MÔ HÌnh cung cấp máu tập trung từ ngân hàng máu khu vựC ĐẾn các bệnh việN



tải về 101.09 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu26.07.2016
Kích101.09 Kb.
#6052

MÔ HÌNH CUNG CẤP MÁU TẬP TRUNG

TỪ NGÂN HÀNG MÁU KHU VỰC ĐẾN CÁC BỆNH VIỆN



Nguyễn Anh Trí, Trần Ngọc Quế

Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương

  1. MÔ HÌNH CUNG CẤP MÁU

    1. . Khái quát chung về dịch vụ máu

Máu và chế phẩm máu là loại thuốc đặc biệt sử dụng trong cấp cứu và điều trị bệnh. Cho đến nay, dù loài người đã tiến rất xa trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật nhưng vẫn chưa điều chế được chất thay thế máu; Bởi vậy nguồn cung cấp máu và chế phẩm máu vẫn phải lấy từ người hiến máu.

Nhu cầu sử dụng máu trong cấp cứu và điều trị rất lớn, theo WHO thì cần phải có 2% dân số của một nước cho máu 1 lần/năm để đáp ứng nhu cầu máu của quốc gia. Sử dụng máu và chế phẩm máu chỉ đạt hiệu quả khi có chỉ định đúng và đáp ứng kịp thời do vậy cần có máu lưu trữ để đáp ứng kịp thời cho cấp cứu, điều trị, quốc phòng, an ninh và phòng thảm hoạ...

Dịch vụ truyền máu được tổ chức gồm 3 bộ phận: Vận động hiến máu để có người cho máu an toàn; Ngân hàng máu làm nhiệm vụ thu gom, sàng lọc, điều chế, bảo quản và phân phối máu; Truyền máu lâm sàng: Chỉ định, sử dụng máu hợp lý, an toàn.


    1. . Công tác truyền máu trên thế giới

1.2.1. Lịch sử công tác truyền máu:

Lịch sử truyền máu trong y học thực sự mở ra sau khi Karl Landsteiner và học trò phát hiện ra hệ nhóm máu ABO.

Năm 1913, Reuben Ottenberg nêu vấn đề hoà hợp nhóm máu trong truyền máu và đưa ra sơ đồ truyền máu mang tên ông, từ đây đã khắc phục được tình trạng tử vong do truyền nhầm nhóm máu.

Năm 1921 ở các nước như Anh, Hà Lan và Australia đã thành lập được những trung tâm truyền máu đầu tiên trên thế giới. Tại Liên Xô: năm 1929 F.Rưcốp đã giới thiệu công tác truyền máu qua việc tổ chức đội cấp cứu trong quân đội và đề nghị tổ chức một đội quân cho máu tại trạm cấp cứu quân đội. Cuối năm 1929, N.N.Elanxki đề nghị thành lập trung tâm truyền máu ở Lêningrat. Ông cũng đề cập đến vấn đề tăng cường đội ngũ người cho máu tình nguyện, đồng thời với việc lưu trữ máu tại các labo chuyên khoa, để rồi từ đây chuyển máu về các cơ sở điều trị.

Năm 1933, tại Madrit (Tây Ban Nha) đã có 39 nhóm công tác truyền máu tại các bệnh viện khác nhau và những người cho máu là nhân dân của thành phố cho máu tự nguyện. Năm 1939, trên cơ sở rút kinh nghiệm tại Tây Ban Nha, A.X. Georgiep (Liên Xô cũ) đã nêu ra rằng: Sự hợp lý nhất của công tác truyền máu là xây dựng được một hệ thống cung cấp, lưu trữ máu tập trung tại một số trung tâm truyền máu, nhiệm vụ của trung tâm này ngoài việc chuẩn bị máu lưu trữ còn phải tổ chức được một lực lượng đông đảo người cho máu ngay tại các trung tâm và với sự tham gia của Hội Chữ thập đỏ.

Năm 1943 J. Loutit, P. Mollison chỉnh lý dung dịch chống đông ACD, đã tạo điều kiện bảo quản lâu dài máu ở 4C. Đến năm 1952 Walter và Murphy mô tả kỹ thuật lấy máu kín bằng túi polyvinyl, sau đó Gibson và cộng sự phát triển hệ thống lấy máu bằng túi chất dẻo cho phép tách huyết tương ra khỏi máu sau khi để lắng và có thể bảo quản bằng đông lạnh lâu dài. Đó là những điều kiện tốt cho một thời kỳ mới trong bảo quản, sử dụng các thành phần máu trong y học.



1.2.2. Truyền máu hiện đại và mô hình cung cấp máu tập trung:

Truyền máu hiện nay đã phát triển và trở thành chương trình quốc gia của nhiều nước trên thế giới, cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đã đưa việc sản xuất các chế phẩm máu đi vào công nghiệp hoá.

Những quan điểm truyền máu hiện đại đã được đưa ra: “Lấy tối thiểu, sử dụng tối đa”, “Bệnh nhân cần gì truyền nấy, không cần không truyền”.

Nguồn người cho máu: Tình nguyện không lấy tiền, có dự trữ lớn đáp ứng được nhu cầu điều trị hàng ngày, có dự trữ đề phòng khi có thảm hoạ, chiến tranh... Nhiều nước đã giải quyết được vấn đề cho máu không lấy tiền, có nhiều người hiến máu tình nguyện không lấy tiền. Hiến máu tình nguyện đã trở thành trách nhiệm và nghĩa vụ của người dân:và ở các nước tiên tiến đều đã có ngân hàng máu tập trung.

Truyền máu từng phần, tự thân, máu lọc bạch cầu ngày càng phát triển và chiếm chính yếu trong truyền máu. Các thành phần máu được bảo quản trong điều kiện thích hợp thiết bị an toàn nên có thể lưu trữ dài ngày, độ an toàn cao hơn.

An toàn truyền máu được quan tâm không chỉ đảm bảo bằng cách phù hợp về mặt miễn dịch mà là không truyền các bệnh nhiễm trùng cho người nhận bằng các biện pháp sàng lọc. An toàn truyền máu trở thành luật quốc gia, luật quốc tế và được kiểm soát chặt chẽ, quan tâm đặc biệt, được đầu tư trang thiết bị, kỹ thuật hiện đại, phương pháp áp dụng có độ nhạy và độ đặc hiệu cao, các xét nghiệm được tập trung làm ở các cơ sở lớn, hiện đại và có chất lượng.

An toàn truyền máu chỉ được đảm bảo khi có những trung tâm truyền máu lớn, có trang thiết bị hiện đại và đội ngũ cán bộ được đào tạo tốt. An toàn truyền máu không chỉ là đảm bảo an toàn người cho, người nhận và cán bộ làm công tác truyền máu mà còn đảm bảo an toàn về số lượng, chất lượng, trong cấp cứu, trong điều trị hàng ngày và dự phòng thảm hoạ.

Hệ thống ngân hàng máu hoặc các trung tâm truyền máu ở các nước trên thế giới nhìn chung đều theo hình thức “Xã hội hoá”, nghĩa là các tổ chức xã hội phối hợp với ngành y tế đứng ra chịu trách nhiệm tổ chức, thực hiện và mở rộng chương trình truyền máu quốc gia. Một số nước giao cho Hội Chữ thập đỏ đứng ra tổ chức thực hiện chương trình truyền máu và cùng với trung tâm truyền máu thu gom, sàng lọc, điều chế các chế phẩm máu và cung cấp máu an toàn cho các bệnh viện. Điển hình cho hình thức này là Australia, Bỉ, Phần Lan, Đức, Nhật Bản, Luxemburg, Hàn Quốc… Một số nước lại chỉ do các trung tâm truyền máu khu vực và các cơ sở y tế tổ chức thực hiện như: Anh, Pháp, ý, Canada, Ireland...

Xu hướng tập trung hoá ngân hàng máu của các nước trên thế giới hiện nay là giảm bớt sự phân tán các ngân hàng máu nhỏ lẻ và tập trung dần vào những trung tâm lớn để có điều kiện thuận lợi trong việc sàng lọc, điều chế các chế phẩm máu nhằm đảm bảo an toàn và chất lượng hơn. Cụ thể: Pháp đang từ 60 trung tâm đã giảm xuống còn 22 rồi 16 trung tâm thu gom, sàng lọc. Mỹ giai đoạn trước 1996 có gần 180 trung tâm, hiện chỉ còn 6 trung tâm làm nhiệm vụ sàng lọc và 32 trung tâm truyền máu đảm bảo cung cấp máu trong toàn quốc. Các nước: Nhật, Hàn Quốc, Hà Lan, Thuỵ Điển đã giảm bớt các trung tâm truyền máu nhỏ ở các địa phương để tập trung vào các trung tâm lớn hơn.

II. THỰC TRẠNG CUNG CẤP MÁU Ở VIỆT NAM



    1. . Khái quát:

Việt Nam với 101 cở sở truyền máu cấp trung ương và cấp tỉnh và 550 cơ sở cấp huyện, tổ chức cơ sở truyền máu nhỏ, rải rác nằm trong hệ thống các bệnh viện, trang thiết bị lạc hậu, thiếu cán bộ được đào tạo chuyên khoa, tổ chức thu gom máu với số lượng ít, nguồn máu chủ yếu là từ người cho máu lấy tiền, an toàn truyền máu bị đe doạ, chi phí cho một đơn vị máu cao. Vấn đề sử dụng máu và chế phẩm máu tại bệnh viện chưa hợp lý và còn thiếu an toàn: Chỉ định và sử dụng máu toàn phần trong điều trị còn chiếm tỷ lệ cao, các quy trình truyền máu lâm sàng còn chưa đảm bảo; còn xảy ra tình trạng thiếu hoặc thừa máu ở một số thời điểm trong năm.

    1. . Ưu điểm, nhược điểm của cung cấp máu phân tán tại Việt Nam:

* Ưu điểm:

Tổ chức các cơ sở truyền máu phân tán nằm trong nội bộ các bệnh viện ở các nước ta có thể là phù hợp trong giai đoạn trước đây, khi đất nước còn có chiến tranh, kinh tế còn chưa phát triển, giao thông chưa thuận lợi, thông tin liên lạc còn khó khăn, nguồn người cho máu còn ít, chủ yếu là người cho máu chuyên nghiệp và chưa có phong trào hiến máu tình nguyện...



* Nhược điểm:

Tổ chức cung cấp máu theo phương thức tự cung tự cấp trong phạm vi hẹp của từng bệnh viện ở Việt Nam có nhiều hạn chế:



  • Thu gom máu với số lượng ít, không đều và thụ động.

  • Không chủ động máu và chế phẩm cho cấp cứu, điều trị và dự phòng thảm hoạ cũng như đảm bảo máu cho an ninh, quốc phòng.

  • Không điều chế được các sản phẩm máu nên chủ yếu sử dụng máu toàn phần.

  • Chi phí thực tế cho đơn vị máu/chế phẩm máu cao.

  • Thiếu đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm, có đủ uy tín để thực hiện các dịch vụ truyền máu và hướng dẫn thầy thuốc lâm sàng sử dụng máu và chế phẩm máu.

  • Không áp dụng được các kỹ thuật hiện đại sàng lọc máu.

  • Chất lượng máu tuỳ thuộc từng bệnh viện.

  • Không góp phần để thúc đẩy sự phát triển của phong trào hiến máu nhân đạo.

III. SỰ TẤT YẾU VÀ CẤP THIẾT CẦN PHẢI CUNG CẤP MÁU TẬP TRUNG

3.1. Những tồn tại khi không tổ chức cung cấp máu tập trung:

  • Công tác vận động tuyên truyền hiến máu: Mỗi đợt tổ chức hiến máu chỉ có khả năng lấy được ít người dẫn đến người tham gia hiến máu mất lòng tin, thiếu kinh phí tuyên truyền vận động nên cản trở đến phong trào hiến máu.

  • Khó khăn trong đầu tư về đào tạo, huấn luyện con người; Trong việc xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị để áp dụng những phương pháp hiện đại để tuyển chọn, sàng lọc, điều chế, lưu trữ, bảo quản và phân phối máu...

  • Trong sử dụng máu từng phần: Với số lượng máu ít sẽ không thể điều chế được các sản phẩm máu nên không thực hiện được truyền máu từng phần mà phải truyền máu toàn phần dẫn đến an toàn truyền máu không đảm bảo.

3.2. Lợi ích và tính cấp thiết của việc cung cấp máu tập trung

  • Đẩy mạnh việc kế hoạch hoá trong truyền máu, chủ động nguồn máu phục vụ cấp cứu, điều trị, dự phòng thảm hoạ và an ninh, quốc phòng.

  • Hiện đại hoá công tác truyền máu: Truyền máu hiện đại là một dây chuyền công nghệ cần sử dụng nhiều trang thiết bị hiện đại, đắt tiền cho thu gom, sàng lọc, điều chế, bảo quản vận chuyển máu và các chế phẩm máu mà với qui mô của một bệnh viện cấp tỉnh, huyện không thể đáp ứng được.

  • Tiết kiệm nhân lực, vật lực: Khi tập trung ngân hàng máu sẽ đảm bảo thu gom lượng máu lớn, sản xuất được nhiều thành phần, hiệu suất sử dụng con người và trang thiết bị cao. Đồng thời, trung tâm lớn có thể điều phối được sử dụng máu tại các bệnh viện, tránh thừa thiếu cục bộ, huỷ máu do quá hạn.

  • Góp phần thúc đẩy phong trào hiến máu nhân đạo: Tổ chức được những buổi hiến máu cho nhiều người đáp ứng nguyện vọng tham gia hiến máu, đồng thời tập trung được kinh phí cho công tác tuyên truyền vận động.

  • Mở rộng truyền máu từng phần, áp dụng các biện pháp điều trị hiện đại. Nâng cao chất lượng máu phục vụ người bệnh: Đảm bảo đáp ứng được nhu cầu “cần gì truyền nấy”, truyền máu có chất lượng, an toàn.

  • Đảm bảo sự bình đẳng của bệnh nhân ở các vùng của đất nước trong việc thụ hưởng dịch vụ truyền máu, bởi vì các bệnh nhân dù ở thành phố lớn hay vùng sâu, vùng xa... cùng chung một loại sản phẩm, một chất lượng.

Vậy, truyền máu là một dịch vụ chi phí cao, có những nguyên tắc hết sức chặt chẽ và cũng có nhiều rủi ro. Để truyền máu được đảm bảo an toàn đòi hỏi phải có các trung tâm truyền máu lớn với đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, trang thiết bị hiện đại, đảm bảo nghiêm ngặt các qui trình chuyên môn kỹ thuật và ứng dụng công nghệ thông tin, có hoạt động kiểm tra chất lượng hiệu quả.

3.3. Các quyết định của Nhà nước liên quan đến cung cấp máu tập trung:

Trong những năm gần đây, Nhà nước ta đã có nhiều văn bản và quyết định liên quan đến công tác truyền máu, đặc biệt là vấn đề an toàn truyền máu:


  • Điều lệnh Truyền máu ban hành theo Quyết định số: 937/QĐ-BYT ngày 04/09/1992 của Bộ trưởng Bộ Y tế là cơ sở pháp lý quy định các hoạt động truyền máu trong toàn quốc.

  • Quyết định số: 43/QĐ-TTg ngày 07/04/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc vận động và khuyến khích nhân dân hiến máu tình nguyện.

  • Quyết định số: 198/QĐ-TTg ngày 28/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình An toàn truyền máu.

  • Quyết định số: 57/QĐ-TTg ngày 15/01/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc Đầu tư Dự án “Trung tâm truyền máu khu vực”.

  • Thông tư liên tịch số: 12/TTLT/BTC-BYT ngày 25/02/2003 của liên tịch Bộ Tài chính và Bộ Y tế hướng dẫn mức giá và nội dung chi cho một đơn vị máu đạt tiêu chuẩn.

  • Quyết định số: 31/2004/QĐ-TTg ngày 08/03/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Thành lập Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương”.

  • Thư của Chủ tịch nước Trần Đức Lương gửi đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước Kêu gọi hiến máu nhân đạo nhân ngày “Toàn dân hiến máu nhân đạo”-7/4/2005.


Các văn bản trên thể hiện tính quan trọng và cấp thiết của vấn đề an toàn truyền máu. Một trong những nội dung quan trọng để đảm bảo an toàn truyền máu là xây dựng các Trung tâm Truyền máu khu vực nhằm thực hiện cung cấp máu tập trung, đáp ứng nhu cầu về số lượng máu và các chế phẩm máu, nâng cao về chất lượng trong dịch vụ truyền máu.

IV. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP TRIỂN KHAI MÔ HÌNH CUNG CẤP MÁU TẬP TRUNG TỪ TRUNG TÂM TRUYỀN MÁU KHU VỰC ĐẾ CÁC TỈNH



4.1. Nội dung của mô hình cung cấp máu từ TTTTKV đến các tỉnh:

Trung tâm truyền máu khu vực có trách nhiệm từng bước cung cấp máu và các sản phẩm máu có chất lượng và an toàn cho nhu cầu cấp cứu, điều trị, dự phòng các thảm hoạ; Có máu dự trữ cho nhu cầu an ninh, quốc phòng; Sử dụng máu và chế phẩm máu hợp lý, hiệu quả, góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong, tỷ lệ mắc bệnh; Nghiên cứu khoa học, áp dụng các tiến bộ công nghệ trong dịch vụ truyền máu; Tăng cường hợp tác quốc tế về lĩnh vực truyền máu.


4.1.1. Nội dung Mô hình cung cấp máu từ TTTMKV đến các tỉnh:

  • Các bệnh viện dự trù nhu cầu máu từng năm, nhận máu và chế phẩm theo kế hoạch đã đăng ký, tổ chức vận chuyển, lưu trữ, bảo quản đúng qui trình và sử dụng máu hợp lý và an toàn cho bệnh nhân

  • Trung tâm truyền máu khu vực lập kế hoạch cung cấp máu cho các tỉnh; chịu trách nhiệm về chất lượng máu và chế phẩm; trang bị các thiết bị bảo quản; đào tạo cán bộ truyền máu và bác sỹ, điều dưỡng viên lâm sàng trong sử dụng máu. Trung tâm truyền máu tập hợp nhu cầu máu từ các bệnh viện để lập kế hoạch thu gom.

  • Ban chỉ đạo vận động hiến máu các tỉnh/thành kết hợp với Trung tâm truyền máu khu vực xây dựng kế hoạch tuyên truyền vận động và tổ chức hiến máu nhân đạo một cách thường xuyên liên tục trên cơ sở đáp ứng nhu cầu theo kế hoạch, đảm bảo nguồn máu có chất lượng an toàn đáp ứng cấp cứu điều trị và dự phòng thảm hoạ với số đơn vị thu gom ở mỗi địa phương bằng 1,5 đến 2 lần số đơn vị mà địa phương đó sử dụng.

4.1.2. Mô hình cung cấp máu từ TTTMKV đến các tỉnh:






Sơ đồ: Mô hình cung cấp máu từ TTTMKV đến các tỉnh

* Chú thích:

  • Bộ Y tế thực hiện việc chỉ đạo cho TTTM Quốc gia và Khu vực, đồng thời tiếp nhận sự báo cáo của các cơ sở đó.

  • Trung tâm truyền máu phối hợp chặt chẽ với sở Y tế các tỉnh và các bệnh viện trực thuộc Bộ để cung cấp máu và chế phẩm cho các bệnh viện đa khoa tỉnh và các bệnh viện thuộc Bộ.

  • Bệnh viện đa khoa tỉnh nhận máu từ TTTMKV về để cung cấp cho tất cả các cơ sở chữa bệnh trong tỉnh và có trách nhiệm báo cáo về sở y tế và TTTNKV.

4.2. Những việc cần làm để triển khai mô hình cung cấp máu từ TTTMKV đến các tỉnh:

4.2.1 Xây dựng các trung tâm truyền máu (Quốc gia, Khu vực, Vùng), đảm bảo hiện đại, hợp lý và hiệu quả, bao gồm:

  • Tập trung hoá ngân hàng máu: Xây dựng Trung tâm truyền máu khu vực trở thành một ngân hàng máu lớn, chịu trách nhiệm cung cấp máu cho các bệnh viện, các tỉnh mà Trung tâm bao phủ. Các cơ sở truyền máu nhỏ trước đây trong diện bao phủ của Trung tâm truyền máu khu vực sẽ không còn tổ chức thu gom, sàng lọc, điều chế các sản phẩm máu mà chỉ tập trung vào phát máu an toàn và truyền máu lâm sàng hợp lý và hiệu quả.

  • Xây dựng được phong trào hiến máu nhân đạo phát triển bền vững: Thành lập Ban chỉ đạo Vận động hiến máu cấp quốc gia và các cấp (tỉnh, huyện...), tổ chức vận động hiến máu một cách hiệu quả, duy trì nguồn người hiến máu tình nguyện ổn định. Từng bước hoàn thiện qui trình tổ chức hiến máu, thu gom máu từ các tỉnh về trung tâm truyền máu khu vực, hoàn thiện qui trình chăm sóc và tư vấn sức khoẻ người hiến máu. Xây dựng cơ chế tài chính cho công tác tuyền truyền vận động hiến máu một cách hợp lý và hiệu quả; Xây dựng quy chế tôn vinh người hiến máu tình nguyện...

  • Mở rộng phạm vi cung cấp máu của các trung tâm truyền máu khu vực: Từng bước hoàn thiện qui trình cung cấp máu từ trung tâm đến các tỉnh, các bệnh viện. Khảo sát đánh giá nhu cầu và thực trạng sử dụng máu và các chế phẩm máu tại các địa phương. Nghiên cứu biện pháp để vận chuyển, bảo quản, phân phối máu và chế phẩm một cách kịp thời, khoa học và thuận lợi.

  • Đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại, phát triển công nghệ thông tin: Trang thiết bị cho trung tâm, vận động hiến máu, vận chuyển và truyền máu lâm sàng; Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý ngân hàng máu, quản lý và báo cáo tình hình sử dụng máu, quản lý bằng mã vạch...

  • Xây dựng hệ thống quản lý chất lượng: Kiểm tra chất lượng máu và các sản phẩm máu đáp ứng được tiêu chuẩn thực hành sản xuất (GMP) máu tốt.

4.2.2. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác truyền máu, bao gồm:

  • Xây dựng định biên ngân hàng máu hợp lý: Hiện nay bộ phận truyền máu trong bệnh viện có nhiệm vụ vận động, thu gom, sàng lọc và phát máu bệnh viện nên biên chế theo giường bệnh. Khi Ngân hàng máu thành lập cần phải xây dựng định biên ngân hàng máu, điều chỉnh định biên bộ phận truyền máu tại bệnh viện cho phù hợp.

  • Đào tạo cán bộ: Đào tạo cán bộ, nhân viên làm công tác truyền máu; cán bộ, tuyên truyền viên làm công tác vận động hiến máu; cán bộ phát máu lâm sàng; các bác sỹ chỉ định và sử dụng máu, chế phẩm máu hợp lý, an toàn và hiệu quả.

  • Sử dụng cán bộ tốt và hiệu quả: Tuyển chọn và sử dụng cán bộ có trình độ, năng lực. Phát huy đúng khả năng, năng lực chuyên môn.

4.2.3. Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy về dịch vụ truyền máu, bao gồm:

  • Quy định, quy trình về truyền máu (do Bộ Y tế phê duyệt).

  • Nghị định về An toàn truyền máu (do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).

  • Luật về An toàn truyền máu (do Quốc hội ban hành).

  • Cơ chế tài chính cho công tác Tuyên truyền vận động hiến máu.

  • Quy chế Tôn vinh, khen thưởng cho công tác Hiến máu nhân đạo.

4.3. Vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan khi thực hiện cung cấp máu tập trung từ TTTMKV đến các tỉnh:

4.3.1. Hợp đồng trách nhiệm cung cấp máu và nguồn người cho máu:

Hợp đồng trách nhiệm về cung cấp máu, sản phẩm máu và hợp đồng cung cấp nguồn người cho máu. Trong đó đảm bảo:



  • Trung tâm truyền máu khu vực cung cấp máu và tổ chức thu gom, sàng lọc, sẩn xuất và phân phối máu.

  • Các tỉnh cung cấp nguồn người hiến máu tình nguyện, hỗ trợ thu gom máu và thực hiện sử dụng máu an toàn.

4.3.2. Vai trò trách nhiệm của các cơ quan đơn vị:

  1. Vai trò và trách nhiệm của Bộ Y tế:

  • Giám sát việc thực hiện điều lệnh truyền máu và vấn đề an toàn truyền máu.

  • Sơ kết đánh giá hàng năm việc thực hiện Quyết định 57 và mô hình cung cấp máu từ trung tâm đến các bệnh viện.

  1. Vai trò và trách nhiệm của Ban chỉ đạo Cuộc vận động hiến máu các tỉnh:

  • Tổ chức tuyên truyền vận động hiến máu nhân đạo trong nhân dân của tỉnh.

  • Lên kế hoạch tổ chức hiến máu hàng năm, tháng, quý, tuần.

  • Phối hợp tổ chức thu gom máu theo kế hoạch và chỉ tiêu đề ra: Số người hiến máu bằng 1,5 đến 2 lần số đơn vị máu mà tỉnh nhận từ TTTMKV.

  1. Vai trò và trách nhiệm của Sở Y tế:

  • Giám sát thực hiện hợp đồng và sử dụng máu tại các bệnh viện thuộc Sở.

  • Phối hợp với Ban chỉ đạo trong cung cấp đầy đủ, đều đặn người cho máu.

  1. Vai trò và trách nhiệm của TTTM KV:

  • Phối hợp với Ban chỉ đạo hiến máu các tỉnh trong vận động và thu gom máu.

  • Đảm bảo có đủ máu và chế phẩm chất lượng và cung cấp theo yêu cầu.

  • Giám sát công tác vận chuyển, lưu trữ máu và chế phẩm máu cung cấp.

  • Điều phối lượng máu giữa các bệnh viện.
  • Đào tạo cán bộ truyền máu và sử dụng máulâm sàng.


  • Nghiên cứu và triển khai phương pháp kỹ thuật mới trong truyền máu.

  1. Vai trò và trách nhiệm của bệnh viện đa khoa tỉnh:

  • Tổng hợp nhu cầu máu và chế phẩm của các bệnh viện trong tỉnh, lập kế hoạch sử dụng máu theo năm, quý, tháng và gửi về Trung tâm truyền máu khu vực.

  • Ký hợp đồng cung cấp máu và các chế phẩm máu với trung tâm truyền máu.

  • Đảm bảo việc vận chuyển, lưu trữ, phân phối và sử dụng máu bệnh viện.

  • Phối hợp với Ban chỉ đạo cung cấp đầy đủ, đều đặn người hiến máu.

  1. Vai trò và trách nhiệm của bệnh viện sử dụng máu:

  • Lập dự trù máu và sản phẩm máu: Hành năm, hàng quý, tháng, tuần.

  • Chỉ định sử dụng máu và chế phẩm máu hợp lý.
  • Từng bước xây dựng Phòng phát máu hiện đại.


  • Thanh toán kinh phí các đơn vị máu và chế phẩm máu sử dụng.

  • Báo cáo định kỳ việc sử dụng máu và chế phẩm.

V. NHỮNG KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU TRIỂN KHAI MÔ HÌNH CUNG CẤP MÁU TẬP TRUNG CỦA TTTMKV HÀ NỘI:

5.1. Trước khi triển khai mô hình:

Khu vực Hà Nội và 4 tỉnh gồm Bắc Ninh, Hà Nam, Hà Tây, Vĩnh Phú hiện có khoảng 8 triệu dân; 80 bệnh viện: 20 bệnh viện/viện Trung ương, 17 bệnh viện tỉnh/thành/ngành, 39 bệnh viện huyện và 4 bệnh viện ngoài công lập.

Kết quả khảo sát về hệ thống truyền máu:


  • 13 bệnh viện trung ương, tỉnh/thành có khoa, bộ phận truyền máu: tổ chức thu gom, sàng lọc và phát máu thường xuyên và một số bệnh viện huyện có lấy máu cấp cứu để truyền cho người bệnh. Lượng máu thu gom và sử dụng hàng năm khoảng 15.000 lít, tuy nhiên số lượng đó chưa đáp ứng đủ nhu cầu máu và chế phẩm, hàng năm vẫn còn thiếu máu trong dịp hè và Tết.

  • Đội ngũ cán bộ bị thiếu về số lượng và yếu về chất lượng.

  • Trang thiết bị, phương tiện cho thu gom, sàng lọc, sản xuất, lưu trữ và phân phối máu đã cũ, còn thiếu, chưa hiện đại và không đồng bộ.

  • Truyền máu lâm sàng: Chưa có Ban an toàn truyền máu bệnh viện; chỉ định và sử dụng máu toàn phần trong điều trị chiếm trên 90%; các quy trình truyền máu lâm sàng còn chưa đảm bảo.

  • Chưa có sự điều phối máu giữa các bệnh viện khi tình trạng thiếu hoặc thừa máu tạm thời xảy ra...

5.2. Kết quả bước đầu triển khai mô hình ở TTTM Hà Nội:

Trung tâm truyền máu khu vực Hà Nội tại Viện Huyết học - Truyền máu TW có trách nhiệm từng bước cung cấp máu và các chế phẩm máu có chất lượng an toàn cho nhu cầu cấp cứu, điều trị, dự phòng các thảm hoạ, có máu dự trữ cho nhu cầu an ninhh, quốc phòng: Sử dụng máu và các sản phẩm máu hợp lý có hiệu quả. Cho các bệnh viện trên địa bàn thuộc diện bao phủ: Hà Nội, Hà Nam, Bắc Ninh, Hà Tây và Vĩnh Phú. Trong thời gian qua, việc triển khai dự án Trung tâm truyền máu khu vực đã thu được một số kết quả:



5.2.1. Công tác vận động hiến máu máu:

  • Nhận thức của nhân dân về hiến máu nhân đạo tăng cao, triển khai tốt về hiến máu tình nguyện không lấy tiền theo Thông tư 12/TTLT/BTC-BYT ngày 25/02/2003 của liên tịch Bộ Tài chính và Bộ Y tế.

  • Số lượng người hiến máu ngày càng tăng, tỷ lệ người hiến máu tình nguyện tăng cao, chất lượng máu đã được nâng rõ rệt.

  • Đã mở rộng được địa bàn và đối tượng tham gia hiến máu.

5.2.2. Công tác thu gom máu, sàng lọc máu:

    • Đã thu gom được 52.544 đơn vị máu (tăng hơn năm 2004 là: 16.002 đơn vị), tương đương với 14.824,3 lít.

    • Tỷ lệ người hiến máu tình nguyện là khá cao 55,76%.

    • Chất lượng máu thu gom được được nâng cao, do việc:

  • Sàng lọc được HBV trước đối với người hiến máu lần đầu.

  • Sàng lọc Hemoglobin trước cho máu bằng dung dịch CuSO­­4.

  • Số lượng đơn vị máu ≥350ml tăng cao.

    • Sàng lọc các bệnh nhiễm trùng: 100% số đơn vị máu thu gom đều được sàng lọc 5 bệnh lây truyền theo quy định là HBV, HCV, HIV, giang mai và sốt rét.

5.2.3 Công tác điều chế, lưu trữ, phân phối và phát máu:

  • Điều chế sản phẩm máu: Đã điều chế hầu hết các chế phẩm máu cơ bản như: Khối hồng cầu, khối tiểu cầu, khối bạch cầu, huyết tương và tủa lạnh yếu tố VIII… Tách các thành phần máu bằng máy tự động như Khối tiểu cầu từ 1 người cho.

  • Lưu trữ và phân phối máu: TTTMKV đã ký hợp đồng và cung cấp máu cho các bệnh viện thuộc diện bao phủ của Dự án và 5 tỉnh khác ngoài diện bao phủ dự án. Đó là kết quả của sự quyết tâm và sự cố gắng trong làm việc, ký kết nhiều hợp đồng cung cấp máu và chế phẩm với các tỉnh.

Bảng so sánh các chỉ số thực hiện của năm 2005 so với 2004

Chỉ tiêu chuyên môn

Thực hiện 2005

(đơn vị)

Thực hiện 2004 (đơn vị)

Tămg, giảm so với

năm 2004

Số lượng đơn vị máu thu gom

52.544

36.541,8

Tăng 143,79%

Số lượng lít máu thu gom

14.824,5

9.135,5

Tăng 162,27%

Tỷ lệ %NCM tình nguyện

55,76

32,02

Tăng 174,14%

Tỷ lệ %NCM Chuyên nghiệp

44,24

67,63

Giảm 65,41%

Tỷ lệ %NCM đơn vị ≥350ml

31,64

21,40

Tăng 147,85%

Khối TC tách từ 1 người cho

444

0

Tăng 444 đơn vị

Số lượng máu và chế phẩm phát

90.287.5

51.551

Tăng 175%

Số cơ sở Y tế cung cấp máu

49

19

Tăng 30 đơn vị

Số tỉnh/thành phố nhận máu

10

4

Tăng 6 tỉnh

Số nơi thu gom, phân phối máu

7

16

Giảm 9 nơi thu gom

VI. KẾT LUẬN:

Hàng triệu người trên thế giới đã được cứu chữa bằng truyền máu và cũng không ít người tử vong, không được cứu chữa do thiếu máu truyền hoặc gặp rủi ro truyền máu. An toàn truyền máu chỉ được đảm bảo khi có các trung tâm truyền máu lớn với đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, trang thiết bị hiện đại đảm bảo nghiêm ngặt các qui trình chuyên môn kỹ thuật và ứng dụng công nghệ thông tin, có hoạt động kiểm tra chất lượng hiệu quả đảm; bảo cung cấp máu và chế phẩm máu đầy đủ cả về số lượng và chất lượng trong cấp cứu, điều trị hàng ngày và dự phòng thảm hoạ.

Hiện nay trên thế giới hệ thống truyền máu của các nước hầu hết tổ chức theo hướng tập trung hoá các ngân hàng máu nhỏ, rải rác thành những ngân hàng máu lớn có khả năng tổ chức thu gom máu, phân phối máu và chế phẩm máu cho nhiều bệnh viện, nhiều địa phương khác nhau. Ở Việt Nam, dự án xây dựng các Trung tâm Truyền máu khu vực đã được Chính phủ phê duyệt, theo đó đến sau năm 2010 chúng ta chỉ còn khoảng 10 - 12 trung tâm truyền máu thay thế cho gần 100 cơ sở truyền máu cấp trung ương, tỉnh.

Mô hình Trung tâm Truyền máu khu vực đã được triển khai tại Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Những kết quả thu được trong thời gian vừa qua đã thể hiện được tính ưu việt trong vấn đề đáp ứng nhu cầu về số lượng máu và các chế phẩm máu, nâng cao về chất lượng trong dịch vụ truyền máu cũng như đảm bảo an toàn truyền máu, khẳng định xu hướng tất yếu trong sự phát triển của ngành truyền máu Việt Nam nhằm đảm bảo truyền máu an toàn, hiệu quả và tiết kiệm.


TÀI LIỆU THAM KHẢO


  1. Đỗ Trung Phấn (2000), An toàn truyền máu, Nxb Khoa học và kỹ thuật.

  2. Thái Quý (1999), “Lịch sử truyền máu”, Bài giảng sau đại học, trường Đại học Y Hà Nội.

  3. Nguyễn Anh Trí (2004), “An toàn truyền máu và các biện pháp để đảm bảo truyền máu được an toàn”, Một số chuyên đề Huyết học – Truyền máu, Nxb Y học, tr. 46-60.

  4. Bạch Quốc Tuyên (1986), “Truyền máu quá khứ, hiện tại và tương lai”, Hội thảo Việt-Pháp về Huyết học-Truyền máu lần thứ I, tr.10-11.

  5. Jean C.E. (2001), “WHO strategies for safe blood transfusion”, The 11th regional Western Pacific congress international society of blood transfusion, Chinese journal of blood transfusion (14), pp. 39-42.

  6. WHO (1993), Safe blood and blood products. WHO, Programme of AIDS, Mo.1.

  7. Gavrilov O.K. (1987), “Những vấn đề cơ bản về tổ chức và nghiên cứu khoa học của ngành Truyền máu Maxcơva”, Tài liệu dịch của Nguyễn Anh Trí, pp. 4-6; 127-130.

  8. Ennio.C Rossi; Loby L. Simon; Gerald S. Moss; Steren A. Goold (1996), “Transfusion in to the next millennium”, Principles of transfusion Medicine William & Wiklins, pp. 2-10.

  9. Sang in Kim. MD (2001), “Centralized transfusion service in Korea and Word wide” The 11th regional Western Pacific congress international society of blood transfusion, Chinese Journal of blood transfusion, Beijing China, pp. 16-28.

  10. Susan R. Hollans (1990), “Development of a national blood transfusion sevice” Management of blood transfusion services WHO, pp. 17-26.







tải về 101.09 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương