LỜi giới thiệu suy tư ban đẦu về MẦu nhiệm giêSU



tải về 1.5 Mb.
trang1/19
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích1.5 Mb.
#13722
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   19
LỜI GIỚI THIỆU

LỜI GIỚI THIỆU



SUY TƯ BAN ĐẦU VỀ MẦU NHIỆM GIÊSU

Các tôn giáo không chỉ nhắm đến việc trả lời vấn nạn về nguồn gốc của chúng ta. Bằng cách này hay cách khác, tất cả các tôn giáo cố gắng vén bức màn tương lai lên. Hình như chúng quan trọng vì chúng truyền đạt kiến thức về những gì sẽ xảy ra và vì thế, chỉ cho con người con đường mà họ phải chọn để tránh nổi đau buồn sẽ xảy đến. Thực tế, điều này giải thích tại sao tất cả mọi tôn giáo đều triển khai nhiều phương cách để nhìn vào tương lai.

Chúng ta đang nghiên cứu bản văn Đệ Nhị luật đề cập đến những phương cách khác nhau mà các dân tộc chung quanh Israel đã dùng để mở “cửa sổ” vào trong tương lai: “Khi vào đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh ban cho anh, khi anh đừng học đòi những thói ghê tởm của các dân tộc ấy: Giữa anh em, không được thấy ai làm lễ thiêu con trai hoặc con gái mình, không được thấy ai làm nghề bói toán, chiêm tinh, tướng số, phù thủy, bỏ bùa, ngồi đồng ngồi cốt, chiêu hồn. Thật vậy, hễ ai làm điều ấy thì là điều ghê tởm đối với Đức Chúa” (Đnl 18:9-12).

Câu chuyện về việc vua Saul sụp đổ cho thấy thật khó để giữ vững và hành động mà không có chúng, khi từ bỏ những điều này. Chính Saul đã cố gắng áp đặt mệnh lệnh này và xua đuổi các phù thủy ra khỏi đất đai. Nhưng khi đối diện với viễn tượng trận chiến nguy hiểm sắp xảy ra với người Philistine, vua không thể nào chịu đựng nỗi sự im lặng của Thiên Chúa và ông đã liều mình đi đến Endor, gặp một người phụ nữ gọi hồn người chết và xin bà ta mời thần linh của Samuel để giúp cho vua có một thoáng nhìn về tương lai. Nếu Đức Chúa không lên tiếng, như thế, phải có một người nào đó xé bức màn che đậy tương lai (x. 1Sm 28).

Chương 18 trong sách Đệ Nhị luật đặt tên cho những cách thức muốn điều khiển tương lai như “sự ghê tởm” trong mắt Thiên Chúa. Ngược lại với cách bói toán này, con đường của Israel hoàn toàn khác, con đường đức tin. Con đường đức tin hoạt động trong hình thức một lời hứa. “Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như tôi để giúp anh em; anh em hãy nghe vị ấy” (Đnl 18:15). Thoạt nhìn, hình như điều này không gì khác hơn là lời tuyên bố rằng Thiên Chúa sẽ triển khai một cơ quan ngôn sứ trong Israel và phân công cho người coi cơ quan này nhiệm vụ giải thích hiện tại và tương lai. Lời phê bình gay gắt về các ngôn sứ giả hiện diện rất nhiều trong các bản văn ngôn sứ nhấn mạnh đến sự nguy hiểm, mà trong thực tế, các ngôn sứ sẽ nhận lãnh vai trò của những người bói toán, hành động giống như họ và được người khác hỏi ý kiến như họ. Khi điều này xảy ra, Israel phạm lại chính điều mà các ngôn sứ được uỷ nhiệm để ngăn ngừa.

Kết luận của Đệ Nhị luật quay trở lại lời hứa và đem lại cho lời hứa một chuyển hướng khác ngạc nhiên đã xảy ra ngoài việc thiết lập vai trò ngôn sứ. Khi thực hiện điều này, kết luận của Đệ Nhị luật cho nhân vật ngôn sứ một ý nghĩa thật. Chúng ta đọc thấy “trong Israel, không còn xuất hiện một ngôn sứ nào như ông Môsê, người mà Đức Chúa biết rõ, mặt giáp mặt” (Đnl 34:10). Sự buồn phiền kỳ lạ che phủ lấy kết luận này trong Cuốn sách thứ năm của Môsê. Lời hứa liên quan đến “một ngôn sứ như tôi” chưa được nên trọn vẹn. Và giờ đây, hiển nhiên những lời này không chỉ nhắm đến việc thiết lập ngôn sứ, đúng ra đã tồn tại rồi, nhưng những lời này còn nhắm đến điều gì khác hơn và lớn hơn: Lời tuyên bố về một Môsê mới. Điều này trở nên hiển nhiên vì sở hữu đất đai ở Palestine không làm cho dân tuyển chọn đi vào trong cứu rỗi. Dân Israel vẫn chờ đợi sự giải thoát thật. Cả đến cuộc xuất hành cách triệt để hơn vẫn cần có một đấng được gọi là một Môsê mới.

Và giờ đây, chúng ta biết rằng những gì dành riêng cho Môsê thứ nhất, phẩm chất duy nhất và quan trọng của nhân vật này: Ông đã trò chuyện với Thiên Chúa “diện đối diện” như một người nói chuyện với bạn của mình, như thế, ông đã nói chuyện với Thiên Chúa (x. Xh 33:11). Điều quan trọng nhất về nhân vật Môsê không phải là tất cả những công việc lạ lùng ông đã làm như được tường thuật lại, cũng không phải là những việc làm và những đau khổ trên hành trình từ “căn nhà nô lệ trong Ai cập” qua sa mạc, đến ngưỡng cửa của miền Đất hứa. Điều quan trọng nhất là ông đã nói chuyện với Thiên Chúa như một người bạn. Chỉ có điều này mới có thể là bàn đạp cho công việc của ông. Chỉ có điều này mới là nguồn của Lề luật đã chỉ cho dân Israel thấy con đường của họ qua lịch sử.

Bây giờ, điều này trở nên khá rõ ràng vì vị ngôn sứ không phải là phiên bản bói toán thuộc về Israel, như thời đó đã công nhận cách rộng rãi và như nhiều vị ngôn sứ cũng tự nhận họ như vậy. Ngược lại, vị ngôn sứ này hoàn toàn khác biệt. Công việc của ông không phải là báo cáo về các biến cố về ngày mai hay ngày hôm sau để thỏa mãn tính hiếu kỳ hay nhu cầu an toàn của con người. Ông chỉ cho chúng ta khuôn mặt của Thiên Chúa và khi thực hiện điều này, ông cũng chỉ cho chúng ta con đường mà chúng ta phải đi. Tương lai mà ông nói đến vượt quá những gì mà con người tìm kiếm nơi những thầy bói toán. Ông vạch ra con đường dẫn đến cuộc “xuất hành” đích thật, bao gồm trong cả điều này: Giữa tất cả những con đường lịch sử, con đường tới Thiên Chúa là phương hướng đích thật mà chúng ta phải tìm kiếm và đạt tới. Theo nghĩa này, lời tiên tri là hệ luận tất yếu cho thuyết độc thần của Israel. Đây là cách giải nghĩa của đức tin vào trong đời sống hằng ngày của một cộng đoàn trước mặt Thiên Chúa và trên con đường tới Người.

“Và trong Israel, chưa bao giờ xuất hiện một ngôn sứ nào như Môsê”. Nhận định này cho lời hứa một hương vị cánh chung. “Thiên Chúa, Chúa của người, sẽ nâng lên cho ngươi một ngôn sứ như tôi”. Israel có quyền hy vọng một Môsê mới, Môsê này chưa xuất hiện, nhưng sẽ được nâng lên vào thời điểm thích hợp. Và đặc điểm của vị “ngôn sứ” này sẽ là Ngài trò chuyện với Thiên Chúa diện đối diện, như một người bạn nói chuyện với một người bạn. Dấu phân biệt của vị này sẽ là tương quan trực tiếp giữa Ngài với Thiên Chúa, giúp cho Ngài liên hệ với ý muốn và lời của Thiên Chúa cách trực tiếp và không pha trộn. Dân Israel và đúng thế, toàn thể nhân loại đang mong chờ việc can thiệp cứu độ này.

Dầu vậy, lúc này chúng ta cần nhắc lại một câu chuyện đặc biệt khác trong sách Xuất hành liên quan đến tương quan giữa Môsê với Thiên Chúa. Sách Xuất hành kể cho chúng ta việc Môsê cầu xin Thiên Chúa. “Xin Ngài thương cho con được thấy vinh quang của Ngài” (Xh 33:18). Thiên Chúa chối từ lời khấn xin của ông. “Ngươi không thể xem thấy tôn nhan Ta” (Xh 33:20). Môsê đứng gần Thiên Chúa tại chỗ khe nứt của tảng đá và vinh quang Thiên Chúa đi ngang qua chỗ này. Khi Thiên Chúa đi ngang qua, Người lấy bàn tay của Người che mặt Môsê lại. Nhưng cuối cùng, Người rút tay lại. “Ngươi sẽ xem thấy lưng Ta, còn tôn nhan Ta thì không được thấy” (Xh 33:23).

Bản văn bí nhiệm này đóng vai trò quan trọng trong lịch sử bí nhiệm học của Do thái và Kitô. Bản văn này phục vụ như nền tảng cho những nỗ lực để phân định sự liên hệ với Thiên Chúa có thể đi xa tới đâu trong cuộc đời này và đâu là những giới hạn mà quan điểm bí nhiệm dựa vào. Trong chiều kích của vấn đề hiện nay, điểm chính cho thấy là, cho dù tương quan trực tiếp của Môsê với Thiên Chúa đã làm cho ông trở nên đại trung gian của Mạc Khải, đấng trung gian của Giao Ước, nhưng đại trung gian này vẫn có giới hạn. Ông không nhìn thấy mặt Thiên Chúa, cho dù ông được phép đi vào trong đám mây hiện diện của Thiên Chúa và được phép nói chuyện với Thiên Chúa như một người bạn. Vì thế, lời hứa về “một ngôn sứ như tôi” hiển nhiên bao gồm một ước vọng lớn lao hơn: Vị ngôn sứ cuối cùng, Môsê mời, sẽ được ban cho những gì đã chối từ với Môsê thứ nhất, cái nhìn trực tiếp và đích thật khuôn mặt Thiên Chúa. Và vì thế, khả năng nói chuyện hoàn toàn từ việc nhìn thấy, chứ không chỉ nói chuyện đàng sau lưng Thiên Chúa. Cách tự nhiên, điều này dẫn đến lòng mong đợi hơn mà Môsê mới sẽ là đấng trung gian cho một giao ước cao cả hơn giao ước mà Môsê đã mang xuống từ trên núi Xinai (x. Dt 9:11-24).

Đây là bối cảnh mà chúng ta cần có để đọc câu kết trong phần lời dẫn nhập của Tin Mừng Gioan. “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1:18). Chỉ trong Đức Giêsu, lời hứa về vị ngôn sứ mới được nên trọn vẹn. Những gì xác thực về Môsê trong hình thức rời rạc, nay trở thành hiện thực nơi con người Đức Giêsu: Ngài sống trước mặt Thiên Chúa, không chỉ như một người bạn, nhưng như người Con. Ngài sống trong sự hiệp nhất thân tình nhất với Chúa Cha.

Chúng ta phải bắt đầu từ đây, nếu thật sự chúng ta muốn hiểu nhân vật Giêsu như Tân Ước trình bày cho chúng ta. Những gì mà chúng ta được nghe thuật lại về những lời nói, hành động, đau khổ và vinh quang của Ngài neo chặt lại chỗ này. Đây là tâm điểm. Nếu chúng ta bỏ sót tâm điểm này, chúng ta sẽ thất bại trong việc nhận ra nhân vật Giêsu thật sự là ai, vì thế, nó trở nên tự mâu thuẫn, và cuối cùng trở thành khó hiểu. Câu hỏi mà mỗi một độc giả Tân Ước phải đặt ra là giảng dạy của Đức Giêsu xuất phát từ đâu? Làm thế nào giải thích sự xuất hiện của Ngài trong lịch sử? Câu hỏi này chỉ được trả lời từ quan điểm này. Phản ứng từ những thính giả nghe Ngài khá rõ ràng: Giảng dạy này không đến từ một trường lớp nào cả. Giảng dạy này hoàn toàn khác biệt với những gì có thể học được trong trường học. Giảng dạy này không phải dạy cho loại giải thích hay chú giải. Giảng dạy này khác biệt. Giảng dạy này chú giải “với quyền bính”. Trong phần sau, chúng ta cân nhắc đến những cụm từ của Đức Giêsu, và kế tiếp, chúng ta sẽ trở lại nhận định này theo quan điểm của những ai nghe Ngài và đào sâu vào ý nghĩa của giảng dạy này.

Giảng dạy của Đức Giêsu không phải là sản phẩm từ việc học hỏi của con người, về bất cứ hình thức nào. Giảng dạy này bắt nguồn từ việc tiếp cận cách trực tiếp với Chúa Cha, từ trò chuyện “diện đối diện”, từ cái nhìn của Đấng dựa sát vào trái tim Cha. Giảng dạy này là lời của người Con. Nếu không có nền tảng nội tại này, giảng dạy của Ngài chỉ đơn thuần là sự giả định. Đây là phán đoán của những người học thức thời Đức Giêsu và họ nhận định chính xác như thế vì họ không thể chấp nhận nền tảng nội tại này: Thấy và biết diện đối diện.

Lập đi lập lại, các Tin Mừng ghi nhận rằng nhiều đêm, Đức Giêsu rút lui “lên núi” để cầu nguyện “một mình” với Cha Ngài. Những đoạn văn ngắn này trở nên nền tảng giúp chúng ta hiểu Đức Giêsu. Những đoạn văn này vén bức màn bí nhiệm lên một chút. Chúng cho chúng ta một thoáng nhìn về hiện hữu làm con của Đức Giêsu, vào trong nguồn mà từ trong nguồn này, hành động, giảng dạy và đau khổ của Ngài xuất phát. “Lời cầu nguyện” này của Đức Giêsu là người Con trò chuyện với Cha. Ý thức và ý chí con người của Đức Giêsu, linh hồn Ngài, được đem vào trong sự trao đổi này, và trong cách thức này, “lời cầu nguyện” mang tính người có thể trở thành việc tham dự vào trong hiệp thông làm con với Chúa Cha.

Lời xác nhận khá nổi tiếng của Adolf von Harnack cho rằng sứ điệp của Đức Giêsu nói về Chúa Cha, không phải về người Con, vì thế, nền Kitô học không có chỗ đứng trong sứ điệp này. Hiển nhiên, lý luận này khá sai lầm vì những gì chúng ta đã đề cập tới. Đức Giêsu chỉ có thể nói về Chúa Cha trong cách thức Ngài đã làm bởi vì Ngài là người Con, vì sự hiệp thông làm con giữa Ngài với Chúa Cha. Chiều kích Kitô học, hay nói cách khác, mầu nhiệm người Con như Đấng Mạc Khải Chúa Cha, hiện diện trong tất cả những gì Đức Giêsu nói và hành động. Một điểm quan trọng khác xuất hiện ở đây: Chúng ta đã nói rằng, trong sự hiệp thông làm con giữa Đức Giêsu với Chúa Cha, linh hồn Ngài được đem vào trong hành động cầu nguyện. Ai thấy Đức Giêsu, là thấy Chúa Cha (x. Ga 14:9). Vì thế, người môn đệ cùng bước với Đức Giêsu đã được Ngài đem vào trong hiệp thông với Thiên Chúa. Đó là ý nghĩa của cứu rỗi: Bước qua những giới hạn thuộc bản chất người đã hiện diện ngay tại đó như một khả năng và niềm hy vọng trong con người, hình ảnh và sự giống như Thiên Chúa, ngay từ thời điểm sáng tạo.

                Cuốn sách Đệ Nhị luật bao gồm một lời hứa hoàn toàn khác với niềm hy vọng về Đấng thiên sai được diễn đạt trong những cuốn sách khác của Cựu Ước, tuy thế, lời hứa này là cực kỳ quan trọng để hiểu về nhân vật Giêsu. Đối tượng của lời hứa này không phải về một vị vua Israel hay một vị vua thế gian, nói cách khác, một Đavít mới, nhưng một Môsê mới. Tuy nhiên, chính Môsê cũng được coi như một vị ngôn sứ. Ở đây, phạm trù “ngôn sứ” được xem như một điều hoàn toàn duy nhất và đặc trưng, trái ngược với thế giới tôn giáo chung quanh, một điều gì đó mà chỉ duy Israel có trong hình thức đặc biệt này. Yếu tố khác biệt và mới mẻ này là hệ quả của tính duy nhất thuộc về đức tin vào Thiên Chúa được ban cho Israel. Trong bất kỳ thời đại nào, vấn nạn của con người không chỉ tập trung vào nguồn gốc tối hậu của nó, nhưng hầu như còn hơn cả sự mờ tối về nguồn gốc của nó, con người còn bận tâm đến sự ẩn giấu về tương lai đang chờ đợi họ. Con người muốn xé bức màn này ra. Con người muốn biết về những gì sẽ xảy ra, để họ có thể tránh khỏi sự diệt vong và lên đường hướng về cứu rỗi.

Tác giả: Joseph Ratzinger (ĐGH Bênêđictô XVI)
LỜI DẪN NHẬP
ĐỨC GIÊSU THÀNH NADARÉT : TỪ PHÉP RỬA TẠI SÔNG GIOĐAN ĐẾN BIẾN HÌNH
LỜI DẪN NHẬP

Cuốn sách về Đức Giêsu này đã trải qua một thời gian ấp ủ khá lâu. Giờ đây, tôi muốn giới thiệu phần đầu của cuốn sách trước công chúng. Trong những thập niên 30 và 40, thời gian tôi lớn lên, vào thời ấy đã có nhiều sách khá hay về Đức Giêsu. Người ta có thể nhắc đến tên tuổi của một vài tác giả như Karl Adam, Romano Guardini, Franz Michel Willam, Giovanni Papini, và Henri Daniel-Rops. Tất cả những cuốn sách này đặt cơ sở trên bức chân dung về Đức Giêsu của Tin Mừng. Những cuốn sách này đã trình bày Đức Giêsu như một con người đang sống trên trái đất, cho dù hoàn toàn là một con người, cùng lúc ấy, Ngài cũng đem Thiên Chúa tới cho con người. Thiên Chúa mà, như người Con, Ngài là một với Thiên Chúa này. Như thế, qua con người Đức Giêsu, Thiên Chúa trở nên hiển thị, và kể từ đó, con mắt của chúng ta có thể trông thấy con người tuyệt đối.

Nhưng trong thập niên 50, hoàn cảnh đã bắt đầu thay đổi. Điểm gián đoạn giữa “Đức Giêsu lịch sử” và “Đức Kitô niềm tin” càng ngày càng trở nên rộng lớn và cả hai đã bị tách ra khỏi nhau cách rõ ràng. Trong Đức Giêsu như người Con của Thiên Chúa hằng sống, đức tin vào Đức Giêsu như Đức Kitô có ý nghĩa gì, nếu như con người Giêsu hoàn toàn khác biệt với bức tranh mà các Tác giả Phúc Âm đã vẽ về Ngài, và với bức tranh này, Hội Thánh dùng như nền tảng để giảng dạy, dựa trên chứng tích của các Tin Mừng?

Trong khi khoa nghiên cứu phê bình lịch sử phát triển, nghiên cứu này cũng dẫn đến những sự phân biệt cách khéo lép giữa các tầng lớp khác nhau trong truyền thống các Tin Mừng. Nhưng bên dưới những phân biệt này, đối tượng đích thật của đức tin, nhân vật [Gestalt] Giêsu, càng ngày càng trở nên tối tăm và mờ dần. Cùng lúc ấy, những tái tạo về Đức Giêsu này (Chỉ khám phá ra Đấng này phía sau các truyền thống và các nguồn mà các Tác giả Phúc Âm dùng tới) càng ngày càng trở nên mâu thuẫn nhau: Từ tận cùng của một cực, Đức Giêsu là nhà cách mạng chống lại Roma để lật đổ các quyền lực thống trị, dù cuối cùng đã thất bại, đến một tận cùng khác, Ngài là nhà giáo đạo đức hiền thành cho phép tất cả và đã thất bại một cách vô trách nhiệm. Nếu bạn đọc một số tái tạo, bạn nhận ra ngay rằng, quá xa vời với việc khám phá một icon đã trở nên quá tối tăm qua dòng thời gian, từ tái tạo này đến tái tạo kia lại giống như những hình ảnh của các tác giả và các lý tưởng mà họ đang quan niệm. Từ đó đã dẫn đến sự nghi ngờ về những bức chân dung về Đức Giêsu này. Vì lý do đó, chính nhân vật Giêsu càng lùi ra xa hơn nữa.

Tất cả những nỗ lực này đã dẫn đến một kết quả chung: Ấn tượng cho rằng chúng ta biết rất ít về Đức Giêsu, và chỉ qua thời gian sau đó, đức tin vào thần tính của Ngài mới làm thành hình ảnh mà chúng ta có về Ngài. Cho tới bây giờ, nói chung, ấn tượng này đã đi sâu vào trong tâmt rí của người Kitô. Đây là hoàn cảnh bi thảm về đức tin, bởi vì, người ta nghi ngờ về điểm quy chiếu của đức tin: Bạn bè thân thiện với Đức Giêsu, Đấng mà tất cả lệ thuộc vào, có nguy cơ nắm lấy không khí loãng.

Rudolf Schnackenburg có thể là nhà chú giải Công giáo nổi tiếng nhất của nước Đức trong hậu bán thế kỷ hai mươi. Rõ ràng, vào cuối đời của ông, khủng hoảng này bao vây lấy đức tin đã gây ra ấn tượng sâu trên ông. Vì những bất cân xứng trong mọi chân dung về Đức Giêsu “lịch sử” được các nhà chú giải đương đại đưa ra, ông phấn đấu để viết một công trình quan trọng cuối cùng: Đức Giêsu trong các Tin Mừng: Một Kitô Học Kinh Thánh. Cuốn sách này có mục đích giúp cho các Kitô hữu “ ngày nay đang bất an vì nghiên cứu khoa học và bàn luận cách phê bình, để họ có thể nắm chặt lấy đức tin vào con người Đức Giêsu Kitô như Đấng mang lại cứu độ và Đấng Cứu Thế của thế gian” (tr. X). Trong phần cuối của cuốn sách, Schnackenburg tóm tắt kết quả của cả cuộc đời nghiên cứu. “Một quan điểm đáng tin cậy về nhân vật lịch sử Đức Giêsu thành Nadarét mà qua cố gắn của khoa học và cùng với các phương pháp phê bình lịch sử chỉ có thể dẫn đến sự bất thỏa đáng” (tr. 316). “Những nỗ lực trong khoa chú giải để xem xét những truyền thống này và truy nguyên chúng lại trong những gì đáng tin mang tính lịch sử” đã lôi chúng ta “vào trong một cuộc tranh luận liên tục về truyền thống và lịch sử biên soạn mà chẳng bao giờ đi đến kết thúc” (tr. 318).

Trình thuật riêng của ông về nhân vật Giêsu chịu đau khổ do một số căng thẳng không thể giải quyết được vì những ép buộc của các phương pháp mà ông cảm thấy buộc phải dùng đến, bất chấp những bất tương xứng của chúng. Schnackenburg chỉ cho chúng ta hình ảnh Đức Kitô của các Tin Mừng, nhưng ông lại cho đó là sản phẩm gồm nhiều tầng lớp của truyền thống, qua đó, Đức Giêsu “thực sự” chỉ được nhìn thoáng từ xa. Ông viết: “Nền tảng lịch sử giả định, nhưng không thay thế được quan niệm đức tin của các Tác giả Phúc Âm” (tr. 321). Giờ đây, không còn ai nghi ngờ về điều này. Những gì chưa rõ ràng là “nền tảng lịch sử” này thật sự kéo dài bao xa. Vì thế, Schnackenburg nêu bật vấn đề về điểm quyết định, mà ông xem đó như sự sáng suốt mang tính lịch sử chân chính: Sự liên quan giữa Đức Giêsu với Thiên Chúa và sự gần gũi của Ngài với Thiên Chúa (tr. 322). “Nếu không neo chặt vào Thiên Chúa, con người Đức Giêsu vẫn mờ ảo, không thật và không thể nào giải thích được” (tr. 322).

Đó cũng là điểm mà tôi sẽ xây dựng cuốn sách của tôi chung quanh. Cuốn sách này nhận ra Đức Giêsu trong ánh sáng hiệp thông của Ngài với Chúa Cha, là tâm điểm đích thật trong nhân cách của Ngài. Nếu không có tâm điểm này, chúng ta hoàn toàn không hiểu được Ngài, và chính từ tâm điểm này, Ngài làm cho chính Ngài hiện diện với chúng ta đến ngày nay.

Chắc chắn, trong những diễn biến đặc biệt trong bài trình bày của riêng tôi về Đức Giêsu, tôi dứt khoát cố gắng vượt qua khỏi Schnackenburg. Vấn đề đối với tường thuật của Schnackenburg về tương quan giữa các truyền thống Tân Ước và các biến cố lịch sử nổi bật lên khá rõ ràng đối với tôi, khi ông viết rằng các Tin Mừng “ muốn mặc lấy xác thể cho người Con bí nhiệm của Thiên Chúa, Đấng đã xuất hiện trên trần gian|” (tr. 322). Tôi muốn trả lời rằng các Tin Mừng không cần thiết phải “mặc xác thể cho Ngài”, vì Ngài đã thật sự mang lấy xác thể. Dĩ nhiên, vấn đề vẫn còn đó: Có cách nào đi vào xác thể này qua mớ hỗn độn dày đặc của các truyền thống hay không?

Trong phần dẫn nhập của cuốn sách, Schnackenburg kể lại cho chúng ta rằng ông cảm thấy mình mang ơn phương pháp phê bình lịch sử, đã được dùng trong nền thần học Công Giáo từ khi thông điệp Divino Afflante Spiritu mở cánh cửa năm 1943 (tr. IX). Thông điệp này là một dấu ấn quan trọng trong nền chú giải Công giáo. Mặc dù, từ Thông điệp này đã bắt đầu cuộc tranh luận về phương pháp cả bên trong lẫn bên ngoài Hội thánh Công giáo. Có nhiều khám phá mới và có ý nghĩa về mặt phương pháp, trong cả hai, nghiên cứu thuần túy lịch sử và sự ảnh hưởng lẫn nhau giữa thần học và phương pháp lịch sử trong việc chú giải Kinh Thánh. Dei Verbum, Hiến Chế Tín Lý về Mặc khải của Công Đồng Vatican II, đã bước đi một bước quyết định tiến về phía trước. Thêm vào đó, hai văn kiện quan trọng của Ủy Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng đã truyền đạt những điểm sâu sắc quan trọng. Những điểm sâu sắc này đã trưởng thành từ bên trong những cuộc tranh luận giữa các nhà chú giải: Cách chú giải Phúc Âm trong Giáo Hội (Vatican City, 1993) và Dân Do Thái và các Sách Thánh của Họ trong Phúc Âm Kitô (Vatican City,2001).

Tối thiểu, từ những văn kiện này, tôi muốn phác hoạ lại những nét chính bao quát về phương pháp luận để hướng dẫn tôi trong khi viết cuốn sách này. Cách đặc biệt vì bản tính nội tại của thần học và đức tin, điểm đầu tiên là phương pháp phê bình lịch sử đã là và vẫn là một chiều kích rất cần thiết trong việc chú giải. Vì tự bản chất của đức tin Kinh thánh là về những biến cố lịch sử thật sự. Đức tin Kinh thánh không kể lại những câu chuyện mang tính biểu tượng hoá các chân lý siêu lịch sử, nhưng đức tin Kinh Thánh có cơ sở trên lịch sử. Lịch sử đã xảy ra tại đây và trên trái đất này. Factum historicum (dữ liệu lịch sử) không phải là mật mã mang tính biểu tượng có thể thay thế cho đức tin Kinh thánh, nhưng factum historicum là nền tảng mà trên nền tảng này: Et incarnatus est, khi chúng ta nói đến cụm từ này, chúng ta công nhận việc Thiên Chúa đi vào cách đích thật trong lịch sử thật sự.

Nếu chúng ta đặt lịch sử này qua bên cạnh, như thế, đức tin Kitô bị biến mất và đức tin Kitô này được viết lại như một vài tôn giáo khác. Dù vậy, nếu điều kiện trở nên một dữ liệu theo nghĩa này, nếu lịch sử là một chiều kích quan trọng trong đức tin Kitô, như thế, đức tin phải tự đặt chính mình vào trong phương pháp lịch sử. Đúng thế, chính đức tin đòi hỏi điều này. Tôi đã nhắc đến Hiến Chế về Mạc Khải của Công Đồng. Hiến Chế này cũng đưa ra cùng một điểm rõ ràng trong phần 12 và tiếp tục liệt kê ra những yếu tố cụ thể của phương pháp mà phải giữ trong đầu khi chú giải Sách thánh. Tài liệu của Ủy Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng về việc chú giải Sách thánh đã triển khai khá đầy đủ cùng một tư tưởng trong chương “Những phương pháp và những cách tiếp cận để chú giải”.

Tôi lập lại, không thể nào thay thế phương pháp phê bình lịch sử vì đó là một dụng cụ đưa ra bố cục đức tin Kitô. Nhưng chúng ta cần thêm vào hai điểm. Phương pháp này là chiều kích nền tảng trong việc chú giải, nhưng phương pháp này không làm cạn kiệt chức năng chú giải của những ai nhận thấy các bản văn Sách thánh như một bộ phận riêng lẻ của Sách thánh được Thiên Chúa linh ứng. Chúng ta sẽ phải trở lại điểm này cách đầy đủ hơn ngay lúc này.

Vì thời gian, điều quan trong, và đây là điểm thứ hai, là nhận ra những giới hạn của chính phương pháp phê bình - lịch sử. Ngày nay, đối với những ai tự xem như họ được Sách thánh nói chuyện cách trực tiếp, sự giới hạn đầu tiên của phương pháp này là, qua chính bản chất của nó, phương pháp này đã đặt cụm từ Sách thánh vào trong quá khứ. Đây là phương pháp lịch sử. Nghĩa là, phương pháp này điều tra bối cảnh đương thời hồi đó của các biến cố, trong đó, những bản văn bắt nguồn. Phương pháp này nỗ lực xác nhận và hiểu về quá khứ, như thể trong chính nó, với độ chính xác có thể lớn nhất. Như thế, để tìm xem có thể tác giả đã nói điều gì và muốn nói trong bối cảnh quan điểm và các biến cố của thời đó. Trong phạm vi này, phương pháp này vẫn trung thực với nó. Phương pháp lịch sử không chỉ nghiên cứu cụm từ Sách thánh như một vật của quá khứ, nhưng còn để các từ này vào trong quá khứ. Nó có thể thoáng thấy các điểm tiếp cận với hiện tại và có thể cố gắng áp dụng từ ngữ Sách thánh vào trong hiện tại. Có một điều mà phương pháp này không thể làm là, làm cho các cụm từ này đi vào trong điều gì đó hiện diện trong hiện tại. Điều này vượt qua giới hạn của phương pháp này. Chính sự chính xác trong cách chú giải thực tế của quá khứ, vừa là sức mạnh và vừa là điểm yếu của phương pháp này.

Điểm này nối kết với một điểm khác. Bởi vì đây là phương pháp lịch sử, nó giả định sự đồng dạng của bản văn trong các biến cố lịch sử mở ra. Vì thế, phương pháp này phải xử lý những từ ngữ của Sách thánh mà nó nghiên cứu như ngôn từ con người. Suy tư cách cẩn thận, nó có thể có trực giác về một điều gì đó có “giá trị sâu xa hơn” từ ngữ chứa đựng. Theo một nghĩa nào đó, nó có thể nắm bắt được những âm thanh thuộc về chiều kích cao hơn qua từ ngữ con người, và như thế, mở phương pháp này ra cho sự tự siêu việt. Nhưng đối tượng đặc biệt của nó là lời nói con người như con người.

Cuối cùng, phương pháp này xem xét đến những cuốn sách riêng lẻ của Sách thánh trong bối cảnh của từng thời kỳ lịch sử của chúng, và kế đó, phân tích chúng xa hơn dựa theo các nguồn của chúng. Tuy nhiên, sự hiệp nhất của tất cả những bản văn này nhhư một “Sách thánh” là điều mà phương pháp này không thể nhận ra như một dữ liệu lịch sử trước mặt. Dĩ nhiên, phương pháp này có thể nghiên cứu những luồng phát triển, sự lớn mạnh của các truyền thống và trong nghĩa này, có thể nhìn ra ngoài khỏi các sách riêng biệt để nhận ra làm thế nào chúng đi đến chung với nhau để làm thành “Sách thánh”. Dù sao chăng nữa, phương pháp này luôn luôn phải bắt đầu bằng cách trở lại nguồn gốc của các bản văn riêng lẻ, nghĩa là, đặt chúng vào trong bối cảnh quá khứ của chúng, cho dù phương pháp này tiếp tục bổ sung chuyển động quay trở lại trong thời gian, bằng cách đi theo tiến trình mà sau đó, các bản văn được đem chung lại với nhau.

Chúng ta không được quên giới hạn của mọi nỗ lực để hiểu biết quá khứ: Chúng ta không bao giờ đi ra khỏi phạm vi của giả thuyết, cách đơn giản, vì chúng ta không thể nào đem quá khứ vào trong hiện tại. Chắc chắn, một số giả thuyết hưởng được một cấp độ chắc chắn cao, nhưng nói chung, chúng ta cần duy trì ý thức về sự giới hạn của tính chắc chắn của chúng ta. Đúng thế, lịch sử của chú giải hiện đại đã làm cho sự giới hạn này cực kỳ rõ rệt.

Như thế, cho đến đây, một mặt, chúng ta chưa nói gì về tầm quan trọng của phương pháp phê bình-lịch sử. Mặt khác, chúng ta đã diễn tả những giới hạn của nó. Dù tôi hy vọng rằng còn có một điều gì đó hơn nữa chứ không chỉ sự giới hạn đã hiện ra trước mặt: Sự kiện mà tính chất nội tại của phương pháp này hướng ra khỏi chính nó và chứa đựng trong chính nó một sự cởi mở cho các phương pháp bổ sung. Trong các từ ngữ của quá khứ, chúng ta có thể xem xét vấn đề liên quan đến ý nghĩa của nó cho hiện tại. Một giọng nói lơn hơn giọng con người ngân vang trong những lời mang tính người trong Sách thánh. Một cách nào đó, các bản văn [Schrifte] riêng lẻ của Sách Thánh chỉ đến tiến trình sống động đã làm thành Sách thánh [Schrift].

Đúng thế, ba mươi năm về trước, nhận thức về điểm cuối cùng này đã được các học giả người Mỹ triển khai thành công trình “chú giải quy điển”. Mục đích của cách chú giải này là đọc các bản văn riêng lẻ trong tính toàn thể của Sách thánh, như thế, đưa ra ánh sáng mới cho tất cả mọi bản văn riêng lẻ. Phần 12 trong Hiến Chế Mạc Khải của Công Đồng Vatican II đã nhấn mạnh cách rõ ràng điểm này như nguyên tắc nền tảng của việc chú giải mang tính thần học: Nếu bạn muốn hiểu Sách thánh theo tinh thần mà Sách thánh đã được viết, bạn phải chú trọng đến nội dung và đến sự hiệp nhất của Sách thánh như một tổng thể. Công Đồng tiếp tục nhấn mạnh đến sự cần thiết phải để ý tới truyền thống sống động của toàn thể Hội thánh và của sự tương tự của đức tin (những tương xứng nội tại bên trong đức tin).

Giờ đây, chúng ta hãy dừng lại trong sự hiệp nhất của Sách thánh. Đây là dữ liệu mang tính thần học. Nhưng dữ liệu này không áp đặt từ bên ngoài vào, trên những gì là một tập thể các bản văn hỗn độn trong chính nó. Các nhà chú giải hiện đại đã đưa ra ánh sáng về tiến trình luôn đọc lại đã giả mạo các từ ngữ được chuyển tải vào trong Sách thánh: Các bản văn cổ được tái hợp lại, tái chú giải lại, và đọc với cặp mắt mới trong những bối cảnh mới. Chúng trở thành Sách thánh bằng cách đọc lại, tiến hoá trong sự tiếp tục với ý nghĩa nguyên thuỷ của chúng, ngầm sửa lại và thêm vào chiều sâu và chiều rộng của ý nghĩa. Đây là tiến trình mà từ ngữ dần dần mở ra những tiềm lực nội tại của chúng, cách nào đó, đã hiện diện như những hạt giống, nhưng đang cần thách đố của các hoàn cảnh mới, kinh nghiệm mới và đau khổ mới, để mở ra.

Chắc chắn, tiến trình bày không đi theo tuyến, và thường đột ngột. Nhưng khi bạn quan sát tiến trình này mở ra trong ánh sáng của Đức Giêsu Kitô, bạn có thể thấy nó chuyển động trong một hướng tổng thể. Bạn có thể thấy Tân Ước và Cựu Ước thuộc về với nhau. Giải thích học mang tính Kitô học này nhìn thấy Đức Giêsu như chìa khoá cho tổng thể và học từ Ngài cách thức để hiểu Sách thánh như một hiệp nhất. Giải thích học mang tính Kitô học này giả định về tiền hành động của đức tin. Giải thích học này không phải là kết luận của một phương pháp thuần túy lịch sử. Nhưng giải thích học này là một hành động đức tin đặt nền tảng trên lý trí, lý trí lịch sử, và như thế, giúp nhận ra sự hiệp nhất nội tại của Sách thánh. Cũng thế, giải thích học này giúp cho chúng ta hiểu lại những yếu tố cá nhân đã làm thành chúng mà không lấy đi tính nguyên thủy về lịch sử của chúng.

“Cách chú giải quy điển”, đọc các bản văn riêng lẻ của Sách thánh trong bối cảnh tổng thể, là chiều kích quan trọng của việc chú giải. Cách này không mâu thuẫn với cách chú giải phê bình-lịch sử, nhưng đem nó tới trước trong phương cách cơ bản hướng về việc trở nên thần học theo nghĩa riêng biệt. Tôi muốn nhấn mạnh đến hai mảng khác của việc chú giải mang tính thần học. Chú giải phê bình-lịch sử về một bản văn tìm cách khám phá ra ý nghĩa chính xác mà từ ngữ muốn truyền đạt vào thời và nơi nguyên thủy của nó. Điều này tốt và quan trọng. Nhưng, bên cạnh dữ kiện cho thấy rằng những tái tạo như thế chỉ có thể công bố sự chắc chắn cách tương đối thôi, cũng cần nhớ rằng bất cứ các nói mang tính người nào luôn có một tầm quan trọng nào đó vì bao gồm nhiều hơn cả những gì tác giả đã có ý thức ngay lúc ấy. Khi một cụm từ siêu việt thời điểm mà nó được nói ra, nó mang trong mình nó một “giá trị sâu xa hơn”. Trước hết, “giá trị sâu xa hơn” này gắn liền với đa số tất cả các từ ngữ đã trưởng thành trong luồng lịch sử-đức tin. Vì thế, trong trường hợp này, tác giả không đơn thuần phát biểu cho chính mình trên quyền bính riêng của mình. Tác giả đang lên tiếng từ quan điểm của một lịch sử chung đã dưỡng nuôi tác giả và đã bao gồm cách tiềm ẩn những khả năng về tương lai của nó, về những giai đoạn xa hơn nơi hành trình của nó. Không thể nào tiến trình luôn luôn đọc lại và rút ra những ý nghĩa mới từ những từ ngữ có thể xảy ra, trừ khi chính những lời này đã mở ra từ bên trong.

Tại điểm này, chúng ta nhận ra một tia sáng, cả trên cấp độ lịch sử, về linh ứng có nghĩa là gì: Tác giả không lên tiếng như một chủ thể riêng tư và tự tại. Ông lên tiếng trong một cộng đoàn sống động, có ý nói là, trong một chuyển động lịch sử sống động không do ông sáng tạo ra, cũng không do tập thể tạo ra, nhưng được một sức mạnh lớn hơn đang hoạt động, dẫn tới phía trước. Đây là những chiều kích của từ ngữ mà nền giáo lý cũ về tứ nghĩa của Sách thánh đã vạch ra tính chính xác cách tuyệt vời. Tứ nghĩa của Sách thánh không phải là những ý nghĩa riêng lẻ được sắp xếp bên cạnh nhau, nhưng là những chiều kích của một từ ngữ vượt ra khỏi thời điểm.

Điểm này đã đề nghị về khía cạnh thứ hai mà tôi đã muốn đề cập đến. Trong Sách thánh , từng cuốn sách hay toàn bộ Sách thánh cũng không đơn thuần là một áng văn chương. Sách thánh đến từ bên trong trái tim của một chủ thể sống động, Dân hành hương của Thiên Chúa, và sống bên trong cùng với chủ thể này. Người ta có thể nói rằng những cuốn Sách thánh liên quan đến ba chủ thể ảnh hưởng lẫn nhau. Trước hết, đó là từng tác giả riêng lẻ hay tập thể nhiều tác giả, những người mà chúng ta nhớ ơn một bản văn Sách thánh cách đặc biệt. Nhưng những tác giả này không phải là những nhà văn tự trị theo nghĩa hiện tại. Họ làm thành một phần của chủ thể mang tính tập thể, “Dân Chúa”, họ lên tiếng từ trong trái tim “Dân Chúa” và cho “Dân Chúa”. Như thế, chủ thể này thật sự là “tác giả” sâu xa hơn của các Sách thánh. Và cũng như thế, dân này cũng không hiện hữu một mình, nhưng dân này biết rằng chính Thiên Chúa đã dẫn dắt và đã nói với họ. Đấng này là Đấng đang nói qua con người và nhân tính của họ ở một cấp độ sâu xa nhất.

Nối kết với chủ thể mà chúng ta gọi là “Dân Chúa” rất quan trọng cho Sách thánh. Một mặt, cuốn sách này, Sách thánh, là lượng định đến từ Thiên Chúa, sức mạnh hướng dẫn nhân loại. Mặt khác, cho dù Sách thánh sống cách chính xác trong dân này, cả như chính dân này siêu việt trong Sách thánh. Qua việc tự siêu việt của họ (tại cấp độ sâu xa nhất, hoa quả của Lời nhập thể), họ trở nên dân của Thiên Chúa. Dân Chúa, Hội thánh, là chủ thể sống động của Sách thánh. Trong Hội thánh, những lời Sách thánh luôn luôn hiện diện. Dĩ nhiên, điều này cũng có nghĩa là dân này phải nhận chính bản thể của họ từ Thiên Chúa, cuối cùng , từ Đức Kitô nhập thể. Dân này phải để Ngài định đoạt, hướng dẫn và chỉ đường cho chính họ.

Tôi cảm thấy tôi mang ơn độc giả về những nhận xét trong phương pháp luận này, vì những nhận xét này chỉ đạo chú giải của tôi về nhân vật Giêsu trong Tân Ước (x. Những nhận xét giới thiệu bao gồm trong Thư Mục). Đối với bức chân dung về Đức Giêsu của tôi, áp dụng chính của điểm này là tôi tin vào các Sách thánh. Dĩ nhiên, tôi thừa nhận những gì Công đồng và chú giải hiện đại nói cho chúng ta về các thể loại văn chương, về mục đích của tác giả, và về dữ kiện mà các Sách thánh đã được viết trong bối cảnh và lên tiếng trong hoàn cảnh sống động của các cộng đoàn. Trong khả năng tốt nhất của tôi, tôi muốn liên kết lại tất cả những điểm này. Tuy thế, tôi vẫn muốn cố gắng vẽ lại bức chân dung Đức Giêsu của Sách thánh như là Đức Giêsu “lịch sử” đích thực, theo đúng nghĩa của từ này. Tôi xác tín và hy vọng rằng độc giả cũng sẽ nhận ra nhân vật này còn hơn sự lôgíc, nói theo tính cách lịch sử, trí tuệ hơn cả những tái tạo mà chúng ta đã trình bày trong những thập niên vừa qua. Tôi tin rằng Đức Giêsu này, Đức Giêsu của Sách thánh, là nhân vật thuyết phục và mang tính lịch sử đích thực.

Không có cách nào để giải thích tại sao Ngài đã phải chịu chết và đã ảnh hưởng mạnh đến như thế, trừ khi phải có chuyện gì đó phi thường đã xảy ra, trừ khi nhân vật và những lời nói của Đức Giêsu vượt qua khỏi niềm hy vọng và lòng trông đợi của thời đó cách triệt để. Sớm nhất là khoảng 20 năm sau khi Đức Giêsu chết, Thánh Thi-Kitô cao trọng trong thư gởi cho cộng đoàn Philipphê (2:6-8) đưa ra cho chúng ta một nền Kitô học đã triển khai cách trọn vẹn. Nền Kitô học này nhấn mạnh rằng Đức Giêsu ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng Ngài tự trút bỏ chính mình, và đã trở nên con người khiêm nhường cho đến chết trên Thập giá. Nền Kitô học này nhấn mạnh rằng, giờ đây, việc thờ phượng của toàn thể tạo vật thuộc về Ngài. Qua Ngôn sứ Isaih, Thiên Chúa đã nói rằng sự tôn vinh này chỉ dành riêng cho mình Người (x. Is 45:23).

Nghiên cứu khoa học đặt câu hỏi cách chính xác: Sau khi Đức Giêsu bị đóng đinh, chuyện gì đã xảy ra trong thời gian hai mươi năm sau? Đâu là xuất xứ của nền Kitô học này? Nếu nói rằng, đây là kết quả thuộc về những hình thức tập thể bí mật, mà chúng ta tìm kiếm tác giả của chúng, giả định này không thật sự giải thích được chuyện gì cả. Làm sao những tập thể vô danh này lại có thể quá sáng tạo như vậy? Làm sao họ quá xác quyết như thế và họ xoay xở như thế nào để chiếm ưu thế? Dù nói theo cách lịch sử, có lôgíc hơn không để cho rằng sự cao trọng đã đến ngay từ đầu, và nhân vật Giêsu thật sự đã làm nổ tung tất cả mọi phạm trù, và chỉ có thể được hiểu trong ánh sáng của mầu nhiệm Thiên Chúa? Thú thật rằng như con người tin rằng Ngài thật sự đã là Thiên Chúa, và Ngài đã truyền đạt thiên tính của Ngài mở ra trong các dụ ngôn, lúc này càng tăng lên sự rõ ràng, vượt qua khỏi phạm vi của phương pháp lịch sử. Thế nhưng, nếu thay vào đó, chúng ta dùng xác tín đức tin này như điểm khởi đầu để ta đọc các bản văn với sự giúp đỡ của phương pháp luận lịch sử và sự mở ra nội tại của nó về điều gì đó lớn hơn, các bản văn này mở ra và mạc khải một con đường và một nhân vật xứng đáng để tin. Còn có một điểm khác cũng hội tụ lại cách rõ ràng: Cho dù các bản văn Tân Ước trình bày sự xung đột gồm nhiều tầng lớp để bám chặt vào nhân vật Giêsu, các bản văn này biểu lộ một hài hoà xâu xa bất chấp mọi khác biệt của chúng.

Hiển nhiên, cách thức mà tôi nhìn về nhân vật Giêsu vượt ra khỏi những gì thuộc về chú giải đương đại, như Schnackenburg đại diện. Tôi hy vọng điều này trở nên rõ ràng cho độc giả, dù mục đích của tôi khi viết cuốn sách này không phải để chống đối lại những chú giải hiện đại. Nhưng tôi viết cuốn sách này với lòng biết ơn sâu xa đến tất cả những gì đã được ban cho và còn tiếp tục ban cho chúng ta. Nó đã mở ra cho chúng ta sự giàu có về tài liệu và sự phong phú trong những việc tìm kiếm để làm cho nhân vật Giêsu trở nên hiện diện với chúng ta cùng với sự sống động và chiều sâu mà chúng ta không thể nào tưởng tượng nổi trong một vài thập niên vừa qua. Đơn thuần, tôi cố gắng đi xa hơn chú giải phê bình-lịch sử để áp dụng những chiều sâu thuộc về phương pháp luận mới, cho phép chúng ta đưa ra một chú giải về Sách thánh thích hợp mang tính thần học. Chắc chắn, điều này cần phải có đức tin, nhưng mục đích khá rõ rệt, hay buộc phải rõ rệt, là không được đầu hàng việc cam kết với lịch sử cách nghiêm túc.

Cuốn sách tiếp tục nhưng không nói lên rằng đây là một hành động của giáo quyền, nhưng cuốn sách này chỉ là một diễn đạt tìm kiếm của cá nhân tôi về “khuôn mặt của Chúa” (x. Tv 27:8). Như thế, mọi người tự do mâu thuẫn với tôi. Tôi chỉ xin độc giả sự thiện chí lúc ban đầu, vì nếu không có thiện chí này, không thể nào hiểu được.

Như tôi đã đề cập ngay trong phần dẫn nhập, cuốn sách này đã trải qua thời gian thai nghén dài. Tôi đã bắt đầu làm việc với cuốn sách này trong những ngày nghỉ hè năm 2003. Kế đến, trong tháng 8 năm 2004, tôi đã hoàn tất từ chương 1 đến chương 4. Sau khi tôi được chọn làm Giám Mục thành Roma, tôi đã dùng tất cả những thời gian rãnh rổi để tiếp tục viết cuốn sách này. Bởi vì tôi không biết tôi có còn được ban cho nhiều thời gian hay sức lực nữa, tôi đã quyết định xuất bản mười chương đầu, bao gồm thời gian từ Phép Rửa tại sông Giođan, cho đến lời tuyên tín đức tin của Phêrô và Biến hình, như Phần Một của cuốn sách này.

Trong Phần Hai, tôi hy vọng rằng tôi có thể bao gồm chương về các trình thuật thời thơ ấu, mà giờ đây tôi đã hoãn lại, vì các chương trình này gây ấn tượng cho tôi như tiêu chuẩn quan trọng nhất để trình bày nhân vật và sứ điệp của Đức Giêsu trong công việc mục vụ công khai của Ngài, và vì thế, giúp nuôi dưỡng sự lớn lên trong một tương quan sống động với Ngài.



Roma, ngày 30 tháng 9 năm 2006

Lễ thánh Giêrômê

JOSEPH RATZINGER, BÊNÊĐICTÔ XVI

 

(Lm. Nguyễn Luật Khoa, OFM & Nữ tu Phạm Thị Huy, OP dịch) 



Dịch từ bản tiếng Anh Jesus of Nazareth

Tác giả Joseph Ratzinger, Jesus von Nazareth



Каталог: wp-content -> uploads -> downloads -> 2011
2011 -> CÔng đỒng vatican II qua bốn thập niêN
2011 -> TÒa giám mục xã ĐOÀi chỉ nam giáo phận vinh lưỢC ĐỒ TỔng quáT
2011 -> 1. phép lạ thánh thể ĐẦu tiên khoảng năm 700 Tại làng Lanciano, nước Ý (italy)
2011 -> Thiên chúa giáo và tam giáO Đường Thi Trương Kỷ
2011 -> Tác giả Võ Long Tê chưƠng I bối cảnh lịch sử
2011 -> LỊch sử truyền giáo tại việt nam quyển II lm. Nguyễn hồng chưƠng I: MỘt cha dòng têN Ở việt nam tới rôMA
2011 -> Các mẫu thức MẠc khải lm. Lê Công Đức
2011 -> Một lời nói đầu không phải là nơi nhiều chỗđể tóm lược lập luận của một cuốn sách cũng như định vị hoặc phát biểu về sựquan trọng của nó. Đây quả thực là một cuốn sách rất quan trọng
2011 -> Tu luật thánh biểN ĐỨc ngày 1 tháng 1

tải về 1.5 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   19




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương