MỞ ĐẦu tính cấp thiết của đề tài



tải về 129.56 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu24.07.2016
Kích129.56 Kb.
#3717
MỞ ĐẦU

1. Tính cấp thiết của đề tài

Từ ngàn xưa cho đến nay, tôn giáo luôn là vấn đề phức tạp và nhạy cảm. Thực tiễn lịch sử ở nhiều khu vực và nhiều quốc gia trên thế giới đã cho chúng ta thấy rằng, không có gì gắn kết con người với nhau chặt chẽ như tôn giáo, nhưng có lẽ cũng không có gì gây chia rẽ, phân ly và lòng hận thù một cách đáng sợ như tôn giáo.

Một trong những nội dung quan trọng trong Báo cáo về chương trình Thiên niên kỉ của Liên hợp quốc (2002) về “Mục tiêu cụ thể nhưng có tính chiến lược to lớn của nhân loại mang tinh thần nhân văn cao cả của thiên niên kỉ này, đến năm 2052” là “xóa tận gốc sự chia rẽ tôn giáo, dân tộc, để chung sống hòa bình” 1. Báo cáo tổng kết tại Hội nghị khoa học Quốc tế “Bước đầu trao đổi: Tôn giáo và pháp quyền ở Đông Nam Á” năm 2006 đã kết luận: Thực tế là, trong đời sống tôn giáo ở nhiều quốc gia, nhiều khu vực trên thế giới hiện nay, việc giải quyết vấn đề tôn giáo và pháp quyền còn nhiều thách đố. Các quốc gia ở Đông Nam Á dường như đều có những nỗ lực để hướng tới việc ngày càng đảm bảo tốt hơn cho quyền tự do tôn giáo của công dân mỗi nước. Mặt khác, tính đa dạng và những đòi hỏi của hệ thống Công ước quốc tế về quyền tự do tôn giáo, nhân quyền đang đặt ra những thách thức mới trong việc giải quyết mối quan hệ tôn giáo với pháp quyền ở mỗi nước 2.

Tại Việt Nam, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng nêu rõ “Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với quan điểm điểm của Đảng trong giai đoạn mới của đất nước; tôn trọng những giá trị đạo đức, văn hoá tốt đẹp của các tôn giáo; động viên chức sắc, tín đồ, các tổ chức tôn giáo sống tốt đời, đẹp đạo, tham gia đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”3.

Chính vì thế, trong mỗi quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng, việc nhận thức và xử lý đúng đắn vấn đề tôn giáo và các vấn đề liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo để phát huy những yếu tố tích cực trong các tín ngưỡng tôn giáo, là góp phần quan trọng trong việc xây dựng đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Xây dựng lý luận về công tác tôn giáo ở mỗi nhà nước nói chung, ở Việt Nam nói riêng không thể không tính đến các thành tựu lý luận, kinh nghiệm thực tiễn ở các quốc gia trên thế giới. Tuy có sự khác nhau về thể chế chính trị, về bản chất giai cấp của từng chế độ nhà nước, các hình thức tổ chức nhà nước phổ biến trên thế giới trong thời đại ngày nay vẫn chứa đựng không ít yếu tố hợp lý, nhìn từ góc độ quyền lực nhân dân, quyền con người và mục tiêu dân chủ. Nghiên cứu tiếp thu một cách cầu thị, có chọn lọc kinh nghiệm tổ chức của các nhà nước, bảo đảm cho Nhà nước ta thực sự là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, vừa có tính dân tộc, vừa có tính hiện đại là rất cần thiết. Tư duy mới đòi hỏi không chỉ đòi hỏi đổi mới về nhận thức, khắc phục tính lý luận chung chung, mà cần nhận diện được các yếu tố nội hàm của từng vấn đề, để từ đó chuyển các nguyên tắc, các vấn đề chính trị, xã hội thành nội dung pháp lý4. Đối với tôn giáo và công tác tôn giáo, bên cạnh việc nghiên cứu, tổng kết hoạt động tôn giáo trong nước, thiết nghĩ việc nghiên cứu những giá trị phổ biến về hoạt động tôn giáo, tham khảo những mô hình tôn giáo của các nước trên thế giới, nhất là ở các nước phát triển, như tôn giáo nước Mỹ, là việc làm có ý nghĩa.

Mặt khác, cần phải thấy rằng, nước Mỹ luôn chiếm vị trí siêu cường trên thế giới trong suốt thế kỷ XX và những năm đầu của thế kỷ XXI. Ngày nay, Mỹ vẫn là cường quốc số một, có vai trò quan trọng đối với các quốc gia trên thế giới về kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, quân sự; ngoại giao…Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ; đặc biệt, vào năm 2000, Việt Nam và Mỹ đã ký kết hiệp định Thương mại. Rõ ràng, dù muốn hay không, chỉ có thể trên cơ sở nghiên cứu tổng hợp và toàn diện về nước Mỹ mới có thể hiểu được bản chất gốc rễ, nhận thức được qui luật và dự báo xu thế phát triển của nước Mỹ và chủ nghĩa tư bản Mỹ. Trên cơ sở đó, chúng ta mới có thể hoạch định chính sách một cách đúng đắn, khoa học và bảo vệ được lợi ích khi thiết lập quan hệ và làm ăn với nước Mỹ. Nghiên cứu về tôn giáo nước Mỹ là một nội dung quan trọng góp phần thực hiện định hướng đó5.

Bên cạnh đó, nghiên cứu về nước Mỹ, một phương diện khó có thể thiếu được, đó chính là tôn giáo nước Mỹ. Bức tranh về nước Mỹ sẽ không hoàn chỉnh, nếu thiếu gam màu về tôn giáo6. Để tìm hiểu toàn diện về nước Mỹ, khó có thể bỏ qua vấn đề tôn giáo. Tuy nhiên, ở Việt Nam cho đến nay những công trình nghiên cứu về tôn giáo nước Mỹ, đặc biệt dưới góc độ pháp lý còn rất ít ỏi.

Với những lý do như phân tích ở trên, đề tài “Quyền tự do tôn giáo ở Mỹ và một số giá trị phổ biến có ý nghĩa tham khảo đối với Việt Nam” là một công trình nghiên cứu rất có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam.

2. Tổng quan tình hình nghiên cứu đề tài

Từ góc độ nghiên cứu lý luận tôn giáo, một số học giả đã bàn đến tôn giáo ở Mỹ. Một số tác phẩm tiêu biểu như: Gustav Niebuhr, Phó Giáo sư về tôn giáo tại Đại học Syracuse, New York với cuốn sách khá nổi tiếng “Vượt trên tinh thần khoan dung: Tìm đến sự hiểu biết lẫn nhau giữa các tín ngưỡng ở Hoa Kỳ” (Beyond Tolerance: Searching for Interfaith Understanding in America); Melvin Urofsky với ấn phẩm “Các quyền con người được Hiến pháp bảo đảm”. Trung tâm Hoa Kỳ Phòng Thông tin-Văn hóa, Đại sứ quán Hoa Kỳ. Tạp chí điện tử của Chương trình Thông tin Quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (eJournal USA -U.S. Department of State) tháng 8/2008 đã công bố ấn phẩm “Tự do Tín ngưỡng: Các nhóm tôn giáo thiểu số ở Hoa Kỳ” (Freedom of Faith: Religious Minorities in the United States). Barbara Cohen với bài viết “Tôn giáo Mỹ thế kỉ XX”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 3 – 2006 (Bản dịch của Hoàng Văn Chung). Francois Houtart (GS. Đại học Louvain-la-Neuve, Bỉ), “Đối thoại giữa các nền văn minh vai trò quyết định của các nhân tố xã hội, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 2 – 2005. Học giả người Trung Quốc Lưu Bành có tác phẩm “Tôn giáo Mỹ đương đại” (bản dịch tiếng Việt của Trần Nghĩa Phương, do Nxb. Tôn giáo phối hợp với Nxb. Từ điển bách khoa phát hành năm 2009 (đây là một trong 10 cuốn sách trong bộ sách “Nước Mỹ đương đại tùng thư” do Viện Khoa học xã hội Trung Quốc biên soạn); Học giả Lý Bình Hoa với bài viết “Triển vọng phát triển của tôn giáo thế giới”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 6 – 2005...

Ở trong nước, cũng đã có một số bài viết về tôn giáo nước Mỹ được công bố, như: Nghiêm Văn Thái với bài viết “Tôn giáo ở Mỹ”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 3 – 2001; Học giả Đỗ Quang Hưng với bài viết “Vài nhận biết về Tin Lành Mỹ”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 1 – 2003; Nguyễn Văn Dũng, “Bước đầu tìm hiểu vị trí của tôn giáo trong đời sống chính trị - xã hội Hoa Kỳ nửa sau thế kỉ XX”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 7 – 2007; Tác giả Hương Liên, “Bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ năm 2008: tranh luận xung quanh việc một ứng cử viên theo Giáo hội Mormons”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 9 – 2007; Nguyễn Duy Hinh với bài “Tôn giáo với toàn cầu hoá và hiện đại hoá (Đối thoại cùng Samuel Huntington qua tác phẩm: Sự va chạm của các nền văn minh), Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 9 – 2007; Tác giả Hoàng Văn Chung với bài viết “Quan điểm của một số học giả phương Tây về đa nguyên tôn giáo”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 5 – 2007.

Như vậy, ở Việt Nam hiện nay, đã có một số các tác giả nghiên cứu về tôn giáo Mỹ, nhưng chưa nhiều. Nghiên cứu tôn giáo ở Mỹ dưới góc độ pháp lý ở nước ta lại càng ít ỏi. Theo hiểu biết của chúng tôi, cho đến nay ở Việt Nam chưa có một công trình khoa học pháp lý nào nghiên cứu bao quát và chuyên sâu về tôn giáo Mỹ. Vì vậy, đề tài nghiên cứu “Quyền tự do tôn giáo ở Mỹ và một số giá trị phổ biến có ý nghĩa tham khảo đối với Việt Nam” là công trình chuyên sâu đầu tiên về tôn giáo Mỹ dưới góc độ khoa học pháp lý.



3. Mục đích nghiên cứu và nhiệm vụ của đề tài

Thông qua việc phân tích, lý giải về quyền tự do tôn giáo ở Mỹ, mục đích trước hết, lớn nhất và bao trùm của đề tài nhằm cung cấp cho sinh viên và người đọc có cách nhìn tổng thể, hệ thống, mang tính khách quan, khoa học về cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý và một số khía cạnh thực tiễn về quyền tự do tôn giáo ở Mỹ. Dưới các góc nhìn khác nhau về tư duy nhận thức, xây dựng pháp luật, thi hành pháp luật, bảo vệ pháp luật, đề tài sẽ phân tích, làm rõ những kết quả, những mặt tích cực và những hạn chế về quyền tự do tôn giáo ở Mỹ và liên hệ với vấn đề tôn giáo ở Việt Nam. Cần chú ý rằng đề tài này không hướng đến việc nghiên cứu chi tiết, cụ thể về quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam. Mục đích lớn nhất và bao trùm của đề tài là nghiên cứu một cách có hệ thống, mang tính khách quan, khoa học về quyền tự do tôn giáo ở Mỹ. Trên cơ sở đó, đề tài rút ra một số giá trị có ý nghĩa tham khảo trong việc đổi mới quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Để đạt được mục đích nói trên, đề tài có nhiệm vụ:

Phân tích cơ sở lý luận về tự do tôn giáo trong xã hội dân chủ: khái niệm tôn giáo; các chức năng của tôn giáo; mối quan hệ giữa tôn giáo và nhà nước; khái niệm tự do tôn giáo, tự do tôn giáo trong mối quan hệ với pháp luật.

Phân tích cơ sở pháp lý về quyền tự do tôn giáo ở Mỹ: các yếu tố quan trọng chi phối, tác động đến tự do tôn giáo ở Mỹ; Phân tích vai trò nền tảng pháp lý của Điều sửa đổi, bổ sung Thứ nhất Hiến pháp Mỹ đối với tự do tôn giáo ở nước này; đầ cập khái quát các giai đoạn phát triển của tôn giáo nước Mỹ.

Phân tích thực tiễn của quyền tự do tôn giáo ở Mỹ trên một số khía cạnh như các loại hình tôn giáo Mỹ; vai trò của tôn giáo và quyền tự do tôn giáo Mỹ trong xã hội Mỹ, tôn giáo Mỹ với các hoạt động chính trị; sự bảo vệ của Hiến pháp, thực tiễn các vụ kiện mang tính điển hình liên quan đến quyền tự do tôn giáo nước Mỹ

Từ cơ sở lý luận về tự do tôn giáo trong Phần 1, thực tiễn về quyền tự do tôn giáo ở Mỹ trong Phần 2, đề tài rút ra những hạn chế và những nội dung có ý nghĩa giá trị tham khảo đối với Việt Nam. Phân tích những hạn chế về quyền tự do tôn giáo ở Mỹ: nguyên tắc chính - giáo phân ly được qui định trong Hiến pháp nhưng khó có thể thực hiện triệt để trong thực tiễn; tôn giáo Mỹ bị chính trị lợi dụng và bị tác động bởi chính trị.

Phân tích những giá trị phổ biến có ý nghĩa và giá trị tham khảo đối với Việt Nam: về cơ sở pháp lý; về vai trò của tôn giáo trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội ở một số các khía cạnh, vai trò của tôn giáo trong việc xây dựng đồng thuận xã hội, đối với kinh doanh, thương mại, giáo dục, đối với việc thức tỉnh tinh thần khoan dung. Khía cạnh này có vai trò rất quan trọng trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam.



4. Giới hạn của đề tài

Vì tự do tôn giáo ở Mỹ gắn liền với lịch sử, chính trị, xã hội pháp lý nước Mỹ, do đó, nó là đối tượng nghiên cứu của nhiều khoa học như thần học, chính trị học, xã hội học, tâm lý học… Công trình nghiên cứu này xem xét quyền tự do tôn giáo Mỹ dưới góc độ của khoa học pháp lý. Tuy nhiên, vì tự do tôn giáo không chỉ thuần túy là vấn đề đức tin, đến nhân sinh quan và thế giới quan của từng cá nhân, mà nó còn là những vấn đề mang tính chính trị, xã hội, pháp lý, đặc biệt là tính chính trị - pháp lý, do vậy, phạm vi nghiên cứu của đề tài, mặc dù chủ yếu nhìn nhận dưới lăng kính pháp lý, nhưng để làm rõ vấn đề cần nghiên cứu, trong một số trường hợp, một số mục của đề tài, vấn đề có thể được tiếp cận dưới góc độ của khoa học chính trị và một số khoa học khác có liên quan, như thần học, tâm lý học, xã hội học …



5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu

Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo đóng vai trò là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho việc nghiên cứu tất cả các vấn đề trong đề tài. Các quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhất là các quan điểm của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ đổi mới, trong đó có đổi mới về tôn giáo và công tác tôn giáo là cơ sở lý luận cho việc phân tích, đánh giá các vấn đề trong đề tài.

Bên cạnh đó, trong xu thế toàn cầu hóa và sự hội nhập sâu rộng của Việt Nam vào các diễn đàn quốc tế, những văn kiện quốc tế về quyền con người nói chung, về tự do tôn giáo nói riêng, như Tuyên ngôn thế giới về quyền con người của Liên hợp quốc (1948), đặc biệt là các công ước quốc tế của Liên hợp quốc mà Việt Nam đã gia nhập như Công ước quốc tế về các quyền chính trị và dân sự năm1966 (có hiệu lực từ 23/3/1976, Việt Nam gia nhập ngày 24/9/1982)… sẽ được đề cập khi giải quyết một số vấn đề đặt ra trong đề tài. Ngoài ra, những thành tựu lý luận và một số kinh nghiệm mà nhân loại đã đạt được về tôn giáo và tự do tôn giáo cũng được xem xét, chắt lọc khi phân tích, đối chiếu các vấn đề đặt ra trong đề tài.

Trên nền tảng phương pháp luận duy vật biện chứng của triết học Mác-Lênin, đề tài sử dụng các phương pháp nghiên cứu: phương pháp phân tích, tổng hợp; phương pháp phân tích theo hệ thống, phương pháp kết hợp lý luận với thực tiễn, phương pháp lịch sử; phương pháp so sánh… để giải quyết các vấn đề đặt ra trong đề tài.

Phương pháp phân tích, tổng hợp mang tính xuyên suốt toàn bộ đề tài. Phương pháp phân tích thường được thể hiện: để làm sáng tỏ các vấn đề lớn, trước hết cần làm rõ các nội dung bên trong của nó. Từ những vấn đề nhỏ, từng nội dung, từng tiểu mục, từng mục…, phương pháp tổng hợp sẽ góp phần làm rõ những nhiệm vụ đặt ra đối với từng chương và toàn bộ đề tài.

Phương pháp phân tích theo hệ thống đặt vấn đề nghiên cứu trong một hệ thống, hệ thống này lại nằm trong hệ thống lớn hơn…Tất cả được đặt trong một chỉnh thể thống nhất. Tự do tôn giáo không tồn tại độc lập, mà vận hành trong mối liện hệ tác động với các chế định khác của nền dân chủ. Do vậy, đề cập tự do tôn giáo ở Mỹ hay bất cứ một quốc gia nào, phải đặt nó trong tổng thể lịch sử, văn hóa, xã hội, tâm lý, phong tục, tập quán và thể chế chính trị của quốc gia đó.

Phương pháp kết hợp lý luận với thực tiễn xem xét từng vấn đề nghiên cứu trong mối liên hệ giữa lịch sử, lý luận, pháp lý với thực tiễn tổ chức thực hiện. Điều này có ý nghĩa rất lớn, đặc biệt trong Phần 2 của đề tài. Những vấn đề lý luận về tự do tôn giáo cần được đặt trong thực tiễn, từng giai đoạn lịch sử cụ thể nhất định. Không phải tất cả những vấn đề lý luận về tự do tôn giáo được áp dụng thành công ở Mỹ thì điều đó cũng hoàn toàn đúng đối với Việt Nam hay ngược lại.

Phương pháp lịch sử đòi hỏi khi nghiên cứu tự do tôn giáo, phải đặt chúng trong những bối cảnh lịch sử cụ thể và trên những địa bàn, vùng lãnh thổ cụ thể. Tôn giáo và quyền tự do tôn giáo chỉ được xem xét một cách toàn diện, đầy đủ khi chúng được đặt trong một hoàn cảnh lịch sử cụ thể với những quốc gia cụ thể. Phương pháp này làm rõ mối quan hệ biện chứng giữa sự vận động, phát triển của của nước Mỹ với sự vận động, phát triển của tôn giáo và quyền tự do tôn giáo. Nói cách khác, tự do tôn giáo ở Mỹ ngày nay là kết cả của cả một quá trình vận động và phát triển của nước Mỹ. Nếu liên hệ với Việt Nam, có thể thấy rằng cùng với sự thay đổi về điều kiện, hoàn cảnh lịch sử, nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam, tự do tôn giáo ở Việt Nam cần đổi mới một cách thích ứng và hợp lý để đáp ứng việc thực hiện những nhiệm vụ chiến lược đó; đặc biệt, tự do tôn giáo phải là công cụ hữu hiệu để thực hiện những mục tiêu trong công cuộc đổi mới. Phương pháp này thể hiện rõ nét trong Phần1, Phần 3 của đề tài.

Phương pháp so sánh được sử dụng trong đề tài để đối chiếu các vấn đề tương ứng trong tự do tôn giáo ở Việt Nam với tự do tôn giáo của Mỹ. Trên cơ sở mối liên hệ cái chung với cái riêng, cái phổ biến và cái đặc thù, giữa bản chất và hiện tượng, phương pháp này cho phép tìm ra những đặc điểm chung nhất của tự do tôn giáo nói chung, xu hướng phát triển của chúng cũng như những vấn đề mang tính đặc thù của tự do tôn giáo Việt Nam. Mục đích của phương pháp so sánh, một mặt để thấy được những vấn đề thuộc về bản chất hoặc có tính độc đáo của tự do tôn giáo nước Mỹ, mặt khác cho phép chúng ta tham khảo, học hỏi, tiếp thu có chọn lọc những hạt nhân hợp lý về tự do tôn giáo mang tính phổ quát ở Mỹ trong việc đổi mới tự do tôn giáo ở nước ta hiện nay và trong thời gian tới. Phương pháp so sánh xuyên suốt toàn bộ đề tài và có ý nghĩa rất quan trọng đối với công trình khoa học này.

6. Ý nghĩa khoa học và điểm mới của đề tài

Đề tài là một trong những chuyên khảo khoa học đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu cơ bản, toàn diện, có hệ thống và chuyên sâu về quyền tự do tôn giáo ở Mỹ dưới góc độ khoa học pháp lý.

Về mặt lý luận, đề tài làm rõ vai trò cơ sở lý luận và pháp lý của quyền tự do tôn giáo ở Mỹ; vai trò của quyền tự do tôn giáo trong xã hội Mỹ và gợi mở một số khía cạnh để tham khảo ở Việt Nam. Đề tài chỉ rõ trong bất cứ nhà nước và xã hội nào, quyền tự do tôn giáo gắn với đời sống tâm linh, tinh thần của từng cá nhân, của những bộ phận xã hội nhất định và xa hơn là chấp nhận đa nguyên về tư tưởng. Tự do tôn giáo được thiết kế, xây dựng phải đặt trong một thể chế chính trị nhất định, không những thỏa mãn nhu cầu đời sống tinh thần và tâm linh của từng cá nhân, từng nhóm người, mà cần phù hợp với những mục tiêu của nhà nước, cộng đồng và cả hệ thống chính trị.

Về mặt thực tiễn, đề tài phân tích, đánh giá tự do tôn giáo ở Mỹ, chỉ rõ tự do tôn giáo ở Mỹ không hoàn toàn màu hồng. Bên cạnh các vai trò tích cực, tự do tôn giáo ở Mỹ giữa lý luận, pháp lý với thực tiễn vẫn còn có khoảng cách khá lớn. Đạo Tin Lành với với tư cách là tôn giáo truyền thống của nước Mỹ vẫn thể hiện tầm ảnh hưởng và không thể thoát khỏi vòng kiểm tỏa của nền chính trị Mỹ. Cuộc tranh luận xoay quanh chủ đề “rốt cuộc, thế nào là chính giáo phân ly ở nước Mỹ” vẫn chưa có hồi kết. Tính hạn chế lịch sử của hai nguyên tắc chính giáo phân ly và tôn giáo tự do ở Mỹ, thậm chí đã làm cho bản thân các nguyên tắc đó lại trở thành một nguyên nhân tồn tại lâu dài mâu thuẫn chính giáo trong xã hội Mỹ.

Trên cơ sở những vấn đề lý luận về tự do tôn giáo, thực tiễn tự do tôn giáo ở Mỹ, đề tài đưa ra một số vấn đề mang tính phổ biến có ý nghĩa tham khảo và mang tính gợi mở trong việc đổi mới tự do tôn giáo ở Việt Nam.

7. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của đề tài

Đây là công trình không những có ý nghĩa trong việc hệ thống hóa các thông tin, các quan điểm, các học thuyết về tự do tôn giáo của các học giả trên thế giới, mà còn có ý nghĩa trong việc phát triển cơ sở lý luận về tự do tôn giáo và thực tiễn việc áp dụng nó tại nước Mỹ. Kết quả nghiên cứu của Đề tài góp phần bổ sung vào kiến thức lý luận về tự do tôn giáo, về vai trò của tự do tôn giáo, nhất là trong việc xây dựng đồng thuận xã hội, giáo dục tinh thần khoan dung, nhân ái, làm việc thiện trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam.

Những vấn đề có ý nghĩa gợi mở trong đề tài là những vấn đề đáng được tham khảo khi nghiên cứu, nâng cấp Pháp lệnh về tín ngưỡng, tôn giáo thành Luật tín ngưỡng tôn giáo ở nước ta trong thời gian tới. Ngoài ra, đề tài là tài liệu tham khảo hữu ích trong việc nghiên cứu và giảng dạy về xã hội học, về dân chủ, về quyền con người, quyền công dân, về nhà nước pháp quyền, về xã hội dân sự.

8. Kết cấu của đề tài

Đề tài gồm có: Mở đầu, Ba phần, Kết luận và Danh mục tài liệu tham khảo.

Phần 1: Cơ sở lý luận và pháp lý về quyền tự do tôn giáo ở Mỹ;

Phần 2: Thực tiễn về quyền tự do tôn giáo Mỹ;

Phần 3: Những hạn chế và những giá trị phổ biến của quyền tự do tôn giáo ở Mỹ và giá trị tham khảo đối với Việt Nam.

PHẦN I

NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ TÔN GIÁO

VÀ QUYỀN TỰ DO TÔN GIÁO Ở MỸ

1.1 MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ TÔN GIÁO

1.1.1 Khái niệm và nguồn gốc của tôn giáo

Từ “tôn giáo” trong tiếng Anh là “religion”, có nguồn gốc của nó từ tiếng Latinh là “relegare” hoặc “relegere”. Từ “relegare” biểu thị “buộc lại với nhau”, “liên kết với nhau”, hàm chứa ý nghĩa “đoàn kết” hoặc “liên kết hữu nghị”; từ “relegere” biểu thị “luyện tập lặp đi lặp lại”, “thực hành khắc khổ”, nói chung là chỉ đặc điểm lặp đi lặp lại của nghi thức tôn giáo7.

Nội hàm của thuật ngữ này cũng có một quá trình biến đổi. Hiện nay, có nhiều quan niệm, quan điểm và cách định nghĩa khác nhau về tôn giáo. Tôn giáo có nguồn gốc xã hội, nguồn gốc nhận thức và nguồn gốc tâm lý.

1.1.2 Bản chất và chức năng của tôn giáo

C. Mác có luận điểm nổi tiếng cho đến nay vẫn còn gây tranh cãi, đó là: “Sự nghèo nàn của tôn giáo, vừa là sự biểu hiện của khốn cùng hiện thực, vừa là sự phản kháng chống lại sự nghèo nàn của hiện thực ấy. Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim, cũng giống như nó là tinh thần của những trật tự không có tinh thần. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”8. Lê nin coi “câu nói đó của Mác là hòn đá tảng của toàn bộ quan điểm của Mác về vấn đề tôn giáo”9.

Cho đến nay, trên nhiều diễn dàn và trong sách báo trong và ngoài nước, luận điểm trên vẫn còn có nhiều cách hiểu khác nhau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng luận điểm trên không phù hợp với sự thật lịch sử: “Kết luận của Mác là không đúng, tôn giáo chưa bao giờ là thuốc phiện, mà chỉ là chất men kích thích con người hành đông tích cực”10.

Quan điểm thứ hai, cho rằng chỉ có hình thức tôn giáo thoái hóa nào đó mới là thuốc phiện, chứ không phải mọi tôn giáo nói chung 11.

Những người theo quan điểm thứ ba tìm hiểu hoàn cảnh lịch sử, nguồn gốc ra đời luận điểm “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân” mà C. Mac đã đưa ra cách đây hơn một thế kỷ rưỡi và cho rằng, trong hoàn cảnh lịch sử ấy câu nói của Mác không có hàm ý phê phán tôn giáo. Tôn giáo là thuốc phiện “của” nhân dân, chứ không phải “với” nhân dân. “Cho đến mãi những thập kỷ đầu của thế kỷ XIX, từ “thuốc phiện” vẫn chưa có ý nghĩa như ngày nay (là chất để tổng hợp ma túy); nó là một thứ thuốc thông thường, thuốc giảm đau mà các thầy thuốc kê đơn”12.



Quan điểm thứ tư, tuy không nhiều là: chừng nào còn tồn tại thì tôn giáo vẫn là thứ thuốc độc hại làm tha hóa con người.

Loại quan điểm thứ năm, xét theo quan điểm chính trị, tích cực hay tiêu cực, không phải bản thân tôn giáo, mà là người sử sụng nó vào mục đích gì? Phiđen Castrô nói “Theo ý kiến của tôi, xét theo quan điểm chính trị, tôn giáo tự nó không phải là thuốc phiện hay phương thuốc diệu kỳ. Nó có thể là thuốc phiện hoặc là một phương thuôc diệu kỳ tùy theo người sử dụng nó hay ứng dụng nó để bênh vực những kẻ áp bức, những kẻ bóc lột hoặc để bảo vệ những người bị áp bức hoặc bị bóc lột”.13.

Cùng với pháp luật và các qui phạm xã hội khác, các qui phạm tôn giáo có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội. Trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội, pháp luật là cần thiết, nhưng chỉ pháp luật thôi thì chưa đủ. Ngày nay, nhiều nhà khoa học nhấn mạnh chức năng điều chỉnh hành vi của tôn giáo.



1.1.3 Mối quan hệ giữa chính trị và tôn giáo

Mối quan hệ giữa tôn giáo và chính trị được tập trung biểu hiện: chính – giáo hợp nhất, chính – giáo phân ly và chính – giáo hòa hợp.

Thứ nhất, chính – giáo hợp nhất, tức là nhà nước và giáo hội /nhà thờ hợp làm một).

Thứ hai, chính - giáo phân ly. Đây là hình thức ngược lại với chính giáo hợp nhất. Dưới hình thức chính giáo phân ly, nhà thờ/giáo hội tách khỏi nhà nước.

Thứ ba, chính - giáo hòa hợp. Có thể coi đây là hình thức mang tính tổng hợp và hình thức này cũng có các mô thức khác nhau.

Mô thức thứ nhất, thần học tôn giáo có vai trò chủ đạo trong hệ tư tưởng trị nước, đồng thời là nguồn gốc của pháp luật.

Mô thức thứ hai, về quan phương, nhà nước là thế tục, nhưng nhà nước khai thác, sử dụng những tư tưởng thần học phù hợp để phục vụ mục đích của mình. Giáo hội và các đoàn thể tôn giáo đồng thuận cùng nhà nước.

Giáo sĩ, nhà tu hành trong những chừng mực nhất định tham gia vào công quyền. Tôn giáo được huy động vào các hoạt động, nhất là các hoạt động xã hội. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay có thể xếp vào mô thức này.



1.1.4 Vai trò (tính tích cực và mặt trái) của tôn giáo

Có thể nói rằng, không có gì gắn kết con người với nhau chặt chẽ như tôn giáo, nhưng có lẽ cũng không có gì làm chia rẽ, phân ly các cộng đồng, quốc gia, dân tộc và giữa con người với con người một cách đáng sợ như tôn giáo. Tính đa dạng và những đòi hỏi của hệ thống Công ước quốc tế về quyền tự do tôn giáo và điều kiện của mỗi quốc gia đang đặt ra những thách thức mới trong việc giải quyết mối quan hệ tôn giáo với pháp quyền ở mỗi nước.



1.1.5. Quyền tự do tôn giáo

Nếu xét theo ngữ nghĩa và hiểu theo nghĩa đơn giản nhất, “tự do tôn giáo” là sự bảo đảm sự độc lập của tôn giáo đối với các thiết chế quyền lực, bảo đảm tôn giáo thoát ly mọi sự cấm đoán, hạn chế, ràng buộc. Nếu nhìn nhận dưới góc độ triết học thì khái niệm tự do phải được xem xét trong mối quan hệ với tất yếu.



1.2 SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TÔN GIÁO VÀ QUYỀN TỰ DO TÔN GIÁO Ở MỸ

1.2.1. Nơi lánh nạn tôn giáo và sự đa dạng về tôn giáo ở nước Mỹ thời kỳ lập quốc

Khó có thể hiểu thấu đáo về quyền tự do tôn giáo ở Mỹ, nếu không nói tới tôn giáo nước Mỹ từ thời ập quốc14. Nước Mỹ chính là nơi lánh nạn tôn giáo. Quá trình vận động và phát triển của đất nước này vẫn giữ được một ý thức và là sự tiếp nối một loạt các giá trị truyền thống được hình thành từ thuở lập quốc và phản ánh chủ nghĩa đa nguyên, tư tưởng tự do, nhất là tự do tôn giáo của đất nước này 15.



1.2.2. Phong trào thức tỉnh và tôn giáo phục hưng ở Mỹ

Cho đến nay, nước Mỹ đã trải qua hai lần đại thức tỉnh và tôn giáo phục hưng, Phong trào thức tỉnh và tôn giáo phục hưng lần thứ nhất (cuối những năm 1730 sang những năm 1740 và 1750) và Phong trào đại thức tỉnh và tôn giáo phục hưng lần thứ hai (Thập niên 90 của thế kỷ XVIII)



1.2.3 Quan hệ chính - giáo ở nước Mỹ

Điều sửa đổi thứ nhất Hiến pháp Mỹ qui định Quốc hội không được đặt ra luật pháp thiết lập tôn giáo hoặc hạn chế thực tiễn của nó. Đây chính là “hai phân câu” nổi tiếng (phân câu thiết lập và phân câu thực tiễn tự do), thể hiện nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp Mỹ về vấn đề tôn giáo: chính giáo phân ly và tự do tôn giáo.

PHẦN 2

THỰC TIỄN VỀ QUYỀN TỰ DO TÔN GIÁO Ở MỸ

2.1 KHÁI QUÁT VỀ THỰC TIỄN TÔN GIÁO VÀ QUYỀN TỰ DO TÔN GIÁO MỸ

2.1.1 Sự đa dạng về tôn giáo

Hoa Kỳ là một trong những quốc gia có nhiều loại tôn giáo nhất thế giới. Ngoài việc có tất cả các giáo phái tôn giáo lớn trên thế giới, Hoa Kỳ thực sự còn là đất nước của những nhóm tôn giáo thiểu số. chính vì thế, sẽ không quá khi nói rằng tôn giáo nước Mỹ tựa như bảo tàng tôn giáo thế giới đương đại, sống động, phong phú, đa dạng và vô cùng rộng lớn.



2.1.2 Vai trò của quyền tự do tôn giáo trong xã hội Mỹ

Alexis de Tocqueville đã từng nói “Luật pháp cho phép người Mỹ làm cái điều mà họ muốn làm, tôn giáo ngăn cản họ lừa dối, cấm họ làm những việc lỗ mãng hoặc không công chính”. Cũng như vậy, trong xã hội Mỹ đương đại, tôn giáo vẫn là một lực lượng “đạo đức” mạnh mẽ phát huy tác dụng trừ gian tá ác, giữ gìn luân lý, kêu gọi lương tri, cố kết xã hội.



2.1.3 Luật Quyền công dân năm 1964 - Một đạo luật cụ thể hóa các quyền (nói chung), quyền tự do tôn giáo (nói riêng).

Đạo luật Quyền công dân năm 1964 được coi là một trong những đạo luật rất quan trọng nhằm cụ thể hóa quyền tự do tôn giáo mà Hiến pháp đã qui định.



2.2 CÁC PHÁN QUYẾT QUAN TRỌNG CỦA TÒA ÁN BẢO VỆ QUYỀN TỰ DO TÔN GIÁO

Diễn đàn Pew về Tôn giáo và Đời sống cộng đồng tổng kết những phán quyết quan trọng của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ:

Vụ Reynolds kiện Hoa Kỳ (1879): Truy tố hình sự một nhân vật có ảnh hưởng lớn trong đạo Mormon vì vi phạm chế độ một vợ một chồng tại bang Utah.

Vụ Cantwell kiện Connecticut (1940): Bác bỏ một bản án về tội gây rối trật tự, phán quyết cho rằng Điều khoản Tự do Tôn giáo được áp dụng với các hành động tại tiểu bang cũng như liên bang.

Học khu Minersville kiện Gobitis (1940): Phán rằng Điều khoản Tự do Tôn giáo không trao cho học sinh trường công có động cơ tôn giáo quyền được chọn không tham gia lễ chào cờ bắt buộc.

Vụ Sở Giáo dục bang Tây Virginia kiện Barnette (1943): Bác bỏ phán quyết Gobitis và công nhận quyền được phép không tham gia lễ chào cờ bắt buộc căn cứ theo quyền tự do ngôn luận và thờ cúng. Ở Mỹ, việc người Do Thái đội mũ yarmulke hàng ngày trên đường phố và ở nhà là việc rất bình thường. Tuy nhiên, Tòa án Tối cao Mỹ đã phán quyết rằng một cơ trưởng không quân người Do Thái không được miễn khỏi quy định đội mũ phi công trên máy bay

Vụ Hoa Kỳ kiện Ballard (1944): Trong một vụ liên quan tới thầy lang chữa bệnh bằng lòng tin tự nhận có sức mạnh siêu nhiên khi chữa bệnh, đã phán rằng chính phủ không thể đặt câu hỏi về sự thực hay độ tin cậy về đức tin của một người nào đó, nhưng được quyền xem xét xem liệu đức tin đó có thực sự được thực hiện hay không.

Vụ Braunfeld kiện Brown (1961): Bác bỏ lập luận của các doanh nhân người Do Thái hành lễ ngày xa-ba các ngày thứ 7 và phản đối một đạo luật yêu cầu các doanh nghiệp phải đóng cửa vào ngày chủ nhật.

Vụ Sherbert kiện Verner (1963): Phán rằng chính sách thất nghiệp của Nam Carolina buộc người lao động phải lựa chọn giữa việc được hành lễ ngày xa- ba và việc nhận trợ cấp thất nghiệp, như vậy đã vi phạm điều khoản Tự do Tôn giáo.

Vụ Wisconsin kiện Yoder (1972): Phán rằng Điều khoản Tự do Tôn giáo đã miễn cho trẻ vị thành niên theo đạo Old Order Amish không phải có mặt bắt buộc tại trường học.

Vụ trường Đại học Bob Jones kiện Hoa Kỳ (1983): Bác bỏ một đơn kiện căn cứ theo Điều bổ sung sửa đổi thứ nhất của Hiến pháp đối với chính sách của Sở Thu nhập quốc nội bác bỏ quy chế miễn thuế cho các cơ sở giáo dục tôn giáo phi lợi nhuận vốn có chính sách phân biệt chủng tộc.

Vụ Goldman kiện Weinberger (1986): Phán rằng Điều khoản Tự do Tôn giáo không cho phép một đại úy không quân người Do Thái được miễn áp dụng một quy định cấm đội bất kỳ loại mũ lưỡi trai nào trong nhà.

Vụ O’Lone kiện Estate of Shabazz (1987): Phán rằng lý do an ninh là cơ sở hợp lý để hạn chế tù nhân tham gia các buổi hành lễ của đạo Hồi.

Vụ việc làm kiện Smith (1990): Ủng hộ việc bác bỏ không bồi thường thất nghiệp cho hai tư vấn viên về phục hồi sức khỏe sau cai nghiện người đa đỏ vốn đã bị đuổi việc vì họ đã nuốt chất met-ca-lin gây ảo giác trong nghi lễ tôn giáo.

Vụ Nhà thờ Lukumi Babalu Aye kiện Thành phố Hialeah (1993): Phán rằng các pháp lệnh của thành phố Hialeah về đối xử với động vật đã phân biệt đối xử với đạo Santeria và nghi lễ tế thần bằng động vật của tôn giáo này.

Vụ Thành phố Boerne kiện Flores (1997): Phán rằng Quốc hội không có đủ thẩm quyền để sử dụng quyết định của mình để thay thế phán quyết của ngành tư pháp liên bang về các quy tắc tự do tôn giáo mà các tiểu bang phải tuân thủ.

Vụ Locke kiện Davey (2004): Phán rằng việc bao cấp trong ngành giáo dục đại học tại tiểu bang Washington không dành cho những người học chuyên ngành tôn giáo là hợp hiến.

Vụ Cutter kiện Wilkinson (2005): Bác bỏ lập luận cho rằng một số nội dung trong quy định của liên bang về tự do tôn giáo đối với phạm nhân và những người sống trong các cơ sở từ thiện đã vi phạm Điều khoản tổ chức tôn giáo trong Điều bổ sung sửa đổi thứ nhất của Hiến pháp.

Vụ Gonzales kiện O Centro Espirita Beneficiente Uniao do Vegetal (2006): Phán rằng RFRA (Đạo luật khôi phục quyền tự do tôn giáo năm 1993) bảo vệ quyền của một giáo phái nhỏ được nhập khẩu và sử dụng chất gây ảo giác trong nghi lễ tôn giáo của họ16.

PHẦN 3


NHỮNG HẠN CHẾ VÀ NHỮNG GIÁ TRỊ PHỔ BIẾN

CỦA QUYỀN TỰ DO TÔN GIÁO Ở MỸ VÀ GIÁ TRỊ

THAM KHẢO ĐỐI VỚI VIỆT NAM

3.1 NHỮNG MẶT HẠN CHẾ VỀ QUYỀN TỰ DO TÔN GIÁO Ở MỸ

3.1.1 Quyền tự do tôn giáo Mỹ là phương tiện của chính trị, là công cụ tư tưởng của giai cấp tư sản Mỹ

Alexis de Tocqueville, tác giả của “Nền dân chủ ở Mỹ” đã nói rằng “Tôn giáo Mỹ không trực tiếp tham gia vào chính trị, nhưng nó lại được xem là bô phận chủ yếu nhất cấu thành chính trị nước Mỹ”.



3.1.2 Những thách thức trong việc thực hiện quyền tự do tôn giáo

Phân biệt đối xử vì lý do chủng tộc và vấn đề nhập cư, sự đa dạng về văn hóa là những thách thức to lớn trong việc thực thi quyền tự do tôn giáo tại Hoa Kỳ.



3.1.3 Chính giáo phân ly khó có thể thực hiện triệt để trong thực tiễn

Thực tế lịch sử nước Mỹ đã chứng minh rất rõ rằng, chính giáo phân ly triệt để là khó có thể tồn tại. Cuộc tranh luận xoay quanh chủ đề “rốt cuộc, thế nào là chính giáo phân ly?” vẫn chưa có hồi kết. Tính hạn chế lịch sử của “chính - giáo phân ly” đã làm cho bản thân nó trở thành một nguyên nhân tồn tại mâu thuẫn trong xã hội Mỹ.



3.2 MỘT SỐ VẤN ĐỀ CÓ Ý NGHĨA THAM KHẢO VÀ GỢI MỞ ĐỐI VỚI VIỆT NAM

3.2.1 Đổi mới nhận thức về tôn giáo và chính sách đối với tôn giáo

Nhận thức và có cách ứng xử đúng đắn về tôn giáo có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng đồng thuận xã hội, củng cố tinh thần đoàn kết, đáp ứng nhu cầu tinh thần của người dân trong từng dân tộc, từng quốc gia, khu vực và trên toàn thế giới. Điều cốt lõi của vấn đề là ở chỗ thiết lập và thực thi pháp quyền những vấn đề về tôn giáo.



3.2.2 Vai trò của tôn giáo đối với đoàn kết dân tộc và xây dựng đồng thuận xã hội

Trên nền tảng của sự đoàn kết, hưởng ứng chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn hiện nay, các tôn giáo tham gia tích cực vào khối đại đoàn kết dân tộc. Biểu hiện rõ nhất là các tôn giáo xác định đường hướng đồng hành cùng dân tộc, đồng thuận với những mục tiêu chung mà Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra, các tín đồ và chức sắc tôn giáo tích cực tham gia vào các hoạt động chính trị - xã hội, tham gia xây dựng các cấp chính quyền. Xét về góc độ văn hoá, các tôn giáo tích cực hưởng ứng, tham gia xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, xây dựng làng văn hoá, xã văn hoá, gia đình văn hoá. Các tôn giáo đã góp phần quan trọng vào việc kìm hãm sự suy thoái đạo đức dưới tác động mặt trái của cơ chế thị trường.



3.2.3 Tôn giáo với đời sống xã hội công cộng

Kenneth D. Wald, nhà chính trị học nước Mỹ đương đại từng nói “ ở một ý nghĩa nào đó mà nói, nhà thờ là chiếc lồng ấp những phẩm chất đức tính tốt đẹp của công dân”17, hay Andrews, nhà sử học tôn giáo Mỹ đã từng viết rằng “tôn giáo là mẹ của từ thiện”. Có thể nói rằng, tất cả các tôn giáo, dù giáo lý khác nhau thế nào, nhưng đêu thống nhất với nhau ở điểm “hành thiện” này.



3.2.5 Tôn giáo với việc điều chỉnh hành vi con người, phát huy các giá trị và chuẩn mực xã hội

Các lực lượng xã hội khác, kể cả các đảng phái chính trị hay nhà nước, việc giám sát đạo đức và bảo vệ đạo đức, đều không thể nào “đọ” được với các tổ chức tôn giáo. Tôn giáo thuyết giáo về đạo đức, đương nhiên không phải là pháp luật, không có tính cưỡng chế, nhưng không phải vì thế mà hiệu lực không bằng pháp luật. Giá trị của nó là từ sâu thẳm nội tâm, nó thúc đẩy con người hành xử. Đứng trước qui tắc tôn giáo, các tín đồ không nghĩ đến vi phạm, đến chế tài, đơn giản vì việc thực hiện giáo lý xuất phát từ lương tri sâu thẳm của họ.

Tôn giáo đang góp phần quan trọng trong việc điều chỉnh hành vi của con người, tác động tích cực đến các quan hệ xã hội, củng cố và phát huy các chuẩn mực đạo đức, giá trị xã hội, xây dựng lối sống lành mạnh theo hướng “tốt đời, đẹp đạo”. Chính vì lý do này, thiết nghĩ, để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nên tham khảo các giáo lý, các quan niệm đạo đức và đời sống tâm lý tôn giáo.

3.2.6 Tôn giáo với kinh doanh thương mại

Giáo sư Niall Ferguson giải thích rằng, sở dĩ kinh tế nước Mỹ luôn luôn đứng trên Châu Âu, là có mối liên hệ trực tiếp với việc tuyệt đại đa số người Mỹ có tín ngưỡng tôn giáo.



3.2.7 Tôn giáo với giáo dục

Hiện nay, số học sinh đăng ký vào trường học ở các trường trung, tiểu học do tôn giáo mở không những không giảm, mà vẫn luôn tăng lên hàng năm. Điều này chứng tỏ địa vị thực lực và chất lượng đào tạo của các trường học do tôn giáo sáng lập này. Giáo dục là một lĩnh vực truyền thống mà tôn giáo phát huy vai trò quan trọng trong đời sống xã hội Mỹ.



3.2.8 Tôn giáo với văn hóa, an ninh và sự phát triển

Trong cuốn sách “Tôn giáo và an ninh - Mối liên hệ mới trong quan hệ quốc tế”18, các tác giả đã kết luận rằng tự do tôn giáo là vấn đề mấu chốt của xã hội dân sự. Tự do tôn giáo, không những không phải là nguyên nhân của khủng bố như không ít người thường nghĩ, mà ngược lại, đó lại là một phương thức phòng, chống khủng bố.

Mặt khác, mặc dù còn nhiều bàn cãi, nhưng đã đến lúc nhân loại không thể không xem xét mối liên hệ giữa tôn giáo với văn hóa, an ninh và sự phát triển.

KẾT LUẬN

Với tính chất là sinh vật bậc cao, con người sáng tạo ra không ít những sản phẩm tinh thần. Từ bàn tay, khối óc và dưới sự thôi thúc của cuộc sống, con người đã sáng tạo ra tôn giáo. Song thật trớ trêu, cũng chính từ ngày ấy, con người phải gánh chịu không ít những hệ lụy không mong muốn từ sản phẩm sáng tạo của chính mình. Nghịch lí đó cho thấy con người cần khách quan xem xét, suy ngẫm về những sản phẩm cho mình tạo ra, trong đó có tín ngưỡng tôn giáo.

Tự do tôn giáo không phải do nhà nước tạo ra hay ban tặng, mà ngược lại, bất cứ nền dân chủ nào cũng cần tôn trọng và bảo vệ quyền tự do đó. Đến lượt nó, tự do tôn giáo được thực thi trong một xã hội cụ thể và không thể vượt lên trên xã hội. Dù có sự tách biệt giữa tôn giáo với nhà nước hay không, nhưng lợi ích và giá trị của nhà nước dân chủ và tự do tôn giáo hướng đến về cơ bản là không xung đột. Nhà nước nào bảo vệ quyền tự do tôn giáo của công dân thì chắc chắn sẽ bảo vệ được các quyền tự do; ngược lại, nếu không công nhận tự do tôn giáo, hay trong trường hợp nhà nước “xử lý” một nhân sĩ tôn giáo nào đó, vì có những hoạt động không phù hợp với lợi ích của xã hội, của nhà nước, của cộng đồng, thì điều đó không có nghĩa bản thân tôn giáo đó là cái cớ để biện minh cho việc đi ngược lại tự do tôn giáo.

Sẽ không có một công thức chung cho mọi quốc gia, vì bất cứ tôn giáo nào cũng là sản phẩm của một bối cảnh lịch sử, văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội… Tuy nhiên, đối với bất cứ quốc gia nào, tôn giáo sẽ trở thành nguy hiểm, nếu như nó bị lợi dụng, nhất là sự lợi dụng của chính trị. Mỗi quốc gia có thể tìm ra công thức cho riêng mình sau khi đã nghiên cứu thấu đáo, rút ra những kinh nghiệm cần thiết từ quốc gia khác. Tôn giáo sẽ chỉ trở nên chân chính, trong sáng, khoan dung và hướng thiện nếu nó được nhìn nhận và được đối xử một cách đúng đắn.

Trong đời sống tôn giáo ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, việc giải quyết vấn đề tôn giáo và pháp quyền còn nhiều thách đố. Không thể phủ nhận các nỗ lực của Đảng và Nhà nước ta trong những năm qua để đảm bảo ngày càng tốt hơn nhu cầu về tự do tín ngưỡng tôn giáo, tuy nhiên do tính phức tạp và đa dạng của tôn giáo, những thách thức mới trong việc giải quyết mối quan hệ tôn giáo với pháp quyền ở mỗi nước là vấn đề cần tiếp tục được nghiên cứu và giải quyết.

Nhà nghiên cứu tôn giáo nổi tiếng người Trung Quốc Lưu Bành, tác giả của cuốn sách “Tôn giáo Mỹ đương đại” đã viết rằng rằng “Tôn giáo nước Mỹ như dòng sông cuộn chảy; chỉ cần nước Mỹ còn tồn tại, dòng sông ấy sẽ không biến mất”. Quả thật, tôn giáo nước Mỹ tựa như bảo tàng tôn giáo thế giới đương đại, sống động, phong phú, đa dạng và vô cùng rộng lớn. Trong khi đó, những công trình nghiên cứu về tôn giáo nước Mỹ còn chưa toàn diện và rất ít ỏi. Công trình này chỉ là sự nghiên cứu bước đầu về tôn giáo nước Mỹ. Nó chỉ có ý nghĩa khi chúng ta xem xét, cân nhắc, chắt lọc, rút ra những vấn đề có ý nghĩa tham khảo đối với Việt Nam. Những vấn đề cơ bản đó là:

1. Đổi mới nhận thức về tôn giáo và chính sách đối với tôn giáo

2. Vai trò của tôn giáo đối với đoàn kết dân tộc và xây dựng đồng thuận xã hội

3. Tôn giáo với đời sống xã hội công cộng

4. Tôn giáo với khoan dung và phục vụ xã hội

5. Tôn giáo với việc điều chỉnh hành vi con người, phát huy các giá trị và chuẩn mực xã hội

6. Tôn giáo với kinh doanh thương mại

7. Tôn giáo với giáo dục

8. Tôn giáo với văn hóa, an ninh và sự phát triển

Người viết hy vọng sẽ có nhiều tác giả và nhiều công trình lớn hơn, qui mô hơn, chất lượng hơn nghiên cứu về tôn giáo nước Mỹ sẽ ra mắt bạn đọc trong thời gian tới.


1 Hồ Bá Thâm, Đạo và đời với truyền thống nhân văn Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, Số 10- 2007, tr. 4, 5.

2 Một hội nghị khoa học quốc tế về Tôn giáo và Pháp quyền lần đầu tiên, được tổ chức tại Hà Nội (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) vào hai ngày 8 và 9- 9- 2006.

Xem: Đỗ Quang Hưng, Báo cáo tổng kết Hội nghị khoa học Quốc tế “Bước đầu trao đổi: Tôn giáo và pháp quyền ở Đông Nam Á” Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 1 - 2007, tr.69, 70.



3 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, tr. 51.

4 Nguyễn Duy Quý, Nguyễn Tất Viễn (Đồng Chủ biên), Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân, vì dân - Lý luận và thực tiễn, Nhà xuất bản chính trị Quốc gia, Hà Nội 2008, tr.292, 293.

5 Tư duy theo hướng này, Trung Quốc đang huy động giới trí thức và các chuyên gia trên các lĩnh vực tiến hành biên soạn bộ sách “Nước Mỹ đương đại tùng thư” gồm 10 cuốn sách nghiên cứu sâu về 10 phương diện khác nhau về nước Mỹ (kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, pháp luật, tôn giáo, xã hội, văn hóa, giáo dục và khoa học kỹ thuật).

Xem: Lưu Bành, Tôn giáo Mỹ đương đại, Nxb. Tôn giáo - Nxb. Từ điển bách khoa (bản dịch của Trần Nghĩa Phương), Hà Nội 2009, tr.5-8.



6 Lưu Bành, Tôn giáo Mỹ đương đại, Nxb. Tôn giáo - Nxb. Từ điển bách khoa (bản dịch của Trần Nghĩa Phương), Hà Nội 2009, tr.9.

7 Lưu Bành, Tôn giáo Mỹ đương đại, Nxb. Tôn giáo - Nxb. Từ điển bách khoa (bản dịch của Trần Nghĩa Phương), Hà Nội 2009, tr.61.

Còn theo nhà nghiên cứu tôn giáo Việt Nam Đặng Nghiêm Vạn, thuật ngữ “Tôn giáo” ngày nay, tiếng Latinh, có gốc từ thuật ngữ “legere”, tiếng Anh là “religion”, có nghĩa là thu lượm thêm sức mạnh siêu nhiên. Ông còn chỉ rõ: Những thuật ngữ để chỉ các khái niệm khoa học nói chung thường xuất phát từ phương Tây, một số được dịch qua chữ Hán. Các thuật ngữ trong lĩnh vực tôn giáo cũng không thoát khỏi quy luật đó. Khi không gian xã hội mở rộng ra toàn cầu, khi tiếp cận với những nền văn minh ngoài Châu Âu, vì tính thống nhất nhưng đa dạng của loài người, các nhà khoa học cố gắng thay đổi nội dung các thuật ngữ cho bao quát được tất cả, để tránh chủ nghĩa trung tâm Châu Âu. Tuy nhiên, nhiều tác giả Châu Âu khi nghiên cứu Châu Âu, vẫn dùng thuật ngữ với nội dung thích hợp với Châu Âu. Do vậy, những định nghĩa các khái niệm thường chưa thống nhất. Tuy nhiên, ta buộc phải và phải dùng các thuật ngữ đó, vì tính phổ biến, nhưng cần mở rộng hay thu hẹp cho đúng với thực tiễn đối tượng được nghiên cứu. Tuy ta có thuật ngữ đạo, thờ cúng, nhưng vẫn phải dùng thuật ngữ tôn giáo.

Theo: Đặng Nghiêm Vạn, Bàn về tín đồ và tổ chức của một tôn giáo, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 2 – 2003, tr. 14.


8 C. Mác- Ăngghen, Toàn tập, tập 20, Nxb. Sự thật, Hà Nội 1994, tr. 570.

9 V.I. Lê nin, Toàn tập, tập 17, Nxb. Tiến bộ, Matxcva,1979, tr. 511.

10 Xem: Tạp chí triết học, số 3, tháng 10 năm 1992.

Dẫn theo: Nguyễn Đức Lữ, Đôi điều suy nghĩ về quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lê nin về tôn giáo trước sự phát triển của thời đại ngày nay , Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 10- 2008, tr.3-15.

Dẫn theo: Nguyễn Đức Lữ, Đôi điều suy nghĩ về quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lê nin về tôn giáo trước sự phát triển của thời đại ngày nay , Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 10- 2008, tr.3-15.


11 Xem trong cuốn: Vấn đề phong thánh tử đạo và lịch sử dân tộc Việt Nam, Ủy ban Khoa học xã hội và Ban Tôn giáo Chính phủ, xuất bản năm 1988, tr.64.

Dẫn theo: Nguyễn Đức Lữ, Đôi điều suy nghĩ về quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lê nin về tôn giáo trước sự phát triển của thời đại ngày nay, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 10- 2008, tr.3-15.



12 Xem: S.V. Rojo, Tôn giáo, thuốc phiện của nhân dân và sự phản kháng chống lại khốn cùng thực tại tại các quan điểm của Mác và Lê nin (trong cuốn Về tôn giáo, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội 1994, tập 1), tr. 239-340.

13 Xem Phi đen và tôn giáo, những cuộc trao đổi với Linh mục Frie Bettơ, Ủy ban Đoàn kết Công giáo yêu nước Tp. Hồ Chí Minh, 1985, tr.288-289.

14 Xem thêm: Vũ Văn Nhiêm, “Mấy vấn đề về tự do ở Mỹ”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 3(251) - 2009.

15 George Clack (Executive Editor), Mildred Solá Neely (Managing Editor), Outline of U.S. History, Bureau of International Information Programs U.S. Department of State, tr.337.

16 Richard W. Huckaby (Editor-in-Chief), Freedom of Faith: Religious Minorities in the United States, U.S. Department of State - August 2008- Volume 13 - Number 8 eJournal USA, tr.37-39.

17 Lưu Bành, Tôn giáo Mỹ đương đại, Nxb. Tôn giáo - Nxb. Từ điển bách khoa (bản dịch của Trần Nghĩa Phương), Hà Nội 2009, tr.470.

18 Religion & Security - The new Nexus in International Relations - Biên tập: Robert A. Seiple và Dennis R. Hoover Nxb. Rowman & Littleefield, New York, Hoa Kỳ, 2004.


Каталог: hcmulaw -> images -> stories -> dhluat -> tintuc sukien
tintuc sukien -> Học vị tiến sĩ và học hàm ở các đại học Úc và Mỹ Phần 1
tintuc sukien -> BỘ giáo dục và ĐÀo tạo trưỜng đẠi học luật tp. HỒ chí minh kỷ YẾu hội thảo khoa học thờI ĐIỂm giao kếT
dhluat -> TRƯỜng đh luật tp. Hcm cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam khoa luật hành chính độc lập Tự do Hạnh phúc
dhluat -> M mẫu 2 Ẫu bản kê khai tài sảN, thu nhập bổ sung
tintuc sukien -> LỜi mở ĐẦu tính cấp thiết củA ĐỀ TÀI
dhluat -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam trưỜng đẠi học luật tp. Hcm độc lập – Tự do – Hạnh phúc
tintuc sukien -> Bảo vệ luận văn cuối khóa cho các sinh viên lớp Cử nhân Luật tăng cường tiếng Pháp
tintuc sukien -> QuyếT ĐỊnh về việc ban hành Kế hoạch xây dựng và công bố chuẩn đầu ra
tintuc sukien -> I. ĐỐi tưỢng dự thi

tải về 129.56 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương