Lời Than Trách (= Impropères) Trong tiếng La tinh, improperium có nghĩa là lời than trách. Bài thán ca là lời than trách thống thiết của Ðức Kitô đối với dân đã phụ bạc Người. Trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh



tải về 0.56 Mb.
trang1/6
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích0.56 Mb.
#30023
  1   2   3   4   5   6
Lời Than Trách

(= Impropères)

Trong tiếng La tinh, improperium có nghĩa là lời than trách. Bài thán ca là lời than trách thống thiết của Ðức Kitô đối với dân đã phụ bạc Người. Trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh, cộng đoàn hát bài ca này đang khi tôn thờ Thánh Giá. Cứ mỗi ân huệ Thiên Chúa ban cho dân trong cuộc Xuất Hành xưa, lại được đối chiếu với một cảnh tượng của cuộc khổ nạn. Ðể đền tạ, cộng đoàn lặp lại nhiều lần câu điệp khúc tung hô bằng tiếng Hy Lạp là Hagios o Theos (Ôi Thiên Chúa chí thánh).
Lửa

(= Feu)


Ðêm canh thức Phục Sinh bắt đầu bằng nghi thức làm phép lửa, lửa đó sẽ dùng để thắp sáng cây nến Phục Sinh. Trong Tin Mừng, Ðức Giêsu tuyên bố Người đến đốt lên một ngọn lửa trên trần gian (Lc 12,49). Chỉ mình Người mới có thể làm phép rửa trong Thánh Thần và trong lửa (Mt 3,11). Dầu sao, người ta không nhấn mạnh ý nghĩa biểu tượng của lửa vì chính nó, nhưng vì ánh sáng mà lửa làm phát sinh một cách sống động. Thực vậy, lời nguyện làm phép lửa mở đầu như sau: "Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, nhờ Con Chúa là ánh sáng thế gian, Chúa đã ban cho nhân loại ánh sáng từ ánh sáng của Ngài. Xin thương chúc lành cho ngọn lửa này đang chiếu sáng trong đêm tối". Ngọn lửa mới tượng trưng Chúa Kitô phục sinh, là ánh sáng bừng lên từ đêm tối, nhưng cây nến phục sinh sẽ là biểu tượng của Chúa Kitô phục sinh một cách lâu bền hơn.

Trong phần lớn những cử hành phụng vụ của Hội Thánh, người ta thắp những cây nến, ngầm nói lên sự lan truyền của ngọn lửa tình yêu Thiên Chúa trong Chúa Thánh Thần và của sự sống Chúa Kitô phục sinh, ánh sáng thế gian.



Lưu Trữ


(= Réserve)

Trong tiếng La tinh, servare có nghĩa là giữ lại và tiếp đầu ngữ re có tác dụng nhấn mạnh. Của lưu trữ thánh là Thánh Thể được cất giữ trong nhà tạm.



M


Ma-Ri-A

(= Marie)

Do hoàn toàn chấp nhận công trình của Thiên Chúa nơi mình và nơi Người Con, Ðức Maria là khuôn mẫu trọn hảo về việc chúng ta tham dự vào phụng vụ. Người đã bước vào vinh quang kể từ khi được đưa lên trời và các cử hành của chúng ta nối kết chúng ta với Người, vì phụng vụ ở dưới đất đã tham dự vào phụng vụ trên trời (xc. Phụng vụ).

Trong một năm phụng vụ, có các lễ kính Ðức Mẹ như sau:

- 08/12 : Ðức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, lễ trọng.

- 01/01 : Ðức Maria Thánh Mẫu Thiên Chúa, lễ trọng.

- 11/02 : Ðức Mẹ Lộ Ðức, lễ nhớ tự do.

- 25/03 : Ðức Mẹ được Truyền Tin, lễ trọng.

- 31/05 : Ðức Mẹ thăm viếng, lễ kính.

- Thứ Bảy, tuần thứ ba sau lễ Hiện Xuống : Trái Tim Vẹn Sạch Ðức Mẹ, lễ nhớ tự do.

- 16/07 : Ðức Mẹ núi Carmelo, lễ nhớ tự do.

- 05/08 : Cung Hiến Vương Cung Thánh Ðường Ðức Bà Cả ở Rôma, lễ nhớ tự do.

- 15/08 : Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, lễ trọng.

- 22/08 : Ðức Trinh Nữ Maria Nữ Vương, lễ nhớ.

- 08/09 : Sinh Nhật Ðức Mẹ, lễ kính.

- 15/09 : Ðức Mẹ Sầu Bi, lễ nhớ.

- 07/10 : Ðức Mẹ Mân Côi, lễ nhớ.

- 21/11 : Ðức Mẹ Dâng Mình Trong Ðền Thờ, lễ nhớ.

Theo truyền thống, ngày thứ Bảy được dâng kính Ðức Mẹ; khi ngày này không phải là lễ trọng, lễ kính hoặc lễ nhớ bắt buộc thì có thể cử hành lễ nhớ về Ðức Mẹ (xc. Tôn kính).
Ma-Rô-Nít (Nghi Thức)

(= Maronite)

xc. Các Nhóm Phụng Vụ
Màn Che Bàn Thờ

(= Cibonium)

Trong tiếng La tinh, từ cibonium có cùng nguyên ngữ với tiếng bình thánh (ciboire). Trong các vương cung thánh đường cổ, bàn thờ được che phủ bằng một tấm màn đồ sộ. Tại vương cung thánh đường thánh Phêrô ở Rôma và vương cung thánh đường thánh Phaolô ngoại thành, tấm màn che là để tôn kính ngôi mộ của hai vị Tông Ðồ diễm phúc, đặt bên dưới bàn thờ, là nơi người ta gọi là nơi tuyên xưng, tức là nơi tử đạo, nơi các ngài tuyên xưng đức tin.
Màn Che Phía Trước Bàn Thờ

(= Antependium)

Ðây là một tấm màn hay một tấm thảm quí treo trước bàn thờ thường xuyên hoặc vào các dịp lễ. Ðây là một thói quen cổ xưa (ít là từ thế kỷ VII). Ðối với một số bàn thờ tạm thời, khăn che phía trước bàn thờ không chỉ có tính cách trang trí mà còn là yếu tố cần thiết: đó là một tấm vải thô quí giá trải trên một giàn bằng gỗ.
Màu Sắc

(= Couleurs)

Phụng vụ là việc tôn thờ hoàn hảo dâng lên Thiên Chúa của mọi thụ tạo, vì thế, sử dụng màu sắc trong các cuộc lễ là thành phần trọn vẹn của việc phục vụ Thiên Chúa. Việc lựa chọn và thay đổi màu sắc tùy thuộc rất nhiều vào thời đại và địa phương. Ngày nay vẫn như vậy.

Ở Tây Phương, các màu trong phụng vụ là: trắng, đỏ, xanh, tím, đen và hồng, như được kể trong Qui Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (số 308). Qui chế này cũng dành cho các hội đồng giám mục chuẩn y các phong tục địa phương hay thích nghi những Qui Chế Tổng Quát. Ðôi khi, một số địa phương sử dụng màu vàng trong các lễ trọng, và màu xanh cho Ðức Trinh Nữ Maria.

Trong các cuộc cử hành trọng thể, cũng có thể trang hoàng những màu sắc đẹp đẽ, dù nó không phải là màu của ngày hôm đó.
Mặt Nguyệt

(= Lunule / Lunette)

Là một cái gọng hình tròn, có nắp, bằng kim loại vàng hoặc bạc, có hai mặt bằng thủy tinh, trong đó đặt Mình Thánh để trưng bày trong mặt nhật. Mặt nguyệt có Mình Thánh được lưu giữ tại nhà tạm, trong một cái hộp.
Mặt Nhật

(= Ostensoire)

Tiếng La tinh ostensor có nghĩa là người chỉ cho thấy; bởi động từ ostendere (chỉ, trỏ). Mặt nhật dùng đựng mặt nguyệt có Mình Thánh để trưng bày cho tín hữu thờ kính. Mặt nhật gồm có một chân đế và phía bên trên được trang trí bằng vàng hay bạc, ở giữa đựng Mình Thánh. Thường thường, kiểu trang trí này diễn tả các tia sáng mặt trời.
Mầu Nhiệm Và Các Mầu Nhiệm

(= Mystère)

Tiếng Hy Lạp musterion có nghĩa là phương tiện và đối tượng của sự khai tâm. Hạn từ Hy Lạp nguyên thủy chỉ các nghi thức ít nhiều bí mật và nhờ đó người ta được dẫn tới một tôn giáo, và đi vào tương quan với thần linh. Khi các tôn giáo thần bí Ðông Phương dần dần mang dấu vết văn hóa Hy Lạp, thì hạn từ này nhằm diễn tả đối tượng của một nhận thức đòi phải được khai tâm. Ðó là vấn đề tri thức hóa việc khai tâm, chủ yếu là thực hành các nghi thức; nói cách khác, các huyền thoại đã thay chỗ cho các nghi thức.

Ý niệm của Kinh Thánh về "Mầu Nhiệm" dường như độc lập với ý niệm của Hy Lạp mà chúng ta vừa xác định. "Mầu nhiệm" là bí mật trong ý định cứu độ của Thiên Chúa (xc. Ðn 2,18.19.27-30), được cưu mang bởi sự khôn ngoan của Thiên Chúa từ đời đời (Lc 2,1.7; Rm 16,25) diễn ra trong lịch sử cứu độ và thực hiện cách chính yếu trong hy tế của Ðức Kitô. "Mầu nhiệm Vượt Qua" tập trung toàn bộ "mầu nhiệm". Các Tông Ðồ đã lãnh nhận sứ vụ bày tỏ trọn vẹn mầu nhiệm Ðức Kitô; đặc biệt đối với vấn đề này thánh Phaolô đã ý thức đón nhận được một ân sủng riêng, người viết cho tín hữu Êphêsô: "Nếu quả thật anh em đã được nghe biết về kế hoạch ân sủng mà Thiên Chúa ủy thác cho tôi, liên quan đến anh em. Người đã mặc khải để tôi được biết mầu nhiệm Ðức Kitô" (52,2.3 và cả chương; xc. 1,9; Cl 1,26-27).

Tiếp theo ông Philon thành Alexandrie (khoảng năm 13 trước Chúa Giáng Sinh và năm 54 sau Chúa Giáng Sinh), các giáo phụ đã đem quan niệm Hy Lạp về mầu nhiệm - đối tượng tri thức có được do sự khai tâm - đến gần với quan niệm của thánh Phaolô về "Mầu Nhiệm": thánh nhân tỏ bày toàn bộ kế hoạch cứu độ cho các tín hữu, như Kinh Thánh đã mạc khải.

Khoảng cuối thế kỷ thứ IV, các giáo phụ đem thuật ngữ học nguyên thủy về Mầu Nhiệm nơi dân ngoại, áp dụng vào các nghi thức bí tích của Hội Thánh: các tín hữu được tháp nhập vào "mầu nhiệm" nhờ việc cử hành các Mầu Nhiệm. Nên lưu ý rằng tiếng La tinh sacramentum được dịch từ tiếng Hy Lạp musterion. Giáo lý dự tòng cũng góp phần vào việc chấp nhận toàn bộ từ ngữ này và đã được sử dụng rộng rãi trong các sách bí tích và trong toàn bộ ngôn ngữ phụng vụ. Ðiển hình là lời nguyện hiệp lễ của Chúa Nhật 25 thường niên:

"Lạy Chúa, Ngài luôn luôn trợ giúp những kẻ Ngài đã nuôi dưỡng bằng các bí tích của Ngài, để trong các mầu nhiệm này và qua tất cả đời sống của họ, họ có thể thâu lượm được các hoa trái của ơn cứu độ".

Như vậy, các "mầu nhiệm" thuộc bí tích là những tác động của Thiên Chúa và con người đảm nhận lấy toàn bộ cuộc sống chúng ta trong kế hoạch yêu thương đã được Chúa Cha cưu mang từ đời đời, được thực hiện một lần cho mãi mãi trong mầu nhiệm Vượt Qua của Ðức Kitô và diễn ra trong không gian và thời gian nhờ hành động của Chúa Thánh Thần.

Các "mầu nhiệm" phụng vụ luôn luôn cử hành mầu nhiệm Vượt Qua duy nhất và hiện thực hóa mầu nhiệm này bằng nhiều cách thức khác nhau (xc. Hy tế, Bí tích, Phụ tích). Người ta đã tranh luận dài dòng vấn đề thần học về dạng thức hiện diện của mầu nhiệm Vượt Qua trong các "mầu nhiệm", hay là sự "hiện diện mầu nhiệm". Nếu trước hết người ta nhận thấy trong phụng vụ, hành động của Thiên Chúa gồm tóm trong đời sống dân Giáo Ước, thì vấn đề đã sáng tỏ nhiều rồi: người ta không còn tự hỏi các hành vi của con người làm sao lại có thể "chứa đựng" điều linh thánh, vì đó chính là hành động của Thiên Chúa, Ðấng kêu gọi và hoàn tất những tác động của con người được thực hành trong phụng vụ. Thật vậy, chính trong phụng vụ, một cách chính thức và chủ yếu, để cho Chúa Cha và nhờ Thánh Thần hứa ban, Ðức Kitô đã thâu tóm Hội Thánh này để ca ngợi vinh quang Thiên Chúa (xc. 1,9-14) (xc. Lịch sử cứu độ; Giao ước; Phụng vụ).
Mê-Si-a

(= Messie)

(xc. Ki-Tô)
Mình Máu Thánh Chúa (Lễ)

(= Fête - Dieu)

Là lễ trọng mừng kính bí tích Thánh Thể - Mình Máu Chúa Kitô. Lễ này được cử hành vào thứ Năm hay Chúa Nhật tiếp sau lễ trọng mừng Chúa Ba Ngôi.

(= Crécelle)

Theo gốc tiếng La tinh crépitacillum là một loại phách tạo nên một âm thanh khô khan và lặp đi lặp lại (do động từ crépitare: tạo nên một loạt tiếng động khô khan). Trong thực tế, mõ là một dấu hiệu kêu vang, gây ra những tiếng động ngắn ngủi, mõ được sử dụng thay chuông từ thánh lễ chiều thứ Năm Tuần Thánh đến đêm vọng Phục Sinh.
Mô Thức

(= Forme)

Trong ngôn ngữ thần học bí tích, mô thức là một trong hai yếu tố chính làm nên một bí tích: công thức mang lại cho dấu chỉ khả giác một ý nghĩa nhất định. Chẳng hạn, bí tích Thánh Tẩy là việc "dìm xuống nước kèm theo lời đọc" (Ep 5,26), một sự nhận chìm hay rảy nước có thể có nhiều ý nghĩa; công thức Thánh Tẩy cất đi mọi hàm hồ cho nghi thức, nhưng nếu tách rời ra, nó chỉ là một lời không có nền tảng. Mô thức và chất thể đều cần thiết trong các bí tích, công thức và nghi lễ bổ túc cho nhau. Trong bí tích Thánh Thể, mô thức là những lời truyền phép (thánh hiến), chất thể là bánh và rượu; trong bí tích Truyền Chức, mô thức là lời nguyện thánh hiến, chất thể là việc đặt tay. Các bí tích khác cũng theo cách tương tự (xc. Chất thể).
Mở Ra (Nghi Thức)

(= Ephpheta)

Từ araméen có nghĩa là hãy mở ra. Từ ngữ này được lấy từ việc Chúa chữa lành người câm điếc trong Tin Mừng (Mc 7,34) đưa vào nghi thức cử hành bí tích Thánh Tẩy. Sau khi rửa tội một trẻ nhỏ, vị chủ sự chạm vào tai và miệng đứa bé và đọc: "Nguyện xin Chúa Giêsu, Ðấng làm cho kẻ điếc được nghe, kẻ câm được nói, ban cho con sớm có thể đón nghe Lời Người và tuyên xưng đức tin để con ca tụng vinh quang Chúa Cha".

Nghi thức mở ra là một trong những nghi thức cuối cùng trong toàn bộ nghi thức đưa dẫn một người trưởng thành tiến dần tới bí tích Thánh Tẩy. Nghi thức này có thể được thực hiện trong chính ngày được Thánh Tẩy, ngay trước khi rửa tội. Vị chủ sự lấy ngón tay cái chạm vào tai và miệng người dự tòng và nói: "Ephpheta! Hãy mở ra! Hãy dùng miệng mà tuyên xưng đức tin đã lãnh nhận nhờ nghe loan báo".


Mũ Giám Mục

(= Mitre)

Tiếng Hy Lạp Mitra có nghĩa là dây lưng, dải băng, mũ. Theo các lễ nghi Cựu Ước, vị thượng tế và các tư tế mang một dải khăn, phía trước có kết một bông hoa bằng vàng, là dấu chỉ thánh hiến (xc. Xh 39,28.30-31; Lv 8,8). Phong tục Kitô giáo cũng chấp nhận việc các tư tế đội mũ, nhưng chỉ dành riêng cho các giám mục, ngoại trừ ở Ác-mê-ni thì dành cho cả linh mục. Khó mà vẽ lại hình ảnh mũ giám mục thời đầu Kitô giáo bao gồm: dải băng quấn đầu, hay mũ trùm đầu, kèm thêm một khăn mỏng (giống như mũ các chức sắc ở Ðông Phương), một tấm kim khí là dấu hiệu của tư tế, một vòng cuốn quanh đầu có đính một viên ngọc quí, v.v... Từ thời trung cổ, dần dần hình thành kiểu mũ giám mục như hiện nay: Tấm kim khí nặng nề và lạnh lẽo được thay thế bằng một dải khăn vấn đều có trang trí, thắt lại phía đằng sau đầu bằng một sợi dây dài, sau đó sợi dây này trở thành hai dải rủ xuống đằng sau mũ; còn tấm khăn mỏng, lúc đầu rất rộng, về sau thâu bớt lại rồi vén lên trên vòng cuốn, phân ra hai phía; sau cùng, dải khăn vấn đầu nhô lên phía trước và sau, thành nơi chính để trang hoàng, trong khi đó tấm khăn mỏng thu gọn lại chỉ còn đủ che đỉnh đầu.

Loại mũ này dành riêng cho giám mục và viện phụ, thường đi liền với gậy (xc. Phù hiệu giám mục). Một số giám chức, dù không phải là giám mục hay viện phụ, đôi khi cũng được đặc ân đội mũ này.


Mũ Sọ

(= Calotte)

Tiếng La tinh calva có nghĩa là sọ, hộp sọ. Một loại mũ hình tròn đội trên đỉnh đầu. Mũ sọ là dấu chỉ chức vị trong Hội Thánh, cùng màu với áo chức: giám mục đội mũ tím, hồng y đội mũ đỏ, giáo hoàng đội mũ trắng.
Mùa Chay

(= Carême)

Danh từ thu gọn của từ quadragessima (dies): là khoảng thời gian "tứ tuần" hay 40 ngày trước lễ Phục Sinh. Mùa Chay là mùa chuẩn bị cho việc cử hành mầu nhiệm Vượt Qua hằng năm, được ghi dấu bằng việc sám hối và kêu gọi hối cải. Mùa Chay kéo dài 40 ngày: ông Môsê và ông Êlia đã chuẩn bị trong vòng 40 ngày trước khi diện kiến Giavê (Xh 24,18; 1V 11,8); chính Chúa Giêsu đã phải chiến đấu 40 ngày với satan (Mt 4,2). Hội thánh không thực hành việc sám hối trong ngày Chúa nhật, vì là ngày cử hành mầu nhiệm Phục Sinh hằng tuần, kể cả trong Mùa Chay; chính vì thế, để bù lại những Chúa Nhật đó, Hội Thánh khởi đầu việc chay tịnh của Mùa Chay kể từ thứ Tư Lễ Tro, tức là thứ Tư liền trước Chúa Nhật I Mùa Chay.

Thứ Tư Lễ Tro và thứ Sáu Tuần Thánh là hai ngày chay tịnh buộc theo giáo luật: các tín hữu trưởng thành và khỏe mạnh đều phải giữ luật ăn chay. Ngoài hai ngày chay buộc nói trên, tùy theo sự thúc đẩy của Thánh Thần, các tín hữu dâng lên Thiên Chúa những sự khổ chế tự nguyện.

Trong Mùa Chay, dùng phẩm phục màu tím, trừ Chúa Nhật Leatare (Chúa Nhật thứ IV Mùa Chay, Chúa Nhật Mừng Vui Lên) (xc. Laetare), có thể dùng phẩm phục màu hồng. Không nên chưng hoa trên bàn thờ hoặc trong nhà thờ và cũng không đệm đàn khi hát. Ðể kêu gọi hoán cải, có thể đề xuất những dấu chỉ khác để bổ túc hoặc thay thế cho những cách thực hành sám hối truyền thống của phụng vụ.
Mùa Phụng Vụ

(= Temps)

Là thời khoảng dài ngắn hơn kém trong năm phụng vụ làm nổi bật tính cách đặc biệt mỗi mùa. Theo thứ tự, ta có thể kể: Mùa Vọng, Mùa Giáng Sinh, Mùa Hiển Linh, vài tuần lễ Mùa Thương Niên, Mùa Chay, Mùa Phục Sinh, và thời gian dài nhất của Mùa Thường Niên (xc. Phần các mùa).
Mùa Vọng

(= Avent)

Tiếng La tinh adventus có nghĩa là đến. Mùa Vọng là mùa phụng vụ để chuẩn bị ráo riết cho việc Chúa đến, bắt đầu từ Chúa Nhật thứ tư trước lễ Giáng Sinh. Mùa Vọng sử dụng phẩm phục màu tím, nổi bật nhờ sự sám hối mang tính cách vui tươi. Thông thường người ta không đệm đàn khi hát phụng vụ và không chưng hoa.

Mùa Vọng cử hành ba lần Chúa đến: Giáng Sinh tại Bêlem trong quá khứ, đang ngự đến tâm hồn bằng ân sủng và sẽ trở lại trong vinh quang vào thời cánh chung. Ngay từ khởi đầu năm phụng vụ, việc đối chiếu với quá khứ, hiện tại, tương lai, vốn thuộc cơ cấu của phụng vụ tại thế, đã được biểu lộ rõ rệt (xc. Tưởng niệm).

Năm phụng vụ này chuyển sang năm phụng vụ khác một cách tự nhiên. Những Chúa Nhật cuối cùng của mùa Thường Niên chuẩn bị cho việc Chúa quang lâm và cuộc chung thẩm, cao điểm là lễ Chúa Kitô Vua. Giai đoạn đầu Mùa Vọng chủ yếu đề cập đến sự xuất hiện sau cùng của Chúa Kitô (tương lai). Kể từ ngày 17/12, bắt đầu tuần lễ chuẩn bị đặc biệt cho lễ Giáng Sinh, chú trọng nhiều hơn đến việc tưởng niệm mầu nhiệm Nhập Thể và Giáng Sinh của Ðấng Cứu Thế (quá khứ), nhờ đó, chúng ta có thể tiếp nhận ân sủng cứu độ dồi dào hơn (hiện tại). Như vậy, phụng vụ hiện thực hóa quá khứ trong hiện tại, nhằm đặt nền cho tương lai: phụng vụ thực hiện điều đó với một nghệ thuật toàn hảo, biểu hiện sự sung mãn mà phụng vụ vốn có.
Mục Tử

(= Pasteur)

Tiếng La tinh pasteur có nghĩa là người chăn cừu. Trong các sách phụng vụ, phần chung các thánh lãnh đạo được dùng cho các thánh giám mục, linh mục, là những vị hướng dẫn tín hữu đến quê trời, qua việc nuôi dưỡng họ bằng bánh Lời Chúa và Mình Chúa.
Muối

(= Sel)


Muối là chất liệu dùng để chế biến và bảo quản thức ăn, muối cũng là thành phần trong các của lễ thuộc phụng vụ Cựu Ước. Sách Lêvi truyền dạy: "Ngươi phải bỏ muối vào mọi lễ phẩm người dâng tiến, ngươi không được để lễ phẩm các ngươi thiếu muối của Giao Ước Thiên Chúa ngươi, ngươi phải dâng muối cùng với mọi lễ tiến của ngươi" (2,13; Xh 16,4; 2V 2,20; Ds 18,19). Muối làm cho việc thiêu các của lễ hiến tế được mau hơn. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu so sánh các môn đệ với muối: vai trò của môn đệ là làm cho thế giới trở nên hợp "khẩu vị" của Thiên Chúa, điều đó giả thiết họ không thể nhạt đi được (Mt 5,13). Trong phụng vụ, muối chỉ được dùng trong nghi thức làm phép nước thánh, nhưng chỉ là tùy ý. Ðể làm phép muối, trước khi bỏ muối vào trong nước, linh mục đọc công thức gợi lại một giai đoạn trong những lần ngôn sứ Êlisêô đã đổ muối vào nước (2V 2,19-22). Muối hòa với nước là biểu tượng sự hiện diện sống động của Thánh Thần khôn ngoan.
Muôn Lạy Chúa (Thánh Ca)

(= Nunc dimittis)

Những từ đầu tiên trong bài ca của cụ Ximêon, được đọc mỗi ngày trong giờ Kinh Tối. Bài ca tạ ơn vắn tắt này, do thánh Luca thuật lại (Lc 2,29-32), là một lối diễn tả đặc biệt để bày tỏ lòng tri ân, sự bình an và niềm hy vọng. "Muôn lạy Chúa, giờ đây...", bài ca đó được long trọng hát lên trong cuộc rước kiệu ngày 2 tháng 3, lễ dâng Chúa Giêsu vào Ðền Thờ.

N


Nào Vui Lên

(= Gaudete)

Ðó là từ La tinh đầu tiên trong bài ca nhập lễ của Chúa Nhật III Mùa Vọng. Chúa Nhật này được coi như một bước tạm dừng giữa Mùa Vọng và như một sự tham dự trước hạn vào niềm vui của lễ Giáng Sinh. Ðể làm nổi bật ý nghĩa của ngày đó, người ta có thể dùng lễ phục màu hồng, chơi đàn đại phong cầm, và có thể trang hoàng bông hoa trong thánh đường. Chúa Nhật IV Mùa Chay cũng mang ý nghĩa trên.
Năm Phụng Vụ

(= Année liturgique)

Là chu kỳ các cử hành phụng vụ hằng năm của Hội Thánh. Phân chia thành các mùa phụng vụ và phần phụng vụ chư thánh. Phần phụng vụ chư thánh bao gồm tất cả lễ các thánh có ghi trong lịch của Hội Thánh toàn cầu, không qui định các lễ riêng của các Hội Thánh địa phương. Nhưng các thánh chỉ phụ thuộc vào công trình trung tâm phụng vụ, tức là diễn tiến trải dài suốt năm của mầu nhiệm cứu độ do Chúa Kitô thực hiện. Phần phụng vụ theo mùa gồm hai chu kỳ Giáng Sinh và Phục Sinh, xen giữa hai chu kỳ này là 34 tuần của mùa Thường Niên.

Chu kỳ Giáng Sinh gồm thời gian chuẩn bị gọi là mùa Vọng; lễ Giáng Sinh và liền sau đó là mùa Giáng Sinh; lễ Hiển Linh và "thời gian" của lễ này kéo dài đến lễ Chúa Chịu Phép Rửa. Lễ Chúa Chịu Phép Rửa luôn được cử hành vào Chúa Nhật và kết thúc chu kỳ Giáng Sinh; kể từ thứ hai liền sau đó, bắt đầu tuần thứ 1 mùa Thường Niên, mùa này tạm gián đoạn từ thứ Tư lễ Tro để bước vào chu kỳ Phục Sinh.

Chu kỳ Phục Sinh gồm thời gian chuẩn bị gọi là Mùa Chay; Tuần Thánh với cao điểm là Tam Nhật Vượt Qua (từ chiều thứ Năm Tuần Thánh đến Chúa Nhật Phục Sinh). Sau đó là mùa Phục Sinh, trong đó có lễ Thăng Thiên, 40 ngày sau lễ Phục Sinh, và 10 ngày sau lễ Thăng Thiên là lễ Hiện Xuống, kết thúc chu kỳ Phục Sinh. Ngay hôm sau lại tiếp tục mùa Thường Niên.

Chúa Nhật liền sau lễ Hiện Xuống là lễ Chúa Ba Ngôi, lễ trọng; thứ Năm hay Chúa Nhật sau lễ Ba ngôi, Hội Thánh cử hành lễ trọng kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu được ấn định vào thứ Sáu tiếp sau Chúa Nhật thứ II, kể từ lễ Ngũ Tuần. Sau cùng, Chúa Nhật 34 mùa Thường Niên và cũng là Chúa Nhật cuối cùng của năm phụng vụ dành để cử hành lễ Chúa Kitô Vua, lễ trọng.


Nâng Lên

(= Elécation)

Cử chỉ của linh mục khi nâng Bánh và Chén thánh sau khi đọc lời truyền phép: đây chỉ là việc nâng Mình và Máu Thánh lên cho giáo hữu thờ lạy. Cử chỉ khi đọc Per Ipsum cũng được nâng lên. Thực vậy, khi đó linh mục nâng một lần cả đĩa và chén thánh, trong một cử chỉ hiến dâng của lễ, và đọc lời kết thúc lễ Tạ Ơn.

Theo ý nghĩa phụng vụ, cử chỉ nâng lên khi đọc Per Ipsum thì tầm quan trọng hơn cử chỉ nâng lên sau khi Truyền Phép.


Nến (Sáp)

(= Cierge)

Tiếng La tinh cira có nghĩa là sáp. Careus hoặc trong tiếng La tinh bình dân cergium là một ngọn lửa đốt từ một cái bấc được nhúng nhiều lần vào sáp, hoặc trong một chất liệu nào khác có thể đốt cháy được. Ban đầu, các cây nến được sử dụng để soi sáng cho những công việc trần tục, hoặc những hành vi trong nghi thức. Về sau, người ta vẫn giữ lại các ngọn nến ngay cả khi không cần đến ánh sáng - chẳng hạn khi cử hành các nghi lễ vào ban ngày - nhằm mục đích biểu tượng: gợi lại Ánh Sáng là chính Ngôi Lời Nhập Thể (xc. Ga 1,4-9; 8,12; 9,5). Trong thời kỳ người ta ưa thích các bữa ăn tối có đốt nến, vì ánh sáng của các ngọn nến mang lại một bầu khí thân mật ấm áp, thì thật là đáng tiếc nếu các cuộc cử hành phụng vụ không sử dụng tới tính cách biểu tượng của ngọn nến.

Bên cạnh bàn thờ, hay ngay trên bàn thờ, người ta đặt từ hai đến sáu ngọn nến có chân. Người cầm nến cao là những người mang nến sáng, đi đầu trong các cuộc rước và khi đọc bài Tin Mừng. Khi cung hiến nhà thờ, người ta đốt một ngọn nến trước mỗi lần trong 12 lần ghi dấu thánh giá để thánh hiến, sau khi xức dầu thánh. Trong các giờ kinh thần vụ, trong ngày giáp năm cung hiến, nhà thờ đó đốt lại 12 ngọn nến cháy sáng.

Sau các nghi thức Thánh Tẩy, người mới lãnh bí tích nhận một cây nến lấy lửa từ nến Phục Sinh; vị chủ tế nói với người đó: "Hãy nhận lấy ánh sáng của Chúa Kitô". Ðược trở nên "con của ánh sáng", họ phải bước đi trong ánh sáng và phải cầm đèn cháy sáng đón Chúa Kitô trở lại. Khi thanh tẩy một trẻ nhỏ, vị chủ tế tuyên bố với người cha, người đỡ đầu hoặc với một trong các phần tử của gia đình cầm một cây nến đến châm lửa từ nến Phục Sinh: "Ánh sáng này được trao phó cho quí vị, là cha mẹ, những người đỡ đầu, hãy cố gắng giữ lấy nó..." Như vậy, đối với các người chịu Thánh Tẩy, nến là biểu tượng cho chính sự sống của họ trong Ðức Kitô Phục Sinh.
Nến (Chân)

(= Chandelier)

Giá đỡ dùng để cắm các cây nến. Người ta dùng hai chân nến, mỗi chân có sáu ngọn để trên bàn thờ hoặc xung quanh bàn thờ; khi để xung quanh, các chân nến phải cao ít là một mét. Trong ngày giáp năm cung hiến, người ta đặt các chân nến trước các thập giá thánh hiến nhà thờ.

Trong giờ Kinh Ðêm và Kinh Sáng, vào các ngày thứ Sáu và thứ Bảy Tuần Thánh, có thể dùng một chân nến lớn hình tam giác mang ba ngọn nến. Sau mỗi thánh vịnh lại tắt một ngọn: cuối giờ Kinh Sáng, chỉ còn lại một ngọn nến cháy. Ðây là biểu tượng việc Ðức Kitô trở nên trần trụi, sự "hóa ra không" của Người; ngọn nến cuối cùng là dấu chỉ niềm hy vọng ở tận đáy sâu sự hạ mình mà người Tôi Tớ đau khổ cảm nhận được.

Chân nến phục sinh được dùng để cắm nến Phục Sinh, biểu tượng cho Ðức Kitô Phục Sinh; chân nến phục sinh thường có dáng cao, được trang trí và đặt trong cung thánh từ đêm Vọng Phục Sinh cho đến chiều lễ Ngũ Tuần.
Nến (Lễ)

(= Chandeleur)

Ðây là tên gọi bình dân của ngày lễ 2 tháng 2: lễ Dâng Chúa vào Ðền Thờ. Trong lễ này, người ta làm phép nến - từ đó có tên gọi lễ Nến - để gợi lại lời cụ già Ximêon đã nói trong bài Nunc Dimittis:

"Muôn lạy Chúa

giờ đây theo lời Ngài đã hứa,

Xin để tôi tớ này

Ðược an bình ra đi

Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ

Chúa đã dành sẵn cho muôn dân

Ðó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,

là vinh quang của Israel dân Ngài (Lc 2,29-32).

Sau khi làm phép là cuộc rước dưới ánh sáng những cây nến, dẫn đưa cộng đoàn đến nhà thờ hoặc kêu gọi cộng đoàn trở lại nhà thờ: cuộc rước này tượng trưng cho cuộc gặp gỡ của các "con cái ánh sáng" (Lc 16,8) với Chúa là "Ánh sáng muôn dân".

Các tín hữu có thói quen mang về nhà những cây nến đã được làm phép. Theo phong tục, người ta sẽ đốt những cây nến đó bên cạnh những người chết để tỏ dấu hy vọng ánh sáng vĩnh cửu.
Nến Cao (Người Cầm)

(= Cénoféraire)

Gốc tiếng Hy Lạp keros: sáp và động từ Phéréin: mang. Thường là hai thầy giúp lễ mang nến cao, họ dẫn đầu đoàn rước, có thầy mang bình hương đi trước hoặc đi sau, tượng trưng cho ánh sáng Ðức Kitô mang đến và được lan tỏa nhờ các cuộc lễ. Các người giúp lễ cũng mang nến cao theo thầy phó tế hoặc linh mục khi đọc Tin Mừng. Tin Mừng là ánh sáng cho lòng trí.
Nến Phục Sinh

(= Cierge pascale)

Nghi thức về nến phục sinh, khai mạc cho đêm canh thức Vượt Qua trọng thể, là do biến chuyển từ nghi thức Do Thái. Nghi thức này gồm phần chính yếu là việc đốt các ngọn đèn vào lúc đêm xuống, khởi đầu ngày sabát; nghi thức này đã trở thành Kinh Lên Ðèn trong Kitô giáo: người ta thực hiện nghi thức này vào giờ Kinh Chiều, khi hát bài Phôs Ilaron ("Hỡi ánh sáng ngàn đời rực rỡ"), một bài thánh thi được tôn trọng trong những thế kỷ đầu.

Khởi đầu đêm thánh nhất trong mọi đêm, đêm canh thức dài nhất của năm phụng vụ, Hội thánh đã cử hành nghi thức "lên đèn": gốc tích nến Phục Sinh và là ca tụng, tức bài công bố Tin Mừng Phục Sinh, đã có ít là từ thế kỷ thứ IV.

Sau khi làm phép lửa mới, vị chủ sự vẽ dọc theo cây nến những biểu tượng như sau: một hình thánh giá, chữ Alpha và Ômêga (xc. Alpha), sau cùng là bốn con số của năm, vừa đọc những công thức có ghi sẵn trong sách lễ. Chủ sự cắm năm hạt hương cháy đỏ vào cây nến, làm nổi bật hình thánh giá đã vẽ, biểu tượng cho năm dấu thương tích vinh quang của Chúa Kitô trong cuộc khổ nạn. Người ta lấy lửa mới châm vào nến Phục Sinh và thầy phó tế cầm nến dẫn đầu đoàn rước tiến vào trong thánh đường còn tối; thầy sẽ dừng lại ba lần để tung hô: "Ánh sáng Chúa Kitô". Sau khi xin vị chủ sự ban phép lành - giống như khi đọc Tin Mừng - và xông hương nến Phục Sinh, thầy phó tế sẽ hát bài công bố Tin Mừng Phục Sinh, đây là một bài thi ca cổ xưa tóm tắt niềm vui Phục Sinh.
Nước

(= Eau)


Nước là một yếu tố gần gũi và cần thiết đối với đời sống con người; nước luôn luôn có nhiều ý nghĩa biểu tượng. Theo các học thuyết cổ xưa nhất về sự khai sáng vũ trụ, thì nước là yếu tố phát sinh vũ trụ, nước không thể phục vụ đời sống nếu không được Hơi Thở (Thần Khí) của Thiên Chúa ban sinh lực (St 1,2). Tự nó, nước sẽ đưa mọi vật đến cái chết và chìm vào trong sự hỗn mang nguyên sơ (hồng thủy và biển). Là một biểu tượng lưỡng diện, nước vừa nói lên sự chết lẫn sự sống, vừa thanh tẩy lẫn thánh hóa.

Trong các lễ nghi tôn giáo, nhiều nghi thức tẩy rửa và rảy nước trước hết mang một ý nghĩ tiêu cực, tức là giải thoát khỏi những lỗi lầm hoặc những nhơ uế làm cho ta không được thanh sạch để cử hành phụng vụ (xc. Ed 36,25): nước trong các nghi lễ là để tẩy trừ khỏi nhơ uế. Là nguyên lý sự sống, nước cũng là biểu tượng sự sinh sản hay tái sinh. Như vậy, nước mang lại sự sống (Ed 47,1-12; xc. Kh 22,1-2).

Các nghi thức phụng vụ chỉ sinh hiệu quả nếu chúng chuyển tải được tác động của chính Thiên Chúa. Phép Rửa bằng nước chỉ đóng vai trò chuẩn bị đối với phép rửa bằng Nước và Thánh Thần (xc. Ga 3,5; 1,33). Một khi đã được chất chứa nguồn sinh lực của Thánh Thần (St 1,2), nước gắn liền với Thánh Thần và trở thành biểu tượng đặc biệt của Thánh Thần. Nước chính thức được thánh hóa khi Ðức Giêsu chịu phép rửa trong sông Giođan, như vậy, nước trở thành "nước trường sinh", là "Ân huệ của Thiên Chúa", tức là Thánh Thần (Ga 4,10). Chỉ có Thánh Thần Ðấng ở trung tâm sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa (Ga 4,14), mới có thể làm trào vọt lên đến sự sống đời đời. "Những dòng nước hằng sống" sẽ chỉ tuôn trào vào lúc Ðức Kitô được "tôn vinh" trên Thập Giá (7,37-39): chính vào giờ của Người, sau khi đã trao phó Thánh Thần, Ðức Giêsu mới làm tuôn trào nước và máu từ trái tim bị đâm thủng của Người, đó là những biểu tượng sống động của các bí tích được quyền năng Chúa Thánh Thần tác động (19,34; xc. Ga 5,6-8).

Ðược dìm vào trong sự chết và sự sống của Ðức Kitô nhờ bí tích Thánh Tẩy, con cái Thiên Chúa lãnh nhận những bảo chứng của Thánh Thần làm cho họ được no thỏa (1Cr 12,13) trong khi chờ đợi đến ngày được dìm vào trong dòng nước trường sinh là chính Thiên Chúa (Kh 22,1).

Ðể có một cái nhìn cô đọng về ý nghĩa biểu tượng nước, ta có thể suy niệm về các công thức làm phép nước rửa tội, nước thánh (đêm canh thức Phục Sinh) trong sách lễ Rôma. Ta có thể ghi nhận rằng nước xét nguyên nó, không phải là bí tích: phép Thánh Tẩy hệ tại việc "dìm vào trong nước kèm theo lời đọc" (Ep 5,26).

Nước thánh là một phụ tích: trong bí tích Thánh Tẩy, người ta rảy hoặc đổ nước; khi được rảy nước thánh trong đêm canh thức vọng Phục Sinh, sau phần lập lại lời hứa rửa tội, hay trong thánh lễ Chúa Nhật, các tín hữu nhớ bí tích Thánh Tẩy mình đã lãnh nhận. Cũng vậy, khi sử dụng nước thánh, các tín hữu làm sống lại nơi mình những hiệu quả của bí tích Thánh Tẩy, cho tương xứng với đức tin của mình.

Việc rảy nước thánh trên thi hài của một tín hữu còn là một sự nhắc nhở bí tích Thánh Tẩy người đó đã lãnh nhận. Linh mục sử dụng nước thánh trong nhiều nghi thức làm phép: nước thánh thanh tẩy và mang lại sức sống cho những vật được làm phép. Trong Thánh Lễ, việc linh mục pha nước vào rượu khi chuẩn bị lễ vật, phù hợp với phong tục rót rượu của người Do Thái xưa trong những bữa tiệc mà chính trong khung cảnh này, Ðức Giêsu đã thiết lập bí tích Thánh Thể. Hành vi này có nhiều ý nghĩa biểu tượng: nhắc nhở việc kết hiệp giữa hai bản tính Thiên Chúa và nhân loại trong Ngôi Lời Nhập Thể; nhắc nhở nước và máu chảy ra từ cạnh sườn Chúa Kitô khi Người chịu chết trên thập giá; sau cùng, việc đó diễn tả việc các tín hữu liên kết với hy lễ và sự sống của Ðức Kitô, Ðấng cứu độ.
Nước Thánh (Bình)

(= Bénitier)

Là bình đựng nước đã làm phép. Có loại cố định, gắn ở cửa nhà thờ để tín hữu dùng, cũng có loại khác nhỏ hơn và xách tay được: loại này có quai xách và một cây rảy nước, dùng trong các nghi thức rảy nước thánh do phụng vụ qui định.
Nước Thánh (Cây Rảy)

(= Goupillon)

Cây rảy nước thánh là một cán nhỏ bằng kim loại, một đầu phình ra giống như một cái cầu nhỏ, rỗng và có đục nhiều lỗ, dùng để rảy nước thánh. Loại cây rảy này đi cùng một bộ với bình nước thánh xách tay, và được cắm trong bình.
Nước Thánh (Rảy)

Trong tiếng La tinh aspersio gốc bởi động từ adspagere: đổ tràn trên, chảy về phía; như vậy, từ này có nghĩa là việc đổ một chất lỏng hoặc rắc tro bụi trên một người hay một vật. Trong phụng vụ, từ này thường chỉ việc rảy nước trên một người hay trên vật để thanh tẩy.

Việc rảy nước chủ yếu trong phép Thánh Tẩy: chủ sự dội nước ba lần trên đầu người được rửa tội; đó là cách thức rửa tội thông thường, còn gọi là "đổ nước", mặc dù việc rửa tội bằng cách dìm xuống vốn cổ xưa và mang nhiều ý nghĩa hơn. Cử chỉ này vừa hàm ý thụ nhân đã được tẩy rửa, vừa mang ý nghĩa tiếp nhận một nguyên lý sống, nguồn sống của Thiên Chúa. Bất kỳ việc rảy nước nào cũng mang hai công hiệu: tích cực và tiêu cực.

Trong đêm Vọng Phục Sinh, sau khi cộng đoàn tuyên xưng lại lời hứa Thánh Tẩy, chủ tế long trọng rảy nước thánh trên cộng đoàn, "để nhớ lại Phép Rửa". Nghi thức này cũng được cử hành vào mỗi Chúa Nhật, lúc bắt đầu thánh lễ.

Khi chấm nước thánh để làm dấu Thánh Giá, người tín hữu cầu xin Chúa giải thoát mình khỏi sự dữ và đổ đầy ân sủng của Người xuống. Các nghi thức rảy nước trong việc cử hành các phụ tích cũng mang cùng một ý nghĩa đó: nghi thức này nhằm tẩy sạch tình trạng lây nhiễm sự dữ ra khỏi vật được rảy nước thánh, đồng thời làm cho những vật ấy trở nên thích hợp với công việc thánh.

Ðôi khi việc rảy nước đi kèm với việc xông hương: sau khi được thanh tẩy và thấm nhuần ân sủng, các vật ấy có thể được tôn kính như là có liên hệ với Thiên Chúa. Trong các đan viện, nghi thức rảy nước thánh cuối giờ Kinh Tối vừa là một cử chỉ thanh tẩy sau một ngày làm việc, vừa có ý diễn tả sự chở che, gìn giữ lúc đêm về (xc. Tẩy rửa; Ðổ nước; Phép Rửa vắn tắt).



Ng


Ngai

(= Cathèdre / Trône)

Gốc tiếng Hy Lạp kathèdra: tòa, ghế. Trong ngôn ngữ phụng vụ, từ này chỉ ngai của giám mục, tức là chiếc ghế giám mục ngồi để chủ tọa một cuộc cử hành phụng vụ. Trong các nhà thờ cổ, ngai được đặt ở giữa tòa nhà, phía trong cùng của hậu cung nhà thờ.

Ngai đức giám mục là biểu tượng quyền giáo huấn. Thông thường, chính từ ngai của mình mà đức giám mục ngỏ lời với dân chúng. Ðức Kitô cũng như các kinh sư Do Thái, có thói quen ngồi giảng dạy (xc. Mt 55,12; 13,1.2). Chẳng phải là trong tư thế "ngồi bên hữu Chúa Cha" mà Ðức Giêsu chủ tọa phụng vụ vĩnh cửu diễn ra trước nhan Người dó sao? (Tv 109,1; Mt 26,64; Cv 2,34; 7,55-56; Kh 4,3tt; 5,6tt; 22,1).

Ngai chính thức của đức giám mục được đặt trong nhà thờ chính tòa, nhưng mỗi nhà thờ trong địa phận đều thường xuyên dành sẵn một ngai cho giám mục, điều này nhắc ta nhớ rằng không thể có một cuộc cử hành phụng vụ nào, không có một lời giáo huấn nào mà không hiệp thông với vị giám mục, mà linh mục là các cộng sự viên của người: "Chỉ được coi là chính đáng bí tích Thánh Thể nào được cử hành dưới sự chủ tọa của đức giám mục hay của vị được người ủy thác trách nhiệm. Ở đâu có giám mục, ở đấy có cộng đoàn, cũng như ở đâu có Chúa Giêsu Kitô, ở đấy có Hội Thánh Công Giáo" (thánh Inhaxiô thành Antiôkia, thư gửi người Miếc-na 8,1-2).
Ngày Trong Tuần

(= Férie)

Tiếng La tinh feriae có nghĩa là những ngày dành để nghỉ ngơi và mừng lễ. Trong ngôn ngữ phụng vụ của Hội Thánh, người ta gọi feriae là ngày trong tuần: Chúa Nhật là ngày thứ nhất, thứ Hai là ngày thứ hai, và cứ như vậy cho tới ngày thứ Sáu; thứ Bảy gọi là ngày sabát". Cách gọi tên như thế hàm ý mỗi ngày phụng vụ đều là ngày lễ: như vậy, phải chăng chúng lại không là khung cho chu kỳ thường nhật đó sao?

Mặt khác, người ta còn gọi ngày trong tuần là ngày không có lễ trọng, lễ kính hay lễ nhớ buộc.


Nghệ Thuật

(= Art)


Tiếng La tinh ars có nghĩa là sự khéo léo, tài nghệ, sự thành thạo. Nguyên thủy, nghệ thuật là một tài khéo thuộc phạm vi thực hành; đó là đặc điểm của người thợ giỏi, làm việc có phương pháp và chính xác nhằm đạt được một tác phẩm hoàn mỹ. Sự mô tả này phù hợp với người thợ thủ công, còn người nghệ sĩ nhắm đến sự hoàn thiện, hay một vẻ thẩm mỹ trong lãnh vực mỹ thuật: kiến trúc, hội họa, chạm trổ, điêu khắc, âm nhạc. Với cả hai ý nghĩa trên, nghệ thuật chiếm một vị trí trong phụng vụ, là hành động dâng lên Thiên Chúa phần tinh hoa nhất của con người và tài năng của họ. Phần cuối của Phụng Vụ là hai chương bàn về thánh nhạc và nghệ thuật thánh (chương 6-7). Hơn bất cứ một công việc nào khác, công trình của Thiên Chúa đòi hỏi những ai có khả năng hoàn thiện phải làm hết sức mình.



tải về 0.56 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương