LƯỢc sử giáo hội côNG giáO



tải về 0.53 Mb.
trang1/7
Chuyển đổi dữ liệu26.07.2016
Kích0.53 Mb.
#6260
  1   2   3   4   5   6   7


Lm. Micae Trần Đình Quảng
ĐCV Th. Phanxicô Xaviê 1998



LƯỢC SỬ

GIÁO HỘI CÔNG GIÁO




Mục lục


PHẦN I : TỪ KHỞI THỦY ĐẾN THẾ KỈ XV

Chương I. GIÁO HỘI THỜI KHAI SINH

I. Đế quốc Rôma

II. Giáo Hội thời Tông Đồ

Chương II. GIÁO HỘI BỊ BÁCH HẠI

I. Những đánh giá khác nhau về Kitô giáo và kitô các hữu

II. Những cuộc bách hại

Chương III. TỔ CHỨC VÀ ĐỜI SỐNG NỘI BỘ CỦA GIÁO HỘI TRONG 3 THẾ KỈ ĐẦU

I. Đời sống phụng vụ và cầu nguyện

II. Các thừa tác vụ

III. Chia rẽ và liên kết

Chương IV. GIÁO HỘI TRONG ĐẾ QUỐC KITÔ GIÁO

I. Tự do tôn giáo đến quốc giáo

II. Sự tiến triển của phụng vụ và truyền giáo

III. Những bước đầu của chế độ đan tu

Chương V. SỰ HÌNH THÀNH KINH TIN KÍNH

CÁC CÔNG ĐỒNG CHUNG ĐẦU TIÊN TRONG ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI

I. Tranh luận về thần tính của Đức Giêsu Kitô

II. Tranh luận Kitô học

Chương VI. CÁC GIÁO PHỤ - NHỮNG VĂN SĨ KITÔ GIÁO CỦA NHỮNG THẾ KỶ ĐẦU

I. Giáo Phụ là những ai

II. Thời hoàng kim của các Giáo Phụ

Chương VII. GIÁO HỘI THỜI THƯỢNG TRUNG CỔ

I. Các cuộc xâm lăng và địa lí tôn giáo mới

II. Tái thiết thế giới Kitô giáo lần I

III. Tình hình đen tối của Giáo Hội

Chương VIII. KITÔ GIỚI - NHỮNG NỀN TẢNG CỦA MỘT XÃ HỘI

I. Các nền tảng của Kitô giới thời Trung cổ

II. Các công trình của đức tin

III. Văn hóa và nghệ thuật

Chương IX. KITÔ GIỚI : BÀNH TRƯỚNG, BỊ PHẢN KHÁNG VÀ TỰ VỆ

I. Kitô giới bành trướng : Thập Tự Chinh và truyền giáo

II. Kitô giới bị phàn kháng

III. Kitô giới tự vệ : trấn áp lạc giáo

Chương X. GIÁO HỘI THỜI THƯỢNG CỔ

I. Tinh thần "đời" phát sinh

II. Khủng hoảng trong Giáo Hội

III. Khủng hoảng trong đời sống

IV. Tình hình Giáo Hội Đông Phương

PHẦN II : TỪ PHỤC HƯNG TỚI NAY

Chương XI. PHỤC HƯNG VÀ CẢI CÁCH

I. Âu Châu thời Phục Hưng

II. Các nhà cải cách

III. Châu Âu của các hệ phái Cải Cách

Chương XII. CUỘC CANH TÂN CÔNG GIÁO

I. Canh tân Công giáo ở thế kỉ XVI

II. Sự triển nở tôn giáo ở thế kỉ XVII

III. Những tranh chấp và khủng hoảng nội bộ

Chương XIII. CÔNG CUỘC TRUYỀN GIÁO

I. Những vấn đề liên hệ đến việc truyền giáo

II. Công cuộc truyền giáo ở các nơi trên thế giới

III. Ảnh hưởng của việc truyền giáo đối với Châu Âu

Chương XIV. GIÁO HỘI TRONG ÁNH SÁNG

VÀ THỜI KÌ CÁCH MẠNG PHÁP

I. Những biến đổi trong giáo hội Công giáo

II. Những biến đổi trong các Giáo Hội Cải Cách và Chính Thống

III. Giáo Hội thời cách mạng Pháp

Chương XV. GIÁO HỘI VÀ CHỦ THUYẾT TỰ DO

I. Giáo Hội thời trùng hưng

II. Giáo Hội trước chủ thuyết tự do chính trị

III. Công Đồng Vatican I

Chương XVI. GIÁO HỘI GIỮA THẾ GIỚI TÂN TIẾN

I. Giáo Hội tại các nước Âu Châu cho tới thế chiến I

II. Từ thế chiến I tới những năm 30

Chương XVII. CÔNG CUỘC TRUYỀN GIÁO TỪ ĐẦU THẾ KỈ XIX ĐẾN NĂM 1940

I. Tổng quát về công cuộc truyền giáo ở thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX

II. Giáo Hội tại các xứ truyền giáo

III. Công cuộc truyền giáo từ sau thế chiến I

Chương XVIII. GIÁO HỘI TRƯỚC VẤN ĐỀ XÃ HỘI TRÍ THỨC VÀ ĐẠI KẾT

I. Giáo Hội trong xã hội kinh tế mới

II. Giáo Hội và vấn đề tri thức khoa học mới

III. Giáo Hội và vấn đề đại kết

Chương XIX. GIÁO HỘI TỪ THẾ CHIẾN II ĐẾN CÔNG ĐỒNG VATICAN II

I. Người kitô hữu trong thế chiến II

II. Giáo Hội sau thế chiến thứ II

Chương XX . GIÁO HỘI THỜI CÔNG ĐỒNG VATICAN II

I. Công Đồng Vatican II

II. Tình hình Giáo Hội sau Công Đồng




PHẦN I



TỪ KHỞI THỦY ĐẾN THẾ KỈ XV
Chương I

GIÁO HỘI THỜI KHAI SINH
I. ĐẾ QUỐC RÔMA
Giáo Hội khai sinh trong lòng đế quốc Rôma, đã bám rễ sâu trong văn hóa của đế quốc này, nơi đã trở thành cánh đồng truyền giáo đầu tiên, từ khi thánh Phaolô nghe tiếng kêu của người Macêđônia (Cv 16,9). Những người rao giảng Tin Mừng không những đã sử dụng địa dư, vật chất do đế quốc cung cấp mà còn sử dụng các phương tiện diễn tả, những hình thức suy tư của đến quốc nữa. Điều này đã để lại dấu ấn cho tới nay. Một môi trường có liên hệ mật thiết với thời khai sinh của Giáo Hội như vậy cần được chúng ta phác họa một vài nét.
1. Tổ chức chính trị hành chính
Thành Rôma được thành lập năm 753 trước công nguyên, đã hoàn tất việc chinh phục Địa Trung Hải vào thế kỉ I trước công nguyên. Đế quốc ra đời năm 27 (tcn) và bắt đầu “thời hòa bình”. Tất cả vùng Địa Trung Hải đều ở trong cùng một thể chế chính trị, hành chính. Đế quốc chia làm nhiều tỉnh. Ở vùng ngoại vi, một vài ông vua còn tại chức, nhưng có ít quyền. Nếu tỏ ra ý muốn độc lập, họ sẽ bị thay bằng những công chức của đế quốc. Triều đại dòng Antoninô vào thế kỉ II (từ Trajanô đến Marcô Aurêliô) đã đưa đế quốc tới cao điểm.
Trong đế quốc, sự thống nhất cơ bản của các xứ vùng Địa Trung Hải không chỉ giới hạn ở vùng đất thị thành, nhưng bao gồm cả vùng nông thôn ngoại thành có liên hệ chặt chẽ với thành phố (Kitô Giáo xưa kia là một tôn giáo đô thị : Côrintô, Thessalônica). Hành khách và hàng hóa có thể lưu thông từ đầu đến cuối đế quốc bằng đường bộ cũng như đường thủy. Các con đường này cũng là những con đường của các học thuyết và Phúc Âm (về đường biển, xem Cv 27,28). Phúc Âm đã được loan báo trước hết ở các hải cảng, dọc các trục lộ giao thông chính.
2. Văn hóa
Đế quốc qui tụ nhiều sắc dân, nhưng các sắc dân đó vẫn luôn bảo tồn các tập tục, ngôn ngữ và văn hóa của mình. Tuy nhiên, có hai ngôn ngữ được bắt buộc sử dụng trên toàn đế quốc : Hi Ngữ và La Ngữ.
Từ sau cuộc chinh phục của Alexandre Đại Đế (356- 323), Hi Ngữ đã trở thành ngôn ngữ chung của toàn Đông Phương. Đây không chỉ là ngôn ngữ của văn hóa và triết học, nhưng còn là ngôn ngữ quốc tế của các thương gia. Nó được biết đến một cách rộng rãi ở Rôma và trong các thành phố lớn của Tây Phương (Tân Ước, các tác phẩm Kitô Giáo viết bằng Hi Ngữ).
La Ngữ là ngôn ngữ của Rôma, sau đó là của Tây Phương, không phổ biến bằng Hi Ngữ, nhưng là ngôn ngữ hành chính và pháp luật trong toàn đế quốc. Trong Giáo Hội, nó được sử dụng trước hết ở Phi Châu từ cuối thế kỉ II, rồi đến Rôma, sau đó trong toàn Tây Phương Kitô Giáo. Khi các kitô hữu sử dụng những ngôn ngữ này thì lối tư duy cũng đã đi vào Giáo Hội. Triết học Hi Lạp đã dùng để xây dựng thần học đầu tiên. Qua La Ngữ, luật Rôma đã cung cấp khung pháp lí cho các cộng đồng thành phố. Khi các khu vực riêng của Hi Ngữ và La ngữ được phân định cứng ngắc vào thế kỉ IV, thì hai khu vực văn hóa của Giáo Hội tiến triển cách khác nhau, cho đến khi Giáo Hội Đông và Tây chia rẽ nhau.
3. Tôn giáo
Trong đế quốc, có những hệ thống tôn giáo rất khác nhau. Những tôn giáo này có thể đối lập với sứ điệp Phúc Âm, nhưng cũng có thể là những “viên đá chờ đợi” mạc khải Kitô Giáo.
Trước hết, có các tôn giáo cổ truyền, chia ra tôn giáo nông thôn và tôn giáo thành thị. Trong tôn giáo nông thôn, người ta thực hành việc phượng tự tự nhiên tôn thờ các sức mạnh huyền bí của thiên nhiên, nhằm bảo đảm sự phong nhiêu của mùa màng và súc vật. Khi nhiều người dân trở lại Đạo vào thế kỉ IV, họ đã đưa nhiều yếu tố của tôn giáo cổ truyền này vào Đạo, cung cấp truyền thống dân gian cho Kitô Giáo. Còn ở các thành thị, mỗi thành của Hi Lạp và Rôma đều có vị thần riêng. Tuy nhiên,, tôn giáo này nhanh chóng chỉ còn là hình thức, không làm thỏa mãn những người có nhu cầu tôn giáo chân chính. Dầu vậy, nhiều người vẫn trung thành với nó, vì đây là tập tục kế thừa của tổ tiên, và theo các hoàng đế, nó là chất keo dính kết xã hội.
Thêm vào những tôn giáo thờ thần, còn có việc tôn thờ Hoàng đế. Đây là một tôn giáo phục vụ chính trị. Ngoài ra, có những trào lưu thiêng thánh hỗn hợp xuất hiện vào đầu kỉ nguyên Kitô Giáo, và tôn giáo của một số trí thức, triết gia (đặc biệt chủ thuyết Khắc Kỉ).
Cuối cùng, không thể không nói đến những tôn giáo thần bí từ Đông Phương du nhập vào Tây Phương. Các tôn giáo này giải đáp được những thao thức hiện sinh của con người đang lo âu và bất hạnh với những nghi lễ khác với tính hình thức của các tế tự cổ. Phổ biến nhất trong số các tôn giáo Đông Phương là tôn giáo thờ thần Isis gốc Ai Cập , thần Mithra gốc Ba Tư, thầnCybêt gốc Phrygia.
4. Xã hội
Một sử gia đã đánh giá nền văn minh Hi - La của 3 thế kỉ đầu là một “hợp tác xã hạnh phúc : coopérative du bonheur”. Thực ra, hạnh phúc này chỉ dành cho một thiểu số được ưu đãi là những nhà quí tộc, những thương gia giàu có. Nói cho đúng, đây là một xã hội tàn nhẫn đối với kẻ yếu, cách riêng đối với người nô lệ. Trong một vài thành phố, 2/3 dân cư là người nô lệ, phải làm việc tay chân nặng nhọc, không có quyền hành gì cả. Thậm chí thời (Nêrô) chủ còn có quyền sinh sát nô lệ. Ngay cả những người tự do vẫn không bình đẳng với nhau, vì có sự phân biệt công dân Rôma với những người khác. Và những công dân Rôma lại còn được chia ra 2 loại tùy theo tài sản và địa vị xã hội, với 2 thể chế công lí khác nhau. Ở Rôma, phần lớn dân chúng sống khổ sở và thiếu thốn. Nền văn minh Hi - La cũng là nền văn minh trọng nam khinh nữ. Phụ nữ chỉ được coi là thứ yếu, bị khinh miệt. Khi thuần phong mĩ tục bị băng hoại, người ta đổ lỗi cho đàn bà. Trẻ em cũng bị coi thường. Người cha có thể từ chối đứa con do ông sinh ra. Khi đó nó có thể bị giết hoặc bỏ rơi.
Nói chung, cơ cấu tổ chức của đế quốc đã tạo nhiều thuận lợi cho việc rao giảng Phúc Âm cách nhanh chóng trong toàn vùìng Địa Trung Hải. Ngoài ra, Phúc Âm đáp ứng được khát vọng sâu xa của con người ở những thế kỉ đầu. Nhất là những người nô lệ, người nghèo, phụ nữ và trẻ em đặc biệt nhạy cảm với sứ điệp của Đạo mới. Đó là một mảnh đất thuận lợi để Kitô Giáo được gieo mầm và phát triển.
II. GIÁO HỘI THỜI TÔNG ĐỒ
1. Giáo Hội ra đời
Vào Ngày Lễ Ngũ Tuần, khoảng năm 30, ở Giêrusalem, trước đông đảo các khách hành hương Do Thái tụ họp nhân ngày lễ, thánh Phêrô đã công bố cho đồng bào mình Tin Mừng Đức Giêsu, Đấng đã được Thiên Chúa sai đến, đã bị đóng đinh thập giá, nhưng đã sống lại và được Thiên Chúa đặt làm Chúa. Các thính giả hỏi xem họ phải làm gì và được trả lời : phải hối cải, chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô, để được ơn tha thứ tội lỗi và lãnh nhận Thánh Thần (Cv 2-4). Ba ngàn người đã chịu phép rửa.
Giáo Hội đã ra đời như thế. Những thành viên đầu tiên này của Giáo Hội là người Do Thái tiếp tục cuộc sống của các người Do Thái đạo đức : cầu nguyện ở Đền Thờ, giữ luật, kiêng ăn uống, cắt bì. Họ làm nên như một giáo phái mới của Do Thái Giáo, giữa những giáo phái khác. Nét đặc biệt của họ là : chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu, nghe lời giảng của các Tông Đồ, dự lễ bẻ bánh, và sống thành cộng đồng huynh đệ.
2. Giáo Hội mở rộng
Không bao lâu, những kitô hữu Do Thái có văn hóa Aram hợp lại với người có văn hóa Hi Lạp trong cộng đồng. Những mâu thuẫn xảy ra giữa hai nhóm này. Một toán 7 người (trong đó có Têphanô) được chỉ định phụ trách nhóm Do Thái có văn hóa Hi Lạp. Như thế, cộng đồng tính hữu đã hướng về những người Do Thái sống bên ngoài đất Palestin không trói buộc sứ điệp Phúc Âm với Giêrusalem. Ngoài ra, khi bị bách hại, những người Do Thái Hi Hóa phải bỏ Giêrusalem trốn tới Samari, Antiokia, trở nên những người truyền giáo cho kiều bào Do Thái ở các vùng này (Cv 6-9).
Tuy nhiên, Tin Mừng không chỉ được gửi đến cho người Do Thái, mà là cho mọi người. Qua thị kiến và qua hành vi rửa tội cho gia đình Cornêliô, thánh Phêrô nhận rằng, trên nguyên tắc, không cần phải qua Do Thái Giáo để vào Kitô Giáo, không cần phải là người Do Thái mới có thể vào Đạo. Chính Phaolô, Barnabé, khi rao giảng cho lương dân, cũng không ép họ giữ các phong tục Do Thái. Điều này đi ngược với quan niệm của cộng đồng Giêrusalem, nên xảy ra tranh chấp. Một công đồng được triệu tập ở Giêrusalem để giải quyết vấn đề, và quan điểm của Phaolô đã thắng : Kitô Giáo không bị trói buộc vào Do Thái Giáo. Không ai phải thay đổi văn hóa của mình để đến với Phúc Âm. Giáo Hội thực sự trở nên phổ quát (Cv 10-15).
Không những mở rộng trong quan niệm gia nhập, Giáo Hội còn mở rộng về phương diện địa dư. Trong hành trình truyền giáo lần II qua Tiểu Á, Phaolô đã có một thị kiến về một người Macêđônia xin người tới giúp. Đây là một giai đoạn chủ yếu. Phúc Âm tiến tới Âu Châu bấy giờ là vào năm 50, và một loạt các cộng đồng khai sinh : Philippe, Thessalônica, Côrintô... Trong những cộng đồng này, đặc biệt ở Côrintô, các tín hữu rất phấn khởi, nhiều đặc sủng xuất hiện, nhưng cũng có những chia rẽ nội bộ và lạm dụng. Phúc Âm còn được rao giảng tận thủ đô Rôma nữa (Cv 16-28).
3. Tổng kết thế kỉ I
Trong thế kỉ I, đã có các cộng đồng Kitô Giáo được thành lập từ Giêrusalem tới Rôma. Các cộng đồng ở Tiểu Á thành lập nhờ sự năng động của cộng đồng Antiokia. Các cộng đồng ở Hi Lạp được Phaolô thành lập. Các cộng đồng trong Sách Khải Huyền phát xuất từ ảnh hưởng của Gioan. Còn cộng đồng ở Rôma không rõ do ai thành lập.
Hai biến cố có tính chất quyết định : trước hết là cuộc bách hại của Nêrô mà, theo truyền thống, gây nên cái chết của hai vị Đại Tông Đồ Phêrô và Phaolô cũng như nhiều kitô hữu. Biến cố thứ hai là việc người Rôma phá hủy Giêrusalem năm 70, cả thành phố cũng như Đền Thờ, để dập tắt cuộc nổi dậy của người Do Thái. Việc Đền Thờ bị phá hủy, hoàn tất việc tách người kitô hữu ra khỏi Do Thái Giáo. Qua biến cố này, Thiên Chúa cho thấy luật cũ đã hoàn tất. Biến cố này đồng thời củng cố chiều kích phổ quát của Giáo Hội không còn Đên Thờ, Do Thái giáo đã tự chỉnh đốn lại ở Giamnia (Nam Tel-Aviv), đánh dấu sự đối lập với người kitô hữu. Những kitô hữu nào còn giữ tập tục Do Thái thì từ nay chỉ còn là những nhóm nhỏ, ít nhiều đồng hóa với với các giáo phái.
Trong thập niên cuối cùng thế kỉ, các bản văn ngày nay được gọi là Tân Ước hình thành. Người ta thu tập các thư của Phaolô. Các Sách Phúc Âm mang hình thức cuối cùng của chúng. Nhưng còn phải đợi nhiều thời gian về sau, các cộng đồng mới đồng ý và coi các sách ấy là qui luật đức tin của mình.

Chương II

GIÁO HỘI BỊ BÁCH HẠI

Phúc Âm càng được rao giảng thì số kitô hữu ngày càng gia tăng khắp nơi, khiến nhiều người phải quan tâm lo ngại. Kitô giáo đề ra những đòi hỏi luân lí Phúc Âm chống lại những thói hư đương thời, không chấp nhận việc thần hóa quốc gia...


Ngoài ra, Kitô Giáo còn có phong tục riêng, có những việc cử hành phượng tự cách kín đáo dễ khiến cho người ta nghĩ xấu. Quả thực, dân Rôma có cái nhìn ác ý về người kitô hữu. Cho dù các văn sĩ Kitô Giáo, các nhà hộ giáo cố gắng bênh vực cộng đồng của mình trước dư luận và chính quyền, họ vẫn không ngăn chặn được bách hại nhắm vào các kitô hữu trong gần 3 thế kỉ đầu.
I. NHỮNG ĐÁNH GIÁ KHÁC NHAU VỀ KITÔ GIÁO VÀ CÁC KITÔ HỮU
1. Quan điểm của giới bình dân ngoại đạo
Có 3 lời vu khống chính yếu nhất được lưu truyền chống người kitô hữu :
a. Kitô hữu là người vô thần, vì không tham dự các tế tự thờ thần cổ truyền, không dự vào nghi thức tôn thờ Hoàng Đế và phượng tự của các tôn giáo Đông Phương.
b. Kitô hữu vô luân, tụ tập lại trong các bữa ăn tối chính là để truy hoan, làm những hành vi đồi bại.
c. Kitô hữu ăn thịt người, tức ăn thịt và uống máu trẻ bị giết để tế lễ.
Các vu khống trên được loan truyền rộng rãi ; vì thế người kitô hữu bị chê bai là mê tín, cứng đầu, bị khinh bỉ trong một thời gian dài.
2. Quan điểm của giới trí thức và chính trị gia ngoại đạo
Ngoài tiếng đồn của giới bình dân trên đây do hiểu sai về người kitô hữu, còn có những nhà trí thức điều tra về người kitô hữu, đọc Thánh Kinh và công kích Kitô Giáo mãnh liệt. Nổi tiếng là Celso và Porphyrô. Họ đã kích 3 điểm :
- Kitô hữu là những kẻ dốt nát mà kiêu kì tự phụ. Họ được thu nạp từ các giai cấp thấp trong xã hội, từ giới lao động tay chân bị khinh miệt. Họ giảng Đạo cho phụ nữ, trẻ em, các nô lệ, lợi dụng tính dễ tin của những người này. Kitô Giáo tố giác giá trị của văn minh Rôma, phá đổ gia phong, quyền bính của người cha người chồng.
- Kitô hữu là những công dân xấu, vì không tham dự các cuộc phượng tự của thành phố, không tôn thờ Hoàng Đế, không chấp nhận tập tục của tiền nhân, không làm công chức, không thi hành nghĩa vụ quân sự. Như thế là không quan tâm công việc của Nhà Nước.
- Giáo thuyết Kitô Giáo đối nghịch với lí trí. Nhập thể là phi lí. Giêsu chỉ là một người cùng khốn, không thể có cái chết của một hiền nhân như thế. Các giáo thuyết của Giêsu chỉ là bản sao chép tồi các giáo thuyết của Ai Cập và Hi Lạp cổ điển. Sự phục sinh thân xác chỉ là trò dối trá. Các nghi lễ Kitô Giáo thì vô luân.
3. Quan điểm của các nhà hộ giáo
Trước những lời đả kích này, các kitô hữu đã dùng các tác phẩm trình bày rõ ràng giáo thuyết và tập tục Kitô Giáo để giải thích cho người ngoại hiểu, đồng thời đánh tan sự ngộ nhận. Các tác phẩm này được gọi là tác phẩm hộ giáo. Trong những nhà hộ giáo nổi tiếng nhất, phải kể đến Tertullien, người thành Carthage. Tất cả các ngài đều khẳng định rằng những lời tố cáo chống các kitô hữu, các cuộc xét xử kết án thời bách hại Đạo là bất công. Các ngài mổ xẻ từng lời tố cáo trên :
- Kitô Giáo không có gì là bí mật. Giustinô đã mô tả các nghi lễ cử hành của người kitô hữu. Tertullien mô tả sinh hoạt của một cộng đồng Kitô Giáo. Người kitô hữu không sống chui rúc, nhưng hiện diện khắp nơi, không đi đến các đền thờ ngoại giáo, không tham dự các trò chơi ở hí trường.
- Người kitô hữu không làm những việc đồi bại mà xã hộ Rôma đang làm là giết trẻ em, phá thai, đề cao nhục dục, cho phép đổi vợ.
- Kitô Giáo là một giáo thuyết phù hợp với lí trí, và nếu xét từ nguồn gốc của nó là Cựu Ước, nó có trước triết học Hi Lạp.
- Kitô hữu là những công dân tốt, trung thành với Nhà Nước. Tuy không coi Hoàng Đế như thần linh, nhưng vẫn tuân phục và cầu nguyện cho ông. Họ là những ngưòi đầu tiên nộp thuế.
- Kitô hữu có mặt trong chính quyền và quân đội, nhưng cũng có sự dè dặt trong những hoạt động có thể mâu thuẫn đến Phúc Âm (giết người, thờ thần...).
II. NHỮNG CUỘC BÁCH HẠI
Các nhà hộ giáo đã không thuyết phục được đối phương. Khi người ta tìm những người chịu trách nhiệm về cái tai họa xảy ra lúc đó, thì những lời vu khống đã kích động các cuộc nổi dậy, chống lại người kitô hữu. Để xoa dịu cơn phẫn nộ của dân chúng, nhà cầm quyền tuyên án các kitô hữu, những người bị coi là thủ phạm. Đó là nguồn gốc của các cuộc bách hại.
1. Bách hại và tử đạo
Phải hiểu rõ những từ này, và không nên khái quát hóa tình trạng Giáo Hội một cách dễ dàng.
Trước hết, Giáo Hội không bị bách hại liên miên suốt 3 thế kỉ. Đàng khác, khái niệm bách hại không rõ ràng như ta tưởng, và các cuộc bách hại mang nhiều hình thức khác nhau. Cuộc bách hại của Nêrô chỉ là một biến cố địa phương, trong khi cuộc bách hại của Diocletianô lan rộng khắp đế quốc. Trong 3 thế kỉ, người kitô hữu cũng có những thời gian bình an, và không phải lúc nào cũng cử hành phụng vụ trong các hang toại đạo.
Còn từ “tử đạo” thường làm ta liên tưởng đến một người chết vì Đạo bằng những cực hình. Nhưng cũng nên nhớ từ Hi Lạp này có nghĩa là chứng nhân. Người tử đạo làm chứng niềm tin vào Đức Giêsu là Chúa duy nhất. Người kitô hữu không đi tìm cái chế vì Đạo, nhưng khi bị bắt, họ làm chứng tới cùng, theo Chúa Giêsu cho tới khổ nạn và chết, đồng hóa mình với Chúa Giêsu.
2. Các cuộc bách hại trong hai thế kỉ đầu
Hai thế kỉ đầu chưa có cuộc bách hại toàn bộ, cũng chưa có đạo luật rõ ràng về các kitô hữu, chúng ta chỉ nêu ra mấy cuộc bách hại nổi bật :
- Cuộc bách hại của Nêrô, vị Hoàng Đế đầu tiên bắt Đạo. Nó là hậu quả của vụ hỏa hoạn Rôma năm 64. Nêrô cố tình buộc các kitô hữu phải gánh chịu hình phạt của những kẻ gây nên hỏa hoạn. Truyền thống coi hai thánh Phêrô và Phaolô như là nạn nhân của Nêrô.
- Cuộc bách hại của Tragianô : Hoàng Đế ra chiếu chỉ : “Không nên tầm nã người kitô hữu, nhưng nếu họ bị tố cáo và xác nhận mình là kitô hữu thì phải trừng trị. Tuy vậy, ai chối mình là kitô hữu và minh chứng bằng việc thờ cúng thần linh thì được tha”. Có một vị tử đạo nổi tiếng mà truyền thống cho là vào thời này, đó là thánh Ignace d’Antioche.
- Thời Marcô Aurêlio : bản thân là một triết gia theo phái khắc kỉ, ông khinh chê Kitô Giáo và chịu ảnh hưởng của các nhà trí thức ghét đạo vây quanh ông. Thánh Polycarpe, đồ đệ của thánh Gioan Tông Đồ và là thầy của Irénée, tử đạo thời này. Cuộc bách hại ở Lyon (177) được kitô hữu ở đây tường thuật tỉ mỉ cảm động.
- Trong 2 thế kỉ đầu, khó có thể nói đâu là nền tảng pháp lí. Chính quyền phân biệt những tôn giáo hợp pháp và không hợp pháp. Do Thái Giáo là tôn giáo hợp pháp, còn Kitô Giáo từ Do Thái Giáo tách ra, bị coi là không hợp pháp.

Khi dân chúng nổi lên chống các người kitô hữu, vì an ninh công cộng, chính quyền lại đổ trách nhiệm cho người kitô hữu và kết án họ để làm dịu sự căng thẳng của dân.



tải về 0.53 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương