Lê Xuân Biểu giao thông vận tảI ĐẮk lắK 110 NĂm xây dựng và phát triểN (1904 2014) nhà xuất bảN giao thông vận tảI



tải về 1.26 Mb.
trang5/14
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích1.26 Mb.
#100
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   14

2. Vận tải

2.1. Vận tải đường bộ

- Vận tải hàng hoá

Ngay sau ngày giải phóng, lực lượng vận tải của Ty Giao thông vận tải toàn tỉnh Đắk Lắk chỉ có Đội xe chủ lực của Ban Giao thông vận tải tỉnh từ chiến khu ra và Đoàn xe 3 của Ban Giao thông vận tải khu Trung Trung bộ điều về. Hai đơn vị vận tải hoạt động độc lập tới ngày 20 tháng 12 năm 1975, Ty ra quyết định hợp nhất đội xe chủ lực vào Đoàn xe 3 lấy tên là Đoàn xe vận tải Ty Giao thông vận tải Đắk Lắk .

Tháng 02 năm 1976, Công ty vận tải ô tô được thành lập gồm lực lượng cán bộ, chiến sỹ lái xe và toàn bộ phương tiện, thiết bị sửa chữa của Đoàn xe 3. Sau khi đội xe của Đoàn xe 1 tăng cường về, ngày 19 tháng 3 năm 1976, Ty ban hành Quyết định số 350/VP-TC sáp nhập đội xe 1 vào Công ty Vận tải ô tô. Sau đó, Công ty tiếp tục được bổ sung thêm một số cán bộ, chiến sỹ và phương tiện của Đoàn xe 2, Đoàn xe 6, Đoàn xe Nông nghiệp Khu V và đoàn xe Nam Bộ.

Ngày 13 tháng 9 năm 1977, Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Quyết định số 67/QĐ-UB sáp nhập đội xe khách của Ty Giao thông vận tải vào Công ty Vận tải ô tô trực thuộc Ty.

Từ tháng 3 năm 1976, Chính phủ tiến hành cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh. Ngày 05 tháng 10 năm 1977, Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Quyết định số 134/QĐ-UB thành lập Xí nghiệp Công tư hợp doanh ô tô vận tải hàng hoá Đắk Lắk và bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Văn Thảo làm giám đốc và đồng chí Hoàng Ngọc Thế làm kế toán trưởng, phương tiện ban đầu có 47 ô tô tải. Đến năm 1979, do việc sắp xếp lại lực lượng vận tải chủ lực, Tỉnh giải thể Xí nghiệp Công tư hợp doanh ô tô vận tải hàng hoá nên số ô tô tải của Xí nghiệp được chuyển về Công ty Vận tải ô tô. Ty Giao thông vận tải ra Quyết định số 55/TC-GT ngày 08 tháng 5 năm 1979, sắp xếp lại tổ chức của Công ty Vận tải ô tô, Công ty có 4 đội ô tô vận tải hàng hoá gồm các đội: 1, 2, 3, 4 trực thuộc công ty.

Tổ chức quản lý vận tải của Bộ Giao thông vận tải sau khi thống nhất đất nước được tổ chức theo cự ly vận chuyển đường ngắn và đường dài, theo tính chất hàng trung ương và hàng địa phương. Để phù hợp với cách quản lý ấy, ngày 04 tháng 5 năm 1979, Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Quyết định số 47/QĐ-UB thành lập Xí nghiệp Xếp dỡ và vận chuyển đường ngắn trực thuộc Ty Giao thông vận tải. Xí nghiệp có nhiệm vụ xếp dỡ hàng hoá ở các điểm vận chuyển tập trung trong tỉnh và xếp dỡ hàng hoá tại ga Ninh Hoà, tỉnh Phú Khánh.

Trong giai đoạn này, lực lượng vận tải phát triển rất nhanh, một loạt các hợp tác xã vận tải được thành lập:

Ngày 20 tháng 7 năm 1977, thành lập Hợp tác xã Vận tải Thành Công của huyện Krông Buk nay là thị xã Buôn Hồ. Chủ nhiệm hợp tác xã đầu tiên là đồng chí Lê Xuân Biên do Uỷ ban nhân dân huyện cử sang. Sau đó là các đồng chí Nguyễn Thái Kiệm, Nguyễn Đình Long và Hồ Hai.

Ngày 17 tháng 4 năm 1978, thành lập Hợp tác xã Vận tải Thắng Lợi của huyện Krông Pắk. Chủ nhiệm đầu tiên là đồng chí Trần Tư - trung cấp vận tải do Ty cử xuống làm chủ nhiệm. Sau đó, chủ nhiệm hợp tác xã lần lượt là các đồng chí Trịnh Văn Cánh và Võ Văn Đông.

Ngày 22 tháng 8 năm 1978, thành lập Hợp tác xã Vận tải Thành Công của thị xã Buôn Ma Thuột, nay là Xí nghiệp Vận tải Thành Công thành phố Buôn Ma Thuột. Chủ nhiệm đầu tiên là đồng chí Trần Giảng, sau này là các đồng chí Hồ Nhỏ, Thái Viện, Bùi Văn Tiến và Đỗ Văn Thuận.

Ngày 18 tháng 12 năm 1981, thành lập Hợp tác xã Vận tải cơ giới Krông Bông của huyện Krông Bông. Chủ nhiệm đầu tiên là đồng chí Võ Văn Đông, sau đó là đồng chí Nguyễn Văn Thắng và Phan Ngọc Hoà.

Ngày 31 tháng 12 năm 1985, thành lập Hợp tác xã Vận tải Ea Kar của huyện Ea Kar. Chủ nhiệm hợp tác xã từ khi thành lập tới nay là đồng chí Lữ Minh Thanh.

Ngày 18 tháng 3 năm 1983, Uỷ ban nhân dân Tỉnh ra Quyết định số 18/QĐ-UB đổi tên Công ty Vận tải ô tô Đắk Lắk thành Xí nghiệp Ô tô vận tải hàng hoá Đắk Lắk. Theo đó, các chức danh chủ nhiệm, phó chủ nhiệm Công ty được đổi thành giám đốc và phó giám đốc xí nghiệp.

- Vận tải hành khách

Lực lượng vận tải khách chính của Ty Giao thông vận tải Đắk Lắk trong những ngày mới giải phóng là đội xe khách của Ty. Đội xe chỉ có một số xe Ba Đình được điều từ chiến khu và từ miền Bắc vào và hơn hai mươi xe khách sau cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh nhập vào. Từ ngày 08 tháng 12 năm 1976, đội xe khách được Uỷ ban nhân dân Tỉnh ra Quyết định số 84/QĐ-TC quyết định là đơn vị sản xuất hạch toán độc lập và chỉ định đồng chí Huỳnh Hoa là đội trưởng và đồng chí Nguyễn Xuân Sang làm kế toán trưởng.

Nhằm nâng cao năng lực vận tải hành khách, ngày 05 tháng 10 năm 1977, Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Quyết định thành lập Xí nghiệp Công tư hợp doanh ô tô vận tải hành khách Đắk Lắk dưới sự trực tiếp quản lý của Ty Giao thông vận tải Đắk Lắk và bổ nhiệm đồng chí Bùi Văn Cao làm giám đốc, đồng chí Mai Sơn Bá làm phó giám đốc và đồng chí Nguyễn Văn Tộ làm kế toán trưởng.

Sau khi thành lập Xí nghiệp Công tư hợp doanh ô tô vận tải hành khách, ngày 13 tháng 01 năm 1979, Ty ra Quyết định số 07/KH điều toàn bộ xe khách, lái xe, dụng cụ đồ nghề kèm theo của Công ty Vận tải ô tô chuyển giao cho Xí nghiệp Công tư hợp doanh ô tô vận tải hành khách quản lý. Số xe khách điều chuyển có 35 chiếc xe nhãn hiệu Deseto, Caiob, International, Dodge, Chervolet, Ford và xe Ba Đình đóng trên xe cơ sở Ifa W50, đưa tổng số ô tô khách của xX nghiệp lên 112 chiếc các loại.

Năm 1982, sau khi Uỷ ban nhân dân Tỉnh thanh toán xong cả vốn và lãi cho chủ xe đã đưa xe vào hợp doanh với xí nghiệp, Uỷ ban nhân dân Tỉnh tiếp tục đầu tư thêm hàng chục ô tô khách mới để đủ sức vươn ra phục vụ các tuyến đường dài như Buôn Ma Thuột - Đà Nẵng, Buôn Ma Thuột - Quảng Ngãi v.v... Đặc biệt là Xí nghiệp đã tổ chức hình thức liên vận đường sắt Bắc - Nam. Xe khách đưa khách xuống ga Nha Trang rồi lên tàu đi các tỉnh phía Bắc, giai đoạn này chưa có ô tô khách đi từ Buôn Ma Thuột ra các tỉnh phía Bắc.

Tháng 01 năm 1983, Uỷ ban nhân dân Tỉnh phê duyệt đồng ý cho Công ty Hợp doanh vận tải hành khách Đắk Lắk đổi tên thành Xí nghiệp Xe khách Đắk Lắk. Ngày 17 tháng 4 năm 1990, Uỷ ban nhân dân Tỉnh lại ban hành Quyết định số 340/QĐ-UB đổi tên Xí nghiệp Xe khách Đắk Lắk thành Công ty Xe khách Đắk Lắk, nhiệm vụ chủ yếu của Công ty là tổ chức vận chuyển khách phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Bến xe ô tô khách Buôn Ma Thuột thành lập ngày vào tháng 3 năm 1975. Lãnh đạo bến xe từ khi mới thành lập là Ban Quản trị bến xe, các đồng chí thành viên ban Quản trị vẫn thuộc danh sách công chức, sinh hoạt tại văn phòng của Ty. Ngày 24 tháng 12 năm 1976, Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Quyết định số 91/QĐ-TC giải thể Ban Quản trị bến xe khách Buôn Ma Thuột và thành lập Ban Quản lý bến xe khách thị xã Buôn Ma Thuột. Bến xe khách được hạch toán độc lập.

Năm 1984, thực hiện chủ trương xã hội hoá xây dựng bến xe ô tô khách, bến xe ô tô khách liên tỉnh Buôn Ma Thuột được đầu tư xây dựng bằng nguồn kinh phí đóng góp của hành khách. Bến xe được xây dựng trên vị trí cũ với diện tích hơn 20.000 m2, với tổng kinh phí là 13.692.262 đồng, trong đó có 8.192.262 đồng của hành khách đóng góp còn lại là ngân sách tỉnh bổ sung. Công trình do Ban Kiến thiết của Sở quản lý, khởi công vào tháng 6 năm 1984, hoàn thành vào ngày 30 tháng 8 năm 1985 - kỷ niệm 40 năm ngày truyền thống của ngành Giao thông vận tải.

Song song với đầu tư bến xe khách liên tỉnh là đầu tư xây dựng bến xe ô tô khách nội tỉnh tại các huyện và thị xã Buôn Ma Thuột. Thực hiện chủ trương xã hội hoá xây dựng bến xe ô tô khách, các hợp tác xã vận tải cơ giới đã huy động vốn của hành khách đóng góp và một phần vốn ngân sách Tỉnh để xây dựng một loạt các bến xe ô tô khách nội tỉnh ở thị xã và các huyện góp phần nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng vận tải khách.

Vận tải hành khách trong giai đoạn này cũng như vận tải hàng hoá gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn về phương tiện, phụ tùng vật tư, nhiên liệu và kết cấu hạ tầng bến xe, bãi đậu xe v.v... Hằng năm, Uỷ ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk giao kế hoạch vận tải hành khách cho Ty, Ty lại giao kế hoạch vận chuyển hằng quý, hằng tháng cho lực lượng chủ lực công cộng là các xí nghiệp quốc doanh và vận tải cấp huyện là các hợp tác xã vận tải cơ giới. Sản lượng vận tải hành khách một số năm như sau: Năm 1982 đã vận chuyển được 929.927 người với khối lượng luân chuyển 76.800.000 người.km; Năm 1983 đã vận chuyển được 1.274.000 người với khối lượng luân chuyển 89.800.000 người.km; Năm 1984 đã vận chuyển được 1.342.000 người với khối lượng luân chuyển 93.500.000 người.km; Năm 1985 đã vận chuyển được 1.375.000 người với khối lượng luân chuyển 96.800.000 người.km. Sản lượng vận tải hành khách này chưa bao gồm khối lượng hành khách thông qua dịch vụ vận tải của Công ty Đại lý vận tải để đi bằng tàu hoả đường sắt.



2.2. Dịch vụ vận tải và xuất nhập khẩu

Ngày 01 tháng 12 năm 1982, Uỷ ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk ban hành Quyết định số 703/QĐ-UB quyết định thành lập Công ty Đại lý vận tải tỉnh Đắk Lắk thuộc sự quản lý trực tiếp của Ty Giao thông vận tải. Khi mới thành lập Công ty chỉ được biên chế 5 người, đó là các đồng chí: Đỗ Xuân Phương, Nguyễn Đăng Dân, Nguyễn Văn Chức, Tạ Thị San và Đoàn Thị Tịnh. Đồng chí Lê Đình Châu - phó trưởng Ty được bổ nhiệm kiêm giám đốc Công ty, đến năm 1985 đồng chí Nguyễn Ngọc Châu làm giám đốc. Trong giai đoạn này nhà nước thực hiện cơ chế quản lý tập trung nên mọi hoạt động của nền kinh tế đều thông qua kế hoạch. Tất cả vật tư, hàng hoá đều do nhà nước quản lý và phân phối, việc vận chuyển cũng do nhà nước tổ chức bố trí phương tiện. Công ty Đại lý vận tải được giao nhiệm vụ thay mặt chủ hàng ký kết hợp đồng với chủ phương tiện để vận chuyển hàng hoá từ nơi cung cấp tới kho của chủ hàng. Công ty tổ chức liên kết vận chuyển qua các phương thức vận tải như: ô tô - tàu biển - ô tô, ô tô - đường sắt - ô tô. Nhiệm vụ đầu tiên của Công ty là tổ chức vận chuyển 1000 tấn lạc vỏ từ Đắk Lắk vào thành phố Hồ Chí Minh. Công ty phối hợp với Đường sắt Việt Nam vận chuyển theo phương thức ô tô - đường sắt - ô tô, lạc vỏ được chở xuống ga Nha Trang và ga Sóng Thần, Khánh Hoà, từ đó tàu lửa chở vào ga Hoà Hưng của thành phố Hồ Chí Minh, sau đó ô tô tiếp tục chở tới kho của chủ hàng để xuất khẩu. Từ khi thành lập, năm 1982 tới năm 1985, Công ty đã tổ chức vận chuyển được hàng triệu tấn hàng hoá cho các chủ hàng địa phương cũng như trung ương, hàng trăm ngàn tấn xi măng từ Hải Phòng vào Đắk Lắk theo phương thức vận tải ô tô - tàu biển - ô tô, góp phần tiết kiệm nhiên liệu. Uy tín của Công ty đối với các chủ hàng và các đơn vị vận tải lên rất cao.

Hằng năm, Uỷ ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk giao kế hoạch vận tải hàng hoá cho Ty, Ty lại giao kế hoạch vận chuyển hằng quý, hằng tháng cho lực lượng chủ lực công cộng là các xí nghiệp quốc doanh, cho lực lượng vận tải của các ngành khác có xe và vận tải cấp huyện là các hợp tác xã vận tải cơ giới. Sản lượng vận tải hàng hoá một số năm như sau: Năm 1982 đã vận chuyển được 239.124 tấn với khối lượng luân chuyển 23.653.007 tấn.km. Năm 1983 đã vận chuyển được 303.688 tấn với khối lượng luân chuyển 31.458.500 tấn.km. Năm 1984 đã vận chuyển được 330.000 tấn với khối lượng luân chuyển 33.000.000 tấn.km. Năm 1985 đã vận chuyển được 341.000 tấn với khối lượng luân chuyển 34.100.000 tấn.km. Sản lượng vận tải này chưa bao gồm khối lượng vận chuyển bằng các phương tiện vận tải đường bộ, đường sắt và đường thuỷ thông qua dịch vụ vận tải của Công ty Đại lý vận tải.

2.3. Vận tải hàng không

Ngày 10 tháng 3 năm 1977, Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột bắt đầu hoạt động trở lại với chức năng là cảng hàng không dân dụng nội địa nối liền Tây Nguyên với các trung tâm đô thị lớn của cả nước: thủ đô Hà Nội, thành phố Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại.

Trong suốt thời gian từ khi hoạt động trở lại (năm 1977) cho tới năm 1985, cơ sở hạ tầng của Cảng như: đường cất, hạ cánh, nhà ga và sân đỗ tàu bay vẫn giữ nguyên như cũ, đường băng không có hệ thống đèn tín hiệu hướng dẫn cất, hạ cánh ban đêm và trong điều kiện thời tiết xấu. Mỗi tuần chỉ có từ 1 đến 2 chuyến bay đi Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh với các loại tàu bay nhỏ của Liên Xô cũ như: AN-24, TU-134, Yak-40 và của Hoa Kỳ như: DC-3, DC-4 v.v...

3. Đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe, quản lý phương tiện và người lái

3.1. Đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe

Công tác đào tạo lái xe ô tô các loại do Trường Công nhân kỹ thuật nghiệp vụ giao thông vận tải của Ty thực hiện. Đào tạo lái xe ô tô là một khoa của trường. Quy mô cơ sở vật chất phục vụ đào tạo lái xe còn nhỏ, phương tiện tập lái chỉ có 10 xe ô tô Jil 130 và xe Jeep, sân bãi tập ở ngay trong trường tại xã Hoà Thắng và tập ngoài đường giao thông. Mỗi năm, trường đã đào tạo hàng trăm lái xe ô tô các loại.

Cơ quan sát hạch và cấp Giấy phép lái xe sau khi tốt nghiệp là Công an Tỉnh Đắk Lắk - trực tiếp là Phòng Cảnh sát giao thông.

3.2. Quản lý phương tiện và người lái

Chức năng quản lý phương tiện và người lái cũng do Công an Tỉnh thực hiện. Ô tô khi tham gia giao thông phải có Giấy phép lưu hành, giấy phép này do Phòng Cảnh sát giao thông Công an Tỉnh kiểm tra tình trạng an toàn kỹ thuật của xe rồi cấp. Thời hạn có hiệu lực của giấy phép lưu hành là 6 tháng và 12 tháng tuỳ theo xe mới hay xe cũ. Việc quản lý, theo dõi vi phạm của lái xe ô tô cũng do Phòng Cảnh sát giao thông Công an Tỉnh đảm nhiệm.

Trường Kỹ thuật nghiệp vụ thuộc Ty giao thông vận tải được thành lập ngày 15 tháng 01 năm 1977 theo Quyết định số 04/QĐ-UB của Uỷ ban nhân dân Tỉnh. Trường có nhiệm vụ đào tạo công nhân kỹ thuật các loại gồm công nhân lái xe, công nhân cơ khí sửa chữa, công nhân công trình và nhân viên nghiệp vụ gồm nhân viên kỹ thuật cầu đường, kỹ thuật cơ khí, lao động tiền lương, kế hoạch, vận tải và vật tư. Mỗi năm, Trường đào tạo được 120 công nhân lái xe, lái máy công trình, 200 công nhân cầu đường, 100 công nhân cơ khí và 100 cán bộ giao thông xã.

4. Công nghiệp giao thông vận tải

4.1. Công nghiệp sửa chữa ô tô

Ngay sau khi Ban Giao thông vận tải khu Trung Trung bộ điều các đồng chí ở Xưởng Sửa chữa ô tô Tiền phương ở Đà Nẵng về Đắk Lắk, tháng 12 năm 1975, Ty thành lập Xưởng Sửa chữa ô tô của Ty và bổ nhiệm đồng chí Lê Tấn Phương - nguyên là xưởng trưởng xưởng Tiền phương của Ban Giao thông vận tải khu Trung Trung bộ làm xưởng trưởng, đồng chí Trần Thế Tường và đồng chí Trần Mạnh Tiến làm phó xưởng trưởng, đồng chí Trần Đức Tuấn - kỹ sư ô tô phụ trách kỹ thuật. Xưởng sửa chữa hoạt động tại 117 Hùng Vương, phường Tự An, thị xã Buôn Ma Thuột. Ngày 08 tháng 12 năm 1976, Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Quyết định số 84/QĐ cho phép Xưởng Sửa chữa ô tô của Ty Giao thông vận tải thành đơn vị hạch toán độc lập, xưởng trưởng là đồng chí Lê Tấn Phương, kế toán trưởng là đồng chí Nguyễn Thị Thanh Sơn.

Để xây dựng cơ sở của ngành công nghiệp sửa chữa ô tô theo hướng hiện đại nhằm đáp ứng yêu cầu sửa chữa ô tô của tỉnh, năm 1976, Đắk Lắk cho Ty đầu tư xây dựng một xưởng mới. Xưởng sửa chữa ô tô mới được đầu tư xây dựng tại lô đất có diện tích 3 héc-ta ngay mặt đường Nguyễn Chí Thanh (Km 3 đường Tự do cũ), nhìn ra vòng xuyến nút giao giữa quốc lộ 14 với quốc lộ 27. Nhà xưởng bằng gỗ, mái tôn kẽm với đầy đủ các phân xưởng như: cơ khí, gò hàn, máy gầm, mộc, nguội, rèn, điện, xưởng cưa, ắc quy, xưởng cưa gỗ và các phòng ban nghiệp vụ. Uỷ Ban Kế hoạch Nhà nước đã phân phối, trang bị cho Xưởng toàn bộ dây chuyền máy móc, thiết bị đầy đủ như máy mài trục cơ, máy doa xi lanh, máy đánh bóng xi lanh, máy tiện, máy phay, máy bào, máy khoan, máy búa v.v... để đảm bảo được công suất đại tu 500 xe ô tô tiêu chuẩn (quy đổi ra xe GATZ 51, sau này quy đổi thành xe JIL 130 và cuối cùng là xe IFA W50) trong một năm. Đơn vị thi công nhà xưởng là Công ty Cầu đường của Ty, việc lắp đặt máy móc, thiết bị là tập thể các đồng chí kỹ sư cơ khí, kỹ sư ô tô và thợ bậc cao của Ty điều về và của Xưởng, gồm các đồng chí: Lê Quân, Trần Đức Tuấn, Huỳnh Tấn Phán, Phạm Công Định, Lê Văn Hữu v.v...

Ngày 20 tháng 9 năm 1977, Ty ban hành Quyết định số 203/QĐ-TC giao nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Bá Lư - nguyên là trưởng ban kiến thiết Nhà máy Cơ khí của Ty Công nghiệp Đắk Lắk về phụ trách Xí nghiệp Sửa chữa xe máy của Ty và đồng chí Trần Thị Thanh Hương - cán bộ ở chiến khu về làm kế toán trưởng.

Sau khi hoàn thành việc xây dựng và lắp ráp máy móc, ngày 19 tháng 9 năm 1977, Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Quyết định số 695/QĐ-UB về việc thành lập Xí nghiệp Sửa chữa xe máy thuộc Ty Giao thông vận tải để làm nhiệm vụ sửa chữa các loại xe máy của Tỉnh. Quyết định quy định rõ tổ chức của Xí nghiệp gồm các phòng: Tổ chức hành chính, Kế hoạch điều độ, Kế toán tài vụ và Vật tư kỹ thuật; tổ chức sản xuất có Phân xưởng Sửa chữa lắp ráp và Phân xưởng Cơ khí sản xuất phụ tùng.

Ngày 13 tháng 12 năm 1977, Uỷ ban nhân dân tỉnh ra Quyết định số 810/QĐ-UB quyết định hợp nhất Xưởng Sửa chữa ô tô của Ty Giao thông vận tải vào Xí nghiệp Sửa chữa xe máy của Ty Giao thông vận tải. Toàn bộ cán bộ công nhân viên của Xưởng được điều về Xí nghiệp. Tháng 3 năm 1978, Ty tiếp nhận thợ sửa chữa ô tô các loại do Bộ Giao thông vận tải phân bổ về 22 người từ Trường Lái xe số 1 và 6 người từ Trường Cơ giới 1 của Bộ, sau đó điều toàn bộ về tăng cường cho Xí nghiệp.

Ngày 14 tháng 12 năm 1977, Ty ban hành Quyết định số 338/QĐ-TC giao nhiệm vụ cho đồng chí Lê Tấn Phương - Xưởng trưởng Xưởng Sửa chữa ô tô về làm phó giám đốc xí nghiệp sữa chữa xe máy của Ty.

Đồng chí Lê Tấn Phương được Uỷ ban nhân dân Tỉnh bổ nhiệm làm giám đốc đầu tiên của Xí nghiệp Sửa chữa xe máy, kế toán trưởng là đồng chí Tạ Hoàng Bắc - bộ đội chuyển ngành. Đồng chí Lê Tấn Phương sau đó được đề bạt làm Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải. Số lượng cán bộ công nhân viên làm việc tại Xí nghiệp có thời điểm lên tới gần 400 người. Hằng năm, Xí nghiệp sửa chữa, đại tu hàng trăm xe ô tô các loại, đóng hàng trăm thùng xe tải và sản xuất hàng chục tấn phụ tùng ô tô.

Những năm 1977 - 1981, phương tiện cơ giới phục vụ xây dựng giao thông nông thôn rất thiếu thốn nên Tỉnh giao nhiệm vụ cho Ty, trực tiếp là Xí nghiệp Sửa chữa xe máy phải sản xuất xe bò kéo để giao về cho phòng giao thông các huyện và cho nông thôn phục vụ sản xuất nông nghiệp. Song song với việc thực hiện kế hoạch sửa chữa ô tô, xí nghiệp đã sản xuất được hơn 100 chiếc xe bò để phục vụ vận chuyển vật liệu làm đường và phục vụ sản xuất nông nghiệp ở nông thôn.

Cũng trong những năm khó khăn ấy, xăng dầu phân phối không đủ phục vụ cho nhu cầu vận tải nên cả nước có phong trào sáng kiến tìm kiếm các nguồn nhiên liệu khác thay thế, trong đó có khí cháy từ than củi. Phòng Cơ khí - vật tư của Ty chỉ đạo Xí nghiệp nghiên cứu đề tài “xe ô tô chạy than”. Xí nghiệp đã chế tạo hệ thống cung cấp khí than từ việc cải tạo một số bình hơi chịu áp lực để làm lò đốt, mỗi lò đốt có đường kính xấp xỉ 50 cm, dài khoảng hơn 2 m, được lắp ở phía sau xe và hệ thống ống dẫn khí vào ống hút của động cơ. Than củi được chất đầy trong lò đốt và được đốt cháy trong điều kiện thiếu không khí (O2) trên nguyên lý đốt than củi cháy không hoàn toàn để thu được khí CO (carbon monoxide), khí CO đi qua bầu lọc thô và lọc tinh rồi cung cấp cho động cơ nổ sau khi động cơ đã được khởi động bằng xăng. Xí nghiệp đã lắp hệ thống này cho hơn 10 xe ô tô khách loại 20 chỗ ngồi. Kết quả xe chạy được nhưng do hoạt động trên đường nhiều đèo dốc nên vẫn phải duy trì hệ thống nhiên liệu xăng để hỗ trợ khi lên dốc.

Trước nhu cầu vận tải hành khách tăng cao, Xí nghiệp chủ động nghiên cứu đóng xe chở khách trên cơ sở xe khách cũ hoặc từ xe tải. Sản phẩm đầu tiên là chiếc xe khách 30 chỗ ngồi có biển số là 47A 10-20 của Công ty Xe khách Đắk Lắk. Xe có hình dáng thiết kế đẹp, chất lượng kỹ thuật và vận hành tốt, được khách hàng đánh giá cao. Từ thành công đó, Xí nghiệp tiếp tục đóng mới nhiều xe khác và vươn lên để đóng mới xe trên 40 chỗ. Chiếc xe khách 56 chỗ đầu tiên được đóng vào cuối năm 1984, hoàn thành vào đầu năm 1985 và được Ty đưa đi tham dự triển lãm thành tựu 10 năm phát triển kinh tế, xã hội của Tỉnh nhân dịp kỷ niệm 10 năm chiến thắng Buôn Ma Thuột (1975 - 1985). Với những sáng kiến cải tiến kỹ thuật và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để đóng mới thành công xe khách 56 chỗ từ nguồn vật tư, phụ tùng trong nước để trang bị cho các đơn vị vận tải, đỡ phải tốn ngoại tệ nhập khẩu xe nên nhiều công nhân điển hình được khen thưởng và trở thành chiến sỹ thi đua các cấp như: đồng chí Phạm Đới, Mai Anh Quang, Mai Thế Đức, Hoàng Xô Viết v.v...

Hằng năm, Xí nghiệp được giao kế hoạch nhà nước với các chỉ tiêu về sản phẩm là sản lượng xe đại tu ô tô được quy ra xe tiêu chuẩn, sản xuất phụ tùng ô tô tính bằng tấn, doanh thu, số tiền nộp ngân sách. Các điều kiện được giao để đảm bảo thực hiện kế hoạch gồm sắt thép, nhiên liệu, phụ tùng, gỗ tròn để xẻ dùng đóng thùng xe, vải simili may mui nệm xe, ắc quy v.v... Cuối năm, Uỷ ban nhân dân Tỉnh thành lập đoàn kiểm tra việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch nhà nước của các doanh nghiệp trong đó có xí nghiệp, với thành phần đại diện của các cơ quan: Uỷ ban Kế hoạch Tỉnh, Chi cục Thống kê, Ty Tài chính và Ty Giao thông vận tải xuống xí nghiệp kiểm tra số liệu sau đó trình Uỷ ban nhân dân Tỉnh ra quyết định công nhận kết quả thực hiện kế hoạch.

Về lĩnh vực công nghiệp sửa chữa ô tô trong giai đoạn này chỉ có một cơ sở của nhà nước là Xí nghiệp Sửa chữa xe máy, các cơ sở ngoài quốc doanh có Hợp tác xã Cơ khí Giải phóng và một số gara sửa chữa của tư nhân.

Ngày 18 tháng 3 năm 1983, Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Quyết định số 18/QĐ-UB đổi tên Xí nghiệp Sửa chữa xe máy thành Xí nghiệp Đại tu ô tô Đắk Lắk. Kết quả sản xuất kinh doanh của Xí nghiệp Đại tu ô tô năm 1984, giá trị tổng sản lượng hàng hoá thực hiện đạt 6.804.000 đồng, bằng 124% kế hoạch giao; Sản phẩm chủ yếu: đại tu 120 xe tiêu chuẩn Ifa, đóng mới xe khách 4 cái trên cơ sở xe Ifa tải, đại tu ắc quy 280 bình. Năm 1985: giá trị tổng sản lượng hàng hoá thực hiện đạt 7.202.137 đồng, bằng 106,3% kế hoạch giao; Sản phẩm chủ yếu: đại tu 139,2 xe ô tô, bằng 107% kế hoạch giao. Trong đó, xe đại tu quy ra xe Jil 130: 126,4 xe, đóng mới xe khách 56 chỗ ngồi: 01 xe.

Trong ngành công nghiệp sửa chữa ô tô, ngoài Xí nghiệp Đại tu ô tô còn có hai cơ sở bảo dưỡng ô tô và máy công trình, đó là Trạm Bảo dưỡng ô tô của Xí nghiệp ô tô vận tải hàng hoá (ABTO 08) và Trạm Bảo dưỡng máy công trình của Công ty Cầu đường (CT 06), hai trạm đều do Liên Xô viện trợ.

Trạm Bảo dưỡng máy công trình của Công ty Cầu đường được Liên Xô viện trợ trang bị dây chuyền máy, thiết bị để có thể bảo dưỡng và sửa chữa hàng trăm lượt xe máy một năm. Máy, thiết bị gồm: máy tiện các loại, máy phay, máy bào, máy cắt, máy khoan, máy doa, máy mài súp pắp, máy đánh bóng, máy ép thuỷ lực, máy ép xích, máy ép garlê máy ủi, máy hàn, cần cẩu, dụng cụ đồ nghề sửa chữa, xe công trình xa với trang thiết bị đồng bộ để phục vụ sửa chữa lưu động v.v... và phụ tùng vật tư phục vụ sửa chữa, bảo dưỡng. Ngoài các trang thiết bị của Liên Xô, trạm còn quản lý rất nhiều máy, thiết bị, vật tư, phụ tùng của các nước Nhật, Mỹ, Đức v.v... được bổ sung trong dịp cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh nên đảm bảo toàn bộ việc bảo dưỡng, sửa chữa tất cả xe máy công trình của Công ty và của Tỉnh. Trạm trưởng đầu tiên là đồng chí Huỳnh Liên, phó trạm trưởng là đồng chí Giáp Văn Sỏi. Trong quá trình hoạt động, đội ngũ cán bộ kỹ thuật và công nhân có rất nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong cải tạo, lắp lẫn phụ tùng các loại xe máy của các nước tư bản sản xuất cho các loại xe máy của các nước xã hội chủ nghĩa sản xuất và ngược lại. Những sáng kiến này góp phần khắc phục tình trạng thiếu phụ tùng và tiết kiệm ngoại tệ cho nhà nước. Điển hình cho phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của trạm là đồng chí Huỳnh Liên.

Sau giải phóng, phương tiện vận tải đường bộ Đắk Lắk cũng như cả nước hầu hết là xe do Liên Xô sản xuất nên trong năm 1981, Liên Xô viện trợ cho tỉnh một trạm bảo dưỡng ô tô để phục vụ công tác bảo dưỡng ô tô của Liên Xô, trạm được lắp đặt tại Xí nghiệp ô tô vận tải hàng hoá (ABTO 08). Dây chuyền công nghệ bảo dưỡng ô tô gồm các loại máy, thiết bị: máy tiện các loại, máy doa, máy đánh bóng, máy mài, máy tháo lắp lốp xe, máy bơm mỡ, máy kiểm tra hệ thống điện, máy làm sạch bugi, máy mài súp pắp, máy khoan, thiết bị kiểm tra độ chụm tay lái, kích thuỷ lực nâng hạ, cần cẩu, dụng cụ đồ nghề sửa chữa, xe công trình xa với trang thiết bị đồng bộ để phục vụ sửa chữa lưu động v.v... và vật tư phụ tùng. Chuyên gia Liên Xô trực tiếp hướng dẫn lắp đặt, vận hành, định mức và quy trình bảo dưỡng các loại: bảo dưỡng 1, bảo dưỡng 2 và bảo dưỡng 3. Sau hơn một năm thì hoàn thành việc đầu tư, lắp ráp, vận hành thử, Trạm bắt đầu đi vào hoạt động. Sự ra đời của Trạm đã giải quyết được việc bảo dưỡng cho toàn bộ số xe của Liên Xô trên địa bàn Tỉnh.

Trưởng trạm đầu tiên là đồng chí Lê Trọng Lịch, phó giám đốc xí nghiệp kiêm nhiệm, phó trạm trưởng là đồng chí Nguyễn Hữu Huế. Sau khi trạm chính thức hoạt động, các chuyên gia vẫn định kỳ sang kiểm tra và hướng dẫn, đào tạo cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật và công nhân. Các đồng chí trạm trưởng và phó trạm trưởng đều sang nước bạn bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ chuyên môn và quản lý.



4.2. Công nghiệp sản xuất vật liệu phục vụ làm cầu đường

Nhận rõ tầm quan trọng của việc sản xuất vật liệu xây dựng cầu đường nên Ty thành lập ngay một đội sản xuất đá trực thuộc Công ty Cầu đường từ khi Công ty Cầu đường mới ra đời. Vì nhu cầu khối lượng đá ngày càng lớn nên ngày 20 tháng 12 năm 1976, Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Quyết định số 88/TC chuyển Đội sản xuất đá trực thuộc Công ty Cầu đường thành Xí nghiệp Sản xuất đá trực thuộc Ty Giao thông vận tải. Xí nghiệp đóng tại Km 47, quốc lộ 21 (quốc lộ 21 bây giờ là quốc lộ 26) thuộc địa giới huyện Krông Pắk.

Để tăng thêm đơn vị sản xuất đá, ngày 06 tháng 9 năm 1978, Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Quyết định số 910/QĐ-UB thành lập Xí nghiệp Sản xuất đá 2 trực thuộc Ty Giao thông vận tải. Xí nghiệp đóng tại buôn Yăng reh trên đường liên tỉnh 27 (đường liên tỉnh 27 bây giờ là quốc lộ 27) thuộc địa giới huyện Krông Bông. Trong quyết định thành lập, Uỷ ban giao chỉ tiêu cho Xí nghiệp sản xuất đá các loại phục vụ xây dựng cơ bản giao thông từ 20.000 m3 sau nâng lên 50.000 m3/năm. Từ đó, xí nghiệp sản xuất đá thành lập năm 1976, được gọi là Xí nghiệp Sản xuất đá 1.

Xí nghiệp Sản xuất đá 1 và Xí nghiệp Sản xuất đá 2 đã quản lý các thiết bị nghiền sàng đá, máy nén khí, máy khoan, máy phát điện, xe ben, máy ủi, máy xúc v.v... của Ty Công chánh cũ, của công binh quân đội Việt Nam cộng hoà và của các nhà tư bản sau cải tạo công thương nghiệp tư bản tư nhân do nhà nước thu hồi hoặc trưng mua để sản xuất đá. Giám đốc đầu tiên của Xí nghiệp Sản xuất đá 1 là đồng chí Nguyễn Ngọc Châu, phó giám đốc là đồng chí Thái Đức Ân. Giám đốc đầu tiên của Xí nghiệp sản xuất đá 2 là đồng chí Nguyễn Hoà Đạo, phó giám đốc là đồng chí Thái Đức Ân và đồng chí Trần Mạnh Tiến. Mỗi xí nghiệp có hơn 100 công nhân khai thác và lái xe, lái máy.

Trong thời gian này, Fulrô hoạt động rất mạnh, chúng thường đột kích vào các đơn vị khảo sát thiết kế, các đơn vị làm cầu đường, sản xuất đá và các đoàn xe vận tải. Tháng 9 năm 1977, chúng tấn công văn phòng và khu nhà tập thể của Xí nghiệp sản xuất đá 2 tại Yăng reh vào ban đêm, đốt phá nhà xưởng, nhà ở của công nhân, xe máy thiết bị, cướp bóc lương thực, thực phẩm và bắn bị thương một số công nhân.

Ngày 11 tháng 7 năm 1981, Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Quyết định số 232/QĐ-UB sáp nhập Xí nghiệp Sản xuất đá 1 và Xí nghiệp Sản xuất đá 2 vào Công ty Cầu đường thuộc Ty Giao thông vận tải, từ đây việc sản xuất đá phục vụ giao thông do Công ty Cầu đường thực hiện.

Ngày 17 tháng 4 năm 1981, hai chuyên gia Liên Xô đã lắp ráp và hướng dẫn sử dụng hai dây chuyền nghiền sàng đá 739-740 do nước bạn tặng, mỗi xí nghiệp được trang bị một dây chuyền.

Sản lượng sản xuất đá năm 1984 là 17.500 m3 đá các loại và 1.500 m3 với tổng doanh thu là 2.250.000 đồng.



Каталог: TaiLieu
TaiLieu -> MỘt số thủ thuật khi sử DỤng phần mềm adobe presenter tạo bài giảng e-learning
TaiLieu -> Trung tâM ĐÀo tạo mạng máy tính nhất nghệ 105 Bà Huyện Thanh Quan – 205 Võ Thị Sáu, Q3, tp. Hcm
TaiLieu -> Céng hßa x· héi chñ nghÜa viÖt nam Độc lập tự do hạnh phúc
TaiLieu -> ĐỀ thi học sinh giỏi tỉnh hải dưƠng môn Toán lớp 9 (2003 2004) (Thời gian : 150 phút) Bài 1
TaiLieu -> A. ĐẠi số TỔ HỢp I. Kiến thức cơ bản quy tắc cộng
TaiLieu -> Wikipedia luôn có mặt mỗi khi bạn cần giờ đây Wikipedia cần bạn giúp
TaiLieu -> CHÍnh phủ CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
TaiLieu -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
TaiLieu -> BỘ luật lao đỘng của Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam BỘ luật lao đỘng ngày 23 tháng 6 năm 1994 và

tải về 1.26 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   14




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương