LUẬn giải kinh sa môn quả TẬP 1 Tỳ khưu Chánh Minh


* “Đại vương, hình như tâm trí Đại vương nặng nhiều về tình thương thì phải?”



tải về 1.3 Mb.
trang5/13
Chuyển đổi dữ liệu18.08.2016
Kích1.3 Mb.
#21985
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   13

* “Đại vương, hình như tâm trí Đại vương nặng nhiều về tình thương thì phải?”

Bản sớ giải có nêu ra câu hỏi: Tại sao Đức Thế Tôn hỏi trước như vậy?



Đáp rằng: Trước khi vua Ajātasattu thốt lên lời cảm hứng thì Đức Thế Tôn đã biết "Vua Ajātasattu đã đến và đứng im lặng".

Ngài quán xét "vua Ajātasattu đang nghĩ gì?".

Biết được ý nghĩ của vua Ajātasattu, Đức Thế Tôn suy nghĩ "nhà vua rất khó mở miệng trước với Như Lai vì đang mang mặc cảm phạm tội, nhà vua nhìn quanh chúng Tỳ-khưu và nhớ tới hoàng tử. Ta sẽ nói trước để tạo duyên cho nhà vua vậy".

Nếu Đức Thế Tôn không lên tiếng trước thì vua Ajātasattu cũng không có cách nào để tác bạch với Đức Thế Tôn.

Do đó, ngay khi vua Ajātasattu thốt lên lời cảm hứng thì Đức Thế Tôn đã hỏi như trên.

Điều này có nghĩa: "Này Đại vương, như nước từ cao nguyên chảy xuống đồng bằng, cũng vậy khi nhìn thấy chúng Tỳ-khưu an tịnh thì tình thương của Đại vương hình như hướng về con mình".

Ngay sau đó vua Ajātasattu vô cùng xúc động, nghĩ rằng: “Ôi, tuyệt vời làm sao ân đức của Đức Thế Tôn! Không ai tạo những tội ác như ta đã làm với Đức Thế Tôn.

Ta đã sát hại vị đại thí chủ (vua Bimbīsara) của Ngài; ta đã chấp nhận yêu cầu của Devadatta, cho người đi sát hại Ngài; ta đã thả voi Nāḷāgiri rượt đuổi Ngài.

Đức Thế Tôn không hề nói về một tội ác nào của ta, ngay khi Ngài có thể làm thế, giọng nói của Ngài thật êm dịu, không pha ý hiềm hận nào cả.

Ôi, Đức Thế Tôn có đầy đủ năm đặc tướng của vị Thánh A-la-hán(1). Ta không nên từ bỏ vị thầy như thế này, không nên tìm vị thầy nào khác".

Ngập tràn hoan hỷ với Đức Thế Tôn, vua Ajātasattu nói: "Bạch Thế Tôn, con thương hoàng tử Udāyibhadda rất nhiều …".

Chánh kinh.

162. "Atha kho rāja Māgadho Ajātasattu Vedehiputto Bhagavantaṃ abhivādetvā bhikkhusaṅghassa añjaliṃ paṇāmetvā ekaṃ antaṃ nisīdi.

"Lúc bấy giờ Ajātasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha, đảnh lễ Thế Tôn, chấp tay vái chào chúng Tỳ-khưu, và ngồi xuống một bên.

Ekaṃ antaṃ nisinno kho rājā Māgadho Ajātasattu Vedehiputto Bhagavantaṃ etad'avoca:



Sau khi ngồi xuống một bên, Ajātasattu, con bà Vedehi, vua nước Magadha bạch Thế Tôn:

"Puccheyyām'ahaṃ bhante Bhagavantaṃ kañcid'eva desaṃ, sace me Bhagavā okāsaṃ karoti pañhassa veyyākaraṇāyāti.



- Bạch Thế Tôn, con muốn hỏi Thế Tôn một vấn đề này, nếu Ngài cho phép con hỏi.

"Puccha mahārāja yad'ākaṅkhasīti".



- Ðại vương cứ hỏi tùy theo ý muốn của Ðại vương".

Giải.

* “Chấp tay vái chào chúng Tỳ-khưu” (bhikkhusaṅghassa añjaliṃ paṇāmetvā) .

Bhikkhusaṅghassa añjaliṃ paṇāmetvāti evaṃ kirassa ahosi Bhagavantaṃ vanditvā itocito ca gantvā bhikkhusaṅghaṃ vandantena ca bhagavā piṭṭhito kātabbo hoti, garukāropi cesa nahoti (At):

Khi đã “cúi mình” (itocito) đảnh lễ Đức Thế Tôn đúng cách, (vị ấy) hướng đến đảnh lể chư Tỳ-khưu phía sau lưng Đức Thế Tôn, đó là việc cần làm, là việc đáng làm.

Đảnh lễ có 6 cách:

1- Chấp tay quỳ một chân như Phạm thiên (abhivāda).

2- Chấp tay quỳ 2 chân (vandanākāra).

3- Cúi đầu (nipaccanākāra).

4- Chấp tay lại (añjalikamma)

5- Chấp tay lại xá xuống (namakāra).

6- Quỳ mọp xuống đảnh lễ (namasakāra)(1).

Trong cách “quỳ mọp xuống” lại có 2 cách:

- Năm chi chạm đất: Là đầu, 2 khuỷu tay và 2 đầu gối chạm đất.

- Không đủ 5 chi chạm đất.

Đức vua Ajātasattu đảnh lễ Đức Thế Tôn bằng cách “cúi mình xuống” (abhivādeti), đối với chư Tỳ-khưu chỉ chấp tay lại (añjali).



Vì sao vậy?

Đức vua hành động như vậy vì nghĩ rằng: “Đức Thế Tôn xuất thân từ dòng Sát-đế-lỵ, Ngài là trưởng thượng, là bậc an tinh”.

Hiện tại, hội chúng của ta đang đứng, nếu ta quỳ xuống thì hội chúng của ta cũng quỳ xuống, nhưng vậy sẽ làm kinh động sự an tịnh. Vậy ta hãy cúi mình đảnh lễ Đức Thế Tôn để bày tỏ sự tôn kính đối với Ngài, đồng tthời duy trì được sự an tịnh”.

Do đó, Đức vua chỉ “cúi mình” đảnh lễ Đức Thế Tôn.

Đối với chư Tỳ- khưu, Đức vua suy nghĩ “các Ngài là đệ tử của Đức Thế Tôn, ta không thể đảnh lễ các Ngài như đảnh lễ Đức Thế Tôn, nhưng ta cũng bày tỏ sự cung kính các Ngài qua sự an tịnh mà các Ngài đạt được, bằng cách “chấp tay hướng về các Ngài”.

Đức Thế Tôn biết vua Ajātasattu muốn tìm hiểu pháp an tinh, khi Đức vua ngỏ ý muốn hỏi, Đức Thế Tôn dạy:

* Đại vương cứ hỏi tùy theo ý muốn” (puccha mahārāja yad'ākaṅkhasi).

Hỏi tùy theo ý muốn”. Nghĩa là “trả lời câu hỏi không phải là gánh nặng đối với Như Lai”.

Hay: “Như lai sẽ trả lời mọi câu hỏi của Đại vương”.

Lại nữa, câu nói "cứ hỏi tùy theo ý muốn". Lời nói này không phổ biến ngay cả với các vị Phật Độc Giác, các vị Thượng thủ thinh văn hay các vị Thánh Đại đệ tử.

Các vị ấy sẽ nói: "Cứ hỏi tùy theo ý muốn, khi nghe xong ta sẽ (cố gắng) trả lời".

Chỉ có Đức Chánh giác mới nói "cứ hỏi tùy theo ý muốn". Vì sao?

Vì Đức Thế Tôn biết tất cả các pháp, biết rõ quyền nào mạnh, quyền nào yếu, phiền não nào nặng, phiền não nào nhẹ của đối tượng đang hỏi.

Phật Độc giác, Thánh thượng thủ thinh văn hay các vị Thánh Đại đệ tử không có trí này.

Lại nữa, "cứ hỏi tùy theo ý muốn " là câu nói "không hạn chế".

Tức là ngay cả đại chúng, vua chúa, chư thiên, Sa-môn, Bà-la-môn tháp tùng với Đức vua đều có thể đặt câu hỏi với bậc Giác ngộ thông qua vua Ajātasattu.



Chánh kinh.

163. "Yathā nu kho imāni bhante puthusippāyatanāni seyyathīdaṃ hatthīrohā assārohā ratthikā dhanuggahā celakā calakā piṇḍadāvikā uggā rājaputtā pakkhandino mahānāgā sūrā cammayodhino dāsakaputtā āḷārikā kappakā nahāpakā sudā mālākārā rajakā pesakāra naḷakārā kumbhakārā gaṇakā muddikā yāni vā pan'aññāni pi evaṃ gatāni puthusippāyatanāni – te diṭṭh' eva dhamme sandiṭṭhikaṃ sippaphalaṃ upajīvanti.

Bạch Đức Thế Tôn, cũng như các công nghệ chức nghiệp này, như điều tượng sư, điều mã sư, xa thuật sư, quân thuật sư, quân kỳ binh, nguyên súy, chiến sĩ, thượng sĩ quan, thám tử, dõng sĩ can đảm như voi chúa, anh hùng, trang giáp binh, nô lệ xuất thân, hỏa đầu quân, thợ hớt tóc, người hầu tắm, thợ làm bánh, nhà làm vòng hoa, thợ giặt, thợ dệt, nhà làm thúng rổ, thợ đồ gốm, nhà toán số, nhà ấn bản và các công nghệ chức nghiệp khác, chúng hưởng được kết quả thiết thực hiện tại từ công nghiệp chức nghiệp của chúng.

Te, tena attānaṃ sukhenti pīneṇti.



Chúng giúp cho tự thân được sống an lạc, hạnh phúc.

Mātāpitaro sukhenti pīṇenti.



Chúng giúp cho cha mẹ được sống an lạc, hạnh phúc.

Puttadāraṃ sukhenti pīṇenti.



Chúng giúp cho vợ con được sống an lạc hạnh phúc.

Mittāmacce sukhenti pīṇenti.



Chúng giúp cho bạn bè được sống an lạc hạnh phúc.

Samaṇabrahmaṇesu uddhaggikaṃ dakkhiṇaṃ patiṭṭhāpenti sovaggikaṃ sukhavipākaṃ saggasamvattanikaṃ.



Chúng dâng các vật cúng dường cho Sa-môn, Bà-la-môn, sự cúng dường này có ảnh hưởng đến đời sau, liên hệ đến thiên giới, thọ hưởng phước báo an lạc, thác sanh lên cõi trời.

Sakkā nu kho bhante evaṃ evaṃ diṭṭh'eva dhamme sandiṭṭikaṃ sāmaññaphalaṃ paññāpetum ti?".



Bạch Thế Tôn, Ngài có thể chỉ cho rõ ràng kết quả thiết thực, hiện tại của hạnh Sa-môn chăng?

Giải:

Được Đức Thế Tôn khuyến khích đặt câu hỏi với bậc Giác Ngộ, vua Ajātasattu hỏi về quả báo của Sa-môn hạnh.

Mục đích trong câu hỏi của vua Ajātasattu là: "Bạch Thế Tôn, Ngài có thể chỉ ra được bất kỳ quả thiết thực của hạnh Sa-môn giống như quả thiết thực của nhiều nghề thiện xảo trên thế gian mà một số người có được?".

Do đó khi nói về những người sống bằng những nghề thiện xảo này, vua Ajātasattu đề cập đến nhiều nghề khác nhau.

Ngoại trừ hai cách hỏi có tính "dẫn nhập" như trên, có 5 cách hỏi khác là:

a- Hỏi để thấy, để biết điều mình chưa hiễu, chưa thấy (adiṭṭhajotanā pucchā).

b- Hỏi điều mình đã biết, cho càng thêm rõ (diṭṭhasandanā pucchā).

c- Hỏi để dứt bỏ hoài nghi (vimaticchedanā pucchā).

d- Hỏi để người trả lời xác nhận ý kiến mình (anumati pucchā).

e- Hỏi với ý nghĩ "nếu người không biết thì mình trả lời" (kathetukamyatā pucchā) (1).

Câu hỏi của vua Ajātasattu là "hỏi để biết điều chưa biết".

* "Quả của Sa-môn hạnh” (samaññaphala).

Là quả báo thiết thực của sự an tịnh tâm, đây là mục đích mà vua Ajātasattu muốn biết, vì Đức vua luôn lo sợ.

Lại nữa, Đức vua băn khoăn vì sao Devadatta là vị Sa-môn lại chống đối với Đức Phật? Như vậy, gọi là Sa-môn hạnh thì phải như thế nào?

Sau khi nghe Đức Thế Tôn giảng về quả thiết thực của hạnh Sa-môn, đức vua đã hoan hỷ.

Sau khi sám hối tội lỗi để an tịnh tâm, đức vua không còn lo sợ, “giấc ngủ” không còn là “nỗi kinh hoàng".

Vị có được sự an tịnh, vị ấy gọi là "bậc Sa-môn" hay "bậc xuất gia".

Trong ý nghĩa mở rộng, thì Sa-môn hạnh là "con đường trung đạo" và quả Sa-môn chính là bốn Thánh quả: Dự lưu, Nhất lai, Bất lai và A-la-hán.

Này các Tỳ-khưu, Ta sẽ giảng cho các ngươi về Sa-môn hạnh và quả Sa-môn hạnh. Hãy lắng nghe.

Và này các Tỳ-khưu, thế nào là Sa-môn hạnh?. Chính là Thánh đạo tám ngành này. Tức là chánh kiến…. chánh định. Này các Tỳ-khưu, đây gọi là Sa-môn hạnh.

Và này các Tỳ-khưu, thế nào là quả Sa-môn hạnh? Dự lưu quả, Nhất lai quả, Bất lai quả, A-la-hán quả. Này các Tỳ-khưu, đây gọi là quả Sa-môn hạnh".(2)

Mục đích Sa-môn hạnh là gì?

"Này các Tỳ-khưu, thế nào là mục đích Sa-môn hạnh? Này các Tỳ-khưu, đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si. Đây gọi là mục đích Sa-môn hạnh (sāmannattho)"(sđd).

Vì vua Ajātasattu không biết những điều này. Do vậy, vua Ajātasattu đưa ra những quả thiết thực của người hành các loại nghề.

Những quả thiết thực của các ngành nghề là gì”?

Là sống được an lạc, giúp cho cha mẹ, vợ con, bằng hữu có được sự an lạc, cúng dường đến các Sa-môn, Bà-la-môn để tạo phước lành trong tương lai.



Thế nào là “sự an lạc” ?

Đó chính là thọ hưởng bốn món vật dụng: Vật thực, y phục, trú xứ và dược phẩm một cách đầy đủ.

Tự mình an lạc là “thọ dụng bốn món vật dụng đầy đủ”. Ngoài ra, còn phải tránh xa “cửa vào bại vong”.

Người đắm say nữ nhân. Đắm say rượu cờ bạc.



Hoang phí mọi lợi đắc. Chính cửa vào bại vong”.(3)

Người sống an lạc theo phương thức trên sẽ làm tăng trưởng sự sống lâu, sắc đẹp, an vui, sức mạnh, tuệ và tài sản.



Và điều này cũng được xem là “quả Sa-môn thứ nhất”.

Việc phụng dưỡng cha mẹ sống được an lạc, cũng không ngoài bốn món vật dụng kể trên, phát sinh từ những nghiệp nghệ đã nêu trên.

Ngay trong hiện tại, người phụng dưỡng mẹ cha nhận được quả an lành với nhiều hình thức như: Được khen là bậc hiếu hạnh, làm cho mẹ cha hài lòng và chính người ấy cũng tự hoan hỷ …. Như thế nào?

- Người ấy nghĩ rằng: “Mẹ cha đã khó nhọc nuôi dưỡng ta khôn lớn bằng tấm lòng từ bi, không ai có ân đức với ta như mẹ cha. Khi ta phụng dưỡng mẹ cha, khiến các vị ấy cũng hân hoan rằng: “Chúng ta có được người con tốt, hiếu hạnh…”.

- Nếu cha mẹ có tài sản để lại, cũng hài lòng vì “ta xứng đáng thừa hưởng di sản ấy”; nếu không có di sản, các vị cũng hài lòng tán dương đến ta là “người con hiếu thảo”…

Người phụng dưỡng cha mẹ được an lạc là “người tri ân và báo ân (kataññūkatavedī)”. Người hiếu hạnh thường bình an trước những hiểm họa.

Trong Maṅgaladīpanī (Sớ giải kinh Hạnh phúc) có ghi:

Người phụng dưỡng cha mẹ có được quả an vui là:



- Bình an trong hiểm nạn.

Cho dù bị tên tẩm độc bắn phải cũng vô sự, như Đức Bồ-tát Suvaṇṇa.

Gặp dạ xoa cũng vô sự, như thanh niên Sota

An toàn trong vòng vây của kẻ nghịch, hay rơi vào cạm bẩy cũng thoát ra được, như nai chúa Nandiya (nadiyamigarāja).

Dù cho có mắc bẫy lưới cũng an toàn, như Kên kên chúa hay vẹt chúa mắc bẫy thợ săn.

Dù bị xiềng xích cũng thoát ra được, như voi chúa Chaddanta …

Các mẫu truyện trên có ghi trong Jātaka Atthakathā (câu chuyện Tiền thân) hay trong Maṅgaladīpanī

- Được bậc trí khen ngợi.

- An vui trong hiện tại.

Người phụng dưỡng mẹ cha, được an vui trong đời này.

- Chư thiên hằng hộ trì người ấy.

Nhân loại và chư thiên thường chăm nom người hiếu hạnh trong những lúc ốm đau. Nhưng người đời ít biết đến điều này, họ chỉ nghĩ “ta lành bịnh là nhờ thầy thuốc và thuốc”, còn do năng lực chư thiên giúp đở thì không biết, vì có ai thấy đâu.

Chỉ có bậc trí khi suy xét lý nhân quả cùng công hạnh “phụng dưỡng mẹ cha” mới hiểu được điều này.

Gặp được thầy giỏi, tìm được thuốc hay đúng với chứng bịnh cần phải điều trị, đó là do quả lành của phước báu, là quả lành của việc “phụng dưỡng mẹ, cha” hay từ quả lành của những phước thiện khác, nào phải là “ngẫu nhiên”.



- Sau khi mệnh chung sinh về thiên giới.

Có Phật ngôn :Ānanda ca pamodo ca sadā hasitakīḷitaṃ:



Hân hoan, vui thích, an lạc hằng có đến người “phụng dưỡng mẹ cha”.

Người không phụng dưỡng mẹ cha là kẻ bất hiếu, là kẻ vô ân.

Người ấy mệnh chung hẳn phải rơi vào địa ngục, đọa xứ.

Trong hiện tại thì: Tài sản đang có bị tiêu hoại.

Ngoài ra còn gặt hái nhiều tai họa khác.

* “Giúp vợ, con, và bằng hữu sống được an lạc”.

Về vật chất được an lạc, cũng chính là bốn món vật dụng như trên.

Khi những người ấy sống được an lạc, thì mình cũng được an lạc.

Vì những người này sẽ giúp ích mình trong một vài phương diện nào đó (khi mình gặp khó khăn, gặp phải một vài vấn đề mà chính mình không thể giải quyết được).



* “Cúng dường đến các Sa-môn, Bà-la-môn. Là chôn của để dành qua bốn món vật dụng.

Ngoài ra, nhờ đó các vị Sa-môn, Bà-la-môn không phải vất vả tìm kiếm những nhu cầu tối thiểu cho đời sống, các Ngài có thời gian trau dồi việc học tập, nghiên cứu Phật ngôn, thực hành những pháp trợ đạo, các Ngài sẽ làm tăng trưởng đời sống thiện hạnh, chánh hạnh.

Qua các Ngài, lời dạy thâm sâu, ý nghĩa vi diệu của các Đấng Như lai sẽ được lan rộng, mang đến vô số lợi ích cho những ai đang có niềm tin, làm sinh khởi niềm tin cho những ai chưa có niềm tin.

Dứt phần 1.

Phần 2.

Chủ thuyết của sáu vị tôn chủ dị giáo.

Giải từ đoạn 164 đến hết đoạn 181.

Chánh kinh.

164. "Abhijānāsi no tvaṃ mahārāja imaṃ pañhaṃ aññe samaṇabrahmaṇe pucchitthoti?

Này Ðại vương, Ðại vương có nhớ đã hỏi câu hỏi ấy với các vị Sa-môn, Bà-la-môn nào khác chăng?

"Abhijānām'ahaṃ bhante imaṃ pañhaṃ aññe samaṇa Brahmaṇe pucchitā ti'.

- Bạch Thế Tôn, con nhớ đã hỏi câu hỏi ấy với Sa-môn, Bà-la-môn khác.

"Yathā kataṃ pana te mahārāja vyākaṃsu, sace te agaru bhāsassūti.

- Này Ðại vương, hãy nói lại cho nghe, các vị ấy đã trả lời với Ðại vương như thế nào, nếu Ðại vương không thấy gì trở ngại.

"Na kho me bhante garu yatth'assa Bhagavā nisinno Bhagavantaruupā vā ti".

- Bạch Thế Tôn, con không thấy gì trở ngại đối với Đức Thế Tôn và các bậc như Đức Thế Tôn.

Tenahi, mahārāja, bhāsassūti

- Vậy Ðại vương hãy nói đi.

Giải:

Vì sao Đức Thế Tôn không trả lời ngay câu hỏi của vua Ajātasattu, mà Ngài lại hỏi:



* "Này đại vương, đại vương có nhớ đã hỏi câu hỏi ấy với các vị Sa-môn, Bàlamôn nào khác chăng?".

Bản Sớ giải có giải thích: Đức Thế Tôn không trả lời ngay câu hỏi vì Ngài nghĩ: "Những đại thần đến đây, có các đồ đệ của các giáo chủ ngoại giáo.

Nếu Ta nói về quả báo của Sa-môn hạnh, họ sẽ chen vào tán thán ân đức của thầy mình, cắt ngang lời giảng của Như lai.

Lại nữa, khi Như lai chỉ ra những tư tưởng sai lầm của các giáo thuyết đương thời, thì họ sẽ phản đối: "Đại vương của chúng ta đến đây với tâm mong nghe được quả báo thiết thực của hạnh Sa-môn, thế mà Sa-môn Gotama chỉ nói về sự khác biệt giữa các chủ thuyết".

Khi đó họ sẽ không chú tâm lắng nghe, vì không chú tâm lắng nghe họ sẽ không nhận thức rõ quan kiến sai lầm của các giáo thuyết dị giáo, đồng thời họ sẽ cho rằng: "Sa-môn Gotama công kích chúng ta".

Nhưng nếu vua Ajātasattu nói thì họ không thể phản đối, vì đó là vị lãnh đạo của họ, họ phải nghe vua Ajātasattu nói, như người phải đi theo vị lãnh đạo của mình.

Vậy thì ta sẽ để cho vua Ajātasattu giải thích về những chủ thuyết của 6 tôn chủ dị giáo".

Để chuyển việc này cho vua Ajātasattu, Đức Thế Tôn hỏi:



"Này đại vương, đại vương có nhớ đã hỏi câu hỏi ấy với các vị Sa-môn, Bà-la-môn nào khác chăng?".

* "Không có gì trở ngại cho con, bạch Đức Thế Tôn".

"Không có gì trở ngại cho con".

Hàm ý của vua Ajātasattu trong câu này là:

- Sự trở ngại chỉ có, khi sự kiện không đúng với sự thật (nhưng sự kiện đúng sự thật như lời con trình bày, nên không có gì trở ngại với con).

- Sự trở ngại chỉ có với người không uyên bác, người không uyên bác có thể phát biểu không đúng theo từng chữ, từng lời. Người ấy có thể mắc phải sai lầm khi phát biểu. (nhưng con là người uyên bác, nên điều này không trở ngại đối với con).

- Sự trở ngại chỉ có, khi phát biểu trước những người không uyên bác, họ có thể hiểu sai qua từng chữ, từng lời, nhưng sẽ không trở ngại trước những người uyên bác.

Bậc thông thái chân thật sẽ hiểu rõ từng chữ, từng lời, sẽ tán dương những lời nói đúng chân lý và khi có vấn đề được nói sai, hiểu sai chân lý thì vị ấy sẽ sửa chữa lại. Không có ai thông thái chân thật sánh bằng Đức Thế Tôn".



* "Vậy Đại vương hãy nói đi" (tenahi, mahārāja, bhāsassūti).

Vì sao Đức Thế Tôn khuyến khích vua Ajātasattu?

Vì rằng, trước khi viếng thăm Đức Thế Tôn, các vị đại thần (trừ lương y Jīvaka có tán thán vị giáo chủ của mình đang hộ độ và có đề nghị vua Ajātasattu đến viếng thăm, nhưng vua Ajātasattu bỏ qua, chỉ chấp nhận lời của lương y Jīvaka.

Do đó, trong nhóm các đại thần tùy tùng, tuy phải đi theo Đức vua vì mệnh lệnh, nhưng lòng "không vui", cho rằng Đức vua thiên vị.

Nay nghe Đức vua trình bày "đã có viếng thăm các vị giáo chủ ấy", và nhà vua đã thất vọng vì "câu hỏi một đàng, lời đáp nẻo khác".

Khi "Đức vua chấp nhận lời của lương y Jīvaka" họ sẽ hiểu rằng "không phải Đức vua thiên vị lương y Jīvaka mà điều này là hợp lý",

Đồng thời, khi nghe nhà vua trình bày chủ thuyết của sáu vị tôn chủ, những người có trí sẽ nhận ra tà kiến trong các chủ thuyết ấy, đó là nền tảng dẫn đến "sự chú tâm nghe pháp của Đức Như Lai", và khả năng chứng đạt đạo quả sẽ có đến hội chúng ấy.

Những đoạn kinh văn tiếp theo, vua Ajātasattu có tường thuật "đã đến hỏi quả báo thiết thực của Sa-môn hạnh nơi 6 tôn chủ dị giáo".

Chánh kinh.

Pūraṇa kassapa vādo.

(Chủ thuyết của Pūraṇa kassapa).

165. "Ekamidāhaṃ, bhante, samayaṃ yena Pūraṇo kassapo tenupasaṅkami, upasaṅkamitvā Pūraṇena kassapena saddhiṃ sammodiṃ. Sammodanīyaṃ kathaṃ sāraṇīyaṃ vītisāretvā ekamantaṃ nisīdiṃ.

"Bạch Thế Tôn, một thời con đến Pūrana kassapa, khi đến nơi, con nói lên những lời đón chào, chúc tụng thân hữu và xã giao với Pūrana kassapa và ngồi xuống một bên.

Ekamantaṃ nisinno kho ahaṃ, bhante, Pūraṇaṃ kassapaṃ etadavocaṃ: Yathā nu kho imāni, bho kassapa, puthusippāyatanāni, seyyathidam-hatthārohā assārohā rathikā dhanuggahā celakā calakā piṇḍadāyakā uggā rājaputtā pakkhandino mahānāgā sūrā cammayodhino dāsikaputtā āḷārikā kappakā nhāpakā sūdā mālākārā rajakā pesakārā naḷakārā kumbhakārā gaṇakā muddikā, yāni vā panaññānipi evaṃgatāni puthusippāyatanāni-te diṭṭheva dhamme sandiṭṭhikaṃ sippaphalaṃ upajīvanti.

Te tena attānaṃ sukhenti pīṇenti, mātāpitaro sukhenti pīṇenti, puttadāraṃ sukhenti pīṇenti, mittāmacce sukhenti pīṇenti, samaṇabrāhmaṇesu uddhaggikaṃ dakkhiṇaṃ patiṭṭhapenti sovaggikaṃ sukhavipākaṃ saggasaṃvattanikaṃ.



Sau khi ngồi xuống một bên, con nói với Pūraṇa kassapa: "Cũng như các công nghệ chức nghiệp này, như điều tượng sư, điều mã sư… (giống đoạn 14)… ; chúng dâng các vật cúng dường cho Sa-môn, Bà-la-môn, sự cúng dường này có ảnh hưởng đến đời sau, liên hệ đến thiên giới, thọ hưởng phước báo an lạc, thác sanh lên cõi trời

Sakkā nu kho, bho Kassapa, evameva diṭṭheva dhamme sandiṭṭhikaṃ sāmaññaphalaṃ paññapetun 'ti?"



Bạch Ngài Kassapa, Ngài có thể cho biết kết quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn chăng?"

166. "Evaṃ vutte, bhante, Pūraṇo kassapo maṃ etadavoca:

Bạch Thế Tôn, khi nghe nói vậy, Pūraṇa kassapa đã nói với con:

Karoto kho, mahārāja, kārayato, chindato chedāpayato.



Này Ðại vương, tự làm hay khiến người làm, chém giết hay khiến người chém giết.

Pacato pācāpayato, socayato, socāpayato.



Đốt nấu hay khiến người đốt nấu, gây phiền muộn hay khiến người gây phiền muộn.

Kilamato kilamāpayato, phandato phandāpayato.



Gây áo não hay khiến người gây áo não, tự mình gây sợ hãi hay khiến người gây sợ hãi.

Pāṇamatipātāpayato, adinnaṃ ādiyato, sandhiṃ chindato, nillopaṃharato, ekāgārikaṃ karoto, paripanthe tiṭṭhato, paradāraṃ gacchato, musā bhaṇato, karoto na karīyati pāpaṃ.



Sát sanh, lấy của không cho, phá cửa nhà mà vào, cướp bóc, đánh cướp một nhà lẻ loi, chận đường cướp giựt, tư thông vợ người, nói láo, hành động như vậy không có tội ác gì.

Khurapariyantena cepi cakkena yo imissā pathaviyā pāṇe ekaṃ maṃsakhalaṃ ekaṃ maṃsapuñjaṃ kareyya, natthi tatonidānaṃ pāpaṃ, natthi pāpassa āgamo.



Nếu lấy một bánh xe sắc bén giết hại tất cả chúng sanh trên cõi đất thành một đống thịt, thành một chồng chịt, cũng không vì vậy mà có tội ác, mà gây ra tội ác.

Dakkhiṇaṃ cepi gaṅgāya tīraṃ gaccheyya hananto ghātento chindanto chedāpento pacanto pācāpento, natthi tatonidānaṃ pāpaṃ, natthi pāpassa āgamo.



Nếu có người đi trên bờ phía Nam sông Hằng giết hại, tàn sát, chém giết, khiến người chém giết, đốt nấu, khiến người đốt nấu, cũng không vì vậy mà có tội ác, mà gây ra tội ác.

Uttarañcepi gaṅgāya tīraṃ gaccheyya dadanto dāpento yajanto yajāpento, natthi tatonidānaṃ puññaṃ, natthi puññassa āgamo. Dānena damena saṃyamena saccavajjena natthi puññaṃ, natthi puññassa āgamo'ti.



Nếu có người đi trên bờ phía Bắc sông Hằng bố thí, khiến người bố thí, tế lễ, khiến người tế lễ, cũng không vì vậy mà có phước báo".

Itthaṃ kho me, bhante, Pūraṇo kassapo sandiṭṭhikaṃ sāmaññaphalaṃ puṭṭho samāno akiriyaṃ byākāsi.



Bạch Thế Tôn, khi được hỏi về kết quả hiện tại thiết thực của hạnh Sa-môn, Pūraṇa kassapa đã trả lời với thuyết vô nghiệp.

Seyyathāpi, bhante, ambaṃ vā puṭṭho labujaṃ byākareyya, labujaṃ vā puṭṭho ambaṃ byākareyya, evameva kho me, bhante, Pūraṇo kassapo sandiṭṭhikaṃ sāmañÑaphalaṃ puṭṭho samāno akiriyaṃ byākāsi.



Bạch Thế Tôn, cũng như hỏi về trái xoài lại trả lời về trái mít, hoặc hỏi về trái mít lại trả lời về trái xoài; cũng vậy, Bạch Thế Tôn, khi được hỏi về kết quả hiện tại thiết thực của hạnh Sa-môn, Puraṇa kassapa đã trả lời với thuyết vô nghiệp.

Tassa mayhaṃ, bhante etadahosi- kathañhi nāma mādiso samanaṃ vā brāhmanṃ vā vijite vasantaṃ apasādetabbaṃ maññeyā'ti.



Bạch Thế Tôn, con nghĩ: "Làm sao một người như con lại có thể làm một vị Sa-môn hay Bà-la-môn ở trong nước con không được vui lòng?".

So kho ahaṃ, bhante, Pūraṇassa kassapassa bhāsitaṃ neva abhinandiṃ nappaṭikkosiṃ.



Vì vậy bạch Thế Tôn, con không tán thán, cũng không cật nạn lời nói của Pūrana kassapa.

Anabhinanditvā appaṭikositvā anatta mano, anattamanavācaṃ anicchāretvā, tameva vācaṃ anuggaṇhanto anikkujjanto uṭṭhāyā sanā pakkamiṃ".



Không tán thán, không cật nạn, dầu không mãn nguyện cũng không thốt ra lời bất mãn, không công nhận cũng như không bác bỏ, con từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.(1)

Giải.

Lời giảng của Pūraṇa kassapa có thể tóm gọn là thuyết phi nghiệp (akiriyavāda).

Theo lời giảng của Pūraṇa kassapa trong Chánh kinh thì "tất cả mọi hành động gọi là tội ác, thật ra không có tội chi cả (n'atthi pāpassa āgamo).

Những hành động gọi là phước", thật ra chẳng có phước chi cả (n'atthi puññassa āgamo)".

Theo bản Sớ giải thì:

Pūraṇa kassapa giải thích "ngay cả khi một người làm việc gì đó với ý nghĩ: "Ta đang làm điều ác", thì tội ác không có. Vì "cái tội ác đó", đơn giản chỉ là ý nghĩ mà thôi.

Hậu sớ giải có giải thích thêm: Với ý nghĩ "ta đang làm điều ác", theo đó Pūraṇa kassapa cho rằng "đó chỉ là sự hiện diện của ý thức", nó chẳng liên quan gì đến "hành động".

Rõ ràng "người có ý nghĩ sát sanh, ý nghĩ này không thể làm việc sát sanh", hành động sát sanh là khác, ý nghĩ sát sanh là khác.

Pūraṇa kassapa còn nêu ra "thậm chí khi làm ác mà không có ý nghĩ "ta đang làm ác" (tức là không có sự hiện diện của ý thức) thì cũng "không có tội chi".

Sau khi "làm ác", có ý nghĩ "ta đã làm ác" thì sự đã làm ác cũng vô tội, bởi vì không thể khuấy động lại những gì mà trước đó đã diệt mất.

Các đối thủ chống đối lại học thuyết của Pūraṇa kassapa và đưa ra câu hỏi: “Nếu không có tội ác, thì vì sao gọi chúng sinnh làm ác?

Pūraṇa kassapa trả lời: "Đơn giản, đó chỉ là ý nghĩ mà thôi, mà ý nghĩ thì không thể tạo tội ác".

Hậu sớ giải có giải thích: Theo “thuyết phi nghiệp” của Pūraṇa kassapa, thì điều này có nghĩa là: "Gây hại và làm tổn thương chúng sinh khác không ảnh hưởng đến tự ngã vì tự ngã là trường tồn và bất biến”.

Một cơ thể không có ý thức cũng giống như một khúc gỗ vì vậy mà ngay cả khi nó bị hủy diệt thì tội ác cũng không xảy ra".

Tức là, Pūraṇa kassapa phân tích chúng sinh có 2 phần: Vật chất và tinh thần.

Tinh thần không thể tạo tội, sự tạo tội chỉ có do thân hay ngữ; thân hay ngữ là sắc pháp (vật chất), mà vật chất như khúc gỗ vì có tính vô tri.

Vật chất này chạm vào loại vật chất khác hủy hoại vật chất kia hay bị vật chất kia hủy hoại, tất cả đều "không phải tội ác".

Ví như dao chém vào gỗ, dao bị gẫy hay gỗ bị hư, đều "không phải là tội ác".

Tương tự như vậy, loại vật chất này giúp cho vật chất kia tăng trưởng, không phải là phước, ví như nước tưới rau làm cho rau xinh tốt.

Xét cho cùng "loại tà kiến mà theo chủ thuyết củaPūraṇa kassapa" chính là thường kiến, cho rằng "tự ngã bất khả hư hoại".



tải về 1.3 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   13




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương