn mác... Từ đó khuyến khích chuyên môn hóa ngày càng sâu sắc và rộng rãi trong các ngành kinh tế của thành phố.



Ảnh hưởng của du khách đối với các ngành: viễn thông, ngân hàng, thương mại, xây dựng, văn hóa... cũng hết sức to lớn, nhất là trong điều kiện hội nhập khu vực và quốc tế... Bởi chúng ta biết rằng trong số hàng triệu du khách đã đến với Đà Nẵng trong nhiều năm qua, ngoài đối tượng du lịch thuần túy còn có rất đông khách công vụ và thương gia đến tìm kiếm cơ hội làm ăn. Đối tượng này có nhu cầu đặc biệt cao về công nghệ thông tin, các điều kiện và phương tiện thanh toán hiện đại cũng như kết cấu hạ tầng thuận lợi. Việc sử dụng các tài nguyên thiên nhiên vào phục vụ du khách đòi hỏi phải có sự đầu tư đồng bộ và từ đó cũng kích thích phát triển tương ứng các ngành kinh tế có liên quan khác của thành phố.

Bảng 1.2: Chỉ số phát triển tổng sản phẩm quốc nội trên địa bàn
thành phố Đà Nẵng(từ
2000-2005)

(Năm trước 100, theo giá so sánh năm 1994)

Đơn vị tính: %

Năm

2000

2002

2003

2004

2005

Tổng số

109,88

112,56

112,62

113,20

113,91

Trong đó:
















1. NLTS

102,69

104,33

105,52

104,76

104,86

2. CN, XD

110,82

118,44

121,74

120,32

117,58

3. Dịch vụ

110,37

108,98

105,50

107,09

110,94

Dịch vụ du lịch

104,33

110,36

95,91

107,09

112,88

Nguồn: Niên giám thống kê Đà Nẵng 2005.

1.1.3.2. Dịch vụ du lịch góp phần làm tăng thu nhập quốc dân, cải thiện đời sống nhân dân vùng du lịch

Cũng như các ngành kinh tế khác, dịch vụ du lịch phát triển sẽ tạo điều kiện cho một số ngành kinh tế phát triển theo; như việc hình thành các làng nghề tại các khu, điểm mà du khách thường xuyên tới: Làng đá Non Nước, làng nghề tơ tằm Duy Xuyên, gốm sứ Thăng Bình... Ngoài ra còn các khu ẩm thực, các trung tâm thương mại, phố Đêm... cũng được phát triển. Có thể nói du lịch là ngành “xuất khẩu tại chỗ” nhờ chính nguồn thu nhập ngoại tệ trực tiếp do nó mang lại cho thành phố và sản phẩm xuất khẩu đó mang tính đặc thù không thể xuất theo cái cách thông thường mà trực tiếp được chuyển tới người tiêu dùng dưới dạng vật thể (thông qua mua sắm, ăn uống, vui chơi...) hoặc phi vật thể (thưởng thức một chương trình múa rối nước, ca nhạc dân tộc...). Tính đặc thù đó chính là yếu tố giúp cho việc “xuất khẩu" của du lịch giảm thiểu các khoản chi phí tốn kém do vận chuyển, kho bãi... như các thương vụ xuất khẩu thông thường khác. Ở một góc độ mang tính độc quyền, có thể nói trong nền kinh tế thị trường hiện đại, du lịch là ngành “xuất khẩu” có cái đặc quyền mà nhiều ngành kinh tế khác không có được; đó là việc tổ chức bán cái mà mình có và thu lợi nhuận cao từ người tiêu dùng là du khách. Trong khi các ngành chỉ bán được cái mà thị trường cần. Và nhờ đó ngành dịch vụ du lịch góp phần tăng sản phẩm xã hội, nâng cao thu nhập cho cư dân trong vùng.



Bảng 1.3: Tổng mức bán hàng hoá và dịch vụ tại Đà Nẵng

Đơn vị tính: Tỷ VND

Năm

2000

2002

2003

2004

2005

Tổng mức

18.531

20.419

22.912

26.461

32.235

Trong đó:
















Tổng mức bán lẻ

4.678

5.416

6.530

7.032

9.555

Dịch vụ du lịch

1.349

1.720

1.214

910

1.384

Nguồn: Niên giám thống kê Đà Nẵng 2005.

Từ biểu trên cho thấy nguồn thu từ các dịch vụ du lịch mang lại đóng góp một phần không nhỏ vào tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tại Đà Nẵng và điều đó cũng làm cho hoạt động kinh doanh du lịch thêm sôi động.

Việc phát triển du lịch còn tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho nhân dân, giúp chuyển đổi nghề nghiệp từng bước cho lực lượng lao động nông nghiệp chuyển sang lao động có tay nghề, được đào tạo gắn với tính chuyên nghiệp cao, trong lĩnh vực hoạt động mới - ngành công nghiệp không khói.

1.1.3.3. Dịch vụ du lịch phát triển đóng góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống văn hoá, xã hội, cải thiện bộ mặt đô thị Đà Nẵng

Đây là kết quả có ý nghĩa hết sức quan trọng mà hoạt động dịch vụ du lịch mang lại. Thông qua du lịch, con người mở mang kiến thức, được giao lưu với các nền văn minh từ nhiều quốc gia, tăng thêm sự hiểu biết và mở ra những mối quan hệ đoàn kết mang tính quốc tế.

Du lịch còn là phương tiện giáo dục lòng yêu đất nước, giữ gìn và nâng cao truyền thống dân tộc. Thông qua các chuyến đi tham quan, nghỉ mát, vãn cảnh giúp con người có điều kiện chiêm ngưỡng vẻ đẹp cảnh quan, tìm hiểu lịch sử văn hoá dân tộc để từ đó thêm yêu hơn đất nước mình. Hoạt động du lịch con người sẽ có thêm động lực mới trong học tập, rèn luyện và xác định mục tiêu cho cuộc sống. Cũng nhờ sự giao lưu mà mỗi người tự nhận thức được giá trị vật thể và phi vật thể trong nền văn hoá dân tộc mình để từ đó có suy nghĩ đóng góp vào việc khai thác một cách có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên đất nước, đồng thời cũng gìn giữ, tôn tạo bản sắc văn hoá dân tộc mình.

Du lịch còn được coi là sứ giả của hoà bình và tình hữu nghị bởi nhờ các chuyến giao lưu quốc tế, các quốc gia dân tộc sẽ xích lại gần nhau hơn nhờ sự hiểu biết và học hỏi được ở nhau, từ đó tăng cường thêm mối quan hệ và tình đoàn kết quốc tế của các quốc gia, các dân tộc trên thế giới. Và cũng từ đó góp phần cùng nhau tôn tạo bản sắc văn hoá của từng dân tộc và những di sản văn hoá chung của toàn nhân loại.

Với ý nghĩa đó, du lịch Đà Nẵng được coi là có lợi thế đặc biệt bởi nằm ở trung điểm của các Di sản văn hoá thế giới tại miền Trung, điều này đã và sẽ tiếp tục mang lại cho Đà Nẵng sự khởi sắc trong hoạt động khai thác du lịch với hiệu quả ngày càng tăng trong thòi gian tới.

1.1.4. Chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta và Thành phố Đà Nẵng về phát triển du lịch dịch vụ

Nghị Quyết số 33-NQ/TW Bộ Chính trị (khoá IX) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đã chỉ ra nhiệm vụ của Đà Nẵng từ nay đến năm 2010: Xây dựng Thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của miền Trung với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại du lịch và dịch vụ, là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế... Và trong đó phải tập trung nhiệm vụ: Đầu tư phát triển mạnh du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố, xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm du lịch lớn của đất nước, là đầu mối trung chuyển, quá cảnh và giao lưu hàng hoá - dịch vụ của miền Trung - Tây Nguyên [3].

Để triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Đảng bộ Thành phố Đà Nẵng đã đề ra chương trình hành động, trong đó nêu rõ những định hướng và mục tiêu cụ thể cho ngành du lịch thành phố: Phát triển mạnh du lịch và các dịch vụ mà thành phố có thế mạnh, làm tiền đề chuyển nền kinh tế thành phố từ cơ cấu “Công nghiệp - Dịch vụ - Nông nghiệp” sang cơ cấu "Dịch vụ - Công nghiệp - Nông nghiệp” sau năm 2010. Phấn đấu đến năm 2010 đón 2 triệu lượt du khách, trong đó có 800.000 lượt khách quốc tế và 1,2 triệu khách nội địa, tốc độ tăng bình quân 15-17%/năm. Cơ sở vật chất đồng bộ với hơn 10.000 phòng. Tổng doanh thu 1.500 tỷ đồng, tốc độ tăng doanh thu bình quân 13-14%/năm [7].

Những chủ trương nhất quán và đồng bộ trên thể hiện sự quan tâm chỉ đạo sâu sắc của các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đối với sự phát triển du lịch trên địa bàn. Điều đó đã tạo nên một sự chuyển biến trong nhận thức xã hội về vai trò, vị thế của ngành du lịch với các ngành kinh tế khác. Đồng thời, cũng tạo nên động lực cho sự phát triển của du lịch trong những thập niên của thế kỷ XXI ở thành phố Đà Nẵng.

Pháp lệnh Du lịch 1999 và Luật Du lịch được thông qua tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội nước CHXHCNVN khoá 11 (ngày 14-06-2004) đã khẳng định tính pháp lý của sự nghiệp phát triển du lịch: “Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp quan trọng, mang nội dung văn hoá sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hoá cao, góp phần nâng cao dân trí, tạo việc làm và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước...” [39].

1.2. ĐẶC ĐIỂM VÀ CÁC LOẠI HÌNH DỊCH VỤ DU LỊCH Ở THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

1.2.1. Đặc điểm của dịch vụ du lịch ở thành phố Đà Nẵng

Ngành du lịch cũng mang những đặc điểm chung như mọi ngành kinh tế khác, tuy nhiên do là ngành kinh tế đặc thù nên du lịch có những nét đặc điểm riêng, cụ thể:



1.2.1.1. Tính nhạy cảm

Do sản phẩm của ngành mang tính tổng hợp cao nên so với các ngành khác du lịch thể hiện tính chất này rõ hơn. Một chương trình du lịch được nhà cung cấp chào bán khi thực hiện phải đảm bảo sự chính xác về thời gian, không gian và cả tính khoa học, giáo dục... để du khách có thể hài lòng về nơi ăn nghỉ, các chương trình vui chơi giải trí, mua sắm và cảm nhận được nhiều điều thú vị trong chuyến đi đó. Một sáng kiến nhỏ bất ngờ của hướng dẫn viên có thể làm tăng hiệu quả chuyến đi nhờ ấn tượng tốt, và ngược lại chỉ một thay đổi nhiều khi không phải do nhà cung cấp chính mà lỗi từ các chương trình phụ khác (như việc hoãn huỷ chuyến bay của Hàng không...) khiến cho cảm nhận về chuyến du lịch chịu ảnh hưởng trực tiếp.

Những biến động chính trị, kinh tế, xã hội khác cũng là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp tác động đến hiệu quả hoạt động của du lịch, như đại dịch SARS, dịch cúm gia cầm, chiến tranh hoặc tình hình an ninh chính trị mất ổn định...

Trong những năm qua Đà Nẵng được coi là điểm đến lý tưởng cho du khách nhờ sự nỗ lực của chính quyền các cấp trong việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự xã hội, chủ động phòng chống các dịch bệnh trong gia súc gia cầm... Đặc biệt là chủ động xây dựng chương trình “5 không” trong toàn thành phố (không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma tuý trong cộng đồng, không có tội phạm giết người để cướp của, không có người thất nghiệp) hướng tới môi trường đô thị trong sạch và thuần khiết nhằm thu hút du khách đến với Đà Nẵng.



1.2.1.2. Tính thời vụ

Do chịu ảnh hưởng của các yếu tố địa lý tự nhiên khắc nghiệt và thất thường, nên hoạt động kinh doanh du lịch ở Đà Nẵng mang tính thời vụ rõ rệt. Về mùa hè (từ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm) hầu hết các nhà nghỉ và khách sạn đều không còn phòng, các dịch vụ trên bãi biển sôi động và náo nhiệt, và ngược lại trong mùa mưa hoạt động của ngành chỉ tập trung cho khách công vụ, hội nghị...

Tính chất này được xác định đúng sẽ giúp các nhà quản lý tạo định hướng đầu tư, thời điểm kinh doanh và loại hình cần đầu tư cho du lịch, đồng thời cũng lập kế hoạch hoạt động và tổ chúc đào tạo hoặc bố trí nghỉ ngơi cho lao động phục vụ trong ngành, nhằm thu lợi nhuận tối đa. Còn với du khách, sẽ giúp cho việc lựa chọn chương trình du lịch phù hợp với điều kiện thời gian, sức khoẻ, kể cả tài chính... một cách tối ưu.

Trên thực tế, khắc phục tính thời vụ trong hoạt động du lịch là một vấn đề rất khó và có xu hướng ngày càng phức tạp do sự phụ thuộc các điều kiện tự nhiên, thời tiết khí hậu nơi du khách chọn đến. Điều này đòi hỏi nhà quản lý phải có kiến thức tổng hợp để cố gắng giảm thiểu những khó khăn do tính chất này gây ra, nhằm tận dụng công suất trang thiết bị và nhân lực cùng những chi phí thường xuyên phải trả và đạt được hiệu quả hoạt động kinh doanh.



1.2.1.3. Tính tổng hợp

Xuất phát từ nhu cầu mang tính tổng hợp cao của du khách mà hoạt động của dịch vụ du lịch mang tính chất này. Có thể nói không có ngành nào thể hiện đặc điểm tổng hợp rõ nét như du lịch bởi mỗi một nhu cầu của du khách đều trở thành một công đoạn trong chuỗi các dịch vụ mà ngành phải cung ứng; như ăn uống, mua sắm, đi lại tham quan, lưu trú... và người làm du lịch phải cung cấp một cách đầy đủ trung thực và chính xác các thông tin về nhà hàng, các trung tâm thương mại, siêu thị, phương tiện giao thông, bản đồ các điểm tham quan, khí hậu thời tiết, lộ trình đường đi, hệ thống khách sạn phù hợp với du khách...



1.2.1.4. Tính đa ngành

Ngoài những yêu cầu tối thiểu trên cho một chuyến đi, du khách còn đòi hỏi phải có những dịch vụ không thể thiếu khác như: hệ thống thanh toán từ dịch vụ của ngành tài chính ngân hàng, hải quan cửa khẩu, sân bay, bưu điện...Tất thảy đều phải được hoạt động một cách đồng bộ và có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, hướng tới việc thoả mãn nhu cầu cho du khách.

Đồng thời du khách sẽ mất đi cảm giác an tâm khi thiếu sự trợ giúp của các ngành kinh tế - xã hội khác như bảo hiểm, y tế, giao thông, công an, môi trường... tại nơi sẽ đến tham quan, du lịch. Trong những năm qua, đặc biệt trong vài năm trở lại đây, các ngành dịch vụ hỗ trợ này của Đà Nẵng đã có những tiến bộ vượt bậc so với trước. Điều đó tạo sự đổi mới cho bộ mặt đô thị của thành phố nhưng đồng thời cũng giúp thỏa mãn nhu cầu được phục vụ một cách chu đáo nhất của du khách.

Cũng chính những nhu cầu cần được đáp ứng đó của du khách lại có hiệu quả như một động lực thúc đẩy sự phát triển đối với các ngành kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế... ở địa phương phát triển.

Đặc điểm tổng hợp và đa ngành trên đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng không chỉ giữa các khách sạn, nhà hàng, các xí nghiệp vận chuyển đưa đón khách... trong nội bộ ngành du lịch mà còn đòi hỏi sự liên kết cao trong khối các ngành có liên quan. Và trên hết là sự điều phối của chính quyền thành phố Đà Nẵng. Mọi tính toán lợi ích cục bộ hoặc sự phối hợp không đồng bộ trong mỗi khâu dịch vụ đều liên quan mật thiết đến tính hiệu quả của không chỉ riêng ngành du lịch mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả chung về nhiều mặt cho kinh tế - xã hội của địa phương.

1.2.1.5. Tính liên vùng

Đặc điểm này biểu hiện ở việc thông tuyến du lịch với một quần thể các điểm du lịch trong khu vực, mà Đà Nẵng có ưu thế nổi trội so với các vùng miền khác. Là trung lộ của cả nước đồng thời là trung điểm của hành trình Di sản văn hoá với 05 Di sản trong số 06 di sản của cả nước đã được UNESCO công nhận, du khách chọn điểm đến của mình là Đà Nẵng và từ đó chỉ cần với một quỹ thời gian khiêm tốn là có thể đặt chân tới một cụm các danh thắng nổi tiếng nhất đặc trưng cho văn hoá Việt Nam. Tuy nhiên, mỗi điểm lại có những nét văn hoá độc đáo riêng, nên hiểu dược đặc điểm liên vùng sẽ giúp cho các nhà làm du lịch gắn kết lợi thế của mình với các tuyến điểm toàn khu vực, tạo ra một chuỗi khép kín các dịch vụ liên hoàn sẽ mang lại hiệu quả cao cho chính mỗi hoạt động du lịch cục bộ. Và ngược lại nếu không gắn kết được lợi ích chung thì khó có thể phát triển du lịch từng địa phương và toàn khu vực.

Ngoài ra, dịch vụ du lịch còn mang đặc điểm đa dạng bởi tính chất đa thành phần của du khách quy định. Nhiều dịch vụ mới ra đời gắn với việc đáp ứng nhu cầu phong phú và đa dạng của du khách. Việc nắm bắt nhằm khai thác hợp lý loại nhu cầu này sẽ tạo cơ hội cho ngành tăng thêm hiệu quả hoạt động của mình. Mặt khác, du khách đa phần là những người đi thụ hưởng các sản phẩm du lịch, tức đi tiêu tiền chứ không vì mục đích kiếm tiền, nên khả năng chi trả cho các dịch vụ là lợi thế nếu ngành du lịch mở ra nhiều dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí và giúp cho du khách có nhiều cơ hội tận hưởng các tài nguyên du lịch của thành phố.

Tóm lại: Có thể khẳng định du lịch ngày càng trở thành một ngành kinh tế quan trọng trong số các ngành kinh tế - xã hội của không chỉ một quốc gia, dân tộc mà ngay cả với một vùng đất giàu tiềm năng như Đà Nẵng. Xác dịnh rõ vai trò, vị trí, tầm quan trong của phát triển dịch vụ du lịch không những có ý nghĩa trong việc phát huy tiềm năng lợi thế cúa vùng đất này, mà quan trọng hơn cả đó chính là động lực thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng Đà Nẵng trở thành trong những trung tâm du lịch dịch vụ lớn của cả nước.

1.2.2. Các loại hình dịch vụ du lịch ở Thành phố Đà Nẵng

Qua thực tế hoạt động của ngành trong nhiều năm, cho thấy rằng loại hình dịch vụ ở Đà Nẵng phát sinh chủ yếu tuỳ thuộc ở nhu cầu khách đến từ các loại hình du lịch như tham quan du lịch, hội họp, học tập, nghỉ dưỡng, hoạt động thể thao, chữa bệnh, sinh thái... Tuy nhiên, có thể tựu trung lại ở các loại hình dịch vụ chủ yếu sau:



1.2.2.1. Dịch vụ vận chuyển, đưa đón khách

Đó là hệ thống các dịch vụ nhằm mục đích đưa đón khách từ sân bay, bến cảng hay đang lưu trú ở một địa phương khác có nhu cầu đến tham quan du lịch hoặc hội họp, học tập... ở Đà Nẵng. Hoặc đưa khách từ nơi cư trú đến một điểm du lịch hay một số điểm du lịch trong hay ngoài thành phố. Để thực hiện dịch vụ này, Đà Nẵng có hệ thống các xí nghiệp vận chuyển thuộc các công ty du lịch dịch vụ của Tổng cục du lịch Việt Nam và của Thành phố cùng với đội ngũ hùng hậu các công ty, chi nhánh công ty du lịch Saigontourist, Vietravel, Furama Resort... và các hãng xe chuyên nghiệp như: Mai Linh, Sông Hàn, Hương Lúa, Airport... với trên 500 xe các loại. Di chuyển trên sông Hàn hiện tại có Tàu du lịch sông Hàn có sức chứa trên 300 thực khách/chuyến (ngày 02 chuyến). Ngoài ra, còn có các loại hình phục vụ khác như cano trên biển, lướt sóng...



1.2.2.2. Dịch vụ lưu trú, ăn uống

Là những dịch vụ bảo đảm cho du khách nghỉ ngơi, ăn uống trong quá trình thực hiện chuyến du lịch. Hiện tại ở Đà Nẵng có trên 90 nhà nghỉ, khách sạn. Cùng lúc có thể đón trên 5000 khách với tổng số 2800 phòng nghỉ (trong đó có trên 500 phòng đạt tiêu chuẩn đón khách quốc tế từ 3-5 sao).

Hệ thống nhà hàng ở Đà Nẵng cũng tương đối phát triển trong một vài năm trở lại đây, nhất là các nhà hàng được trang bị đảm bảo các tiêu chuẩn đón khách quốc tế và do nhu cầu thực khách không chỉ dừng ở ăn ngon, ăn no mà còn phải mang đậm nét văn hoá trong ẩm thực. Các phố Đêm, chợ Đêm, nhà hàng tự chọn, tự phục vụ... cũng đã mọc lên nhằm phục vụ nhu cầu ẩm thực đa dạng và phong phú của du khách trong và ngoài thành phố.

1.2.2.3. Dịch vụ vui chơi giải trí

Bao gồm toàn bộ các hoạt động dịch vụ nhằm giúp du khách đạt đến sự cảm thụ cao nhất trong chuyến đi. Có thể là tham quan bảo tàng, vãn cảnh, thăm các khu di tích, đền chùa miếu mạo, xem văn nghệ dân gian, thăm làng nghề truyền thống, coi hát bội, leo núi Ngũ Hành Sơn ngắm biển, thậm chí mua sắm quà cho người thân từ hệ thống các chợ quê, siêu thị,... làm tăng thêm sự phong phú trong chuyến du lịch, đồng thời cũng hiểu thêm mảnh đất, nét văn hoá và con người xứ Quảng. Sẽ là vô cùng thiếu nếu trong một chương trình du lịch chào mời khách không có các hoạt động của dịch vụ này và sự thành công của các chương trình chào bán cho du khách đạt được hay không cũng chính nhờ yếu tố quan trọng này.



1.2.2.4. Dịch vụ trung gian và dịch vụ bổ sung

Gồm hàng loạt các dịch vụ riêng lẻ nhưng được tổ chức và cung cấp cho nhu cầu cần thiết cho một chuyến đi của du khách, như thông tin liên lạc, viễn thông quốc tế. dịch vụ đổi tiền, thanh toán qua thẻ, bảo hiểm, y tế... Đây là những dịch vụ được khách hết sức quan tâm và thực tế những năm qua, cùng với sự nỗ lực của ngành du lịch, trên địa bàn thành phố đã tích cực đầu tư và đổi mới về chất hoạt động các dịch vụ bổ sung, nhờ đó tạo thêm sự hấp dẫn cho du khách đến đồng thời góp phần cải thiện bộ mặt đô thị Đà Nẵng.



1.3. KINH NGHIỆM CỦA MỘT SỐ THÀNH PHỐ VỀ PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ DU LỊCH

1.3.1. Kinh nghiệm của thành phố Hồ chí Minh

Thành phố Hồ chí Minh có tổng diện tích 2.095 km2 (chiếm 0,67% diện tích tự nhiên của cả nước) và dân số 6.117.500 người (chiếm 7,5% dân số cả nước) nhưng với thế mạnh và tiềm năng kinh tế, thành phố Hồ Chí Minh đã chiếm tới 18% tổng sản phẩm quốc dân, 15,9% thu nhập quốc dân, 29% sản lượng công nghiệp và 29,3% doanh số bán ra của cả nước.

Là thành phố Hồ Chí Minh mang nhiều ưu việt về vị trí địa lý nên có sức thu hút lớn đối với du khách đến từ nhiều vùng miền của đất nước, đồng thời đây còn là nơi trung chuyển tiếp nhận và đưa đón du khách đến mọi miền của đất nước, với đặc điểm kinh tế văn hoá, cơ sở hạ tầng phát triển hàng đầu cả nước, dân cư đông đúc trong đó người Kinh và người Hoa qua bao đời đã hình thành nên cộng đồng đa tôn giáo và có sự giao thoa về văn hoá sâu sắc thể hiện ở phong tục, tập quán, sự tồn tại của hàng ngàn di tích, các lễ hội được tổ chức quanh năm. Từ năm 2002, du lịch ở thành phố Hồ Chí Minh có tốc độ phát triển tương đối mạnh, khách quốc tế đến thành phố đạt 1.430.000 người, tăng 12,3% so với năm 2001. Số khách sạn trong thành phố, nhất là các khách sạn đạt tiêu chuẩn chất lượng từ 3 đến 5 sao, có công suất sử dụng buồng phòng rất cao. Năm 2003 do ảnh hưởng của dịch bệnh SARS nên lượng khách đến có giảm, chỉ đạt 1.302.000 lượt. Năm 2004, lượng du khách quốc tế đến với thành phố lại tăng, đạt 1.580.000, tăng 21% so với năm 2003. Theo thống kê toàn ngành du lịch trong tổng lượng du khách đến với Việt Nam, thành phố Hồ Chí Minh giữ vị trí số 1 về khả năng thu hút khách. Tính riêng giai đoạn từ 2001 đến 2004 tỉ trọng đạt được là trên 50% so với khách được toàn ngành du lịch đưa đón [32].

Theo thống kê mới nhất từ Tổng Cục Du lịch Việt Nam, tính đến 9 tháng đầu năm 2006, cả nước đón hơn 2.683.096 lượt khách du lịch quốc tế, riêng thành phố Hồ Chí Minh đã đón được 1.670.000 lượt, chiếm 62,3% tổng lượng khách vào cả nước [32].

Con số thống kê trên đã chứng tỏ sự năng động và biết tập trung mọi nguồn lực cho phát triển các dịch vụ du lịch nhằm tạo sức hút đối với du khách của ngành du lịch thành phố. Các nhà nghiên cứu về phát triển kinh tế du lịch thành phố trong nhiều năm đã tổng kết kinh nghiệm trong công tác này, như sau:

Thứ nhất: Tranh thủ mọi cơ hội, tập trung sức và lực cho việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhằm tạo mọi thuận lợi cho du khách trong và ngoài nước khi đến với thành phố: từ sân bay Tân Sơn Nhất, đến Bến Cảng Nhà Rồng, các trục lộ giao thông, đường sắt, đường thuỷ, đường bộ... Tuy thực tế còn nhiều bất cập nhưng trong những năm qua tiềm năng về cảng biển, sân bay, các đầu mối giao thông nối thành phố Hồ Chí Minh với cả nước và quốc tế đã được lãnh đạo các cấp giành ưu tiên quan tâm; từ khâu lập quy hoạch đến triển khai các dự án đầu tư xây dựng, đặc biệt là chỉnh trang môi trường cảnh quan du lịch, tạo thêm nhiều điểm du lịch sinh thái, các khu, điểm du lịch... tăng sức hút của du khách ra ngoại ô thành phố và các vùng phụ cận, tránh ô nhiễm và những “Hội chứng" khác do cuộc sống đô thị gây ra.

Thứ hai: Tôn tạo, phát triển tài nguyên du lịch và các loại hình dịch vụ du lịch. Trong đó một mặt chú trọng đến nguồn tài nguyên du lịch nhân văn như tổ chức tham quan các điểm di tích lịch sử cách mạng Dinh Thống Nhất, Bảo tàng chứng tích chiến tranh, Địa đạo Bến Dược - Củ Chi... kết hợp với việc mua sắm và giải trí ở các khu vực trung tâm và trong toàn thành phố. Đặc biệt, thành phố Hồ Chí Minh là nơi hội tụ cộng đồng dân cư từ các miền, nhất là dân cư vùng Đồng bằng sông Cửu Long nên có lợi thế về văn hoá truyền thống đặc thù: từ lối sống, phong tục, tín ngưỡng, ẩm thực... điều đó đang trở thành tài nguyên du lịch hấp dẫn đối với du khách.

Mặt khác, chú trọng đến việc phục vụ nhu cầu thiết yếu trong một chuyến du lịch của du khách là mua sắm để phát triển dịch vụ kinh doanh hàng hoá, đặc biệt là hàng lưu niệm. Mua sắm là một trong những loại hình du khách hướng đến và việc thoả mãn nhu cầu mua sắm là dịch vụ không chỉ độc quyền của ngành thương mại mà còn là cơ hội kinh doanh mang lại lợi nhuận cao cho ngành du lịch. Hàng lưu niệm là loại hàng hoá du lịch đặc thù ở các khu, điểm du lịch bởi nó ghi lại dấu ấn những chuyến đi, những nơi đến của du khách. Vì vậy, tại mỗi khách sạn hay các điểm tham quan du lịch trên toàn thành phố đều tổ chức các gian hàng lưu niệm phục vụ khách 24/24. Thậm chí có những con phố hoạt động dịch vụ này được chuyên nghiệp hoá cao như: Gỗ sứ gốm Trần Hưng Đạo B, Tượng đá Nguyễn Thị Minh Khai, Sơn mài gỗ mỹ nghệ Việt Nam Lê Thánh Tôn...

Một loại hình dịch vụ khác cũng được đặc biệt quan tâm, đó là dịch vụ vận chuyển. Cùng với sự tăng trưởng của khách du lịch từ mọi miền tập trung về thành phố, các phương tiện vận chuyển phục vụ khách ở các công ty vận chuyển chuyên nghiệp, các công ty du lịch, các khách sạn, các cơ quan đoàn thể... đều được huy động một cách tối đa và tuỳ vào nhu cầu khách mà có số lượng đầu xe tương ứng kịp thời cung ứng. Hiện tại, toàn thành phố có trên 1500 phương tiện hoạt động dịch vụ vận chuyển và trên 30 tàu thuyền chuyên chở khách du lịch.

Vui chơi giải trí là một trong những loại hình không thể thiếu trong một chương trình du lịch, nó đóng vai trò quyết định trong việc lưu giữ du khách lâu hay mau ở tại địa phương. Các nhà hoạt động du lịch thành phố nắm được sự thiết yếu này và trong điều kiện ngân sách cho loại hình này không có thể đủ để đầu tư và phát triển nên những năm qua, thành phố đã đề ra nhiều cơ chế chính sách phù hợp để xã hội hoá trong quy hoạch, đầu tư xây dựng và tổ chức khai thác. Nhờ đó có rất nhiều nhà đầu tư tư nhân đã bỏ vốn hoặc liên kết với các tổ chức trong và ngoài nước xây dựng các khu, điểm du lịch giải trí trong và ngoài thành phố. Tính đến 2005, toàn thành phố đã có trên 50 vũ trường, 85 điểm Karaoke, 40 sân khấu ca nhạc, 60 quầy rượu, 55 phòng xông hơi, 16 hồ bơi, 07 sân Tennit, 01 sân golf, 01 trường đua chó và những khu du lịch sinh thái nổi tiếng như Công viên Văn hoá Đầm Sen, Suối Tiên, Khu du lịch Thanh Đa Bình Quới... Ngoài ra, thành phố rất chú trọng đến phát triển các loại hình như du lịch sông nước nhằm khai thác đặc thù của miền Tây Nam Bộ. Hoặc tổ chức cho du khách vãn cảnh đêm trên sông Bạch Đằng bằng hệ thống các phương tiện vận chuyển của đội tàu Mỹ Cảnh, Bến Nghé, tàu du lịch Sài Gòn...

Ngân sách thành phố tập trung đầu tư tôn tạo các di tích, địa danh văn hoá lịch sử nổi tiếng như Bảo tàng thành phố, Bến Nhà Rồng, Khu Địa đạo Củ Chi, Chợ Bến Thành, Chùa Vĩnh Nghiêm, Dinh Độc Lập... Mạnh dạn thực hiện chủ trương mở cửa đón du khách tham quan các di tích lịch sử mang tính quốc gia như Dinh Độc Lập... và thực tế đã mang lại hiệu quả cao về các mặt kinh tế, chính trị, xã hội cho thành phố.

Trong những năm gần đây, thành phố liên tục tổ chức thành công loại hình du lịch lễ hội nhờ sự chuẩn bị đầu tư kỹ về nội dung và hình thức. Đối với loại hình này chuẩn bị càng kỹ về nội dung thì ý nghĩa nhân văn càng sâu sắc và phong phú về hình thức thì càng thu hút được du khách. Do đó, các lễ hội lớn được thành phố tập trung đầu tư đã mang lại hiệu quả cao như Giỗ tổ Hùng Vương, Lễ hội Nghinh Ông, Lễ Nguyên Tiêu của người Hoa, đặc biệt có Lễ hội Gặp gỡ Đất Phương Nam, Lễ hội Trái cây Nam Bộ đã thực sự trở thành điểm đến với thành phố hàng năm của hàng triệu du khách trong và ngoài nước.



Thứ ba: Tích cực khơi dậy và nuôi dưỡng các nguồn thu từ dịch vụ thông qua việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch. Tính đến 2005, toàn ngành có khoảng 150.000 lao động trực tiếp, 330.000 lao động gián tiếp (trong đó phục vụ khách sạn: 65,7%, lữ hành 24%, giải trí 9%). Thành phố đã tập trung phát triển các cơ sở chuyên nghiệp đào tạo cán bộ làm công tác du lịch, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên du lịch. Đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng tranh thủ nguồn lực từ “Chương trình phát triển du lịch thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2001-2010”, đầu tư cho công tác quy hoạch và đào tạo cán bộ làm công tác du lịch song song với các công tác quy hoạch đầu tư phát triển sản phẩm du lịch và bồi dưỡng tài nguyên du lịch khác.

Thứ tư: Về xúc tiến quảng bá du lịch. Đây là một công tác hết sức quan trọng phải thường xuyên được thực hiện ở mọi cơ hội có thể, nó giúp quảng bá hình ảnh và xác lập vị thế của du lịch thành phố nhiều năm qua. Sở du lịch đã xây dựng và ấn hành các tài liệu như: Niên giám du lịch, Sách ảnh đẹp thành phố HCM, Cẩm nang du lịch, bản đồ du lịch thành phố, tập gấp chuyên đề nghề thủ công truyền thống, ẩm thực, Website du lịch thành phố HCM...

Thứ năm: Tăng cường các biện pháp nhằm tổ chức quản lý hoạt động có hiệu quả kinh doanh du lịch, đặc biệt là trong chỉ đạo định hướng hoạt động của ngành. UBND Thành phố đã tạo điều kiện thuận lợi về kinh phí cho hoạt đọng của ngành; hoạt động của Ban chỉ đạo du lịch Thành phố có nề nếp và hiệu quả rõ rệt. Nhờ đó các doanh nghiệp đã chủ động đưa ra được nhiều biện pháp nhằm thu hút du khách, trong đó tập trung vào việc đa dạng hoá sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng phục vụ, tạo dựng thương hiệu doanh nghiệp du lịch xứng với tầm vóc "Con chim đầu đàn" của ngành du lịch VN trong nhiều năm qua.


tải về 0.69 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương