LỊch sử truyền giáo tại việt nam quyển II lm. Nguyễn hồng chưƠng I: MỘt cha dòng têN Ở việt nam tới rôMA



tải về 1.47 Mb.
trang1/21
Chuyển đổi dữ liệu30.07.2016
Kích1.47 Mb.
#10372
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   21




LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO TẠI VIỆT NAM

QUYỂN II

LM. NGUYỄN HỒNG

CHƯƠNG I:  MỘT CHA DÒNG TÊN Ở VIỆT NAM TỚI RÔMA

  1. CHA ĐẮC LỘ TRÊN ĐƯỜNG ĐI CÔNG CÁN

Ngày 27-6-1649, dưới thời Đức Thánh Cha Inôxentê X, trên công lộ dẫn vào thành Rôma có một cha dòng Tên, vẻ mặt hân hoan sung sướng, đang rảo bước hướng về Đền Thánh Phê-rô.

Nếu có ai hỏi cha ở đâu tới, chắc cha sẽ thưa : “Tôi ở xứ Đông Kinh và Cochinchina, nơi xa lạ ở bên kia trời Đông tới. Tôi muốn gặp Đức Thánh Cha để trình bày với người tình trạng đòi hỏi khẩn cấp của hai xứ đó : việc thành lập hàng Giáo sĩ bản quốc thay thế cho số thừa sai ngoại quốc quá ít ỏi trước con số đông đúc giáo dân. Tôi sẽ xin người sái tới địa sở truyền giáo đó một sối các Giám mục, để các ngài truyền chức cho họ.”

Cha dòng Tên đó chính là cha Đắc Lộ.

 

1. Tiếng kêu khẩn cấp

Ngày 3-7-1645, khi cha Đắc Lộ bị trục xuất vĩnh viễn khỏi miền Nam, số giáo dân đã lên tới gần 50.000 người. Cơn bách hại vẫn tiếp tục mà giáo dân không có linh mục ở bên để chỉ huy, nâng đỡ. Gần một năm sau, nhờ có bốn viên ngọc trai quý và nhiều lễ vật khác, cha Metello Saccano mới xin phép được thượng Vương cho ở lại Hội An. Nhưng vì không được ra khỏi khu vực đó, nên việc trông coi giáo đoàn cha phải trông nhờ vào các thầy giảng và các ông trùm trưởng các họ.

Ở ngoài Bắc, số giáo dân lên tới hơn 100.000, quá sự mong đợi của các thừa sai dong Tên nghĩ đến việc tổ chức giáo đoàn. Muốn tổ chức cần phải có nhân viên. Đã nhiều lần các Bề Trên Áo Môn gởi thêm các thừa sai. Nhưng từ năm 1640, vì công cuộc truyền giáo ở Trung Quốc được tự do và đã hứa hẹn nhiều kết quả, nên số thừa sai cũng cần thêm. Một mình Áo Môn không thể thoả mãn cho đòi hỏi cả một vùng Đông Nam Á. Đàng khác, sự có mặt một số đông thừa sai trên đất Việt không những gặp cản trở ở nơi chúa Trịnh cũng như chúa Nguyễn, lại còn có thể gây ra nhiều nghi ngờ tai hại. Tuy tổ chức thầy giảng đã giúp các cha rất nhiều, nhưng các thầy giảng cũng không thể thay thế hoàn toàn cho các linh mục được. Chỉ còn một đường lối giải quyết là thành lập hàng Giáo sĩ bản quốc.

Việc thành lập hàng Giáo sĩ bản quốc với giám mục, linh mục, phó tế đã được các Tông Đồ và các nhà truyền giáo tiếp tục công cuộc các ngài vạch vẽ và nêu cao ngay từ thời kỳ đầu : Phúc Âm được rao giảng ở đâu, thì Giáo Hội cũng được thành lập ở đấy.

Đối với các thừa sai thế kỷ 17 ở vùng Đông Á, không kể những thành kiến về chủng tộc và những khó khăn về ngôn ngữ Phụng Vụ, các ngài còn gặp một cản trở lớn lao là thiếu giám mục để truyền chức.

Để giải quyết vấn đề, cần phải kêu gọi đến Toà Thánh, vì chỉ có Toà Thánh mới có đủ thẩm quyền đặt giám mục. Đường lối giải quyết đã được các cha Bề Trên dòng Tên ở Áo Môn vạch định. Nhưng ai là người sẽ đại diện các ngài qua Rôma để cong cán vấn đề quan trong đó ?

Đang khi tìm kiếm thì cha Đắc Lộ bị trục xuất vĩnh viễn khỏi miền Nam về tới Áo Môn (tháng 7-1645). Cho rằng cha là người có đủ khả năng, đủ tín nhiệm hơn cả, các Bề Trên Tỉnh dòng đã uỷ thác cho cha trách nhiệm ấy.

Cha viết : “Các ngài tin rằng tôi có một hiểu biết khá đầy đủ về những nhu cầu lớn lao của xứ ấy, nơi mà tôi đã sống ở đấy nhiều năm. Tôi sẽ trình bày với Đức Thánh Cha về các giáo đoàn xứ ấy cần có giám mục. Tôi sẽ trình bày với các vua có đạo tình trạng nghèo khó của các cha thừa sai đang hoạt động trong những địa sở truyền giáo tốt đẹp đó. Tôi cũng trình bày với cha Bề Trên chung của dòng nhưngc hy vọng lớn lao có thể thu lượm được ở những xứ ấy, nếu chúng ta có những người đến rao giảng Tin Mừng cho họ. Các ngài đã trao cho tôi ba trách nhiệm ấy và tôi rất vui lòng lĩnh nhận…”

Ngày 20-12-1645, nhà anh hùng truyền giáo của nước Việt Nam trở về Âu Châu trên đoàn tàu hùng dũng gồm tám chiếc tàu lớn của Bồ Đào Nha trẩy đi Ấn Độ rồi về Lisbonna.

Không còn hy vọng trở lại sống bên những giáo dân thân yêu, cha Đắc Lộ đã hy sinh quãng đời còn lại của cha để hoạt động ở các nước ngoài tìm việc trợ lực tinh thần cho họ. Nếu trong công cuộc truyền giáo khai thác lúc đầu phải kể cha vào những thừa sai tiên khởi của nước Việt, thì trong công cuộc thành lập hàng Giáo sĩ Việt Nam. Chúng ta phải nhận cha là người dẫn đầu mở lối.

Nhưng Giáo Hội Việt Nam còn phải chờ 15 năm sau mới thấy kết quả của cuộc vận động của cha Đắc Lộ : là việc thành lập hai toà giám mục đại diện Toà Thánh đầu tiên với hai Đức Cha : Phanxicô Pallu và Lambertô de la Motte.



2. Một cuộc hành trình đầy gian lao

Thực vậy, tuy hối hả lên đường để mong thực hiện chóng váng chương trình thành lập hàng Giáo sĩ cho Giáo Hội Việt Nam, cha Đắc Lộ đã phải mất hơn 3 năm hành trình vất vả mới tới Rôma. Lúc đó, những phương tiện chuyên chở đâu có tiện lợi và nhanh chóng như chúng ta ngày nay, lại thêm những cuộc tranh giành thương mại giữa người Bồ Đào Nha và người Hoà Lan, không nói chi đến những cuộc cướp biển càng làm cho cuộc hành trình của cha thêm nguy hiểm.

Bỏ Áo Môn ngày 20-12-1645, ngày 14-01-1646 cha tới Malacca. Bán đảo này trước thuộc người Bồ, nhưng từ ngày 12-01-1641 đã rơi vào tay người Hoà Lan theo Thệ Phản. Cuộc thất bại ở Malacca là tiếng chuông báo hiệu thời kỳ suy đồi của đế quốc Bồ Đào Nha. Về chính trị, quân sự cũng như thương mại, Malacca là một hải càng quan trong giữa con đường hàng hải từ Goa tới Áo Môn. Dưới quyền một đế quốc theo Thệ Phản, đạo Công giáo ở Malacca bị tổn thiệt rất nhiều do những khó dễ của nhà cầm quyền gây ra. Cha Đắc Lộ ghi lại cảm tưởng của cha khi tới đó : “Khi tôi đi các phố xá thấy các dấu vết của đạo hoàn toàn xoá bỏ, tôi thú nhận tâm hồn tôi buồn bã vô cùng. Tôi nhận ra sự thay đổi lớn lao giữa tình trạng mà tôi thấy lúc này với tình trạng tôi đã thấy cách đây 23 năm trong cái thành phố đẹp đẽ đó !”

Để cuộc hành trình được mau chóng, từ Malacca, cha Đắc Lộ lấy tàu Hoà Lan để về thẳng Âu Châu. Như thế cha sẽ tiết kiệm được thời gian tàu người Bồ đậu lại ở Goa. Với tính cách là dân Pháp, cha hy vọng được người Hoà Lan đối đãi tử tế. Đàng khác người Bồ và người Hoà Lan cũng mới ký hoà ước với nhau. Nhưng công việc đã xảy ra trái với hy vọng của cha. Người Thệ Phản vẫn không ưa gì người Công giáo, và nhất là các vị thừa sai.

Từ Malacca, sau 11 ngày, tàu tơi Batavia (tức Djakarta ngày nay). Lúc đầu với tính cách là dân Pháp, cha Đắc Lộ được xử đãi tử tế hơn. Nhưng một ngày Chúa Nhật vào tháng 7, cha đang dâng lễ trong gia đình một giáo dân Bồ thì bị người Hoà Lan ở Batavia bắt. Sau hơn 2 tháng bị giam trong một nhà tù rất tối tăm thường dùng để giam các phạm nhân không hy vọng thoát được án tử hình, cha Đắc Lộ bị kết án trục xuất và nộp phạt 400 đồng tiền vàng. May mắn lúc đó Cônêliô Van der Lijn được phái đến làm toàn quyền thay cho Antôn Van Diemen. Van der Lijn, vì nhớ ơn cha Đắc Lộ, thời kỳ trong Nam đã xin tha bổng cho sáu người Hoà Lan nên ông đã ra lênh trả lại tự do và số tiền nộp phạt cho cha. Ra khỏi tù, cha vội lấy tàu đến trú ở Macassar vùng đảo Célèbes. Dân chúng ở đó tuy theo Hối giáo nhưng có thịnh tình với người Bồ, nên xử đãi tử tế với các thừa sai.

Chờ ở Macassar 5 tháng, ngày 15-06-1647, cha lấy tàu qua Suali, hải cảng của Surate (tức vùng Bom-bay bây giờ). Cha tới nơi ngày 30-09. Vì không có tàu vòng qua Hảo Vọng Giác về Âu Châu, cha phải ở đây 4 tháng, rồi lấy tàu đi Ba Tư. Sau đó, theo đường bộ qua Arménia đến Smyrna. Đường bộ tuy vất vả và gian nan không kém gì đường thuỷ, nhưng vắn hơn và nhanh hơn. Một năm sau, ngày 17-03-1649, cha tới Smyrna (tức Ismir ngày nay, hải cảng của Thổ Nhĩ Kỳ). Gặp chuyến tàu qua Địa Trung Hải, mấy tuần sau cha tới Genôva.

Ngày 27-06. cha Đắc Lộ tới Rôma. Cha viết : “Tôi không nói chi đến niềm an ủi tràn ngập trong hồn tôi, khi tôi thấy mình may mắn được về tới nơi cao hơn hết trong trái đất. Sau 3 năm rưỡi trời của cuộc hành trình với bao gian nguy, trên bộ và trên biển, tôi đa xtrải qua bao cơn bão táp, bao lần đe doạ đắm tàu và bao cảnh giam cầm. Tôi đã đi qua bao vùng sa mạc, bao vùng dân ngoại, vùng dân rối đạo, và dân Turc. Dầu vậy, tôi luôn được che chở dưới cánh tay của Chúa quan phòng, Người đã bảo vệ tôi với lòng nhân từ đặc biệt, tôi cảm thấy khoả mạnh và tươi vui để bắt tay vào công việc như khi tôi bỏ Rôma để đi Ấn Độ cách đây 31 năm”.

 

II. QUYỀN BẢO TRỢ CỦA NGƯỜI BỒ ĐÀO NHA, MỘT TRỞ NGẠI CHO CUỘC VẬN ĐỘNG CỦA CHA ĐẮC LỘ

Nhưng sự sung sướng và hy vọng của cha đã tan đi khi bắt tay vận động cho việc thành lập hàng Giáo sĩ Việt Nam, cha đã gặp những trở ngại lớn lao, hầu như không thể vượt qua được. Cha phải đợi 1 năm trời mới dám trình công việc lên Toà Thánh. Đang chờ đợi, cha xuất bản nhiều cuốn sách nói về Giáo Hội Việt Nam.

Trở ngại đáng lo ngại hơn cả là quyền bảo trợ của người Bồ Đào Nha. Để có thể hiểu rõ những khó khăn cha Đắc Lộ đã gặp phải và sau này những cản trở các giám mục tiên khởi ở Việt Nam phải đương đầu, chúng ta cần biết qua chế đọ bảo trợ của người Bồ Đào Nha. Sau đó chúng ta cũng cần biết Bộ Truyền Giáo, trung tâm chỉ huy truyền giáo của Giáo Hội, đồng thời lúc đầu cũng là cơ quan để chống lại những lạm dụng, những khó dễ gây ra do chế độ bảo trợ của người Bồ Đào Nha. Nếu quyền bảo trợ của người Bồ Đào Nha làm cản trở cho cuộc vận động của cha Đắc Lộ, thì Bộ Truyền Giáo lại rất ủng hộ yêu cầu của cha. Sau này đối với hai vị giám mục tiên khởi ở Việt Nam, Bộ Truyền Giáo cũng sẽ là nơi nương tựa và là nơi cầu cứu của các ngài mỗi khi gặp khó khăn.

 

1. Quyền bảo trợ của người Bồ Đào Nha

Cuộc khám phá những vúng đất mới đa đưa hai nước Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đến mộng chinh phục thế giới. Họ có sẵn trong tay những đoàn tàu hùng mạnh và những thuỷ thủ ưa mạo hiểm.

Từ khi Henri chiếm Ceuta (thuộc Marốc) ngày 21-08-1415, cuộc chinh phục của người Bồ Đào Nha lan đi rất nhanh. Năm 1498, Vasco de Gama đã theo đường biển tới Ấn Độ. Năm 1510 Albuquerque chiếm Goa, và năm sau 1511 chiếm Malacca, thành lập những trụ sở thương mại đầu tiên của người Bồ Đào Nha ở Á Châu. Bốn mươi sáu năm sau, tức năm 1557 họ lại đặt thêm một trụ sở ở Áo Môn để giao dịch thương mại với lục địa Trung Hoa, Nhật Bản và Việt Nam.

Từ sau khi Tây phương đã được Kitô hoá, vấn đề truyền giáo bị ngưng trệ và có người cho là có thể chấm dứt. Với cuộc khám phá những vùng đất mới trên đây, Toà Thánh Rôma bị đặt trước vấn đề truyền giáo cho một số lớn những dân chưa được nghe biết tin lành của Chúa Cứu Thế.

Không có sẵn một tổ chức truyền giáo, đồng thời cũng không có sẵn những phương tiện tài chính để cung cấp cho một công cuộc lớn lao như thế, các Đức Thánh Cha cho rằng tiện hơn hết là uỷ thác công việc cho các hoàng đế của hai nước Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Một số các dòng truyền giáo như dòng thánh Đaminh, thánh Phanxicô, thánh Aucơtinô, dòng Tên… sẽ cung cấp các thừa sai, và Bề Trên các dòng sẽ chỉ huy, xếp đặt công cuộc truyền giáo, cũng như sai phái các nhân viên của mình với sự giúp đỡ của các thừa sai được giải quyết, và thế lực của họ trong khu truyền giáo bảo đảm sinh mệnh cho các thừa sai. Với những tài nguyên thu lượm được trong việc buôn bán, họ cũng nhận cung cấp các nhu cầu vật chất cho các thừa sai, lo liệu cho các ngài được đủ sống, có chỗ ăn chỗ ở, đồng thời cũng chịu những phí tổn xây cất nhà thờ, thành lập các tu viện, với tất cả các vật dụng cần thiết như bàn thờ, đồ thờ…

Nhưng trách nhiệm đi đôi với quyền lợi. Để bù lại, Toà Thánh cho Quốc vương và chính phủ hai quốc gia đó có quyền đề nghị các Đức Giám mục và các vị cao cấp trong hàng giáo phẩm thuộc các địa phận trong địa sở truyền giáo đã uỷ thác cho họ. Do đó phát sinh ra chế độ bảo trợ và dần dần Quốc vương hai nước có một quyền lực rất lớn trong Giáo Hội ở các địa sở truyền giáo.

Để truyền giáo cho Việt Nam chúng ta, cha Đắc Lộ cũng như các thứa sai dòng Tên, và thừa sai các dòng khác phải chịu quyền bảo trợ của triều đình Bồ Đào Nha. Việc phân chia khu vực quyền bảo trợ giữa hai quốc gia Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha bắt nguồn từ con đường do Đức Thánh Cha Alexandrô VI vạch từ Bắc xuống Nam để tránh sự cạnh tranh giữa hai nước Công giáo trong việc tìm khu vực ảnh hưởng và thương mại ở những vùng đất mới. Theo đường vạch đó thì từ Áo Môn trở lại là khu vực của người Bồ Đào Nha, còn từ Manila trở đi là khu vực của người Tây Ban Nha. Quyền bảo trợ trong các địa sở truyền giáo Việt Nam chúng ta thuộc quyền bảo trợ của người Bồ Đào Nha. Như chúng ta đã thấy trong quyển I, các thừa sai do thuyền tàu của người Bồ đào Nha đưa đến, các ngài nhận sự giúp đỡ tài chính và sự bảo trợ của họ, đồng thời cũng chịu một phần sự kiểm soát và chỉ huy của họ.

Việc uỷ thác công cuộc truyền giáo và ban quyền bảo trợ các khu truyền giáo cho một triều đình, không làm chúng ta bỡ ngỡ, nếu chúng ta để ý đến quan niệm của giáo dân đối với một Quốc vương Công giáop thời đó. Đức Cha Henri Chappoulie trong cuốn “Rome et les missions d’Indochine au XVII siècle” đã viết : “Việc Giáo Hội tuỳ thuộc chặt chẽ vào một Quốc vương không làm một ai bỡ ngỡ, vì thời đó mọi người công nhận Quốc vương cũng có một phần quyền bính thiêng liêng : người ta cho rằng ngài có trách nhiệm đối với sự rỗi của các bầy tôi. Một ông hoàng Công giáo, cũng có trách nhiệm lo việc phần hồn. Trong quốc gia của ngài, tình trạng tốt đẹp của tôn giáo và sự bảo toàn lề luật Giáo Hội tuỳ thuộc ở ngài. Ở các nước bên kia thế giới, mà Đức Giáo Hoàng đã dành riêng một khu vực cho ngài, thì việc rao giảng Phúc Âm cho dân ngoại và tổ chức các giáo đoàn thuộc quyền ngài. Một thánh Phanxicô Xaviê đã thực thấm nhuần nguyên tắc đó, nên mỗi khi gởi thư về, thánh nhân đã cố làm cho hoàng đế Gio-an III cảm thấy trách nhiệm tôn giáo nặng nề của mình. Thánh nhân đã đe doạ hoàng đế án phạt trước toà Chúa, nếu ngài không cấp tốc “sai sang vùng Ấn Độ một phó vương có những quyền hành cần thiết để săn sóc đến việc cứu rỗi, vô số những linh hồn đang gặp nguy hiểm trong giờ phút này”.

Nhưng nếu quyền bảo trợ đem lại cho công cuộc truyền giáo ít nhiều sự giúp đỡ về vật chất, thì nó đã gây ra nhiều tổn hại, nhiều lạm dụng trong vấn đề thiêng liêng.

 

2. Những lạm dụng và những trở ngại

Trước hết là những đòi hỏi quá đáng của họ. Chẳng hạn họ bắt tất cả những thừa sai phải hoàn toàn chịu quyền kiểm soát chặt chẽ của họ. chỉ có tàu của Quốc vương Bồ Đào Nha mói có quyền chuyên chở các thừa sai. Con đường bó buộc để đến địa sở truyền giáo là con đường Lisbonna và Goa. Đi lối khác, các thừa sai sẽ bị bắt giam và đuổi về Âu Châu. Mỗi năm, vào dịp có chuyến tàu, các thừa sai các nước, các dòng đều phải hội họp về Lisbonna. Ở đấy, các thừa sai phải làm tờ khai tỉ mỉ nộp cho uỷ ban điều tra. Trước khi khởi hành, các ngài còn phải thề hứa trung thành với Quốc vương Bồ Đào Nha. Đến Goa, các ngài lại phải qua một đợt kiểm soát và điều tra thứ hai, rồi từ đấy mới phân chia đi các nơi. Ở mỗi địa sở truyền giáo, hầu hết các ngài cũng chịu quyền điều khiển của cá Bề Trên người Bồ Đào Nha.

Với sự kiểm soát quá khắt khe trên đây đói với các thừa sai ngoại quốc, các nhà cầm quyền Bồ Đào Nha còn tìm cách hạn chế con số của các ngài. Đang khi đó các khu truyền giáo thiếu các thừa sai và quốc gia Bồ Đào Nha chỉ có thể cung cấp được một số ít. Họ làm khó dễ, nhất là đối với các thừa sai Tây Ban Nha. Chẳng hạn 1573, khi Alexander Valignane được làm Bề Trên kinh lý vùng Ấn Độ và Đông Á, đã đem theo 40 thừa sai dòng Tên, trong đó số thừa sai người Tây Ban Nha đông hơn số thừa sai người Bồ Đào Nha và người Ý. Triều đình Bồ Đào Nha định làm khó dễ, cha Valignane phải dùng chính sách cương quyết họ mới nhượng bộ. Chúng ta cũng không quên cha Pedro de Alfaro từ Tu viện thánh Phanxicô ở Manila qua Trung Quốc truyền giáo, bị bắt giữ ở Quảng Đông. Cha qua Áo Môn, nhưng lại bị người Bồ Đào Nha vì đó kỵ với người Tây Ban Nha đã trục xuất cha năm 1580.

Việc hạn chế và kiểm soát gắt gao các thừa sai không thuộc quốc gia Bồ Đào Nha trên đây đã gây ra nhiều thiệt haih cho các địa sở truyền giáo, không nói đến những trễ nãi của các nhà cầm quyền đối với công cuộc truyền giáo. Theo nhận xét của thánh Phanxicô Xaviê, họ chỉ chăm lo việc tích của làm giàu, không lo việc mở mang đức tin Công giáo.

Thêm vào đó những lạm quyền. Họ giây mình vào nội bộ của các địa sở truyền giáo. Nhiều nơi, các vấn đề cai quản hàng Giáo sĩ phải đưa đến cho họ phân xử. Hầu hết, họ không thông thạo Giáo luật hay chỉ biết rất ít và họ đã ra nhiều quyết nghị trái với Giáo luật. Họ can thiệp vào việc lựa chọn các Bề Trên, đưa ra những người bất xứng, bất tài. Những sắc lệnh của Toà Thánh, muốn thi hành, phải đi qua phòng Chưởng ấn của Quốc vương. Nhiều toà Giám mục bỏ trống mà họ không chịu đề nghị thay thế. Chẳng hạn toà Giám mục ở Áo Môn, để trống hằng mấy chục năm.

Nhưng đã đến lúc người ta nhận ra bài học ngàn năm của lịch sử : một khi bị vướng vào vấn đề trần tục, công cuộc truyền giáo sẽ mất hết tính chất tinh tuyền của nó, và kết quả sẽ không lâu bền. Đàng khác, liên kết với chính quyền, công cuộc truyền giáo cũng sẽ gặp những bước thăng trầm theo đà hưng thịnh hay lụi bại của nó. Thời kỳ xuống dốc của đế quốc Bồ Đào Nha trước thế lực của đế quốc Hoà lan theo Thệ Phản, đã được báo hiệu trong cuộc Hoà Lan chiếm đánh Malacca, ngày 12-01-1641.

Trong Thiên Chúa quan phòng, Toà Thánh Rôma cũng đã sớm đề phòng sự sụp đổ sau này của người Bồ Đào Nha. Đức Thánh Cha Grêgôriô XV đã thành lập Bộ Truyền Giáo. Sứ mệnh của Bộ Truyền Giáo trước hết là chống lại những lạm dụng, những trở ngại mà chế độ bảo trợ của người Bồ Đào Nha đã gây ra, đồng thời thu hồi quyền chỉ huy các thừa sai, nâng dậy tinh thần của các ngài, đưa hoạt động truyền giáo ra ngoài vòng chính trị và thế tục.

Vì thế, chúng ta sẽ không lấy làm lạ khi thấy người Bồ Đào Nha tìm cách phá đổ chương trình của cha Đắc Lộ đề nghị. Họ biết rằng những vị Giám mục đại diện Toà Thánh, nhân viên của Bộ Truyền Giáo sai qua Việt nam sẽ là những chân tay Bộ dùng để lật đổ chế độ bảo trợ của họ và thu hồi quyền chỉ huy các thừa sai.

Bộ Truyền Giáo là một tổ chứ thế nào mà hai quốc gia Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha phải lo ngại ?

 

III. SỨ MỆNH VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BỘ TRUYỀN GIÁO

Trước Đức Thánh Cha Grêgôriô XV và ngay sau Công Đồng Trente, người ta đã nghĩ đến việc thành lập một cơ quan riêng biệt để chăm lo hoạt động truyền giáo. Năm 1568, Đức Piô Thánh Cha V đã muôn đặt hai uỷ ban : một uỷ ban lo việc truyền giáo cho dân ngoại và một uỷ ban lo việc đưa người lạc giáo trở lại. Nhưng cũng như Đức Thánh Cha Grêgôriô XII và Clêmêntê VIII sau này, chương trình của ngài không được thực hiện. Phải chờ đến Đức Thánh Cha Grêgôriô XV với qui chế tựa đề “Ơn quan phòng nhiệm mầu của Thiên Chúa” (Inscrutabili divinae previdentiae) ngày 22-06-1622, Thánh Bộ Truyền Giáo được thành lập với thành phần 13 Đức Hồng Y, 2 Đức Cha và 1 thư ký. Qui chế đó vạch rõ sứ mệnh của Thánh Bộ trước tình trạng suy đồi ở các khu truyền giáo và những tệ lạm trong chế độ bảo trợ của người Bồ và Tây Ban Nha.

 

1. Bộ Truyền Giáo đứng trước tình trạng suy đồi ở các địa sở truyền giáo

Bắt tay vào việc, Bộ Truyền Giáo may mắn có một vị thư ký can đảm, sáng suốt và bền chí, đó là Đức Cha Phanxicô Ingoli, người Ý. Công việc đầu tiên của ngài là điều tra cho biết tình trạng các khu truyền giáo. Vào tháng giêng năm 1622, các giám mục ở các địa sở truyền giáo được báo tin sự thành lập Thánh bộ mới, kêu gọi sự cộng tác, và yêu cầu cho biết tình trạng mỗi khu vực, với những đề nghị để cải tổ. Lời kêu gọi được hưởng ứng cách mau mắn. Sau khi học hỏi tình hình, Đức Cha Phanxicô Ingoli đã làm nhiều bản báo cáo lên Hội đồng Hồng Y.

Năm 1625, Đức Cha Phanxicô Ingoli trình bản báo cáo thứ nhất về tình trạng các thừa sai. Theo Đức Cha, có hai tệ nạn cần phải để ý đó là mối bất hoà giữa các cha dòng Tên và các cha dòng khác, giữa hai quốc gia Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, giữa Giám mục và các cha dòng. Sau đó là lòng tham lam của một số thừa sai chỉ lo việc buôn bán tích của, không để ý đến hoạt động truyền giáo. Ngài đề nghị không nên để các thừa sai khác dòng hoặc thuộc hai quốc gia Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha trong một khu vực và nên đặt các Giám mục triều, vì Giám mục dòng thường chỉ nghĩ đến lợi ích dòng mình, do đó, làm các cha dòng khác không bằng lòng. Ngài cũng đề nghị sai những vị đại diện Toà Thánh đến các địa sở truyền giáo để kiểm soát và tạm trị nhậm các toà Giám mục để trống. Rồi cần phải chọn lọc các thừa sai trước khi gởi đến các địa sở truyền giáo, để tránh những tệ nạn trục lợi, thiếu tài đức.

Ba năm sau, ngày 24-11-1628, Đức Cha Phanxicô Ingoli lại trình bản báo cáo thứ hai về tình trạng các địa sở truyền giáo, nhất là ở vùng Nam Mỹ. Ngài để ý đến việc các thừa sai không muốn hoặc thiếu cố gắng trong việc huấn luyện người bản xứ để đưa họ lên chức thánh. Ngài đề nghị thành lập hàng Giáo sĩ bản quốc. Ngài đưa ra những bằng chứng là những người Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam có đủ năng lực để học hỏi và tài đức cần thiết để làm Linh mục.

Sau khi đã nhận định tình trạng, Bộ Truyền Giáo vạch ra một chương trình hoạt động : thu hồi quyền chỉ huy và nâng dậy tinh thần các thừa sai, đặt các Giám mục đại diện Toà Thánh để kiểm soát và đồng thời để thành lập hàng Giáo sĩ bản quốc đưa các địa sở truyền giáo đi dần đến chỗ trưởng thành và tự lập.

Công việc thu hồi quyền chỉ huy các thừa sai không phải là việc dễ dàng. Từ trước các nagif vẫn quen sống tuỳ thuộc vào quyền bảo trợ. Riêng các thừa sai các dòng, các ngài còn có những quyền lợi và nhiều đặc ân gần như tự trị. Vì thế không thể tránh khỏi những phản ứng, khi thấy Bộ Truyền Giáo can thiệp vào hoạt động của các ngài. Nhưng đàng khác, tuy được quyền lợi rộng rãi, các ngài cũng không dám từ chối hoặc chống lại quyền chỉ huy của một cơ quan do chính Đức Thánh Cha đặt ra, và nếu Đức Thánh Cha đã ban quyền cho các ngài, Người cũng có quyền rút lại. Với thời gian, với tài xếp đặt khéo léo đi đôi với việc sử dụng quyền bính, Bộ Truyền Giáo sẽ dần dần đi đến kết quả.

Bước đầu của Bộ Truyền Giáo là ra sắc lệnh yêu cầu các Bề Trên dòng khai danh sách các thừa sai định gởi đến địa sở truyền giáo và dành quyền khảo sát cho Bộ Truyền Giáo. Các Bề Trên hằng năm cũng phải báo cáo tình hình các địa sở truyền giáo về Bộ. Nhiều sắc lệnh khác hạn định dần dần các đặc ân quá rộng rãi của các thừa sai. Năm 1633, Đức Urbanô VIII, trong đoản sắc tựa đề “Vì bổn phận mục vụ” (Ex debito pastorali), nhắc lại điều luật cổ truyền của Giáo Hội cấm các Giáo sĩ không được buốn bán và ra hình phạt cho người lỗi phạm.

Đi xa hơn nữa, để giữ quyền chỉ huy ở một vài địa sở truyền giáo, Bộ cho thành lập một loại thừa sai mới, người ta quen gọi là Thừa sai Bộ Truyền Giáo. Các thừa sai này được chọn trong các dòng truyền giáo, các ngài hoạt động dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ.

Đồng thời Bộ để ý tới việc thành lập hàng Giáo sĩ bản quốc. Năm 1626, Bộ Truyền Giáo cho Đức Cha Diego Valente ở Áo Môn chọ lừa và truyền chức linh mục cho một số người Nhật tuỳ theo nhu cầu đòi hỏi. Năm sau 1627, Bộ lập trường Urbano de Probaganda Fide ở Rôma, để huấn luyện các chủng sinh ở các địa sở truyền giáo gởi đến. Năm 1633, Đức Cha Digeo Valente qua đời, công việc Bộ truyền cho ngài vẫn chưa được thực hiện. Bộ đã nghĩ đến việc thành lập ở Nhật một toà Tổng Giám mục và nhiều toà Giám mục. Quốc vương Tây Ban Nha, Philippo IV, xin đề cử các nhân viên, nhưng Bộ không muốn các Giám mục mơi tuỳ thuộc quyền bảo trợ. Ngày 30-11-1637, Bộ đã bí mật truyền chức cho hai Giám mục để sai qua Nhật với huấn lệnh thành lập hàng Giáo sĩ Nhật và tìm cách đi đến việc lập Giám mục người Nhật, để có thể đương đầu với cuộc bách hại ở đó.

 

2. Quốc gia Bồ Đào Nha làm khó dễ các Giám mục và Thừa sai của Bộ Truyền Giáo

Hai vị Giám mục của Bộ là Đức Cha Mathieu de Castro và Đức Cha Francesco Antonio de Santo Felice Frascella. Đức Cha Mathieu de Castro là người Ấn Độ thuộc môn phiệt Brahma. Không được Đức Tổng Giám mục ở Goa, Đức Cha Christophe de Sa, chấp nhận cho đi tu để làm linh mục, ngài đã qua Ba Tư, Armenia và tới Rôma năm 1625. Năm 1631 được thụ phong linh mục và được Bộ sai về Ấn Độ truyền giáo cho người Brahma. Ở Goa lúc đó Đức Tổng Giám mục đã qua đời, cha Gioan de Rocha làm quản trị , cha này nhất định không nhận thừa sai không qua quyền kiểm soát của Lisbonna. Thất vọng , ngài lại trở lại Rôma. Năm 1636 tới Rôma thì đang lúc Bộ tìm nhân viên làm Giám mục để sai sang Nhật. Đề phòng trường hợp vì bách hại quá gắt gao, không thể vào đất Nhật, Bộ đã đặt ngài làm đại diện Toà Thánh lo việc truyền giáo ở Idalca gần Goa, ở đấy các thừa sai Bồ Đào Nha không còn ai. Đi lối Armenia, và Ba Tư để tránh những khó dễ của người Bồ Đào Nha, khi hai Đức Cha tới Goa thì được biết cuộc bách hại gắt gao ở Nhật đã chặn hết các lối thông thương. Đức Cha Antonio de Santo Felice ở lại Goa, còn Đức Cha Mathieu de Castro qua Idalca theo sự xếp đặt của Bộ. Đức Tổng Giám mục của Goa lúc đó là Đức Cha Francesco des Martyres nhất định không công nhận quyền của ngài, vì ngài được truyền chức Giám mục và sai đi không có sự ưng thuận và hỏi ý kiến Quốc vương Bồ Đào Nha. Dầu vậy, ngài cũng vẫn đến hoạt động ở Idalca và đã truyền chức linh mục cho một số người dân ở đó. Quốc gia Bồ Đào Nha nhất định nhúng tay vào. Phó vương ở Goa được lệnh bắt giam Đức Cha và giải về Lisbonna. Nhưng Đức Cha đã mau chạy trốn về Rôma năm 1644. Bộ Truyền Giáo không muốn làm cho bầu khí giữa Toà Thánh và quốc gia Bồ Đào Nha thêm gay go. Nhưng để lòng tín nhiệm Đức Cha Mathieu de Castro, năm 1645 Bộ đã sai ngài đại diện Toà Thánh tạm thời ở Ethiopia. Sau đó Đức Cha lại trở về Idalca, trước bao khó dễ và tấn công của người Bồ Đào Nha, ngài còn ở lại mãi đến năm 1658 mới chịu về Rôma và qua đời ở đó năm 1677.

Nếu đối với các Giám mục đại diện toà Thánh, hàng Giáo sĩ thuộc quyền bảo trợ Bồ Dào Nha không chịu công nhận và thái độ của nhà cầm quyền bảo trợ Bồ Đào Nha tỏ ra không kiêng nể, thì các thừa sai của Bộ càng bị xử tàn tệ hơn nữa. Cùng một thời kỳ với Đức Cha Mathieu de Castro có cha Ephrem de Nevers, người Pháp, thừa sai của Bộ theo đường Ba Tư qua truyền giáo ở Madras. Tỉnh này người Anh đã mua lại của vua xứ Golcondo và không có thừa sai người Bồ Đào Nha ở. Nhưng người Bồ Đào Nha ở Meliapour gần đó, vẫn dò la và tìm cách bắt. Một hôm cha qua Meliapour để dàn xếp câu chuyện giữa người Anh và người Bồ Đào Nha, họ liền bắt giam và giải về Goa, giam trong nhà ngục của toà điều tra. Là dụng cụ của Quốc vương Bồ Đào Nha, pháp đình này kết án và tống giam cha. Toà Đại Sứ Pháp ở Bồ Đào Nha đã can thiệp và Đức Thánh Cha Innocente X cũng truyền cho Đức Cha Antonio de Santo Felice điều tra. Được biết cha Ephrem de Nevers vô tội, Bộ Truyền Giáo đã xin Bộ Thánh Vụ can thiệp nhưng người Bồ Đào Nha vẫn cố chấp. Cuối cùng vua xứ Golcondo phải đốt phá Meliapour, Goa mới chịu trả tự do cho cha Ephrem.

Hai câu truyện trên đây chứng tỏ đế quốc Bồ Đào Nha nhất định làm cản trở Bộ Truyền Giáo trong việc thu hồi quyền chỉ huy các thừa sai và nhất là trong việc thành lập hàng Giáo sĩ bản quốc. Cuộc vận động của cha Đắc Lộ trong chuyến trở lại Rôma lần này mục đích là yêu cầu Bộ sai các Giám mục đại diện Toà Thánh đến Việt Nam, để thành lập hàng Giáo sĩ bản quốc. Công việc của cha Đắc Lộ sẽ bị người Bồ Đào Nha cản trở. Nhưng Bộ Truyền Giáo đã làm gì để chống lại chế độ bảo trợ của người Bồ Đào Nha ?

 


Каталог: wp-content -> uploads -> downloads -> 2011
2011 -> CÔng đỒng vatican II qua bốn thập niêN
2011 -> TÒa giám mục xã ĐOÀi chỉ nam giáo phận vinh lưỢC ĐỒ TỔng quáT
2011 -> 1. phép lạ thánh thể ĐẦu tiên khoảng năm 700 Tại làng Lanciano, nước Ý (italy)
2011 -> Thiên chúa giáo và tam giáO Đường Thi Trương Kỷ
2011 -> Tác giả Võ Long Tê chưƠng I bối cảnh lịch sử
2011 -> Các mẫu thức MẠc khải lm. Lê Công Đức
2011 -> Một lời nói đầu không phải là nơi nhiều chỗđể tóm lược lập luận của một cuốn sách cũng như định vị hoặc phát biểu về sựquan trọng của nó. Đây quả thực là một cuốn sách rất quan trọng
2011 -> LỜi giới thiệu suy tư ban đẦu về MẦu nhiệm giêSU
2011 -> Tu luật thánh biểN ĐỨc ngày 1 tháng 1

tải về 1.47 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   21




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương