Âm nhạc trong thánh lễ



tải về 77.98 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu10.09.2016
Kích77.98 Kb.
#31954
ÂM NHẠC TRONG THÁNH LỄ

Lm. Dao Kim


Âm nhạc trong ý nghĩa của phụng vụ, phải giúp đỡ cộng đoàn dân Chúa biểu lộ và chia sẻ đức tin cùng anh chị em mình, và để nuôi dưỡng cũng như khích lệ niềm tin.
Thánh ca, bởi vậy, phải làm cho Lời CHÚA được thêm phần nhấn mạnh, được công bố một cách đầy đủ và hiệu quả. Do đó, cảm xúc, niềm vui do âm nhạc tạo ra trong bầu khí phụng vụ của cộng đoàn không thể đến từ những gì không phải là thánh thiện. (MC W, 23)

Hai bộ lễ của Nguyễn Văn Trinh và Thành Tâm đã đưa đến nhiều hiểu lầm cho giới trẻ, là làm sao thì làm, miễn là thành một bài hát để hát, và để ban nhạc tha hồ vung vít theo điệu Slow Rock là được


I. Sơ Lược Về Âm Nhạc Trong Phụng Vụ

Âm nhạc chưa hẳn là thánh nhạc. Âm nhạc là nghệ thuật diễn tả cảm xúc, cảm tình bằng âm thanh. Thánh nhạc, trong khi đó được coi là một nghệ thuật cao cả và tế nhị, làm tăng thêm vẻ huy hoàng cho việc thờ phượng Chúa và làm cho đời sống thiêng liêng của các tín hữu thêm tiến triển. Ðức Giáo Hoàng Piô XII trong Thông Ðiệp "Quy Luật về Thánh Nhạc" số 26, 27 đã viết: "Nhờ thánh nhạc mà giọng nói của linh mục đang dâng lễ hoặc của cộng đoàn dân Chúa đang chúc tụng Ðấng Tối Cao được hay hơn, làm cho lời kinh phụng vụ của cộng đoàn Kitô-hữu linh động hơn, nhiệt tình hơn. Vinh dự mà Hội Thánh - kết hợp với Ðức Kitô là vị thủ lãnh của mình - dâng lên Thiên Chúa sẽ lớn lao hơn, và tín hữu nhờ thánh ca lôi cuốn sẽ đạt được nhiều kết quả hơn". Nhưng không phải ở tự bản chất của âm nhạc khi dùng trong phụng vụ có thể đem lại những thành quả đó, mà vì, theo Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh của Công Ðồng Vatican II (số 112): "Chính là vì thánh nhạc đi liền với lời kinh, kết thành một phần cần thiết hoặc kiện toàn của phụng vụ trọng thể. Thánh nhạc càng liên kết chặt chẽ với phụng vụ thì càng trở nên một thứ nhạc thánh hơn, vì nó phát biểu lời cầu nguyện một cách dịu dàng hơn". Tuy giữ một địa vị quan trọng như thế, nhưng âm nhạc chỉ là phương tiện hỗ trợ cho phụng vụ. Do đó, âm nhạc nhằm phục vị chứ không phải để làm bá chủ trong phụng vụ.


Âm nhạc trong ý nghĩa của phụng vụ, phải giúp đỡ cộng đoàn dân Chúa biểu lộ và chia sẻ đức tin cùng anh chị em mình, và để nuôi dưỡng cũng như khích lệ niềm tin.
Thánh ca, bởi vậy, phải làm cho Lời CHÚA được thêm phần nhấn mạnh, được công bố một cách đầy đủ và hiệu quả. Do đó, cảm xúc, niềm vui do âm nhạc tạo ra trong bầu khí phụng vụ của cộng đoàn không thể đến từ những gì không phải là thánh thiện. (MC W, 23)
Âm nhạc phải tạo nên sự hiệp nhất và phải thích nghi với lễ nghi phụng vụ một cách đặc biệt.
Như vậy, những bài hát dùng trong phụng vụ đòi hỏi những đặc tính sau đây:
a. Âm nhạc tính: Chỉ có những bài thánh ca giá trị và nghệ thuật mới có kết quả lâu dài. Dùng những loại nhạc rẻ tiền, tầm thường, những khuôn sáo thiếu tính cách nghệ thuật thường thấy trong các bài hát phổ thông để dùng tạm thời trong phụng vụ, là làm cho phụng vụ trở nên nghèo nàn, kỳ cục và không hiệu quả (To admit the cheap, the trite, the musical cliché often found in popular songs for the purpose of "instant liturgy" is to cheapen the liturgy, to expose it to ridicule, and to invite failure). (MCW,26). Chính vì lý do đó mà Giáo Hội đòi hỏi các nhạc sĩ thực thụ phải tìm tòi và sáng tạo tinh hoa của âm nhạc để dùng trong việc phụng tự, nhất là để phổ nhạc vào những bản kinh phụng vụ. Họ phải tìm tòi trong các kho tàng âm nhạc, và họ cũng phải đào sâu trong nguồn nhạc phong phú của nhạc điệu bình ca và thánh ca của Giáo Hội.
b. Phụng vụ tính: Bản tính của phụng vụ đòi hỏi loại nhạc nào được dùng, phần nào trong phụng vụ cần được hát và những ai được hát (Linh mục, ca đoàn, cộng đoàn). Cũng vậy, âm nhạc có diễn giải và tôn trọng bản văn phụng vụ một cách đúng đắn và ý nghĩa không?
c. Mục vụ tính: Sự phán đoán dưới cái nhìn mục vụ sẽ dẫn tới cách dùng và vai trò của mỗi chi tiết trong khi cử hành phụng vụ: bài hát này, điệu nhạc này có thể làm cho dân Chúa dễ dàng cầu nguyện và biểu lộ đức tin hay không, có thích hợp với nơi này, lớp người này, với văn hóa này hay không? Tất cả những gì để dùng trong phụng vụ đều phải được các vị bản quyền chuẩn nhận vì nó phải có ý nghĩa thực sự cho con người bày tỏ niềm tin của mình với Thiên Chúa trong việc phụng thờ.
Từ sau ngày 30 tháng 4, 1975 tức là sau hơn 20 năm cơ cấu tổ chức tôn giáo của Giáo Hội Việt Nam bị hạn chế, Ủy Ban Thánh Nhạc thuộc Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam cũng đã thấy đến lúc phải lên tiếng về những thiệt thòi, về những lạm dụng, những thiếu hiểu biết trong việc sáng tác cũng như việc sử dụng thánh ca trong phụng vụ. Các nỗ lực nhóm họp và các hướng dẫn về thánh ca qua các thông cáo của Ủy Ban Giám Mục về Thánh Nhạc cũng cho chúng ta thấy những điểm cụ thể sau đây:
Mục đích của thánh nhạc là làm vinh danh Chúa và thánh hóa các tín hữu, nên thánh nhạc phải có những đặc tính căn bản mà Ðức Giáo Hoàng Piô X đã đề ra trong Tự Sắc Trale Sollecitudini số 2, và được khai triển trong Hiến Chế về PV số 112 của Công Ðồng Vatican II:
a. Thánh nhạc phải là thánh:
Về mặt tích cực: "Thánh nhạc càng liên kết chặt chẽ với hoạt động phụng vụ bao nhiêu thì càng thánh hơn bấy nhiêu"
Về mặt tiêu cực: Phải loại bỏ những gì phàm tục không những trong bản chất mà cả nơi những người thể hiện.
b. Thánh nhạc phải là nghệ thuật đích thực, có giá trị cả về nhạc lẫn về lời, như thế thánh nhạc sẽ dễ dàng đưa tâm hồn con người đạt tới công hiệu mà Giáo Hội nhắm khi dùng nghệ thuật âm thanh trong phụng vụ.
c. Về bài ca, cần lưu ý về những phương diện sau đây:
- Dòng ca: Dòng ca các bài hát phụng vụ cần:

- Ðơn sơ, trôi chảy, âm vực vừa phải, nhất là những bài hát dành cho cộng đoàn.

- Thích hợp và làm tăng ý nghĩa lời ca. Cần lưu ý dấu bằng trắc trong tiếng Việt.

- Cùng với tiết tấu, dòng ca phải thích hợp với từng loại hoạt động phụng vụ.

- Tránh những nét nhạc lãng mạn, ủy mị hoặc có tính chất kịch trường.

- Cấm đặt lời ca vào những bài nhạc đời rồi hát trong phụng vụ, kể cả những bài dân ca.


- Tiết tấu: Tiết tấu phải thích hợp với thánh nhạc nói chung và với từng hoạt động phụng vụ nói riêng. Ngay khi bày tỏ niềm vui, thì phụng vụ đã phần nào nghi thức hóa niềm vui đó. Nó không còn là niềm vui bộc phát của đời thường, nhưng bình dị hơn, nghiêm trang hơn, thích hợp với cộng đoàn hơn. Những bài hát về bình ca hay choral cho ta một mẫu mực về điểm này. Cũng vì thế mà Giáo Hội cấm sử dụng các điệu nhạc Jazz (những điệu kích động) trong phụng vụ.
II. Âm Nhạc Trong Thánh Lễ

A. Trước hết, không gì bằng chúng ta hãy theo Quy Chế Tổng Quát về Thánh lễ theo luật của Thánh Bộ Phụng Tự Rôma:


1. Ca nhập lễ có tính cách mở đầu việc cử hành Thánh lễ, giúp giáo dân thêm hiệp nhất, hướng tâm hồn họ vào mầu nhiệm mùa phụng vụ hay ngày lễ và đi kèm với cuộc rước của linh mục và các người giúp lễ (số 25). Ca nhập lễ được hát luân phiên giữa ca đoàn và dân chúng, hoặc luân phiên giữa một ca viên và dân chúng, hoặc tất cả do dân chúng hát, hay do một mình ca đoàn hát mà thôi. (số 26).
2. Kinh "Xin Chúa thương xót": Ðây là bài hát dùng để tung hô Chúa và kêu cầu lòng thương xót của Người, bài hát này thường được mọi người hát, nghĩa là dân chúng, ca đoàn hay xướng ca viên, đều góp phần vào đó. (số 30)
3. Kinh Vinh danh được hát do toàn thể cộng đoàn tín hữu, hoặc luân phiên giữa dân chúng và ca đoàn, hoặc do chính ca đoàn. (số 31)
4. Thánh vịnh đáp ca (cũng gọi là Ca Tiến Cấp): Bài ca này là thành phần trọn vẹn của phụng vụ Lời Chúa. Người hát Thánh vịnh hát tại bục dành riêng cho ca xướng viên hay tại một nơi thuận tiện, đang khi cộng đoàn ngồi nghe và thường thường lại còn tham dự bằng những câu đáp. Ðể dân chúng có thể hát Thánh vịnh đáp ca dễ dàng hơn, một số bản văn đáp ca và Thánh vịnh đã được lựa chọn cho từng mùa trong năm. (số 36).
5. Alleluia được hát trong các mùa, ngoài mùa Chay. Hết mọi người, hoặc ca đoàn, hay ca viên, bắt đầu hát, và nếu cần, thì lặp lại. Trong mùa không phải hát Alleluia, có thể hát hoặc đọc Thánh vịnh hoặc lời tung hô Tin Mừng. (Số 38). Thánh vịnh theo sau bài đọc, nếu không hát thì đọc; còn Alleluia hay lời tung hô Tin Mừng (trong mùa Chay) không hát thì có thể bỏ. (Số 39).
6. Ca Dâng lễ (hay còn gọi là Ca Tiến Lễ): khi rước lễ phẩm lên thì hát ca tiến lễ và kéo dài bài hát ít là cho tới khi đặt lễ phẩm trên bàn thờ. Quy luật hát ca tiến lễ cũng giống như cách hát ca nhập lễ. (Số 50).
7. Kinh "Thánh, Thánh, Thánh": Lời tung hô này là thành phần của chính Kinh Tạ Ơn, nên cả giáo dân và linh mục cùng hát hay đọc. (Số 55-b)
8. Tụng ca kết thúc Kinh Tạ Ơn: đây là lời chúc vinh Thiên Chúa, được giáo dân tán đồng và kết thúc bằng lời tung hô (Số 55-h).
9. Kinh Lạy Cha: Giáo dân cùng với linh mục hát, hoặc đọc rõ tiếng (Số 56-b)
10. Kinh "Lạy Chiên Thiên Chúa": ca đoàn hay ca viên thường hát đối đáp hoặc đọc, và giáo dân đáp lại (Số 56-đ)
11. Ca Hiệp lễ (ca Rước Lễ): Bài ca này có mục đích diễn tả sự đồng tâm hiệp nhất thiêng liêng giữa những người rước lễ, khi họ đồng thanh ca hát, đồng thời biểu lộ niềm vui trong tâm hồn và làm cho việc tiến lên rước lễ có tính cách huynh đệ hơn. Bài này có thể dùng Ðiệp ca với Thánh vịnh hoặc không có Thánh vịnh hoặc một bài hát nào thích hợp đã được Hội Ðồng Giám Mục chuẩn nhận. Một mình ca đoàn hát, hoặc ca đoàn hay ca viên hát với giáo dân. (Số 56-h)
12. Sau khi rước lễ: nếu muốn, tất cả cộng đoàn cũng có thể hát một thánh thi, một Thánh vịnh hay một bài thánh ca ngợi khen nào khác. (Số 56-k)
13. Kết lễ: Ai nấy trở về với công việc tốt lành của mình, vừa ngợi khen và chúc tụng Chúa. (Số 57).

B. Ủy Ban Phụng Vụ của Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ trong phần "Application of the Principles of Celebration to Music in Eucharistic Worship" đưa ra những đề nghị cụ thể như sau:


1. Trong Thánh lễ, có 5 lời tung hô phải được toàn thể giáo dân hát lên, hay ít nhất cũng hát một ít, là: Alleluia, Kinh "Thánh Thánh Thánh", Tung hô sau Truyền Phép, Kinh vinh chúc "Amen", tung hô kết thúc "Kinh Lạy Cha" (Vì Chúa là Vua uy quyền...) - (Số 54)
2. Kinh "Alleluia", nếu không hát thì bỏ (trước kia Ủy ban dùng chữ "may be ommitted", lần tái bản 1981 thì để là "should be ommitted".) Trong Lá Thư Mục vụ "Chúa Nhật: Ngày Lễ Nguyên Thủy" 1987 của Ðức Cha Joseph Fiorenza, Ðịa phận Galveston-Houston, cũng viết: "Phải luôn hát Alleluia trước Phúc Âm, trừ mùa Chay thì hát một câu Phúc Âm khác thay thế. Nếu không hát Alleluia, thì phải bỏ". (Trang 11).

3. Bài Ca Nhập Lễ và Ca Rước Lễ rất quan trọng trong việc tạo nên và giữ gìn sự nhận thức của giáo dân (Số 60). Ðức Cha Fiorenza trong "Chúa Nhật: Ngày Lễ Nguyên Thủy", đã viết: "Bài ca tập họp (Ca Nhập Lễ) phản ảnh ý nghĩa của mùa phụng vụ hay ngày lễ, hay nói đến chúng ta như một Giáo Hội được tụ họp để ca ngợi và cảm tạ Thiên Chúa. Bài này tự nó phải là bài hát của cộng đồng, dùng những lời nói như "chúng ta" hơn là "tôi". Bài hát này quy tụ và giúp chúng ta trở thành điều mà chúng ta được mời gọi trở thành: Dân tộc tuyển chọn của Thiên Chúa hát bài ca ngợi khen Ngài". (Trang 8).


4. Thánh vịnh Ðáp Ca: Phụng vụ Lời Chúa sẽ được cử hành hoàn hảo hơn nếu ở giữa hai bài đọc, ca xướng viên hát Thánh vịnh và cộng đoàn giáo dân hát câu Ðáp. Có thể im lặng một chút giữa bài đọc thứ nhất và Ðáp Ca. (số 63)
5. Riêng về Thánh vịnh Ðáp Ca, Ðức Cha Fiorenza, trong "Chúa Nhật: Ngày lễ Nguyên Thủy", đã viết: "Nhiệm vụ của cộng đoàn trong phần Phụng Vụ Lời Chúa là lắng nghe công bố các bài đọc, suy niệm trong giây phút thinh lặng sau mỗi bài đọc và cùng chung hát Ðáp Ca và Alleluia. Từ lúc đầu, sách Thánh vịnh được dùng làm sách kinh nguyện cho dân Chúa. Thánh vịnh phản ảnh muôn mặt trong những liên hệ của con người với Thượng Ðế và diễn tả những chủ đề khác nhau như khẩn cầu, ngợi khen và cảm tạ. Nhiệm vụ của ca xướng viên là công bố Thánh vịnh và hướng dẫn cộng đồng đáp xướng. Như thế, Thánh vịnh là Thánh Kinh do ca xướng viên và cộng đồng công bố. Ca xướng viên là bạn của người đọc sách trong việc công bố Lời Chúa. Ngoài nhiệm vụ đọc Thánh vịnh, ca xướng viên đôi khi cũng là người hướng dẫn hát, người tập hát, người chủ động làm cho cộng đồng hát một cách sống động. Phải làm thế nào để cho Thánh vịnh được hát với mục đích làm phong phú Phụng Vụ Lời Chúa và giúp cộng đồng tham dự". (Trang 11).
6. Bốn bài ca khác là Kinh Thương Xót, Vinh Danh, Kinh Tin Kính và Kinh Lạy Cha, có thể hát hoặc đọc. (Số 64). Kinh Thương Xót, khi hát, nên hát đơn sơ ngắn gọn để không làm mất mục đích của nghi thức sám hối (Số 65). Kinh Vinh Danh, có thể được xướng lên bởi linh mục chủ tế, hoặc ca xướng viên, hoặc ca đoàn. Trong những trường hợp đặc biệt, có thể dành cho ca đoàn hát Kinh Vinh Danh nhiều bè một cách trọng thể (Số 66). Kinh Lạy Cha do chủ tế cùng với cộng đoàn (số 67). Kinh "Chiên Thiên Chúa" có thể lặp đi lặp lại nhiều lần trong nghi thức bẻ bánh, nhưng lần cuối cùng phải là "Xin ban bình an cho chúng con". Kinh này không nhất thiết là dành cho giáo dân, nên ca đoàn có thể hát và giáo dân đáp lại (Số 68). Kinh Tin Kính thì nên đọc hơn hát, vì là tuyên xưng đức tin. Nếu hát, có thể dùng một hình thức tuyên xưng ngắn gọn.
7. Ca Dâng Lễ, không nhất thiết phải hát những bài về bánh rượu hay dâng tiến, nhưng có thể dùng những bài có tính cách ngợi khen hay phù hợp với mùa, đồng thời, cũng có thể dùng nhạc cụ thay thế bài hát. Theo ý kiến của Ðức Cha Fiorenza trong "Chúa Nhật: Ngày Lễ Nguyên Thủy", thì: "Âm nhạc sử dụng trong khi chuẩn bị bàn thờ và dâng lễ vật có thể là một bản nhạc độc diễn đơn sơ hay một bài hát của ca đoàn. Ðây không phải là lúc ưu tiên để hát cộng đồng" (trang 12). Tuy nhiên, "cũng có thể hát những bài ca cộng đồng thích hợp" (trang 20).
8. Ðức Cha Fiorenza nói rõ về Kinh "Thánh Thánh", Tung hô sau Truyền Phép và "Amen" như sau: "Phần đối đáp của giáo dân trước kinh Tiền Tụng, ba lần tung hô: Thánh, Thánh, Thánh, Tung hô tưởng nhớ và Amen là tối quan trọng. Những lời tung hô này, được cả cộng đồng cùng hát, phải được phổ nhạc cách hùng hồn, với những cung điệu dễ hát để cho mọi người trong cộng đồng chóng quen thuộc. Những lời tung hô này không bao giờ được dành riêng cho ca đoàn hay ca xướng viên, nhưng phải được cộng đồng hát mỗi khi cử hành Thánh lễ" (trang 14).
9. Về Ca Rước Lễ, Ðức Cha Fiorenza cho chúng ta một ý niệm rõ ràng: "Vì bài hát có khả năng diễn tả sự hiệp nhất cũng như mầu nhiệm không thể hiểu được về sự hiện diện của Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể, bài hát rước lễ do toàn thể giáo dân hát rất quan trọng. Cần nên nhớ rằng những bản văn diễn tả lòng đạo đức cá nhân, hay chú trọng đến việc thờ phượng hơn là đón nhận và san sẻ Bí Tích Thánh Thể, đều không thích hợp để hát lúc rước lễ." (Trang 16).
10. Cũng Ðức Cha Fiorenza: "Bài hát kết lễ kết thúc thánh lễ thật thích hợp. Khi lựa chọn âm nhạc, nên chọn những bản nhạc nào dành cho nhạc khí, những bài hát theo mùa phụng vụ, hay những Thánh vịnh nói lên ý nghĩa được sai đi" (Trang 16).
III. Những Ðề Nghị Áp Dụng:

1. Bộ Lễ:



Bỏ những bộ lễ không theo bản dịch chính thức của Ủy Ban Phụng Vụ thuộc Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam.
Nhiều tác giả đã có cảm xúc riêng tư đi quá giới hạn. Chẳng hạn, trong một bộ lễ (không ghi tên tác giả) khá thông dụng vùng Houston - "Lạy Giavê khoan nhân" - có câu: "Chúa Kitô, dủ thương đoàn con đắm đuối." Tiếng Latinh là "Christe eleison", Tiếng Anh: "Christ, have mercy". Tiếng Pháp: "O Christ, aie pitié", Tiếng Tây Ban Nha: "Cristo, ten piedad", "Tiếng Ðức: "Christus erbarme dich", Tiếng Việt: "Xin Chúa Kitô thương xót chúng con". Ðã đành chúng ta là con người yếu đuối, tội lỗi, nhưng Giáo Hội không dùng chữ đắm đuối. Ðắm đuối theo Tự Ðiển Việt Nam của Lê Văn Ðức và Lê Ngọc Trị, có nghĩa là chìm ngập, không cứu vớt được: chết đắm chết đuối. "Chúa Kitô, dủ thương đoàn con đắm đuối", xét theo kiểu nói Việt Nam, còn là một câu thiếu khiêm tốn để được dủ thương.
Cũng trong bộ lễ này, Kinh Vinh Danh đã là mất rất nhiều ý nghĩa của bản kinh. Kinh "Thánh Thánh" thì sẽ được nghe là "Thành Thành, Thanh Thanh, Thánh Thánh" do xếp bởi ba nốt Rề Rề La La Rế Rế của hợp âm Rê (thiếu định âm), và câu "Hoan hô Chúa trên các tầng trời, hoan hô Chúa trên các tầng trời" hoàn toàn chép lại (hoặc cóp lại, nhái lại) bộ lễ Ca Lên Ði 2 của Kim Long đã được sáng tác từ năm 1968! Tóm lại, (khi nghe phân tích từng phần) bộ lễ này không xứng đáng được hát trong phụng vụ.
Một bộ lễ khác mang tên "Bộ lễ Hy Vọng", tác giả Lê Quốc cũng đã tự dịch bản kinh cho mình một cách rất linh tinh. Nhưng đặc biệt trong kinh "Lạy Chiên Thiên Chúa", tác giả viết: "Hỡi Người là Chiên Thiên Chúa, hỡi Người đến gánh tội muôn dân, hỡi Người là Chiên Thiên Chúa, hỡi Nguời đến xóa tội trần gian, xin thương xót và xin ban cho chúng con ơn bình an". Lập lại 3 lần như thế và kết bằng coda "Xin thương xót chúng con". Kiểu nói này coi vẻ khá thách thức.
Ngay cả bộ lễ của tác giả Nguyễn Văn Trinh "Lạy Chúa xin dủ tình thương xót chúng con', dùng điệu nhạc Slow Rock mà làm cho bản kinh mất ý nghĩa hoặc lập đi lập lại một câu y như người nói lắp. Ví dị trong kinh Vinh Danh: "là Chúa/ Cha toàn năng, Ngài sáng/ tác bao kỳ công... Người đã gánh muôn tội tình, muôn tội tình, của trần gian, của trần gian... Ngôi Ba là tình yêu, là tình yêu, là tình yêu... một tình yêu sẽ vô biên". Chúng ta đâu phải tiên tri để nói rằng tình yêu Chúa sẽ vô biên? Thực sự Thiên Chúa đã là vô thủy vô chung, tình yêu của Ngài cũng đã là vô biên rồi!
Bộ lễ của Thành Tâm "Xin thương xót Chúa ơi", tác giả cũng đã tự thay đổi bản dịch, nhưng ít nhất kinh Vinh Danh cũng đã theo khá sát bản dịch. Và xét về âm nhạc, kỹ thuật viết của Thành Tâm cứng cát hơn của Nguyễn Văn Trinh. Ðặc biệt của bộ lễ này là câu Tuyên Xưng sau Truyền Phép đã khá phổ thông, đến nỗi khi Ủy Ban Thánh Nhạc Việt Nam đặt lại vấn đề, và coi đây là một lời tuyên xưng sai (Con tuyên xưng Chúa đã chết đi) thì chính Thành Tâm cũng đã xin rút lại bài này.
Riêng hai bộ lễ của Nguyễn Văn Trinh và Thành Tâm đã đưa đến nhiều hiểu lầm cho giới trẻ, là làm sao thì làm, miễn là thành một bài hát để hát, và để ban nhạc tha hồ vung vít theo điệu Slow Rock là được. Thật ra, đây thuộc là bản văn cố định, thuộc về tín lý, phải theo sát bản văn đã được Hội Ðồng Giám Mục chuẩn nhận và được Tòa Thánh châu phê, in trong sách lễ Rôma: không được thay đổi vì bất cứ lý do gì.
2. Câu Tuyên Xưng Ðức Tin:

Do những lý do kể trên, cũng nên dứt khoát loại bỏ câu tuyên xưng sau Truyền Phép của tác giả Thành Tâm: "Con tuyên xưng Chúa đã chết đi", và dùng những câu tung hô theo sát bản dịch của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam (có 3 kiểu).


Kiểu 1:
Chủ Tế: Ðây là mầu nhiệm đức tin
Giáo dân: Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa đã chịu chết, và tuyên xưng Chúa đã sống lại, cho tới khi Chúa lại đến.
Kiểu 2:
Chủ tế: Chúng ta hãy tuyên xưng mầu nhiệm đức tin
Giáo dân: Lạy Chúa Kitô phục sinh, mỗi lần ăn bánh và uống chén này, chúng con loan truyền Chúa đã chịu chết và đợi chờ ngày Chúa lại đến.
Kiểu 3:
Chủ Tế: Cao cả thay mầu nhiệm đức tin!
Giáo dân: Lạy Chúa Cứu Thế, Chúa đã chịu khổ hình thập giá và sống lại vinh quang để giải thoát muôn người, xin cứu độ chúng con.
(Xin xem các bản đề nghị của Lm. Kim Long và Lm. Dao-Kim)
3. Thánh Vịnh Ðáp Ca:

Sẽ tìm hết cách để tất cả cộng đoàn có thể cùng hát, vì Thánh vịnh đáp ca thuộc về phần Phụng Vụ Lời Chúa, và ý Giáo Hội muốn mọi người cùng tham gia. Do đó, nên dùng đúng Thánh vịnh ca ngày lễ hôm đó và dành cho giáo dân phần lặp lại điệp ca Thánh vịnh. Nếu phải dùng một bài hát, thì nên dùng một bài hát nào được sáng tác dựa trên Thánh vịnh lễ hôm đó. Tránh dùng những bài hát lạc đề, dù bài hát đó hay.


Ðây không phải là lúc dùng để khoe một giọng hát bằng cách cho đơn ca một bài hát, và chỉ một ca đoàn hoặc một người hoặc một nhóm người hát. Cũng không phải là lúc ưu tiên dành cho ca đoàn hát một bài đặc biệt. Ðây cũng không phải lúc để hát một bài về mùa Phụng Vụ. Phải là Thánh vịnh.
4. Những Linh Tinh Khác

Người đệm đàn:


Nên xem trước các bài hát sẽ được dùng trong Thánh Lễ. Chuẩn bị những đoạn, những chỗ cần phải lưu ý, nên ghi chú nếu cần. Nếu biết soạn, hoặc chọn hợp âm, thì nên ghi vào bài hát, nhất là những chọn lựa nào sẽ làm cho bài hát hay hơn. Xin nhớ rằng người đệm đàn rất quan trọng trong buổi lễ. Ðối với Phụng Vụ, cần xử dụng lối đệm đàn nghiêm trang, thánh thiện, phù hợp với bài thánh ca và không khí giáo đường. Ðệm đàn theo kiểu phòng trà hay kiểu kích động của nhạc đời rất không phù hợp trong việc cử hành Phụng Vụ.
Cũng nên xem trước để biết dùng hợp âm nào để ca đoàn hoặc cộng đoàn hát cho vừa tiếng, không cao quá cũng không thấp quá.
Tiện đây cũng xin nhắc lại lời khuyên của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam về Thánh Nhạc: (Trích thông cáo số 1 về Thánh nhạc, 24-9-1994)
"Tiếng hát trong Phụng Vụ chiếm ưu thế nên luôn phải rõ ràng, các nhạc cụ khác chỉ là đệm theo nên không bao giờ được lấn át tiếng hát (Tự sắc Tra le solleci-tudini số 16). Không được vuốt tay trên các phím đàn, nhất là organ và piano.
Có thể dùng organ điện tử trong phụng vụ, nhưng :
- những nút "điệu" chỉ nhắm dùng trong sinh hoạt đời. Do đó, không nên dùng trong phụng vụ. Tuy nhiên, có thể dùng lúc luyện tập để quen giữ đúng nhịp.
- phải lựa cọn các nút âm thanh thích hợp với thánh ca (ví dụ organ, violin,,,), tránh dùng những âm thanh xa lạ với phượng tự vì sẽ gây chia trí hơn là cầu nguyện.
- khi xử dụng các nhạc khí như organ điện tử, guitare, dàn trống, dàn kèn, dàn nhạc hòa tấu... không được dùng các điệu nhạc Jazz và các điệu phát xuất từ đó để đệm cho người hát khi cử hành phụng vụ (Epistula concili ngày 25-1-1966 của Ðức Hồng Y Lercano, in lại trong Enchiridion documentorum instaurationis liturgise, Marietti 1976, số 577, trang 203). Vì các điệu này hầu hết đều có tính cách kích động, huyên náo... có thể thích hợp với các sinh hoạt khác nhưng bất xứng với nơi thánh.
- các hội kèn đồng (kèn tây) khi dùng trong phụng vụ hoặc trong các cuộc rước có liên quan, không được hòa tấu những bản nhạc đời, nhạc thời trang.
- tránh dùng các nhạc cụ đặt trong nhà thờ để luyện tập các bản đời. Thật không hay gì khi qua một nhà thờ mà từ trong nghe vọng ra những bài valse, những "lá thư tình", "dưới ánh trăng", hay "love story"...
Ca Viên
Ca viên là những phần tử thiết yếu trong ca đoàn . Họ phải thi hành trọn vẹn những gì thuộc lãnh vực của mình tùy theo bản chất sự việc và những quy tắc phụng vụ (Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh số 28). Vì vậy, họ phải thi hành phận sự của mình với lòng đạo đức chân thành và trong trật tự, phù hợp với tác vụ trọng đại ấy, và đó là điều dân Chúa có quyền đòi hỏi nơi họ (số 29).
Như thế, các ca viên sẽ không tìm đến ca đoàn như một tổ chức vui chơi hoặc một gánh hát trình diễn hoặc một nơi tiêu khiển cho bớt thời giờ trống trải. Với sự hy sinh về thời giờ, công sức, họ hãy thánh hóa công việc của mình khi ca hát phụng sự Chúa và phục vụ cộng đoàn, nhờ thế, họ sẽ thánh hóa người khác bằng việc làm của họ, bằng những gương sáng của họ.
Khi tham dự Thánh Lễ, không gây chia trí cho người khác, không nói chuyện, không mở sách đọc hoặc tìm bài hát (vì đó không phải là giờ làm những công việc ấy), mà phải chăm chú tham dự các lễ nghi phụng vụ một cách sốt sáng. Nên nhớ rằng nếu lo ra, chia trí, tìm bài hát, họ sẽ không thể hoàn thành việc tham dự Thánh Lễ được.
Ca Trưởng
Ca trưởng là người hướng dẫn và điều khiển ca đoàn hay cộng đoàn khi hát trong phụng vụ. Vai trò của người ca trưởng ảnh hưởng rất lớn trong công việc phụng vụ. Hầu như không khí của buổi lễ, những bài thánh ca được tuyển chọn, cách hát lễ, loại nhạc được chọn, cách đệm nhạc... tùy thuộc phần lớn nơi sự hiểu biết về âm nhạc và kiến thức về phụng vụ của người ca trưởng.
1/ Ca trưởng là người phải biết dùng âm nhạc để sáng tạo lời cầu nguyện: Tuy không phải là linh mục để dâng Thánh Lễ, nhưng ca trưởng có nhiệm vụ quan trọng đối với cộng đoàn trong việc phụng tự. Người ca trưởng phải đọc các bài đọc trước, suy nghĩ về đề tài của ngày lễ, và phải chọn bài thích hợp không những cho ngày lễ, mà còn phải thích hợp cho cộng đoàn. Nhiều khi công việc chọn bài và tập hát cũng làm cho ca trưởng mệt mỏi, băn khoăn cả tuần lễ. Vì thế, ca trưởng nên hội ý với vị linh mục sẽ giảng trong Thánh Lễ, để có thêm ý tưởng trong khi chọn bài hát. Khi những bài hát được hát trong Thánh Lễ một cách nghiêm trang xứng đáng, phù hợp với đề tài bài giảng, sẽ làm tăng thêm lòng sốt sáng của giáo dân. Những bài hát được sáng tác cẩn thận, suy nghĩ hẳn hoi, đôi khi sẽ là những tia sáng cho cộng đoàn hiểu thêm được ý nghĩa của Lời Chúa mà vị linh mục chưa nói hết ra được. Hoặc trong khi nghe lập đi lập lại một điệp khúc của bài hát cảm hứng từ Thánh Kinh, người nghe cảm nhận được những lời dạy dỗ chỉ bảo từ Thánh Thần, để biết mình sẽ phải làm gì, quyết định gì cho cuộc sống ca mình. Thánh Linh Chúa làm việc không ngừng, qua mọi biến cố, mà chúng ta không thể hiểu thấu được.
2/ Người ca trưởng không thể sử dụng ca đoàn như một cái máy, phất lên thì hát, bỏ tay xuống thì nghỉ; nhưng phải có nhiều phán đoán trong mọi hoàn cảnh, phải có nhiều tính cách sống động và sáng tạo. Có những lúc phải biết quyết định hợp thời, hợp lý, trong hoàn cảnh tức khắc.
3/ Cho nên ca trưởng cần có tình thân, sự thành thực, tâm hồn cởi mở, có tính xây dựng việc chung hơn là theo ý riêng, tôn trọng ca viên, nên phải biết trầm tĩnh và hiền hậu nhưng cũng biết cương quyết, dù đôi khi rất dễ nổi nóng, bị chạm tự ái, hoặc mất sự kiên nhẫn. Trong rất nhiều trường hợp, ca trưởng không thể tỏ lộ nỗi buồn hay thất vọng, mà vẫn phải vui tuơi, hoặc nghiêm nghị và đầy thần hứng.
4/ Giữ một ca đoàn cho bền bộ và tiến triển không ngừng là một việc đầy gay go. Sự tiến triển không có nghĩa chỉ về vấn đề âm nhạc hoặc biết thêm nhiều bài hát mới, mà còn phải làm cho ca viên thăng tiến về tinh thần, về sự thánh thiện, về lòng đạo đức. Nhiều người hát trong ca đoàn nhiều năm, nhưng nếu hỏi lại xem mình đã học hỏi thêm được gì, tâm hồn có lãnh nhận được gì, thì suy nghĩ mãi mà không tìm được câu trả lời. Là vì có khi chỉ đi hát vì thích hát, hoặc vì thích một người nào đó trong ca đoàn, hoặc để giải sầu, tiêu bớt thời giờ để tránh trống rỗng nội tâm. Có khi đi lễ nhưng không cầm trí bằng người ngồi duới, vì mình còn bận nói chuyện, lựa chọn bài hát, lo đến nhiều thứ phụ thuộc mà không để ý đến công việc phụng tự, thờ lạy và cầu nguyện. Ðôi khi cũng có những bè nhóm, gây chia rẽ nội bộ ca đoàn, áp lực ca trưởng. Nếu không may làm ca trưởng cho một ca đoàn nhiều rắc rối như vậy, có lẽ người ca trưởng cũng mất nhiều hứng khởi.
5/ Nguyên tắc chính yếu của vai trò người ca trưởng không phải là để trình bày hay biểu diễn âm nhạc cho thật hay, nhưng là để giúp cộng đoàn dân Chúa cầu nguyện sốt sáng hơn, lãnh hội được Tin Mừng của Chúa, lãnh hội được sứ điệp của Phúc Âm. Trong việc phụng tự, Chúa đòi hỏi chúng ta cầu nguyện sốt sáng, chứ không đòi hỏi chúng ta phải hát cho thật hay. Do đó, âm nhạc chỉ là phương tiện, chứ không phải là cùng đích của phụng vụ. Vì thế, chúng ta phải tự cầu nguyện chân thành và tự cầu nguyện trước, để chúng ta có một tâm hồn hứng khởi, đưa lòng yêu mến vào trong tiếng hát, vào trong âm nhạc, lời ca, để giúp cộng đoàn cầu nguyện sốt sáng hơn.
6/ Khi chọn bài hát, ca trưởng nên chuẩn bị bằng cách đọc các bài đọc của Thánh Lễ mình phụ trách, hội ý với linh mục, ban phụng vụ, nghiên cứu các sách về phụng vụ. Ðừng để tới phút chót mới chọn vội một bài hát để hát cho qua lần chiếu lệ.
Chọn một bài hát quen, thông dụng, ý nghĩa, thích hợp với ca viên hoặc cộng đoàn thì tốt hơn là chọn bài mới mà chính mình cũng chưa rành.
Thêm lượng và phẩm các bài hát cho ca đoàn hay cộng đoàn, bằng cách chuẩn bị tập trước nhiều lần trước khi hát trong phụng vụ.
Ðừng gây nhàm chán vì gấp gáp, cứ phải chọn những bài thiếu nghệ thuật, tư tưởng rỗng tuếch, mà hát đi hát lại.
7/ Tư cách đứng đắn là một trong những tiêu chuẩn để chọn ca trưởng. Ðưng đắn trong cách cư xử, trong cách ăn mặc, đầu tóc... Cử điệu xứng đáng với phụng vụ, không yểu điệu, làm le, gây chia trí.
8/ Quy luật vàng của người ca trưởng là:
Tối thiểu làm chia trí, tối đa gây kết quả tốt.

Khi một câu nói đã đầy đủ ý nghĩa, đừng giải nghĩa dài dòng.

Khi một lời đã đầy đủ ý nghĩa, đừng dùng một câu để giải thích.

Khi một cử điệu đã đủ ý, đừng dùng lời nói.



Khi một cái nhìn đủ ý thì đừng dùng cử điệu.
9/ Ca trưởng nên bàn với người đệm đàn về nhạc dẫn nhập, hoặc xen giữa các phiên khúc. Nhạc dạo mở đầu thì dạo theo tiết điệu bài hát đó, hoặc là nhịp điệu, hoặc là hòa âm, để người hát dễ vào nhịp. Khi tiếng nam hát, hoặc ca đoàn hát buổi chiều, buổi tối, có thể để hát cao hơn buổi sáng sớm, hoặc chỉ tiếng nữ hát.
10/ Ðiều khiển: Khi điều khiển nhóm nhỏ, không cần phải cử động quá đáng; chỉ cần hoạt động trong chu vi nhỏ Trái lại, khi giữ nhịp cho nhóm lớn, cử chỉ cần rõ ràng, minh bạch, dễ hiểu. Có thể hoạt động trong một chu vi lớn hơn, nhưng đừng quá lố bịch, mà thoải mái dễ dàng cho mình và cho ca viên. Xin nhớ rằng muốn dùng các cử điệu cho rõ ràng, nhiều kết quả, thì lại càng phải tiết kiệm năng lực, cũng như phải bớt những cử điệu phức tạp. Ðừng cử động thân mình như múa vũ.
Ða số chúng ta không phải là những thiên tài, được sinh ra để làm ca trưởng, nhạc trưởng, nên chúng ta phải học và thực hành thường xuyên những gì chúng ta đã biết. Chính kinh nghiệm sẽ cho chúng ta biết phải lựa chọn những cách điều khiển nào thích hợp với khả năng của chúng ta và thích hợp với trình độ ca đoàn của mình. Người ca trưởng là người ra tín hiệu, mà các ca viên là những người nhận. Nếu tín hiệu được phát đi gọn ghẽ, đầy đủ, rõ ràng, người nhận sẽ dễ dàng nhận được một cách chính xác. Nếu những tín hiệu của một người ca trưởng phát đi luôn luôn được nhận một cách chính các, thì đó là người nhạc trưởng, ca trưởng giỏi vậy.

Lm Dao Kim

tải về 77.98 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương