Lai lịch Chúa Sơn Lâm



tải về 38.2 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu18.08.2016
Kích38.2 Kb.
#22284

Lai lịch Chúa Sơn Lâm












Trịnh Hảo Tâm

Trong mười hai con giáp, cọp là con vật dũng mãnh oai hùng hơn hết, và dữ dằn, hung tợn không loài nào có thể bì? Cọp, hấp dẫn hơn cả, vì là loài mang nhiều bí ẩn nhất!


Bí ẩn bắt nguồn từ nơi rừng sâu cọp sinh sống cho đến cách sát hại con mồi hoặc loài người. Cọp là con vật như thế nào? Có thật sự hung dữ, chuyên rình ăn thịt người như người ta tưởng hay không? Và bản tính, dòng dõi xuất thân từ đâu?

Dòng dõi xuất thân

Miền Nam kêu là cọp, miền Bắc gọi là hổ. Cọp, hay hổ, là loài vật to lớn, thân mình dài với bộ lông màu vàng đậm, điểm những sọc rằn màu đen hay nâu xám từ đầu cho đến tận đuôi. Cọp có tên khoa học là Panthera Tigris thuộc dòng họ mèo (Felidae), bao gồm các loại như sư tử, beo (hay báo) và mèo.

Dòng họ mèo có đến hàng chục giống vật nhưng chỉ có cọp và sư tử là to lớn nhất, và mèo nhà là loài vật bé nhỏ nhất. Cọp khác với sư tử ở màu sắc bộ lông: cọp có sọc rằn nhưng sư tử thì không có. Trái lại, sư tử đực được thêm bờm lông dài trên đầu và cổ phủ xuống vai, trông to lớn, dũng mãnh. Sư tử đi săn mồi có đôi nhưng cọp săn đơn độc một mình. Hai loài vật này giống nhau đến độ, với một bộ xương khô, các nhà vạn vật học phân biệt bằng xương sống mũi, vì xương mũi của cọp nhô cao hơn sư tử.

Cọp là giống vật thuần túy Á Ðông. Á Châu là lục địa duy nhất có cọp sinh sống tự nhiên. Người ta không thể tìm thấy cọp hoang ở các lục địa khác. Rừng già Phi Châu có rất nhiều loại thú dữ thuộc dòng họ mèo, như sư tử và beo, nhưng vẫn không tìm thấy bóng dáng cọp.

Cọp xuất phát từ miền Bắc Trung Hoa vào thời tiền sử cách nay khoảng hai triệu năm và cùng thời với nhiều loại động vật bốn chân khác. Cọp sinh sôi và lan dần xuống vùng Ðông Nam Á, trong đó có Việt Nam chúng ta, cho tới các đảo ngoài khơi như Sumatra, Java, Bali... Càng xuống phía Nam, giống cọp thân mình càng nhỏ đi. Về hướng Bắc cọp phát triển đến tận Mông Cổ và miền Ðông Tây Bá Lợi Á (Siberia). Về phía Tây cọp sinh sống đông đảo nhất ở Ấn Ðộ, lan xa tới tận Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Càng về phía Bắc, giống cọp càng lớn và bộ lông dài hơn để chống chọi với khí hậu lạnh lẽo. Cọp Siberia và cọp Bengal ở Ấn Ðộ là hai giống cọp nổi tiếng to lớn mà chúng ta thường thấy nuôi trong các sở thú. Cọp đực Bengal cân nặng đến 500 pounds (230 kg), thân dài đến 10 feet (3 mét) nếu kể luôn cái đuôi dài 3 feet (gần 1 mét).

Vì dân số gia tăng, các khu rừng nguyên sinh chưa bị loài người khai phá ngày càng thu hẹp, cọp ngày nay trên đà nguy cơ tuyệt chủng. Do đó cọp được Liên Hiệp Quốc xếp vào loại hiếm quý cần phải được bảo vệ. Ngày nay, một vài vùng còn cọp sinh sống đông đảo là Ấn Ðộ, Nepal và Mã Lai với tổng số cọp hoang ước lượng từ 4,500 đến 6,000 con.

Vào thập niên 1930, số cọp sinh sống đến khoảng 100,000 con. Rừng Việt Nam mặc dù bị chiến tranh, bom đạn tàn phá và nạn khai thác đốn rừng, đào quặng mỏ bừa bãi, vẫn còn một số cọp sinh sống trong vùng Trường Sơn và những dãy núi miền Bắc tiếp giáp với Trung Quốc. Qua tin tức trên truyền thông báo chí, thỉnh thoảng cọp và voi mò xuống làng kiếm thức ăn, phá sập nhà cửa, tấn công giết hại dân chúng.

Vóc dáng và lối sinh hoạt

Về vóc dáng, cọp có đầu hơi nhỏ so với thân mình khá dài và bốn chân thấp, rắn chắc. Cuối cùng là đuôi dài khoảng 1/3 thân mình. Cọp có bộ lông tuyệt đẹp, dầy và mịn màng, óng ánh như nhung có màu vàng sậm hay cam, điểm trên đó những lằn sọc rằn đen hay nâu xám. Một số mèo nhà cũng có sọc rằn màu tương tự với cọp. Phía dưới bụng cọp có màu vàng nhạt hay trắng. Cọp cũng có loại lông trắng với sọc rằn đen như bầy cọp của sòng bài “The Mirage” ở Las Vegas, nhưng loại này rất hiếm. Ða số bạch hổ ngày nay đều do người nuôi và gây giống.

Tục ngữ có câu “Hùm chết để da, người chết để tiếng” nhằm nói lên vẻ đẹp mỹ miều của bộ da cọp. Cọp có hai tai thẳng đứng và nhọn, lúc nào cũng hướng về phía trước. Ðôi tai không thể xoay chiều như loài chó, nên mỗi khi cần phải nghe ngóng tình hình, cọp phải xoay luôn cả cái đầu. Ðộng tác này giúp cho cọp vừa nghe vừa nhìn cùng một lúc.

Lỗ tai cọp rất thính, có thể nghe được những âm thanh yếu mà loài người nghe không được. Giống như loài người, phần trong lỗ tai cọp có một rãnh hình bán nguyệt chứa thủy dịch, cơ quan này giúp cho cọp giữ thăng bằng. Cũng như mèo khi bị rơi từ trên cao xuống, cọp luôn đứng vững vàng bằng bốn chân khi chạm đất. Lâu nay, người ta tưởng rằng nhờ đuôi mà cọp giữ được thăng bằng. Thật ra, thăng bằng là nhờ lỗ tai.

Mắt cọp nhỏ nhưng sáng và hướng thẳng về phía trước như mắt loài người, trong khi những động vật bốn chân khác như voi, ngựa, dê, trâu bò hai mắt cách xa nhau và ở về một bên của đầu nên mỗi mắt chỉ nhìn thấy một hướng mà thôi. Khi có nhiều ánh sáng, con ngươi trong mắt cọp sẽ thu hẹp lại thành một đường thẳng đứng, nhưng trong bóng tối, con ngươi mắt cọp sẽ nở tròn ra để thu nhận thêm ánh sáng. Vì vậy, trong đêm tối, mắt cọp nhìn thấy rõ mọi vật, nhất là những vật đang di động. Cọp, nhờ vậy, bắt mồi ban đêm rất chính xác, và cũng nhờ vậy, được gọi là “ông ba mươi.” Tuy nhiên, với bóng đêm hoàn toàn dầy đặc không chút trăng sao, cọp cũng chẳng nhìn thấy được gì! Mắt cọp hơn mắt loài người trong bóng tối nhưng ngoài ánh sáng nó vẫn không trông rõ bằng mắt loài người và chỉ nhìn thấy mọi vật với hai màu đen trắng. Mắt cọp được xem là sáng hơn các động vật khác, chỉ thua chim cú và loài khỉ vượn mà thôi. Trong đêm, nếu ta soi đèn đụng nhằm mắt cọp thì hai con ngươi nó sẽ phản chiếu như hai ngọn đèn.

Chóp mũi của cọp là một miếng da thường thì đen nhưng có khi đỏ hoặc hồng, lúc nào cũng ươn ướt. Cọp rất thính hơi, có thể ngửi được mùi của người hay những con vật khác ở xa hàng chục thước. Hai bên mép thuộc môi trên, mỗi bên có bốn hàng râu trắng ánh, dài và thẳng. Những sợi râu này có chức năng xúc giác: khi cọ vào một con vật, cọp biết được vật đó cứng hay mềm, nóng hay lạnh.

Miệng cọp khá rộng, có thể há to đến 10 inches để ngoạm lấy con mồi. Bộ răng của cọp là vũ khí lợi hại dùng để giết mồi hơn là nhai thức ăn. Cọp có 30 răng trong đó bốn răng nanh vừa mạnh, vừa dài (2 inches), vừa cong, vừa nhọn như lưỡi dao găm để đâm vào cổ và giết chết con mồi trong khoảng khắc. Những răng cửa lại nhỏ không có nhiệm vụ cắt thức ăn mà dùng để bắt chấy rận, cùng với lưỡi làm sạch lông cọp. Trái lại các răng hàm bên trong dùng để cắt thức ăn thay vì nghiền như những thú vật khác.

Cọp chỉ “ăn tươi nuốt sống” mà không cần nghiền giã thức ăn cho bã ra, vì “không có thì giờ.” Dịch tụy trong bao tử cọp sẽ đảm nhiệm công việc làm bã thức ăn. Lưỡi cọp sần sùi như tờ giấy nhám có hàng ngàn gai nhỏ mọc bên trên. Cọp dùng lưỡi để làm vệ sinh, liếm sạch lông nên những gai này có công dụng như những chiếc răng lược. Lưỡi còn được dùng để tách thịt con mồi ra khỏi xương. Quai hàm của cọp ngắn nhưng rất mạnh, có thể nghiến nát xương xẩu con mồi. Hàm trên cố định như con người còn hàm dưới chỉ cử động thẳng đứng lên xuống chứ không đưa ngang qua lại để nhai nghiền thức ăn như những loài thú khác.

Cọp có thể diễn tả tâm trạng vui buồn, bức xúc của mình qua tiếng rống vang dội cả khu rừng hay chỉ gầm gừ trong cổ họng như thở than, nghẹn ngào không nói được nên lời. Người ta không biết được chính xác ý nghĩa những tiếng kêu rống của cọp, biểu dương quyền lực hay tiếng gọi ái tình? Sư tử rống nhiều hơn cọp.

Chân cọp ngắn và mạnh. Khi bước đi, thân mình cọp uyển chuyển nhịp nhàng với những bắp thịt rắn chắc uốn lượn như những đợt sóng. Tướng đi của cọp rất đẹp, bước dài chững chạc, vừa oai phong, lẫm liệt như tướng quân ra trận mạc, vừa ngạo mạn, khinh đời qua cặp mắt sắc lạnh. Trái ngược với cọp là hình ảnh loại chó sói, bước chân nhanh và ngắn, tướng đi lang thang, lếch thếch, cặp mắt láo liên, gian xảo như kẻ tiểu nhân. Trong những loạt phim “Thế Giới Loài Vật” (Animal Kingdom), ta thấy chó sói chờ chực ăn đồ thừa của sư tử bỏ lại, đôi khi tấn công sư tử con khiến sư tử cha nổi giận và khi bắt được chó sói, sư tử giết chết mà chê thịt tanh hôi không ăn. Hai chân trước của cọp mỗi bàn chân có năm ngón trong khi chân sau mỗi bàn chân bốn ngón. Ðầu ngón chân là móng nhọn, cong và cứng bằng chất sừng. Ðiều đặc biệt ít loại thú nào có là móng cọp có thể đưa ra và rút vào trong ngón chân theo ý muốn của cọp. Khi cần leo trèo hay chụp mồi, móng vuốt sẽ được đưa ra, còn không thì móng thụt vào trong vỏ bọc bằng da được phủ lông bên ngoài. Vỏ bọc này che chở cho móng nhọn khỏi sứt gãy hay mòn tà. Lớp sừng bên ngoài móng lâu lâu được thay bằng một lớp mới nên móng lúc nào cũng bóng láng, bén nhọn. Móng cọp được dân Á Ðông đeo vào cổ như một thứ bùa hộ mạng.

Vì thân mình nặng nề, ít khi cọp leo trèo nhưng lại có thể leo để săn đuổi con mồi hay mưu sinh thoát hiểm, tránh lũ lụt khi nước từ trên núi đổ xuống. Cọp leo trèo không thiện nghệ bằng họ hàng nhà beo. Khác với những loại khác trong họ nhà mèo, cọp lội rất giỏi, có thể lội xuống sông để bắt cá những khi không có gì để ăn. Những ngày Hè oi bức, cọp thích tắm “Spa,” ngâm mình dưới suối để hưởng thú “Lên non tắm mát ngọn sông Ðào.”

Cọp có thể sống ở nhiều vùng khí hậu khác nhau, từ rừng đầm lầy ngập nước với lau sậy ở Ðông Nam Á cho đến những dãy núi trên cao độ 3,000 mét (10,000 feet) đầy tuyết phủ ở Siberia. Cọp sống đơn độc một mình trong lãnh thổ riêng mà chúng đánh dấu bằng mùi nước tiểu và không muốn một con cọp nào khác xâm phạm vào. Câu tục ngữ “Rừng nào cọp nấy” nói lên bản tính độc quyền sở hữu về lãnh thổ mà không muốn “hòa giải, hòa hợp” sống chung hòa bình với bất cứ ai. Giang sơn của cọp tùy theo giống loại, có thể rộng từ 75 đến 1,200 dặm vuông (square miles), tương đương từ 200 đến 3,000 cây số vuông. Chỗ ở của cọp có thể dưới một thân cây ngã, một hốc đá hay hang sâu. Trong giang sơn rộng lớn đó, lãnh chúa có nhiều chỗ ở khác nhau.

Cách thức săn mồi

Cọp là loài ăn thịt sống. Chúng thích những con mồi to lớn “tầm cỡ” như heo, trâu, bò rừng hoặc nai, mển. Cọp vùng Mãn Châu và Siberia còn thịt luôn các loài gấu đen hay nâu rất to lớn, dữ dằn. Những lúc rừng hoang cạn kiệt, không có gì để ăn, cọp cũng không chê các thứ tép riu như chim, cá, ếch nhái. Cọp ăn rất nhiều thịt. Ðể giữ sức khỏe tốt, một con cọp cần từ bảy đến chín kí lô thịt một ngày. Một con nai to chỉ đủ cho cọp ăn trong một tuần. “Ăn như hổ đói,” “Nam thực như hổ, nữ thực như miêu,” là những câu nói lên bản tính ăn nhiều của cọp. “Cọp ăn bù mắc” ám chỉ việc cung cấp không đủ số, chẳng thấm tháp vào đâu như đi xe Cadillac mà chỉ đổ có... một đồng xăng!

Cọp thường mon men tìm mồi bên bờ suối vào những đêm không trăng, nằm yên mai phục trong bụi cây, chờ heo rừng, nai mển tìm đến suối uống nước. Khi thấy con mồi lò dò xuất hiện, bước âm thầm, rón rén, cọp tiến về phía con mồi. Móng vuốt còn nằm yên trong bọc nhung nên bước chân của cọp nhẹ nhàng, êm ái. Cọp tiến lên ở phía sau lưng để con mồi không nhìn thấy và hướng ngược chiều gió để con mồi không đánh được mùi lạ. Cọp có khả năng nhảy rất xa, đến 30 feet (10 mét) nhưng thường cố tiến càng gần càng tốt. Tới vị trí gần nhất có thể được, cọp nằm mọp sát xuống đất, đầu vẫn ngẩng cao và cặp mắt chăm chú theo dõi từng cử động của con mồi. Chờ cho con mồi cúi xuống mải mê uống nước, cọp phóng mình tới, bằng tất cả sức nặng, cọp chụp lên lưng con mồi. Miệng cọp há rộng, bằng những răng nanh dài ngoặm chặt lấy cổ trong lúc chân cọp bấu những móng nhọn vào da thịt con mồi. Mặc cho con mồi vùng vẫy, cọp cắn chặt và kềm giữ lấy cổ, chờ cho tới khi con mồi mất máu kiệt sức rồi ngã quỵ xuống. Chờ cho con vật xấu số nằm bất động, cọp mới bắt đầu ăn. Cọp thường chừa lại cái đầu và bốn chân làm quà cho lũ diều quạ, kên kên.

Có những con mồi cọp vồ hụt hay vùng vẫy chạy thoát được thì cọp rượt theo bén gót để cố chụp một lần nữa. Cọp chạy rất nhanh, có thể đạt tới vận tốc 40 mile/giờ nhưng lại không dai sức, rượt khoảng 100 đến 200 mét, cọp thấm mệt, bỏ cuộc. Ước lượng trong 10 lần đi săn mồi, hết chín lần cọp thất bại, ra về tay không với cái bụng đói meo. Lần duy nhất vồ được thịt thường là những chú nai tơ ngơ ngác. Khi đói, cọp cũng không chê xác chết thú vật hoặc tranh ăn với những bầy sói dơ dáy.

Với sức mạnh phi thường cùng nanh vuốt lợi hại, cọp không khuất phục trước bất kỳ một giống vật nào, nên được tôn làm chúa sơn lâm, vua rừng thẳm. Nhưng, đối với voi thì cọp nể mặt, tránh không muốn chạm trán. Xem phim “Thế Giới Loài Vật” của hội National Geographic Society, ta thấy trên đường di chuyển, voi gặp cọp, voi vẫn cứ “vô tư” lầm lũi tiến tới, coi như không có gì. Cọp phải tránh ra nhường lối cho voi đi. “Tránh voi chẳng xấu mặt cọp,” câu tục ngữ để an ủi anh hùng hào kiệt... thức thời đôi khi cũng phải lùi bước, hạ hết cờ xí, rút lui không kèn không trống trước những đối thủ... nặng cân hơn!

Cuộc đời tình ái

Cọp thường sống cô đơn, trừ thời gian trăng mật ngắn ngủi và lúc ấu thơ sống dưới sự bảo bọc của cọp mẹ. Cọp có thể kết hợp trăng hoa bất cứ lúc nào nhưng thời gian động đực thường là mùa Ðông. Chúng tìm nhau bằng mùi hương tình là chất Estrogen trong nước tiểu. Cọp đực có thể đánh nhau để giành cọp cái nhưng trận chiến này thường không gây ra án mạng vì cọp đực yếu thế sẽ rút lui sau khi gầm lên vài tiếng... vớt vát danh dự trước người đẹp. Cọp có khả năng sinh con lúc ba, bốn tuổi. Cách hai năm cọp cái đẻ một lứa từ một đến bốn con với thời gian mang thai là ba tháng rưỡi. Trong thời gian sinh nở, cọp mẹ rất dữ dằn, tấn công bất cứ con vật nào lảng vảng gần ổ chúng. Cọp cái nuôi con một mình, dẫn chúng đi săn mồi. Cọp con lên một tuổi có thể biết tìm mồi một mình và ba tuổi thì thoát ly sống đời tự lập, tạo giang sơn riêng cho mình. Ðiểm khá lạ là cọp và sư tử có thể gieo giống với nhau (crossbreed). Cọp nuôi ở sở thú có tuổi thọ từ 20 đến 26 năm, ở rừng sâu người ta không biết chính xác.

Cọp và loài người

Bản tính tự nhiên của cọp là không ăn thịt người. Tình cờ thấy bóng dáng loài người thì cọp lẩn tránh đi nơi khác. Chỉ những cọp già yếu, bệnh hoạn, rụng nanh, sứt móng không còn khả năng săn mồi, mới ăn thịt người. Hoặc những con cọp bị những người đi săn làm bị thương, vì bản năng tự vệ, mới tấn công loài người. Một khi đã ăn thịt người, trở thành thói quen, nó mới tìm người để ăn thịt, đỡ vất vả hơn là đi săn mồi.

Ngày xưa, dân cư thưa thớt, đất đai còn hoang vu, cọp là mối đe dọa cho dân chúng. Thợ rừng đốn củi, lấy gỗ, những phu đồn điền cạo mủ cao su, những nông dân phá rừng làm rẫy thường là nạn nhân bị cọp vồ. Ðề phòng cọp, đồng bào miền núi thường cất nhà sàn cách mặt đất 6, 7 mét. Trời vừa tối thì rút cầu thang lên, sập phên xuống. Ban đêm cọp lần mò xuống làng để bắt gà vịt, nghe tiếng chó sủa rân, dân làng báo động bằng cách khua chiêng gõ trống vang động xua đuổi cọp. Ở Ấn Ðộ, có con cọp từng ăn thịt đến 127 người trước khi người ta bắn hạ được nó.




Hình minh họa



Hình minh họa





tải về 38.2 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương