LỜi nóI ĐẦu tính cấp thiết của đề tài



tải về 73.31 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu19.08.2016
Kích73.31 Kb.
#23064




LỜI NÓI ĐẦU

1. Tính cấp thiết của đề tài

Trong xu hướng quốc tế hóa và toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài là một tất yếu khách quan. Việt Nam xây dựng, phát triển nền kinh tế từ một xuất phát điểm thấp và thiếu vốn. Vì vậy, nhu cầu vốn đầu tư nước ngoài trở nên cấp thiết để đẩy nhanh hơn tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Học tập kinh nghiệm của các nước công nghiệp phát triển đi trước. Việt Nam đã xây dựng mô hình “khu công nghiệp” để thu hút đầu tư nhằm thực hiện các mục tiêu đã đặt ra. Mô hình khu công nghiệp chính là nơi tập trung điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài, làm tăng tính hấp dẫn và khả năng cạnh tranh cho môi trường đầu tư Việt Nam.

Những năm vừa qua, Hà Nội đã chủ trương xây dựng đồng bộ các khu công nghiệp nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Hà Nội có năm khu công nghiệp tập trung là: Nội Bài, bắc Thăng Long, Sài Đồng B, Hà Nội – Đài Tư và khu công nghiêp nam Thăng Long. Các khu công nghiệp này nằm ở vị trí hết sức thuận lợi, là điểm hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Các công ty đa quốc gia đang hoạt động sản xuất trong các khu công nghiệp của Hà Nội như: Pentax, Orion – Hanel, Canon, Sumitormo, Toto…Các khu công nghiệp Hà Nội đã góp phần làm dịch chuyển cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động, phát triển các ngành dịch vụ và công nghiệp phụ trợ. Tính đến hết năm 2007 vốn đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp Hà Nội trên 2 tỷ USD. Tỷ lệ vốn thực hiện so với tổng vốn được đăng ký đầu tư là trên 60%.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được thì hoạt động thu hút và triển khai các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các khu công nghiệp Hà Nội đã bộc lộ một số khiếm khuyết. Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội với vai trò là cầu nối giữa nhà đầu tư với các cơ quan chủ quản chưa tích cực phối hợp với các đơn vị trong thành phố đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, môi trường đầu tư và kinh doanh, thủ tục hành chính “Một cửa, tại chỗ” chưa được cải cách triệt để, cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ, công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong các khu công nghiệp còn thiếu và chất lượng chưa cao, cơ cấu giá kinh doanh có sự khác nhau giữa các khu công nghiệp…khiến cho sự hấp dẫn, thu hút và triển khai các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các khu công nghiệp Hà Nội chưa đạt được hiệu quả như mong đợi. Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu đánh giá một cách sát thực hoạt động thu hút và triển khai các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các khu công nghiệp của Hà Nội, từ đó đề xuất những giải pháp hữu hiệu nhằm đẩy mạnh hoạt động này là việc làm hết sức cấp thiết. Chính vì vậy, tác giả đã chọn đề tài: “Tăng cường thu hút và triển khai dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các khu công nghiệp Hà Nội” để nghiên cứu trong luận văn của mình.

2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

2. 1. Mục đích nghiên cứu của đề tài

Đề xuất hệ thống các giải pháp nhằm tăng cường thu hút và triển khai các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài tại các khu công nghiệp Hà Nội.



2.2. Nhiệm vụ của đề tài

Để thực hiện được mục đích trên, luận văn cần phải thực hiện các nhiệm vụ sau:

Hệ thống hóa lý luận về đầu tư trực tiếp nước ngoài, khu công nghiệp, thu hút và triển khai các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu công nghiệp.

Phân tích, đánh giá thực trạng hoạt động thu hút và triển khai các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các khu công nghiệp Hà Nội, từ đó làm rõ những nguyên nhân dẫn đến những tồn tại trong hoạt động thu hút và triển khai các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các khu công nghiệp Hà Nội.

Đề xuất hệ thống các giải pháp nhằm tăng cường thu hút và triển khai các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các khu công nghiệp Hà Nội.



3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của luận văn là hoạt động thu hút và triển khai dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các khu công nghiệp (5 khu công nghiệp tập trung là: Nội Bài, bắc Thăng Long, Sài Đồng B, Hà Nội – Đài Tư và nam Thăng Long) thuộc Hà Nội cũ. Cụ thể luận văn sẽ nghiên cứu hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài ở giác độ thành phố và Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội từ khâu xúc tiến đầu tư đến khâu cấp Giấy chứng nhận đầu tư và đi vào triển khai dự án các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trong các khu công nghiệp Hà Nội.



Về thời gian: luận văn chỉ tập trung nghiên cứu về hoạt động thu hút và triển khai dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các khu công nghiệp Hà Nội từ năm 2001 (năm bắt đầu thực hiện chiến lược phát triển kinh tế Hà Nội giai đoạn 2001 – 2010) đến tháng 06 năm 2008 và đề xuất một số định hướng và giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động này từ nay đến năm 2015.

4. Phương pháp nghiên cứu

Để đạt được mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu, luận văn sử dụng đồng thời nhiều phương pháp nghiên cứu để luận giải các vấn đề lý luận và thực tiễn về thu hút và triển khai dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các khu công nghiệp Hà Nội, như phương pháp duy vật biện chứng, duy vật lịch sử, phương pháp tổng hợp, phân tích và so sánh. Ngoài ra, luận văn còn sử dụng các thông tin được công bố chính thức, gồm số liệu thống kê, các báo cáo tổng kết về đầu tư trực tiếp nước ngoài của Bộ kế hoạch và Đầu tư, sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội và và các tài liệu khác có liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài.



5. Kết cấu của luận văn

Ngoài phần mở đầu và kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và mục lục, luận văn được chia thành 03 chương:



Chương 1: Lý luận chung về thu hút, triển khai các dự án FDI và sự cần thiết phải tăng cường thu hút, triển khai các dự án FDI tại các KCN Hà Nội

Chương 2: Thực trạng thu hút và triển khai dự án FDI tại các KCN Hà Nội

Chương 3: Định hướng và một số giải pháp tăng cường thu hút, triển khai dự án FDI tại các KCN Hà Nội

6. Những nội dung chính của luận văn

Chương 1, luận văn đề cập đến những vấn đề lý luận về thu hút và triển khai dự án FDI tại các KCN; Chỉ ra sự cần thiết phải thu hút và triển khai dự án FDI vào các KCN Hà Nội.



6.1. Chương 1: Lý luận chung về thu hút, triển khai các dự án FDI và sự cần thiết phải tăng cường thu hút, triển khai các dự án FDI tại các KCN Hà Nội

KCN là khu chuyên sản xuất hàng công nghiệp và thực hiện các dịch vụ cho sản xuất hàng công nghiệp, có ranh giới địa lý xác định, được thành lập theo quy định của Chính phủ.

FDI là việc nhà ĐTNN đưa vào Việt Nam vốn bằng tiền và các tài sản hợp pháp khác để tiến hành hoạt động đầu tư tại Việt Nam.

Thu hút các dự án FDI vào KCN là một quá trình bao gồm nhiều hoạt động khác nhau và các quyết định nối tiếp nhau nhằm vận động và giúp đỡ các nhà ĐTNN ra quyết định và thực hiện đầu tư vào một KCN cụ thể của một quốc gia.

Dự án FDI là những dự án đầu tư do các tổ chức kinh tế và cá nhân ở nước ngoài tự mình hoặc cùng với tổ chức kinh tế hoặc cá nhân ở nước tiếp nhận đầu tư (từ đây gọi là nước sở tại) bỏ vốn đầu tư, trực tiếp quản lý và điều hành để thu lợi trong kinh doanh.

Những nội dung cơ bản của hoạt động thu hút các dự án FDI vào các KCN là: Xác định mục tiêu thu hút các dự án FDI vào các KCN; Hoàn thiện môi trường đầu tư trong KCN; Xúc tiến đầu tư nước ngoài vào các KCN; Thẩm tra hồ sơ và cấp GCNĐT cho các dự án FDI vào các KCN.

Các chỉ tiêu đánh giá hoạt động thu hút FDI vào KCN như: Tỷ lệ lấp đầy KCN; Số lượng dự án và vốn đầu tư của các dự án FDI được cấp GCNĐT trong KCN; Vốn bình quân 1 dự án FDI trong KCN.

Triển khai dự án FDI là quá trình các nhà quản trị tiến hành giao dịch với các cơ quan quản lý nước sở tại và thực hiện các công việc cụ thể để biến các dự kiến trong dự án khả thi thành hiện thực, nhằm đưa các dự án đã được cấp GCNĐT vào xây dựng và hoạt động.

Những nội dung hoạt động triển khai dự án FDI vào KCN như: Thành lập bộ máy quản trị dự án FDI; Thực hiện các thủ tục hành chính; Góp vốn và thực hiện đầu tư cho dự án; Tuyển dụng lao động cho dự án; Nghiệm thu và bàn giao công trình để đưa vào sản xuất kinh doanh theo dự kiến.

Các chỉ tiêu đánh giá hoạt động triển khai dự án FDI vào KCN là: Mức độ hoàn thành các công việc trong giai đoạn triển khai dự án FDI; Tỷ lệ VTH so với VĐK của dự án FDI; Tỷ lệ dự án giải thể.

Thu hút và triển khai các dự án FDI vào các KCN Hà Nội là vì: Hà Nội có cơ sở hạ tầng tương đối tốt so với nhiều địa phương khác trong cả nước nên Hà Nội là nơi hấp dẫn các nhà ĐTNN; Góp phần phát triển công nghệ trong các ngành kinh tế của Thủ đô; Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Hà Nội theo hướng nâng cao tỷ trọng của công nghiệp, dịch vụ trong cơ cấu kinh tế; Các doanh nghiệp FDI đã góp phần tạo việc làm cho bộ phận lao động của Hà Nội; FDI là cầu nối cho các doanh nghiệp Hà Nội hội xâm nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới.

Từ những lý do ở trên, có thể thấy rằng tăng cường thu hút và triển khai dự án FDI vào các KCN Hà Nội hiện nay là rất cấp thiết.

Chương 2, luận văn sẽ xem xét thực trạng thu hút và triển khai dự án FDI vào các KCN Hà Nội. Trên cơ sở phân tích thực trạng thu hút và triển khai dự án FDI vào các KCN Hà Nội trong thời gian qua, luận văn rút ra những ưu điểm, tồn tại trong thu hút và triển khai các dự án FDI vào các KCN Hà Nội và nguyên nhân của các tồn tại đó làm cơ sở để đề xuất các giải pháp ở chương 3.

6.2. Chương 2: Thực trạng thu hút và triển khai dự án FDI tại các KCN Hà Nội

Nội dung hoạt động thu hút FDI vào các KCN Hà Nội

Xác định mục tiêu thu hút FDI vào các KCN Hà Nội

Tư năm 2000, Ban quản lý KCN và chế xuất đã xác định mục tiêu thu hút FDI vào các KCN Hà Nội là: Các tập đoàn lớn, sản xuất với hàm lượng chất xám cao, kỹ thuật hiện đại, công nghệ sạch và đảm bảo điều kiện về môi trường.



Hoàn thiện môi trường đầu tư trong các KCN Hà Nội

Ban quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội đã thành lập “Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính” chính thức hoạt động từ ngày 02 tháng 01 năm 2004. Việc tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính và trả kết quả cho nhà ĐTNN được thực hiện đúng quy trình, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà ĐTNN, tuy nhiên vẫn còn một số trường hợp giải quyết chậm, chưa đúng hẹn.



Tăng cường xúc tiến đầu tư nước ngoài vào các KCN Hà Nội

Ban quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội thực hiện các cuộc tiếp xúc với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để giới thiệu những chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào các KCN; Quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Báo chí, đài phát thanh, đang xây dựng trang Web về thế mạnh và hoạt động của các KCN và chế xuất ở Hà Nội. Mặt khác, tăng cường tiếp xúc với các tổ chức nước ngoài, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… để trao đổi, học tập kinh nghiệm vận động thu hút đầu tư trong và ngoài nước; đề xuất với thành phố các giải pháp tháo gỡ kịp thời những khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động tại các KCN.



Thẩm tra hồ sơ và cấp GCNĐT cho các dự án FDI vào các KCN

Ban quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội được Thủ tướng chính phủ quyết định thành lập để quản lý các KCN và chế xuất trên địa bàn. Ban quản lý hoạt động theo cơ chế “Một cửa, tại chỗ”, giải quyết nhanh các thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư vào KCN.



Kết quả thu hút FDI vào các KCN Hà Nội

Cơ cấu thu hút FDI theo ngành sản phẩm: Tổng VĐK vào ngành điện tử là cao nhất chiếm đến 55,7% (đạt 551.986.041 USD), tiếp đến là ngành sản phẩm cơ khí với lượng VĐK chiếm 27,2% (đạt 269.441.258 USD). Ngành may mặc da giầy có VĐK thấp nhất chỉ có 2.948.293 USD (chiếm 0,3%).

Cơ cấu thu hút FDI theo hình thức đầu tư: Hình thức 100% vốn ĐTNN có số dự án rất lớn với 119 dự án (chiếm 90,8%) với VĐK là 278,45 triệu USD (chiếm 28,09%). Hình thức liên doanh với 12 dự án (chiếm 9,2 %) với VĐK là 771,51 triệu USD (chiếm 71,91%).

Cơ cấu thu hút FDI theo đối tác đầu tư: Tính đến tháng 6 năm 2008, các KCN Hà Nội đã thu hút được các nhà ĐTNN đến từ 12 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đứng đầu là Nhật Bản với số dự án là 59 (chiếm 45,04% tổng số dự án) với VĐK là 559,78 triệu USD (chiếm gần 56,48%). Đầu tư của Hoa Kỳ, các nước Châu Âu còn ít.

Cơ cấu thu hút FDI theo các KCN: KCN Thăng Long có 66 dự án, chiếm 50,4%, VĐK là 604.073.463 USD. KCN Sài Đồng B có 28 dự án chiếm 21,3%, VĐK là 289.587.213 USD và có tỷ lệ lấp đầy là 100%. Các KCN Nội Bài và Hà Nội – Đài Tư có số dự án và VĐK thấp.

Tình hình thực hiện vốn đầu tư của các dự án FDI tại các KCN Hà Nội

Tình hình thực hiện VĐT phân theo hình thức đầu tư: Hình thức DNLD, có số VTH đạt 181,64 triệu USD, chiếm 27,15% tổng số VTH trong các KCN của Hà Nội giai đoạn 2001 đến tháng 06 năm 2008; TLGN đạt 68,5%, cao hơn TLGN của cả nước (TLGN của Việt Nam đạt 58,3%). Hình thức DN 100% vốn ĐTNN, có số dự án lớn, với 119 dự án, gấp 9,9 lần số dự án theo hình thức DNLD, TLGN cao đạt 68,5%.

Tình hình thực hiện VĐT phân theo ngành sản phẩm: Trong tổng số 669,02 triệu USD VTH của các dự án FDI trong các KCN Hà Nội thì TLGN của tất cả các ngành sản phẩm đều ở mức cao trên 65%.

Tình hình thực hiện VĐT phân theo KCN: Đến nay, các KCN tập trung của Hà Nội đều có dự án FDI triển khai thực hiện với TLGN cao. VTH là kết quả giải ngân của VĐK nên VTH tập trung ở các KCN có tỷ lệ lấp đầy cao như KCN Sài Đồng B và Nội Bài. KCN nam Thăng Long nên số dự án thu hút vào đây vẫn còn ít, tỷ lệ lấp đầy chưa cao bằng các KCN khác và vì vậy VTH cũng không nhiều.

Tình hình giải thể trước thời hạn của các dự án FDI tại các KCN Hà Nội

Tính đến tháng 06 năm 2008, các KCN trên địa bàn Hà Nội có 19 dự án bị giải thể trước thời hạn với số VĐK là 30,02 triệu USD, chiếm khoảng 14,5% số dự án trong tổng số dự án của các KCN Hà Nội. Như vậy, bình quân cứ 7 dự án FDI được cấp phép thì có 1 dự án bị giải thể, đây là tỷ lệ trung bình. Số VTH của các dự án FDI bị giải thể chiếm khoảng 14% tổng VTH của cả KCN và khoảng 16% VTH của các dự án còn hiệu lực.



Cơ cấu dự án FDI bị giải thể phân theo hình thức đầu tư: Hình thức DNLD, với 11 dự án và 21,37 triệu USD, VĐK bị giải thể trước thời hạn, chiếm 58% tổng số dự án bị giải thể và 71% VĐK bị giải thể trước thời hạn của các KCN tập trung Hà Nội. Hình thức DN 100% vốn ĐTNN có tỷ lệ giải thể trước thời hạn thấp hơn, chỉ có 8 dự án và hơn 8,65 triệu USD.

Cơ cấu dự án FDI bị giải thể phân theo ngành sản phẩm: Các ngành công nghiệp như, ngành sản phẩm cơ khí, vật liệu xây dựng và dịch vụ công nghiệp có số dự án bị giải thể trước thời hạn nhiều nhất là vì sản phẩm trong các ngành này chịu nhiều sự tác động của thị hiếu khách hàng, môi trường đầu tư quốc tế.

Cơ cấu dự án FDI bị giải thể phân theo đối tác đầu tư: Phần lớn FDI vào các KCN Hà Nội trong thời gian qua từ các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực Châu Á, như: Trung Quốc có 6 dự án, chiếm 31% tổng số dự án bị giải thể trước thời hạn, Hàn Quốc có 2 dự án, chiếm 11%...

Đánh giá về tình hình thu hút và triển khai các dự án FDI vào các KCN Hà Nội

Những ưu điểm trong thu hút và triển khai các dự án FDI tại các KCN Hà Nội

Trong thu hút các dự án FDI: Hoạt động thu hút FDI vào các KCN Hà Nội đạt kết quả tốt hơn các dự án FDI ở bên ngoài KCN về tốc độ thu hút và QMBQ 1 dự án.

Với hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có và những chính sách ưu đãi nổi trội, cơ chế quản lý đặc biệt, thủ tục đầu tư đơn giản thuận tiện, sức thu hút FDI vào các KCN Hà Nội là khá lớn.

Cơ cấu thu hút FDI vào các KCN Hà Nội ngày càng phù hợp với yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thủ đô Hà Nội. Các dự án FDI tập trung vào những ngành đòi hỏi trình độ lao động tay nghề cao, trình độ công nghệ hiện đại.

Các dự án FDI thu hút vào các KCN Hà Nội phần lớn là trong ngành công nghiệp nhẹ, lắp ráp điện tử, công nghiệp thực phẩm và được đánh giá là có trang thiết bị và trình độ công nghệ ở mức tiên tiến so với trình độ chung của cả nước.

Hoạt động hỗ trợ xúc tiến đầu tư vào các KCN của Thành phố, Ban quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội đang ngày càng hoàn thiện, bước đầu đáp ứng được nhu cầu thu hút FDI vào các KCN, đã làm tốt chức năng quản lý nhà nước theo cơ chế ủy quyền, cơ chế “Một cửa, tại chỗ”.

Trong triển khai các dự án FDI: Số lượng các dự án FDI đi vào triển khai thực hiện ngày càng nhiều, VTH về cơ bản đều tăng qua các năm. Tất cả các KCN trên địa bàn Thành phố đều đã có dự án FDI triển khai thực hiện.

Tỷ lệ giải ngân so với VĐK mới ở các KCN Hà Nội luôn duy trì ở mức cao từ năm 2001 đến nay. VĐK bổ sung của các dự án FDI đang hoạt động liên tục tăng trong suốt giai đoạn này và luôn chiếm tỷ lệ cao so với VĐK mới.

Một số quốc gia có TLGN cao so với mức bình quân của Thành phố Hà Nội và cả nước như: Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc. Các đối tác này vừa có số VĐT lớn vừa là các quốc gia có TLGN cao và đều đạt trên mức 65%.

Các dự án FDI trong ngành sản phẩm điện tử, dịch vụ công nghiệp, cơ khí đều có TLGN cao đạt trên 67%.



Những tồn tại trong thu hút và triển khai các dự án FDI tại các KCN Hà Nội

Về thu hút các dự án FDI: Các địa phương khác trong vùng cũng cạnh tranh nhằm thu hút FDI vào KCN của địa phương mình như, Hải Phòng, Hưng Yên và Hải Dương…

Môi trường đầu tư của Hà Nội chưa tạo được sức hấp dẫn cao đối với các nhà ĐTNN.

Cơ cấu thu hút FDI vào các ngành còn bất hợp lý. Lượng VĐK đổ nhiều vào bất động sản, hạ tầng đô thị.

Có sự mất cân đối trong thu hút FDI vào các KCN.



Về triển khai các dự án FDI: Tỷ lệ giải ngân các dự án FDI vào các KCN Hà Nội hiện nay chưa đạt được mục tiêu đề ra.

Có nhiều dự án FDI không đảm bảo tiến độ triển khai thực hiện.

Cơ cấu giải ngân của các dự án FDI trong các KCN Hà Nội không cân đối giữa các ngành, giữa các hình thức đầu tư và giữa các đối tác đầu tư lớn.

Số VĐK của các dự án FDI bị giải thể trước thời hạn chiểm khoảng 25% tổng VĐK vẫn còn cao.



Nguyên nhân của những mặt tồn tại

Các nguyên nhân từ phía môi trường đầu tư

Sự phát triển chững lại của các nền kinh tế lớn, sự yếu kém của thị trường tài chính quốc tế và sự đi xuống của thị trường công nghệ thông tin toàn cầu đã và đang tác động đến đầu tư quốc tế.

Cạnh tranh giữa các địa phương có KCN trong vùng giáp ranh với Hà Nội như: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên… ngày càng cao.

Mặc dù công cuộc cải cách hành chính đã được đẩy mạnh nhưng hiệu quả mang lại còn hạn chế, tiến trình cải cách vẫn chậm chạm.

Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước chưa tốt, hiệu lực và trách nhiệm của công tác quản lý Nhà nước đối với các dự án FDI sau cấp GCNĐT chưa cao.

Chất lượng lao động ở Việt Nam rất thấp, một mặt làm tăng chi phí đầu tư, mặt khác làm chậm tiến độ triển khai thực hiện do phải mất thời gian và chi phí đào tạo lại.

Các rào cản do quy hoạch trong một số ngành vẫn chưa được tháo gỡ để tạo điều kiện thu hút và triển khai dự án FDI vào các lĩnh vực này.

Các nguyên nhân từ phía thành phố Hà Nội

Cơ chế “Một cửa, tại chỗ” chưa đi vào thực chất do Ban quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội chưa thể hiện được vai trò, vị trí tập trung, là đầu mối giải quyết các hoạt động diễn ra trong KCN.

Nguyên nhân chủ yếu khiến các nhà ĐTNN đến nay chưa muốn chuyển giao công nghệ kỹ thuật cao vào Hà Nội là do khả năng tiếp thu công nghệ của các doanh nghiệp ở Thành phố còn thấp, thiếu đội ngũ cán bộ nghiên cứu và quản lý có năng lực, thếu đội ngũ lao động có tay nghề cao, thiếu cơ sở vật chất, kỹ thuật hạ tầng.

Việc triển khai các dự án FDI trong các KCN Hà Nội còn gặp nhiều trở ngại, mà nguyên nhân chủ yếu là do công tác quản lý, quy hoạch KCN.

Về hạ tầng kỹ thuật của các KCN Hà Nội, hiện tại chỉ có KCN Thăng Long là có hạ tầng kỹ thuật cả trong và ngoài hàng rào là tương đối hoàn chỉnh, các KCN còn lại hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ.

Các nguyên nhân từ phía Ban quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội

Chưa làm tốt công tác tuyên truyền xúc tiến đầu tư và cải cách thủ tục hành chính để quản lý có hiệu qủa đối với công tác đầu tư và các doanh nghiệp trong KCN nói chung và các doanh nghiệp FDI riêng.

Còn có những cán bộ công chức chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao, công việc giải quyết chủ yếu vẫn mang tính sự vụ, không dứt điểm, chưa khoa học, chưa thật đồng bộ trong chỉ đạo và thực thi nhiệm vụ.

Các nguyên nhân từ phía các nhà đầu tư

Một số nhà ĐTNN thiếu năng lực tài chính để triển khai thực hiện dự án FDI.

Một số nhà ĐTNN chưa chuẩn bị đầy đủ thông tin cần thiết phục vụ cho công tác lập dự án hoặc các dự báo về sự biến động thị trường chưa tốt.

Xuất phát từ những tồn tại và nguyên nhân của những mặt tồn tại trong hoạt động thu hút và triển khai dự án FDI vào các KCN Hà Nội, Chương 3 luận văn sẽ đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường thu hút và triển khai dự án FDI vào các KCN Hà Nội, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của thủ đô Hà Nội.



6.3. Chương 3: Định hướng và một số giải pháp tăng cường thu hút, triển khai dự án FDI tại các KCN Hà Nội

Định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội đến năm 2015 và tầm nhìn 2020

Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2015: Thành phố phải chủ động, sáng tạo phát huy tiềm năng, nguồn lực, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, và hội nhập kinh tế quốc tế; Phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội toàn diện, bền vững.

Quan điểm chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2015: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ hơn, năng động, sáng tạo hơn, tập trung mọi nguồn lực, phát huy lợi thế Thủ đô, tranh thủ sự chỉ đạo của Trung ương, sự hỗ trợ, hợp tác của các tỉnh thành trong cả nước, sự hợp tác quốc tế để phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng cao, hiệu quả, theo hướng bền vững.

Tầm nhìn Thủ đô năm 2020: Hà Nội phải trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, thành phố du lịch hấp dẫn khu vực; Phát huy tốt vai trò là trung tâm lớn về văn hóa, khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước.

Những thời cơ và thách thức trong thu hút và triển khai các dự án FDI tại các KCN Hà Nội

Những thời cơ

Việt Nam tham gia vào các tổ chức quốc tế tạo cơ hội thuận lợi cho thu hút và triển khai thực hiện các dự án FDI.

Những TNCs và MNCs của các nước phát triển đã và sẽ tiếp tục đầu tư vào các KCN Hà Nội

FDI vào Hà Nội nói chung và các KCN nói riêng đang chuyển hướng sang lĩnh vực dịch vụ.



Những thách thức

Mối quan hệ giữa các cơ quan chức năng Hà Nội với cộng đồng doanh nghiệp chưa thực sự liên tục, tương tác và hợp tác.

Sự phát triển yếu kém và thiếu đồng bộ của hệ thống cơ sở hạ tầng của Hà Nội.

Nguồn nhân lực tuy dồi dào nhưng thiếu đào tạo để có thể tham gia ngay vào hệ thống sản xuất công nghiệp hiện đại.

Những thách thức và bất lợi khác như: Hoạt động tài chính, ngân hàng còn nhiều hạn chế; Ngành công nghiệp phụ trợ phát triển chưa tương xứng; Mất cân đối trong cơ cấu vốn FDI.

Một số giải pháp nhằm tăng cường thu hút và triển khai dự án FDI vào các KCN Hà Nội

Đối với thành phố Hà Nội: Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “Một cửa, tại chỗ”; Tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư vào các KCN; Hoàn thiện cơ sở hạ tầng trong KCN theo hướng đồng bộ, hiện đại; Phát triển và đào tạo nguồn nhân lực.

Đối với Ban quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội: Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “Một cửa, tại chỗ”; Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động vận động, xúc tiến đầu tư của Ban quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội; Phát triển và đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, có tay nghề cho các KCN.

7. Kết luận

Quán triệt quan điểm của Đảng và Nhà nước về phát triển các khu công nghiệp và khu chế xuất nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, Hà Nội đã chủ động xây dựng các khu công nghiệp thực sự có sức hấp dẫn và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Thu hút và triển khai dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các khu công nghiệp Hà Nội có tác động tích cực đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao trình động công nghệ, sức cạnh tranh và hiệu quả kinh tế - xã hội của Hà Nội trong thời gian qua.

Với đề tài “Tăng cường thu hút và triển khai dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các khu công nghiệp Hà Nội”, luận văn đã giải quyết được một số nhiệm vụ sau đây:

Hệ thống hóa được những vấn đề lý luận cơ bản về đầu tư trực tiếp nước ngoài, khu công nghiệp, thu hút và triển khai các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các khu công nghiệp.

Luận văn đã phân tích, đánh giá thực trạng hoạt động thu hút và triển khai các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các khu công nghiệp Hà Nội, từ đó làm rõ những nguyên nhân dẫn đến những tồn tại trong hoạt động thu hút và triển khai các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các khu công nghiệp Hà Nội.



Trên cơ sở phân tích những nguyên nhân về phía thành phố Hà Nội, Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, luận văn đã đề xuất hệ thống các giải pháp nhằm tăng cường thu hút và triển khai dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các khu công nghiệp Hà Nội.
Каталог: uploads
uploads -> -
uploads -> 1. Most doctors and nurses have to work on a once or twice a week at the hospital
uploads -> Kính gửi Qu‎ý doanh nghiệp
uploads -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014
uploads -> Như mọi quốc gia trên thế giới, bhxh việt Nam trong những năm qua được xem là một trong những chính sách rất lớn của Nhà nước, luôn được sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời của Đảng và Nhà nước
uploads -> Tác giả phạm hồng thái bài giảng ngôn ngữ LẬp trình c/C++
uploads -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
uploads -> TRƯỜng đẠi học ngân hàng tp. Hcm markerting cơ BẢn lớP: mk001-1-111-T01
uploads -> TIÊu chuẩn quốc gia tcvn 8108 : 2009 iso 11285 : 2004
uploads -> ĐỀ thi học sinh giỏi tỉnh hải dưƠng môn Toán lớp 9 (2003 2004) (Thời gian : 150 phút) Bài 1

tải về 73.31 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương