Mẹ Têrêxa thành Calcutta (1910-1997) Vị Chân Phúc biểu tượng Tin-Yêu



tải về 36.31 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu04.08.2016
Kích36.31 Kb.
#12680
Mẹ Têrêxa thành Calcutta

(1910-1997)

Vị Chân Phúc biểu tượng Tin-Yêu


Lê Thiên
Mẹ Têrêxa sinh ngày 26-8-1910 tại Skopje, một thành phố thuộc nước Albania trong vùng Balkan. Là con út của ông bà Nikola và Drane Bojaxhiu, được Rửa Tội với tên gọi là Gonxha Agnes, rước Mình Thánh Chúa lần đầu lúc mới 5 tuổi rưỡi và lãnh Phép Thêm Sức tháng 11 năm 1916 (6 tuổi). Thân phụ lìa đời đột ngột khi Gonxha mới 8 tuổi. Thân mẫu tiếp tục nuôi nấng, dạy dỗ các con tuy rất nghiêm khắc nhưng luôn luôn thương yêu dạt dào.

Ảnh hưởng của người mẹ tác động rất lớn đến tính tình và ơn gọi của đứa con gái út. Năm 18 tuổi, Gonxha ao ước trở thành nhà truyền giáo, nên tháng 9/1928 từ giã gia đình để gia nhập Tu viện Đức Nữ Trinh Maria thuộc Dòng các Nữ Tu Loreto ở Ái Nhĩ Lan (Ireland). Tại đây Gonxha nhận tên gọi ‘Nữ Tu Maria Têrêxa’. Năm 1929, nữ tu Maria Têrêxa lên đường đi Ấn Độ, đến Calcutta phục vụ Cộng Đồng Loreto Entally tại Calcutta và dạy học ở Trường Nữ St.Mary’s School. Ngày 24-5, 1937, Maria Têrêxa khấn trọn, tiếp tục dạy ở St. Mary’s School đến năm 1944 trở thành hiệu trưởng của trường và được gọi là Mẹ Têrêxa kể từ đó.

Ngày 10/9/1946 Mẹ Têrêxa được Chúa đánh động và soi sáng thành lập một tu hội, các Nữ Tu Truyền Giáo Bác Ái, nhằm mục đích dấn thân phục vụ những kẻ bần cùng, nghèo đói, cả trên đất nước Ấn Độ lẫn khắp hang cùng ngõ hẻm của thế giới. Gần 2 năm sau, Mẹ Têrêxa được phép khởi công xây dựng cộng đồng tu sinh. Ngày 17-8-1948, Mẹ lần đầu tiên mặc áo dòng trắng viền xanh và ra đi khỏi cổng Tu Viện Loreto để bước vào thế giới của người nghèo hèn.
Sứ vụ tông đồ giữa những kẻ bần cùng

Sau một khóa học ngắn về nghiệp vụ y tá do các Nữ Tu Y Tế Truyền Giáo ở Patna hướng dẫn, Mẹ Têrêxa trở lại Calcutta và tạm trú với các Nữ Tu Tiểu Đệ của Kẻ Muội Người Nghèo. Ngày 21-12 Mẹ ra đi tìm đến những hang cùng ngõ hẽm lần đầu tiên để thăm các gia đình nghèo, rữa rửa các vết thương của trẻ con, săn sóc người già nằm hấp hối trên đường phố và người phụ nữ sắp chết vì đói và lao phổi.

Mẹ bắt đầu mỗi ngày làm việc bằng cách kết hiệp với Chúa Giêsu trong Phép Thánh Thể và sau đó ra đi, tay cầm tràng hạt, đi để tìm kiếm và phục vụ Chúa trong “những kẻ vô thừa nhận, những người bất hạnh bị đời quên lãng hay bị xã hội ruồng rẫy bất hạnh thiếu tình thương, không ai chăm sóc”. Sau vài tháng, một số cựu học sinh của Mẹ lần lượt nối gót theo Mẹ.

Ngày 7-10-1950 tu hội các Nữ Tu Truyền Giáo Bác Ái được chính thức thiết lập trong Tổng Giáo Phận Calcutta. Rồi từ đó Tu Hội lan rộng khắp nước Ấn và thế giới, như Venezuela, Roma, Tanzania, kể cả tại . các nước Cộng sản, gồm có cựu Liên Bang Sô-Viết, Albania và Cuba (từ năm 1998).

Thế giới bắt đầu chú ý đến các công việc bác ái của Mẹ Têrêxa và đã trao cho Mẹ nhiều giải thưởng, đặc biệt nổi bật là Giải Nobel Hòa Bình năm 1979, mà Mẹ coi đó là một thể hiện “sáng danh Chúa và nhân danh kẻ nghèo” chứ không phải vinh danh Mẹ.

Vào khoảng 1997, Tu Hội của Mẹ Têrêxa đã lên đến gần 4000 nữ tu và được phân phối trong 610 tổ chức tại 123 quốc gia.

Tháng Ba 1997, Mẹ Têrêxa chúc lành nữ tu kế vị Mẹ trong chức vụ Mẹ Tổng Bề Trên các Nữ Tu Truyền Giáo Bác Ái. Sau đó Mẹ còn thực hiện thêm một chuyến xuất ngoại. Sau khi gặp ĐGH Gioan Phaolô II lần cuối cùng, Mẹ Têrêxa trở về Calcutta và trải qua những tuần lễ cuối đời để tiếp khách và huấn luyện các nữ tu của mình.

Ngày 5-9-1997, Mẹ chấm dứt cuộc đời trần thế, được chính phủ Ấn Độ làm lễ quốc táng và thi hài Mẹ được an nghỉ trong Nhà Mẹ của các Nữ Tu Truyền Giáo Bác Ái.

Ngôi mộ của Mẹ không bao lâu đã trở thành nơi hành hương và nơi cầu nguyện cho mọi người thuộc các niềm tin tôn giáo khác nhau, giàu cũng như nghèo.
Vinh danh Mẹ Têrêxa

Sau khi Mẹ Têrêxa qua đời gần 2 năm, ĐGH Gioan Phaolô II đã cho phép mở Hồ Sơ Phong Thánh cho Mẹ vì chính Đức Thánh Cha và cả thế giới đã chứng kiến cuộc đời hy sinh phục vụ người nghèo của Mẹ, sống tinh thần yêu thương Chúa Giêsu đã dạy.

Ngày 20/12/2002, sắc chỉ của Đức Giáo hoàng tuyên bố công nhận các nhân đức anh hùng của Mẹ Têrêxa và các phép lạ do Mẹ cầu bàu.

Ngày 19/10/2003, Mẹ Têrêxa được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tôn phong Chân phúc. Như vậy, bước kế tiếp là tiến trình xét tuyên thánh cho Mẹ Têrêxa có thể khởi sự.

Được hỏi về tình hình xin tuyên thánh, cha Kolodiejchuk, cáo thỉnh viên vụ án xét tuyên thánh cho Mẹ Têrêxa, nói rằng đó sẽ là “sự tuyên dương phi thường về lòng thánh thiện, về tình yêu dũng cảm. Mẹ Têrêxa đã muốn ‘yêu mến Đức Giêsu như Người chưa từng được ai yêu mến như vậy’. Còn chưa có phép lạ, một sự chữa lành mà các bác sĩ thấy rõ là khoa học không thể giải thích được. Từ ngày Mẹ được phong chân phước đến nay, hơn 1800 người đã báo cáo nhận được những ơn đặc biệt của Mẹ. Chúng ta còn phải chờ đợi.”
Di sản của Mẹ Têrêxa: Tin-Yêu

Mẹ Têrêxa thật xứng danh một “Nhà Truyền Giáo Bác Ái”, “Mẹ của Kẻ Nghèo”. Đặc biệt, Mẹ luôn nhìn thấy hình ảnh Chúa Kitô bị bắt bớ, bị đánh đòn, bị lột áo, chịu khổ nạn và đóng đinh trong những kẻ nghèo đói, rách rưới, bị ruồng bỏ, bị hất hủi, co quắp thân thể trong những vùng tuyết lạnh hay héo hắt da bọc xương trong những vùng nhiệt đới. Dáng vóc Mẹ tuy nhỏ bé, nhưng tình thương của Mẹ không ranh giới và Mẹ luôn vững vàng trong đức tin. Quả thật, Mẹ Têrêxa được giao phó sứ mệnh loan truyền tình yêu Chúa đối với loài người, và Mẹ đã chu toàn sứ mạng đó bằngi đức tin và hành động yêu thương cụ thể.

Mẹ Têrêxa thường tâm sự: “Thiên Chúa vẫn còn yêu thương thế gian và Người gởi bạn và tôi mang tình yêu và lòng thương xót của Người đến với kẻ nghèo.”

Tâm hồn Mẹ Têrêxa tràn đầy ánh sáng Chúa Kitô, tràn trề tình yêu nồng cháy đối với Chúa và mãnh liệt trong niềm mơ ước “thỏa mãn lòng Chúa khao khát tình yêu và khao khát các linh hồn”.

Nói về cội nguồn căn tính của mình, Mẹ Têrêxa khẳng định:

Về mặt huyết thống, tôi là người Albania.



Xét theo quốc tịch, tôi là người Ấn.

Xét theo đức tin, tôi là một nữ tu Công Giáo.

Xét theo ơn gọi của tôi, tôi thuộc về thế giới này.

Trái tim tôi thì hoàn toàn thuộc về Trái Tim Chúa Giêsu.”
Khủng hoảng đức tin?

Rõ ràng đức tin của Mẹ Têrêxa đã được định hình ngay trong hành động bác ái của Mẹ. Và Mẹ đã đáp ứng lời nhắn nhủ của Thánh Giacôbê Tông đồ: “Đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc. 2, 17 và 26). Hoặc: “Nhờ hành động mà con người được nên công chính, chứ không phải chỉ nhờ đức tin mà thôi” (Gc. 2, 24).

Thế nhưng mới đây vào tháng 9/2007, trên tuần báo Time, tác giả David Van Biema viết một bài về Mẹ Têrêxa dưới nhan đề “Her Agony – Nỗi Khắc khoải của Mẹ” khiến có người dựa vào bài đó mà cho rằng Mẹ Têrêxa đã trải qua hơn 50 khủng hoảng đức tin.

Bài báo của Time trích dẫn thư Mẹ Têrêxa gửi Cha linh hướng mình là linh mục Michael Van Der Peet hồi tháng 9 năm 1979 trong đó có đoạn: “Đức Giêsu dành một tình yêu rất đặc biệt cho cha. [Nhưng] phần con, sự im lặng và trống vắng lại thật lớn lao tới nỗi con nhìn mà không thấy - lắng tai mà không nghe được.- lưỡi con mấp máy [nguyện cầu] nhưng không thốt nên lời…Con muốn cha cầu nguyện cho con – hầu con để mặc cho Người muốn làm gì thì làm.”

Rồi tác giả kể tiếp: Trong hơn 40 lần trao đổi thư từ, nhiều thư chưa bao giờ được công bố trước đây, Mẹ than van về ‘sự cằn cỗi’, ‘tối tăm’, ‘cô đơn’ ‘ngược đãi’ đã phải gánh chịu. Mẹ so sánh cảm nghiệm đó với hỏa ngục, và có lúc nói rằng nó đã đẩy Mẹ tới chỗ nghi ngờ về sự hiện hữu của thiên đường và ngay cả sự hiện hữu của Chúa. Mẹ nhận thức rõ rệt sự khác biệt giữa tình trạng nội tâm và thái độ của Mẹ ngoài công chúng. Mẹ viết: ‘Nụ cười là một chiếc mặt nạ hoặc tấm áo che đậy mọi sự.’ Tương tự như thế, Mẹ nghi ngờ không biết mình có phạm phải tội dối trá bằng lời nói hay không. Mẹ thố lộ với một vị cố vấn: ‘Con nói như thể chính lòng con yêu mến Chúa – một tình yêu êm dịu, riêng tư – Nếu cha có [ở đó], chắc cha đã nói: Thật là chuyện giả hình.”

Căn cứ vào những trích dẫn trên từ quyển sách mới viết về Mẹ Têrêxa “Come Be My Light - Hãy Đến Làm Ánh Sáng Của Ta của linh mục Brian Kolodiejchuk (vị linh mục phụ trách vai trò thỉnh viên phong thánh cho Mẹ), cùng một số thư từ của Mẹ Têrêxa do quyển sách trên tiết lộ, không ít người bị lung lạc, hoài nghi về Mẹ Têrêxa, hoài nghi về đức tin của Mẹ, cho rằng Mẹ Têrêxa đã trải qua 50 năm không có cảm nghiệm về đức tin(!?)


Tin-yêu với hết trí khôn trước khi tin-yêu với hết tâm hồn1

Trong cuộc phỏng vấn dành cho nhật báo “La Razon” xuất bản tại Tây Ban Nha (Spain), Lm. Kolodiejchuk, tác giả cuốn “Come Be My Light - Con Hãy Đến Làm Ánh Sáng Của Ta” nêu trên nói rằng người nữ tu thánh đức này “đã sống một thử thách về đức tin, chứ không phải một khủng hoảng về đức tin” và Mẹ đã vượt thắng thử thách đó để cho chúng ta thấy rằng tình yêu và đức tin “ở trong ý chí, không phải ở trong cảm giác” như chính Mẹ Têrêxa đã viết cho Cha Neuner, vị linh hướng của mình: “Con chấp nhận Thánh Ý Chúa, không phải bằng cảm giác của con - mà bằng ý chí – Con chấp nhận thánh ý Người.” Mặc dầu đôi lúc Mẹ còn lo ngại rằng mình có thể “biến một tên Giuđa thành Chúa Giêsu trong bóng tối đau đớn này”…

Cha Kolodiejchuk nói tiếp: “Thử thách của Mẹ ‘rất ‘hiện đại’. Các vị thánh trong những thế kỷ trước yêu mến đêm đen như là phương cách dò hỏi về sự cứu chuộc của chính mình, như là một thử thách đức tin. Còn Mẹ đã sống sự nghèo nàn nội tâm, sự ‘trống rỗng tinh thần’. Đức Giêsu cũng đã sống sự thiếu thốn như thế và Mẹ là dụng cụ thanh khiết trong tay Người để cho, khi sống trong tăm tối như vậy, Mẹ có thể làm ánh sáng soi cho những người khác.”

Cha Kolodiejchuk giải thích: “Mẹ không thấy được các cảm giác, và như vậy Mẹ dậy chúng ta đừng đặt đức tin, đặt tình yêu Chúa và người khác trên những gì chúng ta cảm xúc. Ngày nay, người ta thường nói: Tôi không yêu thương nữa vì tôi không cảm thấy gì hết. Tình yêu là ở trong ý chí, không phải trong cảm giác.”

Cha Kolodiejchuk nói: “Mẹ đã sống cuộc đời hiến dâng trong tu hội như là một sự kết hiệp vì yêu… một tình yêu đồng hóa một cách đặc biệt với sự đau khổ Đức Giêsu chịu đựng trong vuờn Cây dầu và sự bỏ rơi của Chúa Cha Người cảm thấy trên thập giá… Mẹ nghe thấy Đức Giêsu nói với mình: ‘Con hãy đến, làm ánh sáng của Ta.’ Mẹ mang ‘ánh sáng’ ngay cả tới những chỗ tối tăm về thể lý: nhiều người nghèo, nhà ở không có đến cửa sổ. Mẹ chấp nhận bóng tối nội tâm để mang ánh sáng đến cho những kẻ khác”.

Hiểu được như Mẹ Têrêxa, khiêm tốn như Mẹ, chúng ta nhìn nhận mình yếu đuối trong đức tin: tin bằng ý chí không phải dễ. Chúa Giêsu từng dạy: “Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực… là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ” (Mc 12, 33). Cũng như nhiều bậc đại thánh trong Giáo Hội, như Thánh Âugustinô, Thánh Gioan Thánh Giá…, Mẹ Têrêxa đã phải trải qua những giai đoạn thử thách lớn, và Mẹ đã chiến đấu không ngừng với chính mình, với con người xác thịt của mình.

Chúng ta an tâm vì cảm thấy mình đã hết lòng tin-yêu Chúa. Nhưng sự thật chúng ta chưa tin-yêu Chúa bằng trí khôn, nghĩa là bằng ý chí của chúng ta thay vì bằng một thứ cảm xúc hời hợt. Chúng ta học ở Mẹ Têrêxa bài học Tin-Yêu, có tinyêu với hết cả trí khôn – ý chí kiên vững thì mới có thể tin yêu với hết cả tâm hồn. Rồi cùng với Mẹ, chúng ta “chấp nhận bóng tối nội tâm để mang ánh sáng đến cho những kẻ khác”.

Mẹ Têrêxa khiêm tốn nhìn nhận sự yếu đuối của mình trong đức tin và khẩn khoản nài xin các Cha linh hướng của mình cầu nguyện cho, đồng thời giúp cho một lời răn dạy, chỉ bảo, hay ủi an. Bù lại, Mẹ Têrêxa dâng hiến cả xác hồn để hành động, đem yêu thương xoa dịu nỗi đau của những kẻ cơ hàn. Hành động của Mẹ củng cố đức tin Mẹ.

Mẹ Têrêxa từng xác quyết: “Kết quả của thinh lặng là cầu nguyện. Kết quả của cầu nguyện là đức tin. Kết quả của đức tintình yêu. Kết quả của tình yêu là phục vụ.”

TIN-YÊU: di sản quý hiếm của một vị thánh thời đại - Chân phúc Têrêxa thành Calcutta. Bài học thực tiễn quý giá nhất chúng ta cần học mãi không ngừng.


Cộng đoàn Công giáo Việt Nam Metuchen, New Jersey, lấy Tin-Yêu làm chủ đề Xuân Mậu Tý 2008. Có nghĩa là chúng ta quyết tâm lấy hành động YÊU THƯƠNG làm động lực để sống ĐỨC TIN. Như vậy XUÂN TIN-YÊU sẽ là mùa Xuân thiêng liêng bất diệt luôn sinh những hoa thơm trái ngọt từ Đức tin và Tình yêu. Để từ đó mọi thành viên của cộng đoàn cùng nắm tay nhau noi gương Mẹ Têrêxa “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp…” Và rồi mới có thể “đem tin kính vào nơi nghi nan, đem trông cậy vào nơi thất vọng, đem ủi an đến chốn u sầu.”



1 Tài liệu dựa vào số bài viết về Mẹ Têrêxa do Phạm Hoàng Nghị dịch đăng trên báo điện tử Dũng Lạc.


tải về 36.31 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương