LỜi giới thiệU


Sản xuất nông nghiệp, thuỷ hải sản và du lịch



tải về 0.61 Mb.
trang6/6
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích0.61 Mb.
#153
1   2   3   4   5   6

2.3.4. Sản xuất nông nghiệp, thuỷ hải sản và du lịch

Sản xuất nông nghiệp

Nước biển dâng cao khiến tình hình nhiễm mặn đã tác động không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh ven biển Việt Nam. Nhiễm mặn làm tăng độ dẫn điện tăng. Quá trình nhiễm mặn không chỉ đem lại hậu quả khó khăn cho sản xuất mà còn làm ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống sinh hoạt của bà con nhân dân. Tại các điểm nhiễm mặn hầu như không thể trồng được loại cây màu nào, phần lớn các diện tích nhiễm mặn hiện đang bị bỏ hoang chờ thau chua, rửa mặn mới có thể khôi phục sản xuất trở lại. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2004, đồng bằng sông Cửu Long có hơn 200.000 ha lúa và hoa màu bị khô hạn và nhiễm mặn. Nước mặn đã làm hàng trăm ha lúa hè thu ở Trà Vinh, Hậu Giang bị mất trắng.

Sự nhiễm mặn đã ảnh hưởng không nhỏ tới sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa như: giảm sức nảy mầm của lúa, giảm chiều cao và khả năng đẻ nhánh, hệ rễ phát triển kém, giảm sự cố định đạm sinh học và quá trình khoáng hoá đạm trong đất. Tính trung bình năng suất lúa có thể giảm tới 20-25%, thậm chí tới 50%. Các vùng ven biển Việt Nam có dân số khoảng 18 triệu người, chiếm gần ¼ dân số cả nước trong đó diện tích đất sử dụng chỉ chiếm 16% tổng diện tích cả nước. 58% dân cư vùng ven biển chủ yếu sống dựa và nông nghiệp và đánh bắt thuỷ sản, khoảng 480.000 người trực tiếp làm nghề đánh bắt hải sản, 10.000 người chế biến hải sản và 2.140.000 người cung cấp các dịch vụ liên quan đến nghề cá.


Hộp 3. Biến đổi khí hậu và phát triển con người ở Đồng bằng sông Cửu Long

Trong 15 năm qua, Việt Nam đã có tiến bộ vượt bậc về phát triển và con người. Mức đói nghèo đã giảm và chỉ số xã hội được nâng cao khiến Việt Nam sớm đi trước về hầu hết mọi Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG). Biến đổi khí hậu gây ra mối đe dọa thực sự đối với những thành tựu này và không đâu nghiêm trọng hơn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Việt Nam có lịch sử lâu đời về đối phó với thời tiết khắc nghiệt, nằm trong vùng bão, với bờ biển dài và châu thổ sông ngòi chằng chịt và gần như đứng đầu trong danh mục các nước bị thiên tai. Trung bình mỗi năm có 6-8 trận bão. Nhiều trận để lại sự tàn phá nặng nề, gây thương vong lớn, phá hoại nhà cửa, thuyền bề và cướp trắng mùa màng. 8000 km đê sông, đê biển của đất nước, trong đó có nhiều đoạn do nhân dân đào đắp bao thể kỷ mới nên, đã minh chứng cho quy mô đầu tư quốc gia vào công tác quản lý rủi ro.

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đặc biệt quan ngại. Là một trong những vùng dân cư đông đúc nhất Việt Nam, đây là nơi cư ngụ của 17,2 triệu người và cũng là vựa lúa của đất nước, đóng vai trò tối quan trọng trong an ninh lương thực quốc gia. Đồng bằng sông Cửu Long sản xuất một nửa lượng lúa gạo của Việt Nam, đồng thời chiếm phần lớn thuỷ sản và trái cây.

Phát triển nông nghiệp đóng vai trò then chốt trong xóa đói giảm nghèo ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đầu tư vào thuỷ lợi, hỗ trợ tiếp thị và khuyến nông đã giúp nông dân tăng cường sản xuất, cấy trồng 2 thậm chí 3 vụ một năm. Nông dân đã đắp đê xây kè để bảo vệ đồng ruộng khỏi ngập lụt khi bão to mưa lớn.

Biến đổi khí hậu gây đe dọa ở nhiều cấp. Lượng mưa dự kiến sẽ gia tăng và Việt Nam sẽ đối mặt với bão nhiệt đới mạnh hơn. Mực nước biển dự kiến sẽ dâng cao 33 cm vào năm 2050 và 1m vào 2100.

Với Đồng bằng sông Cửu Long thấp trũng, đây là một dự báo rất ảm đạm. Mực nước biển dâng cao như dự báo vào năm 2030 sẽ khiến khoảng 45% đất của đồng bằng này có nguy cơ nhiễm mặn cục độ và thiệt hại mùa màng do lũ lụt. Năng suất lúa dự báo sẽ giảm 9% nếu mực nước biển dâng cao 1m, phần lớn đồng bằng này sẽ hoàn toàn ngập trắng nhiều thời gian dài trong năm.

Những biến đổi này sẽ tác động tới phát triển con người ở Đồng bằng sông Cửu Long. Mặc dù mức đói nghèo đã và đang giảm, bất bình đẳng đang gia tăng, một phần là do nhiều người không có đất. Vẫn còn 4 triệu người đói nghèo ở Đồng bằng này. Nhiều người trong số này thiếu sự chăm sóc y tế cơ bản và tỷ lệ trẻ em bỏ học khá cao. Đối với nhóm này, ngay cả một sụt giảm nhỏ về thu nhập hay mất cơ hội việc làm do lũ lụt sẽ có hậu quả nghiêm trọng đối với dinh dưỡng, sức khoẻ và giáo dục. Người nghèo phải chịu nguy cơ gấp đôi. Khả năng số người này sinh sống ở những vùng dễ ngập lụt là cao hơn-song khả năng sống trong những ngôi nhà kiên cố, vững chắc thì thấp hơn.



Nguồn: Báo cáo Phát triển Con người 2007-2008, UNDP

Đồng bằng Sông Cửu Long là vựa lúa lớn nhất của Việt Nam, nhưng các nhà khoa học đang cảnh báo nguy cơ thu hẹp diện tích đất canh tác và những biến đổi bất thường của khí hậu mà khu vực này này có thể phải đối mặt. Theo thống kê, Đồng bằng Sông Cửu Long có tổng diện tích gần 35.000 km2 , trong đó 18.066km2 đất thuộc các huyện ven biển. Trong các thập kỷ gần đây, yếu tố khí tượng thuỷ văn tại Đồng bằng Sông Cửu Long tiếp tục thay đổi theo chiều hướng xấu. Các thiên tai như bão tố, lụt lội, xâm nhập mặn... xảy ra thường xuyên hơn và khó dự đoán.

Hầu hết nông dân Việt Nam có rất ít đất canh tác, đặc biệt là nông dân vùng ven viển. Tại các vùng nông thôn Bắc Bộ và Trung Bộ bình quân đất canh tác trên đầu người chỉ khoảng 1,2-1,3 sào Bắc Bộ (360m2). Các vùng ven biển miền Trung đất đai bị bạc màu và khô cằn, vì sinh kế người dân buộc phải tìm cách khai thác tài nguyên biển và ven bờ, phá huỷ các hệ sinh thái có giá trị cực quỳ quan trọng như rừng ngập mặn, cỏ biển, rạn san hô, bãi triều… Vì vậy, việc mất đi một phần rất lớn quỹ đất trồng do biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao, cùng quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa sẽ đặt Việt Nam trước một thách thức rất nghiêm trọng.

Nuôi trồng thuỷ sản

Có thể nói, trong số những lợi ích mà biển mang lại, kinh tế thuỷ sản chiếm vị trí đặc biệt quan trọng, đan xen giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài. Thuỷ sản đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm và cải thiện sinh kế cho các cộng đồng dân cư sống ở các vùng nông thôn ven biển và hải đảo. Năm 2007, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản cả năm 2007 đạt 3.752 triệu USD, tăng 4% so với kế hoạch, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2006. Cùng với sản lượng khai thác, sản lượng nuôi trồng thuỷ sản, chế biến và xuất khẩu thuỷ sản, nhìn chung cũng tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Hết tháng 1/2008, sản lượng nuôi trồng thuỷ sản đạt 120 ngàn tấn, tăng 5% so với kế hoạch, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2007.

Biến đổi khí hậu đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển kinh tế ở các vùng ven biển Việt Nam. Nuôi trồng thuỷ sản ở vùng ven biển được coi là ngành có tăng trưởng quan trọng, có giá trị xuất khẩu cao và cũng là ngành chịu nhiều thiệt hại nhất do biến đổi khí hậu.

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như áp thấp nhiệt đới, bão, lũ lụt ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc phát triển của ngành nuôi trồng và chế biến thuỷ sản ở các vùng ven biển Việt Nam. Chỉ tính riêng năm 2006, hai cơn bão Chanchu và cơn bão Xangsane đã ảnh hưởng trực tiếp và gây thiệt hại nặng nề cho ngành chế biến thuỷ sản các tỉnh ven biển miền Trung: 3.974 ha đầm nuôi cá, tôm bị ngập kéo theo 494 tấn cá tôm bị phá huỷ, 951 tầu thuyền đánh cá bị chìm, ước tính thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Tháng 11/2007, do ảnh hưởng của bão số 7, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông và ảnh hưởng của gió mùa Đông-Bắc hoạt động mạnh đã làm hạn chế các hoạt động khai thác thuỷ sản. Tại các tỉnh miền Trung như Quảng Bình, Khánh Hoà, Phú Yên, đây là những nơi có sản lượng nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cá biển, nhuyễn thể, cua, ghẹ lớn. Do ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu thay đổi trong thời gian vừa qua, mưa nhiều khiến cho dịch bệnh phát triển, nguồn nước thay đổi nhanh khiến cho các đối tượng nuôi khác như tôm hùm, rong sụn tại một số địa phương như Khánh Hoà, Phú Yên bị chết, gây thiệt hại nặng nề cho người dân.

Ở Việt Nam có tới 58% dân cư vùng ven biển có sinh kế chủ yếu dựa và nông nghiệp và đánh bắt thuỷ sản, khoảng 480.000 người trực tiếp làm nghề đánh bắt hải sản, 10.000 người chế biến hải sản và 2.140.000 người cung cấp các dịch vụ liên quan đến nghề cá. Một điểm đáng được quan tâm đối với cộng động dân cư ven biển là đa số những người làm nghề đánh bắt thủy sản là những người nghèo trong xã hội. Do sản lượng đánh bắt tự nhiên giảm, nền tảng kinh tế của mọi cộng đồng dân cư ven biển không được ổn định. Từ đó phát sinh những vấn đề xã hội mà chính quyền ở các địa phương giải quyết. Sản xuất nông nghiệp lượng lương thực giảm sẽ đẩy giá bán cao lên, số người nghèo gia tăng, người suy dinh dưỡng ngày càng nhiều... Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội như xóa đói nghèo.

2.3.5. Đa dạng sinh học và hệ sinh thái

Đối với nước ta, mực nước biển dâng sẽ làm mất đi một vùng đất thấp rộng lớn/các hệ sinh thái đất ngập nước của các đồng bằng lớn nhất cả nước. Đây cũng là nơi sinh sống của các cộng đồng dân cư lâu đời (hiện có tỷ lệ đói nghèo cao), vùng có tiềm năng sản xuất nông nghiệp lớn nhất và các sinh cảnh tự nhiên của nhiều loài bản địa bao gồm cả các khu bảo tồn thiên nhiên, sinh quyển.



Từ lâu ở Đồng bằng sông Cửu Long đã hình thành và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên rừng Tràm U Minh, hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển, hệ sinh thái nông nghiệp. Tại đây có nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, vườn chim, sân chim... rất hấp dẫn cho du lịch sinh thái. Đặc biệt, hệ sinh thái rừng ngập mặn ở các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre... Ngoài vai trò sản xuất nông nghiệp và thuỷ sản, các vùng đất ngập nước còn đóng vai trò quan trọng trong thiên nhiên và môi trường như lọc nước thải, điều hoà dòng chảy (giảm lũ lụt và hạn hán), điều hoà khí hậu địa phương, chống xói lở bờ biển (do hệ thống rễ chằng chịt, có tác dụng giảm năng lượng sóng), ổn định mức nước ngầm cho những vùng sản xuất nông nghiệp, tích luỹ nước ngầm, là nơi trú chân của nhiều loài chim di cư quý hiếm, là nơi giải trí, du lịch rất giá trị… Các vùng này đã và đang đóng vai trò quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế và xã hội. Kết quả nghiên cứu năm 2007 cho thấy, trong cơn bão lớn năm 2005, một số rừng ngập mặn được trồng có các thành phần khác nhau có tác dụng làm giảm sóng bão kết hợp với triều cường, bảo vệ đê biển và bờ biển rất có hiệu quả. Cơn bão số 2 (31/12/2005) với sức gió cấp 10 (89 - 102 km/h) đã phá vỡ đê bằng bê tông kiên cố Cát Hải (Hải Phòng), nhưng tuyến đê làm bằng đất ở xã Bằng La, huyện Đồ Sơn nhờ có rừng ngập mặn bảo vệ nên vẫn an toàn. Năng lượng sóng khi vượt qua rừng đã làm giảm 77 - 83% vào các thời điểm khác nhau trong ngày mưa bão. Cũng tại khu vực này, khi cơn bão số 7 (27/9/2005) với sức gió cấp 12 (118 - 133 km/h) năng lượng sóng đã giảm từ 85 - 87% khi xuyên qua rừng. Hệ số suy giảm sóng trong cơn bão số 7 sau khu rừng bần là 77 - 83%.

Biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng cao đe dọa nhiều nhất đến các hệ sinh thái vùng ven bờ như hệ sinh thái đất ngập nước, rừng ngập mặn, cỏ biển và rạn san hô. Mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu chắc chắn sẽ tác động mạnh đến các hệ sinh thái này do làm thay đổi thành phần của trầm tích, độ mặn của nước và mức độ ô nhiễm. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới đối với các sinh cảnh tự nhiên quan trọng ở Việt Nam, dựa trên những kịch bản nước biển dâng trong bản đồ các sinh cảnh tự nhiên chủ chốt, cứ 1m nước biển dâng lên có thể ảnh hưởng tới 78 (27%) sinh cảnh tự nhiên ở những mức độ nhất định, bao gồm 46 (33%) khu bảo tồn, 9 (23%) các vùng có đa dạng sinh học chủ chốt và 23 (21%) khu vực cả bảo tồn và sinh cảnh chủ chốt. Độ lớn của những tác động tiềm tàng này đang tăng lên từ ¼ đến 1/3 tất cả các vùng sinh cảnh tự nhiên then chốt ở Việt Nam có thể bị tác động bởi mực nước biển dâng. Những khu vực này bao gồm phần lớn các khu bảo tồn và đề nghị bảo tồn hiện nay của Việt Nam vì các khu bảo tồn này thương tập trung trên các đảo và khu vực bờ biển. Thậm chí mực nước biển dâng cao 1m cũng sẽ tác động đến hầu hết các sinh cảnh tự nhiên then chốt. Rõ ràng là đa dạng sinh học Việt nam đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng khi nước biển dâng. Không chỉ ở các vùng ven biển, các tác động khi nước biển dâng sẽ kéo dài từ Đồng bằng sông Cửu Long qua Việt Nam sang tới Campuchia và đi sâu 180 km vào đất liền. Ở miền Bắc, lớp địa tầng đá vôi ngâm nước sâu rộng khiến cho nước mặn xâm nhập vào sâu trong đất liền như Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long ở Ninh Bình và một số nơi khác. Điều đó sẽ ảnh hưởng xấu tới đa dạng sinh học, nhiều loài có ý nghĩa kinh tế và khoa học chết hoặc di cư, mất nguồn cung cấp thực phẩm.

Việt Nam vốn nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, hàng năm phải hứng chịu nhiều cơn bão và triều cường. Trước đây, nhờ có các dải rừng ngập mặn tự nhiên và được trồng ở các vùng cửa sông, ven biển nên đê điều ít khi bị vỡ. Nhưng những năm gần đây, do việc phá rừng ngập mặn để trồng lúa, nuôi tôm, cuộc sống của cộng đồng ven biển ngày càng bị đe dọa. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam, bão và triều cường là hai trong số sáu tác động đến hệ sinh thái rừng ngập mặn gồm nhiệt độ, lượng mưa, gió mùa đông bắc và hoạt động của con người. Nước biển dâng cao nhất trong những ngày có mưa bão kết hợp triều cường, gây ra thiệt hại to lớn về tài sản của cộng đồng ven biển, làm cho bờ biển bị xói lở, kể cả những vùng có các dải rừng ngập mặn phòng hộ. Triều cường còn đưa cát vào bờ, làm cho các loài cây ngập mặn có rễ thở trên mặt đất bị vùi lấp và chết đứng. Nước biển dâng tạo điều kiện cho một số loài cây ngập mặn xâm lấn nội địa, giảm diện tích sản xuất nông nghiệp (như ở Quảng Bình và miền Tây Nam Bộ). Nhiều loài động thực vật nước ngọt biến mất và thay vào đó là các loài nước lợ. Nước biển dâng cũng ngăn cản sự bồi tụ của các bãi triều, ngăn cản sự tái sinh tự nhiên của các loài cây ngập mặn tiên phong như mắm, bần chua. Tại Tp.Hồ Chí Minh, trong thời gian gần đây triều cường gây ngập nhiều khu dân cư trong đó có nguyên nhân là hầu hết các kênh rạch có những dải dừa nước và nhiều loài cây ngập mặn khác như bần, mắm, su trang ở các quận Nhà Bè, Phú Xuân, Bình Chánh bị chặt phá và lấp đất để xây dựng.

Ngoài những ảnh hưởng đến suy giảm đa sinh học, nguy cơ nhấn chìm và phá huỷ cơ sở hạ tầng và suy giảm tiềm năng du lịch ở các vùng ven biển cũng là một vấn đề quan trọng. Hiện nay, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn ở nước ta, với hàng triệu người tham gia và kiếm sống nhờ du lịch. Biến đổi khí hậu mà hệ quả là nước biển dâng cao sẽ nhấn chìm và phá huỷ cơ sở hạ tầng du lịch, từ đó làm giảm lượng khách tìm đến và ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của hàng triệu người, trong đó đa phần là người nghèo. Theo số liệu của Ủy ban Nhân dân Huyện Giao Thuỷ, Nam Định, kể từ cơn bão số 5 năm 2005 đến năm đầu năm 2008, tại khu vực bờ biển Bạch Long - Giao Thủy và Khu du lịch thị trấn Quất Lâm mực nước biển đã dâng lên 20cm. Trước năm 2005, mực nước biển hầu như không tăng, thế nhưng từ năm 2005, biểu mực nước biển dâng lên rõ rệt.  Đặc biệt, mỗi lần thủy triều lên, mực nước dâng cao tràn qua đường khu du lịch ở thị trấn Quất Lâm, Chính quyền địa phương đã phải tổ chức tôn cao đường trong khu du lịch từ 20 - 50cm và xây bờ chắn sóng. Hậu quả của mực nước dâng cao 20cm đã phá hủy toàn bộ môi trường và cây cối trong khu vực, ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế, du lịch và môi trường của huyện.



2.3.6. Giao thông và cơ sở hạ tầng

Theo đánh giá của IPCC, do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, có khả năng mực nước biển sẽ dâng cao 1m vào cuối thế kỷ 21, nếu Việt Nam không nhanh chóng xây dựng và nâng cấp hoàn chỉnh hệ thống đê biển để ứng phó, thì hàng năm có đến 40.000km2 vùng ven biển sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề, trong đó 90% diện tích đồng bằng sông Cửu Long bị ngập hoàn toàn, thiệt hại về tài sản lên tới 17 tỷ USD.

Hệ thống đê biển đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo phát triển bền vững dải đất ven biển, có nhiệm vụ ngặn mặn giữ ngọt, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân, là tấm lá chắn hữu hiệu nhằm ngăn chặn những tác động bất lợi từ biển. Các nguy cơ mới về biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao sẽ đe doạ đến sự tồn tại các của công trình phòng thủ vô cùng quan trọng này. Đến nay cả nước đã có 2.800km đê biển thuộc 28 tỉnh đã và đang phát huy hiệu quả trong công tác phòng chống thiên tai, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương có biển phát triển kinh tế-xã hội, riêng hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận hầu như chưa có đê biển. Tuy nhiên, hệ thống đê biển của Việt Nam hầu hết đắp bằng đất, nền đất yếu, người dân chủ động xây dựng thiếu sự quy hoạch thống nhất và khoa học và chỉ có khả năng chống đỡ được những cơn bão từ cấp 9 trở xuống. Nhiều tuyến đê biển, sông hiện vẫn chưa đủ khả năng phòng chống thiên tai, khi chịu triều cường và bão thường bị thiệt hại lớn. Các tuyến kè cũng chưa khép kín, nhiều đoạn còn thiếu cầu, cống. Do đó chưa chủ động trong tiêu úng, tiêu phèn, hạn chế hiệu quả ngăn mặn, giữ ngọt cho nuôi trồng thủy sản và kết hợp giao thông biển.

Từ sau năm 2005, đê biển đã được tập trung tu bổ khá nhiều. Tuy nhiên do kinh phí còn hạn hẹp nên mới tập trung tu bổ những đoạn đê bị vỡ và những tuyến đê xung yếu. Đến năm 2007, hầu hết các tuyến đê sông ở Bắc và Trung Bộ căn bản đã đủ sức chống được lũ, tuy nhiên, hệ thống đê biển vẫn còn rất nhiều vấn đề bất cập, nhất là trước những cơn bão lớn. Hệ thống đê biển thuộc Bắc Bộ và Trung Bộ tuy đã được đầu tư nâng cấp thông qua các Dự án PAM 4317, PAM 5325, OXFAM của nước ngoài tài trợ nhưng mới đủ sức chống đỡ với gió bão cấp 9 và khi thủy triều ở mức trung bình. Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, kinh phí chỉ riêng để xây dựng, gia cố 518 km đê biển và 326 kè sông của 13 tỉnh thành từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang đã là 10.000 tỷ đồng. Số tiền này cũng tương đương với tổng thiệt hại bão số 6 năm 2006 tàn phá nặng nề các tỉnh miền Trung.

Với Việt Nam, các hệ thống cảng biển đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế quốc gia. Hệ thống cảng biển nước sâu hiện nay ở vùng ven biển miền Trung Việt Nam còn là cửa ngõ lớn qua các trục hành lang Đông Tây, nối liền miền Trung Việt Nam với các nước tiểu vùng sông Mêkông, nối Việt Nam với các nước châu Á - Thái Bình Dương và thế giới. Hiện nay, trên 24 tỉnh thành vùng duyên hải Việt Nam có 266 cảng biển lớn nhỏ. Hơn nữa, Việt Nam còn là nước có nhiều tiềm năng về dầu khí trong khu vực. Hiện nay công tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ở Việt Nam đã được tiến hành cả trên đất liền và vùng thềm lục địa (tập trung tại vùng biển Đông Nam và Tây Nam Việt Nam). Mực nước biển dâng cao sẽ đe dọa đến các cơ sở hạ tầng có ý nghĩa quan trọng này.

Mực nước biển dâng cao kèm theo mưa bão lớn hơn có thể sẽ gây ngập lụt các tuyến đường sắt ở vùng duyên hải, sân bay, phá huỷ cầu cống và hệ thống ống dẫn. Tại nhiều nơi, các công trình cơ sở hạ tầng như giao thông, đê biển, cống ngăn mặn… được xây dựng căn cứ vào các dữ liệu thời tiết lịch sử và không còn phù hợp trong điều kiện khí hậu, vì vậy nguy cơ tổn thất là rất lớn. Điều này đã được chứng minh sau các trận nước biển dâng kèm theo mưa bão trong vài năm trở lại đây ở miền Trung.



2.3.7. Nước sạch và vệ sinh môi trường

Biến đổi khí hậu liên quan đến mực nước biển dâng còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của dân cư sống tại các vùng ven biển Việt Nam. Tăng cường độ thiên tai như bão và lũ lụt, sẽ đe doạ tính mạng người dân và có thể dẫn đến nhiều tử vong hơn, nguy cơ bùng phát dịch bệnh là không thể tránh khỏi, nhất là các sự bùng phát dịch bệnh liên quan đến nước sạch và vệ sinh môi trường như tiêu chảy, sốt xuất huyết, đau mắt…

Năm 2007, ảnh hưởng của tàn dư bão số 6 kết hợp với gió đông hoạt động mạnh đã gây ra mưa lớn nhất là trong mùa lũ. Các trận lũ khủng khiếp tại các tỉnh miền Trung đã gây thiệt hại lớn về kinh tế xã hội và môi trường, làm ảnh hưởng đến hàng nghìn hộ dân địa phương. Do mưa lũ liên tiếp nên hệ thống các đê bao, đê ngăn mặn, đê kè sông, biển và kênh mương bị sạt lở, nhiều tuyến đường giao thông, công trình, di tích lịch sử bị bùn đất vùi lấp. Thêm vào đó, do ngập lụt trong thời gian dài, các loại phân bón, thuốc trừ sâu, chất thải từ các nhà vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi, các chất thải khác… bị rửa trôi, xuống hồ ao, sông suối trôi nổi khắp nơi gây ô nhiễm môi trường. Các công trình cấp nước sạch tập trung bị hư hỏng hoặc do nguồn nước cấp bị ô nhiễm gây khó khăn cho việc xử lý nước, cung cấp nước sạch cho nhân dân.

III. ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP THÍCH ỨNG VỚI SỰ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ MỰC NƯỚC BIỂN DÂNG CAO Ở VIỆT NAM

Trong mấy thập kỷ qua, nhân loại đã chứng kiến và các nhà khoa học trên khắp thế giới đã liên tục báo động về những biến động bất thường của khí hậu toàn cầu. Thích ứng và giảm nhẹ tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu gây ra đã trở thành vấn đề cấp bách, đòi hỏi sự tham gia của tất cả cộng đồng thế giới. Dưới sự hỗ trợ của Hiệp định Khung Quốc tế về Thay đổi Khí hậu (UNFCCC), một số công việc đã được bắt đầu cho Chương trình Hành động Thích ứng Quốc gia. Những hành động này bao gồm cả việc tăng cường xác định các hoạt động ưu tiên, bao gồm cả thích ứng đối với nước biển dâng ở các nước kém phát triển. Tuy nhiên, cho đến nay chỉ mới có 8 quốc gia đang phát triển đã xây dựng đầy đủ Chương trình Hành động Thích ứng Quốc gia Bănglađét, Bhutan, Comoros, Djibouti, Malawi, Mauritania, Niger và Samoa.

Không chỉ các nước nghèo bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng cao, các quốc gia đang phát triển khác cũng bị ảnh hưởng lớn. Nước biển dâng trong khoảng từ 1-3m có thể trở thành hiện thực. Nhưng cho đến nay, rất ít các bằng chứng cho thấy cộng đồng quốc tế quan tâm thích đáng đến việc quy hoạch phân bố dân cư và cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển.

Không phải cho đến bây giờ, Chính phủ Việt Nam mới quan tâm đến vấn đề khí hậu và nước biển dâng cao hiện nay. Có thể kể ra một số sự chuẩn bị cụ thể của Việt Nam trước tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu. Ở cấp quốc tế, Việt Nam đã ký và phê chuẩn Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu và trở thành một bên của Công ước ngày 25/09/2005. Mặc dù Việt Nam không thuộc các nước phải tuân thủ lộ trình cắt giảm phát thải khí nhà kính, song Việt Nam vẫn có thể chủ động xây dựng kế hoạch hành động phù hợp ngay từ bây giờ để tránh những tổn thất trực tiếp cũng như những tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế- xã hội và sự phát triển bền vững của quốc gia. Ở cấp quốc gia, Việt Nam đã lồng ghép chống biến đổi khí hậu vào Luật bảo vệ môi trường, các chương trình như Chương trình nghị sự Agenda 21 của Việt Nam, Chiến lược quốc gia về quản lý môi trường biển và ven biển, Kế hoạch hành động quốc gia về đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020…

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã được chỉ định là Cơ quan đầu mối Quốc gia về các hoạt động có liên quan đến việc thực hiện Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto, Công ước Viên về bảo vệ tầng ôzôn và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ôzôn; Thành lập cơ quan đầu mối về Cơ chế phát triển sạch là một trong ba cơ chế của Nghị định thư Kyoto phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam thông qua các dự án phát triển sạch .

Gần đây nhất, ngày 3/12/2007, Chính phủ đã có Nghị quyết số 60/2007/NQ-CP giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan xây dựng Chương trình Mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế cho chương trình này và trình Thủ tướng Chính phủ trong quý II/2008. Mục tiêu chung của Chương trình là chú trọng đến nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và xây dựng chính sách của Việt Nam trong giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu, lồng ghép vào các chiến lược phát triển kinh tế xã hội, chiến lược phát triển ngành, địa phương và các cam kết quốc tế. Chương trình Mục tiêu Quốc gia về vấn đề này phải đáp ứng được mục tiêu trước mắt, vừa đáp ứng được mục tiêu lâu dài, mang tính toàn diện, tổng thể.

Trước nguy cơ ảnh hưởng và cảnh báo về biến đổi khí hậu và nước biển dâng, Việt Nam cần làm gì để ứng phó với hiểm họa này. Các hành động trước mắt và lâu dài cần được xem xét và cân nhắc kỹ nhằm thích ứng và giảm nhẹ những tác động bất lợi cho nền kinh tế và đời sống con người. Tại Hội thảo về Biến đổi khí hậu toàn cầu và giải pháp ứng phó của Việt Nam diễn ra tháng 2/2008, các nhà khoa học và các nhà quản lý đã đề xuất 8 giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam gồm:


    1. Chấp nhận tổn thất: Phương pháp thích ứng này là phản ứng cơ bản “không làm gì cả”.

    2. Chia sẻ tổn thất: Chia sẻ tổn thất giữa cộng đồng dân cư, bảo hiểm.

    3. Làm thay đổi nguy cơ: giảm nhẹ biến đổi khí hậu.

    4. Ngăn ngừa các tác động: Thích ứng từng bước và ngăn chặn các tác động của biến đổi khí hậu và bất ổn của khí hậu.

    5. Thay đổi cách sử dụng: biến đổi khí hậu khiến các hoạt động kinh tế không thể thực hiện thì có thể thay đổi cách sử dụng.

    6. Thay đổi/chuyển địa điểm: thay đổi/chuyển địa điểm của các hoạt động kinh tế.

    7. Nghiên cứu: phát triển công nghệ mới và phương pháp mới về thích ứng.

    8. Giáo dục, thông tin và khuyến khích thay đổi hành vi: Phổ biến kiến thức thông qua các chiến dịch thông tin công cộng và giáo dục, dẫn đến việc thay đổi hành vi.

Dựa trên kinh nghiệm của các nước đã triển khai kế hoạch quốc gia và thực tiễn ở Việt Nam, có thể đề xuất một số nhóm giải pháp như sau.
3.1. CHIẾN LƯỢC, CHÍNH SÁCH

Vấn đề biến đổi khí hậu vừa có tính trước mắt, vừa có tính lâu dài, phức tạp và liên quan đến tất cả các ngành, trên phạm vi khu vực và toàn cầu. Vì thế, để thực hiện được mục tiêu ứng phó và giảm nhẹ tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với nước ta, việc xây dựng các chương trình quốc gia và công tác chỉ đạo thực hiện cần được nghiên cứu, trao đổi ở tất cả các cấp, các vùng, các lĩnh vực (tài nguyên nước, đất, môi trường và các hệ sinh thái…) và trong tất cả các ngành, quan trọng, nhất là năng lượng, giao thông, công nghiệp, nông lâm nghiệp, thuỷ sản, du lịch, tài nguyên và môi trường.




Hộp 4. Nội dung, nhiệm vụ đề cương Chương trình hành động giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT)

Mục tiêu:

- Dự báo các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến các lĩnh vực của ngành NN&PTNT.

- Nâng cao nhận thức của các bên liên quan về biến đổi khí hậu.

- Xây dựng chính sách chiến lược và giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, chú trọng các giải pháp công trình công trình và phi công trình, giải pháp sinh học và phi sinh học...nhằm bảo tồn tài nguyên di truyền, phát huy hiệu quả và an toàn hạ tầng cơ sở nông nghiệp và nông thôn, góp phần đảm bảo an ninh luong thực và phát triển bền vững.

- Ðẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm nâng cao năng lực điều phối và năng lực khoa học công nghệ góp phần giảm thiểu và thích nghi với biến đổi khí hậu.

- Ðề ra những nhiệm vụ cụ thể, xác định trách nhiệm của Bộ, nghành, địa phương và cộng đồng trong việc xây dựng và thực hiện chương trình hành động giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Xác định nguồn vốn và cơ chế quản lý vốn.



* Nông nghiệp và nông thôn:

i) Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu và biện pháp thích ứng; ii) Quy hoạch các vùng dân cư ven biển; iii) Chuyển đổi cơ cấu sản xuất và phương thức trồng lúa và các loại cây trồng khác, chọn tạo giống chịu hạn, chịu lũ và chịu mặn; iv) Nghiên cứu phương pháp bảo tồn phù hợp thông qua sử dụng; v) Cải tiến phương pháp xử lý chất hữu cơ; vi) Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng trong chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.



* Lâm nghiệp:

i) Nghiên cứu cơ sở khoa học đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với vác hệ sinh thái rừng; ii) Nghiên cứu các loại cây trồng phù hợp, các chính sách chi trả cho dịch vụ môi trường; iii) Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cảnh báo; iv) Quy hoạch sử dụng đất bền vững, quy hoạch hợp lý 3 loại rừng, quy hoạch các khu bảo tồn; v) Phát triển, quản lý bền vững 16,2 triệu ha rừng, trồng rừng phòng hộ ven biển.



* Thuỷ lợi:

i) Nâng cấp hệ thống đê và công trình bảo vệ những khu vực quan trọng; Trồng rừng bảo hộ đê biển; ii) Tăng cường năng lực dự báo; iii) Ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ phù hợp trong quy hoạch, vận hành và quản lý công trình; iv) Đề xuất các giải pháp tiết kiệm nước; v) Tăng cường công tác quản lý rủi ro, thiên tai, quản lý ô nhiễm.



* Thuỷ sản:

i) Xây dựng hệ thống thông tin nghề cá; ii) Xây dựng đê quai mới ở những nơi cần thiết; iii) Xây dựng chính sách hỗ trợ ngư dân, xác định ngư trường mới. Đẩy mạnh thực hiện chính sách tài chính tín dụng cho người nghèo; iv) Tăng tính thích ứng và phục hồi cho người dân địa phương; v) Khai thác và tận dụng kiến thức và kinh nghiệm bản địa; vi) Nâng cao nhận thức cho các cấp, đào tạo nguồn nhân lực; vii) Xây dựng các khu bảo tồn, tạo giống mới, tái tạo nguồn lợi, hệ thống phòng trừ dịch bệnh.



Nguồn: Hội thảo “Hướng tới Chương trình Hành động của Ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhằm giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu”, Hà Nội, 1/2008

Các ngành và các địa phương liên quan, nhất là các vùng đồng bằng ven biển, cần xem xét và tính đến các thông tin về biến đổi khí hậu và nước biển dâng vào các quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn như lồng ghép các chiến lược quản lý tổng hợp vùng ven biển. Quản lý tổng hợp vùng ven biển là giải pháp được nhiều quốc gia phát triển có biển áp dụng, coi đây là biện pháp tích ứng rất phù hợp để đối phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao. Việc áp dụng và phát huy những thành quả về quản lý tổng hợp vùng ven biển chắn chắn sẽ có những hiệu quả tích cực đối với Việt Nam-quốc gia đang phát triển có tới hơn 3.000km đường bờ biển.

Các quy hoạch về hoạt động phát triển vùng ven biển phải không được làm tăng tính tổn thương trước mực nước biển dâng. Nhà nước cần xem xét các kế hoạch di dời, tái định cư, xây dựng các biện pháp ứng phó khẩn cấp.trong các điều kiện thiên tai do biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Các chính sách hỗ trợ cho các vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là đối với người nghèo. Quy hoạch chiến lược đê biển ứng phó với nước biển dâng. Quy hoạch nuôi trồng thuỷ hải sản. Xây dựng các mô hình thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu tuỳ theo từng khu vực như vùng Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long, vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ… dựa trên đặc điểm địa lý, tự nhiên, dân cư, xã hội, tình hình phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong các năm tới của các địa phương, cũng như những giải pháp mà địa phương đã thực hiện để hạn chế hậu quả xấu của biến đổi khí hậu. Quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên nước điều hòa, chia sẻ và cân đối nguồn nước giữa các lưu vực, có kế hoạch phù hợp trong quản lý hoạt động của các hồ chứa nước ở thượng lưu nhằm điều tiết dòng chảy cho vùng hạ lưu, hạn chế xâm nhập mặn.

Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên & Môi trường nên phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện Xây dựng, bổ sung, sửa đổi các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức quản lý, tổ chức thực hiện cho phù hợp Công ước về Biến đổi khí hậu, Nghị định thư Kyoto và Cơ chế Phát triển sạch (CDM). Trong thời gian tới, biến đổi khí hậu ngày càng lớn dẫn đến thiên tai tăng, cho nên Việt Nam cần phải tăng cường hành động hơn nữa trong lĩnh vực này, các cơ quan chức năng trong nước phải phối hợp chặt chẽ với nhau, với các tổ chức quốc tế để thực hiện tốt những biện pháp lồng ghép ứng phó với diễn biến của khí hậu, đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý Nhà nước liên quan đến biến đối khí hậu, xây dựng, bổ sung, sửa đổi các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức quản lý, tổ chức thực hiện cho phù hợp Công ước về biến đổi khí hậu, Nghị định thư Kyoto và CDM; hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật hệ thống trạm quan trắc, tăng cường công tác giám sát biến đối khí hậu; tăng cường công tác điều tra cơ bản tình hình biến đổi khí hậu, xây dựng Kịch bản biến đối khí hậu thế kỷ 21 tại Việt Nam với độ tin cậy cao làm cơ sở cho việc đánh giá tác động của biến đối khí hậu và xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đối khí hậu; xây dựng, tổ chức và điều phối các hoạt động thực hiện Công ước Khí hậu, Nghị định thư Kyoto và CDM trong các ngành năng lượng, công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, nông nghiệp, lâm nghiệp, quản lý chất thải phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam; củng cố và hoàn thiện cơ quan đầu mối thực hiện Công ước Khí hậu, Nghị định thư Kyoto, Công ước Viên về việc bảo vệ tầng ôzôn và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ôzôn tại Việt Nam.


3.2. KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Các kết luận khoa học chính là cơ sở cho việc hoạch định các quy hoạch, chiến lược và chính sách cho sự phát triển bền vững. Trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã thành lập các nhóm chuyên gia bao gồm các cán bộ, chuyên gia, nhà khoa học của các đơn vị có liên quan của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, viện nghiên cứu, trường đại học, trung tâm nghiên cứu liên quan trong nước để thực hiện các nghiên cứu, dự án về biến đổi khí hậu; xây dựng các Kịch bản biến đổi khí hậu tại Việt Nam giai đoạn 2010 – 2070; xây dựng và đánh giá các phương án giảm nhẹ khí nhà kính và đề xuất các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, hoàn thành và gửi Thông báo quốc gia lần thứ nhất về biến đổi khí hậu của Việt Nam cho Ban Thư ký Quốc tế UNFCCC; kiểm kê khí nhà kính ở Việt Nam và đang thực hiện Thông báo Quốc gia lần thứ hai. Trong thời gian tới, Nhà nước cần đầu tư thích đáng cho các chương trình nghiên cứu nhằm giảm nhẹ và thích ứng với những tác động của biến đổi khí hậu, các chương trình nghiên cứu và đánh giá tính tổn thương của các hệ sinh thái, các vùng ven biển, xây dựng các kịch bản ngập lụt ở các vùng cửa sông, ven biển thấp, các kịch bản nước biển dâng cho Việt Nam cho giai đoạn 2010-2100. Các chương trình cần được kết nối với các chương trình quốc tế và khu vực để có thể tiếp nhận thành quả nghiên cứu của các tổ chức nghiên cứu có uy tín trên thế giới và tiếp nhận sự trợ giúp quốc tế. Cần xây dựng các cơ chế hợp tác về chuyển giao công nghệ nhằm thúc đẩy R&D, xóa bỏ những rào cản trong quá trình chuyển giao công nghệ như thủ tục, quyền sở hữu trí tuệ, tài chính…

Tiếp tục nghiên cứu các ảnh hưởng của những biến động thời tiết, gián tiếp tác động đến nước biển dâng, tình trạng xâm nhập mặn, tăng xói lở do ảnh hưởng do nhiệt độ, lượng mưa, bão và lũ. Nghiên cứu về ảnh hưởng của ENSO đến chế độ thời tiết và đặc trưng khí hậu ở nhiều vùng của Việt Nam.

Tiếp tục triển khai nghiên cứu khoa học và hoàn thiện công nghệ theo hướng khai thác và ứng dụng công nghệ mới trong các lĩnh vực dự báo bão, sóng biển, dự tính thuỷ triều, nước dâng do bão. Tăng cường đổi mới và nâng cấp trang thiết bị phục vụ cho các mô hình dự báo để tạo ra các thông tin đủ tin cậy có thể phục vụ cho công tác xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển. Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới trong khai thác ảnh vệ tinh, viễn thám trong giám sát và quan trắc môi trường biển. Nâng cấp và mở rộng hệ thống trạm quan trắc, cảng dự tính thuỷ triều, trạm khí tượng hải văn ở vùng ven biển và hải đảo.

Nghiên cứu khoa học công nghệ mới không chỉ giúp giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính (có tác động lâu dài) mà còn giúp kịp thời, chủ động ứng phó với quá trình biến đổi của khí hậu, giảm tác động bất lợi đến đời sống kinh tế - xã hội, đồng thời tận dụng được những cơ hội thuận lợi để phát triển các ngành kinh tế mới mà môi trường mang lại.

Để ứng phó với mực nước biển đang dâng cao, bên cạnh việc quy hoạch lại đất đai, tài nguyên nước, xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng cường và triển khai áp dụng các công nghệ quan trắc, giảm thiểu ô nhiễm, phòng chống và cảnh báo thiên tai phải thực hiện đo đạc độ lún tại các vùng nhạy cảm, dễ bị ảnh hưởng bởi mực nước biển. Kết hợp đo được độ lún và đo mức nước biển dâng để xây dựng một kịch bản chuẩn cho riêng Việt Nam.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, nghiên cứu và tìm ra các giống cây trồng mới chịu mặn và hạn hán, tăng cường quản lý tổng hợp tài nguyên nước, triển khai các hệ thống tưới tiêu tiết kiệm nước và phân bổ lượng nước hợp lý. Thay đổi cơ cấu cây trồng nông nghiệp thích ứng với môi trường.

Nghiên cứu tiêu chuẩn đê biển và giải pháp kỹ thuật đê biển. Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ phục vụ củng cố, bảo vệ các tuyến đê, kè biển và cửa sông, xử lý xói lở. Củng cố, nâng cấp các tuyến đê biển, đê sông tạo thành các tuyến đê khép kín, kết hợp với làm đường giao thông vành đai ven biển nhằm bảo vệ dân sinh, cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng. Tăng cao các tiêu chuẩn thiết kế của các hệ thống đê này để có thể chống chịu được với bão lớn (cấp 9-12) kết hợp với triều cường và có tính đến tương lai nước biển dâng. Trồng cây dọc theo các tuyến đê để chắn sóng và gia cố đê.


3.3. TÀI CHÍNH

Nhiều quốc gia trên thế giới có rất nhiều nguồn quỹ phục vụ cho các cơ chế làm sạch toàn cầu. Việt Nam chưa dành đủ sự quan tâm cần thiết và chưa có kế hoạch tốt đối phó với vấn đề này. Do đó, chưa tận dụng được nguồn vốn toàn cầu sẵn có. Theo các chuyên gia nước ngoài, hiện nay Việt Nam đang bị tụt lại so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan trong việc tiếp cận các nguồn quỹ dành cho các hoạt động chống lại ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và phát triển sạch. Để tiếp cận những nguồn vốn đó, Việt Nam cần có một kế hoạch tốt và một cam kết mạnh mẽ. Xây dựng danh mục các dự án và hành động ưu tiên để đầu tư.

Trong lĩnh vực môi trường, đã có nhiều hình thức tài chính hỗ trợ cho việc triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường như Chương trình Tín dụng xanh do các ngân hàng tại Việt Nam cung cấp, Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam, Quỹ Tín dụng Xanh do Chính phủ Thuỵ Sĩ tài trợ, Quỹ DANIDA của Chính phủ Đan Mạch, Chính phủ Hà Lan, Quỹ Môi trường toàn cầu, Ngân hàng Thế giới. Ngoài ra còn có rất nhiều chương trình, dự án hợp tác quốc tế khác triển khai các hoạt động nghiên cứu và thích ứng với biến đổi khí hậu huy động từ nhiều nguồn phi chính phủ, tư nhân khác. Cần đa dạng hóa các hình thức cho vay, hỗ trợ vốn, cho vay với lãi suất ưu đãi, tài trợ hoặc cho vay có hoàn trả; thế chấp tài sản để thực hiện các chương trình, đề án, dự án thử nghiệm, nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, xóa đói giảm nghèo...Trong tương lai, Việt Nam có thể thành lập các quỹ thích ứng với biến đổi khí hậu để tài trợ cho các dự án về thích ứng với biến đổi khí hậu.

Gần đây, việc nghiên cứu các tác động của biến đổi khí hậu ở các vùng ven biển miền Trung và hai Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long đã được khởi xướng với nhiều dự án nghiên cứu bắt đầu triển khai. Cần tiếp tục triển khai nhiều dự án thích ứng với biến đổi khí hậu ở những nơi phải hứng chịu nhiều thiệt hại và người dân còn nghèo. Các hoạt động của dự án nên tập trung ở cấp địa phương và được gắn kết hoặc lồng ghép với những dự án hỗ trợ đang được triển khai của các nhà tài trợ và các Tổ chức phi chính phủ quốc tế dành cho các các cộng đồng về lĩnh vực sẵn sàng và ứng phó với hạn hán, lũ lụt và bão với mục tiêu là tạo cho người dân nguồn sinh kế bền vững.

Các giải pháp tài chính mới có thể giúp con người đối mặt với các rủi ro do biến đổi khí hậu như bảo hiểm, bảo trợ xã hội, y tế và giáo dục. Mức bảo hiểm xã hội ở các nước giàu thường rất cao, trong khi người nghèo ở các nước đang phát triển đều không có. Bảo hiểm rủi ro do biến đổi khí hậu có thể là một tấm lá chắn giúp những người bị ảnh hưởng có thể đương đầu với rủi ro mà không làm mất đi các cơ hội phát triển.
3.4. NÂNG CAO NĂNG LỰC, GIÁO DỤC VÀ TRUYỀN THÔNG

Biện pháp quan trọng khác nữa là cần nâng cao nhận thức của cộng đồng về khí hậu và biến đổi khí hậu ở Việt Nam để có cách thích ứng với biến đổi khí hậu (sống chung với bão, lũ,...). Với người dân địa phương ở một số nơi dễ tổn thương nhất thì vấn đề biến đổi khí hậu vẫn là một chuyện quá xa vời, vì vậy cần tăng cường tổ chức các buổi nói chuyện, trao đổi cho người dân để họ nhận thức được khí hậu không phải là vấn đề ‘hàn lâm’ mà thực tế nó có tác động rất lớn đến cuộc sống, là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và cuộc sống của con người. Qua những hoạt động này, nhận thức và sự hiểu biết của người dân về các vấn đề biến đổi khí hậu chắc chắn sẽ tăng lên và góp phần thay đổi hành vi của họ với môi trường như tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên nước, bảo vệ rừng ngập mặn, trồng và bảo vệ các loại rừng phòng hộ ven biển…Đây có thể coi là những bước ban đầu để chuẩn bị năng lực cho người dân ở những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất.

Các hoạt động nhằm đào tạo và nâng cao năng lực cho các nhà ra quản lý, các nhà hoạch định chính sách và ra quyết định ở các cấp địa phương cũng cần được đẩy mạnh. Củng cố năng lực để xây dựng và thực hiện các chiến lược thích ứng cho cộng đồng thông qua phòng chống thiên tai, lồng ghép với phòng và giảm thiểu rủi ro, thiệt hại vào các kế hoạch phát triển ở địa phương.

Nhận thức của công chúng về biến đổi khí hậu được xem như một trong những chiến lược then chốt để dẫn đến chuyển biến của toàn xã hội sẵn sàng cho những hành động ứng phó. Chúng ta có thể trông đợi vào công nghệ, chính sách, nhưng điều quan trọng hơn cả là cần phải có những thay đổi trong lối sống và hành vi. Xây dựng một kênh truyền thông riêng nhằm cung cấp thông tin đầy đủ nhất về các vấn đề biến đổi khí hậu nghiêm trọng là một giải pháp đối với nước ta. Truyền thông báo chí sẽ đóng vai trò quan trọng để nâng cao nhận thức của công chúng cũng như tác động đến các nhà hoạch định chính sách. Báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng như truyền hình cũng cần phát huy hơn nữa vai trò của mình trong công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. Các báo nên có chuyên mục về riêng về các vấn đề môi trường liên quan đến biến đổi khí hậu, trong khi truyền hình và phát thanh đã có các chuyên mục này. Các bản tin dự báo cũng cần được đưa đến công chúng một cách nhanh chóng và chính xác hơn. Ngoài ra, cũng cần xem xét việc đưa các vấn đề về biến đổi khí hậu vào các chương trình giảng dạy để học sinh nắm bắt được những kiến thức cơ bản từ đó có thái độ và hành động đúng với môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Các trường học cũng có thể tổ chức các hoạt động ngoại khóa tìm hiểu về thiên nhiên như tổ chức các hình thức tham quan, cắm trại tại các khu bảo tồn, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về môi trường và đưa ra các sáng kiến về bảo vệ nguồn nước, biển, bảo vệ rừng và các hệ sinh thái ven biển, phát động các chiến dịch trồng cây, trồng rừng phòng hộ...


3.5. HỢP TÁC QUỐC TẾ

Việt Nam cần yêu cầu các nước phát triển hỗ trợ tài chính và chuyển giao công nghệ mới, thân thiện với môi trường nhằm phục vụ mục tiêu phát triển bền vững đồng thời sẵn sàng phối hợp với các nước phát triển trong việc xây dựng và thực hiện các dự án CDM tại Việt Nam phục vụ phát triển bền vững và giảm phát thải khí nhà kính.

Bộ Tài nguyên&Môi trường cần tăng cường hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực biến đổi khí hậu nói chung và cơ chế phát triển sạch để đạt được các thỏa thuận hợp tác. Việt Nam cũng cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác tài chính, công nghệ và xây dựng năng lực trong thời kỳ hậu Kyoto, tích cực tham gia các cuộc hội thảo, hội nghị và đàm phán quốc tế về các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu.

Xây dựng các danh mục các dự án thuộc lĩnh vực biến đổi khí hậu để kêu gọi tài trợ và tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các nước công nghiệp và các nước phát triển. Hợp tác quốc tế trong đào tạo, nâng cao năng lực thông qua đầu tư trực tiếp, tư vấn và xây dựng các hệ thống cảnh báo sớm.



Ngoài việc chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, cập nhật và xử lý kịp thời các thông tin về biến đổi khí hậu, nước biển dâng, Bộ Tài nguyên & Môi trường đồng thời cần tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế về biến đổi khí hậu để nghiên cứu xây dựng Chương trình hành động thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng của Việt Nam.
KẾT LUẬN


  • Các nguyên nhân gây biến đổi khí hậu rất đa dạng và phức tạp, do cả tự nhiên và do con người. Nhưng rõ ràng là con người là tác động đẩy nhanh quá trình này trong vài thập kỷ qua. Theo các kịch bản biến đổi khí hậu trong Báo cáo đánh giá lần thứ 4 của IPCC thông qua tháng 12/2007 tại Bali, Inđônêxia: nhiệt độ trung bình toàn cầu vào cuối thế kỷ này có thể tăng thêm 0,6oC và mực nước biển dâng từ 0,18 đến 0,38m (kịch bản thấp) và tăng thêm 4oC, mực nước biển dâng từ 0,26 đến 0,59m (kịch bản cao). Cho dù mọi nỗ lực cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ được tiến hành, nhưng việc giảm ngay lượng khí thải như dự đoán cũng chưa thể bù đắp nổi những tác động do sự biến đổi khí hậu cho đến ít nhất là năm 2040. Về lâu dài, biến đổi khí hậu là mối đe doạ hết sức to lớn đối với sự phát triển con người.

  • Nhằm hạn chế tốc độ biến đổi khí hậu, cần định hướng phát triển toàn cầu theo lộ trình hướng tới một nền kinh tế xanh-sạch, ít cácbon; cắt giảm khí thải nhà kính gây nóng lên toàn cầu chủ yếu ở các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp và giao thông; cắt giảm trợ cấp cho các nguồn năng lượng hóa thạch; tăng cường sử dụng hiệu quả năng lượng, nghiên cứu tìm ra các nguồn năng lượng mới, thân thiện với môi trường.

  • Biến đổi khí hậu đã gây nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản và tài nguyên thiên nhiên và huỷ hoại môi trường. Một trong hệ quả rõ nhất của biến đổi khí hậu là nước biển dâng cao và đây thực sự là mối lo ngại trong tương lai đối với các vùng thấp và nằm dưới mực nước biển, các quốc đảo và quốc gia có biển, đặc biệt là các nước đang phát triển và kém phát triển. Trong thế kỷ này, hàng trăm triệu người có thể phải di dời do mực nước biển dâng cao. Thế giới sẽ phải đối mặt với nguy cơ này trên phạm vi rộng lớn hơn. Nhiều thành phố của các quốc gia ven biển đang đứng trước nguy cơ bị nước biển nhấn chìm - hậu quả trực tiếp của sự tan băng ở Bắc và Nam cực. Nhằm hạn chế những tổn thất, cần phải quy hoạch và đưa ra các giải pháp thích ứng ngay từ bây giờ. Một số nước có thể chỉ bị ảnh hưởng ít, trong khi một số nước khác có thể bị tác động nặng nề, đe doạ đến tính toàn vẹn lãnh thổ. Muốn ngăn chặn những mối đe doạ này, đòi hỏi phải có sự hợp tác quốc tế chặt chẽ hơn bao giờ hết.

  • Các nước giàu đã nhận thức được việc thích ứng là yêu cầu tất yếu. Nhiều nước đã đầu tư rất lớn vào xây dựng cơ sở hạ tầng và chiến lược đối phó trong tương lai. Các nước đang phát triển đối mặt với thách thức nghiêm trọng hơn do khó khăn về tài chính và thiếu năng lực. Các nước phát triển cần cam kết và tăng cường hỗ trợ tài chính dưới dạng các quỹ giảm nhẹ biến đổi khí hậu và chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển. Các nước đang phát triển cũng cần nâng cao năng lực và tạo điều kiện cho những đối tượng dễ bị tổn thương thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua đầu tư vào bảo hiểm, bảo trợ xã hội, y tế, giáo dục.

  • Tác động của biến đổi khí hậu không trừ đất nước nào, dù cho nước đó không góp nhiều vào nguyên nhân gây biến đổi khí hậu. Theo đánh giá, Việt Nam là nước đang phát triển nằm trong nhóm nước dễ bị tổn thương trước mực nước biển dâng cao. Hậu quả của mực nước biển dâng làm hệ thống đê biển không thể chống chọi được với nước dâng do bão như thiết kế dẫn đến nguy cơ vỡ đê. Mực nước biển dâng cao làm thay đổi chế độ động lực của sóng và dòng chảy ven bờ, làm thay đổi hình thái bờ biển và sông, gây xói lở bờ và hệ thống đê biển. Mực nước biển dâng cao làm cho khả năng tiêu thoát nước ra biển sẽ giảm, kéo theo mực nước các con sông trong nội địa dâng lên, kết hợp với sự gia tăng dòng chảy lũ từ thượng nguồn sẽ đe dọa sự an toàn của hệ thống đê sông, thống đê bao và bờ bao. Tất cả nguy cơ này đe doạ đến sự tồn tại của các cộng đồng ven biển, các hệ sinh thái và các cơ sở hạ tầng có tầm quan trọng quốc gia. Bởi vậy, cần xác định và lựa chọn các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng đủ độ tin cậy và phù hợp với Việt Nam để từ đó có những biện pháp giảm thiểu và thích ứng phù hợp.

  • Nhiều hoạt động kinh tế đang được phát triển ở dải ven biển Việt Nam đã mang lại những lợi ích to lớn cho nền kinh tế quốc dân, nhưng đồng thời cũng khiến Việt Nam đang phải đối mặt với một loạt các vấn đề môi trường biển và ven biển, một phần do hậu quả của sức ép dân số và kinh tế, khả năng quản lý và sử dụng kém hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên cộng với những ảnh hưởng do sự biến động khí hậu toàn cầu, tăng các loại thiên tai như bão, lũ, xâm nhập mặn, triều cường…Việt Nam đã sớm có sự chuẩn bị nhằm đối phó với tình hình bằng cả khoa học kỹ thuật và các biện pháp xã hội. Thách thức lớn nhất hiện nay của Việt Nam trong tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp là Việt Nam cần đưa ra các chiến lược, chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển phù hợp với sự tiến triển nhanh chóng của biến đổi khí hậu toàn cầu, xem vấn đề biến đổi khí hậu là một nhân tố quan trọng trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bền vững, sớm hoàn thiện và đưa ra Chương trình mục tiêu quốc gia đối phó với biến đổi khí hậu trong năm 2008.

  • Để làm giảm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng cao, cần xác định rõ hai mục tiêu giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu và chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu với một trong những hậu quả quan trọng nhất đối với Việt Nam là nguy cơ nước biển dâng cao. Các giải pháp thực hiện hai mục tiêu này có thể rất đa dạng, như tăng cường các hoạt động nghiên cứu gồm đo đạc, đánh giá hiện tượng biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng cao, từ đó đưa ra các chính sách và kế hoạch hành động, tổ chức và thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu sự biến đổi khí hậu và các tác động bất lợi đến con người và môi trường, xác định và tổ chức các hành động thích ứng để đối phó với biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng cao. Trong các giải pháp chiến lược này, tăng cường khoa học công nghệ và nâng cao nhận thức cho cộng đồng cần được chú trọng.



Nhóm biên soạn: Ths. Nguyễn Thị Ngọc Hoàn

Nguyễn Phương Dung
Nguyễn Minh Phượng



Các tài liệu tham khảo chính





  1. Alex de Sherbinin, Andrew Schiller, Alex Pulsipher, Climate change and the risks of settlement in the low elevation coastal zone, Magazine of the International Human Dimensions Programme on Global Environmental Change, October 2007, Issue 2.

  2. Coleen Vogel, Three Cities and Their Vulnerabilities to Climate Hazards, Magazine of the International Human Dimensions Programme on Global Environmental Change, Issue 2, October 2007 ·

  3. Vũ Thanh Ca, Nguyễn Xuân Hiển, Nguyễn Xuân Đạo, Nguyễn Hoàng Anh, Nguyễn Tân Được, Nguyễn Thanh Tâm, Các kết quả đánh giá về khả năng xảy ra sóng thần trên các vùng bờ biển ở Việt Nam, Hội thảo “Xây dựng bản đồ cảnh báo nguy cơ sóng thần cho các vùng bờ biển Việt Nam”, Hà Nội, tháng 8/2007

  4. Nguyễn Quang Cầu, Sự truyền triều và xâm nhập mặn Đồng bằng sông Cửu Long và xu thế xâm nhập sâu của chúng, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, Tập san năm 2005, http://www.hcmussh.edu.vn/USSH/Magazine

  5. National Climate Change Programme, People’s Republic of China, 2007. http://www.ccchina.gov.cn/WebSite/CCChina/UpFile/File188.pdf.

  6. National Adaptation Programme of Action (NAPA), Government of the People’s Republic of Bangladesh, November 2005, http://unfccc.int/resource/docs/napa/ban01.pdf

  7. Y. D. Chen, Q. Zhang, T. Yang, C. Xu, X. Chen, and T. Jiang, Behaviors of extreme water level in the Pearl River Delta and possible impacts from human activities, Hydrology and Earth System Sciences Discussions, Shanghai, 5 December 2007.

  8. Fan Daidu, Li Congxian, Complexities of China’s Coast in Response to Climate Change, Advances in Climate Change Research, Article ID: 1673-1719 (2006)

  9. Md. Golam Mahabub Sarwar, Impacts of Sea Level Rise on the Coastal Zone of Bangladesh, Lund University International Masters, Programme in Environmental Science, Nov. 2005

  10. GS.TS Phan Nguyên Hồng, Ảnh hưởng của nước biển dâng đến hệ sinh thái rừng ngập mặn và khả năng ứng phó, Tạp chí Biển, tháng 7+8/2007.

  11. PGS.TS Lê Bắc Huỳnh, Cục Quản lý tài nguyên Nước, Thực trạng suy giảm nguồn nước ở hạ lưu các lưu vực sông và những vấn đề đặt ra đối với quản lý, Tạp chí Khí tượng thủy văn, 5/2007

  12. IPCC, Climate Change 2007: Synthesis Report, 2007, www.ipcc.ch/pdf/assessment-report/ar4/syr/ar4_syr_spm.pdf

  13. Gs.TSKH Nguyễn Đức Ngữ, Quá trình biến đổi khí hậu, Tạp chí Khí tượng thuỷ văn, tháng 11/2007

  14. John Pilgrin, Tác động của mực nước biển dâng đến các sinh cảnh quan trọng ở Việt Nam, Báo cáo tham luận Ngày đa dạng sinh học quốc tế tại Việt Nam, Hà Nội, 5/2007

  15. John Church, Sea-level rise and global climate change, World Climate Research Programm, 02/2008

  16. Ths. Nguyễn Thị Phương, Phân viện Khí tượng Thủy văn &Môi trường phía Nam, Một số nét về mặn vùng hạ lưu sông Sài Gòn-Đồng Nai, Tạp chí Khí tượng thuỷ văn, 12/2006

  17. Robert J. Nicholls, OECD Workshop on the Benefits of Climate Policy: Improving Information for Policy Makers Case study on sea-level rise impacts, Dec.2003

  18. Trần Đức Thạnh, Nguyễn Hữu Cử, Đinh Văn Huy, Bùi Văn Vượng, Các thuỷ vực ven bờ biển Việt Nam, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Biển, tháng 7/2007, No.1, trang 64.

  19. Shouye Yang, Congxian Li, Daidu Fan, Shuguang Liu, Guozhong, Wang, Dejie Wang, Baohua Li. Impacts of climate changes on Chinese coastal zones and the adaptation strategy. In abstract of “Climate Change: Building the Adaptive Capacity: an international conference on adaptation science, management and policy options”. Yunnan Province, China, May 17-19, 2004. p33

  20. Zhu Jianrong, Wu Hui, Shen Huantitng, Impact of the three gorges dam and project pumping water from the changjiang river into north china on the saltwater intrusion in the changjiang estuary, State Key Laboratory of Estuarine and Coastal Research, East China Normal, University, Shanghai 200062

  21. Susmita Dasgupta, The Impact of Sea Level Rise on Developing Countries: A Comparative Analysis, World Bank, 2007

  22. Wen Ping, Yao Zhangmin, Yang Xiaoling, An Effect Analysic of the Pearl River Emergency Water Transfer Project for Repelling Saltwater Intrusion and Supplementing Freshwater, 2005 www.zwsw.gov.cn/

  23. Báo cáo Phát triển Con người 2007-2008: Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu: Đoàn kết nhân loại trong một thế giới phân cách, UNDP 2007

  24. Biến đổi khí hậu - những hiểm hoạ đang đe doạ Việt Nam, Lao động 30/12/2007.

  25. Đê biển xuống cấp nghiêm trọng, Thanhnien online, 25/3/2008.

  26. Kỷ yếu Hội thảo Hướng tới Chương trình Hành động của Ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhằm giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, Hà Nội, 1/2008.

  27. Nghị định thư Kyoto: Cơ chế phát triển sạch và vận hội mới, Văn phòng dự án Hợp tác tổ chức và đối thoại quốc gia, Liên minh châu Âu-châu Á về sự tăng cường tham gia của Việt Nam, Lào và Campuchia vào Cơ chế Phát triển sạch, 4/2005.

  28. Nỗi lo hạn hán và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, Cục Quản lý Tài nguyên nước, 25/3/2008.

  29. Tài liệu Hội nghị về Biến đổi khí hậu toàn cầu và giải pháp ứng phó của Việt Nam, 2/2008.

  30. Thông tin về thiên tai ở Việt Nam, Cục quản lý đê điều và phòng chống lụt bão trung ương, www.ccfsc.org.vn







Каталог: Uploaded -> file -> hang
hang -> Chỉ thị 20-ct/tw ngày 05 tháng 11 năm 2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới
hang -> TỈnh quảng nam số: 1750 /QĐ-ubnd cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
hang -> TỈnh quảng nam số: 1893/QĐ-ubnd cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
hang -> Căn cứ Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí số 48/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 của Quốc hội khoá 11
hang -> Căn cứ Luật đầu tư ngày 29 tháng 11 năm 2005
hang -> Phụ lục 1 danh sách đÀo tạO ĐẠi học ngành quân sự CƠ SỞ NĂM 2013
hang -> Phương án đặt tên đường tại thành phố Hội An
hang -> TỈnh quảng nam số: 1748 /QĐ-ubnd cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam

tải về 0.61 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương