Lịch sử Cơ Ðốc Giáo Việt Nam



tải về 3.6 Mb.
trang1/2
Chuyển đổi dữ liệu26.04.2018
Kích3.6 Mb.
#37471
  1   2
Lịch sử Cơ Ðốc Giáo Việt Nam 

    Cơ Ðốc Giáo là tôn giáo của những người theo Chúa Jêsus Christ (Ðức Ki-tô), những người này còn được gọi là Cơ Ðốc Nhân (Christians hoặc Chrétiens). Lịch sử Cơ Ðốc Giáo được hoài thai từ khởi thủy của loài người khi Thượng Ðế hứa ban một Ðấng Cứu Thế (Ðức Chúa Jêsus) xuống trần, trong chương trình cứu chuộc của Ngài cho cả nhân loạị Hội thánh đầu tiên được thành lập sau khi Ðức Chúa Jêsus thăng thiêng và Ngài truyền lệnh cho các môn đồ "Hãy đi khắp thế gian giảng Tin Lành cho mọi người". Từ đó trở đi, Hội thánh càng ngày càng phát triển ngay cả trong những lúc bị đàn áp và bắt bớ. 

    Giáo Hội Công Giáo La-mã thường được coi như tổ chức đầu tiên của Cơ Ðốc Giáo sau các cơ cấu Hội Thánh đầu tiên. Tiếp theo đó, các giáo hội khác được thành lập, tách ra từ Công Giáo, như Chính Thống Giáo, Anh Quốc Giáo, Tin Lành (Protestant). Tin Lành gồm nhiều hệ phái từ Lutheran đến Báp Tít (Baptist), Cơ Ðốc Phục Lâm (Seventh Day Adventists), Giám lý (Methodist), Ngũ tuần (Pentecostal)... Ðặc điểm chung của Cơ Ðốc Giáo là sự công nhận Kinh Thánh là nền tảng căn bản của tôn giáo. Các giáo phái thêm hoặc bớt những sách trong Kinh Thánh đều không được coi như Cơ Ðốc Giáo chánh thống.

    Sau đây chúng tôi xin trình bày lịch sử Cơ Ðốc Giáo tại Việt Nam. Phần nầy chỉ gồm lịch sử Giáo hội Công Giáo La-mã, lịch sử Hội thánh Tin Lành Việt Nam thuộc Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp (Christian & Missionary Alliance), lịch sử Giáo Hội Cơ Ðốc Phục Lâm An Thất Nhật (Seventh Day Adventists), và lịch sử Hội Thánh Báp Tít Việt Nam. Nhiều giáo hội khác không được đề cập đến vì chúng tôi không có đầy đủ tài liệu.

    Sau năm 1975, Cơ Ðốc Giáo ở Việt Nam càng phát triển mạnh. Có nhiều giáo hội khác đến Việt Nam để mở mang nước Chúa cũng như có sự phát triển mạnh mẽ trong các cộng đồng người Việt ở hải ngoại. 

I.   Lịch sử Giáo Hội Công Giáo La Mã tại Việt Nam

II.   Lịch sử Hội Thánh Tin Lành Việt Nam

III.   Lịch sử Giáo Hội Cơ Ðốc Phục Lâm An Thất Nhật Việt Nam

IV.   Lịch sử Giáo Hội Báp Tít Việt Nam

V.   Lịch sử Giáo Hội Mennonite tại Việt Nam

Lịch sử Công Giáo La-mã tại Việt Nam

 

Không có tài liệu cho biết đạo Công Giáo (còn được gọi là đạo Gia-tô, đạo Thiên Chúa) đã du nhập Việt Nam như thế nào. Theo truyền thuyết thì vào thế kỷ thứ hai, thứ ba... nhiều người Tây phương đến viếng Việt Nam trong số đó có các thương gia, các linh mục Thiên Chúa Giáo. Những hoạt động của các nhà truyền giáo nầy không được ghi chép và không có bằng chứng nào cho biết là đã có người theo đạo lúc ấy mãi cho đến thế kỷ thứ 16.



Theo lịch sử chánh thức của triều đình Việt Nam (Khâm Ðịnh Việt Sử) thì từ năm Nguyên-hòa nguyên niên đời vua Trang-tông nhà Lê (1533) có chiếu chỉ cấm đạo Công Giáo ở Việt Nam. Chiếu chỉ nầy đã đề cập đến một người Tây phương tên I-Hi-Khu đã rao giảng đạo Thiên Chúa ở huyện Giao Thủy và Nam Chân tỉnh Nam Sơn (nay là Nam Ðịnh).

Ðây là một giai đoạn xáo trộn về chính trị với sự phân tranh lãnh thổ: Nhà Mạc ở miền bắc và Nhà Lê ở miền nam (1527-1592); đất nước được thống nhất trên danh nghĩa dưới Triều Lê nhưng trên thực tế đã chia ra làm Ðường Ngoài (miền bắc) thuộc chúa Trịnh và Ðường Trong (miền nam) thuộc chúa Nguyễn (1592-1788).

Sử liệu không nói rõ là I-Hi-Khu đã bị trục xuất ngay lúc đó hay vẫn còn ở lại và tiếp tục chức vụ truyền giáo. Vào năm 1583, Cha Diego d'Oropesa hướng dẩn một phái đoàn gồm 8 linh mục đến viếng Việt Nam theo lời mời của vua Mạc Mậu Hợp. Phái đoàn đi từ Manila đến Quảng Yên và dùng đường thủy để đến thủ đô Thăng Long (Hà Nội). Dọc đường, tàu của họ bị một trận cuồng phong làm lạc hướng nên không vào hải phận Việt Nam được. Năm sau, linh mục Bartholomeo Ruiz, một thành viên của phái đoàn trên, đã trở lại Việt Nam và được quốc vương tiếp đón nồng hậu. Ông được nhà vua cho phép ở lại để truyền giáo.

Cha Ruiz và một số các linh mục Công Giáo, đa số là người Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha, đã hoạt động tích cực đem những nhân vật cao cấp của chính quyền, trong đó có Công chúa Regent Mai Hoa, trở lại cùng Chúa. Dầu vậy, ảnh hưởng của họ không được sâu rộng lắm trong quần chúng dân Việt. Nguyễn Hữu Trọng, trong luận án tiến sĩ của ông dưới tựa đề "Nguồn gốc của hàng giáo phẩm Việt Nam" (Les Origines Du Clergé Vietnamien), đã viết như sau: "Nếu chúng ta xem xét những thành quả của việc truyền giáo trong giai đoạn tiên khởi nầy, chúng ta phải nhìn nhận rằng nó đã thành tựu một cách khiêm nhường. Có vài người chịu phép rửa tội (báp-têm), chưa đủ để tạo dựng một cộng đồng Cơ Ðốc có thể gây dựng một Hội thánh tương lai".

Mãi cho đến năm 1624, khi một giáo sĩ người Pháp, một học giả tài ba lỗi lạc, là Cha Ðắc Lộ hay Alexandre de Rhodes đến Việt Nam, việc truyền giáo mới chuyển qua khúc quanh quan trọng. Ông hoạt động cả miền bắc lẫn miền nam (Ðường Ngoài và Ðường Trong) trong 22 năm. Ông thành thạo ngôn ngữ, lịch sử và địa lý Việt Nam, nhất là đã hoàn tất việc chuyển đổi chữ viết Việt Nam bằng cách dùng mẫu tự La-tinh. Với vài thay đổi và tu chỉnh sau nầy, chữ viết do ông soạn thảo đã thay thế chữ nho để trở thành quốc ngữ vào cuối thập niên 1910.

Linh mục Ðắc Lộ trở về Ba-lê vào năm 1649. Ông thành lập Hội Thừa Sai (Societé des Missions Etrangères) để khuyến khích các nhà truyền giáo người Pháp đến vùng Viễn Ðông. Vì thế, các giáo sĩ người Pháp ngày càng gia tăng và đã trở thành lực lượng nòng cốt của các giáo sĩ Công Giáo tại Việt Nam. Theo Ðào Duy Anh, tác giả quyển Việt Nam Văn Hóa Sử Cương, vào năm 1680, khoảng 30 năm sau khi Hội Truyền Giáo Hải Ngoại được thành lập, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam cho rằng có đến 600.000 giáo dân ở miền nam (Ðường Trong) và 200.000 ở miền bắc (Ðường Ngoài). Các con số nầy không được xác nhận và dường như hơi cao hơn trên thực tế, vì sau hơn một thế kỷ, con số giáo dân trên toàn quốc, sau nhiều lần tăng gia và phát triển, đã không vượt quá 320.000 (theo Linh mục Phan Phát Huồn, một sử gia Công Giáo).

Hoạt động truyền giáo của Công Giáo vào cuối thế kỷ thứ 17 đến thời đại vua Gia Long năm 1802 có lúc gặp khó khăn có khi được dễ dãi. Sự thăng trầm nầy thường bắt đầu và chấm dứt với việc lên ngôi hay băng hà của các vị vua có thiện cảm hoặc chống đối đạo. Trong nhiều trường hợp, việc này tùy thuộc vào sự thay đổi quan điểm của các vị vua hoài nghi. Ðiển hình là trong đời chúa Trịnh Tráng, các linh mục Bồ Ðào Nha được phép theo ông trong chuyến chinh phục miền nam để giảng đạo. Họ được phép mở các nhà thờ tại Hà Nội và các thành phố miền bắc khác. Nhưng khi ông biết rằng những đặc ân dành cho các giáo sĩ Bồ ÐàoNha đã không mang lại lợi lộc trong việc trao đổi kinh tế với nước nầy, Trịnh Tráng quyết định trục xuất các nhà truyền giáo. Ở miền nam, Cha Ðắc Lộ là giáo sĩ đầu tiên được chúa Công Thương Vương tiếp kiến, được người chấp nhận lễ vật và được phép kiều ngụ trong xứ. Tuy vậy chúa Công Thương Vương đã ra lệnh hành huyết 3 Thánh đồ là An-rê, Inhaxo, và Vinh Sơn cùng nhiều giáo dân khác (1644-1645).

Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ, ba anh em Nhà Tây Sơn (1788-1802), đã thống nhất sơn hà, dẹp bỏ chế độ cai trị của các Lãnh chúa ở miền bắc lẫn miền nam và chấm dứt chế độ nhà Lê. Mặc dù các vị vua nhà Tây Sơn không chống đối đạo Công Giáo, đa số các linh mục đã phải rời bỏ Việt Nam vì chiến tranh. Trong thời gian này, hoạt động của các nhà thờ Công Giáo không được ghi chép đầy đủ. Học giả Trần Trọng Kim đã viết trong quyển Việt Nam Sử Lược rằng "trong thời Tây Sơn, vì đất nước bất yên, triều đình chú tâm vào việc chiến tranh và Công Giáo không bị cấm".

Chánh sách dễ dãi đối với Công Giáo đã dần dần thay đổi vào những năm cuối cùng của nhà Tây Sơn. Lúc đầu triều đình tuy không có thiện cảm với các tôn giáo, không giúp đỡ các chùa, đền hay nhà thờ, nhưng Công Giáo không bị bắt bớ vì được coi như các đạo khác. Nhưng đến khi Giám mục Bá Ða Lộc công khai ủng hộ Hoàng tử Nguyễn Ánh chống lại nhà Tây Sơn, thì chính quyền trong nam dưới thời Nguyễn Lữ, em của Hoàng Ðế Quang Trung, bắt đầu bắt bớ đạo Công Giáo: nhà thờ bị tàn phá, các giáo chức người Việt phải lẩn trốn trong rừng.

Trong suốt 9 năm dưới thời Tây Sơn, số giáo dân giảm đi từ 100.000 xuống còn 60.000 ở miền nam. Tuy nhiên, nhiều bằng cớ cho biết sự sút giảm nầy là do ảnh hưởng của chiến tranh gây nên, làm cho dân số giảm xuống hơn là sự đàn áp của chánh quyền.

Ở miền bắc và miền trung, Công Giáo được chấp nhận, không bị nhà Tây Sơn để ý trong lúc đầu cho đến khi Giám mục Labartette ở Thuận Hóa (Huế) nhận được mật thư của Hoàng tử Nguyễn Ánh sau khi ông đã chinh phục được miền nam. Vì lý do nầy mà 31 tín đồ Công Giáo bị giết, trong đó có Linh mục Nguyễn Văn Triệu, nhiều người khác phải lẩn trốn. Phản ứng khắc nghiệt của nhà Tây Sơn không phải là do sự chống đối ngoại kiều hay đạo Công Giáo mà do sự ủng hộ Nguyễn Ánh của Giám mục Bá Ða Lộc và các hàng giáo phẩm. Linh mục Phan Phát Huồn, tác giả quyển Việt Nam Giáo Sử, là quyển lịch sử đầy đủ nhất của Công Giáo ở Việt Nam đã đồng ý với quan điểm nầy, ông viết: "nếu Giám mục Bá Ða Lộc không giúp đỡ Nguyễn Ánh chinh phục đất nước, triều đình Tây Sơn đã không sát hại tín đồ Công Giáo".

Cuối cùng, Nguyễn Ánh đã thành công trong việc diệt trừ nhà Tây Sơn, lên ngôi lấy niên hiệu là Gia Long. Trong thời gian 18 năm dưới triều Nguyễn, Công Giáo được yên ổn và phát triển dù rằng nhà vua không theo đạo, cũng không ban đặc ân nào cho Giáo hội. Vua Gia Long thường biểu lộ lòng biết ơn đối với các nhà truyền giáo, nhất là Giám mục Bá Ða Lộc, người đã hết lòng giúp đỡ nhà vua (dù rằng sau nầy Giám mục Bá Ða Lộc bị mất chức) cho đến khi người qua đời. Dưới thời vua Gia Long, Giáo Hội Công Giáo có 320.000 giáo dân, 119 Linh mục Việt Nam, 15 nhà truyền giáo ngoại quốc và 3 Giám mục. Ðiều đáng chú ý là 80 % các Linh mục và Giáo chức Việt Nam đều ở miền bắc.

Sau khi vua Gia Long băng hà, Giáo hội Công Giáo chỉ được một thời gian yên ổn ngắn ngủi từ năm 1820-1833, sau đó lại phải trải qua một thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử dưới đời vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Ðức (1833-1883). Vua Minh Mạng ra chiếu chỉ cấm đạo Công Giáo trong toàn lãnh thổ vào ngày 6 tháng giêng năm 1833. Lệnh cấm chỉ nầy được các vua Thiệu Trị và Tự Ðức noi theo: các nhà truyền giáo vào lãnh thổ bất hợp pháp để rao giảng đạo Chúa sẽ bị xử tử; các linh mục Việt Nam không bỏ đạo sẽ bị khắc chữ vào trán và bị lưu đày; giáo dân bị cấm không được theo đạo. Nhiều giáo sĩ ngoại quốc, nhiều giáo chức Việt Nam bị giết vì chính quyền trung ương lẫn địa phương đều tình nghi họ là những người nằm vùng, làm tay sai cho giặc. Lại thêm các nhóm chống đối (chống Pháp) địa phương cũng không ưa gì người Công Giáo. Về sau triều đình Việt Nam bị áp lực của Pháp, phải rút các lệnh cấm nầy theo các hòa ước năm 1862 và 1874. Một sử gia Việt Nam, ông Phan Thanh Khôi đã viết: "Các vị vua Việt Nam đã chống đối Công Giáo không phải vì họ có chủ trương thái quá nhưng vì họ muốn bảo vệ sự thuần nhất của dân tộc về chính trị cũng như về đạo đức. Họ cho rằng người Công Giáo không thờ cúng ông bà là một đe dọa cho sự thuần nhất của quốc gia".

Có ít nhất 3 lý do khiến các vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Ðức có chánh sách khắt khe đối với Công Giáo.

1.      Nguyên nhân thứ nhất là chính trị, có lẽ là nguyên nhân quan trọng nhất. Vua Minh Mạng, không phải là trưởng nam của vua Gia Long (Hoàng tử Cảnh là người kế vị ngôi vua đã mất tại Gia Ðịnh sau chuyến thăm viếng Ba-lê với Giám mục Bá Ða Lộc) và sự chọn ông để nối nghiệp đã bị một vài triều thần và các nhân vật có thiện cảm với Công Giáo chống đối. Cho đến ngày nay, nhiều người Công Giáo vẫn cho là sự chọn lựa nầy không hợp pháp, và chỉ có con của Hoàng tử Cảnh mới có quyền kế vị vua Gia Long. Sau khi lên ngôi, vua Minh Mạng tỏ sự bất mãn đối với những người đã chống đối ông. Vì vậy, việc cấm chỉ đạo Công Giáo đã không làm ai ngạc nhiên.

2.      Nguyên nhân thứ nhì là chủ trương của nhà vua muốn theo đạo truyền thống dân tộc như Khổng giáo, đạo thờ ông bà và vì vậy ông chống đối các đạo ngoại lai mà ông cho là "tà giáo".

3.      Lý do thứ ba cũng là lý do chính trị: vì chính sách bành trướng của các đế quốc thời đó nhất là nước Anh đã đô hộ Ấn Ðộ và Miến Ðiện trước đó mấy chục năm, và nước Pháp muốn bành trướng sự hiện diện ở Á Châu sau khi bị mất Ấn Ðộ vào tay Anh quốc. Các nhà truyền giáo bị coi là gián điệp và tín đồ Công Giáo bị coi như những người nằm vùng, họ không ngần ngại phản bội đất nước cho sự tự do tín ngưỡng.

Trong điều thứ nhất của hòa ước 1862, Hoàng đế Việt Nam bị bắt buộc phải thừa nhận sự đô hộ của nước Pháp ở miền nam và phải để cho Công Giáo được bành trướng: "Nước Nam phải để cho giáo sĩ nước Pháp và nước I-pha-nho được tự do vào giảng đạo, và để dân gian được tự do theo đạo".

Sự tự do tín ngưỡng nầy không được dành cho dân miền trung và miền bắc. Họ vẫn còn bị cấm bởi chính quyền. Các nhóm ái quốc, điển hình là nhóm Văn Thân, đã tuyên bố rằng "Tín đồ Công Giáo đã bán nước cho thực dân Pháp. Một khi những kẻ nằm vùng nầy bị loại trừ, người Pháp sẽ không còn hậu thuẩn nữa ắt sẽ bị tiêu diệt". Nỗ lực của họ không ngưng cho tới năm 1884, hòa ước Patenotre đặt toàn cõi Việt Nam dưới sự bảo hộ của Pháp, bảo đảm cho sự tự do tín ngưỡng của đạo Công Giáo, và tái xác nhận cũng như thực thi hòa ước Giáp Tuất năm 1874. Giáo hội Công Giáo không bao giờ mất "sự tự do giảng đạo" và tiếp tục bành trướng trong thời gian Pháp thuộc. Vào năm 1932, Việt Nam có 13 giáo phận và tất cả đều do các giám mục ngoại quốc đảm nhiệm. Giám mục đầu tiên của Việt Nam là đức cha Nguyễn Bá Tòng được nhậm thánh chức vào năm 1933. Ðây là một biến cố lịch sử cho hàng giáo phẩm Việt Nam vì trong gần bốn thế kỷ, những nhà truyền giáo Âu châu không cố gắng đào tạo những người lãnh đạo cũng như những linh mục trong nước theo tinh thần của các thánh đồ vào thế kỷ thứ nhất.

Một biến cố khác, 27 năm sau, vào năm 1960, Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII đề cử 3 Tổng Giám mục (archbishoprics) và các hàng giáo phẩm đầu tiên của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Ðó là giáo khu Hà Nội với 8 giáo khu (diocese) do Tổng Giám mục Trịnh Như Khuê, giáo khu Huế với 3 giáo khu (dioceses) do Tổng Giám mục Ngô Ðình Thục, giáo khu Sài-gòn với 5 giáo khu do Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình lảnh đạo. Trong số 16 Giám mục được Ðức Giáo Hoàng bổ nhiệm cho các giáo phận trên, có 14 Giám mục Việt Nam.

Trên thực tế, Công Giáo là tôn giáo có tổ chức, hệ thống nhất ở Việt Nam ngày nay. Với 1.454.842 giáo dân ở miền nam và 833.468 giáo dân ở miền bắc, Công Giáo là một cộng đồng lớn nhất và mạnh mẽ nhất trong xã hội Việt Nam. Ngoài công việc truyền giảng và huấn luyện các giới lãnh đạo trong nước, Giáo hội Công Giáo với 24 giáo phận (orders) có được một hệ thống rộng lớn và hữu hiệu chuyên lo về vấn đề giáo dục và xã hội. Ðiều này đã làm cho hằng ngàn người trở lại đạo mỗi năm và đã gây ảnh hưởng sâu rộng trong giới trí thức. (Trích dịch từ luận án tiến sĩ của Mục sư Lê Hoàng Phu, 1972).

 

Ðạo Thiên Chúa dưới mắt sử gia Trần Trọng Kim



(Trích Việt Nam Sử Lược1[1])

Nguyên khi xưa toàn xứ Âu-la-ba (Âu Châu) không có nhất định một tông giáo nào cả. Mỗi dân tộc thờ một vị thần riêng của mình. Thường hay lấy cái lực hoạt động của tạo hóa mà tưởng tượng ra các vị thần, rồi làm đền, làm đài, để thờ cúng. Như dân tộc Hi-lạp (Grec) và dân tộc La-mã (Romain) thờ thần Giu-bi-te (Jupiter), thần A-bô-lông (Apollon) và các vị thần khác vậy. Duy có dân tộc Do-thái (Juifs) ở đất Tiểu Á-tế-á, nay là đất Palestine đã được độc lập, chỉ thờ một vị thần gọi là Jéhovah ở thành Gia-lỗ-tán-lĩnh (Jerusalem). Dân ấy tin rằng thần Jéhovah sinh hóa vạn vật và người; cho nên người chỉ phải thờ một vị thần ấy mà thôi. Ðến đời dân La-mã đã kiêm tính được cả đất Tiểu Á-tế-á, đất bắc A-phi-lị-gia (Phi Châu) và đất tây nam Âu-la-ba, dân Do-thái cũng thuộc La-mã, mà đạo Do-thái bấy giờ cũng đã suy lắm rồi. Lúc ấy đức Gia-tô ra đời, nhân đạo Do-thái mà lập ra đạo mới2[2] dạy người lấy sự yêu mến và tôn kính Thiên Chúa làm gốc, lấy bụng từ bi nhân thứ, coi người như anh em ruột thịt làm cốt. Từ đó về sau các môn đồ đem đạo ấy đi truyền bá các nơi. Ông Saint Pierre thì sáng lập giáo đường ở kinh thành La-mã, ông Saint Paul thì đi truyền đạo ở khắp trong nước.

Lúc đầu đạo Thiên Chúa bị nhiều phen vua La-mã nghiêm cấm, dùng cực hình mà giết các giáo sĩ và những người theo đạo mới, nhưng dầu nguy nan thế nào mặc lòng, các môn đồ cứ một niềm đi truyền đạo khắp bốn phương. Mãi đến đầu đệ tứ thế kỷ (313) vua La-mã là Constantin mới cho giảng đạo Thiên chúa ở mọi nơi trong nước. Từ bấy giờ trở đi đạo Thiên Chúa một ngày một thịnh, lập giáo hoàng để thống nhất việc giáo, đặt giám mục để coi việc giáo ở các nơi, lại sai giáo sĩ đi truyền đạo khắp trong thiên hạ: hễ ở đâu có người là có giáo sĩ đến dạy đạo. Bởi vậy cho nên chẳng bao lâu mà toàn Âu đều theo đạo Thiên chúa cả.

Ở bên Á đông ta thi từ đời nhà Ðường (618-907) sử chép có Cảnh giáo3[3] tức là một phái Gia-tô giáo đã sang Tàu, nhưng vì bấy giờ đạo Phật đang thịnh, cho nên đạo Cảnh giáo mất dần đi. Mãi đến đời nhà Nguyên, nhà Minh mới thật có giáo sĩ sang giảng đạo Gia-tô ở nước Tàu.

Ở nước Nam ta từ khi đã có người Âu-la-ba sang buôn bán, thì tất là có giáo sĩ sang dạy đạo. Cứ theo sách Khâm Ðịnh Việt Sử, thì năm Nguyên Hòa nguyên niên đời vua Trang tông nhà Lê (1533) có người Tây tên là I-nê-khu đi đường bể vào giảng đạo Thiên chúa ở làng Ninh Cường, làng Quần Anh, thuộc huyện Nam Chân (tức là Nam Trực) và ở làng Trà Lũ, thuộc huyện Giao Thủy.

Sách Nam sử của Trương vĩnh Ký chép rằng năm bính thân (1596) đời ông Nguyễn Hoàng có người giáo sĩ Tây-ban-nha tên là Diego Adverte vào giảng đạo trong Nam trước hết cả. Nhưng lúc bấy giờ lại có mấy chiếc tàu Tây-ban-nha cùng đến, chúa Nguyễn sợ có ý quấy nhiễu gì chăng, bèn đuổi đi.

Ðến năm ất mão (1615) đời chúa Sãi, giáo sĩ là P. Busomi lại đến giảng đạo, rồi đến năm giáp tí (1624) có giáo sĩ tên là Jean Rhodes, người Pháp-lan-tây, đến giảng đạo ở Phú xuân và lập ra các giáo đường. Năm bính dần (1626) đời vua Lê Thần-tông, giáo sĩ Baldinoti vào giảng đạo ở ngoài Bắc, bị chúa Trịnh không cho, phải bỏ đi. Ðược ít lâu ông Jean Rhodes (Alexandre de Rhodes) ở trong Nam ra Bắc vào yết kiến chúa Trịnh và đem dâng cái đồng hồ quả lắc, chúa Trịnh cho ông Jean Rhodes được giảng đạo tại kinh đô.

Từ đó về sau các giáo sĩ cứ dần dần vào nước dạy đạo, mà người mình càng ngày càng theo đạo cũng nhiều. Nhưng vì nước ta tự xưa đến nay vẫn theo Nho giáo, lấy sự thờ cúng ông cha làm trọng, lấy sự tế tự thần thánh làm phải, mà lệ nước thì lấy sự cúng tế làm một việc rất quan trọng. Ðột nhiên thấy nhiều người mình theo đạo Thiên chúa, bỏ cả các thói cũ, chỉ chuyên về một mặt theo đạo mới, bởi vậy cho nên trong Nam ngoài Bắc, vua chúa đều cho đạo ấy là một tả đạo, làm hủy hoại cả cái phong hóa của nước nhà xưa nay, bèn xuống chỉ cấm không cho người trong nước theo đạo mới nữa, và đặt ra phép nghiêm để bắt tội những kẻ không theo chỉ dụ ấy.

Cứ theo trong sử thì năm tân vị (1631) ở trong Nam, chúa Thượng là Nguyễn-phúc Lan cấm không cho người Tây vào giảng đạo ở trong nước.

Năm quí mão (1663) ở ngoài Bắc, chúa Trịnh là Trịnh Tạc bắt đuổi các giáo sĩ và cấm không cho người mình theo đạo Gia-tô.

Năm giáp thìn (1644) chúa Hiền ở miền Nam bắt giết những người đi giảng đạo ở Ðà Nẵng.

Năm bính tí (1696) đời vua Lê Hi-tông, Trịnh Căn bắt đốt phá cả những sách đạo và nhà đạo ở các nơi và đuổi những người giảng đạo ra ngoài nước.

Năm nhâm thìn (1712) đời vua Lê Dụ-tông, Trịnh Cương bắt những người theo đạo Gia-tô phải cạo trán và khắc vào mặt bốn chữ "học Hoa-lan đạo4[4]".

Năm giáp tuất (1754) đời Cảnh-hưng, Trịnh Doanh lại nghiêm cấm một cách rất ngặt, không cho người ta đi theo đạo, và lại giết cả các đạo trưởng và đạo đồ.

Từ đó về sau việc cấm đạo ngày một nghiêm, mà người đi giảng đạo cũng không lấy luật nước làm sợ, cứ cố sức dụ cho được nhiều người theo đạo. Rồi dần dần người trong nước phân ra bên lương bên giáo, ghen ghét nhau hơn người cừu địch. Vua quan thì thấy dùng phép thường không cấm được, mới dùng đến cực hình để mà trừng trị, giết hại bao nhiêu người vô tội.

Tóm lại mà xét, thì giả sử người ngoại quốc vào nước ta mà chỉ có việc buôn bán mà thôi, thì chắc rằng nước ta xưa nay vốn là một nước văn hiến, vua quan ta cũng không có lẽ gì mà ngăn cấm; nhưng bởi vì khi đã quan hệ với việc sùng tín, thì dù hay dở thế nào mặc lòng, người ta ai cũng cho sự sùng tín của mình là phải hơn, thành ra không ai khoan dung cho ai, rồi cứ phải dùng thế lực mà đè nén nhau. Cũng vì thế cho nên nước ta không chịu suy xét lẽ phải trái cho kỹ càng, làm lắm sự tàn ác để đến nỗi mất cả sự hòa hiếu với các nước Tây dương và gây nên cái mối biến loạn cho nước nhà vậy.

 

Sự cấm đạo đời vua Minh Mạng



Từ khi vua Thánh-tổ (Minh Mạng) lên ngôi, ngài đã có ý không cho người ngoại quốc vào giảng đạo ở trong nước. Ðến năm ất dậu (1825), khi chiếc tàu Thétis vào cửa Ðà-nẵng, có một người giáo sĩ tên là Rogerot ở lại đi giảng đạo các nơi, vua Thánh-tổ nhân dịp ấy mới có dụ cấm đạo, và truyền cho các quan phải khám xét các tàu bè của ngoại quốc ra vào cửa bể. Trong dụ nói rằng: "Ðạo phương Tây là tả đạo, làm mê hoặc lòng người và hủy hoại phong tục, cho nên phải nghiêm cấm để khiến người ta phải theo chính đạo".

Ngài lại sai tìm bao nhiêu những giáo sĩ ở trong nước đem cả về Huế để dịch những sách Tây ra chữ Việt Nam, chủ ý là không phải vì việc dịch sách, nhưng là để cho khỏi đi giảng đạo ở chỗ hương thôn.

Lúc bấy giờ không phải là một mình vua Thánh-tổ ghét đạo mà thôi, phần nhiều những quan lại cũng đều một ý cả, cho nên sự cấm đạo lại càng nghiệt thêm. Nhưng mà dẫu cấm thế nào mặc lòng, trong nước vẫn có người đi giảng đạo, nhà vua lấy điều đó làm trái phép, lại có ra dụ lần nữa truyền cho dân bên giáo phải bỏ đạo,và ai bắt được giáo sĩ đem nộp thì được thưởng. Năm ấy ở Huế có một người giáo sĩ phải xử giảo, và ở các nơi cũng rối loạn vì sự bắt đạo và giết đạo.

Từ đó trở đi, trong Nam ngoài Bắc, chổ nào cũng có giặc giã nổi lên, nhà vua ngờ cho dân bên đạo theo giúp quân giặc, lại càng cấm nghiệt: từ năm giáp ngọ (1834) cho đến năm mậu tuất (1838), có nhiều giáo sĩ và đạo đồ bị giết, nhất là từ khi bắt được cố Du (P. Marchand) ở Gia-định rồi, sự giết đạo lại dữ hơn trước nữa.

Nhà vua một mặt thì cấm đạo, một mặt thì ban những huấn điều ra để khuyên dân giữ lấy đạo chính. Nhưng nhà vua mà dùng uy quyền để giết hại bao nhiêu, thì dân sự lại khổ sở bấy nhiêu, chứ lòng tin tưởng của người ta không sao ngăn cấm được. Vả lại đạo Thiên chúa cũng là một đạo tôn nghiêm, dạy người ta lấy lòng nhân ái, việc gì mà làm khổ dân sự như thế? Các giáo sĩ bây giờ cứ một niềm liều sống chết đi truyền giáo cho được, có người phải đào hầm mà ở dưới đất hằng mấy tháng để dạy đạo. Những người có chí bền chặt như vậy, thì hình phạt cũng vô ích mà thôi. Năm mậu tuất (1838), vua Thánh-tổ thấy cấm thế nào cũng không được những người đi giảng đạo trong nước, ngài bèn sai sứ sang Pháp để điều đình với chính phủ Pháp về việc ấy. Song khi sứ thần Việt Nam ta sang đến nơi, thì hội Ngoại quốc truyền đạo xin Pháp hoàng là vua Louis Philippe đừng tiếp - theo sách Histoire de la Cochinchine Francaise của ông Cultru -. Sứ thần ta phải trở về không; khi về đến Huế thì vua Thánh-tổ đã mất rồi.

 

Việc giao thiệp với nước Pháp đời vua Thiệu Trị



Từ khi vua Hiến-tổ (Thiệu Trị) lên trị vì, thì sự cấm đạo hơi nguôi đi được một ít. Nhưng mà triều đình vẫn ghét đạo, mà những giáo sĩ ngoại quốc vẫn còn giam cả ở Huế. Có người đưa tin ấy cho trung tá nước Pháp tên là Favin Lévêque coi tàu Héroine. Ông Favin Lévêque đem tàu vào Ðà-nẵng xin cho năm người giáo sĩ được tha.

Qua năm ất tị (1845) là năm Thiệu Trị thứ năm có một giám mục tên Lefèbvre phải án xử tử. Bây giờ có người quản tàu Mỹ-lợi-kiên ở Ðà Nẵng xin mãi không được, mới báo tin cho hải quân thiếu tướng nước Pháp là Cécile biết. Thiếu tướng sai quân đem chiếc tàu Alcmène vào Ðà Nẵng lĩnh giám mục ra.

Năm đinh vị (1847) quan nước Pháp được tin rằng ở Huế không còn giáo sĩ phải giam nữa, mới sai đại tá De Lapierre và trung tá Rigault de Genouilly đem hai chiếc chiến thuyền vào Ðà Nẵng, xin bỏ những chỉ dụ cấm đạo và để cho người trong nước được tự do theo đạo mới.

Lúc hai bên còn đang thương nghị về việc ấy, thì quan nước Pháp thấy thuyền của ta ra đóng gần tàu của Pháp, và ở trên bờ lại thấy có quân ta sắp sửa đồn lũy, mới nghi có sự phản trắc gì chăng, bèn phát súng bắn đắm cả những thuyền ấy, rồi nhổ neo kéo buồm ra bể.

Vua Hiến-tổ thấy sự trạng như thế, tức giận vô cùng, lại có dụ ra cấm người ngoại quốc vào giảng đạo, và trị tội những người trong nước đi theo đạo.

Việc tàu nước Pháp vào bắn ở Ðà Nẵng xong được mấy tháng, thì vua Hiến-tổ phải bệnh mất. Bấy giờ là tháng chín năm đinh vị (1847), năm Thiệu Trị thứ bảy. Ngài làm vua được bảy năm, thọ 37 tuổi, miếu hiệu là Hiến-tổ Chương-hoàng-đế.

 

Việc cấm đạo đời vua Tự Ðức



Việc cấm đạo thì từ năm mậu thân (1848) là năm Tự Ðức nguyên niên, vua Dực-tông mới lên ngôi, đã có dụ cấm đạo. Lần ấy trong dụ nói rằng những người ngoại quốc vào giảng đạo, thì phải tội chết, những người đạo trưởng ở trong nước mà không chịu bỏ đạo, thì phải khắc chữ vào mặt, rồi phải đày đi ở chỗ nước độc. Còn những ngu dân thì các quan phải ngăn cấm, đừng để cho đi theo đạo mà bỏ sự thờ cúng cha ông, chứ đừng có giết hại v. v...

Ðến năm tân hợi (1851) là năm Tự Ðức thứ tư, lại có dụ ra cấm đạo. Lần này, cấm nghiệt hơn lần trước, và có mấy người giáo sĩ ngoại quốc phải giết.

Sức đã không đủ giữ nước mà lại cứ làm điều tàn ác. Ðã không cho người ngoại quốc vào buôn bán, lại đem làm tội những người đi giảng đạo, bởi thế cho nên nước Pháp và nước I-pha-nho mới nhân cớ ấy mà đánh nước ta vậy.

Hoà ước năm Nhâm Tuất (1862)

Ðến hôm 9 tháng 5 thì thiếu tướng Bonard và sứ thần nước Nam ta là ông Phan thanh Giản và ông Lâm duy Tiếp ký tờ hòa ước. Tờ hòa ước ấy có 12 khoản, khoản đầu tiên có liên quan đến tôn giáo:

1.      Nước Nam phải để cho giáo sĩ nước Pháp và nước I-pha-nho được tự do vào giảng đạo, và để dân gian được tự do theo đạo.

 

Hòa ước năm Giáp Tuất (1874)



Ngày 27 tháng giêng năm giáp-tuất (1874), là năm Tự-đức thứ 27, hải quân thiếu tướng Dupré và ông Lê Tuấn, ông Nguyễn văn Tường ký tờ hòa ước cả thảy 22 khoản, khoản IX lập lại việc giảng đạo.

Khoản IX. Vua nước Nam phải để cho giáo sĩ được tự do đi giảng đạo, và để cho dân trong nước được tự do theo đạo.

 
Lịch sử Hội Thánh Tin Lành Việt Nam

 

I. Giai đoạn tiên khởi.



Tấn sĩ W. M. Turnbull, Phó Hội trưởng Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp đã nói rằng: Bất cứ nơi nào mà việc truyền giáo bị khóa chặt, nghĩa là một nơi chưa được nghe rao giảng Tin Lành của Ðấng Christ, thì sẽ thấy giáo sĩ thuộc Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp đến đóng trại trước ngạch cửa để chờ đợi, hễ có cơ hội là bước vào, câu nói đó rất đúng với trường hợp nước Việt Nam. Tại Ðông Dương thuộc Pháp, Việt Nam là mục tiêu đầu tiên của Tấn sĩ A. B. Simpson ngay từ khi ông mới sáng lập Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp năm 1897. Các giáo sĩ của Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp ở miền nam Trung Hoa luôn luôn hướng tầm mắt vào Việt Nam.

Năm 1887, Tấn sĩ A. B. Simpson đã viết trong tờ tạp chí "Word and World" như sau: Miền Bán đảo Ðông Nam Á đã bị quên lãng từ lâu. Quốc gia Việt Nam cần được soi sáng Tin Lành của Ðấng Christ. Tại sao những người phục vụ Cứu Chúa không đặt Việt Nam ngang hàng với Tây Tạng, thiết lập chiến trường thuộc linh mới, hầu tranh thủ nhiều linh hồn tội nhân về với Ngài.

Mùa hè năm 1893, Tấn sĩ David Leclaccheuz, cộng sự viên của Tấn sĩ Simpson đến thăm Sàigòn. Khi trở về, ông đã tường trình và cho biết cánh cửa tại Việt Nam cũng như toàn xứ Ðông Dương thuộc Pháp đã mở cho việc giảng Tin Lành. Qua năm sau, Tấn sĩ Simpson cho biết rằng Sudan, Tây Tạng và Việt Nam là ba địa hạt truyền giáo quan trọng chưa được khai thác để qui sự vinh hiển về cho Cứu Chúa.

Tuy nhiên, mãi đến năm 1897 mới chỉ có một giáo sĩ của Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp được phép bước chân vào Ðông Dương thuộc Pháp để thăm viếng và chỉ vỏn vẹn thăm viếng mà thôi, không được truyền giáo. Ðó là Giáo sĩ C. H. Reeves, từ Long Châu vượt biên giới Hoa Việt vào miền Bắc rồi đến Lạng Sơn. Khi trở về, ông đã phúc trình với Giáo Hội: "Tôi được các sĩ quan và binh sĩ Pháp tiếp đãi rất lịch sự. Họ ở đây rất đông, nơi nào có độ một trăm người dân thì có một đồn lính. Trong suốt thời gian ở miền Bắc, tôi được các binh sĩ Việt Nam và Pháp hộ tống".

Năm 1889, Giáo sĩ R. A. Jaffray tuy là tân Giáo sĩ ở miền nam Trung Hoa, nhưng lại đóng một vai trò rất đắc lực trong việc mở mang rao giảng Tin Lành tại Ðông Dương. Giáo sĩ Jaffray cũng vượt biên giới Hoa Việt theo cách của Giáo sĩ Reeves, đi đường thủy theo sông Hồng Hà xuống tận thủ đô Hà Nội. Nhưng ông cũng chưa đặt được điểm tựa nào cho công việc truyền giáo. Năm 1901, ông về nghỉ hạn ở Mỹ, ông tìm gặp ông bà Lylvan Dayan người Gia Nã Ðại thuộc Pháp, với hi vọng đề cử ông bà này sang Việt Nam, vì người nói tiếng Pháp vào xứ thuộc Pháp dễ dàng hơn người nói tiếng Anh. Sau đó Hội Truyền giáo sai phái ông bà Dayan qua Việt Nam. Năm 1902, họ vào hải cảng Hải Phòng với kế hoạch nhằm mở một trụ sở giảng Tin Lành tại Bắc kỳ, nhưng vì tình thế chưa thuận tiện, năm sau họ phải trở lại Trung Hoa.

Vào năm 1905, tỉnh Long Châu, thuộc địa hạt Hoa Nam, được dùng làm trung tâm truyền giáo. Họ hi vọng trạm này có thể dùng làm bàn đạp để đưa Tin Lành vượt biên giới Hoa Việt vào miền bắc Việt Nam. Nhưng về sau Hội Truyền Giáo nhận thấy cách nầy chỉ có thể giảng Tin Lành cho những người di cư sang lập nghiệp ở Trung Hoa, chứ không giảng trực tiếp cho dân tộc Việt Nam được. Vả lại người Pháp cũng không thích để Hội Truyền Giáo đi vào cửa sau bằng cách ấy, nên họ đã cho phép giáo sĩ vào một trong các hải cảng lớn ở Việt Nam.

Ðến mùa xuân năm 1911, các Giáo sĩ R. A. Jaffay, Paul M. Hosler và G. Lloyd Huglers đến hải cảng Tourane, ở Trung phần Việt Nam. Họ mua được một cơ sở ở góc đường Khải Ðịnh, số 66 và đường Nguyễn Hoàng, số 67 để làm trụ sở truyền giáo, đó là trụ sở đầu tiên của hội. Sau khi hoàn tất công tác, họ trở lại Trung Hoa. Giáo sĩ Jaffray không được phép làm giáo sĩ thường xuyên tại Việt Nam, Giáo sĩ Huglers được gọi về Nữu-ước để lảnh nhiệm vụ cao trọng hơn nên chỉ còn Giáo sĩ Hosler trở lại Ðông Dương một mình. Ông khởi sự học tiếng Việt và đồng thời bắt đầu giảng Tin Lành. (Trích quyển Bốn mươi sáu năm chức vụ, hồi ký của Mục sư Lê Văn Thái).

 

II. Sự thành hình của Hội thánh Tin Lành Việt Nam.



Công việc gần như bị ngưng lại khi người Pháp trục xuất 5 trong số 9 giáo sĩ vào cuối năm 1915. Qua năm 1916, Giáo sĩ R. A. Jaffray, đại diện Hội Truyền Giáo vùng nam Trung Hoa và Ðông Dương được quan Tổng Ðốc Toàn Quyền hứa cho truyền giáo ở Ðà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng và ở miền Nam. Với số giáo sĩ khoảng 12 người, Hội Truyền Giáo đã mở các chi nhánh ở Hà Nội (1916) và Hải Phòng (1918) ở miền Bắc; Sài Gòn (1918), Sa Ðéc (1922), Châu Ðốc (1922), Cần Thơ (1922), Vỉnh Long (1926) và Biên Hòa (1926) ở miền Nam; Phnom Penh (1923) và Battambang (1923) ở Cam-bô-chia.

Sau 16 năm hoạt động, kết quả đầu tiên gặt hái được vào tháng 3 năm 1927: 74 Hội thánh với 4.236 tín đồ rải rác từ miền Bắc, Trung, Nam Việt Nam và Cam-bô-chia đã kết hợp với nhau thành Hội Tin Lành Ðông Pháp (Evangelical Church of French Indochina). Vào năm 1936, khi nội quy của Hội thánh được tu chính lần đầu tiên, danh hiệu được thay đổi là Hội Tin Lành Việt Nam Ðông Pháp. Sau đệ nhị thế chiến, danh từ Ðông Pháp được bỏ đi. Vào năm 1950, theo quyết nghị của Hội Ðồng Tổng Liên, danh xưng được đổi lại là Hội Thánh Tin Lành Việt Nam. Cũng nên chú ý rằng ngay từ đầu, các tín hữu Việt Nam với tinh thần tự lập rất cao, thay vì dùng tên chung là Hội Phúc Âm Liên Hiệp như các quốc gia khác, đã dùng danh xưng là Hội Thánh Tin Lành (Evangelical Church).






Ban Chấp hành Truyền giáo Việt Mỹ năm 1927

Bắt đầu từ năm 1924, mỗi năm đều có Hội đồng tại Tourane để khuyến khích, giúp đỡ sự tăng trưởng thuộc linh của các tín đồ và tôi tớ Chúa người Việt Nam. Năm 1927, Hội đồng cũng nhóm họp ở Tourane từ ngày 5 đến ngày 13 tháng 3 với lớp mãn khoá đầu tiên của Trường Kinh Thánh Tourane (Ðà Nẵng). Hội đồng này đã quyết

Hội đồng lần thứ 4 nhóm tại Tourane năm 1927

định kết hợp các Hội thánh ở miền Bắc, Trung, Nam và Cam-bô-chia như trên. Có 50 đại biểu, trong đó có 4 chấp sự, đại diện cho 7 Hội thánh tự trị tự lập và 60 Hội thánh chi nhánh. Các đại biểu bàn luận việc soạn thảo nội qui, nâng cao cương vị của Giáo hội, tìm cách để chính quyền thừa nhận. Cùng với 70 người tham dự cả nam lẫn nữ, các đại biểu đã dâng một số tiền tổng cộng là 148 đồng 80 xu cho các chi phí của Hội đồng. Hội đồng cũng quyết định kêu gọi các Hội thánh địa phương dâng hiến 5.000 đồng để xây cất cư xá cho các sinh viên và các cơ sở khác của Trường Kinh Thánh Tourane. Ban chấp hành lâm thời, nhiệm kỳ một năm, gồm Mục sư Hoàng Trọng Thừa, Hội trưởng; Mục sư Trần Dỉnh, Phó Hội trưởng, Mục sư Dương Nhữ Tiếp, Thơ ký; Ông Trần Thành Long, Thủ quỷ; và Mục sư Lê Văn Long, hội viên. Hội đồng cũng đề cử một ban để hoạt động chung với Ban truyền giáo của Giáo hội C&MA, ban truyền giáo này gồm có các Giáo sĩ J. D. Olsen, E. F. Irwin, W. C. Cadman, D. I. Jeffrey và I. R. Stebbins (thân phụ của Giáo sĩ Thomas Stebbins, Tôn Thất Bình).

Năm 1928, Hội đồng tái nhóm, chấp thuận một nội qui đầu tiên của Giáo hội với 37 chương và 156 phần. Trong đó Hội dồng chấp thuận nguyên tắc bốn giáo lý (doctrines) biểu hiệu bởi bốn dấu hiệu: Thập tự giá, Chim bồ câu, Bình nước và Mão triều thiên vẫn còn dùng cho đến ngày nay.

 

III. Sự bắt bớ đạo Tin Lành.



Ðiều quan ngại nhất của Ban Chấp Hành là việc giao tiếp của Hội Tin Lành Ðông Pháp thời ấy với Triều Ðình Việt Nam và chính quyền người Pháp. Nhiều cản trở trong hoạt động của các giáo sĩ Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp (C&MA) và sự cấm chỉ giảng đạo trong thập niên 1920 của Triều Ðình Việt Nam đã được vua Bảo Ðại tiếp tục theo đuổi. Vào ngày 26 tháng giêng năm 1928, Hội Ðồng Cơ Mật của nhà vua đã ra chỉ dụ cho các quan địa phương như sau:

"Theo phần thứ 13 của hòa ước năm 1884, chỉ có Giáo Hội Công Giáo mới có quyền giảng đạo ở Việt Nam mà thôi. Các giám mục, linh mục, giáo chức thuộc Giáo Hội Công Giáo La Mã là những người duy nhất được giảng dạy. Chúng tôi được biết gần đây có một tôn giáo mới5[1], cũng như đạo Cao Ðài ở miền Nam. Khi những tôn giáo này bành trướng thêm lên, sẽ có nhiều người lợi dụng, tạo các khó khăn trong đất nước và nhiều người có thể bị lường gạt như trường hợp của Võ Trụ và Trần Cao Vân trong năm qua6[2]. Những người này lợi dụng danh nghĩa tôn giáo nhưng sự thật họ chỉ xúi giục dân chúng nổi dậy. Biết bao dân lành đã chịu khổ vì họ! Vì vậy từ nay tôn giáo mới và đạo Cao Ðài phải bị cấm truyền giảng tại địa phương hay lưu động ở Việt Nam. Nếu ai bất tuân chỉ dụ này, phải trừng phạt người ấy theo như luật định.

Quan Khâm sứ đã đồng ý về vấn đề này. Hội Ðồng Cơ Mật truyền chỉ dụ để quý vị rỏ và thi hành.

Huế, ngày thứ tư, tháng thứ nhất, năm thứ ba của Hoàng đế Bảo Ðại. Ấn tín của Hội Ðồng Cơ Mật."






Ông Bà Giáo sĩ Wm. C. Cadman, hình chụp vào năm 1929 trong Hội đồng các Giáo sĩ Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp

Sau đó hai tháng, vào tháng ba năm 1928, quan toàn quyền miền bắc gởi cho Giáo sĩ Cadman thông tư như sau: "Tôi được biết Hội Truyền Bá Phúc Âm Liên Hiệp bổ nhiệm ông trong chức vụ truyền giáo ở nhiều thị trấn miền Bắc và nhất là ở Nam Ðịnh. Trái với tinh thần hòa ước năm 1874 và năm 1884 giữa chánh phủ Pháp và Hoàng Ðế nước Việt Nam, tôi có nhiệm vụ khuyên ông nên sớm chấm dứt sự giảng đạo của ông."

Tuy nhiên những mục sư ở các thành phố miền Bắc không gặp trở ngại vì Hội Ðồng Cơ Mật đã nhượng quyền ở miền Bắc trong nhiều năm và hoạt động truyền giáo Tin Lành ở đây lúc này không được mạnh mẽ lắm. Kế hoạch bắt giữ Mục sư Lê Văn Thái ở Hà Nội khi ông đến làng Gia Thượng, tỉnh Bắc Ninh đã thất bại vì ông Lý trưởng được chỉ thị này là một người mới tin Chúa cho nên ông chỉ cho lính ngăn chận buổi nhóm và trục xuất Mục sư Thái khỏi làng. Dầu vậy Mục sư vẫn trở lại những tuần sau để truyền giảng. Việc chánh quyền địa phương miễn cưỡng ra lệnh cấm dân chúng tham dự chỉ làm cho nhiều người tò mò đến càng đông hơn. Vào một ngày Chúa nhật nọ, khi các tín đồ đang nhóm thờ phượng thì một viên chức người Pháp dẫn quân lính và các dân làng võ trang bao vây giáo đường. Sau khi giảng dạy xong, Mục sư Thái và Giáo sĩ Cadman ra chào vị sĩ quan người Pháp, có lẽ ông này đổi ý nên nói rằng ông muốn chắc chắn rằng chỉ có tín đồ tham dự buổi thờ phượng mà thôi và ông ra lệnh cho các dân làng không phải là tín đồ kể cả các người võ trang giải tán.



tải về 3.6 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương