Lê Xuân Biểu giao thông vận tảI ĐẮk lắK 110 NĂm xây dựng và phát triểN (1904 2014) nhà xuất bảN giao thông vận tảI


Chương 2. GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐẮK LẮK GIAI ĐOẠN 1954 - 1975



tải về 1.26 Mb.
trang2/14
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích1.26 Mb.
#100
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   14

Chương 2.

GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐẮK LẮK GIAI ĐOẠN 1954 - 1975
Từ năm 1954, tỉnh Đắk Lắk cùng với các tỉnh của miền Nam sống trong chế độ Việt Nam Cộng hoà dưới sự bảo trợ của Hoa Kỳ. Năm 1954, Đắk Lắk có 111.800 dân, trong đó 76.000 đồng bào dân tộc thiểu số. Cuối năm 1954, chính quyền Sài Gòn đưa thêm mấy vạn đồng bào miền Bắc di cư vào cùng với hàng ngàn đồng bào ở duyên hải miền Trung lên lập dinh điền nên dân số của tỉnh cũng tăng lên.

Ngày 02 tháng 7 năm 1958, chính quyền Việt Nam Cộng hoà ban hành Nghị định quy định Đắk Lắk có 5 quận, 21 tổng, 77 xã và đổi tên quận Lắk thành quận Lạc Thiện.

Ngày 23 tháng 01 năm 1959, chính quyền Việt Nam Cộng hoà lại ban hành Nghị định tách gần như toàn bộ quận Đắk Song ra lập tỉnh Quảng Đức. Như vậy, tỉnh Đắk Lắk chỉ còn 4 quận, sau đó quận M’ Drắk lại bị cắt một phần nhập vào tỉnh Khánh Hoà.

Để thuận lợi cho sự lãnh đạo kháng chiến, tháng 12 năm 1960, Chính phủ cách mạng miền Nam Việt Nam đã chính thức thành lập tỉnh Quảng Đức dựa trên sự phân chia ranh giới của chính quyền Việt Nam cộng hoà và lấy mật danh là B4.

Theo cách phân chia của Chính phủ cách mạng miền Nam thì địa giới hành chính tỉnh Đắk Lắk gồm toàn bộ tỉnh Đắk Lắk của chính quyền Việt Nam cộng hoà, một phần đất của tỉnh Gia Lai (Đông và Tây Cheo Reo, sau chính quyền Việt Nam cộng hoà lập tỉnh Phú Bổn), một huyện của tỉnh Phú Yên (quận Phú Đức), một huyện của tỉnh Khánh Hoà (quận Khánh Dương) và một phần đất phía Nam huyện Đắk Mil của tỉnh Quảng Đức.

Ngày 20 tháng 12 năm 1963, Đắk Lắk được chính quyền Việt Nam cộng hoà lập thêm một quận mới là quận Phước An.

Tỉnh Đắk Lắk có các đơn vị hành chính là: 2 thị xã (Buôn Ma Thuột, Cheo Reo) và 9 huyện. Các huyện là: H1 (huyện M’dRắk - quận Khánh Dương), H2 (huyện Đông Cheo Reo - quận Phú Túc), H3 (huyện Tây Cheo Reo, các quận Phú Nhơn, Phú Thiện, Thuần Mẫn), H4 (huyện Buôn Hồ, phía Đông đường 14), H5 (phía Bắc Buôn Ma Thuột và Buôn Hồ, phía Tây đường 14), H6 (thị xã Buôn Ma Thuột), H7 (thị xã Cheo Reo, có lúc nhập với Tây Cheo Reo gọi là H37), H8 (huyện Đắk Mil - quận Đức Lập), H9 (huyện căn cứ của Tỉnh nay gọi là huyện Krông Bông), H10 (huyện Lắk - quận Lạc Thiện) và H11 (quận Phước An). Tới tháng 12 năm 1975, tỉnh Đắk Lắk có 5 huyện và 1 thị xã, đó là các huyện: Krông Pak, Lắk, Buôn Hồ, Đắk Nông, Đắk Mil và thị xã Buôn Ma Thuột. Diện tích tự nhiên là 19.800 km2, dân số là 321.000 người.

I. GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐẮK LẮK TRONG THỜI KỲ NHÀ NƯỚC VIỆT NAM CỘNG HOÀ

Trong chính thể Việt Nam Cộng hoà, cơ quan quản lý giao thông vận tải của tỉnh là Ty Công chánh.

Nhiệm vụ của Ty về giao thông là làm các tuyến đường tới các khu vực dân cư, sửa chữa 3 tuyến quốc lộ 14, 21 (quốc lộ 26 hiện nay) và 21B (quốc lộ 27 hiện nay); Về vận tải thì quản lý vận tải hàng hoá và hành khách phục vụ dân sinh. Trong giai đoạn này, để phục vụ chiến tranh, quân đội Mỹ đầu tư mở rộng và thảm bê tông nhựa toàn bộ quốc lộ 14 và quốc lộ 21. Xe máy thiết bị phục vụ sửa chữa cầu đường của Ty không nhiều, riêng “Toán yểm trợ sửa chữa các quốc lộ 14, 21 và 21B” chỉ có 1 xe ben, 1 máy xúc, 2 máy san, 1 máy ủi và 1 xe lu. Phương tiện vận tải dân sự thì chủ yếu là xe GMC, REO 3, REO 5, Chevolet, Dodge, International, Volvagen, xe Lambro v.v... Vận tải khách có các tuyến như: Buôn Ma Thuột - Sài Gòn, Buôn Ma Thuột - Nha Trang, Buôn Ma Thuột - Pleiku - Kon Tum, Buôn Ma Thuột - Quảng Đức.

Nhân sự của Ty Công chánh có: Trưởng ty là ông Hà Thúc Giảng, Phó Trưởng ty là các ông Nguyễn Lương Tri và Nguyễn Thanh Tùng. Trưởng Toán yểm trợ sửa chữa các quốc lộ 145, 21, 21B là ông Nguyễn Quang Viện. Ty Công chánh còn có một số nhân sự quản lý và lao động khác.

Lực lượng nhà thầu xây dựng giao thông thời kỳ này ngoài các đơn vị công binh của quân đội Mỹ và quân đội Việt Nam cộng hoà còn có các nhà thầu dân sự. Một trong những nhà thầu dân sự xây dựng giao thông là Công ty Mai Hà có trang thiết bị, xe máy công trình hiện đại, kỹ sư và lao động đông, đảm nhiệm từ khâu sản xuất đá cho tới thi công do ông Mai Văn Minh - người miền Tây Nam bộ và ông Hà Văn Đáng - người Khánh Hoà đồng sáng lập. Sau giải phóng, Công ty Mai Hà vẫn còn thi công một số công trình của Ty Giao thông vận tải tới khi cải tạo công thương nghiệp tư bản thì công ty mới dừng hoạt động.

Trong giai đoạn này quân đội Hoa Kỳ và quân đội Việt Nam cộng hoà đã xây dựng một số sân bay dã chiến phục vụ chủ yếu cho máy bay trực thăng như sân bay L19 tại trung tâm thị xã Buôn Ma Thuột, sân bay tại Bản Đôn, sân bay tại Gia Nghĩa v.v...

Năm 1968, quân đội Hoa Kỳ và chính quyền Việt Nam cộng hoà tiến hành đầu tư phục hồi sân bay Buôn Ma Thuột (còn gọi là sân bay Phụng Dực hay sân bay Hoà Bình), xây dựng đường cất hạ cánh dài 1800 m, rộng 30 m bằng bê tông nhựa. Năm 1970, sân bay được đưa vào sử dụng. Từ đó, sân bay Buôn Ma Thuột là Cảng Hàng không căn cứ chỉ huy không quân của quân đội Hoa Kỳ và quân đội Việt Nam cộng hoà thay cho sân bay L19 tại trung tâm thị xã.

II. GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐẮK LẮK TRONG THỜI KỲ CHÍNH PHỦ CÁCH MẠNG LÂM THỜI CỘNG HOÀ MIỀN NAM VIỆT NAM

1. Ban Giao thông vận tải Đắk Lắk từ năm 1968 tới năm 1975 (Ban Giao - Vận)

Trước năm 1968, tỉnh Đắk Lắk chưa có tổ chức Giao thông vận tải (Ban Giao thông vận tải gọi tắt là Ban Giao - Vận) vì thời đó công việc chưa nhiều, cán bộ không có, hầu hết bộ máy các cơ quan tỉnh cũng phải rất gọn nhẹ, một người phải kiêm rất nhiều công việc. Mọi thứ hàng hoá và một ít vũ khí cho lực lượng vũ trang từ miền Bắc đưa vào và hàng hoá huy động từ các dinh, đồn điền và thu mua được từ các cửa khẩu do từng cơ quan và hậu cần tỉnh đội tự tổ chức đi gùi cõng lấy và sử dụng lực lượng vận tải của Ban Kinh tế tài chính (Ban Kinh tài) giải quyết đưa về Tỉnh phân phối. Khi cần vận chuyển nhiều thì Ban Kinh tài huy động từng đợt dân công trong vùng căn cứ, vùng giải phóng giải quyết. Còn việc soi đường, dẫn đường thì do Ban Hành lang (Giao thông - Bưu điện) đảm nhận.

Sau năm Mậu Thân 1968, theo yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của cuộc kháng chiến, lại được miền Bắc chi viện thêm một số cán bộ giao vận, nên trong phiên họp Ban Thường vụ tỉnh uỷ Đắk Lắk (khoá III) đầu tháng 4 năm 1968 do đồng chí Năm Vinh (Võ Trung Thành) - Khu uỷ viên là Bí thư Tỉnh uỷ chủ trì đã quyết định thành lập ngay Ban Giao thông vận tải trực tiếp dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tuyệt đối và toàn diện của Tỉnh uỷ. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ phân công đồng chí Lê Chí Quyết lúc bấy giờ là uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Kinh tài, Chủ tịch Hội đồng chi viện tiền phương kiêm luôn nhiệm vụ Trưởng Ban Giao thông vận tải Tỉnh và đồng chí Hiến - cán bộ trung cấp giao vận mới được miền Bắc tăng cường vào làm phó trưởng ban.

Bộ máy và lực lượng ban đầu vỏn vẹn chỉ được 20 đồng chí, bao gồm cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn và đội vận tải 12 đồng chí của Ban Kinh tài chuyển sang. Đội vận tải này do đồng chí Y Dinh làm đội trưởng.

Khi thành lập, cơ quan Ban đóng tại khu vực Buôn Khoă Chư Đrăm nay là xã Chư Đrăm, huyện Krông Bông, sát cạnh cơ quan Ban Kinh tài và Hội đồng Chi viện tiền phương để thuận tiện đi lại sinh hoạt và bàn bạc công việc hằng ngày của Khối, của Hội đồng. Hội đồng chi viện tiền phương gồm các đồng chí lãnh đạo Ban Kinh tài, Ban Giao vận, Ban Dân y, Ban Thương binh, Ban Giao bưu, Hậu cần Tỉnh đội.

Sau khi được thành lập, Ban Giao thông vận tải được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ giao bốn nhiệm vụ như sau:

- Khẩn trương mở thật nhiều đường vận tải ngang dọc, xuyên núi cao, suối sâu, xuyên các đường giao thông chiến lược của địch là quốc lộ 14, quốc lộ 21 và các đồn bốt, các trận địa pháo của địch, nhất là phải nhanh chóng khai thông cho được đường vận tải đi Binh trạm 4 (thuộc Binh đoàn 559) và với hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hoà nhằm phục vụ việc tiếp nhận và vận chuyển hàng viện trợ ngày càng lớn từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường Đắk Lắk, Phú Yên, Khánh Hoà. Riêng việc vận chuyển hàng hoá khai thác được từ các cửa khẩu Phú Yên, Cần Ché (Karatiê - Campuchia), từ các dinh, đồn điền trong tỉnh và từ dọc các quốc lộ 14, quốc lộ 21 thì Ban Kinh tài phân phối và giao cho từng cơ quan, hậu cần tự tổ chức gùi lấy.

- Khẩn trương xây dựng và phát triển lực lượng vận tải đủ đáp ứng yêu cầu vận tải ngày càng lớn: thanh niên xung phong, xe đạp thồ, voi ngựa, tổ chức lực lượng dân công thường trực, dân công hoả tuyến và từng bước tiến tới xây dựng lực lượng vận tải cơ giới.

- Tổ chức vận tải hàng hoá, đặc biệt là hàng H từ các khu vực kho B34 (thuộc Binh trạm 4) về các khu vực kho của ta do Ban Kinh tài quản lý, bảo vệ ở Đông - Tây quốc lộ 14, Bắc quốc lộ 21 và từng thời gian vượt quốc lộ 21 về các khu kho ở căn cứ H9 (nay là huyện Krông Bông) để Ban Kinh tài và Hội đồng chi viện tiền phương phân bổ theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ. Đồng thời theo kế hoạch, tổ chức vận tải chủ yếu là hàng H xuống tận ranh giới Đắk Lắk - Phú Yên, Đắk Lắk - Khánh Hoà giao cho hai tỉnh bạn, chủ yếu là cho Khánh Hoà.

- Chú trọng đặc biệt công tác xây dựng tổ chức Đảng, xây dựng bộ máy gọn nhẹ với đội ngũ cán bộ có chất lượng tốt, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ chính trị nặng nề bất cứ trong hoàn cảnh nào.

Từ tháng 6 đến cuối năm 1968, lực lượng B3 (còn gọi là mặt trận B3) và các lực lượng khác của Tỉnh liên tiếp mở các chiến dịch tấn công địch ở tiền phương (mật danh là X2), đánh vào Đức Lập, thị xã Buôn Ma Thuột, đường quốc lộ 21 và hầu khắp các huyện. Để đáp ứng yêu cầu phục vụ X2, tiếp nhận hàng viện trợ từ miền Bắc vào ngày càng lớn, nhất là hàng H, lương thực và thuốc men, theo đề nghị của Hội đồng Chi viện tiền phương, Thường vụ Tỉnh uỷ quyết định thành lập khẩn cấp Đội Thanh niên xung phong trực thuộc quản lý và điều hành của Ban Giao thông vận tải. Chỉ trong vòng một tháng, Đội Thanh niên xung phong đã hình thành với số lượng 35 anh chị em, phần đông được tuyển chọn từ con em đồng bào dân tộc thiểu số vùng căn cứ H9 (Krông Bông cũ) và một số vùng giải phóng H4, H5 do đồng chí Ama Thuột làm đội trưởng. Lúc này, số ngựa voi, xe đạp thồ lâu nay do Ban Kinh tài quản lý, sử dụng (2 voi, 4 ngựa, 5 xe đạp thồ) cũng được giao sang cho Ban Giao - Vận để thống nhất quản lý, sử dụng.

Một năm kể từ ngày thành lập Ban, đội ngũ cán bộ và lực lượng vận tải phát triển khá, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng nổi các nhiệm vụ đè nặng trên vai, nhất là nhiệm vụ vận chuyển vũ khí đạn dược và các thứ hàng chiến lược khác từ kho B34 tận đường mòn Hồ Chí Minh về các khu vực kho ở Tây - Đông đường 14 và Nam quốc lộ 21 phục vụ kịp thời cho X2 đánh địch ở phía trước và một phần cho đời sống các cơ quan, bệnh viện, bệnh xá, thương binh của ta, trại tù hàng binh và đồng bào căn cứ H9, nhất là muối ăn. Khó khăn nhất lúc này là sau X1 (chiến dịch tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968), địch phản ứng quyết liệt: Kiểm soát gắt gao các đường giao thông chiến lược là quốc lộ 14 và quốc lộ 21; Địch đặt thêm khá nhiều đồn bốt dã chiến, càn quét liên miên vào căn cứ và các vùng giải phóng của Tỉnh; Phi pháo, thám báo, biệt kích, phục kích, mìn mo vào các đường hành lang vận chuyển của ta v.v... Vận tải lúc này chỉ bằng gùi cõng bộ là chủ yếu và sử dụng 2 con voi chỉ từng cung đoạn ngắn, an toàn, còn ngựa, xe đạp thồ thì chưa dùng được. Cán bộ, chiến sỹ vừa gùi cõng nặng lại vừa phải sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu khi gặp địch, vừa phải có trinh sát đi đầu thăm dò địch và vừa dò, tháo gỡ mìn Claymore (mìn định hướng). Tuy khó khăn ác liệt, nhất là thiếu ăn, thiếu ngủ, nhiều cung đường phải đi suốt đêm và có hy sinh tổn thất nhưng anh chị em đã vượt qua tất cả và hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Tháng 4 năm 1969, tại Đại hội lần thứ IV của Đảng bộ Tỉnh, tuy đồng chí Lê Chí Quyết được bầu làm phó bí thư Tỉnh uỷ, nhưng vẫn được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ phân công đồng chí Quyết tiếp tục nhiệm vụ như cũ: Trưởng Ban Kinh tài, Chủ tịch Hội đồng Chi viện tiền phương kiêm trưởng Ban Giao thông vận tải. Cùng lúc, Thường vụ Tỉnh uỷ cũng quyết định điều đồng chí Ama Tâk - Phó trưởng Ban Binh vận Tỉnh sang tăng cường cho Ban Giao vận làm phó trưởng ban.

Từ cuối năm 1970 tới năm 1975, hàng H và lương thực, thực phẩm, thuốc men v.v... từ miền Bắc dồn dập đưa vào Đắk Lắk ngày càng lớn, bao gồm cả phần đưa xuống chiến trường Khánh Hoà và Phú Yên qua đường Đắk Lắk do Đắk Lắk có trách nhiệm đưa hàng H và một số mặt hàng chiến lược khác đến tận giáp ranh hai tỉnh, chủ yếu là cho Khánh Hoà, để từ đó hai tỉnh tổ chức đưa về nội địa.

Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ chỉ thị cho Ban Kinh tài và Ban Giao vận khẩn trương phối hợp tổ chức hệ thống kho tàng tại Ea Khal (mật danh A9) và tại khu “Rừng Xanh” (A10). Ban Kinh tài cử đồng chí Lê Đình Ba và đồng chí Lê Thành Long là hai Phó Ban cùng một số cán bộ của Kinh tài, Giao vận, Hậu cần ra đứng tại A10 trực tiếp nhận hàng quản lý, bảo vệ và tổ chức vận chuyển về căn cứ H9 của tỉnh.

Khối lượng hàng viện trợ ngày càng lớn mà lực lượng vận tải thì có hạn, vừa phục vụ cho các chiến dịch ở tiền phương của tỉnh, vừa phục vụ cho cuộc sống và làm việc của các cơ quan, vừa vận tải hàng xuống ranh giới Phú Yên - Khánh Hoà, nên Hội đồng Chi viện tiền phương đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cho phép kiểm tra và tạm giữ một số xe GMC (Reo 7 hay còn gọi là xe Bò vàng) chuyên dụng phục vụ khai thác gỗ của Mỹ do các chủ kinh doanh gỗ cho vào các khu H4, H5 khai thác rừng của Cách mạng, do quân giải phóng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam quản lý. Chủ trương tạm giữ xe và đồ nghề khai thác để Ban Giao vận sử dụng phục vụ chiến đấu tới khi giải phóng đất nước, chính quyền Cách mạng sẽ giải quyết trả lại. Được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đồng ý, Ban Giao vận cử các đồng chí lái xe Nguyễn Duy Linh, Nguyễn Hoà Đạo, và Ama Soong cùng một số cán bộ chiến sỹ của Huyện đội H4, H5 tổ chức kiểm tra và tạm giữ xe khai thác gỗ. Chỉ trong vòng một tháng, ta thu giữ được 3 xe “Bò Vàng” cùng đồ nghề khai thác gỗ đưa về cất giấu tại khu vực kho A9, A10. Cùng thời gian này, Hậu cần Tỉnh đội cũng tạm giữ 2 xe, đơn vị E25 giữ 2 xe để sử dụng trong vận tải.

Cuối năm 1972, đầu năm 1973, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ bổ sung thêm hai Uỷ viên Ban là đồng chí Ama H’Wan và đồng chí Lê Văn Có. Như vậy, đến đầu năm 1973, lãnh đạo Ban đã có 5 đồng chí gồm: trưởng ban, hai phó trưởng ban và hai uỷ viên. Chi bộ Đảng của Ban Giao thông vận tải lúc này cũng có được 10 đảng viên gồm các đồng chí: Lê Chí Quyết, đồng chí Hiến, AMa Tâk, Ama H’Wan, Nguyễn Hoà Đạo, Lê Văn Có, Vũ Đình Thanh, Phạm Minh Hoạ, Lê Hồng Danh, Nguyên Như Hiếu, đồng chí Hiến - phó trưởng ban làm bí thư và đồng chí Ama Tâk làm phó bí thư. Việc phân công trong Ban dần dần đi vào bài bản: bộ phận văn phòng, bộ phận cầu đường, bộ phận quản lý phương tiện và vận tải, bộ phận chuyên lo việc huy động dân công và quản lý dân công thường trực và dân công hoả tuyến phục vụ các chiến dịch, bộ phận lo việc vận tải và giao hàng cho hai tỉnh bạn Phú Yên - Khánh Hoà.

Đầu năm 1973, ngoài lực lượng vận tải voi, ngựa, xe đạp thồ, thanh niên xung phong, dân công thường trực, ta bắt đầu sử dụng xe cơ giới “Bò Vàng”. Chuyến ra quân thăm dò đầu tiên do lái xe Nguyễn Duy Linh lái một xe xuất phát từ A10 ra khu kho B34 (thuộc Binh trạm 4 của Binh đoàn 559) nhận 10 tấn gạo đưa về kho an toàn và tiếp thử chuyến thứ 2 cũng với chiếc xe này ra vận chuyển về kho A10 10 tấn muối an toàn. Từ đó, dùng cả 3 xe “Bò Vàng”, xe đạp, ngựa ngày đêm vận tải hàng chiến lược từ binh trạm 4 về cất giấu rải rác tại khu vực kho Tây đường quốc lộ 14 (A9, A10). Đồng thời, chuyển lực lượng thanh niên xung phong, 2 con voi và dân công thường trực ngày đêm vận chuyển hàng từ các khu kho A9, A10 vượt quốc lộ 14, vượt đồn bốt địch về cất giấu khu vực kho T46 (Ea Đáh, phía Bắc quốc lộ 21). Do tình hình còn căng thẳng nên lúc này xe cơ giới, xe đạp ngựa chưa thể vượt đường quốc lộ 14 về phía Đông được, riêng voi thì đi được vì đồng bào dùng voi đi nhiều.

Tháng 4 năm 1973, trong lúc lo dồn sức vận tải hàng về T46 (phía Bắc quốc lộ 21) và tổ chức vượt quốc lộ 21 đêm ngày vào căn cứ H9 để phục vụ cho Tỉnh và đưa hàng xuống ranh giới cho Khánh Hoà, Phú Yên thì nhận được Chỉ thị của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Huỳnh Văn Cần là Ban Giao vận phải cắt ngay một số cán bộ và lái xe cùng cán bộ của Tỉnh, của Huyện đội H4, H5 đi tìm và khai thác khoảng 100 m3 gỗ quý (Cẩm Lai, Trắc, Cà Te, Giáng hương) để đưa ra Hà Nội, góp vào việc xây dựng lăng Hồ Chủ tịch. Ban đã cử 1 cán bộ và 2 đồng chí lái xe cùng một số cán bộ của Tỉnh, của H4, H5 đi làm nhiệm vụ này.

Sau khi tìm, đánh dấu gỗ, Khu uỷ Khu 5 đã cho kỹ sư lâm nghiệp vào kiểm tra, xác nhận và cho phép khai thác. Gỗ được khai thác đã kéo về khu vực A9 và cho tời gỗ lên 15 chiếc xe Jil (9 Jil 130 và 6 Jil 157) do Khu uỷ V đưa vào. Mỗi xe Jil chở 4 m3, tổng số là 60 m3 gỗ. Tất cả đều là gỗ Cẩm Lai, Trắc và Cà Te. Đầu tháng 5 năm 1973, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Đắk Lắk long trọng tổ chức lễ tiễn đoàn xe chở gỗ lên đường ra Hà Nội đúng kế hoạch. Cán bộ và các đồng chí lái xe của Ban Giao vận đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong đó hai đồng chí lái xe Nguyễn Duy Linh và Ama Soong được cấp trên cấp bằng khen.

Khoảng giữa năm 1973, Ban Giao vận Khu 5 cấp cho Đắk Lắk lần đầu 2 chiếc Jil 57 và 1 xe GAZ 53 cùng 1 đội trưởng và 3 đồng chí lái xe. Như vậy, đến lúc này, Ban đã hình thành được đội xe cơ giới gồm 3 xe Bò Vàng, 2 Jil 57 và 1 xe GAZ 53 cùng đội lái xe 8 người do đồng chí Lê Văn Minh làm đội trưởng.

Ngày 04 tháng 02 năm 1973, Uỷ ban nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Đắk Lắk được thành lập. Uỷ ban gồm có 10 đồng chí do đại tá Y Blôk Êban - Phó Bí thư Tỉnh uỷ làm chủ tịch, đồng chí Lê Chí Quyết - Phó Bí thư Tỉnh uỷ làm bí thư ban cán sự Đảng, phó chủ tịch thường trực, đồng chí Trần Trương làm uỷ viên thư ký, đồng chí Nguyễn An Vinh làm chánh văn phòng v.v...

Đến tháng 10 năm 1973, đồng chí Lê Chí Quyết được Thường vụ Tỉnh uỷ điều sang công tác bên Tỉnh đội, Thường vụ Tỉnh uỷ không cử ai thay vị trí trưởng ban của đồng chí Quyết mà Ban Thường vụ Tỉnh uỷ trực tiếp chỉ đạo luôn cho đến sau giải phóng năm 1975. Lãnh đạo Ban bổ sung thêm một uỷ viên Ban là đồng chí Vũ Đình Thanh. Đồng chí Vũ Đình Thanh lại được phân công ra tăng cường cho A9, A10 để thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và cùng lực lượng vận tải chuẩn bị mở đường cho cơ giới vượt quốc lộ 14 đưa hàng về phía Đông.

Từ khoảng cuối năm 1973, do phía Bắc Ea Súp từ A9, A10 ra Binh Trạm 4 còn mưa, đường sá còn lầy lội, việc vận chuyển hàng khó khăn nên Ban giao thêm hai nhiệm vụ cho bộ phận này như sau:

1. Khẩn trương mở đường từ A9 và A10 đến giáp quốc lộ 14 (đoạn cây số 62) để đầu mùa khô năm 1974 cho xe cơ giới vượt quốc lộ 14 đưa hàng về T46 (khu vực kho Ea Đáh, phía Bắc quốc lộ 21).

2. Dùng lương thực, thực phẩm tại chỗ (A9, A10) mở cấp tốc một lớp đào tạo lái xe trong thời gian từ hai đến ba tháng cho Khánh Hoà, Phú Yên và Đắk Lắk. (Đắk Lắk: 6 người, Khánh Hoà: 6 người và Phú Yên: 4 người.)

Đầu mùa khô năm 1974, 2 xe Bò Vàng vượt quốc lộ 14 tại đoạn Km 62, lần lượt đưa 50 tấn hàng hoá các loại, chủ yếu là hàng H về khu vực kho T46 ở phía Bắc quốc lộ 21. Lực lượng vận tải còn lại ở Rừng Xanh vấn tiếp tục tải hàng từ binh trạm 4 về A9, A10. Còn hàng tại T46 thì dùng lực lượng thanh niên xung phong, dân công thường trực đêm đêm gùi hàng vượt quốc lộ 21 chuyển vào cánh Nam giao Ban Kinh Tài và Hội đồng Chi viện tiền phong phân phối theo chỉ đạo của Thường vụ Tỉnh uỷ. Riêng hàng H của Phú Yên, Khánh Hoà thì từng đợt tổ chức vận chuyển xuống ranh giới giao cho bạn đưa về nội địa.

Cũng trong khoảng thời gian 1973 - 1974, hàng hoá khai thác được từ quốc lộ 14, quốc lộ 21, từ các dinh điền, đồn điền, từ nội thị và các cửa khẩu Phú Yên, Cần Ché (Kratiê - Campuchia) hàng mấy chục tấn gạo, muối, đường sữa, vải bô, áo quần, thuốc men, văn phòng phẩm, giày dép v.v... đặc biệt là muối thì do hậu cần, từng cơ quan và lực lượng dân công tự tổ chức đi gùi, cõng về cho mình. Đặc biệt là có một số nhà hảo tâm có thiện cảm với cách mạng của tỉnh Phú Yên đã cho đội vận tải 14 con ngựa do đội trưởng Nguyễn Thông phụ trách và 14 anh em tự nguyện lên giúp Ban Kinh tài Đắk Lắk vận chuyển hàng từ cửa khẩu Phú Yên về Đắk Lắk suốt gần 2 năm, đến khi giải phóng năm 1975 thì họ mới trở về lại các chủ tư nhân của Phú Yên.

Cuối mùa mưa năm 1974 và đầu mùa khô năm 1975, hàng hoá từ miền Bắc dồn dập đưa vào cho cả 3 tỉnh Phú Yên, Khánh Hoà và Đắk Lắk - đặc biệt là vũ khí đạn dược. Khu V lại bổ sung thêm cho Tỉnh 4 xe GAZ 53 (thường gọi là xe Vọt tiến), huy động thêm lực lượng dân công thường trực, ngày đêm mở thêm nhiều tuyến đường, làm thêm cầu cống. Suốt thời gian này, mọi lực lượng vận tải (cơ giới, ngựa, voi, xe đạp, gùi bộ v.v...) rầm rập ngày đêm trên các tuyến đường từ binh trạm 4 về A9, A10, về phía Đông quốc lộ 14, phía Nam quốc lộ 21 đưa hàng trăm tấn lương thực và hàng hoá về chiến trường Đắk Lắk, Khánh Hoà và một phần cho Phú Yên, góp phần tích cực chuẩn bị cho chiến dịch Mùa xuân năm 1975.

Có thể nói, qua hơn 7 năm kể từ ngày thành lập, Ban Giao - Vận đã huy động trên dưới 30.000 ngày công phục vụ chiến đấu, phục vụ mở đường vận tải, phục vụ gùi cõng v.v... và đã làm thêm được hơn 200 km đường vận tải, trong đó có gần 100 km đường vận tải bằng xe cơ giới, trên 50 cầu cống, và chỉ tính riêng trong năm 1974, đầu năm 1975 lực lượng Tỉnh vận chuyển được trên 1.000 tấn hàng hoá về cho Đắk Lắk, Khánh Hoà, Phú Yên v.v...

Trong những ngày tháng 3 năm 1975 lịch sử, quân giải phóng tấn công vào thị xã Buôn Ma Thuột, Ban Giao - Vận phân công đồng chí Vũ Đình Thanh uỷ viên, cùng các đồng chí: Nguyên Như Hiếu, Lê Bổng, Nguyễn Hoà Đạo, Lê Hồng Danh, Phạm Minh Hoạ và hai lái xe là Nguyễn Duy Linh, Dương Thành Nghĩa v.v... nằm trong đội hình của Uỷ ban Quân quản thị xã Buôn Ma Thuột cùng hành quân với đồng chí Lê Chí Quyết - Bí thư Đảng uỷ, Phó Chủ tịch thường trực Uỷ ban Quân quản vào thị xã ngày 10 tháng 3. Đồng chí Vũ Đình Thanh cùng các đồng chí trong Ban đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Uỷ ban Quân quản giao. Trong đó có việc đồng chí Vũ Đình Thanh và một số đồng chí của Ban Giao vận đã đi cùng bộ đội vào khu Pháo binh Thiết giáp địch thu một số chiếc xe Jeep, sau đó dùng các xe này cho Uỷ ban Quân quản đi lại và tổ chức ra đón đồng chí Bùi Sang - Phó Bí thư Khu uỷ và đồng chí Huỳnh Văn Cần - Bí thư Tỉnh uỷ từ cơ quan chỉ đạo tiền phương của Tỉnh đóng tại Đạt Lý 2 vào thăm thị xã giải phóng, nghe Đảng uỷ, Uỷ ban Quân quản báo cáo tình hình để có hướng chỉ đạo tiếp. Đồng chí Vũ Đình Thanh cũng được Đảng uỷ và Uỷ ban Quân quản giao nhiệm vụ đưa xe ra cơ quan tiền phương đón Đại tá Y Blok - Chủ tịch Uỷ ban Quân quản thị xã Buôn Ma Thuột vào ra mắt Uỷ ban Quân quản trước 300 đại diện đồng bào thị xã Buôn Ma Thuột tại đình Lạc Giao vào sáng ngày 18 tháng 3 năm 1975. Ngay sáng hôm sau, ngày 19 tháng 3 năm 1975, 3 tốp máy bay địch điên cuồng ném bom xuống khu vực đình Lạc Giao, nơi trụ sở Uỷ ban Quân quản và là nơi ra mắt trước đồng bào, ném bom khu vực chợ trung tâm thị xã, khu phố Hai Bà Trưng, Phan Chu Trinh v.v... làm chết, bị thương trên 200 đồng bào, bộ phận Giao vận của ta trong Uỷ ban Quân quản tham gia tích cực vào việc chôn cất người tử nạn, cứu chữa người bị thương.

Sau khi giải phóng hoàn toàn Buôn Ma Thuột, ngày 15 tháng 3, được tỉnh uỷ giao nhiệm vụ, ban Giao vận tỉnh đã cử các đồng chí: lái xe Nguyễn Duy Linh lái, y sỹ Lương Viết Tự và bảo vệ Nam chở đồng chi Huỳnh Văn Cần - Bí thư Tỉnh uỷ đi dự họp tại Sở Chỉ huy Tiền phương (mật danh là Sở chỉ huy A1) để nghe Bộ Tư lệnh chiến trường thông báo và triển khai chủ trương giải phóng hoàn toàn miền Nam của Bộ Chính trị và Quân uỷ trung ương, chuyến đi đã đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Tỉnh mới được giải phóng, chính quyền còn non trẻ, tình hình chiến sự vẫn nóng bỏng ở toàn miền Nam, việc giao thương hàng hoá bị đình trệ nên sau ngày giải phóng, mọi nhu cầu cho cuộc sống của người dân rất thiếu thốn. Trước tình hình đó, Trung ương đã cấp cho Tỉnh trên 2.000 tấn lương thực và hàng trăm tấn muối, thuốc y tế, xăng dầu, vải vóc, quần áo, đường sữa v.v... Lực lượng vận tải của Ban Giao vận là lực lượng chủ yếu phối hợp cùng các lực lượng khác ngày đêm hoàn thành nhiệm vụ đưa hàng về các kho Tỉnh để Uỷ ban nhân dân cách mạng Tỉnh phân bổ khẩn cấp đến người dân.

Cuối tháng 5 năm 1975, Uỷ ban Quân quản thị xã Buôn Ma Thuột kết thúc nhiệm vụ. Các lực lượng của Uỷ ban Quân quản đều trở về lại đơn vị mình. Bộ phận Giao vận do đồng chí Vũ Đình Thanh quản lý cũng trở về lại Ban Giao vận làm nhiệm vụ.

Tháng 10 năm 1975, để kiện toàn một bước hệ thống đơn vị hành chính và bộ máy chính quyền cấp tỉnh theo sự chỉ đạo của cấp trên, Ban Thuờng vụ Tỉnh uỷ quyết định chuyển Ban Giao - Vận tỉnh thành Ty Giao thông vận tải tỉnh và do đồng chí Trần Thúc Cừ (Ban Giao thông vận tải Khu uỷ V điều động tăng cường vào Đắk Lắk) làm phó trưởng ty (chưa có trưởng ty). Lực lượng của Ban Giao vận phải sắp xếp lại theo yêu cầu mới. Sau khi nghiên cứu, tổ chức chỉ giữ lại một số đồng chí có tư tưởng ổn định, có sức khoẻ, có trình độ tối thiểu về học vấn, chuyên môn nghiệp vụ để xếp vào vị trí công tác mới và bổ sung vào các đội truy quét FULRO, tiếp tục đi học văn hoá và đào tạo chuyên môn lâu dài. Các đồng chí khác không ở lại thì hưởng chế độ nghỉ mất sức, thôi việc và nghỉ hưu theo thời gian được quy đổi vì lý do sức khoẻ yếu kém, không có chuyên môn nghiệp vụ,... hoặc không yên tâm tiếp tục công tác, muốn về quê xem người thân sống chết ra sao, nhà cửa thế nào sau những năm chiến tranh ác liệt. Các đồng chí tham gia chiến đấu của Ban Giao - Vận được cho về đều đã được giải quyết chế độ nghỉ hưu, trợ cấp mất sức hoặc trợ cấp thôi việc. Riêng về quyền lợi chính trị - chủ yếu là khen thưởng thành tích trong chiến tranh thì phần lớn lúc ấy chưa có cơ quan nào giải quyết được vì bộ máy thi đua khen thưởng các cấp chưa hình thành, công việc vô cùng bề bộn sau giải phóng.

Như vậy, kể từ tháng 10 năm 1975, Ban Giao thông vận tải tỉnh Đắk Lắk đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử là tham mưu cho Tỉnh uỷ và trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ về lĩnh vực giao thông vận tải, góp phần bé nhỏ cùng với quân dân cả nước nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng lập nên chiến thắng Buôn Ma Thuột giải phóng tỉnh Đắk Lắk, mở màn cho chiến thắng mùa xuân 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Hơn 7 năm kể từ ngày thành lập - tháng 4 năm 1968 đến tháng 10 năm 1975, với một khoảng thời gian không dài, nhiệm vụ được Thường vụ Tỉnh uỷ giao rất nặng nề, trong khi đó lực lượng và phương tiện vận tải không nhiều, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ rất ít chủ yếu là từ ngoài Bắc vào còn lại không có chuyên môn nghiệp vụ, thậm chí một số đồng chí không biết chữ. Sức khoẻ phần đông anh em lại ốm yếu do thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu ngủ, sốt rét... Trong khi đó, địch lại luôn luôn tăng cường đánh phá ác liệt, nhất là thời kỳ 1974 - 1975 vào các tuyến đường hành lang vận tải của ta, nhưng với ý chí kiên cường bất khuất, đoàn kết thương yêu nhau nên toàn Ngành vượt qua gian khổ hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Thường vụ Tỉnh uỷ giao, đặc biệt là công tác vận tải vô cùng nặng nề phục vụ trước, trong và sau đại thắng mùa Xuân năm 1975 tại thị xã Buôn Ma Thuột và toàn tỉnh Đắk Lắk nói chung.


Каталог: TaiLieu
TaiLieu -> MỘt số thủ thuật khi sử DỤng phần mềm adobe presenter tạo bài giảng e-learning
TaiLieu -> Trung tâM ĐÀo tạo mạng máy tính nhất nghệ 105 Bà Huyện Thanh Quan – 205 Võ Thị Sáu, Q3, tp. Hcm
TaiLieu -> Céng hßa x· héi chñ nghÜa viÖt nam Độc lập tự do hạnh phúc
TaiLieu -> ĐỀ thi học sinh giỏi tỉnh hải dưƠng môn Toán lớp 9 (2003 2004) (Thời gian : 150 phút) Bài 1
TaiLieu -> A. ĐẠi số TỔ HỢp I. Kiến thức cơ bản quy tắc cộng
TaiLieu -> Wikipedia luôn có mặt mỗi khi bạn cần giờ đây Wikipedia cần bạn giúp
TaiLieu -> CHÍnh phủ CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
TaiLieu -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
TaiLieu -> BỘ luật lao đỘng của Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam BỘ luật lao đỘng ngày 23 tháng 6 năm 1994 và

tải về 1.26 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   14




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương