Lumen gentium



tải về 0.62 Mb.
trang1/9
Chuyển đổi dữ liệu15.05.2018
Kích0.62 Mb.
#38481
  1   2   3   4   5   6   7   8   9
PHAOLÔ GIÁM MỤC
TÔI TỚ CÁC TÔI TỚ THIÊN CHÚA
HỢP NHẤT VỚI CÁC NGHỊ PHỤ CỦA THÁNH CÔNG ĐỒNG
ĐỂ MUÔN ĐỜI GHI NHỚ

HIẾN CHẾ TÍN LÝ


VỀ GIÁO HỘI
LUMEN GENTIUM
Ngày 21 tháng 11 năm 1964

CHƯƠNG I
MẦU NHIỆM GIÁO HỘI



1. Ánh sáng muôn dân là chính Chúa Kitô, vì vậy, Thánh Công Đồng được quy tụ trong Chúa Thánh Thần, tha thiết mong muốn soi dẫn mọi người bằng ánh sáng của Người, đang chiếu tỏa trên khuôn mặt Giáo Hội, để Tin Mừng được loan báo cho mọi loài thụ tạo (x. Mc 16:15). Trong Đức Kitô, Giáo Hội như là bí tích, nghĩa là dấu chỉ và phương tiện hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa và hợp nhất mọi người, vì thế Giáo Hội muốn trình bày rõ ràng hơn cho các tín hữu và cho toàn thế giới chính bản tính và sứ mệnh phổ quát của mình, dựa trên giáo huấn của các Công Đồng trước đây. Thực trạng thế giới đương đại khiến cho bổn phận này của Giáo Hội càng trở nên khẩn thiết, để con người ngày nay, khi đã gắn kết với nhau chặt chẽ hơn nhờ những mối liên hệ đa dạng trong lãnh vực xã hội, kỹ thuật và văn hóa, phải đạt đến sự hợp nhất trọn vẹn trong Chúa Kitô.

2. Với ý định tự do và nhiệm mầu đầy khôn ngoan nhân lành, Chúa Cha hằng hữu đã tạo dựng toàn thể vũ trụ, Ngài đã quyết định nâng con người lên để chia sẻ sự sống thần linh, và đã không bỏ mặc loài người sa ngã nơi nguyên tổ Ađam, nhưng luôn giúp họ đón nhận ơn cứu rỗi nhờ Đức Kitô, Đấng Cứu Chuộc, Đấng vốn là “hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo” (Cl 1,15). Từ muôn thuở, Chúa Cha “đã kêu gọi và tiền định để họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài để Người Con Một trở nên trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8,29). Ngài quyết định quy tụ những ai tin vào Đức Kitô thành một Giáo Hội thánh thiện, được tiên báo bằng hình ảnh biểu trưng ngay từ lúc khởi nguyên thế giới, được chuẩn bị cách diệu kỳ nơi lịch sử dân Israel và Cựu ước,1 được thiết lập vào thời kỳ sau hết, được tỏ lộ trong ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống và sẽ được hoàn tất trong vinh quang vào lúc kết tận thời gian. Bấy giờ, như các Giáo phụ nói, tất cả những người công chính từ thời Ađam, “từ Abel, người công chính, tới người được tuyển chọn cuối cùng”2 sẽ được qui tụ lại bên Chúa Cha trong Giáo Hội phổ quát.

3. Như thế, Chúa Con được sai đến từ nơi Chúa Cha, Đấng đã tuyển chọn chúng ta trong Con của Ngài trước cả khi tạo dựng vũ trụ, và tiền định cho chúng ta làm nghĩa tử, vì muốn qui tụ muôn loài trong Đức Kitô (x. Ep 1,4-5.10). Như vậy, để chu toàn thánh ý Chúa Cha, Đức Kitô đã khai nguyên Nước Trời ở trần gian và mạc khải cho chúng ta mầu nhiệm của Người, đồng thời cho chúng ta được ơn cứu chuộc nhờ sự vâng phục của Người. Giáo Hội, nghĩa là vương quốc Chúa Kitô đang hiện diện cách mầu nhiệm, vẫn luôn tăng trưởng cách hữu hình trong thế giới nhờ quyền lực Thiên Chúa. Cội nguồn và sự tăng triển của Giáo Hội được biểu thị bằng máu và nước chảy ra từ cạnh sườn rộng mở của Đức Giêsu chịu đóng đinh (x. Ga 19,34), và được tiên báo qua lời Chúa nói về cái chết của Người trên Thập Giá: “Phần tôi, khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12,32: bản Hy Lạp). Mỗi khi hy tế Thập Giá được cử hành trên bàn thờ, qua đó “Đức Kitô là con chiên vượt qua của chúng ta đã chịu hiến tế” (1 Cr 5,7), thì công trình cứu chuộc chúng ta lại được thực hiện. Đồng thời, nhiệm tích tấm bánh Thánh Thể diễn tả và thực hiện sự hợp nhất các tín hữu, những người kết nên một thân mình trong Đức Kitô (x. 1 Cr 10,17). Tất cả mọi người đều được mời gọi kết hợp với Đức Kitô, Đấng chính là ánh sáng thế gian, là cội nguồn, là sức sống và là cùng đích của tất cả chúng ta.

4. Khi công trình Chúa Cha trao phó cho Chúa Con thực hiện trên trần gian đã hoàn tất (x. Ga 17,4), Chúa Thánh Thần được cử đến vào ngày lễ Ngũ Tuần để không ngừng thánh hoá Giáo Hội, và như thế, những kẻ tin sẽ đến với Chúa Cha qua Chúa Kitô trong cùng một Chúa Thánh Thần (x. Ep 2,18). Chính Ngài là Thần Khí sự sống, là mạch nước vọt lên đến sự sống vĩnh cửu (x. Ga 4,14; 7,38-39), nhờ Ngài, Chúa Cha tác sinh những kẻ đã chết vì tội lỗi, cho đến khi Ngài phục sinh thân xác hay chết của họ trong Đức Kitô (x. Rm 8,10-11). Chúa Thánh Thần ngự trong Giáo Hội và trong tâm hồn các tín hữu như trong đền thờ (x. 1 Cr 3,16; 6,19). Ngài cầu nguyện trong họ và chứng thực họ là nghĩa tử (x. Gl 4,6; Rm 8,15-16.26). Ngài dẫn Giáo Hội đến sự thật toàn vẹn (x. Ga 16,13), và hợp nhất Giáo Hội trong sự hiệp thông và trong tác vụ, Ngài xây dựng và hướng dẫn Giáo Hội với nhiều hiện sủng và đoàn sủng khác nhau, Ngài trang điểm Giáo Hội bằng các hoa quả của Ngài (x. Ep 4,11-12; 1 Cr 12,4; Gl 5,22). Nhờ sức mạnh Tin Mừng, Ngài không ngừng canh tân và làm cho Giáo Hội luôn tươi trẻ, dẫn đưa Giáo Hội đi đến kết hợp hoàn toàn với Phu Quân của mình3. Thật vậy, Chúa Thánh Thần cùng Hiền Thê nói với Chúa Giêsu: “Xin Ngài ngự đến” (x. Kh 22,17).

Như thế, Giáo Hội phổ quát xuất hiện như “một dân tộc được hợp nhất khởi nguồn từ sự hợp nhất của Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”4.



5. Mầu nhiệm Hội Thánh được biểu lộ trong chính cách thức Giáo Hội được thành lập. Thật thế, Chúa Giêsu đã khai sáng Giáo Hội của Người bằng việc rao giảng tin vui về sự xuất hiện của triều đại Thiên Chúa đã được hứa trong Thánh Kinh từ muôn thuở: “Thời gian đã mãn, và triều đại Thiên Chúa đã đến gần” (Mc 1,15; x. Mt 4,17). Triều đại này tỏa chiếu trước mặt mọi người qua lời nói, hành động và sự hiện diện của Đức Kitô. Thật vậy, Lời Chúa ví như hạt giống gieo trong ruộng (x. Mc 4,14): ai tin tưởng lắng nghe và gia nhập đoàn chiên nhỏ bé của Đức Kitô (x. Lc 12,32), thì đã tiếp nhận triều đại ấy; rồi hạt giống tự sức nẩy mầm và lớn lên cho đến mùa gặt (x. Mc 4,26-29). Các phép lạ của Đức Giêsu cũng chứng minh rằng triều đại Thiên Chúa đã đến trần gian: “Nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà xua trừ ma quỷ, thì hẳn là triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Lc 11,20; x. Mt 12,28). Nhưng chủ yếu triều đại ấy được mạc khải trong chính con người Đức Kitô, Con Thiên Chúa và Con Người, Đấng đã đến “để phục vụ và hiến mạng sống làm giá cứu chuộc nhiều người” (Mc 10,45).

Sau khi chịu chết trên Thập Giá vì nhân loại, Chúa Giêsu đã sống lại, được đặt làm Chúa, làm Đấng Kitô và làm Tư Tế cho đến muôn đời (x. Cv 2,36; Dt 5,6; 7,17-21), Người đổ tràn trên các môn đệ Thần Khí đã được Chúa Cha hứa ban (x. Cv 2,33). Từ đó, khi được vun đắp bằng các ân huệ của Đấng sáng lập và trung thành tuân giữ các giới luật bác ái, khiêm nhường và từ bỏ, Giáo Hội lãnh nhận sứ mệnh công bố và thiết lập vương quốc của Đức Kitô và của Thiên Chúa nơi mọi dân tộc, đồng thời cũng trở nên hạt mầm và là điểm khai nguyên của vương quốc ấy trên trần gian. Đang lúc dần dần phát triển tới mức trưởng thành, Giáo Hội khát mong vương quốc ấy được thành toàn, ngập tràn hy vọng và ao ước được kết hợp với Vua của mình trong vinh quang.



6. Trong Cựu ước, mạc khải về vương quốc thường được thực hiện qua những biểu tượng, bây giờ cũng thế, bản tính thâm sâu của Giáo Hội được diễn tả bằng những hình ảnh khác nhau, được chuẩn bị trong sách các ngôn sứ, lấy từ đời sống du mục, nông nghiệp, kiến trúc hoặc gia đình và hôn lễ.

Như thế, Giáo Hội là chuồng chiên mà cửa vào duy nhất và buộc phải đi qua là Đức Kitô (x. Ga 10,1-10). Giáo Hội cũng là đoàn chiên mà chính Thiên Chúa đã tiên báo Ngài là mục tử (x. Is 40,11; Ez 34,11tt.), tuy được các mục tử nhân loại trông nom, nhưng các con chiên luôn được dẫn dắt và nuôi dưỡng bởi chính Đức Kitô, vị Mục Tử nhân lành và là Thủ lãnh của các mục tử (x. Ga 10,11; 1 Pr 5,4), Đấng đã hiến mạng sống vì đoàn chiên (x. Ga 10,11-15).

Giáo Hội là mảnh vườn được canh tác hay thửa đất của Thiên Chúa (x. 1 Cr 3,9). Trên mảnh đất ấy, mọc lên cây ôliu xưa cũ mà gốc rễ lành thánh là các Tổ phụ, và nhờ cây này, sự hoà giải giữa dân Do thái và các dân ngoại đã và sẽ được thực hiện (x. Rm 11,13-26). Gốc cây từ giống nho đặc tuyển, đã được người canh tác thiên quốc trồng xuống (x. Mt 21,33-43). Cây nho đích thực chính là Đức Kitô, Đấng ban sức sống và hoa trái cho các cành nho, nghĩa là cho chúng ta đây, những người nhờ Giáo Hội mà được ở lại trong Đức Kitô, và nếu không có Người, chúng ta không thể làm được gì (x. Ga 15,1-5).

Giáo Hội cũng thường được gọi là toà nhà của Thiên Chúa (1 Cr 3,9). Chính Chúa Giêsu đã ví mình như viên đá bị các thợ xây loại bỏ nhưng đã trở thành viên đá góc (x. Mt 21,42t; Cv 4,11; 1 Pr 2,7; Tv 117,22). Trên nền móng đó, các Tông đồ đã ra công xây dựng Giáo Hội (x. 1 Cr 3,11), cũng chính đá tảng đó làm kiên vững và liên kết cả Giáo Hội. Công trình xây dựng này còn được gọi bằng nhiều danh hiệu khác như: nhà Thiên Chúa (x. 1 Tm 3,15), nơi gia đình Ngài cư ngụ, nhà tạm của Thiên Chúa trong Chúa Thánh Thần (x. Ep 2,19-22), nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại (Kh 21,3), và đặc biệt là đền thánh, ngôi đền thờ được các thánh Giáo phụ ca tụng, được biểu trưng qua các cung thánh bằng đá, và trong phụng vụ được sánh ví thật chí lý với Thánh Đô, Thành Giêrusalem mới5. Thật vậy, ở trần thế nầy, chúng ta thuộc về công trình đó như những viên đá sống động xây nên thành thánh (x. 1 Pr 2,5). Thánh Gioan đã chiêm ngưỡng thành thánh ấy, khi địa cầu được đổi mới, từ trời, từ Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang (Kh 21,1tt.).

Giáo Hội còn được gọi là “Giêrusalem thượng giới” và “mẹ chúng ta” (Gl 4,26; x. Kh 12,17), được mô tả như hiền thê tinh tuyền của Con Chiên không tì ố (Kh 19,7; 21,2 và 9; 22,17), là Giáo Hội được Đức Kitô “yêu thương và hiến mình để thánh hoá” (Ep 5,25), được liên kết với Người bằng một giao ước bất khả phân ly, không ngừng được “nuôi nấng và chăm sóc” (Ep 5,29), đó cũng là Giáo Hội thanh sạch mà Đức Kitô muốn phải luôn kết hợp với Người và vâng phục Người trong tình yêu và trung tín (x. Ep 5,24), sau cùng, đó chính là Giáo Hội luôn được Đức Kitô tuôn đổ tràn đầy mọi ân huệ trên trời, để làm cho chúng ta hiểu được tình yêu của Thiên Chúa và của Đức Kitô đối với chúng ta, một tình yêu vượt trên mọi hiểu biết (x. Ep 3,19). Đang khi lữ hành trên mặt đất này còn cách xa Thiên Chúa (x. 2 Cr 5,6), Giáo Hội thấy mình như kẻ lưu đầy, nên luôn tìm kiếm và ao ước những sự trên trời, nơi Đức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa, nơi sự sống của Giáo Hội được ẩn dấu với Đức Kitô trong Thiên Chúa, chờ đợi ngày được xuất hiện cùng với Phu Quân trong vinh quang (x. Cl 3,1-4).

7. Con Thiên Chúa, kết hợp với bản tính nhân loại, khi đánh bại sự chết bằng chính cái chết và sự phục sinh của mình, đã cứu chuộc và biến đổi con người thành một thụ tạo mới (x. Gl 6,15; 2 Cr 5,17). Thật vậy, khi thông ban Chúa Thánh Thần, Người đã qui tụ các anh chị em của mình từ muôn dân tộc để thiết lập cách mầu nhiệm thân mình của Người.

Trong thân mình ấy, sự sống Đức Kitô được thông truyền cho những người tin, và nhờ các bí tích, họ thực sự được kết hợp cách mầu nhiệm với Đức Kitô khổ nạn và vinh hiển6. Nhờ phép Thánh tẩy, chúng ta được nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô: “Chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thánh Thần để trở nên một thân thể” (1 Cr 12,13). Nghi thức linh thánh ấy biểu tả và thực hiện sự thông dự vào cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô: “Chúng ta đã cùng được mai táng với Người nhờ phép rửa trong cái chết của Người, “; mà nếu “chúng ta đã hòa nhập với Đức Kitô nhờ đã chết giống như Người, thì chúng ta cũng sẽ được như thế nhờ sống lại như Người” (Rm 6,4-5). Khi thực sự thông phần vào Thân Mình của Chúa trong việc bẻ bánh Thánh Thể, chúng ta được đưa vào hiệp thông với Người và với nhau. “Vì chỉ có một tấm bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1 Cr 10,17). Bằng cách này tất cả chúng ta được trở nên những chi thể của Thân Mình Người (x. 1 Cr 12,27), “vì mỗi người đều là chi thể của nhau” (Rm 12,5).

Như tất cả các chi thể của thân thể, tuy nhiều, nhưng chỉ tạo thành một thân thể, thì các tín hữu trong Đức Kitô cũng vậy (x. 1 Cr 12,12). Trong việc xây dựng thân mình Đức Kitô, rất cần đến sự đa dạng của các chi thể và phận vụ. Chỉ có một Thần Khí duy nhất là Đấng ban những ân huệ khác nhau theo sự sung mãn của Người và tùy nhu cầu của các tác vụ vì ích lợi của Giáo Hội (x. 1 Cr 12,1-11). Trong số những ân huệ ấy, ân sủng ban cho các Tông đồ là trọng nhất: chính Chúa Thánh Thần đặt ngay cả những người lãnh nhận các đặc sủng dưới quyền của các ngài (x. 1 Cr 14). Chính Chúa Thánh Thần, khi làm cho toàn thân được hợp nhất nhờ chính Ngài, với sức mạnh của Ngài và do sự liên kết nội tại của các chi thể, cũng làm phát sinh và thôi thúc đức ái giữa các tín hữu. Vì thế, nếu một chi thể đau, tất cả các chi thể đều chịu đau chung; và nếu một chi thể được vinh dự, tất cả các chi thể khác cùng vui chung (x. 1 Cr 12,26).

Đầu của thân mình này, chính là Đức Kitô. Người là hình ảnh Thiên Chúa vô hình và trong Người mọi vật được tạo thành. Người có trước mọi loài thụ tạo và mọi sự đều tồn tại trong Người. Người là đầu của thân mình là Giáo Hội. Người là khởi nguyên, là trưởng tử giữa các kẻ đã chết, để trong mọi sự Người đứng hàng đầu (x. Cl 1,15-18). Người cai trị mọi loài trên trời dưới đất bằng quyền lực lớn lao và đã dùng sự toàn thiện và hành động cao vời mà đổ đầy toàn thân vinh quang sung mãn của Người (x. Ep 1,18-23)7.

Mọi chi thể phải nên giống Đức Kitô cho đến khi Người được hình thành trong họ (x. Gl 4,19). Vì thế, khi đã nên giống như Người, đã chết và sống lại với Người, chúng ta được tiếp nhận vào các mầu nhiệm của sự sống nơi Người, cho đến khi chúng ta cùng hiển trị với Người (x. Pl 3,21; 2 Tm 2,11; Ep 2,6; Cl 2,12; vv.). Khi đang lữ hành trên trần gian, khi bước theo lối đường Người đi trong đau thương và bách hại, chúng ta kết hợp với những đau khổ của Người như thân thể kết hợp với đầu, cùng chịu thương khó với Người để được vinh hiển với Người (x. Rm 8,17).

Nhờ Người, “toàn thân, do được kiến tạo và liên kết với nhau nhờ các đường gân khớp nối, được tăng trưởng nhờ chính Thiên Chúa” (Cl 2,19). Trong thân thể Người là Giáo Hội, Người luôn trao ban các thừa tác vụ, nhờ đó, chúng ta phục vụ nhau để đạt tới ơn cứu độ nhờ quyền năng của Người, để khi thực thi chân lý trong lòng mến, chúng ta tăng trưởng về mọi phương diện trong Đấng là Đầu của chúng ta (x. Ep 4,11-16: bản Hy Lạp).

Để chúng ta được canh tân liên lỉ trong Người (x. Ep 4,23), Người đã thông ban cho chúng ta Thần Khí của Người, cùng một Thần Khí duy nhất đó hiện diện nơi Đầu cũng như trong các chi thể, ban sự sống, hợp nhất và tạo chuyển động cho toàn thân, đến độ các thánh Giáo phụ đã so sánh hoạt động của Ngài với những gì mà linh hồn, nguyên lý sự sống, thực hiện nơi thân xác con người8.

Đức Kitô yêu thương Giáo Hội như hiền thê mình, và trở nên gương mẫu cho người chồng yêu vợ như chính bản thân (x. Ep 5,25-28); Giáo Hội vẫn luôn phục tùng Đầu của mình (Ep 5, 23-24). “Thật vậy, nơi Người, tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể” (Cl 2,9), nên Người đổ tràn ân huệ thần linh trên Giáo Hội là thân thể và là sự viên mãn của Người (x. Ep 1,22-23) để Giáo Hội tăng trưởng và đạt tới sự viên mãn của Thiên Chúa (x. Ep 3,19).



8. Đức Kitô, Đấng Trung Gian duy nhất, đã thiết lập và không ngừng nâng đỡ Giáo Hội thánh thiện của Người nơi trần gian, một cộng đoàn đầy niềm tin, cậy, mến, như một cơ cấu hữu hình9, nhờ đó Người thông truyền chân lý và ân sủng cho mọi người. Nhưng Giáo Hội vừa là cộng đồng được tổ chức theo cơ chế phẩm trật, vừa là Nhiệm Thể Đức Kitô, là đoàn thể hữu hình và cũng là cộng đoàn thiêng liêng, là Giáo Hội tại thế đồng thời cũng là Giáo Hội dư tràn của cải trên trời, dù vậy, không được nhìn Giáo Hội như hai thực thể, nhưng đúng hơn, tất cả chỉ làm nên một thực tại đa phức, được kết thành từ yếu tố nhân loại và thần linh10. Vì thế, theo cách thức loại suy vẫn được công nhận, Giáo Hội được sánh ví với mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể. Thật vậy, như nhân tính được Ngôi Lời Thiên Chúa tiếp nhận trong sự kết hợp bất khả chia lìa đã trở nên một cơ năng sống động của ơn cứu độ, thì cũng thế, cơ cấu xã hội hữu hình của Giáo Hội phục vụ Thần Khí Đức Kitô, Đấng tác sinh Giáo Hội, trong việc làm cho thân mình được tăng trưởng (x. Ep 4,16)11.

Chỉ có một Giáo Hội của Đức Kitô mà chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính là duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền12, Giáo Hội mà Đấng Cứu Độ chúng ta, sau khi sống lại, đã ủy thác cho Phêrô chăn dắt (Ga 21,17), đồng thời cũng trao cho Phêrô và các Tông đồ khác nhiệm vụ truyền bá và cai quản Giáo Hội (x. Mt 28,18tt.), và Người cũng thiết lập Giáo Hội nên như “cột trụ và điểm tựa của chân lý” đến muôn đời (x. 1 Tm 3,15). Giáo Hội ấy được tổ chức như một cộng đồng xã hội trên trần gian, được bảo toàn trong Giáo Hội Công Giáo, được cai quản bởi Đấng kế vị thánh Phêrô và các Giám mục hiệp thông với ngài13, mặc dù nhiều nhân tố của ơn thánh hoá và chân lý có thể tìm thấy bên ngoài Giáo Hội tại thế, nhưng những nhân tố ấy, như là ân huệ dành riêng cho Giáo Hội Đức Kitô, đang thúc bách tiến tới sự hợp nhất công giáo.

Như Đức Kitô đã thực hiện công trình cứu chuộc trong khó nghèo và bách hại, Giáo Hội cũng được mời gọi đi theo cùng một lối đường để thông ban cho nhân loại hoa trái của ơn cứu độ. Đức Giêsu Kitô “vốn là Thiên Chúa nhưng đã tự huỷ chính mình, nhận lấy thân nô lệ” (Pl 2,6-7), và “vốn giàu sang phú quý, nhưng đã trở nên nghèo khó” vì chúng ta (1 Cr 8,9): cũng thế, tuy cần đến những nguồn tài lực nhân loại để thực thi sứ mệnh, Giáo Hội được thiết lập không phải để tìm kiếm vinh quang trần thế, nhưng để trở nên gương mẫu biểu dương sự khiêm nhường và từ bỏ. Đức Kitô được Chúa Cha sai đến “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn,... cứu chữa các tâm hồn đau khổ” (Lc 4,18), “tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10): tương tự như thế, Giáo Hội yêu thương ôm ấp tất cả những ai đang sầu khổ trong thân phận khốn cùng của kiếp nhân sinh; hơn nữa, Giáo Hội nhận ra nơi những kẻ nghèo khó và đau khổ hình ảnh Đấng Sáng Lập nghèo khó và khổ đau của mình, cố gắng làm giảm bớt nỗi khổ của họ và nỗ lực phục vụ Đức Kitô trong họ. Nhưng nếu Đức Kitô là Đấng “thánh thiện, vẹn toàn, không tì ố” (Dt 7,26), không hề phạm tội (x. 2 Cr 5,21), chỉ đến để đền tội cho dân (x. Dt 2,17), thì Giáo Hội lại luôn có những tội nhân, vừa thánh thiện vừa luôn cần được thanh tẩy, nên không ngừng bước theo con đường sám hối và canh tân.

“Tiến bước trên đường lữ hành giữa những bách hại của thế gian và những an ủi của Thiên Chúa”14, Giáo Hội loan báo Thập Giá và cái chết của Chúa cho đến khi Người đến (x. 1 Cr 11,26). Nhưng được củng cố nhờ quyền lực của Chúa Phục sinh, với sự kiên nhẫn và tình yêu thương, Giáo Hội vượt thắng các khổ nhọc và khó khăn bên trong cũng như bên ngoài, để trung thành tỏ lộ cho thế giới mầu nhiệm của Đức Kitô, hiện vẫn đang còn bị che khuất, cho đến lúc được biểu lộ dưới ánh sáng vẹn toàn.

CHƯƠNG II
DÂN THIÊN CHÚA

9. Vào mọi thời và trong mọi dân tộc, bất kỳ ai kính sợ Thiên Chúa và thực thi đức chính trực đều được Người tiếp nhận (x. Cv 10,35). Tuy nhiên, Thiên Chúa muốn thánh hoá và cứu độ con người không như những cá nhân riêng rẽ không chút liên đới với nhau, nhưng Ngài muốn làm cho họ thành một dân tộc để họ nhận biết Ngài trong chân lý và phụng sự Ngài trong thánh thiện. Vì thế, Ngài đã chọn dân Israel làm dân riêng, đã thiết lập giao ước, dạy bảo họ dần dần bằng cách bày tỏ chính mình và ý định của mình qua lịch sử và thánh hoá họ để dành riêng cho mình. Tuy nhiên, tất cả những điều ấy chỉ là chuẩn bị và là hình bóng của giao ước mới và hoàn hảo sẽ được ký kết trong Đức Kitô, và của mạc khải trọn vẹn do chính Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể mang đến. “Đây lời Chúa phán, này sẽ đến những ngày Ta lập với nhà Israel và nhà Giuđa một giao ước mới... Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng lề luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng còn chúng sẽ là dân Ta... Vì tất cả chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ nhận biết Ta” (Gr 31,31-34). Đức Kitô đã thiết lập giao ước mới trong máu Người (x. 1 Cr 11,25), Người kêu gọi đoàn người gồm cả Do thái và dân ngoại để họ nên một, không phải theo huyết nhục nhưng là trong Thần Khí, và đây chính là Dân mới của Thiên Chúa. Thật vậy, những ai tin kính Đức Kitô, những người được tái sinh không phải bởi mầm mống hư nát, nhưng bất diệt nhờ Lời Thiên Chúa hằng sống (x. 1 Pr 1,23), không phải bởi xác thịt nhưng bởi nước và Thánh Thần (x. Ga 3,5-6), nay được thiết lập nên “giống nòi được tuyển chọn, hàng tư tế vương giả, dân tộc thánh, những người xưa chưa phải là một dân, nay đã là dân của Thiên Chúa (1 Pr 2,9-10).

Dân thiên sai này có vị thủ lãnh là Đức Kitô, “Đấng đã bị trao nộp vì tội lỗi chúng ta và đã sống lại để chúng ta được nên công chính” (Rm 4,25), và giờ đây Người nhận một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, và đang hiển trị trên trời. Phận vị của dân này là phẩm giá và tự do của con cái Thiên Chúa, và Thánh Thần ngự trong tâm hồn họ như trong đền thờ. Luật của họ là giới răn mới: yêu thương như chính Đức Kitô đã yêu thương chúng ta (x. Ga 13,34). Cùng đích của họ là Nước Thiên Chúa đã được chính Thiên Chúa khởi sự trên trần thế, và phải được trải rộng hơn nữa cho tới khi được nên hoàn tất vào lúc tận cùng thời gian, khi Đức Kitô, sự sống của chúng ta xuất hiện (x. Cl 3,4), và “cả mọi tạo vật cũng sẽ được giải thoát khỏi tình trạng hư nát, được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang” (Rm 8,21). Vì thế, chính dân tộc thiên sai ấy, tuy chưa thực sự bao gồm toàn thể nhân loại và thậm chí chỉ là một đoàn chiên nhỏ, lại chính là hạt mầm đầy năng lực của sự hợp nhất, của niềm hy vọng và ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại. Được Đức Kitô thiết lập để đi vào hiệp thông sự sống, bác ái và chân lý, dân tộc này cũng được Người sử dụng như khí cụ để cứu chuộc mọi người, và được sai đi vào thế giới như ánh sáng trần gian và muối đất (x. Mt 5,13-16).

Như đoàn dân Israel theo huyết nhục, vào những ngày còn đi trong sa mạc, đã được gọi là Giáo Hội của Thiên Chúa (x. Esd 13,1; Ds 20,4; Đnl 23,1tt), cũng vậy, dân Israel mới, đang tiến bước trong thời đại này tìm về thành đô tương lai bất diệt (x. Dt 13,14) cũng được gọi là Giáo Hội Đức Kitô (x. Mt 16,18), vì chính Đức Kitô đã chuộc lấy Giáo Hội bằng máu mình (x. Cv 20,28), đã đổ tràn Thần Khí của Người trên Giáo Hội, đã trao ban cho Giáo Hội các phương thế thích hợp cho sự hợp nhất của một cộng đoàn hữu hình. Thiên Chúa qui tụ tất cả những ai trọn niềm tin kính tìm đến Đức Kitô là tác giả của ơn cứu rỗi và là nguồn mạch sự hợp nhất và bình an, và thiết lập họ thành Giáo Hội để trở nên bí tích hữu hình của sự hợp nhất mang lại ơn cứu rỗi cho mọi người và từng người15. Bởi được đặt định trải rộng khắp trái đất, nên Giáo Hội hoà mình vào lịch sử nhân loại, trong khi vẫn siêu việt trên tất cả giới hạn thời gian và ranh giới chủng tộc. Tiến bước qua các thử thách và bách hại, Giáo Hội được kiện cường nhờ sức mạnh của ơn Chúa đã được hứa ban để, cho dù với xác thịt yếu hèn, Giáo Hội vẫn không đánh mất sự trung tín hoàn toàn, nhưng vẫn luôn là Hiền Thê xứng đáng của Chúa, và không ngừng canh tân chính mình dưới tác động của Thánh Thần cho đến khi qua Thập Giá đạt đến ánh sáng không hề tắt.



tải về 0.62 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8   9




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương