Lịch sử Trung Quốc


Sự sụp đổ của vương triều Hán



tải về 417.53 Kb.
trang2/5
Chuyển đổi dữ liệu23.07.2016
Kích417.53 Kb.
#3055
1   2   3   4   5

Sự sụp đổ của vương triều Hán

Trong khi những người Trung Quốc lao vào tìm tòi trong thế giới của sự thần bí và linh hồn thì họ cũng khám phá ra một số điều và phát triển khả năng nắn bóp bằng tay và đo đạc. Tới thế kỷ thứ hai, Trung Quốc đã đuổi kịp và ở một số lĩnh vực đã vượt qua trình độ khoa học và kỹ thuật của Châu Âu và Tây Á. Giấy bắt đầu được sử dụng ở Trung Quốc. Trung Quốc đã có một chiếc đồng hồ nước với độ chính xác mà người Châu Âu không thể chế tạo nổi trong hơn một nghìn năm sau đó. Trung Quốc có một lịch mặt trăng mà tới thế kỷ hai mươi chúng ta vẫn sử dụng tốt. Họ có một máy ghi địa chấn đã được phát minh vào năm 132 – có tám chân và làm bằng đồng. Người Trung Quốc quan sát các vết đen trên mặt trời, ở Châu Âu mãi về sau này Galileo là người đầu tiên làm việc đó. Người Trung Quốc đã vẽ bản đồ 11,500 ngôi sao và đo đạc quỹ đạo quay của mặt trăng. Người Trung Quốc có một cái máy gieo hạt và một cái máy xay lúa. Họ có bơm nước, và không giống như nền văn minh Roma, người Trung Quốc có xe cút kít có bánh. Người Trung Quốc cũng có hàm thiếc và bàn đạp cho ngựa. Họ cải thiện cách dùng thảo mộc làm thuốc và biết thêm nhiều về giải phẫu người và sự chẩn đoán sự rối loạn về cơ thể. Họ đã biết làm các phẫu thuật nhỏ và thuật châm cứu, và họ biết được những lợi ích của một chế độ ăn kiêng tốt.

Nhưng cuộc sống của người dân thường Trung Quốc - những nông dân - vẫn rất khó khăn. Họ vẫn bị đánh thuế nặng. Họ vẫn phải đi lao động công ích mỗi tháng một lần cho nhà vua. Những sự trừng phạt vẫn rất khốc liệt. Một nông dân nghèo có thể bị hành quyết chỉ vì dám đi ở giữa đường lớn, nó chỉ dành cho nhà vua. Và họ không có đủ lương thực dự trữ cho những khi cần thiết.

Sự thịnh vượng của Trung Quốc đã tăng lên dưới thời Hán Hòa Đế (giữa năm 88 và 106), và triều đình Hòa Đế đã trở nên cũng xa hoa như những triều đình trước Hán đó. Trong triều, vua hàng trăm vợ và thiếp cùng một số lượng lớn hoạn quan để cai quản họ. Dưới thời Hòa Đế, các hoạn quan và các gia đình họ hàng vua có ảnh hưởng lớn hơn, qua hoạn quan họ có thể gây ảnh hưởng đến nhà vua.

Những người có liên quan tới việc lựa chọn người kế vị ngai vàng thường thích một đứa trẻ bởi vì họ dễ dàng cai quản nó hơn so với một người lớn, nên họ có được một quyền lực cực lớn. Tất cả các vị vua Hán kể từ thời Hán Minh Đế đều được lên làm vua khi còn vị thành niên, hai người mới chỉ lên hai tuổi, và đa số đều bắt đầu thời cai trị của mình với hoàng hậu nhiếp chính. Những người đàn bà đó thường bị cô lập và phụ thuộc vào những người đàn ông - thường là họ hàng. Khi vua đến tuổi thành niên, nếu ông bãi chức những người cố vấn họ hàng đó thì ông lại phải nhờ ở những người đàn ông mà ông có quan hệ - những hoạn quan – và ông đưa họ lên những vị trí cao để làm đối lập với ảnh hưởng của mẹ.

Trong thời cai trị của Hán Thuận Đế (125-144), những lời đồn đại nổi lên ở trong đám nông dân Trung Quốc rằng các vị vua Hán một lần nữa lại mất Thiên Mệnh. Khắp nơi, những cuộc nổi loạn nông dân lại diễn ra. Trong thời Hán Hoàn Đế (146-168) sự suy sụp chính trị tiếp tục diễn ra. Năm 159 vị hoàng hậu nhiếp chính qua đời, các hoạn quan quanh Hoàn Đế, cảm thấy thời cơ đã đến, liền hạn chế ảnh hưởng của đối thủ bằng cách xếp đặt sự huỷ diệt các thành viên thuộc phe cánh hoàng hậu. Hoàn Đế trở nên phụ thuộc vào hoạn quan. Ông uỷ quyền cho bọn họ, và các hoạn quan chiếm hết các vị trí triều đình cho họ hàng mình, đòi các vị quan hay tướng được phong chức phải hối lộ vàng cho họ.

Hoàn Đế chết năm 168, và ngày hôm sau vợ ông, Đậu hoàng hậu, tuyên bố lên làm hoàng hậu nhiếp chính. Bà thoả thuận lựa chọn một đứa trẻ mười hai tuổi ở nông thôn tên là Lưu Hoằng, chút của Hán Chương Đế. Sau đó, bà cùng với Đậu Vũ đón Lưu Hoằng vào cung lập làm hoàng đế, tức Hán Linh Đế. Trong thời Linh Đế một cuộc xung đột xảy ra giữa hoạn quan và các quan chức theo Khổng giáo. Phái Khổng giáo từ lâu vốn không thích các hoạn quan, coi họ là thiếu giáo dục và gây trở ngại cho một triều đình tốt.

Chiến tranh xảy ra giữa các hoạn quan và phái Khổng giáo về sự ảnh hưởng của một vị phù thuỷ Đạo giáo. Vị phù thuỷ Đạo giáo tiên đoán rằng một lòng khoan dung khắp nơi sắp đến và sai con mình đi giết một người nào đó để bày tỏ sự tin tưởng vào sự tiên tri đó. Con trai của ông là người hầu cận của các hoạn quan, và các hoạn quan đã ngăn chặn sự hành hình của vị phù thuỷ. Tuy nhiên vị quan cai trị vẫn hành hình con vị phù thuỷ. Các hoạn quan buộc tội vị quan cai trị vi phạm vào điều luật của đế chế và âm mưu với sinh viên và những bậc trí thức để thành lập một liên minh bất hợp pháp nhằm chống lại chính quyền. Các hoạn quan có được lệnh từ Linh Đế, ra lệnh bắt giữ các sinh viên dám biểu tình và dám tìm cách khấn nguyện lên hoàng đế. Và nhanh chóng, họ giết nhiều sinh viên trong ngục.

Tại các tỉnh, sự tôn trọng quyền lực của vua ngày càng suy tàn. Các quan lại hành chính địa phương và quan cai trị mất quyền lực vào tay những người giàu, vì họ thường đút lót cho bọn hoạn quan ở triều đình. Những người địa phương đó thường có thói quen che giấu những tên côn đồ để bảo vệ quyền lợi của họ. Và với sự bùng nổ xung đột giữa hoạn quanh và tiểu quý tộc trong triều, những vị quan võ đang nắm quân đội tại các tỉnh Trung Quốc ngày càng trở nên độc lập.

Một người theo Đạo giáo tên là Trương Giác, tự cho mình là "đại hiền lương sư", đã đi quanh vùng làng quê giống như Trương Lăng. Ông trình diễn những trò ma thuật, chữa khỏi các phiền não bằng nước và những lời khấn mà ông gọi là "thái bình yếu thuật". Trương Giác cũng nói rằng nhà Hán đã mất Thiên Mệnh, và ông tự tuyên bố sự sụp đổ sắp tới của họ. Trong vòng mười năm, phong trào của ông có hàng trăm nghìn người. Phong trào của ông phân chia vào các tỉnh, và mỗi tỉnh có một thủ lĩnh lãnh đạo.

Năm có tính chất quyết định đối với phong trào của Trương Giác là năm 184. Ngày mùng năm tháng ba âm lịch được hẹn làm ngày cho một cuộc khởi nghĩa tổng thể ở Lạc Dương và các vùng lân cận. Nhưng triều đình đã biết được tin đó, và chính quyền bắt các thủ lĩnh địa phương của cuộc nổi loạn và hành quyết họ. Trương Giác thay đổi kế hoạch và kêu gọi một cuộc nổi dậy ngay lập tức, kêu gọi những người theo ông đốt những trụ sở chính phủ và cướp bóc thành phố. Đây được gọi là cuộc khởi nghĩa khăn vàng, được đặt theo kiểu đội đầu của phong trào – màu vàng biểu thị sự liên kết của họ với yếu tố đất như đối kháng với yếu tố lửa, mà họ coi là của nhà Hán. Cuộc nổi loạn lan rộng, và người dân khắp mọi nơi trong nước bắt đầu cướp phá, giết chóc và kéo nhau đến thủ đô.

Các hoạn quan và quan lại ở Lạc Dương bỏ quan sự khác biệt giữa hai bên vì sợ cuộc nổi dậy Khăn Vàng. Các lực lượng chính phủ củng cố quanh Lạc Dương, và chính phủ cho phép quan cai trị địa phương được tổ chức quân đội riêng để chiến đấu chống nổi loạn. Các chúa đất giàu có cũng tổ chức quân đội để tự bảo vệ mình. Nhưng hết thành phố này tới thành phố khác rơi vào tay quân Khăn Vàng, quan đầu tỉnh và cấp dưới bỏ trốn không đối đầu với họ để tránh bị đem ra hiến tế cho thần thánh của quân nổi loạn.

Ở giữa cuộc hỗn loạn, Hung nô lại bắt đầu tổ chức các cuộc tấn công Trung Quốc. Và tại Triều Tiên, các bộ tộc chiến binh trên lưng ngựa tràn từ trên cao nguyên xuống đánh Trung Quốc. Chính phủ ở Lạc Dương không thể giúp đỡ, và người Triều Tiên tràn qua vùng đất của họ trước đó bị đặt dưới sự thống trị của Trung Quốc.

Trong nỗ lực nhằm tự bảo vệ mình, triều đình Hán bắt đi lính rất nhiều người, lập lên những đội quân đông đảo với chi phí rất lớn, và mặc dù quân Hán yếu kém và không có hiệu quả vì nạn tham nhũng, quân Khăn Vàng cũng không phải là đối thủ của họ. Về mặt quân sự, quân Khăn Vàng không được tổ chức, và họ bị tuyên truyền rằng chúa của họ biến họ thành một đội quân vì cái tốt đẹp, rằng họ không thể bị tấn công, và thậm chí họ cũng chẳng cần đến vũ khí - một quan điểm không thích hợp cho một chiến dịch quân sự. Đạo thần bí là một phần của sự thành lập phong trào và cũng là một phần của sự huỷ diệt của nó. Trong năm đầu tiên của cuộc nổi loạn, Trương Giác chết, và chỉ trong vòng một năm cuộc khởi nghĩa bị đánh bại. Trong năm năm thỉnh thoảng có những cuộc nổi loạn rời rạc vẫn tiếp diễn. Chín tỉnh của Trung Quốc bị tàn phá, Các lực lượng đối lập với Khăn Vàng tiêu diệt hết nhóm Khăn Vàng nọ đến nhóm kia. Những cuộc chiến rời rạc vẫn tiếp diễn trong hàng thập kỷ sau, trong khi những người nông dân ủng hộ cho Khăn Vàng quay trở về với công việc của mình kiếm sống bằng cách làm việc và hy vọng về một thế giới thiên đường ở đâu đó.

Sự sụp đổ của quyền lực Hán

Linh Đế chết năm 189, ở tuổi 33, trong khi các tướng lĩnh ngày càng đòi nhiều quyền lực hơn so với lúc họ chiến đấu chống lại Khăn Vàng. Đại tướng quân Hà Tiến, một người anh em họ của vị thái hậu nhiếp chính tìm cách tóm lấy quyền lãnh đạo triều đình. Ông âm mưu chống lại bọn hoạn quan trong triều và những kẻ ủng hộ họ, và mời tướng Đổng Trác đem quân về kinh đô để tiêu diệt bọn hoạn quan. Nhưng trước khi Đổng Trác đến, chiến tranh nổ ra trong triều. Tập đoàn hoạn quan giết Hà Tiến. Các thế lực quân sự ủng hộ Hà Tiến phản công và đốt cung điện, giết mọi hoạn quan mà họ gặp – hay bất kỳ ai trông giống với hoạn quan vì không có râu. Và hơn hai nghìn hoạn quan, cùng những kẻ ủng hộ bị giết.

Ngay sau đó, Đổng Trác đến kinh đô và giết cả Thiếu Đế lẫn Hà thái hậu nhiếp chính. Ông chọn Lưu Hiệp, hoàng tử chín tuổi, là em của Thiếu Đế lên làm vua, tức là vua Hiến Đế. Đổng Trác doạ nạt cả triều đình bằng thanh gươm của mình, với cách cư xử được miêu tả là trác táng và cục súc, trong khi quân đội của ông ta, đa phần đến từ Hung Nô, cướp phá và giết hại cho sướng tay quanh kinh đô.

Trước sự thao túng triều đình của Đổng Trác, nhiều trấn chư hầu nổi dậy chống lại. Đổng Trác thua trận mang Hiến Đế di cư đến Trường An. Trước khi đi, ông đốt cháy Lạc Dương. Sách vở nói, họ mang theo hơn một triệu thường dân, đa phần đã chết vì kiệt sức và cái đói dọc đường.

Sự vô tình của Đổng Trác với nhân dân khiến mọi người chống lại ông. Sự khát máu vô biên của ông cùng tâm tính nóng nảy làm binh lính bên dưới xa lánh, và trong năm 192, Lã Bố, một thuộc tướng đã ám sát ông và quẳng xác vào một đám đông quần chúng ghét ông. Một cuộc chiến giành quyền kiểm soát ngôi báu diễn ra giữa các tướng lĩnh. Tới năm 196, một vị tướng chư hầu khác là Tào Tháo đã tìm được vị vua trẻ con Hiến Đế. Ông kiểm soát vua nhỏ và tuyên bố mình là “Thừa tướng”, có quyền bảo vệ đế chế.

Tào Tháo là một vị tướng mạnh mẽ, khôn ngoan và có khả năng lãnh đạo, đồng thời là một nhà thơ. Quân đội của ông được tuyên bố là có hàng triệu người. Trong những trận chiến đẫm máu ở phía bắc Trung Quốc, ông đã đánh bại hết đối thủ này đến đối thủ khác và lập lại trật tự ở đó. Năm 208, Tào Tháo tiến về phía nam trong một nỗ lực nhằm thống nhất Trung Quốc. Trận chiến tiếp theo ở Xích Bích, dọc sông Dương Tử, đã trở thành nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc. Trong trận đó, Tào Tháo giáp mặt với đội quân đồng minh của của Lưu Bị và Tôn Quyền (Sun Juan), và đồng minh đó đã đánh bại ông, buộc Tào Tháo phải quay trở về phía bắc.

Lưu Bị vốn là một thành viên trong Hán tộc, có tiếng là người nhân từ. Ông liên kết với Tôn Quyền để chống lại Tào Tháo hùng mạnh phía bắc và mưu thống nhất Trung Quốc. Tôn Quyền dựng lên nước Đông Ngô ở phía đông nam Trung Quốc và liên minh với Tào Tháo, người đã lập lên nhà Nguỵ ở phía Bắc - lấy theo tên nước Nguỵ ở thời Chiến Quốc (475-221 TCN), Lưu Bị lập ra nhà Thục ở tỉnh Tứ Xuyên. Giai đoạn trong lịch sử Trung Quốc được gọi là thời Tam Quốc bắt đầu từ đó.

Sự nổi lên và sụp đổ của một Nhà nước Thần quyền Độc lập

Tuy nhiên, dọc sông Dương Tử gần Tứ Xuyên, một nhánh thuộc Đạo giáo vẫn tồn tại với quân đội riêng đã lập nên một nhà nước thần quyền. Người sáng lập là Trương Lỗ, hậu duệ của Trương Lăng. Giống như Trương Lăng, ông ta thực hiện những thứ mà ngày nay chúng ta gọi là chữa bệnh bằng cách thần bí, và ông ta thuyết giảng những thông điệp của Trương Lăng về cách có một tinh thần và thể chất khoẻ mạnh, tuyên bố rằng các bệnh tật là sự trừng phạt cho những hành vi xấu xa và rằng bệnh tật có thể được chữa trị bằng sự ăn năn và sự thú tội ở các buổi lễ. Cộng đồng của Trương Lỗ có những bữa ăn tập thể, “thân mật”, và giống như Trương Lăng, ông ta có hệ thống phúc lợi cho cộng đồng của mình và tích trữ lương thực và thịt. Ông thúc đẩy sự công bằng. Cộng đồng của ông cho những kẻ lang thang không nhà một chỗ trú ngụ và bữa ăn. Và họ tỏ ra khoan dung đối với những kẻ phạm tội.

Một người theo Đạo giáo khác, Trương Tú lập ra một nhà nước độc lập khác ở bên cạnh. Dù họ có chung sự sùng bái đối với Đạo giáo, nhưng hai cộng đồng Trương Lỗ và Trương Tú lại đánh lẫn nhau – còn hơn cả những người Thiên chúa. Và Trương Lỗ, như kể lại, đã giết được Trương Tú. Ngay sau đó, Trương Lỗ có một đối thủ còn kinh khủng hơn, Tào Tháo. Với quân đội của mình, Tào Tháo chiếm đất đai của Trương Lỗ. Trương Lỗ đầu hàng Tào Tháo và được ban thưởng thái ấp. Lịch sử kể rằng Trương Lỗ chết một thời gian ngắn sau đó – năm 217. Và có truyền thuyết rằng 26 năm sau khi ông chết, nhiều người đã thấy ông bay lên trời. Truyền thuyết cũng nói rằng khi khai quật mộ ông vào năm 159, thân thể ông vẫn còn nguyên vẹn, có nghĩa là ông chỉ chết theo nghĩa ông đã tách khỏi thể xác và đã lên thiên đường.

Nhà Tây Tấn

Chấm dứt thời Tam quốc

Một tiểu thuyết nổi tiếng thế kỷ mười bốn, Tam quốc diễn nghĩa, miêu tả thời đại Tam quốc như là một giai đoạn lãng mạn, anh hùng và thượng võ. Nhưng đối với người dân sống ở thời kỳ đó thì nó kém lãng mạn hơn nhiều. Về mặt quân sự, Ngụy là mạnh nhất trong số ba nước, một sức mạnh được nâng đỡ nhờ kinh tế và cảng biển của nó. Nước Thục có dân cư thưa thớt hơn, và là một vùng đa phần là rừng, với nhiều bộ tộc không phải là người Trung Quốc.

Năm 263, Nguỵ đánh và chiếm Thục, chỉ còn lại Nguỵ và Ngô làm đối thủ. Sau đó vua Nguỵ bị quyền thần họ Tư Mã thao túng và chính thức đoạt ngôi năm 265. Tư Mã Viêm nối chức cha ông phế vua Ngụy lập ra nhà Tấn, tức là vua Tấn Vũ Đế (265-290).

Năm 280, Tấn Vũ đế chinh phục nốt nước Ngô. Trung Quốc lại được thống nhất, và Tấn Vũ đế mở rộng quyền lực của mình về phía bắc đến trung tâm Triều Tiên và phía nam đến hết An Nam (Việt Nam). Vòng tròn giữa thống nhất và tan rã quay lại về thống nhất. Một triều đại mới, gọi là Tây Tấn đã bắt đầu ở Trung Quốc.

Tấn Vũ Đế

Trước sự hùng mạnh của Tây Tấn, những sự cướp phá chống Trung Quốc của Hung Nô và những bộ tộc khác tạm dừng trong một thời gian. Và chính sách định cư các bộ tộc bên trong Trung Quốc đã có kết quả. Triển vọng về một nền hoà bình, thống nhất và thịnh vượng bắt đầu.

Năm 280, Tấn Vũ Đế bắt đầu thi hành chính sách mới. Các đội quân được nghỉ ngơi, và các vũ khí kim lại bị đúc thành tiền. Nhưng cố gắng của Tấn Vũ Đế nhằm giải ngũ quân đội không có nhiều kết quả. Một số binh sỹ giải ngũ nhưng vẫn giữ vũ khí, các binh sỹ buôn bán vũ khí của họ với Hung Nô để đổi lấy đất, còn các hoàng thân ở vùng xa không chịu giải giáp hay giản tán quân đội của mình.

Vũ đế tìm cách quay lại thời kỳ vĩ đại của triều Hán, khi hoà bình và thịnh vượng có ở khắp đất nước và nhà Hán có được quyền lực trung ương mạnh. Tấn Vũ Đế đặt ra các cải cách nhằm mục đích kiềm chế quyền lực địa phương - quyền lực của các gia đình lớn. Nhưng những cải cách đó không thành công. Ông chết năm 290 khi thế lực của các chư hầu, lãnh chúa lớn ở Trung Quốc vẫn có quân đội riêng.

Bát vương chi loạn

Cùng với cái chết của Vũ đế sự suy yếu xông đến với triều đình: con Vũ đế là Huệ Đế, một hoàng đế đần độn. Quyền hành rơi vào tay hoàng hậu Giả Nam Phong. Bà vốn đa nghi và bắt đầu bắt giữ và hành quyết bất kỳ ai mà bà cho là một mối đe doạ cho vị trí của mình, kể cả những kẻ đối lập bên trong hoàng gia. Cuộc xung đột nổ ra giữa các hoàng thân nhà Tấn, sử gọi là "loạn tám vương" (Bát vương chi loạn)

Nhiều vương công và hàng nghìn người khác bị giết. Hoàng hậu họ Giả không thể giết tất cả những kẻ đối nghịch với mình, và năm 300, một hoàng thân là Triệu vương Tư Mã Luân đã làm đảo chính, giết Giả Hoàng hậu và nhiều người khác, đồng thời ép vị vua nhu nhược phải nhường ngôi. Đến lượt các vương hầu khác khởi binh chống lại Tư Mã Luân và giết ông chỉ sau 3 tháng. Vị vua nhu nhược Tư Mã Trung lại được lập làm hoàng đế lần thứ hai. Tuy nhiên, cuộc chiến giữa các vương hầu không hề kết thúc. Số lượng người chết vì cuộc chiến thật khủng khiếp! Thêm vào đó, hạn hán và nạn đói liên tiếp xảy ra. Chính phủ trung ương suy yếu và hoàn toàn bất lực trước sức mạnh của các lãnh chúa địa phương. Chu kỳ bước qua giai đoạn thống nhất giờ lại bước vào giai đoạn tan rã.

Khổng giáo, Phật giáo thời Tây Tấn

Với sự tan rã của Hán triều, các bộ tộc Hung nô từ phía bắc Trung Quốc thấy cơ hội để tiếp tục cướp phá những vùng đông dân của Trung Quốc. Giống như điều xảy ra ở châu Âu, sự đổ vỡ của chính phủ thúc đẩy nông dân từ bỏ sự độc lập của mình và tập hợp lại với nhau để được bảo vệ dưới một ông chúa đất có lực lượng gồm những người có trang bị vũ khí. Các nông dân chạy trốn để khỏi phải đóng thuế cho nhà nước và đi lao động công ích, nhưng lại trở thành nông nô của ông chúa đất.

Giống như sự suy tàn của tôn giáo chính thức trong thời đại khó khăn ở Rome, Khổng giáo cũng bị như vậy trong thời hỗn loạn ở Hán triều. Khổng giáo từng là tư tưởng của tầng lớp tiểu quý tộc và quý tộc Trung Quốc và vốn thống trị trong giáo dục và hành chính của đế chế, nhưng với việc đạo đức rất ít thấy trong số những người nắm quyền, nhiều người tinh hoa Trung Quốc quay sang coi Khổng giáo là biện hộ cho sự trung thành đối với kẻ cai trị là thứ không thích hợp và nhiều người coi Khổng giáo là đã không đáp ứng được với nhu cầu của thời đại.

Họ không nghiên cứu Khổng giáo nữa mà tìm kiếm một tư tưởng khác để thay thế và một trong số đó là Đạo giáo. Một thứ khác nữa là Phật giáo, mà theo truyền thuyết đã du nhập vào Trung Quốc năm 65, trong một giấc mơ của hoàng đế Mingdi nhà Hán. Một lý thuyết đối nghịch cho rằng Phật giáo đã nhập với Hindu giáo khi phát triển về phía đông với những nhà buôn Ấn Độ, Phật giáo vào Trung Quốc qua những nhà buôn vào lục địa qua Trung Á trong thế kỷ đầu tiên. Triều đình nhà Hán, theo ghi chép, chào đón Phật giáo vào Trung Quốc. Nhưng Phật giáo vẫn bị cô lập trong thời nhà Hán, chỉ được các nhà buôn Ấn Độ gia nhập - những người chi tiền và hiến đất để xây các chùa Phật giáo và sử dụng chúng làm nhà băng và nơi cất giữ hàng hoá.

Người Trung Quốc đầu tiên đổi sang Phật giáo là những người thuê đất đai của nhà chùa. Các dạy dỗ Phật giáo được dịch sang tiếng Trung Quốc. Sau đó với sự sụp đổ của Hán triều, việc theo Phật giáo ngày càng phát triển trong dân chúng Trung Quốc. Họ không biết nhiều về học thuyết của Phật giáo, nhưng họ có được sự an ủi trong Phật giáo. Các chùa Phật giáo và những lễ nghi phức tạp rất ấn tượng, và Phật giáo là một thông điệp ấm áp hơn thông điệp của Khổng giáo: một thông điệp về sự cứu rỗi thông qua sự tiết chế hay kiêng khem và thông điệp về lòng trắc ẩn cho mọi sinh vật. Cả Phật giáo Đại thừa và Tiểu thừa đều có mặt ở Trung Quốc, nhưng phái Đại thừa với các thần phật cứu rỗi và hay giúp đỡ ở mức thống trị.

Chia cắt Ngũ Hồ loạn Hoa và Nam Bắc triều

Sau loạn Bát vương, Tây Tấn suy yếu cực độ và bị các tộc phương bắc xâm chiếm. Năm 316, vua nước Hán Triệu là Lưu Thông tiêu diệt Tây Tấn. Các quý tộc nhà Tấn chạy xuống phía nam tái lập nhà Đông Tấn (ở đất nhà Ngô thời Tam Quốc cũ). Phía bắc bị các tộc người Hồ chiếm giữ, gọi là thời Ngũ Hồ loạn Hoa, gồm 16 nước.

Bị cai trị bởi chế độ quân chủ là một điều không may cho Trung Quốc, với những cuộc chiến tranh và đổ máu là phương tiện để tìm ra người kế tục ngôi báu. Những vị vua có năng lực lại bị tiếp nối bởi những vị không năng lực, với tình trạng tham nhũng trong chính phủ và sự xao nhãng quan tâm tới quyền lợi của thường dân. Nếu những người nắm quyền phục thuộc vào nguyện vọng của nhân dân họ sẽ phải làm nhiều việc cho quyền lợi của người dân – như tích trữ lương thực vào những năm được mùa để phòng khi hữu sự. Các chính phủ không có khả năng và luôn thay đổi làm cho Trung Quốc dễ rơi vào tranh giành. Năm 400 một lần nữa Trung Quốc lại không thể bảo vệ các biên giới của mình. Quân đội Hung nô xâm nhập ở phía bắc, và các thủ lĩnh Hung nô chia chác miền bắc Trung Quốc với nhau. Tới năm 500, một triều đình của các vua Hung nô thuộc bộ tộc Thác Bạt (Tuoba), nhà Ngụy (Wei), còn gọi là Ngụy Thác Bạt, hay Bắc Ngụy, thống trị toàn bộ vùng phía bắc Trung Quốc, và về mặt văn hoá họ đã bị Hán hoá. Tuy nhiên, ở phía Nam một chuỗi các gia tộc Hán vốn đã leo lên và rơi xuống khỏi quyền lực trong khi lao vào các trận chém giết, coi đó là cách để giải quyết xung đột về việc ai sẽ cai trị.

Ở phía bắc, quyền lực trong tay họ Thác Bạt (lúc này đã đổi sang họ Nguyên) rơi vào tay vị Thái hậu nhiếp chính họ Hồ, một người rất sùng đạo Phật. Tuy vậy, bà lại sử dụng thủ đoạn rất tàn độc với những người mà bà không thích, kể cả những người cùng gia tộc. Vào năm 528, bà hành quyết cả Nguyên Hủ, chính là con trai ruột của bà, người không ngừng muốn thoát khỏi tình trạng giám hộ của bà. Lập tức, các tướng lãnh nổi loạn. Nhĩ Chu Vinh, một đại tướng đang cầm quân bên ngoài đã đem quân vào kinh thành giết chết Hồ Thái hậu và cả vị vua kế vị mới vừa được bà lập nên. Tình trạng lọan lạc kéo dài dẫn đến việc triều đình Bắc Ngụy bị chia làm hai là Đông Ngụy và Tây Ngụy vào năm 534. Tuy nhiên, cả hai triều đình này không tồn tại được lâu, vì quyền lực thực tế đều nằm trong các tướng lĩnh quân sự. Ở triều đình Đông Ngụy, quyền hành đều nằm trong tay của gia họ Cao. Và một quyền thần là Cao Dương đã phế truất vị vua duy nhất của triều Đông Ngụy là Nguyên Thiện Kiến để lên làm vua, lập nên triều đình Bắc Tề vào năm 550. Không lâu sau đó, ở Tây Ngụy, quyền thần Vũ Văn Giác đã ép vị vua cuối cùng của nhà Tây Ngụy là Nguyên Khuếch, phải nhường ngôi cho mình vào năm 557, lập nên nhà Chu, còn được gọi là Bắc Chu.

Các vị vua của Bắc Chu không ngừng lại ở đó. Họ tiếp tục thực hiện các chiến dịch quân sự để đánh phá người láng giềng Bắc Tề. Vào năm 577, vua Bắc Chu là Vũ Đế Vũ Văn Ung, đã thống nhất miền bắc bằng vũ lực. Tuy nhiên, con trai của ông là Chu Tuyên Đế lại không thể giữ gìn được sự nghiệp.

Nhà Tuỳ

Một quý tộc người Hán là Dương Kiên đã chiếm lấy quyền lực. Ông thẳng tay giết hại vương thất nhà Bắc Chu, dọn sạch con đường bước lên ngai vàng. Năm 581, ông phế truất vị vua cuối cùng của Bác Chu là Vũ Văn Xiển, lên ngôi hoàng đế, lập nên nhà Tùy. Chín năm sau, ông tiêu diệt vương quốc Trần ở phía Nam, thống nhất toàn bộ Trung Quốc sau gần 300 năm phân liệt.

Thời nhà Tuỳ, các công việc công cộng to lớn được hoàn tất, gồm việc xây dựng hệ thống kênh gọi là Đại Vận Hà – làm cho miền Bắc và miền Nam trở nên gần nhau hơn và phụ thuộc vào nhau về mặt kinh tế. Sự thịnh vượng quay trở lại với Trung Quốc, nhưng chỉ sau hơn hai thập kỷ, sự cai trị của nhà Tuỳ đã sụp đổ. Sự thù nghịch đối với nhà Tuỳ đã nổi lên trong số những người bị bắt phải làm việc quá sức cho những công trình công cộng. Và nhà Tuỳ đã sụp đổ về mặt kinh tế và quân sự sau những cuộc chiến với Triều Tiên, lũ lụt và nạn đói dẫn đến tình trạng nổi loạn. Trung Quốc lại rơi vào một cuộc nội chiến khác, các lãnh đạo quân sự ở các tỉnh đánh lẫn nhau để giành quyền lực.

Nhà Đường

Năm 618, cuộc nội chiến kết thúc, Đường quốc công Lý Uyên là người thắng trận. Ông tái thống nhất Trung Quốc, mở đầu thời đại nhà Đường và được tôn xưng là Đường Cao Tổ . Tuy nhiên, các con ông lại đánh nhau để giành quyền thừa kế ngai vàng. Hai người con trai của ông là Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát đã thiệt mạng trong cuộc tranh giành quyền lực này. Lý Uyên chỉ còn một sự lựa chon duy nhất là Lý Thế Dân, con trai duy nhất còn sống sót. Năm 626, Lý Uyên nhường ngôi là cho Lý Thế Dân, người mà về sau đã đưa đất nước Trung Quốc quay trở lại thời thịnh vượng và vàng son.

Tuy nhiên, người thừa kế của Thái Tông Lý Thế Dân là Cao Tông lại là một người ốm yếu như nhược, và là nguyên nhân làm cho Trung Quốc rơi vào xung đột và giết chóc. Quá trình hỗn loạn này bắt đầu khi người thiếp của Cao Tông là Võ Tắc Thiên, tìm cách thúc đẩy ông ta đưa bà lên thay hoàng hậu. Võ Tắc Thiên dùng những phương cách truyền thống để tống khứ những kẻ đối nghịch: bà giết hoàng hậu cùng một số kẻ khác. Võ Tắc Thiên trở thành Hoàng hậu, và bà đày ải, giết hại và bắt hàng chục quan chức lớn tuổi tự sát.

Vua Cao Tông phải chịu một sự khủng hoảng trong 11 năm cầm quyền của mình, trở nên yếu đuối và tầm thường. Võ Hậu củng cố hơn nữa quyền lực của mình. Bà giết các tôn thất họ Lý mà bà coi là đối thủ, và bà đưa các thành viên gia tộc của mình lên nắm quyền. Năm 690, bà phế truất chính người con của mình là Lý Đán để tự mình lên làm vua khi đã 67 tuổi, lập nên một triều đình ngắn ngủi với danh hiệu là Chu.

Võ Tắc Thiên là vị Nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung Quốc. Bằng cách sử dụng những kẻ chỉ điểm, bà lập lên một chính quyền cai trị dựa trên sự sợ hãi. Bà thanh lọc các trí thức Khổng giáo và các thành phần chống đối khác. Nhưng bà cũng xây dựng lên một nền tảng chính trị bằng cách cung cấp đủ những nhu cầu công cộng và thăng chức cho những vị quan ủng hộ mình. Bà rất sùng kính đạo Phật và tập trung quanh mình những người đàn ông sùng đạo như bà, các nhà sư và ra lệnh dựng chùa ở mọi quận huyện.

Khi tuổi đã già, Nữ hoàng họ Võ mất dần quyền kiểm soát triểu đình, và năm 705 các quan lại ở triều buộc bà rút lui để trả lại ngôi vua cho một người con của bà là Lý Hiển, vốn đã bị bà phế truất vào năm 684. Trung Tông Lý Hiển trở lại ngai vàng và cai trị tới tận khi ông chết vào năm 710 - vợ ông, hoàng hậu họ Vi, bị nghi ngờ đã đầu độc ông. Vi hậu tìm cách cai trị giống như Võ hậu. Bà bán chức tước và quyền làm sư sãi, và bà cũng đứng đằng sau những vụ tham nhũng trong triều. Bà đã tạo ra các đối thủ mà bà không thể tiêu diệt, và họ đã tập hợp lực lượng để làm cuộc đảo chính giết chết Vi hậu, đưa vị vua vốn cũng bị Võ Tắc Thiên phế truất là Lý Đán trở lại ngai vàng.

Đến lượt các đồng minh này lại đánh nhau. Tuy nhiên, cuộc tranh giành quyền lực nhanh chóng kết thúc với ưu thế tuyệt đối của một hoàng tử nhà Đường, người được kế thừa ngôi vua vào năm 712, Huyền Tông Lý Long Cơ.

Huyền Tông lên nắm quyền ở tuổi 28 và ở ngôi 44 năm. Ông năng động và can đảm, và dưới thời ông, sự thịnh vượng quay trở lại. Nhưng vào những năm cuối đời ông ngày càng bị lôi cuốn vào tư tưởng Đạo giáo và không quan tâm đến cai trị nữa. Sau năm 745 ông say mê một người thiếp của mình là Dương Quý Phi và bỏ rơi triều chính. Triều đình trở nên hỗ loạn bởi sự tranh giành ảnh hưởng của các đại thần trong triều và các quân phiệt địa phương. Trung Quốc nhanh chóng lại rơi vào tình trạng suy sụp.

Năm 715, các đội quân Hồi giáo đánh bại Trung Quốc ở Trung Á, cắt đứt con đường dẫn tới phía Tây và Ấn Độ của Trung Quốc. Những người Hồi giáo thay thế người Trung Quốc trong vị thế ảnh hưởng thống trị dọc theo Con đường tơ lụa, và các tiểu quốc bộ tộc ở biên giới Trung Quốc dần dần có nhiều ảnh hưởng. Năm 755, An Lộc Sơn, một vị tướng có nguồn gốc Thổ Nhĩ Kỳ và là "bạn thân" của Dương Quý Phi, đã tiến đánh kinh thành Trường An, buộc Huyền Tông và triều thần phải lưu vong. Cuộc bạo loạn này tuy chỉ kéo dài trong 8 năm (756-763) và con Huyền Tông là Lý Hanh cuối cùng cũng lấy lại được ngai vàng, nhưng cuộc tranh quyền lực giữa các đại thần trung ương và các thủ lĩnh quân sự địa phương vẫn diễn ra gay gắt.

Trong thời Vũ Tông Lý Viêm, vốn là người theo Đạo giáo, ông cho đóng cửa chùa Phật giáo, bắt sư sãi đạo Phật phải hoàn tục và tịch thu hàng triệu mẫu đất trồng trọt cho nhà nước sử dụng. Đạo Phật ở Trung Quốc sống sót nhưng không bao giờ đạt lại được mức cũ, trong khi đối thủ của Phật giáo, Khổng giáo lại hồi phục lại trong giới trí thức.

Đạo giáo tuy được trọng dụng nhưng không phát triểu được thành quốc giáo. Tuy nhiên, những người theo Đạo giáo đã kiếm lợi được từ việc thực hiện các thí nghiệm hoá học. Những người theo Khổng giáo xem đó như là một phần của sự thô tục của Đạo giáo – như thuộc về những người bình dân. Những nhà Nho vốn có thành kiến xấu về hoá học, điều này đã làm cho khoa học ở Trung Quốc chậm phát triển. Nho giáo tin tưởng việc học tập tốt nhất là dành cho văn học và lịch sử - những kiểu văn học và lịch sử của họ.

Trong cuộc tranh giành quyền lực triều đình, bất ngờ trỗi lên một lực lượng thứ ba. Đó là nhóm các vị hoạn quan. Nhóm này tỏ ra biết các luồn lách khéo léo, lợi dụng của hai bên kia để nắm được quyền lực triều đình. Ở những năm cuối của triều Đường, các hoạn quan hoàn toàn thao túng triều đình, thậm chí có thể lựa chọn người sẽ lên làm vua. Trong 22 vị vua của nhà Đường, thì đã có 10 vị do các hoạn quan lập nên. Tất cả đều ở những năm cuối cùng của triều Đường.

Năm 907, một lãnh chúa là Chu Ôn lật đổ ngai vàng và lập lên triều Lương, một trong năm triều đại ngắn ngủi kế tiếp nhau thống trị bắc Trung Quốc trong nửa thế kỷ. Ở phía nam, các lãnh chúa cát cứ vùng đất của mình và lần lượt thành lập mười tiểu quốc nhỏ và không ngừng tìm kiếm phương cách để thôn tính lẫn nhau. Thời kỳ này, người Trung Quốc gọi là Ngũ Đại Thập Quốc.

Ở cực bắc Trung Quốc, những bộ tộc người du mục và bán du mục nhiều sắc tộc đã thống nhất lại thành một vương triều vào năm 916, một chính quyền chiếm hữu nô lệ hoàn chỉnh với tên gọi là Khiết Đan, đôi lúc gọi là Liêu. Thâm chí, họ còn phát triển thế lực mạnh mẽ, chiếm hữu của người Trung Quốc vùng lãnh thổ cực bắc, vùng đất bao gồm cả thành phố Bắc Kinh ngày nay.



tải về 417.53 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương